LỆ THỦY CHÀO THÁNG 9

Nguyễn Thị Thu Hoài

  Đến Lệ Thủy, những ngày thu.
  Nếu bạn yêu thơ và giữ trong mình những ý niệm gần như đã “mặc định” về mùa thu man mác sầu chia li như trong “Truyện Kiều”:
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san
Hay rộn rã như một lời reo ca trong thơ Xuân Diệu:
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng
thì hẳn bạn sẽ gặp một bất ngờ lớn!
  Thu trên đất Lệ. Bạn đừng cố công tìm kiếm sắc “quan san” của những rừng thu phong, đừng hoài mong bắt gặp một con đường có thảm lá vàng trải lối, đừng ngóng đợi cảm giác được tắm mình trong nắng thu vàng sánh như mật mà vẫn dịu dàng không chói gắt…
  Thu – nắng Lệ Thủy vẫn còn găy gắt lắm. (Ắt hẳn mùa hè còn nấn ná chưa chịu dời chân?). Thu – gió Lệ Thủy vẫn là những cơn gió Lào khô rát – khó tìm ra cái “xao xác hơi may” đầu mùa như phố phường Hà Nội.
 Thu – người dân xứ Lệ tưng bừng mở hội.
 Tết Độc lập, người Việt Nam ta đâu đâu cũng hướng về Tổ quốc, hướng về những ngày tháng thiêng liêng, về những người anh hùng đã chẳng tiếc máu xương vì độc lập dân tộc. Người Lệ Thủy mừng Tết Độc lập theo cách rất riêng: Trên cạn – cờ đỏ sao vàng, cờ hội tung bay rợp trời; dưới sông, những chiếc thuyền bơi đua của các làng, xã đọ sức đua tài trong tiếng hò reo cổ vũ không ngưng nghỉ của bà con nhân dân.
 Bơi đua đã trở thành truyền thống, đã ăn vào máu thịt của người dân xứ Lệ, để ngay cả những đứa trẻ mới chập chững đi, bi bô nói cũng biết rảo chân chạy về phía bờ sông khi nghe tiếng mõ, biết giả tiếng mõ, tiếng hò dô của trai bơi sau chỉ mấy ngày xem hội, và, để những người con xa quê, tết Nguyên đán có thể không về nhà nhưng không thể vắng mặt trong ngày 2 tháng chín… Sẽ không phải là nói quá khi bạn nghe ai đó bảo rằng: Xa quê, xa nhà, cái họ nhớ nhất, khắc khoải mong được nghe lại nhất là tiếng mõ đò bơi… Cần nói rõ, đó là âm thanh từ chiếc mõ được làm từ sừng trâu hoặc gốc của những bụi tre rất già, có thể cầm gọn trong lòng bàn tay, khi gõ vào, từng tiếng to, rõ, rất trong, thanh nhưng lại có độ vang – vọng đi rất xa. Tiếng mõ trên mỗi đò bơi giống như chiếc đũa trong tay người nhạc trưởng: giữ và điều khiển nhịp chầm, khi khoan khi nhặt, khi nhanh khi chậm…. Đã có những đò bơi dùng còi thay thế mõ để “chỉ huy”, nhưng chỉ được một, hai năm rồi cũng tự động quay về với chiếc mõ truyền thống. Điều đặc biệt nữa là, tiếng mõ có sức mạnh kì lạ. Trai bơi trên thuyền nghe tiếng mõ mà giữ nhịp chầm cho đều, có lúc cùng đồng thanh “hò hố”, “hô lên” khiến cả khúc sông rộn ràng hẳn lên, và rồi cái không khí ấy – rất nhanh - đã được các cổ động viên – những “tuyển thủ bơi cạn” cộng hưởng. Thế là, không chỉ trai bơi mà cả người xem cũng đều nghe “lệnh truyền” từ tiếng mõ! 
 Lễ hội chỉ ngắn ngủi vài ngày. Dòng sông quê mình lại hiền hòa trôi, đưa những bông hoa lộc vừng đỏ tươi về miền xa tít tắp. Dân quê mình lại tảo tần với cuộc mưu sinh. Tiếng mõ đã ngừng vang lên gọi lòng người háo hức, nhưng còn vọng mãi trong tiềm thức dân quê mình – để đến hội năm sau lại đưa bước chân ai từ muôn nẻo quay về… 

Tháng 9 - 2013

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét