NGUYỄN HỮU CẢNH, NGƯỜI MỞ ĐẤT PHƯƠNG NAM



Ông nội của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là quan tham chiến Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, vì bất mãn với chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, nên theo phò chúa Nguyễn vào Đàng trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn Hầu định hướng là đất Quảng Bình. Khi ấy người con trai thứ năm của Triều Văn Hầu là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật mới được 6 tuổi. Ông Dật sau này là cha của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Đến lượt Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được sinh vào năm 1650 tại Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.

Quê hương Quảng Bình đứng vào vị trí trung tâm của Tổ quốc - là một địa linh đã nung đúc nên nhiều anh tài nhân kiệt cho đất nước. Về thiên nhiên thì Quảng Bình cũng là một địa danh nổi tiếng có nhiều thắng cảnh độc đáo. Địa linh ấy, phong cảnh ấy đã tác động mạnh vào trí não Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ lúc mới chào đời. Càng lớn, quê hương Quảng Bình càng gắn chặt vào tâm hồn ông với lòng mến yêu, quyến luyến chân thành.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh trưởng trong tình huống nước nhà đang nạn Trịnh Nguyễn phân tranh, Ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn, nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần. Từng là sư tổ của môn võ, danh hiệu "Bạch hổ sơn quân phái’’ được nhiều người kính phục. Được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ.

Năm Nhâm Thân (1692) Chúa phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh an định bờ cõi. Tại vùng ven biển, trải hai năm liền Ông đã tích cực phấn đấu gặt hái được nhiều kết quả khả quan và nhất là để lại nhiều dấu ấn nhân hậu:
- Ổn định phủ Bình Thuận
- Hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt
- Cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng...

Qua thành tích trên, Ông được thăng chức Chưởng cơ, làm Trấn phủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa ngày nay).
Xuân Mậu Dần 1698, Chúa lại cử ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai (gồm cả Sài Côn Bến Nghé).

Thuở ấy Ông cho đóng đại bản doanh tại Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố (Đồng Nai). Ngoài mỏm đất này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u: phần đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư...
"...Đồng Nai địa thế hãi hùng 
Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um...’’
Phần nhân chủng tuy gồm các sắc tộc: Khơme, Chăm, Việt, Hoa...nhưng lại quá ít ỏi vắng vẻ, đời sống sinh hoạt còn quá thô sơ nghèo nàn. Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước thương dân, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kiên quyết vượt gian nguy, vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành:

- Khai hoang mở cõi
- Dàn xếp biên cương
- Bảo vệ chủng dân và vùng đất mới
- Thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ
- Lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt
- Đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông
Tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ trước mọi phương án do ông đề ra. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông - Điển hình bằng cả những câu ca dao thời ấy, ví dụ:

"Làm trai cho đáng nên trai 
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng"
Chốn rừng rậm đầm lầy quanh vùng Đồng Nai Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí..., mà Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này:

"Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt, 
Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai"
Không những ông là vị tướng khai biên xuất, nhà chính trị tài giỏi mà còn là người giàu đức tính, đầy lòng nhân hậu, và có một tâm hồn thuần phác ’’Uống nước nhớ nguồn", với lòng yêu, quê hương Tổ Quốc thiết tha. Đặc biệt, Ông đặt nặng tình lưu luyến chân thành với sinh quán Quảng Bình của ông. Như ta thấy, Ông đã chắt chiu đem từng tên của hai huyện Phước Long Tân Bình ở tận Quảng Bình vào đặt tên cho vùng đất mới khai hóa này, mà đến nay phần lớn vẫn còn. Trước hết là hai huyện Phước Long (vùng Đồng Nai) và Tân Bình (vùng Sài Côn Bến Nghé). Rồi còn biết bao thôn xã khóm ấp được mang tên Bình hoặc Tân như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước, ...Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh...

Do công nghiệp ấy, ân đức ấy, Ông đã được nhân dân trong vùng kính trọng, họ tỏ lòng tôn kính uy danh ông, không dám gọi tên húy luôn cả hai tên Kính và Cảnh mà chỉ tôn xưng bằng chức tước của ông là Quan Chương Cơ, quan Thống Suất và tôn quý gọi là Lễ Công, Đức Ông.
Hai năm sau, Triều đình tái cử ông đi dẹp yên biên cương với chức Thống binh. Lần này, ông cũng dùng chính sách ôn hòa, đem nhân tâm thu phục lòng người là chính.

Công cuộc an định biên cương mau chóng hoàn tất, Ông hạ lệnh dong thuyền xuôi dòng Cửu Long về Dinh Trấn. Nhưng khi về đến ngã ba Tiền Giang - Rạch Gầm (tục còn gọi quãng này là Sầm Giang) Ông bỗng bị bệnh mất đột ngột! Khi ấy nhằm ngày 9-5 Canh Thìn (1700). Quan quân bàng hoàng xao động, âm thầm đưa linh cữu của ông về đình cữu và huyền táng cạnh dinh Trấn Biên Đồng Nai, thuộc thôn Bình Hoành, Cù Lao Phố.
Được tin dữ bất ngờ, dân chúng xúc động thương tiếc; truyền rằng rất nhiều người vừa nghe xong đã bật khóc như chính người thân của họ mới qua đời vậy.

Triều đình cũng sửng sốt u buồn. Chúa Nguyễn Phúc Chu xót xa ban sắc truy tặng Hiệp Tán Công Thần, đặc tấn Chưởng dinh Tráng Hoàn Hầu (Vĩnh An Hầu) thụy là Trung Cần.
Truyền rằng sau đó linh hài của ông đã được cải về an táng tại Thác Ro thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nơi này mới đây được hậu duệ 10 đời của ông đã tìm ra mộ và tấm bia khắc tên Ông bằng chữ Hán, được dịch là (mặt trước) Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) chi mộ, (mặt sau) ghi: Bảo Đại năm thứ 5 ngày 16, hậu duệ là Viện trưởng Cơ mật Đại thần Thái tử Thái phó Hiển đại học sĩ Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài cùng con Hữu Giải và nữ thị Dương cung kính dựng bia. Nghiêm cẩn ghi lại.

Xét ra mộ chí của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Thác Ro, Quảng Bình đã rất đúng hướng địa lý đặt mộ của tiền nhân dòng Nguyễn Hữu đã chọn và truyền lại:
- Thượng Yên Mã = phía trước giáp núi Yên Mã

- Hạ Đùng Đùng = phía dưới gần phá Hạc Hải
- Trung trung nhất huyệt = khoảng trung tâm là nơi an táng được

Nhưng ở Cù Lao Phố xưa nay vẫn có lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Phải chăng tiền nhân khi xưa vừa làm công việc cải táng linh hài ông về Quảng Bình, vừa đắp lại như cũ mộ huyền táng của Ông ở Cù Lao Phố để trấn an lòng sùng kính của nhân dân vùng Đồng Nai. Ngoài ra, Thượng Đẳng Thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có một ngôi mộ vọng nữa ở xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam.
Thuở ấy, sau khi ông mất, nhân dân khắp nơi lập Đền, Miếu thờ phụng, cùng những liễn đối hoành phi..., ghi ơn Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Ngoài đền Vĩnh Yên ở Quảng Bình, đền Binh Kính ở Biên Hòa (Đồng Nai), còn suốt miền đồng bằng sông Cửu Long, nhưng địa phương nào trước đã từng được đón tiếp ông hay những nơi ông đóng doanh trại đều có đền thờ như: Cù Lao Tiêu Mộc (sau đổi là Cù Lao Ông Chưởng), Long Điền, Kiến An, Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Rạch Gầm, Thới An, Bình Mỹ, Mỹ Đức, Cù Lao Phố... Đâu đâu ông cũng được sắc phong Thượng đẳng thần. Không những người Việt tôn thờ ông, mà người Trung Hoa cũng tỏ lòng ngưỡng mộ đặt bài vị thờ Ông tại đền Minh Hương Chợ Lớn. Thậm chí người Chân Lạp cũng kính phục uy danh Ông, họ lập miếu thờ ở đầu chợ Nam Vinh (Nam Vang) thờ Đương Cảnh Thành Hoàng Nguyễn Hữu Cảnh.
Phía triều đình các vua chúa nối ngôi sau này đều có ban sắc phong tước hiệu truy tặng cố công thần Nguyễn Hữu Cảnh. Dân ta vốn là một dân tộc có truyền thống uống nước nhớ nguồn, cho nên trải qua hàng bao thế hệ, cho dù các nhà cầm quyền thuộc thể chế nào, thời gian nào.. và cho đến tận ngày nay cũng đều muốn tỏ lòng ghi khắc công ơn Người góp công mở cõi Nguyễn Hữu Cảnh, bằng mọi hình thức và ở mọi địa phương:

- Sửa đền, mộ cùng sự chiêm bái hàng năm,
- Lấy tên và chức tước của Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mà đặt tên cho trường học, đường phố, khóm ấp, dòng sông như: Cù Lao Ông Chưởng, Làng Ông Chưởng, trường trung học Chưởng Binh Lễ.

- Và mới đây nhất (1998) TPHCM và Đồng Nai, An Giang đều liên tiếp long trọng mở hội thảo chuyên đề Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và tưng bừng làm lễ đón mừng 300 năm (1898-1998) thành lập Sài Gòn Gia Định gắn liền với tên tuổi của Ông.
- Phát hành bộ tem in hình Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

- Một trường Trung học Kĩ thuật nghiệp vụ mới mở thuộc quận 7, TPHCM cũng lấy tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Quả thật, công đức và nhân cách của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đi sâu vào lòng dân, và hẳn là uy danh của Người sẽ mãi mãi còn được lưu truyền hậu thế. Xin trích một câu đối trong hàng trăm liễn đối treo thờ Ông ở khắp các đền miếu:

Phiên âm:
Công cao vạn đại lê dân hàm cảm thính Nam Châu 
Đức trọng thiên thu hộ quốc an khang khai biên thổ

Dịch:
Công cao muôn thuở, toàn dân vọng tưởng đất miền Nam 
Đức nặng ngàn thu, cả nước vui trông trời giới cảnh

Vừa qua, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã xây dựng khu lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Thác Ro, Lệ Thủy.
                                        Quảng Bình đất nước huyền diệu

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét