TÌNH CẢM THẦY TRÒ 50 NĂM THẮM THIẾT


Đỗ Hoàng 

Không ngờ lớp học sinh cấp 3 huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình chúng tôi từ những năm 60 thế kỷ trước lại được gặp lại các thầy cũ của mình. Cả thầy và trò đều vui mừng cảm động một cách sâu sắc, không làm sao nói hết tình cảm của mình trong lúc gặp gỡ.

Hôm 15 tháng 11 năm 2011, lúc hơn 9 giờ, anh Phạm Xuân Thâu là học sinh lớp 10 (tương đương lớp 12 phổ thông trung học bây giờ) năm học 1963 -1964, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên Giáo, hiện là Phó Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Việt Nam điện cho tôi, nói trưa nay cùng tất cả học sinh cấp 3 Lệ Thuỷ, Quảng Bình thập kỷ 60 đến thăm thầy Nguyễn Vĩnh Xuyên và thầy Nguyễn Bảo Hoàn nhân ngày 20 – 11 và dự đám cưới con gái út của thầy Xuyên tại đường Tam Trinh, Yên Sở, Hà Nội.

Thầy Xuyên, thầy Hoàn ư? Hai thầy còn ở Hà Nội sao? Lớp học sinh cấp 3 Lệ Thuỷ thời ấy không quên các thầy và không thể quên thầy Xuyên và thầy Hoàn. Thầy Xuyên dạy địa lý, thầy Hoàn dạy sinh vật giỏi nổi tiếng cả tỉnh Quảng Bình.

Khoảng tháng 7, tháng 8 năm học 1964 tôi thi đỗ vào trường cấp 3 Lệ Thuỷ và được vào học đúng niên khoá 1964 - 1965. Trường cấp 3 Lệ Thuỷ thời đó có 6 lớp, hai lớp 10, hai lớp 9 và hai lớp 8. Cả huyện chỉ có một trường cấp 3 nên thi đỗ vào cấp 3 cũng rất đáng tự hào. Tôi nhớ hình như thi 600 thí sinh mà trường chỉ lấy có 80 người. Lớp 8B tôi là lớp em út nên phải học chiều, vì vậy tôi không biết được các lớp trên như anh Thâu, anh Lệ, anh Thắng, anh Vinh, anh Lính, anh Định...

Các anh ấy nhà gần trường, lại lớp trên nên biết các thầy nhiều hơn. Thầy Xuyên, thầy Hoàn vào dạy cấp 3 Lệ Thuỷ từ nhừng lớp đầu tiên, đến nay đã 50 năm rồi. Các thầy đều người Hà Nội và quanh Hà Nội nghe theo tiếng gọi của Đảng và nhiệm vụ được phân công hào hứng vào tuyến lửa dạy học.

Lớp tôi thầy Lê Công Mục dạy văn làm chủ nhiệm. Thầy Xuyên chỉ dạy địa lý. Nhưng môn dạy của thầy quá hấp dẫn nên thầy vừa bước vào lớp là chúng tôi vỗ tay rầm rộ. Những bài học địa lý khô khan như thế nhưng thầy giảng nó hay như một bài thơ. Thầy Xuyên thường dùng mũi tên để chỉ tốc độ phát triển kinh tề của một nước. Công nghiệp phát triển một mũi tên lên, công nghiệp rất phát triển là hai mũi tên lên và ngược lại nếu không phát triển thì mũi tên xuống. Thời ấy mà chúng tôi đã biết các nước Đức, Anh, Pháp, Ý, Mĩ... kinh tế đã rất phát triển. 50 năm rồi, dù không còn dính dáng gì về địa lý mà tôi vẫn nhớ tên thủ đô nhiều nước từ thời đó, thú vị nhất là trường hợp An Ba Ni.

Nó thế này, vì thích môn địa lý của thầy Xuyên nên tôi học môn này rất khá. Lúc nào kiểm tra cũng toàn điểm 5 (thang 5 điểm). Một lần kiểm tra 15 phút về địa lý, kinh tế nước An ba ni. Tôi làm cái gì cũng đúng hết, duy chỉ viết sai tên thủ đô là Ti - ra - na thành ra Ti - ra - ma. Tôi bị trừ mất một điểm, còn 4+. Tôi tiếc đến giờ và nhớ tên thủ đô An ba ni đến giờ!

Thầy Xuyên không chỉ giỏi địa lý mà thầy rất giỏi toán. Thầy bồi dưỡng toán lớp 10. Những bài vô địch toán thầy đầu giải được. Học sinh phục thầy lắm!

Thầy Hoàn dạy sinh vật lúc nào cũng có giáo cụ trực quan đầy đủ. Giọng Hà Nội của thầy như thôi miên học trò chúng tôi. Từ thời ấy chúng tôi đã thấy thầy luôn đọc sách nghiên cứu và thực hành. Thấy làm việc thức đến khuya ở nhà trọ. Thầy trồng bầu, bí, lai tạo giống mới. Quả bầu, quả bí rất to và nhiều đến mức đem phân phát bà con trong địa phương.

Sau măm 1967, thầy Hoàn đã được cử đi nghiên cứu sinh nước ngoài để làm luận án phó tiến sĩ. Thầy Xuyên còn ra Ngư Hoá với cấp 3 Lệ Thuỷ một năm nữa sau đó mới về Hà Nội dạy học. Từ đó đến nay tôi không hề gặp hai thầy và không biết hai thầy còn dạy học nữa không.

Sau một hồi quanh co tôi tìm ra được nhà số 6 ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tôi đến đây thì gặp anh Phạm Xuân Thâu, hai vợ chồng anh Định, anh Lệ, anh Đặng Quang Vinh, anh Đỗ Văn Đồng. Anh Lính một lúc sau mới đến, vì đường Tam Trinh có bên chỉ toàn số lẻ, có bên chỉ toàn số chẵn. Vì cùng khối, vì gần công việc nên tôi, anh Thâu, anh Vinh, anh Đồng thường xuyên gặp nhau, còn các anh khác tuy ở Hà Nội bốn năm, mươi năm nay như bây giờ mới gặp. Tuy vậy nghe nói học cấp 3 Lệ Thuỷ, Quảng Bình là thân nhau ngay. Người nào cũng đã ngoài 60 tuổi rồi.

Vào nhà thầy Xuyên, chúng tôi tặng hoa, tặng quà cho hai thầy nhân ngày 20 -11. Thầy trò bắt tay nhau thắm thiết. Ai cũng cảm động. 

Thầy Xuyên, thầy Hoàn vẫn còn giữ những nét xưa kia, mặc dầu đã ngoài thất tuần, tóc bạc, da mồi nhưng dáng dấp của hai thầy vẫn còn như trước. Tôi nhận ra hai thầy ngay. Thầy Hoàn hơi yếu nhưng thầy Xuyên thì giọng vẫn sang sảng. Bữa liên hoan thành buổi chuyện trò giữa thầy trò không dứt.

Chúng tôi hỏi: - Hai thầy đến dạy Lệ Thuỷ lúc đang trai ngoài tình cảm thầy trò, phụ huynh, bà con địa phương hai thầy còn tình cảm nào sâu đậm hơn nữa không?

Thầy Hoàn trả lời: - Tôi yêu mến tất cả các em học sinh trai cùng như học sinh gái với một tình yêu bao dung, cao thượng. Tôi thường có quan tâm thêm những em có hoàn cảnh khó khăn trong kinh tế và trong xã hội. Có em tôi bênh vực được, giải thích rõ cho địa phương để địa phương đừng vì lý lịch gia đình bố mẹ mà nặng nề với con em sau này, mà cho các em đi học kẻo uống phí tài năng cho đất nước. Tôi cũng lấy làm tiếc nhiều em học giỏi nhưng vì gia đình lý lịch có vấn đề mà không được học lên.
Anh Thâu cười nói: 
- Bọn em nghe đồn cô Tâm lớp 10 yêu thầy?
Lặng đi một lát, thầy Hoàn nói: 
- Công bằng mà nói thì sau khi đi khỏi Lệ Thuỷ tôi cũng để chút tơ vương thật. Tôi giữ tình ấy sau khi du học mấy năm ở nước ngoài về. Nhưng Tâm bảo phải đợi anh Liễu ở chiến trường ra đã mới quyết định.Tôi bảo, tôi không chia cắt tình cảm của ai cả, nếu thế thì tôi là người tự nguyện ra đi trước. Chuyện vậy các em ạ!
Còn thầy Xuyên thì cười ý nhị rồi nói: 
- Tôi vào Lệ Thuỷ tuyên bố là tôi có vợ rồi, tôi lấy một cô xã viên nông nghiệp. Nên tôi cũng như anh Hoàn là yêu thương tất cả học sinh với một tình yêu thánh thiện. Rồi thầy chỉ vào phu nhân của thầy: - Vợ tôi đó, xã viên hợp tác xã nông nghiệp Yên Sở, Thanh Trì (hồi đó Yên Sở đang thuộc huyện Thanh Trì) nhưng đến giờ vẫn rất xinh đẹp của độ tuổi cao niên.

Rồi thầy Xuyên kể tiếp: - Tôi tốt nghiệp đại học vì tính nói thẳng có vẻ như bất phục tùng mặc dầu bố tôi là tiểu đoàn phó Quân đội nhân dân Việt Nam thời chống Pháp nhưng trên vẫn bắt tôi lao động cải tạo hai năm ở đây. Hai năm làm tất cả mọi việc của nông phu. Tôi làm giỏi nên gặp vợ tôi.
Mọi người đều cười vui.
Tôi hỏi: 
- Thưa thầy, sau khi ở cấp 3 Lệ Thuỷ ra đi hai thầy đi đâu và làm những việc gì.
Thầy Xuyên trả lời trước:
- Tôi ra Ngư Hoá sơ tán cùng trường hai năm, sau đó năm 1970 về lại Lệ Thuỷ một năm nữa mới ra Hà Nội. Giải phóng miền Nam, vì ba tôi người trong đó nên tôi vào dạy Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nay là trường Đại học thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chỉ là giảng viên chính thôi nhưng được cái sinh viên rất thích những giờ giảng của tôi. Giờ tôi vẫn còn đứng lớp, giờ dạy vẫn nhiều như trước.

Thầy Hoàn kể: - Từ Lệ Thuỷ tôi được qua Đức làm nghiên cứu sinh, sau đó bảo vệ luận phó tiến sĩ. Về nước giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội một thời gian, lại đi làm tiếp tiến sĩ ở Đức. Bảo vệ thành công ở lại Đức giảng dạy một thời gian, về nước dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đi tiếp làm tiến sĩ khoa học, dạy ở Đức một thời gian, rồi về nước dạy học tiếp. Tổng cộng đi qua, đi về và công tác ở Đức độ 15 năm. Tôi coi đó là quê hương khoa học thứ hai của tôi! Giờ tôi về hưu được hai năm rồi.

Anh Đồng cho biết: - Được kết nạp Đảng tại trường cấp 3 Lệ Thuỷ năm lớp 10, du học Liên Xô, về công tác ở bộ Ngoại giao, du học tiếp bào vệ thành công phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và dạy học ở Học viện Ngoại giao. Giờ đã nghỉ hưu. Anh Lính, anh Lệ, vợ chồng anh Định, anh Vinh những năm giữa thập kĩ 60 đều du học nước ngoài. Về nước công tác ở các bộ, ngành hàm cấp Vụ trưởng , vụ phó họăc tương đương . Ai nấy đều đã nghỉ hưu.

Tôi cũng báo cáo cho hai thầy và các anh rõ:
- Học xong lớp 8 em nghỉ học một năm vì gia đình khó khăn. Năm 1966 học tiếp lớp 9, năm 1968 tốt nghiệp lớp 10. Về địa phương lao động một năm vì lý lịch gia đình có vấn đề. Lao động tốt năm sau, năm 1969 được đi học Cao đẳng Sư phạm Quảng bình, học khoa toán lý. Tốt nghiệp ra dạy cấp hai được một năm, năm 1971 nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975 chuyển ngành về làm báo chí. Năm 1985 ra Hà Nội học đại học Văn Hoá và ở lại thủ đô công tác luôn. Được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 Hiện là trưởng tiểu ban thơ tạp chí Nhà văn - Hội Nhà văn Việt Nam – Nhà thơ. Cấp 3 Lệ Thuỷ Quảng Bình thời đó có 5 Nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh, Trần Quang Đạo, Đỗ Hoàng.

Cả mấy thầy trò còn tâm tình nhiều chuyện nữa. Thầy Xuyên và Thầy Hoàn nói:
- Tôi và thầy Xuyên và nhiều thầy cô khác đã từng dạy ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình, chúng tôi rất tự hào về các em, học sinh Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Trong khói lửa chiến tranh như vậy mà các em vẫn học được và thành công. Đấy là phần thưởng cho chúng tôi trong suốt cuộc đời dạy học.

                                              Hà Nội ngày 16 – 11 – 2011


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét