RỪNG RƯỜI LÀNG BIỂN

Dương Minh Phong

Trên những thung lũng cát của làng biển Quảng Bình là rừng rười xa tít tắp. Người bản địa xứ biển gọi là rừng rười. Có nơi gọi cỏ rười. Cây rười trong sinh hoạt miền biển là chất liệu cho cuộc sống nồng ấm, nó cũng là thứ cây làm cho con cá ngon ra và thơm lên, đẹp mắt hơn khi đi bán cho người kẻ ruộng. 

Tiếng hát cỏ rười

Thương em bứt ít cỏ rười/ Đem về lợp mái nhà trưa em nằm/ Thương em bứt ít rười khô/ Đem về náng cá em cười như bông”. Về làng biển Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình), nghe những người già thong thả hát bên triền sóng làng về cây cỏ rười trứ danh bằng khẩu khí bản địa, thấy họ tin vào một loài cây chung thuỷ với con người trên cát mới biết họ trọng cây rười từ chốn hoang sơ. Họ nói “náng cá”, nghĩa là nướng cá. Con cá đánh lên từ biển để lâu không còn tươi, họ tận dụng cỏ rười, nướng lên, giữ lại khí vị mặn mòi để đi bán. Đó là cách gìn giữ cá ngàn vạn đời ngư phủ truyền nhau. Và thế là họ hát. Họ hát cho họ nghe, họ hát để động viên người làng họ. Họ hát để trai làng gái xóm vơi đi thân phận nhọc nhằn trên cát. Họ cũng hát để tin rằng, khó khăn mấy họ vẫn lấy được nhau và có sự gắn bó của cây rười như chứng nhân giúp họ vượt qua bao dâu bể, ba đào.

Cây rười có thân hình ống, nhỏ, can trường trước nắng gió khắc nghiệt. Người miệt biển một thời yêu nhau, nghèo quá mà con gái từng hát: “Eng yêu em, em biết thật lòng/ Bọ mạ nghèo mần răng cưới được?” Con gái hỏi, thì con trai phải trả lời: “Nhà eng nghèo eng có hai tay/ Eng có sức khoẻ bắt cá bể Đông/ Bọ mạ nghèo không tiền không bạc/ Eng có cây rười dựng liếp nhà em vô”. Điệu hát cỏ rười của làng biển mộc mạc bằng giọng địa phương. Họ dùng từ “eng” đồng nghĩa với “anh” để bật lên hoàn cảnh giống nhau, cùng chung sống trên cát, cùng lao động bên chân cỏ rười, khó khăn mấy họ vẫn quyết có nhau.

Bởi vậy mà nhà thơ Phùng Quán tài hoa đã từng có bài thơ “Cỏ rười” rất hay khi ra Quảng Bình, xin trích mấy dòng: “Cây cỏ rười chỉ mọc trên cát mặn/ Nhà ngư dân cỏ lợp thay tranh/ Bếp ngư dân cỏ cho lửa ấm / Khói cỏ rười mấy dặm biển còn thơm…”. Với người miệt biển, cỏ rười là chất giữ lửa cuộc sống.

Người làng biển còn hát: “Cây cỏ rười khi khô khi héo/ Nước biển Đông khi réo khi yên/ Dạ em khi sầu khi tỏ/ Nhưng đã vợ chồng thì sớm tối thuỷ chung”.

Những rừng rười bất tận

Đi giữa những thung lũng cát bất tận từ huyện Quảng Ninh vào đến Lệ Thuỷ (Quảng Bình), bạt ngàn rười mọc thành từng ốc đảo khổng lồ giữa cát. Rười men theo dòng chảy của cát, bám vào cát sinh sống, tạo ra hệ sinh thái quanh nó mạnh mẽ chế ngự cát bay.

Từng một thời, không vật liệu xây xa nhà cửa, chẳng có ngói mới la liệt đỏ chói, người làng biển sống bám vào cỏ rười. Họ dùng cỏ rười lợp nhà, cỏ rười làm phên vách, cỏ rười làm chỗ nằm, cỏ rười làm chất đốt trên cát. Làm nhà bằng cỏ rười, mùa hè nắng cháy vẫn mát, mùa đông ấm áp, nhưng mỗi vài năm phải thay lại mái nhà mới bởi mưa gió mục nát.

Từ xã Hàm Ninh (Quảng Ninh), chạy tít tắp đến hết Ngư Thuỷ Nam (Lệ Thuỷ) ngót nghét cả sáu bảy chục cây số đường cát, giữa điệp trùng rú cát nhưng nhức là rừng rười nối đuôi nhau chạy dài, lan toả. Giữa trùng điệp cát trắng là màu xanh mượt mà của cây rười dịu nhẹ. Từng một thời, không chất đốt, người làng biển khai thác kiệt cùng cỏ rười. Lão ngư Lê Hồng (Quảng Ninh) nói: “Thời nghèo, nhà vùng biển, ai cũng tranh thủ đi bứt cỏ rười, bứt đến kiệt, bứt mãi nó mọc không kịp mà bứt. Nhưng nay nó hồi sinh rồi. Nó mọc nhiều lắm rồi vì làng biển còn lại đôi ba nhà dùng cỏ rười thôi”. 

Nhiều ngư dân kể; khi cỏ rười bị bứt sạch, mạch nước ngầm dưới cát bị giảm kiệt, làng biển chao đảo trong khát cháy. Lúc đó họ mới nhận ra, cỏ rười giữ nước tốt hơn chum vại trong nhà. Rể cây rười mịn nhỏ, dài hàng centimét, mọc từng chùm rậm rạp, găm chặt xuống cát. Quần thể rười mọc vô vàn đến lút mắt, chỉ cần đào sâu khoảng nửa mét cát ở rừng rười sẽ có nước ngọt lịm, mát lành. 

Khi rười gần như bị kiệt, nước dưới cát dần bị cạn khô, người làng biển mới thấy trách nhiệm khôi phục lại hệ sinh thái cỏ rười. Chừng mười năm trở lại, họ đã không động đến cây rười, bởi với họ, nhà cửa đã kiên cố hoá, để cây rười sống tốt, là cách giữ ngọt cho cát làng không bị nước mặn xâm nhập.

Nay đi trên những trảng rười xanh ngát, có thể gặp những đàn thỏ hấp tấp chạy trốn, những tổ chim nước dưới triền rười rậm rạp. Nhiều tổ sơn ca trứng còn đang ấp. Cây rười vẫn sinh tồn, vượt qua số phận tuyệt diệt bởi bông của nó được gió mang đi khắp chốn cát bay. Mỗi mùa mưa đến, mầm sống bắt đầu nảy chồi cho bao chặng theo cát di cư. Và cũng chính vào lòng người miệt biển, sợ mất hết nước dưới cát, họ đã để cho cây rười sinh tồn. 

Với làng biển, không có cây rười, chắc chắn văn hoá dân gian của họ có chút gì đó thiếu, chút gì đó đơn sơ. Và nếu không có cây rười, con cá họ làm ra không được nướng qua để giữ chất dinh dưỡng đưa bán cho người kẻ ruộng. Và nếu không có cây rười, người kẻ biển khó xoay xở với cát bỏng chân trần.

Rười làng biển đã hồi sinh. Người làng biển lại tự hào về quần thể rười độc đáo bên làng. Tuy nó không còn làm nhà, làm vách, nhưng những lớp cá đưa ra chợ bán, họ vẫn dùng cách thủ công từ mấy thế kỷ truyền lại là nướng cá bằng cỏ rười. Một cách nương tựa vào tự nhiên rất dẻo dai của người miệt biển để đương đầu với nắng cháy cát bỏng.
Ngày hôm nay không giống như ngày xưa, nhưng nhìn thấy bóng dáng cây rười dưới làn gió nồm từ biển Đông lồng lộng, bao lão ngư như thấy lại cuộc đời trai chí sóng khơi. Bởi trước đây, mỗi lượt ra khơi, họ lại ôm rười trên sóng nước để đun nước thổi cơm trên biển cả sóng gào. 

Cây cỏ rười như tặng vật hoàn hảo trên cát trắng sóng xao.

LÀNG HO GIỮA ĐẠI NGÀN

Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, vượt Tỉnh lộ 10 nối sang nhánh Tây tại ngã ba Tăng Ký, tiếp tục xuôi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 20km nữa sẽ tới làng Ho, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình).


                          Nhà văn hóa làng mới xây

Nép mình bên dòng suối nhỏ, ít ai ngờ rằng chỉ cách đây một vài năm, làng Ho vẫn còn là những túp nhà mái gianh, vách nứa lụp xụp, cuộc sống tự cung tự cấp tưởng như bị bỏ quên giữa đại ngàn Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh rồi đường nhánh Tây mở ra đã giúp bà con gần hơn với văn minh. 

Năm 2013, Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” đã thay đổi hoàn toàn diện mạo làng Ho theo tiêu chí nông thôn mới. 33 nếp nhà sàn dựng bằng gỗ mới nằm san sát nhau bên những con đường bê tông. Nhà văn hoá được xây bên cạnh trạm kết hợp quân dân y, đối diện đó là ngôi trường khang trang đảm bảo con em trong bản được học hành.

           Giặt chiếu trên dòng suối nhỏ êm ả, thanh bình.


                                Nhà mới dựng





Từ khi có hệ thống lọc và bể nước sạch, dân làng Ho không còn phải ăn nước suối nữa.


Nhiều năm trước đây đi lại khó khăn, người dân chỉ có thể gùi hàng đi bộ xuyên rừng ra trung tâm xã. Nay đường làng đã bê tông hoá…

Làng Ho nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, bên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, giáp biên giới Việt - Lào.

Theo Dân Việt

LŨY TRE LÀNG

Ngọc Tuân



“Tre xanh xanh tự bao giờ,
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Đấy là hai câu mở đầu của bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, bài thơ mà tôi rất thích vì mỗi lần đọc nó tôi lại cảm nhận được hồn cốt của làng quê Việt.

Quê tôi cũng vậy –tất nhiên là quê của ngày xưa- tre và người như là cặp đôi bất diệt của tạo hóa. Người ở đâu, tre ở đó, người trồng tre, tre bao bọc lấy người một lòng một dạ thủy chung. Bờ tre là giới hạn của làng với bao la đồng ruộng. Bờ tre là giới hạn của thôn này với thôn khác. Bờ tre là giới hạn vườn nhà tôi với nhà anh. Bờ tre là giới hạn cuộc đời thành đạt mỗi khi bước qua khỏi lũy tre làng.

Khi còn bé, tuổi thơ tôi đã gắn với cái nôi tre lắc lư trong tiếng ru của bà, của mẹ. Nương nhờ nhịp tao nôi mà người lớn nhắn gửi biết bao nhiêu tâm sự, nỗi niềm qua những lời ru “Chàng ơi cho thiếp đi cùng/ Đói no thiếp chịu lạnh lung thiếp cam”. Lớn hơn một chút, chiếc chõng tre thênh thênh bờ tre lộng gió ngày hè đưa tôi vào giấc ngủ. Dưới tán lá tre xanh những trò chơi đồng giao con trẻ chẳng thể nào phai mờ cho đến tận ngày tóc bạc răng long.

Cha mẹ tôi nghèo, khi ra ở riêng ông bà nội dựng cho một căn nhà tre mà từ cái cột, kèo, đòn tay, rui, mè, lạt buộc đều được lấy từ mấy búi tre sau vườn hạ xuống. Xóm làng kéo đến, kẻ đục, người đẽo, chằng buộc, đánh gianh, vài ngày thôi là có mái nhà còn thơm mùi tre tươi, cỏ gianh mới bứt. Vách nhà cũng được buộc ô bằng tre chẻ nhỏ rồi đạp rơm với đất trát lên. Cũng có ô cửa sổ nhìn ra vườn để nay mai tôi treo lên đó một tấm ván nhỏ làm bàn học và mơ màng nghe tiếng chim hót từ lũy tre sau nhà.

Chẳng có vật dụng gì trong nhà mà không được làm từ tre. Tre làm cối xay thóc, làm dần, sàng, thúng, mủng, đan rổ rửa rau, đan rá đựng cơm, đan nơm bắt cá, đan giỏ, làm lờ, làm chẹp. Ngày ngày cha tôi ra đồng trên vai là đòn gánh, đòn xóc, cái gầu tát nước, bó lạt bằng tre.

Quê tôi giữa vùng chiêm trũng, hàng năm, cứ vào dịp tháng năm nắng chang chang đổ lửa, cứ vào dịp tháng tám là bão to, tháng chín là mưa lớn, lũ về, tháng mười là gió mùa đông bắc đầm dề tê tái. Lũy tre làng như thành lũy chắn gió mỗi khi bão về, cây tre dẻo dai đan níu vào nhau gồng mình chịu cho gió tuốt hết lá để giữ cho cái nhà tranh không bị tốc mái. Mùa lũ xuống, đồng điền ngập nước mênh mông sóng dồi lớp lớp xô tung, giật đổ tất cả những gì trên đường nó đi tới. Lũy tre làng lại xoắn lấy nhau thành tường, thành vách chắn sóng cho làng. Đông đến, khuất sau lũy tre là bếp lửa rơm ấm cúng, tre chắn gió lùa. Hè về, lũy tre làng rợp mát là nơi chốn hóng ngọn gió đồng của người già, trẻ nhỏ, là nơi trú nắng sau buổi cày cấy của cô bác lực điền.

Ngày mới lớn, dưới bóng râm của tre làng lũ trẻ chúng tôi đã từng nghe biết bao câu chuyện cổ tích mê ly về tình làng nghĩa xóm, những câu chuyện ly kì về chống giặc, đuổi cướp giữ làng. Rằng, nhờ lũy tre xanh bao quanh mà làng như những đồn lũy kiên cường bất khả xâm phạm. Chẳng ai có thể đi lại tự do băng qua những lũy tre gai ken dày vài mét ấy. Làng chỉ mở những lối thông ra đồng qua cổng làng có người canh gác mỗi khi có biến. Đóng cổng lại, làng trở thành chiến lũy vây bọc bằng tre xanh chẳng ngựa xe nào qua được. Rằng, ngày kháng chiến chống Pháp, dưới gốc những bờ tre ấy là hầm ngầm che chở cán bộ tiến thoái lưỡng tiện, có cơm gói bằng mo cau, có nước uống trong quả bầu khô giấu sẵn dưới hầm. Đạn pháo từ đồn Hòa Luật, đồn Thượng Phong, đồn Tuy Lộc dẫu có bắn thì cũng nổ trên ngọn tre, còn lâu mới xuyên được đến gốc. Từ dưới những chiếc hầm bí mật ấy đêm đêm bộ đội địa phương xuất quỷ, nhập thần công đồn, bắt Tây cướp súng, diệt ác trừ gian.

Từ những câu chuyện ấy, lũ trẻ chúng tôi mới biết cách trồng tre của làng cũng lắm công phu. Lũy tre làng được trồng làm ba lớp. Ngoài cùng là tre gai, giữa là tre đụn, trong cùng là tre mật. Ba lớp tre ấy ken vào nhau lâu năm thì chẳng có gì phá nổi. Tôi còn nhớ, những năm cây tre ít còn công dụng cho con người, cha tôi đã thuê người phá lũy tre cạnh nhà. Người làm phải chặt trụi tận gốc, chất rơm lên đốt mấy ngày cho chết hết gốc rồi dùng cuốc chim bổ từng gốc một mất cả tháng trời mới xong.

Những lũy tre làng xanh ngút ngắt kéo dài hàng cây số từ đầu đến cuối xã ngăn cách cánh đồng với thôn xóm như một biểu tượng của sự yên bình. Chiều chiều, trên cao lũy tre ấy là thế giới của sự sống, cò, vạc, cu gáy, chích chòe, chào mào, sáo sậu, chàng làng, sẻ đồng… inh ỏi trong bản hòa tấu chim muông. Lũ chúng tôi chẳng đứa nào lúc còn nhỏ mà chưa một lần trèo cây lấy tổ chim, chưa một lần phơi đầu tóc cháy khét ngoài bờ ruộng bắt châu chấu nuôi những con chim đỏ hỏn.

Bây giờ, còn đâu những lũy tre xanh vẽ nên cốt cách làng quê. Còn đâu nơi cất dấu những kỷ niệm tuổi thơ.