THỦY CHUNG CÂY LÁC TÌNH NGƯỜI AN XÁ


Nguyên Hoàng

Từ thuở người dân Kẻ Thá ( nay là làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ) đến sinh cơ lập nghiệp bên bờ sông Kiến Giang, thì vùng này đã có một giống cây hoang dại, thân như chiếc đũa, màu xanh, óng ả, không có mắt, ruột trắng xốp, mọc thành khóm, cao khoảng mét sáu, mét bảy, sống rải rác ở các bờ lạch bờ hói, cồn bãi….quanh phá Hạc Hải.
    Người dân quê tôi vốn cần cù, nhẫn nại. Ngoài việc trồng lúa nước ở ruộng sâu, họ còn dùng loại cây ấy để dệt thành chiếu, dùng trong gia đình, bán ra các chợ, chẳng bao lâu cây lác ( ngoài Bắc gọi là cói ) nói trên và nghề dệt chiếu làng Kẻ Thá, trở thành nét đặc trưng của một làng nghề và tự nhiên đi vào kho tang ca dao tục ngữ:

               “ Bún dẻo dai ai tày Cổ Liễu

            Chiếu Thá bền hơn chiếu mọi nơi…”

Chiếc chiếu Thá hấp dẫn, nâng niu quý trọng, vì nó rất gắn bó với cuộc sống của con người.
Từ bấy đến nay, không biết bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau, bồng bềnh trên chiếc chiếu Thá, lót trong nôi tre mà trưởng thành. Không ai quên được những đêm đông nằm trong lòng mẹ, đè lên chiếc chiếu hôống. Chiếu hôống cùng loại với chiếu chẹ nhưng rộng hơn, trải khắp mặt giường. Hương tinh túy của đất bùn Hạc Hải thấm vào da thịt qua những sợi lác mềm trơn. 
    Những ngày thơ ấu qua nhanh, tuổi thanh xuân ào tới. Những cô gái quê, gương mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, trái tim rạo rực, cất lên lời hò khoan gọi bạn. Các chàng trai tìm đến, xao xuyến, ngập ngừng…bên khong dệt chiếu.
     Sợi lác dài nối nhịp đập cho hai trái tim nồng cháy kết lại với nhau. Họ hẹn hò, thề thốt, ước mơ có một cuộc tình duyên tươi đẹp. Được làng xóm vun vén, ngày hạnh phúc đến gần, đôi trai gái lại bồng bềnh trên chiếc thuyền gỗ, dạo khắp vùng Hạc Hải, tìm những khóm lác tốt xanh cắt cẩn thận sao cho thân cây nào cũng nguyên vẹn, không bị dập nát, đem về, cả nhà xúm vào, chẻ lại thân thật đều, phơi cho được nắng, có mùi thơm ngòn ngọt để dệt đôi chiếu cưới. Buổi tân hôn, nhà trai, trải cả đôi lên giường mới. Đôi chiếu như một vật chứng cho mọi sự trinh nguyên buổi đầu hạnh phúc. Cho một đời người: Sống gửi nạc, thác gửi xương.
    Cứ như thế, thế hệ nối tiếp thế hệ. Dân làng mỗi ngày một đông, và cuốc sống là sự sang lọc với những thách đố đầy khắc nghiệt. Nhiều gia đình ăn nên làm ra. Cũng không ít người, vì lẽ này, lẽ nọ, suốt một đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn lao đao lận đận. Đến lúc nhắm mắt, xuôi tay, không sắm nổi một cỗ áo quan. Đôi chiếu Thá, cùng mấy thanh tre, khâm liệm thi hài, thay chiếc hòm gỗ.
    Thì ra, cây lác, cây tre, vẫn thủy chung, tình nghĩa với con người, từ lúc lọt lòng, cho đến khi sang thế giới bên kia.
     Muốn có cuộc sống ấm no, dân quê tôi sớm đi theo cách mạng. Từ năm 1930 – 1931 đã có chi bộ Đảng. Chùa An Xá là nơi diễn ra hội nghị lịch sử của tỉnh bị cướp chính quyền vào ngày 23 – 8 – 1945. Nhưng nền độc lập mới dựng lên, thì ngày 27 – 3 – 1947, thực dân Pháp quay lại xâm lược. Toàn dân đứng lên chống giặc, lớp lớp thanh niên vào bộ đội, xông ra chiến trường. Đất nước còn nghèo, trang bị quá thô sơ. Cây lác đồng hoang cũng theo bộ đội ra tiền tuyến. Mảnh chiếu Thá, gói bộ quần áo nâu, với sợi dây gai buộc ngoài, thành ra, cái ba lô của anh Vệ quốc. Nó theo anh lên rừng xuống biển, ngày đeo sau lưng, đêm trải ra nằm. Chiến tranh làm sao tránh khỏi tổn thất. Lỡ anh có hy sinh thì manh chiếu bọc thây, cho anh yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Cây lác đồng hoang, góp phần làm nên những chiến tích anh hung.

   Thế rồi cuộc sống đối thay. Từ khi sông Kiến Giang bị chắn ngang, phía trên đập, trở thành vùng nước, thì cây lác quý không thích nghi kịp, cứ chết dần chết mòn, sắp bị hủy diệt, khung dệt chiếu phải xếp xó, nhiều cái bị ngọn lửa há thân. Thương thay cho một vùng đất nghề!

Sưu tầm ( Văn nghệ Lệ Thủy - Chi hội văn học nghệ thuật và phòng văn hóa thông tin thể thao Lệ Thủy )


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét