NHỚ TRƯỜNG

Ngọc Tuân


Năm tôi vào cấp ba cũng là những năm chiến tranh ác liệt nhất, 1968. Chuyện máy bay ném bom, pháo hạm đội 7 của Mĩ ở biển bắn cầm canh. Máy bay thả pháo sáng, treo suốt đêm trên bầu trời, soi rõ từng ngọn cỏ. Bom Napal đốt cháy nhà cửa, chuồng trâu, cây rơm, sập hầm, người chết … đã quá quen. Thế rồi, được gọi đi học cấp 3. 

Ngày đó, trường cấp 3 Lệ Thủy sơ tán lên tận vùng cao Tuyên Hóa, giữa rừng xanh núi thẳm của xứ Blu khịn, giáp giới với miền núi Hà Tĩnh. Tôi cũng chẳng biết ai là người tìm ra chốn đó để dựng trường mà chỉ sơ qua thế này. Từ Lệ Thủy, tất cả đều đi bộ đến trường. Ngày đó chia hai trường, trường A, trường B. Mỗi trường là một phía tả, hữu ngạn sông Kiến Giang. Học sinh mỗi trường theo lộ trình riêng mà đi. Tụi tôi ở hữu ngạn nên đi theo đường số 1. Đi ra phía biển, lội trên những đồi cát tránh cao điểm Mĩ Trung. Về đến Võ Ninh thì qua đò Mẹ Suốt, cắt Đồng Hới lên nông trường Việt Trung rồi xuyên ra Cự Nẫm, sang Quảng Sơn, sang đò Văn Hóa để đến Tiến Hóa. Cứ đi, đến đâu tối trời thì vào nhà dân nấu cơm ăn, ngủ lại. Có chặng phải đi đêm để vượt trọng điểm. Đám bạn ở tả ngạn thì đi lên Sơn Thủy, qua Thu Thừ, Kim Nại của Quảng Ninh, vượt bến đò Trung quán để về Đồng Hới. Giờ thì lâu quá rồi không nhớ hết đường đi lối lại. Chỉ biết rằng một lũ lóc nhóc, lưng đeo ba lô, vai khoác “ruột tượng” đựng gạo. Cứ thế, thằng sau bám đít thằng trước đi suốt ba bốn ngày mới ra Tuyên Hóa.Để đến được Ngư Hóa thì phải bắt đầu leo núi từ xã Tiến Hóa, vượt đèo Mồng Gà. Núi đèo kiểu gì chẳng biết nhưng cứ từ sáng đến chiều tối mới đến nơi. Lúc lên, ba lô thằng đi trước chạm đầu thằng đi sau. Lên đến đỉnh chỉ một thứ cỏ gianh, bốn bề mây trắng cũng thích ra phết. Sau đó là xuống dốc, chỉ toàn rừng già. Ngư Hóa nằm giữa thung lũng, bốn bề núi cao chót vót.

Chẳng hiểu sao người ta đặt tên cho xã ấy là xã Ngư Hóa. Cái tên tréo ngoe nghe như có biển mà ở giữa rừng sâu, tít trên núi cao. Ở đó chẳng có gì ngoài núi và núi. Có con Rào Trổ chảy từ Hà Tĩnh vào, xuôi về Sông Gianh. Nó len qua đèo Mồng Gà nên chỉ toàn thác dữ. Chỉ vài trăm mét là một con thác tung bọt trắng xóa, đá lởm chởm. Mùa hè có lũ, nước dâng cao cả hàng chục mét, đục ngầu, ào ạt về xuôi. Vậy đấy, nhưng mà nó là con đường duy nhất để chở gạo, muối, dầu, ba thứ thiết yếu cho học sinh. Khi lũ về, vài ba tuần không có gạo chở lên. Đói. Mỗi đứa lớp 8 là lớp bé nhất được ưu tiên một tuần 2 bơ gạo (thứ lon đựng sữa đặc). Đồng bào dân tộc thì ít, mà cũng chẳng có gì để ăn. Món đặc sản là “Bồi”, một thứ cháo như bánh đúc được làm từ bột ngô, đun chín sền sệt, đổ ra một cái nia có lót lá chuối, cắt thành miền chấm muối vừng. Chẳng còn cách nào, lũ học trò phải dựa vào rừng để sinh tồn. Vào rừng hái ổi là thứ dễ nhất con trai, con gái đều làm được. Ổi hoang mọc đầy bờ ruộng ở BLu Khịn. Trèo, tuốt bẻ cành, cho vào ba lô con cóc. Mới đến nơi, mùi thơm ổi chín hút hồn đám ma đói, cứ thế hái ăn, hái ăn. Biết đâu đang rước tai vạ. Đang đói chén ổi vào cồn ruột. Có thằng quặn ruột, nằm sấp cho đỡ đau, há mồm ra để nước dãi chảy mà không nôn được. Tha được ba lô ổi về cho mấy đứa ở nhà là mặt bạc thếch. Đứa khôn hơn thì không đi hái ổi mà chặt một cây bằng cổ tay, vót nhọn làm “nọc” để nọc ngọn muồng. Cây muồng gai tua tủa nên nọc phải dài. Đứng ngoài đâm vào giữa ngọn non, bẫy lên. Ngọn non cây muồng béo ngậy, nhai sống ngòn ngọt. Đem về cho thêm nắm gạo nấu cháo, béo thơm như cháo thịt gà. Hạt muồng chín hái về phơi khô, giã lấy phần thịt, ngọt, bùi. Mùa sim chín thì đi hái sim. Sim ở Ngư Hóa nhiều vô kể. Sim chín kéo dài cả tháng, vậy là có cái lót lòng. Qua mùa sim là mùa dâu. Dâu rừng chín mọng đen tím. Thứ dâu này nổi tiếng thơm ngon. Người Pháp đã lấy nó để nấu rượu dâu. Lá dâu tươi đốt vẫn cháy rừng rực, nổ lép bép, thơm thơm. Có lần ở Hà Nội, vào khám bệnh ở bệnh viện. Gặp ông bác sĩ người Hà tĩnh. Nghe tôi nói đã đi học ở Ngư Hóa gần quê ông. Ông nói, tui nhớ hương vị quả dâu quá. Ông mà có cho tui một long (bơ) tui khám miễn phí một năm. Ông cười mà mắt xa xăm.

Đất Ngư Hóa còn lắm mít. Người già nói với tôi rằng, trước khi học sinh đến, ở đây tụi tui không mấy khi ăn múi mít mà chỉ lấy hột. Mít chín cây rụng xuống, người ta lấy chân đạp cho hột phòi ra, nhặt lấy, đem về rửa sạch, phơi khô làm lương thực. Món mít trừ bữa là mít luộc. Quả mít già ương là hái về. Cho cả quả nguyên vỏ vào nồi bắc lên bếp luộc. Mít chín, nhấc ra , lấy dao gọt vỏ đến sát múi. Tỡ ra, múi mít vàng mỡ gà thơm lừng. Múi, xơ, hạt đều ăn được hết. Chấm với muối vừng, ăn no không xót ruột. Từ ngày có đám học trò cả ngàn đứa tràn đến thì mít chỉ kịp bẻ non về thái ra nấu canh. Canh mít non nấu với tôm suối, cho thêm vài miếng dứa, một ít lá rau rừng thì tuyệt. Lũ con gái đâm nghiện món canh mít. Khổ nỗi không trèo mà hái dược đành cậy nhờ bọn con trai. Vui nhất là có hôm, lán tôi có một đứa đang vắt vẻo trên cây mít. Các em tràn qua tíu tít nhờ hái mấy quả. Khổ thằng bé, quần đùi rộng ống đứng trên cành mà các em thì ở dưới ngước mắt lên, tay cứ chỉ chỉ, quả tê, quả tê. Hắn líu ríu chẳng biết cách nào mà hái.

Khoảng tháng sáu, quýt chín đỏ cả một vạt ven khe suối. Hơi chua nhưng nhiều vitamin, tụi con gái rất thích. Những năm ở đó anh nào mà chã một lần lấy le bằng cách trèo lên cây quýt đầy gai nhọn để hái quả chín cho các em. Quýt mọc thành rừng, thành bãi. Đến mùa nở hoa, hương thơm bay suốt một vạt rừng, ong bướm thật nhiều, tha hồ mật ngọt.

Rào Trổ dữ dội là vậy nhưng nó là cứu tinh cho chúng tôi. Ngoài cái việc làm tuyến giao thông chở gạo, Rào Trổ còn là nguồn thực phẩm phong phú. Nó là nơi thi thố tài năng của chúng tôi trong những trò đánh bắt cua cá. Đứa xoàng nhất là chặt cành cây lá nhỏ, bó lại thành bó lớn cỡ một ôm, dìm xuống suối. Tôm cá chui vào đó trú. Buổi chiều, một cái rổ to trong tay, lặn ngụp dưới khe suối, xúc bó cây vào rổ, nâng lên khỏi mặt nước, rủ, rủ. Tôm, cua, cá nhỏ rơi ra. Chỉ việc nhặt cho vào giỏ. Hôm đó sẽ có bữa tôm rang hoặc canh chua. Tuy nhiên, đó chỉ là trò con gái. Lũ con trai thường đan chẹp (đó), đào một ít giun trộn muối, kẹp vào cái bẹ chuối, chọc mấy lỗ, cho vào chẹp rồi mang đi dìm xuống các quãng suối trong rừng. Chẹp phải đặt xuôi hom theo nguồn nước chảy. Lũ cá, lươn ở dưới nguồn sẽ đánh hơi thấy mùi tanh, ngược dòng lên kiếm mồi, cứ thế chui vào chẹp. Sáng ra chỉ việc đi thu về. Có hôm có những cái gần đầy. Lươn suối, cá suối, cua đá đặc biệt thơm ngon. Trò bắt cá nguy hiểm nhất là ném mìn. Rào Nậy thường có những vực sâu tưởng như không đáy. Thường những cái vực đó nằm ở cuối một con thác. Nước từ thác dội xuống đào thành vực sâu, nước chảy quẫn. Đó là nơi cá trú ngụ, cá đẻ, chờ dịp lũ về trẩy hội về xuôi. Mùa hè, nước ở vực cạn, trong suốt. Mỗi cái vực như vậy chỉ cần 2 lạng TNT, cắm kíp, cắt dây cháy chậm ngắn thôi. Tung xuống, một lúc là mìn chạm đáy, nổ. Tiếng nổ chỉ âm âm, mặt nước như sôi lên rồi vài giây sau bùn, nước cuộn lên. Cá cũng theo đó nổi lên. Bơi ra mà vớt. Hết lượt cá nổi là lặn. Vực thì sâu, hai bên là vách đá gần như dựng đứng, áp lực nước rất mạnh. Có đứa chảy máu tai, vậy nhưng vẫn máu. Ngụp lên, lặn xuống hăm hở mò cá, con nắm ở tay, con lận lưng quần, con cắn ở mồm. Hôm nào bội thu, ăn không hết thì phơi khô. Tai chảy máu mà nặng là thối tai. Đồng bào dạy cho cách lấy một con tò vò khô ở cành quýt, nướng cháy, tán bột hoặc lấy một miếng phèn chua cỡ hạt ngô, phi lên, khô lại, nghiền ra, thổi vào tai. Đảm bảo ba ngày sau khô, hết thối tai.

Rào Trổ là vậy đấy nhưng nó cũng là tai ương. Con rào ấy vì chảy qua nhiều cánh rừng lim nên nước rất độc. Vậy mà chẳng ai dạy cho, lũ học trò chỉ toàn uống nước lã. Sau bữa cơm, một thằng chất bát vào song, chạy xướng suối rửa. Lúc sau bê lên một song nước để cả lũ uống. Gần như tất cả đều “ngã nước”. Ghẻ. Ghẻ từ ngón chân lên đến mặt. Chỗ nào càng kín càng lắm ghẻ. Chỉ tội cho bọn con gái không dám gãi. Ghẻ mà đã lên cơn thì ngứa quằn quại. Không gãi không được, lớp đang học mà có đứa chạy ra ngoài để gãi chỗ kín cho đã. Chẳng có thuốc thang gì, chỉ có một thứ duy nhất là hái lá chim chim rừng, nấu lên cô đặc lại mà tắm. Đã nhất là để nguyên quần áo vậy mà dội cho ngấm dần. Nước chim chim đắng, nóng ngấm đến đâu râm ran đến đó. Nhiều đứa cũng chỉ đỡ thôi, không khỏi. Tôi có bà chị học trên một lớp. Thương tôi bị ghẽ nhiều quá mà dám liều mình bơi dưới một cái vực xoáy, sang bên kia sông để hái lá chim chim cho tôi. Lần ấy, cứ nghỉ đến chị mình có thể bị nước xoáy nhận chìm mà sỡn cả da gà, tắm mà không còn cảm giác gì. Thương chị đến chảy nước mắt.

Khóa chúng tôi có cái duyên lao động xây dựng trường. Ngày ra Ngư Hóa bất chấp lớn bé, lớp nào cũng phải tự vào rừng chặt cây về làm lớp học, làm lán trại mà ở. Cây cột, cỏ gianh, mây, lạt ở rừng. Mỗi ngày một đứa hai vác cây hoặc hai gánh cỏ gianh. Nhà thì làm nửa chìm, nửa nổi. Đào sâu nền nhà xuống đất chừng một mét. Cừ gỗ chung quanh, mái nhà chỉ cao hơn mặt đất chừng một mét. Trên có gác gỗ nhỏ, rải cành, lá, đổ đất để chống bom bi. Giường là bốn cái cọc chôn xuống nền nhà, gác cây lên trên, đan nứa, tre cho phẳng. Lớp học cũng được làm như vậy nhưng rộng hơn. Ghế ngồi là cây gỗ xẻ đôi gác lên hai chạc cây hai đầu. Bàn học cũng vậy nhưng có tấm ván mặt to hơn. Mọi thứ đều từ hai bàn tay của đám học trò còn lơ ngơ lác ngác từ vùng đồng trũng mới ra. Mỗi lớp có một thầy chủ nhiệm. Lán của thầy cũng phải ở gần lớp. Tình thầy trò như cha con.

Cũng may thay, khóa chúng tôi chỉ phải ở rừng một năm. Năm Mậu Thân (68), sau những đợt tấn công táo bạo của lực lượng vũ trang miền Nam, đế quốc Mĩ buộc phải ngừng bắn phá miền Bắc. Chúng tôi hân hoan trở về nhà. Lại phải dựng trường mới trên đất cũ. Ngày đó thuyền là phương tiện hiệu quả nhất ở Lệ Thủy. Lớp nào cũng phải tự túc dựng lấy lớp học. Vậy là phải chèo thuyền ngược dòng Kiến Giang lên miền Tây, lên Rào Nậy, Rào Con chặt cây lấy gỗ, bứt cỏ tranh, lấy mây rừng. Mỗi ngày lại hai chuyến băng rừng kiếm cây cho vừa ý, chặt lấy, vác về bến. Chỉ thương tụi con gái chặt được cây nhưng không bó được, gọi vang rừng. Tối đến, dưới mái gianh che tạm của sơn tràng võng mắc chi chít. Mưa hắt ướt, rét run người. Lại phải vùng dậy đốt lửa. Muỗi thì như trấu nhưng chẳng thấm tháp gì với cả một năm ngủ ở rừng Tuyên Hóa không có màn. Vài ngày như thế là được một chuyến. Chèo đò về, đẽo gọt, đục lỗ, dựng vài, buộc đòn tay rui mèn, lợp gianh. Bốn bề thì buộc cây nhỏ cỡ ngón tay thành ô vuông mười phân rồi lấy rơm đạp với đất nhão vắt lên, vuốt cho phẳng. Cũng có những ô cửa sổ hẳn hoi. Những ô cửa để chúng tôi mơ ước viễn vông.

Những năm đó rất đói kém. Nhà trường phát động tăng gia, sản xuất tự túc lương thực. Mỗi lớp, tùy theo khả năng quan hệ của mình mà đi xin đất, xin ruộng. nhiều lớp lên tận Phú Thủy để khai hoang, cấy lúa. Lớp tôi nhận làm thêm mấy sào ở giữa sân trường. Nước không có, tụi cán bộ lớp nảy ra sáng kiến đi xin ống bơm máy nước, chặt cây bắc cầu đưa nước từ kênh thủy lợi bên kia hói Quảng Cư về. Vậy là mất cái sân chơi, nhưng cũng rất nên thơ, mỗi khi mở cửa lớp, bước ra là ruộng lúa. Mùa lúa chín, hương thơm bay ngào ngạt khắp phòng. Đi xa quê lâu lắm rồi nhưng không thể quên hương lúa chín ngòn ngọt, say say. Rồi cũng gặt, cũng phơi khô khén, đem nộp nhà trường. Tháo cạn nước ruộng, bứt hết rạ đánh thành tấm để dọi dột mái lớp. Những ngày đó mới có chút sân để đá bóng, chạy nhảy.

Cũng chỉ được một năm Mĩ lại ném bom miền Bắc, chiến tranh ác liệt hơn. Mặt trận Đường 9 Nam Lào lại mở, B52 rải thảm. Đang học lớp 10, mới hết học kỳ một đã có đứa lớn tuổi được công nhận tốt nghiệp đặc cách để vào lính. Những đứa đi đợt năm đó đi nhiều, về ít, thật buồn. Sau này, đọc vài bài báo của đám phóng viên trẻ bới móc, thắc mắc chuyện một số cán bộ không có bằng tốt nghiệp chính thức mà lộn cả ruột. Thời đó, lớp tôi khối đứa đỗ đại học mà chưa được đi học ngay. Còn phải đi lính, đi thanh niên xung phong. Nhiều nhà không biết mà giữ cái giấy báo, hết chiến tranh lại đi thi đại học lại. Vậy mà có đứa đỗ điểm đi nước ngoài, sau này lên đến Thứ Trưởng một bộ lớn. Mà chẳng phải một đứa, nếu tính cả khóa tốt nghiệp 70 – 71 thì có đến ba đứa lên Thứ Trưởng. Những cán bộ cấp Cục, Sở, Giáo sư, tiến sĩ, Bác sĩ, tướng tá Quân đội Công an, doanh nhân nhiều vô kể. Đặc biệt, rất nhiều đứa trở thành thầy cô giáo, âm thầm cống hiến cuộc đời mình cho các thế hệ sau. Thế mới biết, lửa thử vàng, gian nan thử sức.

Thấm thoắt đã cuối đời người, nhiều đứa học trò xưa đã về hưu. Năm nay kĩ niệm 50 năm cấp 3 Lệ Thủy, đồng vọng về quá khứ, hỏi người bạn cũ có nhớ không?

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét