NHỮNG BẾN ĐÒ BÊN SÔNG KIẾN GIANG


Thủa hồng hoang xứ Lệ ngày nay đã là vùng sơn thủy hữu tình, là vùng địa linh mà nhiều triều đại phong kiến của Chiêm Thành và Đại Việt tranh giành làm thế thượng phong mở mang bờ cõi. Xứ Lệ núi che ba mặt tạo ra một vùng bình địa mênh mông. Chính giữa bình địa mênh mông ấy có một dòng sông. Dòng sông ấy ngàn xưa có tên là Bình Giang. Theo sách Ô châu cận lục của Dương Vân An một vị quan nổi tiêng thời Lê – Mạc quê ở làng Đại Phúc Lộc viết về dòng Bình giang “… nước sông trong vắt, vị nước ngọt ngào, khuấy lên chẳng đục, uống vào không chán. Đó là dòng sông đẹp nhất Thôn xóm của nhân dân, công đường lỵ sở, thành trấn của hai Huyện Khang Lộc, Lệ Thủy đều ở hai bên sông. Từ Thổ rí đổ về đến khoảng trung lưu thì mênh mông vạn khoảnh, có thể dung được vạn thuyền…” Dòng Bình giang ấy là dòng Kiến Giang bây giờ.

Dòng Kiến giang như dãi lụa đào xuôi ngược, quấn quýt bồi đắp cho bao làng quê Xứ Lệ, tạo nên xứ Hai Huyện một vùng sông nước mênh mông. Từ vùng sông nước ấy cư dân sống thuận theo trời đất làm ăn, đi lại chủ yếu bằng thuyền. Ông Đặng Ngọc Tuân một trí thức làng Đại Phong sống tại Hà Nội đã mô tả đầy đủ và thật đẹp về huyền thoại dòng Kiến Giang trên trang wep Làng Đại Phong, trên chiều dài mềm mại của dòng Kiến Giang có nhiều Bến Đò ngang, dọc đã gắn bó, để lại những kĩ niệm không thể phai mờ của bao thế hệ con dân Xứ Lệ.

Từ khoảng năm 1990 trở lại đây, ai về Lệ Thủy đều bằng ô tô, qua sông Kiến giang và các nhánh sông nhỏ đều đã có cầu, vì thế nhiều người đã quên đi những bến đò trên dòng Kiến giang thủa ấy. Không còn bến đò ngang, dọc trên dòng Kiến giang là thuận theo nhịp sống của thời đại, tuy vậy củng xóa đi một nét văn hóa sông nước của một thời khai hoang mở cõi của ông cha. Bây giờ không thể nhớ hết trên dòng Kiến Giang có bao nhiêu bến đò, có bao nhiêu người con Xứ Lệ đã từng qua sông bằng đò trên quê hương mình. Xin ai đó cùng lại về với quá khứ gian nan mà vô cùng đẹp đẽ trên những chuyến đò.

Dọc theo dòng Kiến giang từ thượng nguồn có bến đò qua Rào Nậy, Rào Con của làng Ba Canh, Khe tre. Đến đầu hợp lưu có bến đò Trốc Vực, đến bến đò Trạm, bến đò Quy Hậu, bến đò Hoàng Giang, hai bến đò Chợ Tréo nối với làng Xuân Hồi và làng Thượng phong, bến đò thượng phong qua làng Xuân Lai, bến đò Tuy Lộc qua làng Mĩ Lộc, bến đò An Xá qua làng Phú Thọ….. rồi nhưng bến đò dọc từ chợ Ba Canh về chợ Tréo, đò chợ tréo đi chợ Phú Hòa, Chợ hôm Tuy Lộc, chợ Phú Thọ, xuôi dòng kênh rạch chằng chịt của phá Hạc Hải về chợ Thùi Hồng thủy….. và điểm cuối là chợ Đồng Hới.

Trên những bến đò của dòng Kiến giang thủa ấy rộn ràng và có nhiều kĩ niệm nhất là những bến đò ngang của tuổi học trò, con đò, bến nước bình dị và nhẫn nại đưa đón, chở che cho nhiều trai thanh, nữ tú của xứ Lệ vươn cánh bay cao, bay xa. Ai từng là học trò của trường cấp 3 Lệ Thủy hãy giành chút thời gian nhớ lại những chuyến đò ngang đưa chúng ta qua sông đến trường, thiết nghĩ con đò ngang ấy biết bao nhiêu tình. Những buổi sáng chiều, học trò các xã Bên này sông Kiến giang tụ tập ở các bến đò ngang Thượng phong, Chợ Tréo, Hoàng giang …để đến trường cấp 3 Lệ thủy. Trên bến dưới thuyền tiếng cười đùa thật vô tư thánh thiện, tiếng gọi nhau chạy nhanh lên cho kịp chuyến đò kẻo chậm giờ học, lên vừa thôi kẻo đò quá đầy rồi, hãy ngồi im kẻo đò chòng chành chìm đò không sang được bến……Rồi trời nắng chang chang áo trò đẫm mồ hôi chen nhau qua đò, người lái đò vừa gồng mình điều khiển con đò sao cho an toàn và sang sông nhanh nhất. Rồi trời mưa, ôi chao mưa mút mùa Lệ Thủy, sông Kiến giang nước cuồn cuồn chảy, dòng sông rộng gấp ba, bốn lần lúc bình thường. Học trò đứa đi chân đất, đứa đi dép cao su chen chúc xiêu vẹo, bấu víu lấy nhau lên đò để sang sông đến trường. Hồi đó học trò xứ Lệ đều là trò nghèo nhưng hiếu học, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm nhưng cái chữ thánh hiền thì đầy ắp vì thế xứ Lệ luôn nổi tiếng Địa linh, nhân kiệt là vậy. Thường đi đò ngang hay đò dọc đều phải trả tiền cho người đưa đò để nộp cho hợp tác xã, nhưng với học trò thì miễn phí đó là biểu hiện của sự tôn trọng cái chữ của con dân xứ Lệ .

Ở bất cứ nơi nào trên trái đất, nơi nào có dòng sông thì nơi đó có cuộc sống thịnh vượng, cây trái tốt tươi đâm chồi nảy lộc, nơi có dòng sông đẹp nơi đó ắt sinh ra những nhân tài kinh bang tế thế. Dòng Kiến Giang quê tôi là một dòng sông đẹp nhất, không phải bây giờ mà cổ nhân hàng trăm năm nay đã từng dạy thế, trên dòng sông đẹp ấy có những bến đò đã đi vào lịch sử đầy tâm linh nhưng rất hiện thực phải không những người con Xứ Lệ thân yêu../.

                                                        Xuân Thạo 


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét