ĂN LỄ NƠI XỨ LỆ


Sắp đến ngày lễ Quốc Khánh, trẩy hội đua bơi ở Lệ Thuỷ, định viết vài dòng cho đỡ nhớ nhưng bắt gặp bài của Xuân Thạo (đồng hương), hay quá, nên tải về Blog cuả mình thay cho lời giãi bày. Cám ơn Xuân Thạo nhé.

Xứ Lệ nổi tiếng là vùng đất có chiều dày của nhiều dòng văn hóa dân tộc, nơi hội tụ của các lễ hội từ miền Bắc vào, từ Miền Nam ra. “ĂN LỄ ” muốn nói ở đây của xứ Lệ mới có từ sau cách mạng tháng Tám và không ai biết ăn Lễ đã đi vào lòng người từ bao giờ, nó trở thành dòng chảy vô hình trong con người xứ Lệ. Chắc ít người biết Lễ mà người xứ Lệ tổ chưc để “ĂN ” mà người viết muốn giới thiệu ở đây là Lễ gì ? xin thưa đó là Lễ Quốc Khánh 2/9 của nước ta. 

Từ ngàn xưa người xứ Lệ chỉ có ăn Tết, đó là Tết Nguyên Đán cổ truyền, mỗi khi Tết đến xuân về gia đình giàu có hay nghèo hèn đều tổ chức ăn Tết , người đi làm ăn xa cũng cố thu xếp công việc, dành dụm đồng tiền bát gạo để về quê ăn Tết với gia đình. Lạ thay từ sau cách mạng tháng Tám xứ Lệ lại có thêm ngày để “ĂN” như ngày Tết cổ truyền vậy. Cái ăn của người xứ Lệ trong ngày Lễ này thiết nghĩ nó có xu thế thoát tục, nó có tính nhân văn sâu sắc, mang tính tự nhiên, như dòng máu chảy qua tim từ bao giờ. 

Xứ Lệ từ ngàn xưa đã có tiếng là “Nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện”, trải bao thăng trầm của lịch sử xứ Hai Huyện từ hai trở thành một là huyện Lệ Thủy bây giờ. Mặc dù xứ Lệ đã đi vào lòng người nước Việt là vùng đất giàu có của sản vật mà tự nhiên ban cho nhất là lúa gạo. Tuy thế dưới các chế độ phong kiến người dân xứ Lệ khốn khổ trăm bề, người dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có cơm ăn áo mặc, rồi gồng mình để chống chọi với thiên tai, cái nắng cháy da chang chang cồn cát, rồi mưa mút mùa Lệ Thủy cả huyện trở thành biển nước mênh mông. Cái giàu sang, cái nghèo hèn của xứ Lệ ngày trước chỉ được quên đi mỗi khi Tết đến, xuân về đón ông, bà, người thân về ăn tết. Nói về xứ Lệ như mạch nguồn trăm song không bao giờ cạn, xin hẹn tâm sự lần sau, bây giờ lại nói về ăn Lễ. 

Ngày Lễ 2/9 người xứ Lệ không nặng về tâm linh như tết cổ truyền, nhưng lòng người rộn ràng và náo nức vô cùng, ngày Lễ ra đường gặp nhau ai cũng tay bắt , mặt mừng, từ Nam, Phụ, Lão, Ấu đều bàn tán thật rôm rả, chuyện làng mình, xã nọ có thêm gì mới trong dịp lễ này không, công việc chuẩn bị thuyền bơi, đua như thế nào, năm này ai nhất ai nhì, trai làng này được quan tâm chăm sóc nên sức vóc có vẻ mạnh hơn năm trước, năm nay ngoài giải của Huyện, Làng này, Xã nọ còn có thêm nhiều giải thưởng nên các Trai, các Gái quyết tâm hơn nhiều…

Trung tâm ăn Lễ của xứ Lệ là hội đua thuyền, Hội đua thuyền ở xứ Lệ đã có từ khi những cư dân Đại việt vào đây khai hoang mở đất, ngày ấy mọi hoạt động đời sống của cư dân đều dùng thuyền, bởi xứ Lệ ngày ấy là vùng sông nước mênh mông. Từ đời sống nặng lòng với sông nước nên người xứ Lệ tổ chức hội đua, bơi bằng thuyền vừa giao lưu trong cộng đồng nâng cao đời sống văn hóa, vừa trao đổi làm ăn trong cuộc sống. Trước đây tổ chức theo làng, vì làng được xem như một đơn vị hành chính, làng này đua với làng kia, rồi nhiều làng cùng đua với nhau mà trở thành lễ hội nhiều năm trở thành truyền thống của xứ Lệ. Đây là lễ hội lôi kéo đông đảo nhất mọi từng lớp nhân dân cùng tham gia. Hội đua thuyền nhiều nơi cùng tổ chức, không chỉ có ở nước Việt ta mà có ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đua, bơi xứ Lệ vẫn có nét riêng mà không nơi nào có được. Hội đua thuyền ở xứ Lệ không chỉ có riêng nam mà còn có cả nữ, thuyền của trai gọi là Nốc bơi, thuyền của nữ gọi là Nốc đua. Thuyền bơi của của Nam được thiết kế to và dài cho khoảng 30 đến 35 trai ngồi thành từng cặp bên mạn thuyền, tay cầm chầm ngắn để khua nước đẩy thuyền đi. Thuyền đua của nữ được thiết kế thon và nhỏ cho khoảng 12 đến 15 cô gái đứng thành hàng dọc trong lòng thuyền tay cầm chèo được gắn cách nhật hai bên mạn thuyền để khua nước đẩy thuyền đi trai gái mặc đồng phục, thuyền được trang trí vẽ hình con Rồng. Hội đua thuyền khai mạc vào ngày 2/9, nhưng từ ngày 20/8 các thuyền bơi đã xuống sông tập gọi là bơi ‘THỤA” để Trai , Gái tập luyện và chỉnh sửa thuyền trước ngày khai cuộc, cũng từ ngày đó cư dân sống bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng đã rộn rạng vào hội. Cùng với đua thuyền ngày Lễ Quốc khánh các địa phương còn tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền… Ngày Lễ nơi trung tâm của Huyện, dọc hai bên bờ sông Kiến Giang, trên bộ dưới thuyền thật náo nhiệt bởi tiếng mõ của thuyền đua, tiếng hò reo cổ vũ của bà con cho trai, gái làng mình giành thắng lợi… 

Ngày Lễ mọi người dân nô nức đón mừng, trẻ con mặc áo mới nô đùa, người lớn gặp nhau tay bắt mặt mừng chuyện trò thật vui. Đặc biệt nhà nào có con đi học, đi làm ăn xa bố mẹ, ông bà luôn nhắc nhớ về quê ăn lễ. Ăn lễ nơi xứ Lệ trở thành ngày đoàn tụ người thân như ngày Tết cổ truyền vậy. Những con dân xứ Lệ xa quê không thể quên ngày Lễ quê nhà, thường hỏi thăm nhau năm này có về ăn Lễ hay không ? “ĂN LỄ ” thực ra chẳng ăn gì ngoài cuộc sống thường ngày. Cái ăn trong ngày lễ của người dân xứ Lệ là được gác lại bao công việc bộn bề của cuộc sống, được hòa mình vào niềm vui chung của cộng đồng, được có thêm những ngày sống trong tinh thần thượng võ của dân tộc, của chính bà con ruột thịt mình. Cái ăn Lễ của xứ Lệ là trẻ con được thỏa sức vui đùa để vun đầy kĩ niệm tuổi thơ, người lớn được mở lòng mừng con cháu trưởng thành cùng vui đoàn tụ với gia đình, những người đi xa có dịp tìm về với cội nguồn xứ sở, về với những kĩ niệm không thể mờ phai của đời người. Nói ra thì chẳng có gì mới, nó mộc mạc thôi mà sao lòng vẫn bồi hồi phải không những ai là người con xứ Lệ. 

Chúc con dân xứ Lệ ăn lễ thật vui.

                                                          Xuân Thạo

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét