NHỚ GIÓ LÀO

Ngọc Tuân


Chỉ có một thứ gió nóng thịnh hành vào mùa hè mà lúc người ta gọi là gió Mậu Dịch, lúc thì gọi là gió Phơn, nghe lạ hoắc. Xứ Lệ Thuỷ quê tôi cứ gọi là gió Lào, cho nó dễ hiểu. Mùa gió Lào bắt đầu từ tháng cuối tháng tư đến tháng chín. Đầu tiên là những giọt mưa lác đác mỗi buổi chiều. Cảm nhận như nó rơi từ rất cao, mưa chẳng bao giờ thành trộ, chỉ đủ để làm mặt đất bốc hơi nóng ngùn ngụt. Các cụ gọi đó là “mưa ngoi nam”. Sau vài ngày ấm ách kiểu đó là mùa gió lào.
Mùa gió lào không khí như nhẹ hơn, khí quyển trong hơn nên tầm nhìn xa hơn, đứng từ biển có thể nhìn thấy suốt dẫy Trường Sơn. Núi đồi nổi rõ phía chân trời, cảm nhận được những tầng lá xanh, những khe sâu xanh thẩm, những dẫy núi kế tiếp nhau nhạt dần trong màu xanh lam. Bầu trời cũng nhẹ hơn, cất bổng lên cao, lác đác vài sợi mây trắng. Cuối chân trời là sắc vàng gạch cua. Những ngày gió thổi mạnh, khoảng chiều tối mới thấy phía núi xa có chân mây. Chắc có mưa ở đâu đó tận bên kia dãy Trường Sơn.
Khoảng rằm tháng năm, gió lào bắt đầu thổi mạnh, từng đợt gió đuổi nhau không ngớt trên cánh đồng, trùm lên làng xóm, đập phần phật trên những tàu lá chuối, xô rạp những khóm tre, chạy ràn rạt trên mái nhà, giật tung các cánh cửa. Gió cứ mãi miết như thế suốt bốn, năm tháng trời. Gió nóng. Cái nóng của gió lào thật khó tả. Chẳng giống cái nóng của lửa, cũng chẳng giống cái nóng của ánh nắng mặt trời. Nóng khô. Nóng không phải để nung nhiệt lên mà như để vắt kiệt nước trong cơ thể. Nóng hong khô áo quần chỉ trong chốc lát, để lại những vệt muối trắng loang lỗ trên áo lão nông. Nóng chiếu, nóng phản gỗ, nóng nền nhà, sờ vào đâu cũng nóng, cũng như giòn ra. Đứng nóng, ngồi nóng, nằm nóng, bứt rứt không chịu được.
Chỉ sau một vài tuần gió lào, đồng điền bắt đầu khô, đất nứt chân chim, ao hồ co hẹp lại. Chuối rũ xuống nhiều lá hơn, cây nào cũng trút bớt lá để chống chọi sinh tồn, lớp lá khô trong vườn dày thêm. Nhiều năm, suốt hè không hề có giọt mưa, sông Kiến Giang khô kiệt, xe trâu, xe công nông xuống tận lòng sông chở cát. Sông chỉ còn lại vài quãng nước, sủi bong bóng. Có năm khô kiệt lâu, ở những đoạn lòng sông cũ bị bồi lấp, lớp bùn cũ co lại, đất hai bờ tụt xuống vài mét, nuốt chững cả căn nhà hai tầng.
Mãi sau này, khi lớn lên được đi học tôi mới vỡ ra gió lào là gió thổi theo mùa từ vịnh Ben Gan sang, khi đi qua lục địa Thái, Lào nó đã để lại một phần hơi nước. Đến dãy Trường Sơn, gió bị chặn lại, thổi lên cao, gặp lạnh, chút hơi nước cuối cùng làm mưa cho tây Trường Sơn. Chặng cuối của nó, chỉ còn lại gió khô, trườn xuống các sườn đồi sỏi đá Đông Trường Sơn đã được hun nóng dưới nắng hè để lấy thêm nhiệt rồi táp hơi lửa xuống làng xóm dưới đồng bằng trước khi chạy ra biển. Ở những quãng rừng ít, đồi sỏi nhiều, gió càng nóng. Ở những quãng dãy Trường Sơn tạo những nhánh song song chìa ra biển, ở đó gió càng mạnh. Gió Lào thổi từng đợt, thường thì vài ba ngày, có khi mươi ngày, dài nhất là hai mươi, hâm lăm ngày. Thường thì có hai khoảng lặng vào chiều tối và sáng sớm.
Nghiệt ngã là vậy nhưng cũng có những lúc nó xuống nước dịu dàng làm người ta nhớ. Ấy là từ nửa đêm về sáng, sau khi thổi nguội những hòn sỏi nóng của núi đồi, nó trở nên mát mẻ. Những lúc này, đặt cái chõng tre ngoài sân mà tận hưởng những đợt gió ào ạt, đánh một giấc ngủ dài thật sướng. Những ai chưa quen hoặc con trẻ còn non nớt thì phải đắp chăn. Cẩn thận thì nên có cái gì đó đắp ngang bụng kẻo tháo dạ.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét