HƯƠNG DẦU TRÀM

Ngọc Tuân


Suốt đời tôi chẳng bao giờ quên hương thơm nồng dịu của dầu tràm, thứ dầu được nấu từ cây tràm mọc tự nhiên trên những đồi trọc cằn cỗi ở Bình- Trị - Thiên. Ở Quảng Bình, cây tràm mọc nhiều ở rừng Lệ Thủy. Lá tràm được hái tươi, chưng cất lên để lấy tinh dầu làm thảo dược. Quý lắm.
Dầu tràm dùng để phòng cảm mạo, làm ấm người, khử độc, sát trùng, long đờm, cầm máu…Trong dầu tràm có từ 40 – 50% Eucalypton có tác dụng sát khuẩn rất cao. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy trong dầu tràm có hoạt chất a-terpineol có khả năng ức chế virus H5N1. Theo kinh nghiệm dân gian dầu tràm được dùng trong nhiều trường hợp. Trước hết nó có tác dụng thông mũi cho trẻ sơ sinh. Chỉ cần cho bé ngửi gián tiếp, như bôi vào cạnh vú mẹ để bé vừa bú vừa ngửi. Khi tắm cho bé, hòa nước ấm và nhỏ một vài giọt vào nước tắm phòng cảm và làm mát da chống rôm sảy (lưu ý rằng, dầu tràm không nóng). Người lớn dùng dầu tràm để chống cảm mạo bằng cách bôi vào thái dương, vào mũi. Khi bị cảm thì cho vài giọt vào nồi nước xông, có tác dụng thúc đẩy tiết mồ hôi, thông kinh mạch. Khi bị muỗi cắn, chấm một tí vào vết cắn. Khi bị đầy hơi, xoa một ít dầu tràm vào rốn… Ngoài những tác dụng đã nói, nếu bạn cho một ít dầu tràm vào bình xịt để xịt vào phòng ngủ thì khỏi mắc màn. Một ít xịt vào toilet để khử trùng và tạo mùi thơm. Các bạn sinh viên lười mắc màn nên áp dụng kinh nghiệm của tôi. Ngoài những giá trị nói trên, nó còn giúp nhận biết mùi đồng hương. Nói chung dầu tràm rất đắc dụng trong nhiều trường hợp. Mỗi nhà nên có một chai dầu tràm dùng dần.

Để có tinh dầu tràm, phải chưng cất rất công phu. Người ta bứt lá tràm tươi, cho vào nồi theo công thức 2/3 lá tràm, 1/3 nước, đậy kín rồi đun. Đun trong 5 tiếng liền. Dùng nõ thu tinh dầu như cách chưng cất rượu. Cứ 1,5 tạ lá tươi cho 1 lít dầu tràm. Cành , lá tràm sau khi nấu dầu, tải ra, phơi khô dùng làm củi đun. Lá tràm tươi vẫn đốt cháy được. Nhiều hôm trời mưa, củi ướt, thợ nấu dầu tràm dung lá tràm tươi để đốt lò.
Theo thời giá bây giờ, 1 lít dầu tràm từ 100 đến 150 ngàn đồng. So với dầu gió là đắt nên ít người mua. Thợ nấu dầu cho biết rằng, họ phải mua một gánh lá là 10 nghìn đồng. Nếu bán với giá đó là lỗ, còn tiền củi đun, tiền công thợ. Đành phải lấy công làm lãi, sang sớm xua hết lũ con, cháu lên đồi bứt lá, lượm củi đun. Ngày nay, dầu tràm ngày một ít đi do nhiều nguyên nhân. Trước hết là diện tích tràm tự nhiên bị mất dần do trồng rừng. Thứ nữa, dầu gió các loại, nồng nặc, rẻ tiền tràn ngập. Người nấu dấu tràm bỏ nghề, số ít còn lại có khi phải nấu cả dầu chổi mà không đủ sống.
Dầu tràm rất gần gũi với người Lệ Thủy. Mỗi lần về quê tôi không quên mua vài chai dầu tràm vừa dùng vừa làm quà cho bạn bè. Ở xa quê, dầu tràm là thứ quý giá lắm. Đôi khi uống rượu thuốc xong, thấy cái chai 100ml đẹp, bỏ đi thì tiếc. Vậy là nhặt lại khệ nện mang về quê biếu bà bán dầu tràm trong xóm. Giá như có một vùng quy hoạch để bảo tồn cây tràm, cây chổi rèng (hai thứ cây này thường sống xen với nhau, đều cho dầu) để giữ lấy một thứ dược liệu quý cuả quê hương.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét