THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP NGÔ ĐÌNH DIỆM

Ngọc Tuân

Nhiều bạn đọc gọi đến tác giả hỏi về Ngô Đình Diệm, tôi xin dưa lên đây những thông tin chính để cùng tham khảo. 

Tiểu sử

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế, trong một gia đình quan lại có truyền thống theo đạo Công giáo lâu đời, có quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Theo hồ sơ của cơ quan an ninh Pháp ông sinh ngày 27 tháng 7 năm 1897, và còn có bí danh Nguyễn Bá Chinh. Tên thánh của ông là Gioan Baotixita (João Batista).

Gia đình
Dòng họ Ngô Đình vốn quê làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và theo đạo Công giáo La Mã từ thế kỷ thứ 17. Trong giai đoạn quân Pháp đánh chiếm Trung Kỳ và Bắc Kỳ (khoảng 1870), khi triều đình cấm đạo gắt gao, phong trào Văn Thân nổi lên chống Pháp cứu nước và phát động chiến dịch chống Đạo, nhiều làng họ đạo bị đốt, tín đồ bị truy bức, dòng họ Ngô Đình phải bỏ làng Xuân Dục phủ Quảng Ninh mà di cư về làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thủy của cùng tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều làng Công giáo hơn Quảng Ninh.

Theo những bô lão ở Quảng Bình thì ông nội của ông Diệm là Ngô Đình Dinh thuộc vào hàng bần dân khốn khổ. Ký giả Robert Shaplen xác định rõ ràng hơn rằng nội tổ của ông Diệm sinh sống bằng nghề chài lưới. Vợ mất sớm, ông mang đứa con nhỏ xuống thuyền, ngày thì đánh cá mang lên chợ Đợi bán, đêm thì buộc thuyền ở bến chợ lên ngủ nhờ đình làng Đại Phong, làm thêm việc quét tước đình làng, nấu nước phục dịch mỗi khi chức sắc làng có việc. Do lao lực, đói rét ông Dinh mất sớm để lại đứa con nhỏ mới 6 tuổi. Đứa con nhỏ đó chính là Ngô Đình Khả sau này. 

Bố mất, ông Khả bơ vơ nên được giáo sĩ người Pháp ở nhà thờ Mỹ Phước, Đại Phong nhận nuôi. Thấy ông thông minh vị giáo sĩ cho đi học chữ Hán rồi chữ Pháp tại một trường dòng ở Penang (Mã Lai). Sau khi tốt nghiệp ông về làm thông ngôn (phiên dịch) tiếng Pháp cho toà Khâm sứ Huế rồi chuyển sang làm thương biện Viện Cơ mật. Năm 1905 ông thăng chức Tổng quan Cấm Thành. Sau này lên đến Thượng thư triều đình Huế kiêm Phụ đạo Đại thần và cũng là cố vấn của vua Thành Thái. Là người mộ đạo, Ngô Đình Khả dẫn gia đình ông đi lễ mỗi buổi sáng. Năm 1907, thấy chính quyền bảo hộ Pháp phế bỏ và đày vua Thành Thái sang Phi Châu, ông Ngô Đình Khả xin từ quan về quê làm ruộng để tỏ sự bất mãn. Dù đã từ quan như ông Ngô Đình Khả vẫn đủ sức để chu cấp cho các con ông ăn học.

Ông Ngô Đình Khả có vợ là Phạm Thị Thân, quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Ngô Đình Diệm là người con thứ ba trong gia đình với hai người anh đầu là Ngô Đình KhôiNgô Đình Thục. Ông khôi và ông thục là con bà vợ cả (mất sớm). Ngô Đình Khôi làm Tổng đốc Quảng Nam, còn Ngô Đình Thục một thời làm tổng giám mục. Bà Thân là vợ kế sinh được ông Diệm và năm người em là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị GiáoNgô Đình Thị Hiệp - mẹ của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Ngô Đình Diệm ngoài giúp cha làm ruộng còn được đi học trường Công giáo Pháp và mai này ông vào học trong trường tư do chính cha ông thành lập. Từ năm 15 tuổi ông cùng người anh Ngô Đình Thục vào học ở trường dòng. Vài tháng sau, cảm thấy cuộc sống ở trường dòng quá khắt khe, ông đã từ bỏ và xin học vào trường Quốc Học Huế (Pellerin Huế). Từ lúc còn nhỏ, ông được quan đại thần Nguyễn Hữu Bài - bấy giờ là phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ do có mối quan hệ gần gũi, người anh của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khôi lấy được con gái của Nguyễn Hữu Bài.

Ngô Đình Diệm học rất giỏi, khi còn học trường trung học (lycée) của Pháp tại Huế, thành tích thi cử của ông xuất sắc đến mức ông nhận được học bổng du học tại Paris, nhưng ông đã từ chối và quyết định ra Hà Nội học trường Hậu bổ (trường hành chính) và tốt nghiệp 2 năm sau đó năm 1921.
Giai đoạn làm quan triều Nguyễn

Năm 1921, Nhận chức tri huyện Hương Trà và sau đó là Hương Thủy.

Năm 1923, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1926, Nhận chức tri phủ Hải Lăng, thăng dần lên quản đạo Ninh Thuận

Năm 1929, ông được bổ nhiệm làm Tuần vũ tỉnh Bình Thuận.

Thời làm quan triều Nguyễn ông được coi là một vị quan trẻ chính trực, thanh liêm. Khi đang nhậm chức tri phủ huyện Hải Lăng trong khoảng thời gian 1925 đến 1927. Khi ấy ông mới độ 24 - 26 tuổi. Với một thời gian ngắn, tuổi trẻ nhưng ông đã để lại nhiều dấu ấn thật có giá trị cho các xã vùng sâu của Hải Lăng, ông đã cho đào kênh Mai Lĩnh dài 3000m và mở một trục lộ giới gần 4000m mang tên Tổng lộ. Ngài tri phủ lệnh đắp con lộ ấy với ý định nối liền, rút ngắn các xã vùng ruộng sâu với phủ Hải Lăng. Con kênh Mai Lĩnh (nối Ô Giang tại bến Cây đa - Xóm càng Hưng Nhơn qua ngã ba Hói Dét - Sông Cựu, Vĩnh Định qua Vân Trình - Đập Cửa Lác đỗ vào phá Tam Giang) nhằm tiêu nước cho cánh đồng thường bị ngập úng. Cư dân ở đây đã ít bị thiên tai, ruộng đồng bội thu, có tuyến giao thông thông suốt, đến nay đã ngót 100 năm. Bởi thế, sau khi các công trình ấy hoàn thành, dân Hải - Hoà lập bia ghi nhớ công ơn của quan Tri Phủ đại nhân.

Năm 1933, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại, là vị thượng thư trẻ tuổi nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ. Trong thời gian này ông được bầu làm Tổng thư ký Uỷ ban cải cách. Ông đề xướng hai điều với chính quyền bảo bộ Pháp: một là thống nhất TrungBắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề. Việc thống nhất cốt sẽ buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ khâm sứ Trung Kỳthống sứ Bắc Kỳ và thu về thành một viên tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì không thấy được chấp nhận, ông từ chức ngày 12 tháng 7 năm 1933.
Hoạt động chính trị chống Pháp

Năm 1933, ông vào Sài Gòn cùng với Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim,... tổ chức phong trào của trí thức NamTrung Kỳ vận động chính giới Pháp tại Paris để đòi truất phế quan Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Việc không thành, ông bị Pasquier trục xuất khỏi Huế và chỉ định cư trú tại Quảng Bình. Tuy nhiên, sau cái chết của Pasquier năm 1934 (do tai nạn giao thông), viên toàn quyền mới Eugene René Robin đã phục hồi tước vị hàm cho ông và ông về dạy học tại trường Thiên Hựu (Providence) do anh ông là Ngô Đình Thục làm Giám học

Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát, và lính khố xanh bản xứ tại Trung Kỳ. Tháng 7 năm 1944, mật thám Pháp phá vỡ tổ chức này và tổ chức vây bắt Ngô Đình Diệm ở tại phủ Cam. Nhờ sự giúp đỡ của hiến binh Nhật, ông trốn thoát, chạy về trú tại lãnh sự Nhật ở Huế. Sau vài ngày, người Nhật đưa Ngô Đình Diệm vào Đà Nẵng rồi dùng máy bay quân sự chở thẳng vào Sài Gòn trú tại trụ sở hiến binh của Nhật. Ông cũng được Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội do hoàng thân Cường Để (lúc này đang sống ở Nhật) ủy nhiệm công việc vận động nhân sự ở Trung Kỳ để chống Pháp.

Tại Sài Gòn, ông đã tham gia thành lập Uỷ ban Kiến quốc với mục tiêu phò tá hoàng thân Cường Để. Tuy nhiên, vào phút chót, Nhật không ủng hộ Cường Để về nước làm vua mà ủng hộ Bảo Đại lập chính quyền thân Nhật với quốc hiệu mới là Đế quốc Việt Nam. Trước đó, Bảo Đại đã từng mời ông làm thủ tướng trong chính quyền mới, nhưng đã đổi ý và thay vào đó là Trần Trọng Kim.

Trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương

Sau tổng khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh giành chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, một loạt quan lại bị bắt tại Huế. Trong đó có nhiều vị đầu triều như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiên Lãng, Ngô Đình khôi... Trên đường dẫn các vị này ra Bắc, đến Thừa Thiên Việt Minh đã thủ tiêu 7 vị vì nghi Pháp tập kích, trong đó có Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, cùng con trai là Ngô Đình Huân. Ông Diệm thì bị Pháp truy lùng, may nhờ hiến binh Nhật giúp đỡ đã chạy vào Sài Gòn, sau đó lên Đà Lạt. Đầu tháng 8 năm 1945, ông quay lại Sài Gòn rồi ra Huế. Trên đường đi, ông bị bắt ở Phú Yên rồi giải ra Bắc. Năm 1946 ông được thả cùng với Tôn Thất Hiến, Phạm Văn Giáo, Nguyễn Tiến Lãng, Trương Tử Anh...

Năm 1948, khi cựu hoàng Bảo Đại đang sống lưu vong ở Hồng Kông đang điều đình với Pháp để ký hiệp định Pháp-Việt, Ngô Đình Diệm sang Hồng Kông thuyết phục Bảo Đại kiên định trong "vấn đề độc lập dân tộc". Sau đó khi Bảo Đại ký hiệp định với Pháp ở Hạ Long cho Việt Nam một nền độc lập hạn chế, Ngô Đình Diệm có biểu hiện thất vọng và quay về Huế sống với Ngô Đình Cẩn và có thời gian Ngô Đình Diệm lên sống với vợ chồng Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt.

Năm 1950, Ngô Đình Diệm theo anh là giám mục Ngô Đình Thục đi Vatican, rồi sau đó sang Nhật gặp hoàng thân Cường Để đang sống ở đây. Thời gian hai năm kế tiếp Ngô Đình Diệm sang Mỹ phần lớn lưu trú tại các trường dòng Lakewood ở New Jersey và trường dòng Ossining ở New York. Đây cũng là thời kỳ Ngô Đình Diệm gặp hồng y Spellman, người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của Diệm sau này. Nhờ sự giới thiệu của Spellman và một vài nhân vật cấp cao của CIA, Ngô Đình Diệm vào ở ẩn ở các chủng viện lớn như Maryknall, Lakewood rồi vào trường đại học Michigan tham gia một số khóa học. [8]

Tháng 5 năm 1953, theo lời mời của một số chính khách Kitô giáo lưu vong theo chủ nghĩa quốc gia có khuynh hướng chống Cộng, Ngô Đình Diệm bay sang Pháp rồi sau đó qua Bỉ trú ngụ tại một tu viện lớn.

Năm 1954, Ngô Đình Diệm từ Bỉ trở lại Paris sống tại nhà ông Tôn Thất Cẩn (con trai của cụ Thân thần phụ chính Tôn Thất Hân). Tại đây, với sự yểm trợ của Ngô Đình Luyện, Diệm bắt đầu vận động trong giới chính khách Việt sống lưu vong.

Thủ tướng dưới quyền Bảo Đại

Sau hiệp định Genève, Việt Nam tạm thời phân chia làm hai vùng tập trung quân sự để chờ ngày tổng tuyển cử toàn quốc và thống nhất Việt Nam, tại miền Nam do lực lượng Quốc gia Việt NamLiên hiệp Pháp kiểm soát. Được sự hậu thuẫn của chính phủ Hoa Kỳ, ông chính thức được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 16 tháng 6 năm 1954 khi hai người gặp nhau ở Pháp.

Trong thời kỳ đầu làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam, thực tế ông không có quyền lực đối với các lực lượng quân đội, cảnh sát với những người đứng đầu là Nguyễn Văn HinhLê Văn Viễn. Hai lực lượng này liên minh với nhau nhằm chống lại chính phủ trung ương, trong khi thủ tướng cũng không kiểm soát được bộ máy quan chức dân sự vì các viên chức Pháp đang còn nhiều, nắm giữ các vị trí then chốt. Nền tài chính vẫn do ngân hàng Đông Dương mà phía sau là chính phủ Pháp quản lý. Thực tế trong gia đoạn đầu cầm quyền thủ tướng ông không có thực quyền.

Sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là việc tổng thống Hoa Kỳ - Eisenhower gửi công hàm chính thức cho thủ tướng Ngô Đình Diệm cho biết từ đây chính phủ Việt Nam nhận viện trợ trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp như trước.

Ngô Đình Diệm cho rằng cơ hội duy nhất cho chính phủ quốc gia Việt Nam đứng vững được là phải giành được độc lập thực sự, và ông nhất định thực hiện mục tiêu đó một cách dũng cảm và kiên trì hiếm có. Chỉ sau vài tháng nắm quyền thủ tướng, tháng 12 năm 1954 ông bãi bỏ quyền phát hành giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương, từ nay giấy bạc lưu hành trên lãnh thổ miền Nam sẽ do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mới thành lập phát hành và cục hối đoái giao cho chính phủ Việt Nam quản lý, tiếp đó ông yêu cầu chính phủ Pháp trong vòng năm tháng thực hiện chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam mọi công tác của Quân đội Quốc gia Việt Nam còn phụ thuộc vào bộ chỉ huy Pháp.

Ngoài ra Thủ tướng Ngô Đình Diệm trực tiếp đối đầu với Pháp và Quốc trưởng Bảo Đại khi ông thông qua Dụ số 21 ngày 11 Tháng Ba, 1955 chính thức sát nhập Hoàng triều Cương thổ lại vào Trung phần chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.

Đệ nhất Cộng hòa

Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) là chính phủ của Việt Nam Cộng hòa được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 ở miền Nam Việt Nam. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý là quốc trưởng Bảo Đại Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy bị truất phế và chính thể Quốc gia Việt Nam bị giải tán. Thay vào đó thủ tướng Ngô Đình Diệm đứng ra lập nền cộng hòa với lập trường chống cộng sản. Năm 1956 Quốc hội Lập hiến chính thức soạn một hiến pháp mới và khai sinh nền cộng hòa. Được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước Tây phương, nền Đệ nhất Cộng hòa đã thành công trong việc thống nhất quyền lực, dẹp các lực lượng vũ trang giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và diệt nhóm Bình Xuyên.

Dẹp Bình Xuyên và Hòa Hảo, thu phục Cao Đài

Đụng độ giữa Quân đội Quốc gia Việt Nam và lực lượng Bình Xuyên bắt đầu từ đầu năm 1955 trong những trận xung đột võ trang dữ dội ngay giữa Sài Gòn ngay từ khi Ngô Đình Diệm còn là thủ tướng. Chính những tranh chấp giữa chính phủ và các nhóm quân giáo phái là một động lực khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa.

Nguyên là quân giáo phái vì đã có sẵn lực lượng võ trang nên không chịu nhượng quyền cho chính phủ trung ương. Những lực lượng võ trang này còn được sự hậu thuẫn của người Pháp, chưa thật lòng trao quyền lại cho chính phủ Quốc gia Việt Nam. Vào Tháng Hai năm 1955 khi Pháp ngưng mọi chi viện cho lực lượng quân sự của hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo thì hai nhóm này đòi chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải chi viện. Ngô Đình Diệm từ chối. Quân đội Cao Đài và Hòa Hảo từ đó liên kết với nhóm Bình Xuyên, vốn có lập trường chống lại chính phủ, lập ra Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia. Tổ chức này đòi quyền tham chính, ra tối hậu thư ngày 21 Tháng Ba ép thủ tướng Ngô Đình Diệm phải thay đổi nội các trong vòng năm ngày, tức là trước ngày 26 tháng 3. Đại diện Cao Đài là Phạm Công Tắc; đại diện Hòa Hảo là Lê Quang Vinh, Lâm Thành NguyênTrần Văn Soái; và đại diện Bình Xuyên là Lê Văn Viễn cùng ký tên. Cũng vào Tháng 3, quân Bình Xuyên tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích Dinh Độc Lập. Quân chính phủ phản công bằng cách vây đánh Tổng nha Cảnh sát trên đại lộ Trần Hưng Đạo (Galliéni cũ) do Lại Văn Sang, người của Bình Xuyên cầm đầu lực lượng Công an Xung phong. Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải cho triệu hồi Đại tá Dương Văn Minh về Sài Gòn để chỉ huy quân đội chống lại quân ly khai.

Ngày 26 tháng 4 năm 1955, Ngô Đình Diệm ra lệnh cách chức Lại Văn Sang và cử Đinh Ngọc Lễ vào thay thế nhưng Sang không tuân. Sang đòi phải có lệnh của Bảo Đại mới tuân thủ. Quân Bình Xuyên lại mở cuộc tấn công vào thành Cộng Hòa trưa ngày 27 và kêu gọi Quốc trưởng Bảo Đại can thiệp. Bảo Đại ra lệnh đòi Ngô Đình Diệm sang Pháp hội kiến nhưng bị thủ tướng bác bỏ. Rạng ngày 30 tháng 4 sau một cuộc giao tranh lớn gây hỏa hoạn ở khu Nancy và Chợ Quán khiến 20.000 người phải sơ tán thì chính phủ kiểm soát được các cửa ngỏ vào đô thành như cầu Chữ Y và cầu Tân Thuận, Khánh Hội khiến quân Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn, Chợ Lớn. Sang tháng 5 thì nhóm chỉ huy Bình Xuyên gồm hai anh em Lại Hữu Tài, Lại Văn Sang và Lê Văn Viễn (thường gọi là Bảy Viễn) phải rút về Rừng Sát vì bị tướng Trình Minh Thế truy nã gắt gao. Đến cuối năm 1955 sau Chiến dịch Hoàng Diệu thì lực lượng Bình Xuyên hoàn toàn tan rã. Bảy Viễn chạy thoát được sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp.

Cũng năm 1955 chính phủ mở cuộc càn quét dẹp lực lượng vũ trang Hòa Hảo trong Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đánh vào Cái VồnThốt Nốt. Ngày 5 tháng 6, chỉ huy lực lượng Hòa Hảo là tướng Nguyễn Giác Ngộ ra đầu hàng nhưng Lê Quang Vinh (tục danh Ba Cụt) thì cầm cự đến 1956 mới bị bắt ở Chắc Cà Đao và đem xử tử. Trần Văn Soái (Năm Lửa) phải bỏ chạy sang Campuchia. Từ đó lực lượng võ trang Hòa Hảo mới tan hẳn.

Đối với quân đội Cao Đài do hai tướng Trình Minh ThếNguyễn Thành Phương chỉ huy thì lực lượng này gia nhập Hội đồng Cách mạng ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm vào Tháng Tư nên không có cuộc đụng độ giữa chính phủ và lực lượng Cao Đài. Riêng Hộ pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong sang Cao Miên.

Trưng cầu dân ý, phế truất Quốc trưởng Bảo đại

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai vùng tập kết chính quyền và quân đội ở vĩ tuyến 17, với Quốc gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu chính phủ ở miền Nam. Ngày 16 tháng 6, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại bổ làm thủ tướng. Ông Diệm đồng ý ra chấp chính với điều kiện được toàn quyền chính trịquân sự. Danh sách nội các được trình ngày 7 tháng 7. Tuy nhiên quyền lực của chính phủ mới bị nhóm Bình Xuyên cùng hai lực lượng chính trị giáo phái Cao ĐàiHòa Hảo chống đối. Quốc trưởng Bảo Đại lại có ý duy trì nâng đỡ các lực lượng đó, nên sau đó có nhiều xung khắc giữa Quốc trưởng và Thủ tướng. Các cuộc đụng độ võ trang của Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo bùng nổ từ tháng 3 đến tháng 4 thì Bảo Đại đòi Thủ tướng Diệm sang Pháp trình diện để áp lực thương lượng. Trên thực tế, với quan điểm thân Pháp và ủng hộ Bình Xuyên của Bảo Đại, dư luận dân chúng cũng không còn ủng hộ ông nữa. 

Dù nhận được lệnh sang hội kiến Quốc trưởng, Thủ tướng Diệm không tuân. Dưới sự ủng hộ của người Mỹ, ông nhận được sự hậu thuẫn của nhiều đoàn thể như Việt Nam Dân xã Đảng của Nguyễn Bảo Toàn, Việt Nam Phục quốc Hội của Hồ Hán SơnHội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia của Nhị Lang. Ngày 30 tháng 4 năm 1955, các nhóm này lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia và ra tuyên ngôn với những điều kiện: 
Phế truất Quốc trưởng Bảo Đại 
Lập chính phủ mới để dẹp loạn 
Buộc Pháp rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam 
Tổ chức bầu cử Quốc hội

Ngày 6 tháng 10, Thủ tướng Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý. Các cơ quan truyền thông do Thủ tướng điều khiển cũng bắt đầu vận động dân chúng sửa soạn đi bầu với những bài chỉ trích hành vi của Quốc trưởng và phổ biến những câu nhắc nhở cử tri như:
“Phiếu đỏ ta bỏ vô bì
Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi”
Mỗi cử tri được phát hai lá phiếu: một lá màu xanh, một lá màu đỏ. Lá màu đỏ in hình Ngô Đình Diệm với câu: Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ. Lá xanh in hình Bảo Đại thì có câu: Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, cuộc lựa chọn vị nguyên thủ của Quốc gia Việt Nam và thể chế chính quyền diễn ra ở phía nam vĩ tuyến 17. Việc bỏ phiếu tuy nhiên không được công bằng vì ban tổ chức đã sắp xếp để Ngô Đình Diệm tuyệt đối thắng (như tại Sài Gòn, Thủ tướng Diệm chiếm được 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri ghi tên). Kết quả: Vơi 5.721.735 phiếu đồng ý, Ngô Đình Diệm đắc cử với 98,2% số phiếu. Sau khi đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, Ngô Đình Diệm tuyên bố ngày 26 tháng 10 năm 1955 khai sinh nước Việt Nam Cộng hòa và thành lập Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cơ sở pháp lý là Hiến ước Tạm thời số 1. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 3 năm 1956, chính phủ tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội Lập hiến và tháng 10 năm 1956 ban hành Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi Bảo Đại bị truất, Ngô Đình Diệm tuyên bố "Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng hòa" ngày 26 Tháng Mười 1955. Sang Tháng Mười Một thì một Ủy ban Thảo hiến gồm 11 người bắt đầu việc sơ thảo một hiến pháp cho quốc gia mới. 

Để có cơ sở pháp lý, Ngô Đình Diệm xúc tiến nhóm họp Quốc hội Lập hiến. Quốc hội này được bầu ra vào ngày 4 tháng 3 và khai mạc ngày 17 Tháng Tư năm 1956 gồm 123 dân biểu để giúp soạn hiến pháp mới. Sau mấy lần thương nghị giữa Quốc hội và Tổng thống, bản hiến pháp đó được thông qua vào Tháng Bảy và ban hành ngày 26 tháng 10 năm 1956. Ngày đó được nền Đệ nhất Cộng hòa nhận là ngày "Quốc khánh".

Quốc hội nhóm họp tổng cộng ba khóa gồm đợt tuyển cử năm 1956, 1959, và 1963. Dân biểu đắc cử niên khóa 1963 chưa kịp chấp chính thì xảy ra cuộc đảo chánh Tháng Mười Một và sau đó bị bãi nhiệm bởi nhóm tướng lãnh.

Chính sách chính trị đối nội

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Đảng Cần lao Nhân vị do Ngô Đình Nhu chủ trương chiếm ưu thế trên chính trường.

Cùng với đảng Cần lao Nhân vị là tổ chức Phong trào Cách mạng Quốc gia dùng để điều khiển nhiều đoàn thể khác như Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia. Trần Chánh Thành nguyên là Quốc vụ Khanh được bổ làm Bộ trưởng Thông tin và Thanh niên, kiêm lãnh tụ Phong trào Cách mạng Quốc gia. Năm 1958 thì thành lập Đoàn Thanh niên Cách mạng hay còn gọi là Thanh niên Cộng hòa để đào tạo nhân sự thêm sâu rộng, nhất là ở các vùng nông thôn. Hội đoàn này tính đến năm 1960 đã đào tạo hơn 116.000 thành viên hoạt động ở miền quê. Thủ lĩnh là Ngô Đình Nhu. Đối với phụ nữ thì có Phong trào Phụ nữ Liên đới cũng thành lập từ năm 1958 để vận động phái nữ. Thủ lĩnh là Trần Lệ Xuân. Tính đến năm 1955 thì Đảng Cần lao có 10.000 đảng viên. Bốn năm sau thì con số đảng viên tăng lên thành 1.500.000. 

Triệt hạ đối lập

Chính phủ còn có những biện pháp cản trở và cấm đoán hoạt động của các đảng phái đối lập. Bắt đầu từ Tháng Bảy năm 1956 Bí thư Đảng Xã hội bị bắt giam. Nguyễn Thành Danh (bí thư Việt Nam Phục quốc Hội) cùng Trung úy Nguyễn Văn Phước, Trần Văn Ân, Nguyễn Hữu Than cũng bị kết tội thông đồng với lực lượng chống chính phủ. Mật khu Đảng Đại ViệtViệt Nam Quốc dân Đảng từ Quảng Trị xuống Phú Yên đều bị giải tán và nhân sự bị bắt giữ. Xứ trưởng Trung Việt của Đảng Đại ViệtHà Thúc Ký bị giam. Một số như Nguyễn Tôn Hoàn phải lưu vong. 

Chính sách chống Cộng

Chính phủ cũng phát động chiến dịch Tố cộng và Diệt cộng từ mùa hè năm 1955. Thành phần Việt Minh không tập kết ra Bắc bị đưa ra trước công chúng và bắt tự kiểm điểm để khước từ chủ nghĩa Cộng sản. Chiếu theo Điều 7 của Hiến pháp 1956 thì "những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với nguyên tắc ghi trong Hiến pháp" nên chính phủ càng dựa vào đó bắt giam những người tình nghi là Việt Minh hoặc hợp tác với cộng sản. Đạo luật 10/59 ban hành Tháng Năm, 1959 tăng mức hình phạt cho những ai liên hệ đến chủ nghĩa Cộng sản và mở thêm một hệ thống Tòa án Quân sự Lưu động để xử bị cáo. Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 có 48,250 người bị bắt giam vì tội danh "cộng sản".

Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ngô Đình Diệm tuyên bố ngày 6 Tháng Bảy, 1955 trên đài phát thanh không chấp nhận Tổng Tuyển cử vì Quốc gia Việt Nam đã không ký vào Hiệp định Genève nên không bị ràng buộc bởi điều lệ trong Hiệp định. Dầu vậy ngày 20 Tháng Bảy, 1955 ông Phạm Văn Đồng gửi văn thư kêu gọi hiệp thương và phái Văn Tiến Dũng vào Sài Gòn để đàm phán. Phái đoàn tạm lưu tại Khách sạn Majestic nhưng bị Hội đồng Nhân dân Cách mạng tổ chức biểu tình chống đối phái đoàn dữ dội; khách sạn bị bao vây và phóng hỏa khiến Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (International Control Commission, ICC) phải can thiệp để phái đoàn bay về Bắc an toàn. Việc hiệp thương với miền Bắc từ đó chấm dứt.

Sau năm 1960 khi chiến cuộc bắt đầu giữa chính phủ và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam thì quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng thêm khó khăn. Đến năm 1962 thì Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến với hai phái đoàn Ấn Độ và Canada báo cáo rằng xung đột võ trang ở miền Nam do các lực lượng gửi vào từ Miền Bắc đã khiến tình hình khó vãn hồi hòa bình giữa hai phe. Họ kêu gọi cơ quan thẩm quyền quốc tế can thiệp. Riêng phái đoàn Ba Lan bỏ phiếu chống và báo cáo rằng phong trào chống chính phủ là ở miền Nam vì chính sách thanh trừng Cộng sản của Việt Nam Cộng hòa.

Cuộc bầu cử quốc hội năm 1963 chưa kịp ra mắt thì binh biến đảo chính xảy ra. 


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 3 nhận xét Đăng nhận xét

avatar

Cũng đến một lúc nào đó, lịch sử phải được viết lại.

avatar

Cháu chào bác.
Cháu là Vinh, anh họ của Hoài, làm thủy lợi mà hôm trước có dịp được trò chuyện cùng bác.
Cháu vẫn đang rất phân vân chỗ Cống Mỹ Trung, liệu có nên phá hay không?
Xét trên quan điểm của nông nghiệp và thủy lợi, nhiều người vẫn không muốn phá.
Bản thân cháu chưa có câu trả lời, nửa muốn nửa không.
Cháu gửi bác link 1 bài viết về việc này, bác tham khảo ạ.
http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201204/Vung-pha-Hac-Hai-man-hay-ngot-2098853/
Chúc bác sức khỏe và viết thêm nhiều bài. Cháu vẫn thường xuyên ghé thăm blog của bác.

avatar

Qua bài báo này thì Ngô Đình Diệm không phải là tên Việt gian bán nước mà là một chính nhân, quân tử đáng kính. Bùi ngùi cho Ngô Đình Diệm bao nhiêu thì xót thương cho dân tộc Việt bấy nhiêu vì đã gặp Rồng nhưng Trời không cho Rồng được sống để đưa nước Việt trở thành Hàn quốc, Đài Loan, Singapore...