LÀNG AN XÁ

LONG TIU 

An Xá thuộc xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, nằm giữa vùng đồng chiêm trũng, sông nước bao quanh, nằm bên lưng phá Hạc Hải, với hệ thống đầm lầy, có nước thủy triều lên xuống hàng ngày. Bóng chiều núi Đâu Mâu phả xuống phá, chiếu lên hàng cây cau rực rỡ làm cho cây cỏ của làng này thêm sắc, thêm hương.

Với vượng khí “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”, làng An Xá không chỉ là nơi kết phát việc học hành thời xưa có nhiều người đỗ đạt cao, mà nay có hàng chục cán bộ, đảng viên tiền khởi nghĩa, nhân cách và trí tuệ, chịu đựng và hy sinh thuộc loại nhất Lệ Thủy.

Tuy ở vào vùng địch hậu nhưng quân thù khiếp sợ dân An Xá kiên trung bất khuất không dám đóng quân ở đây, những toán quân nhỏ không dám lui tới nơi đây. Có mấy lần chúng đến bắt cụ Võ Nghiêm thân sinh đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Huế để thủ tiêu, bắt thân phụ đồng chí Trần Bội (chủ tịch tỉnh Quảng Bình) đều phải dùng đại quân.

Nếu như làng Thượng Phong nổi tiếng “ruộng tốt dân giàu” nhờ thế đón nước đầu nguồn Kiến Giang lắm phù sa thì An Xá nằm cạnh Hạc Hải được nước lợ từ Nhật Lệ lên quành 2 vòng quanh biển cạn. Đồng thời nguồn nước lợ ấy thấm lên ruộng đất An Xá, làm cho ruộng đất An Xá vừa hưởng phù sa do lũ lụt về, qua hói Sao Vàng, vừa hưởng nguồn nước lợ do thủy triều lên. Do đó độ phì nhiêu của ruộng đồng An Xá đậm đặc lạ lùng.

Gạo ngon An Xá, tôm cá chen nhau.

Thế đất này, sinh sôi “chim trời cá nước”, thóc lúa nhiều mà ngon ít nơi sánh kịp. Ngư dân tứ xứ đua nhau về đuồi An Xá, tìm nơi “đất lành chim đậu”, lâu ngày thành ra làng An Lạc mới ba bốn đời nay. Nói “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện”, nói An Xá giàu lên nhờ Hạc Hải mà quên nói tôm phá, cá phá, rạm phá, chim phá là một thiếu sót.

Tôm phá: Sau những trận mưa đầu mùa, mưa rào, tôm chen nhau vào nò, vào trộ cất không kịp. Giá trị không chỉ quý ở số lượng mà quý nhất là chất lượng, thơm giòn và ngon, bổ đặc biệt, làm chả tôm thì tuyệt vời, hơn hẳn tôm đồng.

Cá phá: Rất nhiều loại cá to như cá gáy (chép), cá chưng, cá diếc, cá vược, cá trồi và lươn, lệch, mỗi con nặng vài ký trở lên; cá rô, cá lóc to con bụng đầy trứng vàng hươm, nướng tẩm nước mắm gừng, chiên, rán, hoặc nấu canh ngọt, canh chua đều tuyệt. Đặc biệt loại cá “lát” to con, vảy xanh lè, to như bàn chân người lớn, xưa gọi là cá ngự (vua dùng), nếu lóc thịt quết nhuyễn mà làm chả cá thì tuyệt vời, ăn một lần nhớ đời. Có loại cá không vảy như cá leo, lươn, lệch, ba ba (hôn) mà nấu cháo cũng ít nơi bì kịp.

Rạm phá: Là thứ đam biển hình dẹp, khi nó đã dậy lên theo mùa (nhiều nhất vào tháng tư âm lịch) thì không có nò sáo nào đơm cho kịp. Hàng chục bồ rạm với hàng chục thuyền từ phá Hạc Hải chèo lên sông Kiến Giang mỗi sớm, cuối xuân đầu hạ, đua chen nhau cho kịp các chợ Lệ Thủy, với giá bán rất rẻ, như cho. Rạm rang, rạm muối để lâu, ăn đều tốt. Đặc biệt gạch rạm làm nước lèo, nấu canh chua ăn với bún, loại bún Lệ Thủy, thì ngậm mà nghe.

Chim phá: Cá bao nhiêu thứ thì chim bấy nhiêu loài. Có loại vài cân như chim triếc, ngỗng trời. Có loại hàng ngàn con bay từng đàn đen trời như bồng, le le, vịt nước, thịt săn mà thơm.

Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông lý nấu chè hạt sen`

An Xá còn một thứ của trời cho vô tận nữa, đó là đồng ruộng lác (nguyên liệu làm chiếu) loại cây thiên nhiên sống ven bờ Hạc Hải. Người An Xá xưa cần cù và thông minh, chăm chỉ và trí tuệ, biết khai thác và giữ gìn đồng lác làm của riêng cho mình để dệt chiếu. Lác, loại cây vô tận và quý hiếm ấy được người An Xá đem về dệt thành những chiếc chiếu đẹp, bền, bán, phục vụ đủ các tầng lớp người trong địa phương và bán đi xa.

Những làng bên An Xá như Lộc An, Mỹ Lộc, Thượng Phong… có những lúc nông nhàn muốn “rục xương”. An Xá nhờ có nghề chiếu mà thu nhập cao, có nhiều nhà giàu, nhiều bá hộ. Đàn bà con gái An Xá trắng da dài tóc nhờ động tác dệt chiếu, nhẹ nhàng, khoan thai, chẳng mấy nặng nhọc mà phục vụ chồng con đắc lực, đảm việc nhà giỏi việc nước. Giữa lúc các làng ven sông chèo thuyền lên núi Yên Mã làm nghĩa địa xa làng hơn 20km thì An Xá chọn Cồn Dồi nằm giữa đồng ruộng làng để xây mộ ông bà. Nghĩa địa này vẫn tồn tại bình yên, nghiêm trang và đẹp đẽ. Ai muốn xây đắp sang trọng kín đáo bao nhiêu cũng được. Người An Xá xưa có quan điểm canh tân duy vật, có cái nhìn thực tiễn biện chứng sinh động về việc đưa ông bà về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Điều đó đã tạo nên tập quán truyền thống tốt; không đẻ ra một gánh nặng vô cùng phức tạp, lãng phí, phiền hà, rắc rối cho cả gia đình và xã hội. 

Nếu đời xưa Lê Anh Tông 1565, An Xá có vị tiến sĩ Lê Đa Năng thì đời nay An Xá là quê hương của đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng lừng danh trong lịch sử, uy tín tỏa rộng trong nước và ngoài nước.

Năm 1937 trong thế bao vây của mật thám Pháp và bộ máy chính quyền đô hộ lẫn tay sai dày đặc, người An Xá, các đảng viên đứng đầu là đồng chí Đào Viết Doãn… đã lập “Trường Thành chung” - trường tiểu học dân lập, vừa giúp cho đông đảo học sinh nghèo ở xa trường huyện, vừa làm nơi hội họp truyền bá chủ nghĩa cộng sản.

Trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, An Xá là một trong những làng đóng góp sức người sức của nhiều nhất Lệ Thủy, Quảng Bình, có nhiều đảng viên chiến sĩ hy sinh lúc còn tuổi xanh như Võ Đại Hải, Võ Tử Thí… Nhiều cụ già bị tàn sát hy sinh như thân phụ đại tướng Võ Nguyên Giáp, thân phụ đồng chí Trần Bội chủ tịch tỉnh… Nhiều cán bộ trung cao cấp của Đảng là người An Xá hoạt động tận tụy, không nề gian khổ hy sinh từ Trung ương đến địa phương như Võ Nguyên Giáp, Đào Viết Doãn, Võ Chương Hiến, Võ Thuần Nho, Võ Hoàng, Võ Hựu, Bùi Xuân Các, Võ Chí Đức, Trần Bội, Trần Sự, Võ Tử Hối, Võ Ổn, Bùi Hữu Truy…

An Xá cũng là nơi có phong trào làm thơ ca, hò hát quần chúng. Nhiều người có tài biện luận hài hước đấu tranh làm cho địch cứng họng. Năm 1952 đồn địch bao quanh làng An Xá (An Lạc, Tuy Lộc) sát khí đằng đằng, ông Khoán Trẹo chỉ là người làm khoán giữ trâu làng, dám xách “ba toong” đến trước đồn giặc sát chợ Tuy Lộc hô to nhiều lần: Ủng hộ Hồ Chí Minh! Đả đảo Việt gian.
Tên lính gác hùng hổ xách súng dí vào đầu khoán Trẹo, hỏi:

- Ai cho ông hô?
- Dạ, tui ủng hộ cụ Hồ Chí Minh năm ngoái. Tui ủng hộ đức Bảo Đại năm ni. Cực khổ ngu si chộ (thấy) chi nói nấy.
- Việt Minh ở mô nói ra kẻo chết…
- Dạ, Việt Minh thì ở trên rừng, ở đây Việt kiến lừng khừng Việt gian.
- Răng là Việt kiến? Răng là Việt gian. Nói mau…
- Dạ, dạ! Việt kiến là người Việt có kiến thức như thầy. Họ làm việc với Tây sướng, nhiều tiền, lại ở gần nhà. Chủ nhật được nằm với vợ cả ban ngày. Việt Minh dại, đánh Tây cực, ở rừng khổ. Còn Việt gian ngu.
- Răng mà ngu?
- Việt gian ngu vì không có lập trường, mạnh mô bổ nấy, mà thầy có phải là Việt gian mô! Tui đả đảo Việt gian tê! Răng thầy đánh tui.

Cả chợ Tuy Lộc nín thở lo lắng. Tên lính ngụy tím mặt sợ đối thoại kéo dài bị chê cười, bèn làm ra vẻ hung hăng, đá đít Trẹo mấy cái, rồi đuổi đi. Trẹo quay 180 độ, miệng mỉm cười, tay đung đưa chiếc “ba toong” bằng tre, chân bước mạnh.

Bà con họp chợ thở phào nhẹ nhõm.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét