NGÔ ĐÌNH DIỆM - MỘT NGƯỜI LỆ THUỶ ĐI SAI ĐƯỜNG


Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình quan lại theo đạo Công giáoViệt Nam, tên thánh của ông là Jean Baptiste (Gioan Baotixita).

Mẹ của ông là Phạm Thị Thân, còn cha ông là Ngô Đình Khả, quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cụ Ngô Đình Khả từng làm Thượng thư triều đình Huế kiêm Phụ đạo Đại thần và cũng là cố vấn của vua Thành Thái, từng nổi tiếng ở kinh đô với câu “ Phế Vua không Khả, đào mả không Bài ” ( Bài là Thượng thư Bộ Công Nguyễn Hữu Bài ). Ngô Đình Diệm là người con thứ tư trong gia đình với một bà chị và hai người anh đầu là Ngô Đình KhôiNgô Đình Thục. Ngô Đình Khôi là cựu Tổng đốc Quảng Nam, chết sau Cách mạng tháng Tám 1945. Linh mục Ngô Đình Thục là người Việt Nam đầu tiên làm Tổng Giám mục Giáo phận Huế năm 1960; sau này lưu vong giữ chức Bộ trưởng trong Giáo triều Vaticăng, nhưng mấy lần phạm luật thánh bị Giáo hoàng rút phép thông công, cuối cùng chết ở Mỹ. Ngô Đình Diệm còn năm người em là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Thị Hiệp và Ngô Thị Giáo - mẹ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

Trong cuộc đời chính khách của mình, Ngô Đình Diệm là người không lập gia đình, không cưới vợ và sinh con. Từ lúc còn nhỏ, ông được Nguyễn Hữu Bài - quan phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ. Từ năm 15 tuổi, ông vào học trường dòng với dự định sau này làm tu sĩ, nhưng không chịu nổi kỷ luật khắt khe trong trường dòng, ông đã bỏ trường dòng ra xin học vào trường Pellerin Huế. Từ năm 1919 ông ra Hà Nội học trường Hậu bổ (trường Hành chính) và tốt nghiệp năm 1921.

Làm quan triều Nguyễn: năm 1921, nhận chức tri huyện Hương Trà, sau đó là Hương Thủy, Quảng Điền, Hải Lăng, thăng dần lên quản đạo Ninh Thuận, Tuần vũ tỉnh Bình Thuận. Năm 1933, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại, là vị thượng thư trẻ tuổi nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ. Vì không được Pháp chấp nhận một số đề nghị cải cách, ông từ chức ngày 12/07/1933. Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát và lính khố xanh bản xứ; từ 1941 đến 1945 lại liên lạc và muốn dựa vào Nhật.

Với lý lịch như vậy, sau Cách mạng tháng Tám, ông bị Việt Minh bắt ở Tuy Hoà - Phú Yên, bị đem ra Bắc và giam giữ tại tỉnh miền núi Tuyên Quang nhưng được trả tự do ngay vào năm 1946. Trong lúc toàn dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống Pháp, ông lại sai lầm khi muốn dựa vào Mỹ. Năm 1950, ông theo anh là giám mục Ngô Đình Thục đi Vatican, rồi sau đó sang Mỹ, phần lớn lưu trú tại các trường dòng, gặp Hồng y Spellman, người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của ông sau này. Nhờ sự giới thiệu của Spellman và một vài nhân vật cấp cao của CIA, Ngô Đình Diệm vào ở ẩn trong các chủng viện lớn như Maryknall, Lakewood rồi vào trường đại học Michigan tham gia một số khóa huấn luyện. Sau hiệp định Genève, ông được Bảo Đại (Quốc trưởng của chính quyền bù nhìn )bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày 16 tháng 6 năm 1954. Dựa vào Mỹ, ông tổ chức cuộc “ trưng cầu dân ý”, Bảo Đại bị phế truất. Ông được bầu làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà vào ngày 23 tháng 10 năm 1955. Sau khi lên làm Tổng thống, ông giữ mọi quyền cai quản đất nước với người em Ngô Đình Nhu làm cố vấn, dùng mọi biện pháp thiết lập một chế độ cực quyền gia đình trị, loại trừ mạnh mẽ sự đối lập chính trị ở miền Nam, kể cả đàn áp Phật giáo và triệt để chống cộng sản.

Cùng với việc chống Cộng sản không đạt được kết quả và không ổn định được xã hội, sự mâu thuẫn tôn giáo được xem là nguyên nhân dẫn tới việc mất uy tín trầm trọng của ông và chính quyền ông trước Hoa Kỳ. Sự kiện Phật Đản 1963 xảy ra là giọt nước tràn ly dẫn tới chính phủ Kennedy bỏ rơi Ngô Đình Diệm và khuyến khích đảo chính để lật đổ chế độ độc tài đã đưa miền Nam đến tình trạng hỗn loạn. Cuộc đảo chính diễn ra ngày 01 tháng 11 năm 1963, lực lượng đảo chính đã chiếm Dinh Tổng thống, ông và Ngô Đình Nhu trốn ra khỏi Dinh, lánh nạn tại nhà thờ Cha Tam, trên đường bị chở về Bộ Tổng tham mưu, ông và Ngô Đình Nhu bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính bắn chết (Có nhiều tài liệu cho rằng Đại úy Nguyễn Văn Nhung theo lệnh của Tướng Dương Văn Minh sát hại và đến nay nguyên nhân vụ ám sát này vẫn chưa rõ là do tư thù hay do lệnh của Hoa Kỳ). Hai ông được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau này nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi di dời về nghĩa trang Lái Thiêu (nghĩa trang nhân dân số 6B) ngày nay. Mộ hai ông được đề đích danh, nằm hai bên mộ thân mẫu, bà Phạm Thị Thân, ngoài ra, mộ ông Ngô Đình Cẩn cũng được dời về gần đó. 

Đánh giá nhân vật Ngô Đình Diệm

Cuộc đời chính trị sai lầm theo chân ngoại bang của Ngô Đình Diệm trong lịch sử bi tráng, hào hùng đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đã quá rõ ràng. Nhưng rất tiếc là một số người Việt Nam, một số người đồng hương, kể cả một số học giả có những ngộ nhận khi đánh giá ông. Có người đồng nhất tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước; thậm chí có người lập luận “Ông Diệm có cách yêu nước riêng của ông ấy!”. Lịch sử Việt Nam luôn chứng tỏ rằng, một người yêu nước phải là người biết dựa vào sức mạnh quần chúng nhân dân, biết đưa dân tộc đi theo trào lưu tiến bộ nhất của thế giới đương đại. Trong thế kỷ XX, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những người cộng sản Việt Nam chân chính là những con người như vậy.

Ngô Đình Diệm sai lầm khi ông hết dựa vào Pháp, rồi vào Nhật, vào Mĩ. Trong bài diễn văn đáp từ Tổng thống Mĩ Lyndon Johnson, Ngô Đình Diệm nói “ Biên giới của thế giới tự do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải”. Tướng Cao Văn Viên, một cộng sự thân tín của Ngô Đình Diệm, trong một cuộc phỏng vấn lúc cuối đời, đã nhận xét về Ngô Đình Diệm: " Ông Ngô Đình Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình “ thiên mạng” cứu nước. Tổng thống Diệm tự hào về gia tộc, tự đại về gia đình, thích độc thoại, không chấp nhận dễ dàng sự chỉ trích. Ông chủ trương “ tiết trực tâm hư” nhưng bị ảnh hưởng nặng của gia đình. Tổng thống Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc,...”

Có ý kiến cho rằng Ngô Đình Diệm đã bỏ lỡ cơ hội thống nhất đất nước khi từ chối hiệp thương, không tiến hành tổng tuyển cử và giết hại rất nhiều người thân cộng sản. Nhà nghiên cứu Mĩ Richard J. Barnet nhận xét: “ Điều quan tâm chính của chính quyền Diệm là sự an toàn của chính quyền họ. Chính quyền Diệm sợ rằng cuộc bầu cử dự định tổ chức vào tháng 7/ 1956 đưa đến sự thắng lợi của Hồ Chí Minh và chấm dứt quyền lực của những chính trị gia không Cộng sản” .

Một số người cho rằng Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc. Song nhà nghiên cứu Mĩ Dennis Bloodworth (1970) nhận xét rằng: "Cho tới năm 1963, mật vụ của Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những kẻ thù hầu như mọi người quốc gia Việt Nam có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước. Ông ta và gia đình mình đã đàn áp mọi đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực." 

                                                 PHẠM XUÂN THÂU

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 6 nhận xét Đăng nhận xét

avatar

Chủ Blog xin nói thêm về ông Diệm. Sau khi từ quan ông về ở ẩn tại gia và ngầm móc nối với các quan lại trong triều, linh mục, lính khố xanh để lập ra đảng Đại Việt phục hưng, chống triều đình, chống pháp. Khi Nhật tràn vào Việt Nam, Kỳ Ngoại Hầu Cường Đễ từ Nhật đã móc nối, cử ông Diệm làm đâị diện liên hệ với Nhật để lập chính phủ mới. Khi Nhật thất bại, rồi Việt Minh tổng khởi nghĩa, vua Bảo Đại thoái vị, một loạt quan lại bị bắt tại Huế. Trong đó có nhiều vị đầu triều như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiên Lãng, Ngô Đình khôi. Trên đường dẫn các vị này ra Bắc, đến Thừa Thiên Việt Minh đã thủ tiêu 7 vị, trong đó có Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi. Ông Diệm may nhờ hiến binh Nhật giúp đỡ đã chạy vào Sài Gòn, sau đó lên Đà Lạt. Đầu tháng 8 năm 1945, ông quay lại Sài Gòn rồi ra Huế. Trên đường đi ông bị bắt ở Phú Yên rồi giả ra Bắc. Năm 1946 ông được thả cùng với Tôn Thất Hiến, Phạm Văn Giáo, Nguyễn Tiến Lãng, Trương Tử Anh...

avatar

Các bài của chủ nhân Blog thật hấp dẫn,nhiều dữ kiện...Lịch sử của dân tộc ta còn nhiều uẩn khúc đang chờ những người tâm huyết như chủ nhân blog này soi dọi; Tôi là một người dân nơi khúc ruột miền trung nghèo khó, tha hương nhưng lòng vẫn luôn đau đáu hướng về quê cha đất tổ. Tình cờ vào thăm Blog này, được đọc, được suy ngẫm, được thêm nhiều kiến thức mới, xin cảm ơn chủ nhân Blog thật nhiều. Xin mạn phép được hỏi: Quê tôi Huyện Hải Lăng, Quảng Trị, những thập niên 20 của thế kỹ trước Ngài tri phủ trẻ tuổi họ Ngô đã cho đào kênh Mai Lĩnh nối sông Ô Giang và Vĩnh Định nhằm tiêu nước cho các cánh đồng trũng quê tôi( rốn lũ- Hải Hòa), ông còn cho đắp con đường tổng lộ nhằm tạo điều kiện cho giao thông phát triển nơi vùng quê hẻo lánh Hải Lăng...Đến ngày nay gần 100 năm con kênh tiêu nước ấy đã góp phần tạo nên những cánh đồng trù phú quê tôi...Chủ nhân Blog có tư liệu nào về thời gian Ngài Ngô làm quan ở Quảng Trị không? nếu có xin cho thông tin, chân thành cảm ơn! Xin chúc nhiều sức khỏe!
Chào.

avatar

Xin chia sẻ với Quoc Lengoc về tình yêu quê hương. Tôi viết những điều đã viết với một thiển ý tối thượng là "Sự thật". Ông Diệm làm Tri Phủ Hải Lăng từ năm 1026 (khi mới 25 tuổi), tôi sẽ thông tin với tri kỉ về thời kì ấy sau ít bữa nữa, ráng chờ nhé.

avatar

Quôc Lengoc thân mến, theo tài liệu lịch sử thì:
Quan tri phủ huyện Hải Lăng trong khoảng thời gian 1925 đến 1927 là ngài Ngô Đình Diệm; Khi ấy ông độ khoản 24 - 26 tuổi(sinh năm 1901). Với một thời gian ngắn -Tuổi trẻ nhưng ông đã để lại nhiều dấu ấn thật có giá trị cho các xã vùng sâu của Hải Lăng. Xã Hải Hòa nhìn trên bản đồ vệ tinh rất dể nhận dạng: Một vùng sậm màu xanh, có hai đường thẳng: Hướng bắc là con kênh Mai Lĩnh thẳng tắp dài 3000m, hướng tây nam giáp làng Văn Quỷ và Văn Trị là trục ranh giới thẳng gần 4000m mang tên Tổng lộ. Ngài tri phủ lệnh đắp con lộ ấy với ý định nối liền, rút ngắn các xã vùng ruộng sâu với phủ huyện Hải Lăng. Con kênh Mai Lĩnh (nối Ô Giang tại bến Cây da-Xóm càng Hưng Nhơn qua ngã ba Hói dét-Sông Cựu Vĩnh Định qua Vân Trình-Đập Cửa Lác đỗ vào phá Tam Giang) nhằm tiêu nước cho cánh đồng thường bị ngập úng. Có thể tưởng tượng ra cảnh làng quê ngày ấy nhộn nhịp như thế nào, lòng dân hồ hởi ra sao! bởi thế sau khi các công trình ấy hoàn thành, có lập bia ghi nhớ công ơn của quan phụ mẫu- Tri Phủ đại nhân; Đáng tiếc, bia đã bị đập phá, sau khi đất nước thống nhất (1975).

avatar

Hồ chí Minh thấy con đường Cộng sản ở Nga, Tàu còn Ngô đình Diệm thấy con đường Tự do,Dân chủ ở Mỹ cũng giống như Phan Bội Châu thấy con đường Minh trị duy tân ở Nhật bản còn Phan Chu Trinh thấy khai dân trí, chấn dân khí nơi văn minh Pháp. Mỗi người một con đường, không ai hoàn toàn giống ai là lẽ tự nhiên. Thành hay bại cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng quốc gia, dân tộc đến nay được gì từ những con đường đó, con đường của những người trí tuệ hơn những người bình thường?

avatar

Khi nói người ta sai thì có nghĩa mình đúng, phải không? Nhưng liệu con đường Ngô Đình Diệm đi là sai? Một quốc gia theo chế độ cộng hòa tổng thống chế, tam quyền phân lập dưới sự hỗ trợ của một siêu cường đồng minh Hoa Kì để bảo vệ và xây dựng đất nước theo thế giới tự do, chống CS là sai à?