NÁC LỤT VỀ

Ngọc Tuân


Buổi tối, chương trình thời sự đưa tin, bão vào miền trung, nước sông Kiến Giang đang lên mức báo động 3. Vậy là lụt rồi, nước đã tràn đường, chảy qua đồng, ngập trắng làng quê tôi. Ruột gan nóng lên, chộn rộn bỡi nhiều lẽ. Lo nước về sâu quá, dìm ngập những mái ngói nhỏ nhoi ven sông của những người nghèo. Lúa ướt, chó, lợn lõm bõm trong cái lạnh của nước bạc, gà, vịt đậu cành tre chông chênh mưa vùi, gió thổi. May mắn thì được đứng chung trên chiếc bối chuối dưới trời mưa. Trong nhà, nước đã trùm mái hiên, chỉ còn cái tra bé xíu cho cả gia đình ăn, ngủ, đái, ỉa. Muốn ra ngoài phải chui qua khu đị. Lũ trẻ thì vô tư, đôi khi chúng còn thích thú. Người lớn thì nét mặt đăm chiêu, lo lắng, chốc chốc lại nhìn mớn nước ở chỗ ướt cột nhà xem nó đang lên hay là rút, để mà lo liệu. Đầu làng, cuối xóm tiếng gọi nhau ý ới, người nọ nhờ người kia giúp sức việc gì đó. Lúc thì bắt hộ con lợn lên chỗ cao, lúc thì chở hộ mấy đứa trẻ sang sơ tán bên nhà hàng xóm. Vài nhà ở ven sông, nước chảy xiết, tường lở, nhà xiêu, coi chừng đổ sụp, gọi hàng xóm giúp đưa nốt ít quần áo, chăn màn, thóc gạo về sân nhà đội. Tiếng gọi nghẹn lại trong bất lực. Thủy, hỏa, đạo tặc, nước là số một, chẳng ai cản được. Phút chốc gia tài dành dụm chắt chiu của nghề nông khốn khó có thể tuột khỏi bàn tay chai sần, run rẩy. Mưa chảy ròng trên má, lăn theo giọt nước mắt trên khuôn mặt dăn deo đầm trong nước bạc. Nghĩ đến đó tôi rùng mình, sao quê mình khổ thế? Ngót 60 năm rồi từ ngày độc lập nhiều nhà vẫn không có tiền để vượt cái nền nhà lên cao tránh lụt!

“Nác lụt thì lút cả làng”. Vậy nhưng, bên cạnh cảnh khốn khó của người nghèo, nác lụt cũng để lại nhiều kĩ niệm cho hầu hết cư dân Lệ Thủy. Có lần, gặp anh bạn đồng hương trong buổi quyên góp ủng hộ quê hương đang chìm trong lũ lụt của cơ quan. Anh ghé tai tôi nói nhỏ “Nói cậu đừng giận, dân Lệ Thủy mà nghe lụt mừng bỏ mẹ”. Câu này mà nói to là quan điểm đấy, khéo mắc vào “cái mồm làm hại cái thân”. Nhưng nghĩ lại thấy hay hay. Ừ, lụt ở Lệ Thủy chỉ có hại khi lúa chưa kịp thu hoạch. Khi đó người Lệ Thủy như chuột nhúng nước, suốt ngày loi ngoi ngoài ruộng, mò từng nắm lúa. Nếu chậm, chỉ ba ngày thôi là lúa lên mộng, vớt lên thối ủng, cho chó chó còn chê. Công cày cấy coi như toi. Giáp hạt là đói. Còn nếu như mùa màng đã thu hoạch rồi thì… Lụt thật vui.

Cỡ chừng giữa tháng 9 đến hết tháng 10 là mùa lụt ở Lệ Thủy. Mưa hoàn lưu của các cơn bão trút nước xuống mái nhà Trường Sơn, nước cuồn cuộn chảy xuống. Chỉ hai ngày mưa thôi, các cánh đồng Lệ Thủy ngập trắng nước bạc. Có lụt về, đồng điền được phủ một lớp phù sa mướt mát dưới bàn chân. Vụ chiêm năm ấy luá sẽ tốt mà chẳng cần phân tao. Có lụt về, cá đầu nguồn trẩy hội về đồng sinh nở. Thức ăn có sẵn từ những hạt lúa còn sót lại, ngâm nước, bở bung. Chúng sẽ lớn nhanh như thổi, béo nhẫy. Cất rớ, thả lưới bén, đặt đó, đập lòng còng… kiểu gì cũng có cá ăn. Có lụt về, lũ chuột, sâu bọ, rắn rết bị đẩy trôi ra biển, mùa màng năm ấy đỡ lo diệt chuột. Vậy sao lại không vui.

Lụt chỉ để lại nỗi lo cho người lớn. Còn chúng tôi, lũ trẻ con mừng vui ra mặt. Mưa chỉ hai ngày thôi là ra sân ngóng trời. Nếu mây còn đen, gió đông vẫn thổi là vác dao ra vườn chặt chuối, vót cây tre, đóng bối, neo sẵn ở vườn. Đứa nào cũng “ra ngóng, vào trông”, lấy que làm cữ xem nước. Thỉnh thoảng lại chạy ra xem nó lên, hay xuống. Thường về đêm nước lên thật nhanh. Nước chưa vào nhà thì nằm trên giường nhưng chân lại thõng xuống đất. Sợ nước lên mà ngủ quên không biết. Nói là ngủ đấy, nhưng tai vẫn lắng nghe tiếng nước ì oạp ngoài thềm. Ngoài trổông, tiếng con sào của ai đó va lộc cộc vào mạn thuyền. Thỉnh thoảng có ánh đèn pin rọi tới, tiếng người bâng quơ “Bác ơi, nác vô nhà chưa?”. Ấy là người ta quan tâm đến nhau và sẵn sang giúp đỡ. Nửa đêm, nước tràn qua nền nhà. Lúc đầu là những đợt sóng rè rè đuổi nhau. Một lúc sau, nước đã lên mấp mé thành giường. Đã cảm nhận được cái lạnh dưới chiếu. Những lúc đó, tôi mong cho trời mau sáng.

Khi mới nhận ra màu sáng bạc của ngày mới, tôi đã tõm xuống nước. Lạnh. Cái lạnh của nước bạc thấm nhanh đến xương nhưng với tôi nó chẳng mùi mẽ gì. Mẹ tôi dậy từ lúc nào hay bà thức trắng đêm cũng chẳng biết. Mùi ngô rang thơm lừng đã vây bọc lấy cái mũi. Tôi hít hà, sán đến, cười nịnh rồi bốc vài nắm cho vào túi. Tay bốc ngô nhưng chân đã lội ra thềm, với cây sào, ra sân, trèo tót lên bối. Chẳng gì vui bằng rủ lũ bạn đi đoọc chuột, đi bắt chim trời ướt cánh trôi trên đồng. Từ mấy hôm trước, lũ chúng tôi đã hí hoáy làm đoọc. Lấy thanh sắt tròn cỡ cái đũa, đập bẹp đầu, cắt nhọn, làm ngạnh rồi buộc chặt vào cây hóp dài. Lũ chuột bị ngập nước trèo lên cây tránh lụt, thấy người là run cói rói mà bất lực. Cứ nhắm thẳng cái đọoc vô bụng hắn rồi đâm tới. Có con bí quá đành phi xuống nước. Đã có lũ chó hăng hái ngồi trên bối chờ sẵn. Chúng nhao xuống, bơi theo, ngoạp lấy rồi bơi về nộp cho chủ. Tối ấy thể nào cũng có bữa thịt chuột kho măng tre với ớt bột.

Chịu khó và gan góc một tí thì chống bối ra đồng ngoài, sau muà gặt, lũ chim trích, chim cuốc con chưa đủ cánh, không bay được bơi dập dềnh trên sóng. Đi bối thì chậm, không đuổi được, phải nhào xuống, bơi, lặn theo chúng. Lũ trẻ chúng tôi chia ra nhiều hướng vây, đuổi, ngụp lặn chẳng khác gì đám trích mẹ. Đến chiều, thường thường gió sẽ đổi chiều Đông – Tây. Sóng dồi từ phía Đồng Hới lên, những cái bối tự dưng như được đẩy lên, chẳng cần chống cũng về được đến nhà. Chim non ấy mà nướng lên, chấm muối chanh thì mê mẫn.

Đoọc chuột, bắt chim, những trò ấy chỉ là trẻ cấp một, cấp hai, lớn hơn một chút lên cấp ba là liều lĩnh hơn, tham gia những trò mạo hiểm hơn. Trò vớt rều. Nói là rều thì hình dung đó là củi cành, lau sậy khô trên rừng trôi về. Nào phải vậy, gỗ, cơ man nào là gỗ. Gỗ cây, gỗ súc người ta khai thác trên rừng chưa kịp kéo về theo dòng nước lũ trôi băng băng. Chính quyền cấm, ai vớt được là tịch thu. Nhưng không vớt thì nó cũng trôi ra biển. Vậy là chèo thuyền ra sông Kiến Giang đón đợi. Củi rều thì chuyện nhỏ nhưng gỗ lớn thì không đơn giản. Những cây gỗ lao băng băng theo dòng nước, nếu sơ sểnh để nó tông thẳng vào thuyền là coi như xong. Thằng chèo lái, thằng chèo mũi, phải khéo léo áp thuyền vào cạnh nó, trong tay cầm sẵn cái móc sắt to. Bập vào, mà chỉ được bập ở phần đuôi rồi để cho nó kéo thuyền đi. Lựa theo dòng chảy mà lái vào bờ, buộc chặt vào lái hoặc nhận chìm đò cho nó vào rồi tát nác đi, chèo về.

Đông vui nhất vẫn là trò cất rớ. Lụt đến là hầu như nhà nào cũng có rớ. Chỗ nước tràn đường là nơi xôm tụ nhất. Cá đi đẻ thường ngợp nước ở chỗ chảy xiết. Sau cái dòng xiết ấy mà có một khoảng nước quẫn là lắm cá chép. Chỗ cống từ đồng đổ ra sông thường nhiều cá rô thóc, cá lúi. Đám cất rớ ai cũng có cái chạc ba bằng tre cắm trước mặt để gác cái sào rớ và buộc cái roộng. Cất rớ mà được nước là say lắm, đứng cả ngày không biết mỏi.
Đêm nay trời lại mưa, muốn về quê lắm.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét