NHỚ ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH, GIÓ ĐẠI PHONG VẪN THỔI

Nguyên Hoàng
Phong trào Gió Đại Phong
Vì tin, người nông dân đã nỗ lực, tâm huyết làm theo những chỉ dẫn của “bác Thanh” để có một kết quả tốt là Đại Phong trở nên giàu có một cách bền vững.

Mỗi năm một lần, chị Nguyễn Thanh Hà lại về Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình).

Không phải là quê, nhưng với gia đình chị Hà, cái tên Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình đã gắn bó gần như máu thịt. Đại Phong là nơi cha chị - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - đã dồn hết tâm lực của một người cộng sản chân chính để góp phần làm nên một phong trào lưu giữ trong sử sách và trong lòng người. Một phong trào mà cho đến hôm nay, vẫn như luồng gió mát lành thổi đến mọi làng quê Việt Nam yên bình, dung dị. Phong trào ấy có tên gọi: “Gió Đại Phong”.

Hơn 40 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến "ngọn gió" ấy, người ta lại thấy hình ảnh của người "đại tướng nông dân" chân lấm bùn, trán đổ mồi hôi và nụ cười đôn hậu, cùng người nông dân Đại Phong, làm nên những "cánh đồng vàng" trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 60.
...Chúng tôi cùng chị Hà về lại Đại Phong giữa mùa gặt năm nay. Đường nhựa trải dài về từng xóm, từng làng. Mái ngói san sát, nhà tầng lô nhô. Những con thuyền chở lúa đầy ắp xuôi ngược trên dòng Kiến Giang. Nông dân cắt lúa bằng máy, đập lúa ngay bên bờ ruộng và chở lúa về nhà bằng công nông, xe máy.


Điều ấn tượng nhất với chúng tôi là những gương mặt người dân thảnh thơi, hồ hởi. Một phóng viên truyền hình tỉnh nói đùa nhưng thật: “Vì những người nông dân ở đây mấy chục năm qua họ được sống trong niềm tin”.


Tin vào nhau, tin ở mô hình của HTX Đại phong, tin ở những cán bộ lãnh đạo gần gũi nhất của họ là Ban quản trị HTX các thế hệ... Tin và làm theo những điều mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nói và làm cùng họ cách đây 43 năm.

Trụ sở HTX Đại Phong là một dãy nhà 2 tầng khang trang, nếu không nói là đồ sộ so với những trụ sở HTX mà tôi đã thấy từ Nam ra Bắc. Tầng 2, có một thư viện và một gian phòng lưu niệm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...


Chị Nguyễn Thanh Hà run run thắp nén nhang trên bàn thờ cha mình (nơi người dân Đại Phong và cả Quảng Bình - hơn 40 năm qua vẫn tới đây để tưởng nhớ vị tướng tài ba và thân thương của họ.


Chị Hà rưng rưng nhìn lại những tấm ảnh của ông mà người dân Đại Phong đã gìn giữ. Những kỷ niệm về Đại tướng cứ oà về trong tâm thức của những người Đại Phong có mặt hôm ấy.


Cụ Đặng Ngọc Đính, năm nay 82 tuổi - trưỏng ban kiểm soát HTX Đại Phong (trước ngày về hưu, cụ là Phó chủ tịch UBND xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy), có lẽ là một trong những người dân Đại Phong gần gũi nhất với Đại tướng ngày đó- rưng rưng: “Bác Thanh là ân nhân của các thế hệ người Đại Phong, sau này con cháu Đại Phong vẫn thờ bác Thanh như người thân của mình. Năm 1967, khi bác Thanh mất, Đại Phong làm lễ truy điệu. Cả làng ai cũng khóc”.


Cụ bà Phan Thị Dung, vợ cụ Đính khóc mãi cho đến khi chúng tôi chia tay: “Dân coi bác như cha vì bác Thanh dạy bảo người dân tận tình lắm”.


Ký ức về tướng Thanh trong thế hệ người Đại Phong ngày ấy không phải là một vị tướng oai phong lẫm liệt, mà là một con người bình dị, hoà mình cùng những người nông dân Đại Phong.


Cụ Đính kể rằng chưa bao giờ nhìn thấy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mặc quân phục trong những ngày ở Đại Phong. Có một đêm mùa đông, ông Đính và chiến sỹ cận vệ của tướng Thanh phát hoảng vì “tướng Thanh đi đâu mất”. Tìm khắp nơi thì nghe tiếng ông đàng hò khoan ngoài ruộng lúa. Thì ra, đêm tướng Thanh không ngủ được, dậy ra đồng thăm lúa, rồi cùng xuống cấy với các mẹ, các chị nông dân.
“Những ngày ở Đại Phong, ông đã đi từng nhà, kiểm tra từng bồ thóc, từng thùng gạo, xem ai đói, ai nghèo. Kiểm tra từng chuồng trâu xem trâu đã đủ ấm, để bảo đảm sức kéo cho vụ mùa”.
 
Cụ Đính còn nhớ như in một kỷ niệm, lần ấy trong chuyến đi lên phía tây Đại Phong, tướng Thanh chèo đò, mấy anh em trên đò hò khoan cho đỡ nhọc (mệt), cho đường đỡ dài. Tướng Thanh đã làm mọi người ngạc nhiên khi cất tiếng: “Dẫu mà thầy mẹ không thương, hai đứa lấy mình thương chắc (yêu nhau) ta ra nương (vườn) ngồi chòi (lều)”.

Có lẽ bí quyết lớn nhất để làm nên thành công của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Đại Phong là ở chỗ: Vì ông gần dân, hiểu dân nên người ta tin ông. Và vì tin, người ta đã nỗ lực, tâm huyết làm theo những chỉ dẫn của ông để có một kết quả tốt là Đại Phong trở nên giàu có một cách bền vững.

Cụ Đính nói rằng, bài học của Đại Phong là “câu chuyện về sự thành công của Đảng trong việc chỉ đạo mà phẩm chất và tài năng của cán bộ lãnh đạo là yếu tố then chốt”.


Ông kể, những ngày đầu tướng Thanh về Đại Phong luôn dặn: “Đảng với dân là một, Đảng đoàn kết trong Đảng, dân đoàn kết trong dân và coi HTX như nhà. Làm ăn phải làm sao đó phải có cái nhìn lâu dài, phải mở rộng các ngành nghề, ai có nghề gì thì mở như: nghề mộc, đóng gạch… Tập hợp cho được HTX mua bán để mua lại cho xã viên, bán lại cho xã viên …”


Theo chúng tôi, sự tài tình của vị Đại tướng này là đã chỉ ra được bài học về quản trị cho một HTX nông nghiệp. Những bài học từ Đại Phong ngày ấy đã được ông viết thành sách và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đó là kinh nghiệm về 3 quản: quản lý về sản xuất, lao động, tài vụ và 3 nguyên tắc: tự nguyện, cùng có lợi và dân chủ...


Từ kinh nghiệm của Đại Phong, một phong trào thi đua đã được dấy lên trên toàn miền Bắc, mang lại những thành tựu về xây dựng HTX và phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần to lớn vào việc xây dựng miền Bắc hậu phương. Phong trào "Gió Đại Phong" đã đi vào lịch sử, in đậm trong tâm trí hàng triệu con người Việt Nam trong những năm chống Mỹ và cả sau này.


Tại Đồng Hới, có một giáo viên về hưu, tuổi gần khoảng 70 đã rơi nước mắt khi nghe chúng tôi nhắc đến Đại tướng Thanh và Đại Phong. Bà nói: “Đại Phong là niềm tự hào của Quảng Bình, của Việt Nam thời chúng tôi. Chúng tôi mến và ơn Đại tướng Thanh nhiều lắm. Nhưng tôi có cảm tưởng, người bây giờ coi Đại Phong chỉ là ký ức xa xôi vì người ta không coi trọng nông nghiệp nữa...”.


Không hẳn thế! Gió Đại phong vẫn thổi, không chỉ trong lòng của những người thế hệ người phụ nữ Quảng Bình này.


Ruộng chỉ có chừng ấy vì đất đâu có sinh sôi, tăng vụ chỉ có hạn, dù thâm canh đến mấy, năng suất lúa cũng có ngưỡng của năng suất. Đại Phong ăn nên làm ra như hôm nay là biết mở mang thêm ngành nghề, mở mang dịch vụ. HTX Đại Phong bây giờ có nguồn vốn cố định trên 6 tỷ đồng, chỉ riêng việc làm nghề phụ và kinh doanh như một doanh nghiệp đã đưa về thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/năm.

Và cái điều quan trọng nhất vẫn là trên dưới đồng lòng, HTX là mái nhà chung của mọi thành viên, cùng san sẻ khó khăn, cùng gách vác việc chung khi “trái gió trở trời”.


Một thế hệ mới con em Đại Phong đang nỗ lực hết mình để gió Đại Phong vẫn thổi, bền vững và tràn đầy sức sống.


"Cứ nghĩ như anh vẫn sống hoài/ Mặt hiền như ruộng lúa, nương khoai..." Tình cảm của người dân nơi đây với vị tướng của mình càng thêm sâu nặng khi năm nào những người con của Đại tướng cũng thay nhau về với Đại Phong.

Làm nhà tình nghĩa cho bố mẹ liệt sĩ, tặng sách cho tủ sách của HTX và thường xuyên ủng hộ Quỹ khuyến học của địa phương, cùng với người dân ôn lại bài học và truyền thống Đại phong... những người con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mong muốn đi tiếp con đường mà người cha yêu quý của mình đã đi. Những việc làm của họ đã góp phần cổ vũ những người dân nơi đây tiếp tục thổi bùng ngọn "gió Đại Phong" trong thời kỳ đổi mới đất nước, để nó có sức lan tỏa đến những miền quê khác.


“Khi đất nước còn chiến tranh, chúng ta còn có phong trào Đại Phong. Bây giờ, tôi mong muốn Đại phong phát triển hơn nữa và Quảng Bình, mong cả nước có nhiều Đại phong hơn nữa để phong trào nông nghiệp phát triển” - chị Hà, con gái đầu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói.

Về Đại Phong, về với những người dân nông dân của ở một vùng quê đã tự hào được bằng nghề nông, chúng tôi càng hiểu rõ hơn vì sao hơn 40 năm đã qua kể từ ngày Đại tướng Thanh đi xa mà người dân vẫn nhớ ông đến vậy. Những việc ông đã làm, đã ghi lại thực sự là bài học quý giá cho hôm nay trong cuộc Cách mạng đổi mới: "Luôn luôn tìm tòi những nhân tố mới, tìm cách xây dựng những điển hình tập thể và cá nhân, rồi kịp thời rút kinh nghiệm. Sau khi đã khẳng định được tính đúng đắn của sự đổi mới thì lập tức mở rộng ra thành phong trào. Đó mới là tính chất công tác thi đua của một cuộc cách mạng".


Và cả những điều tâm huyết mà đại tướng Nguyễn Chí Thanh căn dặn quân và dân miền Nam năm 1965: "Không nên cho mình có công mà kiêu ngạo, coi thường nhân dân... Nhân dân đã hết lòng ủng hộ chúng ta, nhưng chúng ta chỉ là con em của nhân dân, làm sao mà "đi thì dân nhớ, ở thì dân thương”.


Không chỉ là lời dặn dò, ông - vị tướng của những người nông dân suốt cuộc đời mình đã nếu tấm gương sáng: đi dân nhớ, ở dân thương!


Như câu thơ chở đầy ân nghĩa mà đất nước, nhân dân luôn nhớ về ông: "Ôi sống như anh, sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc một Con Người".

Trần Hồng Hiếu(bee.net.vn) 
Nguồn: Kiến Giang Xanh.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 1 nhận xét Đăng nhận xét

avatar

Đúng cách và đẹp rồi đó. Chỉ có một lưu ý nhỏ, khi đánh tiêu đề nhấn caps lock để viết in hoa