CÂY ĐÀN TỲ BÀ VÀ NGHỆ NHÂN CHƠI ĐÀN ĐÃ 105 TUỔI


Đôi mắt không còn tinh anh, đôi tay nhăn nheo, dúm sạm nhưng những tiếng đàn của ông thì vẫn còn thánh thót, trong veo. Quá nửa đời người gắn bó với cây đàn tỳ bà, ông là nghệ nhân duy nhất còn giữ được những ngón đàn độc nhất thiên hạ.

Duyên trời định

Giữ chặt cây đàn tỳ bà cổ, nghệ nhân Châu Đình Khóa lướt nhẹ mu bàn tay gảy những thế đàn xen lẫn trong tiếng gió thổi vi vu, âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc như ai oán, não nề; từng cung đàn, nốt nhạc lột tả tâm trạng của người chơi đàn cũng như bản nhạc đang vang cái cảm giác lạ thường như miên man, mê dại. Mọi giác quan của người nghe đều căng ra để hứng lấy từng nốt nhạc. Cây đàn tỳ bà cổ sau hàng chục năm lưu lạc bên ngoài đã xuất hiện vào năm Gia Long thứ nhất (1802) trong tư dinh của quan ngự sử Lưu Đức Xứng. Trải qua chiến tranh, bom đạn loạn lạc cùng với những mất mát, xây xước, cây đàn cổ đã tìm được người xứng đáng để làm bạn tri kỉ.

Huế, năm Gia Long thứ nhất, lúc bấy giờ khắp nội ngoại kinh thành, ba miền Bắc Trung Nam không ai không biết tới cây đờn ca tài tử nổi danh như cồn Trợ Tồn. Trợ Tồn tên thật là Nguyễn Quang Tồn, ông vốn là một giám thị của trường Quốc Học Huế, quê ở Tô Đà, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Là người cực kỳ mê đờn ca và cực kỳ giỏi đờn nên hễ có nơi nào có đờn hay là nơi đó có mặt ông. Đi khắp đất nước cuối cùng ông đã tìm cho mình được cây đờn “không thể chê vào đâu được”, đó chính là cây đờn tỳ bà cổ, báu vật của gai đình ngự sự Lưu Đức Xứng.

Sau khi ngự sử qua đời, cây đờn được gia nhân trong nhà nâng niu hết mực, đem lên bàn thờ cúng viếng, cây đờn tỳ bà nằm im lìm, bất động như đang chờ người tới rước. Nghe tiếng cây đờn tỳ bà cổ, không ngại gian khó, Trợ Tồn thắp lễ kính dâng xin gia đình ngự sử được một lần nâng niu khẽ cất tiếng nhạc, gảy lên những nốt lưu truyền tới hậu thế. Dưới đôi bàn tay thần thánh của ông, tiếng đờn tỳ bà cổ như trót bỏ hết bao nỗi ưu tư trong lòng, ngân vang khiến cho lòng người mê muội, chỉ muốn nghe mà không muốn rời. Từ đó cây đờn gắn bó với thầy Tồn như một vật bất ly thân.


Chiến tranh, loạn lạc, người xô, kẻ chạy, Bắc Trung Nam đâu đâu cũng chết chóc, tranh giành, bóc lột, áp bức, sau khi bị đuổi khỏi trường Quốc Học Huế, vì chống chính quyền, tham gia phong trào yêu nước, Trợ Tồn cùng với vợ con, gia đình lưu lạc tận Quảng Bình, cuộc sống mưu sinh khổ cực, miếng cơm manh áo đè nặng lên đôi vai. Nhưng ông vẫn không quên dành thời gian cho việc sáng tạo, tìm ra những “bí kíp” mới để có thể phát huy tối đa hiệu quả của cây đờn tỳ bà cổ.

Những vở kịch thấm đượm tinh thần yêu nước, cổ vũ cho phong trào cách mạng của quần chúng, chống bọn Pháp xâm lược, chống triều đình thối nát… được ông cất lên từ cây đàn cổ. Trong đám học trò nghèo ngày đó ở trường làng ông dạy, ông đặc biệt chú ý tới một cậu học trò nhỏ người, tính nết hiền hòa, nho nhã, đôi bàn tay cực kỳ mềm mại, linh hoạt với một niềm đam mê nhạc cụ tài tử đến độ si mê điên dại, Châu Đình Khóa.

Duyên trời như đã định, Châu Đình Khóa không ai khác chính là cháu nội của quan thượng thư bộ lễ Châu Đình Kế, người bạn tri kỉ của ngự sử Lưu Đức Xứng - chủ nhân đầu tiên của cây tỳ bà cổ.

Những “món” ngon, kỹ thuật trong nghề, bí kíp được ông Trợ Tồn gửi gắm, truyền dạy cho Châu Đình Khóa với bao tâm huyết gửi gắm mong cậu có thể cùng với cây tỳ bà bộc lộ hết sở trường, cất lên những làn điệu từ đôi bàn tay tài tình.

Cậu học trò mê đờn ca và cây tỳ bà cổ

Sinh ra trong gia đình đông anh em, mẹ mất sớm, ngay từ thời ấu thơ lớn lên trong những làn điệu dân ca, đờn ca của khúc hát miền Trung, cậu bé Khóa mẹ đàn hát từ nhỏ. Cứ chiều tối để dỗ dành các em ngủ ngoan Khóa lại cất lên giọng hát mà mẹ đã truyền dạy lại, từ đó máu nghệ sỹ đờn ca đã thấm vào da thịt cậu bé và ăn sâu vào tiềm thức. Với khả năng thiên bẩm cùng chất giọng trầm ấm, bay bổng cộng với sự chỉ dạy của sư phụ Trợ Tồn, không mấy chốc ông đã nắm hết những ngón đàn hay trong nghề đờn ca, tỳ bà.

Sau năm 1945, đất nước trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình nào cũng lo chạy loạn tìm cho mình một chỗ nương náu an toàn, không mấy người còn thời gian, tâm trạng cho việc nghe đờn ca tài tử. Theo tiếng gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, ông Khóa cũng ra chiến trường chiến đấu, cây đờn tỳ bà được ông gửi lại cho bà con láng giềng giữ hộ.

Ông khóa kể “Hồi đó do chạy giặc nên cây đàn tỳ bà cổ đã bị ném từ góc xó này cho tới bờ đường, bụi rậm kia, thậm chí nó cũng đã bị người dân dùng làm thớt thái rau. Lúc từ chiến trường trở về, thấy những vết xước khắp cây đàn với những vệt dài cả trước lẫn sau, tôi xót lắm, thấy mình thật có lỗi với nó và thầy giáo Trợ Tồn nên tôi quyết không bao giờ rời xa nó nửa bước”. Cũng kể từ đó, cây đàn tỳ bà đã theo ông trải dài dặm non sông đất nước, hết chiến trường Thừa Thiên Huế lại về Quảng Trị, Quảng Bình ác liệt. Giữa bom đạn ông và cây đàn như người bạn xông pha ngoài chiến tuyến.

Cứ sau mỗi trận đánh, ông Khóa lại dùng cây tỳ bà cổ với mu bàn tay khẩy nhẹ cất lên tiếng đàn lúc ai oán, bi thương lúc lại động viên tinh thần đồng đội, phục vụ văn nghệ cho bộ đội.

Tỳ bà Huế có tất cả 4 dây và 10 phím dài khoảng 1 mét ̣tùy loại. 4 dây đàn được nối kết với các đầu đàn theo những nét riêng đặc biệt, gắn với cổ ngựa ở cổ đàn rồi xuôi thẳng về phía trên, được làm trông giống với mình con chuồn chuồn dang cánh. Cây đàn tỳ bà cổ có đủ 7 âm tương đương với 7 nốt nhạc, mỗi phím đàn có âm sắc khác nhau, chính điều đó đã tạo nên những nốt nhạc khác nhau.

                                                        Cụ Khóa bên cây đàn cổ.

Bí quyết trong nghề của ông chỉ vẻn vẹn nằm trong chữ “Tâm” và “Nhẫn”, đánh đàn bằng tâm, bằng con tim, bằng tấm lòng, bằng nỗi niềm để bộc phá hết những suy tư. Nhẫn để nại, càng nhẫn bao nhiêu tiếng đàn càng hay bấy nhiêu. “Giữ cả 2 cái đó trong tiếng đàn thì càng phát huy hết được công năng của cây tỳ bà”, ông Khóa tâm sự.

“Mong các cháu giữ lấy cây tỳ bà…”

Năm nay đã tròn 105 tuổi, cụ Châu Đình Khóa đã già lắm rồi, mắt nheo mờ, râu trắng bạc, song niềm đam mê đờn ca vẫn chưa bao giờ tắt. “Cả đời tui cố học, cố sáng tác, cố phát triển nghiệp đờn ca đến bây giờ cũng vì cái tâm, lương tâm nghề nghiệp nó không cho tôi rũ bỏ được, phải gắn lấy nó, yêu lấy nghề, giữ lấy cái nếp, cái nền, từng nốt nhạc, từng khúc ca để hát, để gảy lưu truyền cho hậu thế”, cụ tâm sự.

Cả cuộc đời gắn với cây đàn tỳ bà, cụ đã truyền dạy lại cho 4 người học trò những ngón đàn hay nhất trong nghề, mong để họ phát huy hết được tiềm năng của nó. Buồn thay, cả 4 người học trò này đều đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ. Cụ Khóa buồn lắm.

Những lúc rảnh rỗi, an nhàn tuổi già, cụ lại ôm cây đờn tỳ bà, nhẹ nhàng nhấp từng nốt, bấm từng dây đàn gảy cho con cháu trong nhà nghe, mong nó yêu lấy cái nghề đờn ca mà giữ lại, để cụ có truyền nhân nối dõi.

Cụ vẫn thường truyền dạy cho những đờn ca tài tử ở Huế những làn điệu tỳ bà cổ độc nhất thiên hạ, miên man trong tiếng đàn, đượm chất trữ tình của Bến Hải, Hương Giang, Sông Hương, Núi Ngự, của Huế mộng, Huế thơ xuyến xao lòng người. Song có mấy người nắm được cái hồn trong tiếng đàn tỳ bà cổ, như cụ Khóa!

Hương Giang - Nguyễn Hoàng

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét