TRUYỂN THỐNG ĐUA THUYỀN MỪNG TẾT ĐỘC LẬP TRÊN SÔNG KIẾN GIANG

Nguyên Hoàng                         

                               Đua thuyền trên sông Kiến Giang
Với mỗi người con Lệ Thủy, Quảng Bình - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu phải đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về nhưng Tết Độc lập thì nhất định phải đoàn viên. Bởi ngày đó, sông Kiến Giang náo nức lễ hội đua thuyền.Tưng bừng lễ hội đua bơi.

“Dù ai đi Tây về Đông/ Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay...”.

Theo sách Ô châu cận lục “Vào một đêm u tịch mênh mang của cái “ngày xửa ngày xưa” ấy, vị Thành hoàng khai khẩn vùng đất Lệ Thủy nằm chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: Muốn mưa thuận gió hòa thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có lễ hội đua thuyền để cầu đảo, để khai thông sông rạch. Tâm nguyện của người dân sẽ được trời đất chứng giám mà phù hộ, độ trì”.

Từ đó hằng năm sông Kiến Giang lại dậy sóng trong lễ hội đua thuyền nhằm gửi gắm với trời đất khát vọng thái bình yên ấm. Đến năm 1946, con dân Lệ Thủy đã xin với trời đất chuyển lễ hội đua bơi truyền thống vào ngày 2-9 để mừng Tết Độc lập.

                       Sông Kiến Giang đã dậy sóng trước ngày đua thuyền

Về Lệ Thủy những ngày gần dịp lễ mới thấy hết sự náo nức của người dân với lễ hội đua thuyền truyền thống. Trước hội cả tháng, thôn nào, làng nào cũng tập trung chuẩn bị, sắm sanh tu sửa đò bơi, thuyền đua, tuyển chọn trai bơi, gái đua.

Việc đóng thuyền luôn được chăm chút công phu dưới bàn tay những nghệ nhân tâm huyết. Những thân gỗ (huỵnh, dổi) dài 20-30m, được cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt, cộng với những bí truyền ngàn đời để hình thành nên chiếc thuyền đua bơi.

Thuyền đua bơi phải nổi vừa phải trên mặt nước, không được chờm sóng mà phải lầm lũi lao về phía trước như kình ngư.
Trai bơi, gái đua là những thanh niên dạn dày sông nước. Họ chỉ được ăn cơm rang giòn trước khi xuống thuyền để đủ dẻo dai đưa thuyền về đích. Mỗi cuộc đua bơi thường có 12-15 cặp. Trai bơi dùng mái chầm, nữ đua dùng mái chèo, đoạn đường bơi dài từ 25-30km.

Trong ngày lễ hội, dòng Kiến Giang như một rừng hoa. Hàng ngàn thuyền lớn nhỏ được trang trí bắt mắt, căng đầy băng rôn, biểu ngữ và không thuyền nào là không có vài ba chiếc trống, mõ làm từ gốc tre để cổ vũ. Người từ khắp các huyện trong tỉnh cũng đổ về đây từ lúc 3-4 giờ sáng để hưởng cái không khí náo nức.
                
Tiếng súng hiệu vang lên. Những mái chầm, mái chèo khua lên tung bọt trắng xóa. Trên bờ, hàng trăm ngàn người reo hò vang dội một vùng. Con đường hai bên bờ sông Kiến Giang ken đặc người xe, chạy dọc theo hướng thuyền đua để cổ vũ.


Phần thưởng giá trị vật chất đưa về cho các đội không lớn. Những thứ bậc được xướng danh mới thật sự là niềm tự hào của những làng có đò bơi nam, thuyền đua nữ được giải. Dù thắng, dù thua, làng nào cũng tổ chức liên hoan ăn mừng và chiếc thuyền được nâng niu, cất giữ như báu vật, đợi mùa lễ hội sau.

Năm 2006, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được UBND tỉnh Quảng Bình nâng cấp thành lễ hội văn hóa của tỉnh.



Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét