ĐẤT VÀ NGƯỜI LỆ THỦY THUỞ KHAI THIẾT

Ngọc Tuân


Việt Nam Thời Bắc Thuộc kéo dài cả nghìn năm. Đến năm 206 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà đã dấy binh chiếm cứ Nam Hải và thôn tính thêm Quế Lâm, Tượng Quận lập quốc gia Nam Việt. Tượng Quận lúc bấy giờ bao trùm toàn bộ đất Bắc Việt Nam bây giờ, kéo dài từ Hà Tĩnh Ra đến Đồng Đăng. Kế đó Triệu Đà đã đánh tiếp xuống phía nam lấy thêm 5 huyện (Lư Dung, Tị Cảnh, Châu Ngô, Tây Quyển, Tượng Lâm) lập thêm quận Nhật Nam. Để thống nhất quản lý, Triệu Đà đã chia lại đất Tượng Quận, Nhật Nam thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. (Giao Chỉ là phần đất Bắc Bộ vào đến Ninh Bình, Cửu Chân là phần đất từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh. Lệ Thủy quê ta lúc bấy giờ thuộc quận Nhật Nam.

Cuối đời nhà Hán, năm 137 sau công nguyên, nhà Đông Hán đã đến thời rệu rã, suy vong, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Ở Nhật Nam, Khu Lân, một thủ lĩnh người Chăm đã nổi dậy, giết thái thú huyện lệnh nhà Hán là Phan Diễn, lập quốc Chăm, đóng đô ở Trà Kiệu (Quảng Nam ngày nay). Biên giới Chiêm Thành phía bắc kéo dài đến Hoành Sơn (Đèo Ngang). Thời kỳ này Lệ Thủy thuộc đất Chiêm Thành.

Trải qua đời nhà Đường đến nhà Tống, Giao Chỉ và Cửu Chân bị bắc thuộc nhưng Chiêm Thành vẫn độc lập với 38 châu., phía cực Bắc là châu Bố Chính (Bố Trạch bây giờ), phía nam là châu Thi Bị giáp với Chân Lạp.

Năm 42 Hai bà Trưng ở Giao Chỉ khởi nghĩa. Đến năm Giáp Tý (554) Lý Bí, một hào trưởng người Việt khởi nghĩa thành công, lập quốc gia Van Xuân, xưng hiệu là Nam Đế. Kể từ đó nước Việt mới độc lập. Trãi qua các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, Hậu Lê…con dân Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam đã kiện cường giữ đất, hết chống giặc phương bắc đến chống giặc phương nam, lúc thịnh, lúc suy, lúc chính quốc, lúc chư hầu, nhưng cương thổ vẫn luôn bền vững. Tuy vậy, Đại Việt dưới thời Lý cũng chỉ mới làm chủ đến Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ).

Bấy giờ, người Chiêm vốn hiếu chiến, nhiều lần đánh ra đất Đại Việt, cướp bóc ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Tháng chạp năm Canh Thân (1020) Lý Thái Tổ đã sai Lý Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, chém tướng là Bố Linh, giết hơn một nửa quân Chiêm ở Bố Chính. Tuy vậy, người Chiêm vẫn không thôi cướp bóc. Năm 1044, Lý Thái Tổ thân chinh phạt Chiêm, chém Vua Chiêm là Sạ Đẩu, bắt 5 ngàn chiến binh đem ra Bắc (sau này cho về ở từ Tương Dương Nghệ An vào đến Quy Đạt, Quảng Bình). Năm 1069 Lý Thái Tổ lần thứ hai thân chinh đi phạt Chiêm, đánh phá kinh đô Trà Bàn, bắt sống vua Chiêm là Chế Củ cùng 5 van quân Chiêm đưa ra Thăng Long. Để Được toàn mạng, Chế Củ hứa thuần phục, đồng thời cắt 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (kéo dài từ Đèo Ngang đến Do Linh Quảng Trị bây giờ) dâng cho Đại Việt. Kể từ đây Lệ Thủy mới chính thức là một phần của đất Đại Việt.

Năm 1075 nhà Lý cho nhập 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh thành Quận Lâm Bình. Đồng thời xuống chiếu kêu gọi dân hai châu Hoan, Ái (Nghệ An, Thanh Hóa) vào khai phá đất đai ở Lâm Bình. Dòng người di dân lần này đã bỏ qua Bố Chinh mà tràn vào Địa Lý, Ma Linh vốn đất đai phì nhiêu. Họ ra đi theo dòng họ và vào quần cư cùng dòng họ, lấy họ mình đặt tên làng Lê Xá, Võ Xá, Trần Xá, Phan Xá, Đặng Xá, Lại Xá… Dấu ấn này chỉ có ở vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh, Vĩnh Linh, Do Linh bây giờ.

Năm Quý Mùi (1103), một người quê ở Diễn Châu (Nghệ An) tên là Lý Giác, tự cho mình là người có ma thuật, sai khiến được âm binh, nổi loạn. Lý Thường Kiệt đã đưa quân triều đình vào đánh dẹp. Lý Giác thua chạy, trốn sang đất Chiêm, xin vua Chiêm là Chế Ma Na đem quân ra cướp lại 3 châu Bố Chính, Địa Lý Ma Linh. Một năm sau, năm Giáp Thân (1104) Lý Nhân Tông cử Lý Thường Kiệt vào đánh bại Chế Ma Na thu hồi 3 châu.

Năm 1375 đời Trần Duệ Tông, quận Lâm Bình được đổi tên thành Tân Bình. Trước đó, năm 1360 Chế Bồng Nga lên ngôi vua Chiêm. Vốn hiếu chiến và thiện chiến, Chế Bồng Nga đã nhiều lần đánh Đại Việt, chiếm lại Tân Bình, có lần đánh chiếm được cả kinh thành Thăng Long. Mãi đến năm 1390, trong một trận thủy chiến trên song Luộc (Thái Bình) tướng Trần là Trần Khát Chân đã giết chết Chế Bồng Nga, đại phá quân Chiêm, truy đuổi vào đến kinh đô Chiêm. Bấy giờ Tân Bình mới lại trở về Đại Việt. Tuy vậy, nhiều người Chiêm vẫn chưa quy phục, tổ chức cướp phá khắp nơi, nhân dân vô cùng khổ cực. May mà có hai tướng là Phan Mãnh và Phạm Thế Căng – người Lệ Thủy, là thổ hào quận Tân Bình, dùng binh đánh dẹp mới yên. Sau này, Vua Trần Thuận Tông đã ban thưởng và phong cho Phan Mãnh (người làng Thổ Ri) làm Minh uy tướng quân, coi quân thánh dực hai quận Tân Bình, Thuận Hóa. Phan Mãnh sau bị Lê Quý Ly giết vì cho là cùng Đặng Tất mưu phản. Còn Phạm Thế Căng sau làm Tri phủ hạt Tân Bình (thời thuộc Minh). Phạm Thế Căng tự xưng hiệu là Duệ Vũ Đại Vương, chiếm cứ núi An Đại chống lại nhà Trần, bị đại tướng nhà Trần là Đặng Tất chém chết.

Thời gian này, nhà Trần xuống chiếu mộ dân vào khai phá Tân Bình (Quảng Bình), Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế). Lần di dân này quy mô lớn hơn. Vua xuống chiếu ai có của cải, trâu bò dâng hiến thì tùy theo nhiều, ít mà cho một chức quan. Rồi lấy trâu, bò ấy cấp cho người nghèo không có công cụ lao động. Lần di dân này có cả quan, quân, dân và những tội nhân kháng mệnh triều đình đi lưu đày. Các làng nghề như mộc, rèn, dệt vải, dệt chiếu, làm nón cũng từ đây di dời theo và sống quần tụ thành làng nghề mà dân gian thường gọi là “kẻ”. Kẻ Tuy, Kẻ Đợi, Kẻ Tréo, Kẻ Thá…hình thành từ đó.

Cuối thời Trần, Vua tôi hèn kém, Hồ Quý Ly cướp ngôi, xưng Đế (1400), đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Nhà Hồ lại xuống chiếu chiêu mộ dân có của mà không có ruộng ở Nghệ An, Thanh Hóa vào khai khẩn. Dân ấy phải thích vào cánh tay hai chữ tên châu của mình, lại mộ người có trâu đem nộp thì phong cho phẩm tước rồi lấy trâu ấy cấp cho dân cày. Nhưng rồi nhà Hồ cũng sớm bại vong, đất nước loạn lạc. Chiêm Thành đánh chiếm lại Tân Bình, Thuận Hóa.

Năm Mậu Tuất 1418 Lê Lợi khởi binh. Năm 1425 Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn và Lê Nỗ đem 1000 quân vào đánh lấy lại Tân Bình, Thuận Hóa. Những năm sau này nhà Lê nhiều lần chinh phạt Chiêm Thành, mỡ cõi đến tận Hoài Nhơn (Bình Định). Năm Quang Thuận thứ 8 (1467) Lê Thánh Tông cho vẽ lại bản đồ. Tham tụng thừa chính Hóa Châu là Đặng Chiêm dâng sớ xin 5 điều: Giữ cửa Tư Dung (cửa Việt); lấp cửa Eo (Thuận An); đào kênh Sen; bỏ thuế đầu nguồn; chiêu mộ dân xiêu dạt đến khẩn hoang Bố Chính. Năm đó người ta đào kênh Sen nối thông sông Bình Giang (Kiến Giang) với sông Hiền Lương. Nhưng càng đào cát lại đùn lên lấp lại, nên đành bỏ dở. Thời đó, Lê Thánh Tông chia nước làm 12 Đạo thừa tuyên và 2 Phủ. Hai Phủ đó là Triệu Phong và Tân Bình. Phủ Tân Bình gồm 2 huyện Khương Lộc và Lệ Thuỷ.Ở đây có chi tiết cần nói thêm, Trong câu ca “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” có người lầm tưởng hai huyện đây là Quảng Ninh, Lệ Thủy. Không phải vậy, hai huyện đây là Khương Lộc và Lệ Thủy, vựa lúa của Tân Bình. Thời ấy, người ta lấy sông Bình Giang (Kiến Giang bây giờ) làm ranh giới hai huyện. hữu ngạn là Lệ Thủy, tả ngạn là Khương Lộc, kéo dài đến tận sông Long Đại. Thời Lê Trung Hưng đổi phủ Tân Bình thành Tiên Bình, nhưng hai huyện vẫn không đổi tên.

Cuối thời Lê, năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung phế Lê Cung Hoàng Đế, tự lập Mạc Thái Tổ. Bắt đầu của thời kỳ Nam- Bắc triều. Để khôi phục nhà Lê, An Thành Hầu Nguyễn Kim, một cựu thần nhà Lê đã chạy sang Lào tìm được con cháu nhà Lê, đưa về Thanh Hóa, lập nên vua Lê Trang Tông đánh lại nhà Mạc. Sự nghiệp sắp thành thì Nguyễn Kim bị đầu độc chết. Con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Nguyễn Hoàng, con Nguyễn Kim, em vợ Trịnh Kiểm do bất đồng với Kiểm , lấy cớ vào trấn giữ phên dậu phía Nam đã đẫn quân vào Cửa Việt, đóng quân ở Ái Tử, mưu sự lâu dài, đánh dấu sự khởi đầu của 10 đời chúa Nguyễn kéo dài từ 1600 đến 1777.

Năm chính trị thứ 12 (1569), phủ Tiên Bình có 3 huyện, một châu. 3 huyện là Khương Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh, và châu Bố Chính. Thời kỳ này, trong những lần kinh lý, khi nghỉ ngơi trên đường Thiên Lý, thấu hiểu trong dân gian, nghiệm thấy linh ứng, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây 2 chùa lớn là chùa Đại Phúc và chùa Kính Thiên ở huyện Lệ Thủy. Chùa Kính Thiên, theo “Việt sử xứ đàng trong” được xây vào năm Kĩ Dậu (1609). Đến năm 1716 chúa Nguyễn cho sửa chửa lại. Chùa nằm trên đất Thuận Trạch, gần trạm Bình Giang (ở chợ Trạm, Mĩ Thủy bây giờ). Theo “Ô châu cận lục” của Dương Văn An thì “chùa có quả chuông nặng nghìn cân, có tăng quan trụ trì, có sái phu phục dịch, hương khói, được coi là cảnh đẹp của Tiên Bình”. Còn chùa Đại Phúc nằm cạnh đình làng Đại Phong. Theo “Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” (NXBKHXH- 1991) thì năm 1930, người Pháp cho khảo sát các Đền, Chùa Việt Nam thì chùa Đại Phúc “có từ trước thê kĩ XVI ở địa phận hai xã Tuy Lộc và Đại Phúc, phủ Tân Bình. Phía trước có sông cái làm vạt áo, bên phải có dòng khe như đai lưng. Nhịp cầu bắc ngang, quán hàng chen chúc. Phía trong là điện thờ Phật trang nghiêm, tổ phòng cao to, tráng vĩ, hoa quy phía trời đông, lâu đài tiếp liền mép nước”. Theo “Ô Châu cận lục” thì “Bên trong tam quan cao lớn, điện Phật huy hoàng… Hàng năm, đến tết tập nghi, thi lễ, nhạc trang nghiêm, áo xiêm rực rỡ. Kể làm một danh lam hạt Tân Bình”.

Năm Hoàng Định thứ 5 (1604) Chúa Nguyễn cho đặt lại tên các khu Thuận, Quảng, đổi tên phủ Tiên Bình thành Quảng Bình, vẫn giữ tên huyện, châu như trước. Cho xây lại thành Ninh Viễn (Ở Uẩn Áo, Liên Thủy bây giờ). Theo Ô Châu cận lục miêu tả “Thành ở xã Uẩn Áo, huyện Lệ Thủy. Sông Bình Giang chảy phía trước, sông Ngô giang chẹn phía sau, hai dòng đều Tây – Bắc hợp làm một. Ba mặt có sông, một mặt giáp núi … Cửa Nam có tấm đá khắc ba chữ Ninh Viễn Thành”. Sau này, Nguyễn Phúc Khoát cho chia lại đơn vị hành chính phủ Quảng Bình làm 3 dinh: Dinh Trạm (Lệ Thủy), Dinh Mười (Quảng Ninh), Dinh Ngói (Bố Trạch). Từ Nam ra Bắc đường Thiên Lý xưa có hai ngã. Đường Thượng Đạo (gần trùng với tuyến đường sắt bây giờ) từ Minh Linh (Vĩnh Linh) đi xuyên rừng ra đến Dinh Trạm, sang sông đi qua Mai Thủy, Phú Thủy, Hoa Thủy, An Ninh… đi lên Tuyên, Minh Hóa. Con đường thứ hai là đường Quốc lộ 1 bây giờ, từ Minh Linh ra Bàu Sen, qua Dinh Mười, Đồng Hới, ra Dinh Ngói, Đèo Ngang.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài ngót nửa thế kĩ, từ năm 1627 đến 1672 xảy ra 7 cuộc chiến tranh lớn, nhỏ, huynh đệ tương tàn, nhân dân hai huyện Khương Lộc, Lệ Thủy lại đứng ở đầu sóng, ngọn gió. Năm Kĩ Tị (1629) chúa Nguyễn Phúc Nguyên nghe theo mưu sỹ Đào Duy Từ đã cho đắp lũy Trường Dục (còn gọi là Lũy Thầy). Lũy được đắp từ thượng nguồn sông Long Đại về đến phá Hạc Hải, kéo dài 10 km và được đắp từ 1629 đến 1631 thì xong. Sau này còn nhiều lũy được đắp lên ở hiểm địa này như lũy Nhật Lệ (dài 18 km), lũy Trường Sa, lũy Trấn Ninh. Suốt nửa thế kĩ, dải đất từ Đèo Ngang đến Lệ Thủy thành bãi chiến trường đẫm máu, bắt phu, bắt lính, nhà cửa tan hoang, xóm thôn điêu tàn, dân cư phiêu tán. 

Thời Nguyễn Tây Sơn (từ 1778 đến 1802), rồi nhà Nguyễn Gia Long (1802 – 1883) mãnh đất này còn chịu vài cuộc chiến tranh nữa. Rồi chống Pháp, chống Mĩ máu lữa ngút trời đã hun đúc nên con người xứ Lệ nhân hậu, quật cường, chịu thương, chịu khó. Tự hào quê hương tôi.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét