LỆ THỦY VÀ NHỮNG LỄ HỘI ĐÃ "MAI DANH ẨN TÍCH"


Nhắc đến vùng chiêm trũng Lệ Thủy, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, vốn được duy trì từ xa xưa và đã trở thành một nét đặc trưng văn hóa đang được gìn giữ, nâng niu, trân trọng. Và cũng còn ít người nhớ rằng Lệ Thủy đã từng có nhiều lễ hội độc đáo, mang hơi thở của chính vùng đất này, như: Lễ hội tát vung Đại Phong (xã Phong Thủy), lễ hội phát mộc làng Quảng Cư (nay là thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang), hội làng ở vạn chài Xuân Hồi (xã Liên Thủy)...

Lễ hội tát vung Đại Phong

Khi chúng tôi tìm về thôn Đại Phong để hỏi về lễ hội tát vung năm nào, câu trả lời thường gặp chỉ là những cái lắc đầu và ánh nhìn thắc mắc. Ngay cả ông Trưởng thôn Đại Phong Phạm Xuân Ánh cũng rất ngạc nhiên pha lẫn tò mò khi chúng tôi nhắc đến lễ hội này. May mắn thay, những "nhân chứng" hiếm hoi của lễ hội tát vung năm xưa dù đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm", nhưng vẫn còn nhớ rành rõ đến từng chi tiết.

Ông Trần Duy Do (75 tuổi, đội 2, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy) bùi ngùi kể lại thôn Đại Phong năm xưa có tên gọi là làng Đại Phúc và lễ hội độc đáo này không phải năm nào cũng tổ chức, mà chỉ vào những năm nào hạn hán gay gắt, khi cây lúa nghẽn đòng không thể trổ bông. Lúc này, theo yêu cầu của bà con trong làng và của nhiều làng xung quanh, làng Đại Phong sẽ tổ chức lễ hội tát vung, thường diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Ông Trần Duy Do được tham dự lễ hội hai lần: lần đầu tiên năm 10 tuổi, do còn bé, cụ chỉ được tiếp nước uống cho trai tráng và lần thứ hai khi tròn 13 tuổi, cụ được theo các bậc đàn anh trong làng đi chặt tre, nứa về rào hai bên sông. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng không khí tưng bừng, náo nức của lễ hội vẫn in sâu trong tâm trí cụ.

Ông lê Đức Hiệu (82 tuổi, đội 2, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy) khẳng định lễ hội tát vung là nhằm mục đích gây náo động thiên cung, để cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Và điều đặc biệt, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cứ năm nào có lễ hội thì chắc chắn năm đó trời sẽ có mưa, lúa tốt bời bời.

Lễ hội tát vung Đại Phong đã từng diễn ra náo nhiệt dưới cây cầu này vào những thế kỷ trước-nhưng nay đã lùi xa trong ký ức.


Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ được thực hiện ở miễu "Bà Ngũ vị long vương" và đình làng, còn phần hội tát nước được diễn ra ở đoạn hói nhà Mạc ngay trong làng. Hồi đó, làng Đại Phong có 7 thôn (Ấp Thượng, Ấp Roọc, Tây Thượng, Đông Thượng, Tây Hạ, Đồn Hạ, Mỹ Phước). Mỗi mùa lễ hội, làng sẽ bắt xăm chọn một cặp ra thi thố. Làng cũng trích một khoản tiền để làm phần thưởng và tổ chức ăn khao.

Theo ông Trần Duy Do, đoạn hói nhà Mạc đi qua làng còn có một chiếc cầu "thượng gia hạ cầu" (tức là trên nhà, dưới cầu) kiên cố vững chãi. Lễ hội diễn ra ngay ở đoạn sông khoảng 200m dưới chân cầu này, được ngăn bởi hai con đê hai đầu. Người ta cắm hai cọc ở hai bờ đối diện sông, xỏ một đoạn chỉ dài làm mốc, ở giữa đặt một chiếc vung lớn đường kính hơn 60cm. Trai tráng của hai thôn trên 18 tuổi được huy động tham gia tát nước. Ai sức vóc khỏe mạnh, dẻo dai được lên vị trí đầu tiên, còn phía sau cứ theo độ tuổi để đứng. Mọi vật dụng tát nước được sử dụng tối đa như gàu sòng, nón, thau...

Hai bên thi nhau tát nước, người trên bờ hò reo, cỗ vũ, trống hội rền vang, kẻng khua giòn giã, cờ quạt phấp phới, náo động cả một vùng sông. Đến khi đoạn sông cạn nước, bên nào tát mạnh hơn chiếc vung trôi về bên đó thì sẽ giành phần thắng. Sau khi tát cạn, bà con lại tiếp tục đào sâu, với ý nghĩa "chạm được con rồng nước nằm sâu trong lòng sông để nó phun mưa lên trời". Nếu vào ngày diễn ra lễ hội, trời đột ngột đổ mưa, cả làng xem đó là điềm linh ứng, lễ hội càng thêm tưng bừng, phấn khởi.

Đến những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân, lễ hội tát vung Đại Phong dần dần mất đi và để lại nhiều tiếc nuối. Cụ Trần Duy Do và những người bạn đồng niên háo hức, chờ đợi mãi để đủ tuổi đinh tham gia phần hội tát nước, nhưng cho đến tận bây giờ, khi đã bước sang tuổi thất thập, điều đó mãi là một giấc mơ đẹp.

Lễ hội phát mộc làng Quảng Cư

Theo sách Địa chí huyện Lệ Thủy (NXB Văn hóa - Thông tin, 2010), Quảng Cư (tên chữ là Cư Triền, tên nôm là làng Chền, Kẻ Chền, nguyên thủy là Kẻ Chăm). Làng có nhiều nghề thủ công cổ truyền như nghề mộc, nghề chạm khắc, nghề cưa xẻ, nghề sơn tràng, nghề đan lát, nghề dệt may, nghề làm bánh..., nhưng nghề mộc được xem là "đệ nhất". Từ đó, Lễ hội phát mộc đã trở thành "báu vật" có một không hai của làng.

Cụ Đặng Đại Múng (98 tuổi)-người thợ mộc tài hoa nhất làng Quảng Cư thuở trước, bên chiếc sập gỗ-vật dụng cuối cùng mà cụ đóng được trước khi "nghỉ tay nghề" cách đây mấy chục năm.

Ông Đặng Đại Giám (76 tuổi, tổ dân phố 2, thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang) đã theo nghề mộc từ khi còn là một cậu bé. Cha ông, ông Đặng Đại Múng, nay bước sang tuổi 98, là người thợ mộc giỏi nhất làng Quảng Cư thuở trước và đã từng được chọn làm thợ cả để dựng nhà cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo cha học nghề từ bé, ông Đặng Đại Giám yêu và say nghề cũng chính từ những lễ hội phát mộc thiêng liêng, thành kính này. Lễ hội vừa cầu may mắn cho người làm nghề, lại vừa để cúng "tiên sư" - ông tổ nghề.

Hồi đó, làng có nhiều đoàn thợ, mỗi đoàn được gọi một ty. Một ty thường có từ 8 đến 15 người, hoặc nhiều hơn. Thợ cả là người giỏi nghề nhất, chịu trách nhiệm chung và phân chia công việc; tiếp đó là thợ chúng, thợ học việc, nhân công phụ thợ. Lễ hội phát mộc được thực hiện ở nhà các thợ cả thường vào ngày tốt đầu năm. Ngày được chọn phải hợp tuổi với thợ cả, hợp thế đất, nhà cửa... Nhà ông thợ cả Đặng Đại Giám thường chọn ngày 2-1 âm lịch.

Phần nghi lễ, mâm cỗ cúng bên cạnh các món ăn truyền thống như thủ lợn, gà, xôi, thịt, một chai rượu, thì không thể thiếu ba vật dụng đặc trưng của nghề mộc: một thước, một "nếch" (thanh gỗ to hình chữ A), một "ống mực" (dụng cụ để đo đạc). Để bàn cúng ra giữa sân, thợ cả khấn vái, cầu cho một năm làm ăn xuôi chèo mát mái, thầy thợ làm nghề an toàn... Tiếp đó, thợ cả sẽ cưa hoặc bào hay đục đẽo một thanh gỗ, như hình thức phát mộc mở màn đầu năm. Xong xuôi, mâm cỗ sẽ được hạ xuống chia cho các thợ và gia đình thợ trong ty cùng chung vui. Hết phần lễ, nhiều trò chơi dân gian cầu may được tổ chức để cả làng vùng vui chơi, thưởng thức. 

Ông Trương Tấn Chiểu (tổ dân phố 2, thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang), làm nghề mộc từ năm 1959, cho biết thêm, bên cạnh nghi lễ phát mộc tại nhà thợ cả đầu năm, còn có nghi lễ phát mộc tại những nhà mời thợ mộc đến dựng nhà. Mâm cúng và trình tự thực hiện đều giống nhau, chỉ khác là thay vì bào, cưa, đục đẽo một thanh gỗ làm phát mộc, người thợ cả sẽ dùng "dây mực" nẻ (kẻ) "đường mực" đầu tiên lên thanh gỗ. Sau đó, thợ cả dùng rìu đẽo vào thanh gỗ theo "đường mực" đã nẻ. Mấy ngày sau, ty thợ sẽ bắt đầu đến làm việc từ vết đẽo phát mộc đó.

Năm tháng dần trôi, các ty thợ ngày càng mất bóng, lễ hội phát mộc cũng phai nhạt dần. Hiện nay, nghi lễ phát mộc vẫn còn tồn tại rải rác ở một số gia đình theo nghề mộc, còn phần hội đã thực sự "mai danh ẩn tích". Dấu ấn người thợ mộc Quảng Cư tài hoa một thời giờ chỉ còn phảng phất trong số ít những ngôi nhà rường cổ trong làng, như một lời nhắc nhớ của lịch sử.

                                                           Theo baoquangbinh

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét