Dương Minh Phong
Trên những thung lũng cát của làng biển Quảng Bình là rừng rười xa tít tắp. Người bản địa xứ biển gọi là rừng rười. Có nơi gọi cỏ rười. Cây rười trong sinh hoạt miền biển là chất liệu cho cuộc sống nồng ấm, nó cũng là thứ cây làm cho con cá ngon ra và thơm lên, đẹp mắt hơn khi đi bán cho người kẻ ruộng.
Tiếng hát cỏ rười
Thương em bứt ít cỏ rười/ Đem về lợp mái nhà trưa em nằm/ Thương em bứt ít rười khô/ Đem về náng cá em cười như bông”. Về làng biển Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình), nghe những người già thong thả hát bên triền sóng làng về cây cỏ rười trứ danh bằng khẩu khí bản địa, thấy họ tin vào một loài cây chung thuỷ với con người trên cát mới biết họ trọng cây rười từ chốn hoang sơ. Họ nói “náng cá”, nghĩa là nướng cá. Con cá đánh lên từ biển để lâu không còn tươi, họ tận dụng cỏ rười, nướng lên, giữ lại khí vị mặn mòi để đi bán. Đó là cách gìn giữ cá ngàn vạn đời ngư phủ truyền nhau. Và thế là họ hát. Họ hát cho họ nghe, họ hát để động viên người làng họ. Họ hát để trai làng gái xóm vơi đi thân phận nhọc nhằn trên cát. Họ cũng hát để tin rằng, khó khăn mấy họ vẫn lấy được nhau và có sự gắn bó của cây rười như chứng nhân giúp họ vượt qua bao dâu bể, ba đào.
Cây rười có thân hình ống, nhỏ, can trường trước nắng gió khắc nghiệt. Người miệt biển một thời yêu nhau, nghèo quá mà con gái từng hát: “Eng yêu em, em biết thật lòng/ Bọ mạ nghèo mần răng cưới được?” Con gái hỏi, thì con trai phải trả lời: “Nhà eng nghèo eng có hai tay/ Eng có sức khoẻ bắt cá bể Đông/ Bọ mạ nghèo không tiền không bạc/ Eng có cây rười dựng liếp nhà em vô”. Điệu hát cỏ rười của làng biển mộc mạc bằng giọng địa phương. Họ dùng từ “eng” đồng nghĩa với “anh” để bật lên hoàn cảnh giống nhau, cùng chung sống trên cát, cùng lao động bên chân cỏ rười, khó khăn mấy họ vẫn quyết có nhau.
Bởi vậy mà nhà thơ Phùng Quán tài hoa đã từng có bài thơ “Cỏ rười” rất hay khi ra Quảng Bình, xin trích mấy dòng: “Cây cỏ rười chỉ mọc trên cát mặn/ Nhà ngư dân cỏ lợp thay tranh/ Bếp ngư dân cỏ cho lửa ấm / Khói cỏ rười mấy dặm biển còn thơm…”. Với người miệt biển, cỏ rười là chất giữ lửa cuộc sống.
Người làng biển còn hát: “Cây cỏ rười khi khô khi héo/ Nước biển Đông khi réo khi yên/ Dạ em khi sầu khi tỏ/ Nhưng đã vợ chồng thì sớm tối thuỷ chung”.
Những rừng rười bất tận
Đi giữa những thung lũng cát bất tận từ huyện Quảng Ninh vào đến Lệ Thuỷ (Quảng Bình), bạt ngàn rười mọc thành từng ốc đảo khổng lồ giữa cát. Rười men theo dòng chảy của cát, bám vào cát sinh sống, tạo ra hệ sinh thái quanh nó mạnh mẽ chế ngự cát bay.
Từng một thời, không vật liệu xây xa nhà cửa, chẳng có ngói mới la liệt đỏ chói, người làng biển sống bám vào cỏ rười. Họ dùng cỏ rười lợp nhà, cỏ rười làm phên vách, cỏ rười làm chỗ nằm, cỏ rười làm chất đốt trên cát. Làm nhà bằng cỏ rười, mùa hè nắng cháy vẫn mát, mùa đông ấm áp, nhưng mỗi vài năm phải thay lại mái nhà mới bởi mưa gió mục nát.
Từ xã Hàm Ninh (Quảng Ninh), chạy tít tắp đến hết Ngư Thuỷ Nam (Lệ Thuỷ) ngót nghét cả sáu bảy chục cây số đường cát, giữa điệp trùng rú cát nhưng nhức là rừng rười nối đuôi nhau chạy dài, lan toả. Giữa trùng điệp cát trắng là màu xanh mượt mà của cây rười dịu nhẹ. Từng một thời, không chất đốt, người làng biển khai thác kiệt cùng cỏ rười. Lão ngư Lê Hồng (Quảng Ninh) nói: “Thời nghèo, nhà vùng biển, ai cũng tranh thủ đi bứt cỏ rười, bứt đến kiệt, bứt mãi nó mọc không kịp mà bứt. Nhưng nay nó hồi sinh rồi. Nó mọc nhiều lắm rồi vì làng biển còn lại đôi ba nhà dùng cỏ rười thôi”.
Nhiều ngư dân kể; khi cỏ rười bị bứt sạch, mạch nước ngầm dưới cát bị giảm kiệt, làng biển chao đảo trong khát cháy. Lúc đó họ mới nhận ra, cỏ rười giữ nước tốt hơn chum vại trong nhà. Rể cây rười mịn nhỏ, dài hàng centimét, mọc từng chùm rậm rạp, găm chặt xuống cát. Quần thể rười mọc vô vàn đến lút mắt, chỉ cần đào sâu khoảng nửa mét cát ở rừng rười sẽ có nước ngọt lịm, mát lành.
Khi rười gần như bị kiệt, nước dưới cát dần bị cạn khô, người làng biển mới thấy trách nhiệm khôi phục lại hệ sinh thái cỏ rười. Chừng mười năm trở lại, họ đã không động đến cây rười, bởi với họ, nhà cửa đã kiên cố hoá, để cây rười sống tốt, là cách giữ ngọt cho cát làng không bị nước mặn xâm nhập.
Nay đi trên những trảng rười xanh ngát, có thể gặp những đàn thỏ hấp tấp chạy trốn, những tổ chim nước dưới triền rười rậm rạp. Nhiều tổ sơn ca trứng còn đang ấp. Cây rười vẫn sinh tồn, vượt qua số phận tuyệt diệt bởi bông của nó được gió mang đi khắp chốn cát bay. Mỗi mùa mưa đến, mầm sống bắt đầu nảy chồi cho bao chặng theo cát di cư. Và cũng chính vào lòng người miệt biển, sợ mất hết nước dưới cát, họ đã để cho cây rười sinh tồn.
Với làng biển, không có cây rười, chắc chắn văn hoá dân gian của họ có chút gì đó thiếu, chút gì đó đơn sơ. Và nếu không có cây rười, con cá họ làm ra không được nướng qua để giữ chất dinh dưỡng đưa bán cho người kẻ ruộng. Và nếu không có cây rười, người kẻ biển khó xoay xở với cát bỏng chân trần.
Rười làng biển đã hồi sinh. Người làng biển lại tự hào về quần thể rười độc đáo bên làng. Tuy nó không còn làm nhà, làm vách, nhưng những lớp cá đưa ra chợ bán, họ vẫn dùng cách thủ công từ mấy thế kỷ truyền lại là nướng cá bằng cỏ rười. Một cách nương tựa vào tự nhiên rất dẻo dai của người miệt biển để đương đầu với nắng cháy cát bỏng.
Ngày hôm nay không giống như ngày xưa, nhưng nhìn thấy bóng dáng cây rười dưới làn gió nồm từ biển Đông lồng lộng, bao lão ngư như thấy lại cuộc đời trai chí sóng khơi. Bởi trước đây, mỗi lượt ra khơi, họ lại ôm rười trên sóng nước để đun nước thổi cơm trên biển cả sóng gào.
Cây cỏ rười như tặng vật hoàn hảo trên cát trắng sóng xao.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét