NHỮNG CUỘC DI DÂN TRONG LỊCH SỬ BI TRANG CỦA XỨ LỆ

Ngọc Tuân


Cư dân là sự sống của một vùng đất. Không có cư dân thì đất đai phì nhiêu đến đâu cũng không có ý nghĩa gì. Cũng như mặt trăng vậy, đẹp mà lạnh lẽo. Lịch sử sinh động của một vùng đất được miêu tả sinh động trong lịch sử các tầng văn hóa của con người ở vùng đất đó.

Lệ thủy, một vùng đất nhiều truyền thống, các tầng văn hóa phản ánh lịch sử con người ở Lệ Thủy rất phong phú. Cư dân ở đây đã có lịch sử hàng nghìn năm. Có nhiều thuyết khác nhau. Không có điều kiện đi sâu vào tất cả các tầng của nó, tôi chỉ chọn thời kỳ từ khi người Việt xuất hiện ở đây để nhận diện những dòng chảy mà tự nhiên, xã hội đã đưa đẩy, chọn lọc con người trên mãnh đất này. Mục đích là tìm xem cái gì đã tạo nên cốt cách con người xứ Lệ.

1. Những cuộc di dân khai thiết.

Người Lệ Thủy có lịch sử lâu đời rồi. Song, người Việt di cư vào đây thì mới. Tính từ thời có sử sách ghi chép lại thì chỉ mới dưới 1000 năm (từ thời nhà Lý chiếm cứ Bố Chính, Địa Lý, Ma linh vào năn 1069). Khi đó, cư dân bản địa là chủ yếu. Nhà Lý chỉ mới cắt cử một số quan lại vào cai quản. Nhưng chủ yếu cũng chỉ ở châu, huyện do không thông thạo ngôn ngữ bản địa.

Năm Thái Ninh thứ 4 (1075) mới bắt đầu có cuộc di dân có quy mô đầu tiên từ phía Bắc vào Lệ thủy. Năm đó, do người Chăm nhiều lần đưa quân ra quấy phá biên giới Đại Việt, chiếm lại 3 châu đã hiến, vua Lý đã sai Lý Thường Kiệt đem quân vào chinh phạt, thu hồi lại 3 châu. Sau chiến thắng, Lý Thường kiệt đã cho vẽ lại hình thể núi sông. Vua Lý Thánh tông đã cho đổi tên châu Địa Lý Thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và xuống chiếu chiêu mộ dân đến ở, tổ chức lại việc cai trị. Chiếu này có thể coi là văn kiện lịch sử đầu tiên về các cuộc di dân đến Lệ Thủy.

Việt sử xứ đàng trong viết tiếp “Đáp ứng chiếu ấy, nhiều người từ Bắc, đa số là từ miền Nghệ An ở gần đấy bắt đầu đến đất này khai khẩn. Trong số người di dân ấy, những người cùng một họ tộc thường tụ tập một nơi rồi lập thành một làng (xã). Người ta thấy có những làng mà tiếng nôm gọi là “nhà Phan” và tên chữ là xã Phan Xá,, nôm gọi “nhà Vàng” và tên chữ là xã Hoàng Xá, nôm gọi “nhà Ngô” và tên xã gọi là xã Ngô Xá… Các làng ấy được thành lập ở châu Lâm Bình, châu Minh Linh, tức là miền nam tỉnh Quảng Bình và miền bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay. Còn ở châu Bố Chính thì không có những làng lấy tên họ mà đặt như thế.” Giải thích điều này, có sách nói rằng, Bố Chính vốn là đất Đại Việt. Nói vậy là không xác đáng bỡi sử đều chép Bố Chính là đất do Chế Củ cắt dâng. Theo học giã vốn là một nhà truyền đạo người Pháp đã từng truyền đạo trên đất này R.P Cadiere, sở dĩ người di dân bỏ qua Bố Chính là vì “Lâm Bình là nơi đất thấp và phì nhiêu hơn”. Hơn thế, có lẽ đã là di cư thì cồng kềnh, có gì mang theo hết, trâu bò, lơn gà, nhà cữa vì vậy phương tiện hữu hiệu là thuyền bè. Thời ấy đường bộ vào Bố Chính phải vượt Hoành Sơn, sẻ rất gian nan. Họ đã vào theo cữa sông Nhật Lệ rồi ngược dòng lên Long Đại, Bình Giang… Đất Lâm Bình bấy giờ hoang vu, thưa thớt dân bản địa vì một số chạy vào nam theo vua Chăm, bỏ lại thành Ninh Viễn. Một số bị đẩy lên miền đồi núi (thành các dân tộc thiểu số). Có thể nói, lớp cư dân đầu tiên của Lệ Thủy có quê hương, bản quán ở xứ Nghệ. Điều này có thể dễ nhận ra qua tiếng nói, tập quán, văn hóa lối sống… có nhiều điểm tương đồng với xứ Nghệ. Bố Chính, mãi đến thời Lê Thánh Tông mới mộ dân đến khai khẩn.

Thời Trần, công cuộc mở đất mang tính ôn hoà hơn. Năm 1301, Trần Nhân Tông hứa gả con gái Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Năm 1307 Trần Anh Tông thu nhận đất ấy và đổi tên là Thuận Châu, Hóa Châu (Thừa Thiên, Huế). Cũng vì cách thức này nên việc di dân cũng không rầm rộ, ồn ào. Những năm này, nhiều quan lại, quý tộc Chiêm Thành vì bất mãn đã bỏ Chiêm, hàng Trần, được nhà Trần cho đổi họ thành họ Đinh, phong chức và giao cho trấn thủ vùng phên dậu phương Nam. Những năm này, ông Hoàng Hối Khanh, (người làng Gia Miêu, Thanh Hóa) thi đỗ tiến sĩ (1384) được bổ làm tri huyện Nha Nghi (Lệ Thủy) đã về quê chiêu mộ dân vào Nha Nghi, Tri Kiến làm ăn. Ông đã dùng ruộng thực điền của mình cấp cho dân cày cấy, hình thành nên làng Tiểu Phúc Lộc (Thượng Phong). Sau này được dân Thượng Phong thờ làm Thành hoàng làng.

Thời Hồ, Hồ Hán Thương sau khi tiếm ngôi nhà Trần đã cho huy động sức người, sức của mở đường Thiên Lý Cù từ Tây Đô (Thanh Hóa) đến Châu Hóa. Sau đó, phát binh đánh chiếm Chiêm Động, Cổ Lũy của Chiêm Thành (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Bên cạnh đường bộ, nhà Hồ cho đào kênh nối liền các con sông miền trung lại để làm đường vận chuyển hàng nặng. Ở Lệ Thủy có công trình kênh Sen (nối sông Kiến Giang vào Bến Hải). Sau khi bỏ đất Chiêm Động, Cổ lũy, Vua Chiêm cho thu lấy những dân trong vùng đem về nước. Nhà Hồ đã phát chiếu mộ dân vào khai phá. Lần này quy mô và quyết liệt hơn. Hồ Hán Thương ban bố chính sách khuyến khích, ai có trâu, bò, tiền, thóc mang tiến thì tùy theo ít, nhiều mà cho một chức quan. Lại lấy tiền, của, trâu, bò đó cấp cho dân nghèo đi khai hoang. Những người đi khai hoang phải thích vào cánh tay hai chữ tên châu mình. Cùng với dòng người di vào khai phá Chiêm Động, Cỗ Lũy, nhiều người đã di cư vào Lâm Bình, bổ sung cho dân cư ở đây đông đúc thêm.

Thời Lê, nhiều lần vua Chiêm ra cướp phá ở Hóa Châu. Năm 1471, Lê Thánh Tông thân chinh, triệt hạ kinh đô Trà Bàn của Chiêm Thành, bắt vua Chiêm, lấy đất đến tận Thạch Bi Sơn (Tuy Hòa). Vua cho mộ dân vào vùng đất mới khai phá, lập nghiệp. Thời kỳ này, tham nghị thừa chính Hóa Châu là Đặng Chiêm mới dâng sớ xin cho chiêu tập dân xiêu dạt đến khai khẩn Bố Chính. Dưới Thời Lê, những dòng họ, gia đình miền Thanh, Nghệ vốn giỏi nghề ghe thuyền đã vượt biển vào lập ấp khắp vùng sông nước chằng chịt của Khương Lộc, Lệ Thủy. Cứ đủ 12 dòng họ là lập một làng. Bên cạnh dòng người di cư tự nhiên, ở Tân Bình còn có hạng dân “Lưu”. Lưu ở đây là lưu đày, đối với những người có tội với triều đình. Tùy theo nặng nhẹ mà định hình phạt làm 3 hạng. Lưu cận châu, lưu ngoại châu và lưu viễn châu. Cận châu thì đi Nghệ An, Hà Hoa (Hà tĩnh). Ngoại châu thì đi Bố Chính. Tân Bình là đất dành cho lưu viễn châu. Họ là những người bắt buộc phải đi các xứ. Đến đời Hồng Đức, theo sách “Thiên Nam dư hạ tập” thì phủ Tân Bình có 2 huyện: Khương Lộc có 4 tổng, 80 xã, 7 thôn, 4 trang; Lệ Thủy có 6 tổng, 28 xã, 2 trang. Cư dân Lệ Thủy đã đông đúc, tấp nập.

Thời Nguyễn, cư dân Lệ thủy được bổ sung chủ yếu từ những binh sĩ ở lại sau cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh.

2. Những cuộc di dân bi tráng.

Sau những năm yên bình làm ăn, chiến tranh lại nổ ra. Người dân Lệ Thủy lại lăn lóc trong khói súng, nhiều cuộc di dân sinh tồn đã diễn ra trên mảnh đất lửa đạn Lệ Thủy.

Khởi đầu, đó là cuộc di dân “tiêu thổ kháng chiến” năm 1946. Ngày 19 – 12 – 1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Dân Lệ Thủy đào hố chôn của, chặt cây, đào đường, phá cầu cống, gồng gánh đưa nhau lên chiến khu. Theo bố trí, dân vùng quốc lộ Thanh, Cam, Hồng… sơ tán ra vùng đồi cát. Dân vùng giữa Liên, Xuân, Phong, An, Lộc… sơ tán lên núi. Mỗi vùng chiến khu nhận một số thôn, xã. Thượng Phong, Đại Phong lên Châu Lê, Phú Hòa thuộc chiến khu Lê Khiếu; Tuy Lộc, An Xá lên Phú Kỳ thuộc chiến khu Hoa Thám… Khắp các vung phía tây như Thác Tre, Ráng, Lục Sơn, Châu Lê, Phú Hòa, Phú Kỳ, Hoa Thủy… Người la liệt, gồng gồng, gánh gánh, lợn kêu, con khóc, nồi đòng, mâm, bát loảng xoảng. Kẻ chạy bộ, người đi thuyền, ngược xuôi, kêu gào tìm nhau. Suốt từ đấy cho đến ngày nghe tin giải phóng Điện Biên, 9 năm lăn lóc, đói, rét, chết chóc. Có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Lúa chín giữa đồng mà không gặt được bởi giặc càn. Có người thương con mà đổi cái ăn bằng mạng sống. Dịch bệnh lây lan, người chết mà không có thuốc chữa trị. Bom đạn, giặc càn ở Xuân Lai – Mĩ Lộc, thảm sát ở Mĩ Trạch, người chết, nhà cháy ngút trời.

Ấy vậy mà người dân vẫn gan góc bám đất, bám làng chiến đấu cho đến ngày chiến thắng, lập nhiều chiến tích vang dội như trận Xuân Bồ. Như anh hùng Lâm Úy, đánh đến khi hết đạn thì xáp lá cà, nhảy lên quặp chân, cắn cổ, tay bóp dái thằng quan Pháp, cùng lăn xuống sông. Chết rồi vẫn cắn chặt cổ nó cho đến khi cùng nổi lên.

Hòa bình lập lại, cuộc di dân bi tráng tứ hai diễn ra. Đó là cuộc di dân chia lìa của những người cách mạng ở miền Nam qua vĩ tuyến 17, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử. Lần đó, họ ra đi trong niềm tin tạm biệt, chờ ngày thống nhất Bắc - Nam. Vì vậy, họ không mang theo vợ con, người thân. Xưa gọi là dân “tập kết”. Cư dân Lệ Thủy tuy chưa đủ cái ăn, các xã Liên Thủy, An Thủy,, Xuân Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy đã đón nhận gần 2000 cán bộ, bộ đội là con en Trị Thiên – Huế ra tập kết. Nhiều gia đình dẫu còn khó khăn cũng đã dang rộng vòng tay đón các em học sinh về nuôi. Những người khỏe mạnh được bố trí về ở các nông trường, các xóm. Chi hội Phụ nữ còn vận động chị em tình nguyện lấy thương binh để chăm sóc. Làng Đại Phong đã nhường thôn Mĩ Phước cho những người tập kết. Ở đó sau này, trong phong trào xây dựng HTX đã xuất hiện người chủ nhiệm là dân tập kết Nguyễn Ngọc Ánh được phong anh hùng lao động.

Ngược với dòng chảy đó, một số cư dân Lệ Thủy, mà chủ yếu là tín đồ Thiên chúa giáo đã di cư vào Nam. Trong 2 năm 1954, 1955 đã có hơn 12.000 người Lệ Thủy ra đi. Có thôn, như Mĩ Phước cả 42 hộ ra đi. Nhà thờ bị đập phá, nhà cửa không mang theo được thì đốt. Đi là cứ đi chứ chưa biết sẻ ra sao vì “Chúa đã vào Nam”. Cả cái làng Đại Phong, quê hương của Ngô Đình Diệm, lửa cháy, người khóc trong những năm tháng di cư.

Cuộc di dân thứ ba, đó là cuộc di dân bảo tồn nòi giống. Khi đó là chiến tranh chống Mĩ, vào giữa năm 1966. Đất Lệ Thủy là nơi làm binh trạm vận chuyển tiếp tế cho chiến trường. Là nơi tập kết quân, bổ sung vũ khí để vượt tuyến vào Nam. Là nơi bệnh viện dã chiến để cứu chữa, điều dưỡng cho lính Trường Sơn. Là chỗ hẹp nhất của miền trung trên tuyến vận chuyển chiến trường, được gọi là cái “cán song”. Vì vậy, mỗi ngày nó phải hứng chịu hàng ngàn cuộc ném bom từ máy bay. Ngoài biển, hạm đội 7 của Mĩ bắn pháo hạng nặng vào. Lúc đầu người dân Lệ Thủy chọn cái cách sinh tồn là chia con ra, cho ngủ lẫn nhà này với nhà khác để nếu có trúng bom thì không chết cả nhà! Trước tình thế chiến tranh ngày một ác liệt, Lệ Thủy đã quyết định đưa con em mình đi sơ tán. Lứa đầu là gần 2.000 học sinh cấp 3 Lệ Thủy được chia làm hai, thành trường A và B, sơ tán ra xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ở giữa đèo Mồng Gà, giáp giới với Hà Tĩnh. Thầy trò cõng sách, quần áo, gạo, muối lên vai đi bộ xuyên qua các làng mạc gần 100 km đến Ngư Hóa. Tự chặt cây lấy gỗ, bứt cỏ gianh, đào hầm ngầm làm lớp học. Có những tuần, nước suối chảy xiết không chở được gạo. Đói. Lũ lớp 8 bé nhất được ưu tiên mỗi tuần 1 lon sữa bò gạo. Có đứa ăn ổi xanh, cồn ruột, nằm sấp xuống, ói ra mật xanh.

Mùa mưa năm 1966, với mật danh K8, Lệ Thủy thực hiện kế hoạch đưa 500 em nhỏ từ lớp 2 đến lớp 7 cùng với 50 thầy, cô giáo ra sơ tán tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà. Cuộc ra đi như lời thề độc, nếu tất cả dân Lệ Thủy có chết đi thì vẫn còn 500 hạt giống đó! Do các em còn nhỏ nên việc chuẩn bị người phụ trách, bảo vệ, chăm sóc y tế, chọn hướng đi, lộ trình rất chu đáo. Tối 28 tết âm lịch năm 1966, thông thường nhũng ngày đó cả hai bên ngưng chiến, đoàn sẽ lên đường. Nhìn lũ trẻ chỉ 8, 9 tuổi, mỗi đứa một ba lô cóc, vai đeo ruột tượng gạo, cắm đầu theo đứa trước đi trong mưa mà đứt ruột. Máy bay vẫn ầm ì đâu đó, pháo sáng vẫn treo trên đầu, thỉnh thoảng bom lại nổ. Hôm đó, hàng trăm gia đình có con ra đi cứ đứng dưới mưa, mặc kệ máy bay, cứ nhìn về Đồng Hới mà lòng như lửa đốt. Gần sáng, thấy lũ trẻ lao xao về nhiều người khóc. Vậy là bom Mĩ thả trên đường đi, không thể qua đò sông Nhật Lệ được, phải quay về chọn ngày xuất phát khác. Rồi cũng không thể chờ được, lại ra đi. Lần này, hướng đi theo lộ trình khác, lên núi, qua Hoa Thủy, qua Thu Thừ, Kim Nại, vượt bến đò Trung Quán đên Lệ Kỳ nghỉ lại. Lại một đêm nữa những người bố, người mẹ có con đi đứng ngóng lên Hoa Thủy. Máy bay địch vẫn thả pháo sáng ở hướng đó. Chẳng ai bảo ai nhưng chắc tất cả đều cầu mong bom đừng nổ hướng đó. Ngày nghỉ, đêm đi, xuyên làng, qua sông, tối trời, lầy thụt. Thỉnh thoảng phải ngồi xuống nấp vào bụi rậm vì pháo sáng ngay trên đầu, bom nổ ở đâu đó. Thương lũ trẻ còn nhỏ quá, chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, vậy mà còn hàng trăm cây số nữa, các con có đến nơi được không!

Cuộc di dân tứ tư trong chiến tranh đó là vào tháng 4 năm 1972 mang mật danh K15. Sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị, biết trước đây sẽ là nơi tranh chấp ác liệt, Nhà nước ta đã quyết định di 3.654 đồng bào ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ... và hơn 300 chiến sĩ bị thương từ Quảng Trị ra Bắc. Chiến dịch di dân rất khẩn trương. Tài sản đều bỏ lại, chỉ có con người là ra đi. Phương tiện vận chuyển là xe tải chiến trường, đi bộ, chèo thuyền dọc theo bờ biển. Hàng ngàn người như một cơn lũ cuốn. Pháo địch vẫn bắn, máy bay vẫn thả bom, từng đám người tan tác, tiếng khóc, tiếng thét gọi nhau. Nhiều gia đình nửa chạy ra Bắc, nửa lạc vào Nam. Vượt qua sông Bến Hải rồi vẫn bị B52 rải thảm ở Sen Thủy, 7 người chết, khói lửa ngút trời.

Trong bối cảnh chiến tranh, dân Lệ Thủy đã thực hiện khẩu hiệu “chia nhà, chia cửa, chia lửa, chia máu”, đồng bào dọc tuyến Quốc lộ 1A Sen, Cam,Tân, Thanh, Hồng, Ngư thủy đã đón nhận đồng bào mình, che chở qua cơn hoạn nạn. Mỗi gia đình nhận nuôi một gia đình sơ tán. Gạo, muối Nhà Nước chưa cấp kịp có cơm ăn cơm, có sắn ăn sắn, không được để ai đói. Chỉ trong ít ngày, chính quyền huyện Lệ Thủy đã lập ra một tổ chức do Bà Phan Thị Dung, phó chủ tịch huyện phụ trách. Ban có đủ cán bộ lương thực, thương nghiệp, y tế, kế toán, đoàn thể để lo cái ăn, cái mặc, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Một năm trong sự đùm bọc, che chở của người Lệ Thủy, sự sống vẫn sinh sôi. Đã có 188 gia đình sinh con. Những đứa trẻ đó bây giờ đã chẵn 40 tuổi, có còn nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn. Nếu năm 2012 tới họ hẹn nhau về Lệ Thủy thì đẹp biết bao.
Chiến tranh thật tàn khốc, phải không bạn?


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét