RƯỢU TUY LỘC

Bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng, thôn Tuy Lộc (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) được người dân cả nước biết đến không chỉ là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ở đây còn là nơi lưu giữ và phát triển truyền thống nghề nấu rượu nổi tiếng khắp vùng. Cái tên "rượu Tuy Lộc" đã trở thành "thương hiệu" độc đáo, là niềm tự hào từ bao đời của các thế hệ người dân sống trên mảnh đất này và một thứ đặc sản để làm quà biếu mỗi khi đi xa quê.

                  Công đoạn đóng chai để đưa sản phẩm phân phối ra thị trường

Theo các cụ cao niên trong làng Tuy Lộc, nghề nấu rượu của làng bắt đầu từ lúc nào không ai còn nhớ rõ nhưng trong cuốn “Ô Châu cận lục” chuyên khảo cứu về địa lý và phong tục xứ Thuận Hóa xưa (nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Tiến sỹ Dương Văn An, sinh năm 1914, tại làng Phúc Tuy, huyện Lệ Thủy, phủ Tân Bình, lộ Thuận Hóa (nay là thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) đã miêu tả quê hương mình: "Tuy Lộc là một ngôi làng ở ven sông Kiến Giang. Nơi đây, sông nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện. Đây là làng quê trù phú giáp giới làng Đại Phúc Lộc (xã Đại Phong ngày nay), với chợ búa, thuyền ghe buôn bán tụ tập, một nơi đô hội của phủ Tân Bình, có nghề làm giấy dó, nghề nấu rượu...". Và theo Dương Văn An cho biết, rượu Tuy Lộc nổi tiếng ngon nhất vùng. 

Có lẽ, cũng bởi cái dư vị ấy mà cho đến nay, ở làng vẫn còn truyền tụng câu chuyện hư cấu như là để khẳng định "thương hiệu" rượu Tuy Lộc suốt mấy trăm năm qua của làng: "Có một gia đình ở xã khác muốn học nghề nấu rượu, nên cho con trai của mình sang lấy vợ ở làng Tuy Lộc. Mới về làm dâu, cha mẹ chồng đã sắm cho cô gái một lò rượu, nấu mãi mà rượu chẳng ngon bằng rượu mà cô đã nấu ở bên làng, cô về khóc với mẹ mình, rồi cô được một lời khuyên là hãy lấy nước sông Kiến Giang mà nấu thì rượu sẽ ngon. Quả thật là như vậy, cô đã thành công nhờ lấy nước sông ở làng mình để nấu rượu cho nhà chồng".

Ông Trần Hữu Lực, Bí thư thôn Tuy Lộc cho biết: Nằm ở hữu ngạn sông Kiến Giang, thôn có 07 đội, từ Đội 1 đến Đội 7. Với diện tích đất tự nhiên 507 ha, có 846 hộ và 3.520 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, nhân dân trong thôn đã chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề dịch vụ đã góp phần đưa kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình ngày càng tăng. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề nấu rượu truyền thống trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có lúc bị mai một và cũng có thời điểm được xem là “thịnh vượng”.

Hiện nay, thôn đã đẩy mạnh quy mô phát triển nghề nấu rượu truyền thống. Đặc biệt vào tháng 4/2005, Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Dũng Luật được thành lập theo Quyết định số 1124 ngày 15/04/2005 của UBND huyện Lệ Thủy. HTX do đại gia đình ông Trần Đình Hòe tiếp quản, trong đó có doanh nhân Trần Viết Dũng là con trai thứ là Chủ nhiệm. Với việc sản xuất sản phẩm rượu, Làng nghề đã góp phần bảo tồn, duy trì nét đặc trưng, tinh túy của nghề nấu rượu truyền thống trên mảnh đất, quê hương. Nằm trên tuyến đường về Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. HTX Làng nghề Dũng Luật có 02 dãy nhà quy mô cơ sở không lớn nhưng bên trong lại "quy tụ" cả một "xí nghiệp" sản xuất rượu thu nhỏ. Lao động tại cơ sở chủ yếu là con em địa phương, hầu hết là những người có kinh nghiệm nấu rượu lâu năm. Hàng năm, cơ sở đã giải quyết được công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi tại địa bàn.

Theo chị Đinh Thị Hồng, một xã viên của HTX tâm sự: Ngoài làm ruộng, chăn nuôi, tôi tham gia vào HTX nấu rượu để kiếm thêm thu nhập hàng tháng nên đời sống cũng đỡ vất vả hơn. Chị cũng cho biết thêm, muốn rượu ngon và trong thì người ta dùng loại gạo Việt Nam hoặc X21 được xát kỹ, gạo càng trắng thì rượu càng ngon. Công đoạn làm rượu rất công phu, phải qua ít nhất 07 công đoạn, gồm có chọn gạo, nấu cơm, ủ lên men, trộn nước, nấu rượu, lọc, đóng chai. Các bước nấu rượu theo trình tự: Gạo nấu chín, được đảo rời từng hạt không dính lẫn với nhau. Sau khi cơm đã nguội mới trộn với men được giã mịn và ủ trong vòng 03 ngày, tiếp đó, cơm được lấy ra trộn đều lẫn với nước rồi ủ lại thêm khoảng 07 ngày nữa mới đem nấu. Công đoạn nấu rượu cũng được thực hiện khá tỉ mỉ, tập trung giữ đều lửa thì chất lượng rượu mới cao. Rượu sau khi nấu xong tiếp tục được xử lý qua hệ thống lọc rồi mới đem đóng chai. Với số lượng 8 lon gạo nấu chín thành cơm trộn đều 25g men thì có thể cho được khoảng 1,2 lít rượu thành phẩm.

Với cách làm này của HTX Làng nghề Dũng Luật đã thay đổi tư duy cố định là mô hình nấu rượu - nuôi lợn của người dân trong làng. Trước đây, để có sản phẩm rượu, họ thực hiện quy trình nấu cơm, trộn men, ủ cơm rồi cho vào nồi nấu (chưng cất), rượu ra lò được hứng vào can, chai và nút lá chuối khô. Do vậy, việc bán mua cũng chẳng là bao, chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp trong mỗi gia đình. Nhưng hiện nay, bằng cách làm mới, trung bình mỗi ngày HTX Làng nghề Tuy Lộc sản xuất được 200-300 lít rượu trong mùa đông và khoảng 100-150 lít về mùa hè để cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, trong quy trình sản xuất tại Làng nghề còn có các công đoạn làm lắng, khử các chất độc hại được đưa vào áp dụng, đảm bảo cho sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung làm kế toán viên tại HTX dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày sản phẩm rượu Tuy Lộc. Đây là căn phòng treo rất nhiều Bằng khen, Giấy chứng nhận chất lượng mà rượu của Làng nghề đã đạt được, đó là: Huy chương Vàng Vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng; Huy chương Vàng Vì Nông dân Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Hà Nội; Cúp sen Vàng thương hiệu nổi tiếng Việt Nam…

Từ lâu người làng Tuy Lộc đã ngầm xây dựng được hương ước bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Quy ước quy định rõ ràng về chất lượng rượu cổ truyền làng Tuy Lộc chỉ dùng men bảo đảm chất lượng, nghiêm cấm việc sản xuất sản phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng. Ngày nay có nhiều công nghệ sản xuất rượu hiện đại nhưng người dân trong làng vẫn chưng cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Khác hẳn sản phẩm rượu các vùng khác như rượu trắng Võ Xá, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh); rượu cần Macoong, xã Thượng Trạch (huyện Minh Hóa)... rượu Tuy Lộc bởi màu nước trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu nhỏ kết lại quanh cổ chai và dính chặt với nhau có vị cay nồng khi uống, tỏa mùi thơm lôi cuốn cho người thưởng thức.

Hiện tại, làng Tuy Lộc có hơn 20 hộ gia đình với trên 30 lò sản xuất rượu ngày đêm đỏ lửa để cung cấp cho nhu cầu của người dân các vùng lân cận. Đến thăm các lò rượu sản xuất tại thôn Tuy Lộc mới biết được, để có sản phẩm rượu ngon, đảm bảo uy tín, chất lượng người làng nghề đã dồn bao công khó, cần mẫn làm lụng và nhất là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ đến ngày hôm nay. Thiết nghĩ, việc bảo tồn, phát huy nghề nấu rượu truyền thống chính là vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa góp phần tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động nông thôn, gia tăng sản phẩm hàng hóa, đồng thời đóng góp thuế ở địa phương.

Minh Huyền

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét