NGŨ QUỶ

Ngọc Tuân


Phi lộ: Người ta nói tôi hoài cổ. Còn tôi nghĩ, con người mà không còn một chút kĩ niệm để neo đậu tâm hồn về quê thì coi như bỏ.

Ngày tôi còn bé, phương tiện giao thông đi lại, thông tin, báo chí nghèo nàn lắm, nếu không muốn nói là chẳng có gì. Tuổi thơ chỉ quanh quẩn trong làng đi móc đam, bắt ốc, bẫy chim, trèo cây lấy trứng chim… Có lẽ, cả năm trẻ con mới thấy một cái ô tô chạy từ Đồng Hới lên bụi mù ngoài đường 30 (đường từ Chợ Cưỡi sang Đại Phong). Cái xe “Batuya”- theo cách gọi của dân Đại Phong lúc bấy giờ với loại xe con Peugio hình dáng như con bọ hung, chầm chậm bò trên đường đá lổn nhổn. Lũ trẻ con chúng tôi rần rật chạy theo sau, ở trần, mũi thò lò, độc mỗi cái quần đùi không chun vận vào sợi chuối khô buộc ngang lưng. Có đứa chạy hăng quá, đứt dây chuối, tụt luôn quần làm cờ, khua trên đầu reo hò cho đến khi chiếc xe mất hút sau rặng tre. Bụi bám đầy mặt, mồ hôi chảy xuống thành vệt. Lại a lô xô chaỵ xuống hói Đợi ngụp lặn. Ở truồng mà còn thi nhau trồng cây chuối vô tư (bọn con gái cũng vậy, còn thi ai trồng lâu).

Thế rồi, ba tôi về Đồng Hới làm việc. Tôi với mẹ đi theo. Ngày đó Đồng Hới đẹp lắm. Chiều chiều tôi thơ thẩn dưới rặng dừa ven sông Nhật Lệ, nhớ lũ bạn ở nhà muốn khóc. Tôi không hiểu vì sao lại phải xa chúng nó. Bạn bè tôi có 5 đứa thân nhau, được phong là “Ngũ quỷ”. Đứa nào cũng khỏe, cũng vô tư và đặc biệt là rất thương yêu nhau. Thằng An là khỏe nhất hội. Vật nhau lúc nào nó cũng thắng. Miếng quắp cổ, miếng gồng của nó thì vô địch. Nó đi chăn trâu, một lần bị con trâu lắc ruồi vô tình, thủng bụng mà nó chẳng khóc. Đua trâu trên đồng bao giờ nó cũng nhất. Có lần trâu mệt quá chui qua bụi tre, hắn bị mắc lại, rách mồm, rách mặt. Kệ. Thằng Tấn thì tài sát cá. Nơm, tát, làm đìa, đắp trộ cá nhảy… cái gì nó cũng giỏi. Mùa đông, nó biết lúc nào cá nổi, thông báo cho cả bọn đi bắt bộ. Thằng Diên thì được chú nó truyền cho cái nghề bẫy chim. Nó có con cu gáy hót rất hay, kéo đến bốn nhịp cúc cù cu cù. Cu gáy có thể dụ con khác vào lồng nó. Mấy con chim sẻ mồi bị buộc chân xuống bãi cỏ cứ nhảy lên, nhảy xuống sau tấm lưới. Lũ chim trời tưởng có nhiều thức ăn sà xuống, lưới sập, vậy là xong. Thằng Ơn có tài leo cây, bắt trứng chim, ăn trộm quả. Chính hắn nghĩ ra cái trò bẻ trộm mít, đào hố chôn xuống rồi ỉa lên trên một bãi. Ai đi qua cũng tránh xa. Chừng mít chín là hắn hắt cái bãi thải của hắn đi, bới đất, lôi mít lên cho vào cái áo. Hai đứa khiêng hai đầu chạy sang đồng Bể, cả bọn chén. Hắn còn thông minh đến mức tìm chỗ ngồi dưới gió để mùi mít không bay lên đường làng.

Trong nhóm, tôi là thằng gan lì cóc tía, chẳng sợ gì. Đầu làng có cái Miếu, trong thờ phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen và đức Quan Công râu dài, đặt trong tủ kính. Trước sân Miếu có hàng cây Bún có lẽ đến trăm tuổi, đứng ven cái ao sâu. Dưới chân cây Bún mọc um tùm loại cây Giêng Giếng có quả như quả phượng, hạt bùi, béo. Hôm đó, trời nắng, cả bon lượn một vòng dưới đồng kiểm tra hố cá nhảy. Không có cá, kéo về ngồi bờ ao. Thằng Ơn trèo cây hái quả Giêng Giếng cho cả bon ăn. Đang ăn tôi bị đau quặn ruột. Tụi nó dọa: mày ăn quả của thánh mà chưa xin, thánh bắt tội rồi. Thôi, vào Miếu lạy thánh đi. Tôi cũng hơi nghi nghi nên đứng lên, lảo đảo vào Miếu. Vào đến nơi, thấy ông Quan Công râu dài, mặt đỏ, chợt tôi thông minh ra. Sẵn máu liều, tôi nghĩ ra một trò. Tôi khệ nệ khiêng ông Quan Công bằng gỗ ra khỏi tủ kính. Lấy râu ông ấy dán vào cho mình rồi ngồi thế vào chỗ ông. Đợi lúc lâu, không thấy tôi ra chúng nó cũng nghi ngại. Cả bốn thằng nắm tay nhau, mặt căng thẳng vào Miếu. Nhìn quanh chẳng thấy tôi đâu, tụi nó chắc sắp són ra quần rồi. Khi đó, tôi lắc lư, lắc lư. Cả bốn thằng mặt ngây như ngỗng ỉa, mắt trợn lên, mồm kéo chữ o. Hình như chúng muốn chạy mà không chạy được. Chết đứng. Mấy giây sau, cả bon ù té quyền, băng qua cả ruộng lúa, ngã lên, ngã xuống. Tối đó tôi bị phạt một chầu khoai sống. Thứ khoai mầm mọc lên sau mưa tôi mót được ở ruộng, dấu ở đám lá tre dưới bụi tre gần nhà.

Nói gan cóc tía là so với nhóm “Ngũ Quỷ” thôi, chứ tôi cũng đã bị một phen hết hồn. Số là, ở quê, tối tối trẻ con đi chơi ở sân kho. Đứa thì chơi trốn tìm, đứa thì bịt mắt bắt dê. Đứa thì chơi trò từng cặp, đứa này cưỡi lên lưng đứa kia, đánh nhau. Ai ngã ngựa thì phải chui háng. Trai gái gì chui tất. Đứa thì lang thang dọc đường làng ven hói Đợi. Những đêm trăng lờ mờ nửa đực, nửa cái rất sợ ma. Các cụ dạy, hể đi đâu ban đêm thì đừng nhìn lại phía sau. Tay phải nắm chặt lại. Cũng làm như vậy nhưng nhiều khi cứ tưởng như có ai đi sau mình, xương sống cứ lạnh toát, tóc gáy dựng lên. Bờ hói Đợi lúc đó rất nhiều tre và cây Dưới. Lá Dưới ram ráp dùng tuốt lươn rất sạch. Loại cây này thường cao quá đầu người lớn là xòe tán, dày kịt. Hai, ba người ngồi trên đó được. Tối đó, nhóm chúng tôi đi xem phim ở sân đình về. Tôi bao giờ cũng đi đầu. Về đến bến nhà ông Trợ, trong trăng suông tôi nhìn thấy hình như có một bóng người đứng trên cây Dưới, trong bộ đồ một nửa trắng, một nửa đen. Có một cây tre bổ qua đường, sà xuống ngon Dưới. Lúc đi nào có. Tôi dang tay ngáng cả bon lại. Cùng lúc đó chúng đều nhìn thấy. Bóng ma nghiêng bên này rồi nghiêng bên kia. Tóc tai xỏa xượi, lúc hắn trắng toát, rồi đen một nửa, rồi đen cả. Cha mẹ ơi, bốn thằng kia cấu nghéo và áo quần tôi. Còn tôi, chẳng hơn gì, đứng như trời trồng. Một luồng lạnh chạy từ gáy xuống hạ bộ. Nghe chừng ướt quần rồi. Muốn chạy mà không chạy được. Bổng cái bóng ma kia đánh đu vào cây tre bay là xuống chỗ bọn tôi, dãi áo của hắn phấp phới. Lúc ấy, hình như có điện chập, cả bọn hét lên chạy bán sống bán chết. Những lúc này mới khổ với cái cái quần vận bằng dây chuối khô. Nó đứt phựt, quần tụt, nó như thòng lọng thắt chân. Tôi bổ nhào, vập mặt xuống đường, rụng cả cái răng sữa mới lung lay. Thế rồi, ào một cái bóng ma biến mất. Cả bọn lóp ngóp, thất thểu chạy gằn về nhà.

Sáng hôm sau, tôi quay lại chỗ đó tìm cái răng. Các cụ bảo, răng sữa mà rụng thì ném nó lên mái nhà mới mọc lại được. Khi ấy gặp ông Trợ, ông nói lại hôm qua lão Ninh Trộp doạ ma chúng mày. Tôi ớ ra. Lão ấy tên Ninh nhưng trẻ con trong xóm gọi lão là Ninh Trộp vì lão như con cóc trộp, chuyên dọa ma trẻ con.

Vùng quê thuần nông xứ mình chẳng bao giờ hết việc. Đứa bé mới biết đi thập thững đã cầm chổi quét nhà. Hết thời ở lỗ, mặc quần đùi thì đã biết đi mót lúa, nơm, tát, đặt câu cặm kiếm cá. Lúc vỡ giọng, nói ồ ồ là đi lên rừng bứt gianh, lấy củi, chặt rào về làm giàn bầu, giàn mướp… Như một bản năng, chẳng ai dạy nhưng chúng tôi lây cho nhau. Trước khi vượt khỏi lũy tre để đi xa, khối đứa đã làm được nhiều việc người lớn. Nhưng cái để nhớ lâu nhất vẫn là những trò thời ở lỗ, quần đùi. Mỗi đứa trong nhóm ngũ quỷ của tôi đã có những kĩ niệm không bao giờ phai.

Nhớ và khoái nhất là những trò thằng Tâm bày đặt. Những trò bắt cá của hắn thì thần sầu. Bất kể việc gì, từ đi câu cá ngát dưới hói Đợi, đến đi câu cá phát lát ở cầu Xiên, đi nơm cá diếc ở Đồng Ngoài, đi cất rớ ở hói Ba Đa, tát cá trộ, thả lưới bén… cái gì hắn cũng giỏi. Chỉ kể vài ba chuyện để nhớ. Trước hết là trò câu cặm. Nhà hắn có hàng trăm cây câu cặm được làm bằng lưỡi câu thép, một đoạn cước khoảng nửa mét, một đoạn cần uốn cong cong bằng tre khoảng bảy, tám mươi phân. Chập tối là hắn dẫn đầu cả bọn ra đồng. Một vai khoác cần câu. Một vai đeo giỏ mồi được làm bằng ruột ốc nhồi. Cứ mỗi cây câu mắc một con ốc. Hắn lội bì bõm dưới ruộng, lấy chân trang bùn rồi cắm vào đó một cây. Bọn tôi chỉ chạy lon ton trên bờ theo hắn cho đến khi hết cần câu. Mất khoảng hai giờ, cả bọn kéo về đường làng ngồi tào lao. Đứa nào nghỉ ra điều gì độc đáo thì a lô xô. Còn không thì chơi chán rồi về ngủ. Gà gáy sáng, hắn đã đến từng nhà cào cào vào liếp cửa sổ đánh thức. Tôi rón rén ra ngoài, cả lũ kéo nhau đi thu cần câu. Chỉ toàn cá đô (cá quả), thỉnh thoảng có một con rắn nước. Cá đô mồm rộng đớp cả con ốc nên mắc câu. Có con to hơn một ký, nó quấn nát vài ba bụi lúa quanh đó. Hôm nào cũng vậy, hắn cho bọn tôi mỗi đứa một con. Ít thì thôi. Tôi khoái nhất là những đêm đi canh trộ cá nhảy. Vùng đồng trũng Đại Phong nhiều cá lắm. Mùa hè, khi bắt đầu làm vụ hè thu, lúa cấy được khoảng hai, ba tuần là nắng tháng bảy như đổ lửa. Nước nóng rẫy đến con đam cũng chết. Lũ cá diếc là đành hy sinh, chết thối khắp đồng. Riêng cá đô thì chui xuống bùn trốn nóng. Đến đêm là tìm đường trườn ra bờ ruộng. Phốc một cái là vượt bờ ra được mương sâu. Thằng Tâm biết trò này, chắc ông nội hay cụ kị nó truyền lại. Hắn kéo cả bọn xuống ruộng, tìm một chỗ mà theo kinh nghiệm của hắn là cá sẽ ra đó nhảy. Be ở mặt trong một cái bờ là là mặt nước, vuốt bùn cho trơn. Sau cái bờ đó là một hố sâu, không có nước. Ngoài cùng là bờ cao ngăn với mương. Hắn khéo léo chọc một cái lỗ thủng bờ gần đó cho nước ruộng cháy ra kêu róc rách. Vậy thôi, việc còn lại là nằm đợi đến sáng để xuống hố thu cá về. Việc này phải làm ban đêm, vì lúc nửa đêm về sáng, nước mát cá mới lên khỏi bùn tìm đường đi. Cả năm thằng cứ bờ mương cỏ mượt mà “thênh thang nằm bãi cỏ hơn nằm chiếu hoa”. Đêm hè, gió thổi hơi nước từ ruộng lên, đầu hôm còn nóng nhưng càng về sáng càng mát rượi. Gác cẳng lên nhau, ngửa mặt lên bầu trời vời vợi chi chít sao. Tha hồ mà tưởng tượng, hầu như thằng nào cũng nhận ra ông thần nông. Tôi là thằng nhớ chuyện Tam Quốc nhiều nên chúng cứ bắt tôi kể. Đôi khi cũng quên phải phịa một tí, được cái chúng nó không biết, bỏ qua. Gió càng về đêm thổi một to. Ếch nhái ễnh ương hoà tấu inh ỏi. Đám dế cứ ri rích, ri rích đồng ca. Dần dần rồi chúng nó cũng chìm vào giấc ngủ. Thằng An bao giờ cũng ngủ sớm nhất, miệng hắn lúc nào cũng nhai chóp chép. Không hiểu sao, những đêm như thế tôi hầu như không ngủ. Mà đã không ngủ là cứ hay nghĩ ngợi. Mà cũng lạ, ít khi tôi nghĩ ngợi về gia đình mình mà thường nghĩ về hoàn cảnh của bạn bè. Tuổi thơ hình như chỉ hy sinh cho bạn bè. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng bủm, phọt, ấy là một chú đã vượt vũ môn vào hầm. Sáng ra, cả bọn bò dậy, việc đầu tiên là nhòm xuống hố xem có cá không. Thật sung sướng là hôm nào cũng nhiều cá. Chỉ rặt một loại cá quả. Có lần kĩ lục là mỗi hố được hơn một yến. Cá nhiều ăn không hết thì làm mắm thính, mổ ra phơi khô để dành đến mùa đông.

Còn thằng Ơn, thoáng nghĩ đến nó là mường tượng nó đang vắt vẻo trên ngọn tre. Quê mình xưa nhiều tre lắm. Tre bao bọc quanh làng thành lũy. Tre có nhiều loài nhưng ở quê mình nhiều nhất là tre Gai và tre La Ngà. Tre gai dùng nhiều việc, từ đan lát vật dụng đến chẻ lạt bó lúa, dựng nhà… Tre La Ngà cây to vàng óng, cành gai chi chít, chủ yếu để chắn sóng gió. Phía sau đồng, suốt từ Thượng Phong về đến Mĩ Phước là rặng tre xanh mướt, kẽo kẹt. Nó là bức tường thành chắn sóng mỗi khi lụt, chắn gió đông bắc mỗi mùa đông cho dân làng. Trên những ngọn tre đó là một thế giới khác, thế giới của chim chóc. Chập tối là cò, vạc đậu trắng bờ tre. Mùa hè đến không biết giống chim Rôộc Rôộc ở đâu về đan tổ đẻ con. Nó mới là những kiến trúc sư. Tổ Rôộc Rôộc được đan bằng lá mía. Nó xé từng sợi một, dùng cái mỏ khéo léo khâu thành cái tổ như cái giầy cao cổ treo ngược. Trước cửa bao giờ cũng có cái võng để con nó đứng tập bay. Lũ trẻ chúng tôi thường bẻ cái tổ đó xỏ làm giày đá bóng. Tuy nhiên để lấy được nó là cả một sự can đảm. Tổ chim chỉ làm vắt vẻo trên ngọn tre. Vậy mà thằng Ơn bất chấp. Nhoáng cái hắn đã chui vào bụi tre gai, tìm đường trèo lên một cây. Hắn đu như con khỉ. Cây tre trì xòa xuống. Hắn mò ra phía ngọn đến đoạn không còn ra được nữa mới thôi. Bẻ tổ chim thả xuống có chúng tôi đón. Hết cây này hắn lại đánh võng, du sang ngọn cây khác. Có hôm hắn đi hết cả vạt tre dài bằng cách ấy. Đứng dưới nhiều khi thót tim, chúng tôi lo cho nó. Tôi hỏi, răng mi không xuống rồi trèo lại cây khác. Hắn cười bảo, đồ ngu, cộôc tre toàn gai, tìm đường lên còn khó, tau đi trên nớ cho khỏi gai cào. Lạy trời, các cụ bảo “có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”, may sao cho đến khi đi bộ đội thằng Ơn chưa bị ngã lần nào. Nhưng cũng có lần hắn bị ăn đòn. Số là có lần ai mách không biết, bố hắn đi tìm. Thấy hắn đang vắt vẻo trên ngọn cây, sợ hắn giật mình rơi, bố hắn giả vờ nói to từ xa để đánh tiếng. Sau đó ông túm tai hắn lôi về. Trưa đó, hắn bị một trận đòn dữ dội. Ông ấy bắt nó nằm xuống nền nhà, lấy một bó củi đè lên lưng. Bên cạnh là thằng em không có tội cũng nằm đó. Ông lấy cái roi mây đi cày cứ nhè mông thằng Ơn mà quất. Mấy thằng tôi nấp sau vườn cứ mỗi lần nghe “trót” một cái là cảm thấy như mông mình cũng đang cháy.

Ấy thế mà chỉ ba hôm sau, hắn còn gây một vụ tày trời. Hôm đó, gần trưa, đói bụng, cả nhóm rủ nhau đi ăn trộm ổi ông Chắt. Ông Chắt ở cuối làng làm nghề bện nơm bán. Ngày nào ông cũng ngồi trước thềm vót nan tre, canh chừng, nên cây ổi vườn ông còn nguyên. Tụi tôi chia nhau cảnh giới để thằng Ơn trèo. Hắn cho áo vào quần, thít chặt để làm túi đựng. Thoắt cái hắn đã trên cây. Ác nghiệp, có con gà vào bới rau, ông Chắt xùy con chó đuổi. Chạy đi đâu chẳng chạy nó chạy ra cây ổi. Con chó chạy theo, vậy là lộ. Nghe chó sủa ông Chắt cầm cây mác vót tre lao ra trấn ngay gốc ổi. Thằng Ơn vẫn trên đó. Ông cầm cây mác dứ dứ lên, à con nhà …mày to gan, xuống đây ông chặt chân, đem sang cho bố mày uống rượu. Thằng Ơn không thể xuống. Ông Chắt không thể trèo. Con chó chạy vòng quanh, thấy chủ hăng hái nó sủa to chưa từng thấy. Thế trận giằng co. May sao, tôi lại thông minh đột xuất. Rất nhanh, tôi chạy vào bếp ông Chắt rút mồi lửa, chạy ra đống lá tre khô. Đốt. Cả bọn kêu to: cháy, cháy. Nghe vậy, ông Chắt bỏ cây ổi chạy vào. Chỉ chờ có thế, thằng Ơn phi xuống, tuông qua bờ tre, chạy bán sống, bán chết. Tối ấy, thằng Ơn lại bị đòn. Hắn rất khôn lấy cái mo cau đút vào quần đùi sau mông rồi mà vẫn bị phát hiện. Chắc là khi đập xuống tiếng kêu nó khác. Rất may là từ khi phát hiện ra cái mo cau, mẹ nó đứng tủm tỉm cười, thế là bố nó không đánh nửa. Nói cho công bằng ông Chắt là người tốt, mọi khi ông vẫn cho chúng tôi ổi rụng. Ông khuyên đừng ăn trộm. Nhưng hình như đồ ăn trộm lại ăn rất ngon!

Thằng An là một đứa lầm lì nhưng rất tình cảm. Nó có hoàn cảnh đáng thương nhất trong bọn. Ông nội nó là một người đàn ông khỏe nhất làng. Thời trước ông đi buôn ghe cũng giàu có. Nhà có một đàn trâu. Năm 60 vào Hợp tác xã, ông hiến hết cho hợp tác. Gia đình chỉ xin cái quyền được chăn trâu của mình để lấy công điểm. Thăng An cứ lẽo đẽo theo đít trâu là vì vậy. Đang khá giả, bổng dưng tai vạ ập xuống. Mẹ nó sinh đứa út, bị hậu sản chết. Bố nó đang là một lực điền vì thương vợ mà hóa ngẫn ngơ, nói nói, cười cười ai bảo gì làm nấy. Vậy là một đàn con không ai nuôi. Thằng An trở thành lao động chính từ tấm bé. Hàng ngày đi chăn trâu hắn mang theo đôi quang gánh. Trâu ị ra đến đâu là hắn lấy xẻng xúc vào rổ gánh về để ủ vào cho bầu, bí. Nhìn nó cò cổ kéo lê gánh phân trâu lặc lè mà thương. Nhiều hôm rét mướt, nó lại chẳng có cái áo nào nên hồn, rách te tua, lại còn đứt cúc. Nhìn hắn ngồi co ro nấp sau bụi cây, dưới mưa phùn để trông trâu - sợ trâu ăn lúa bị phạt, bên cạnh là gánh phân, mà đứt ruột. Thỉnh thoảng, tụi tôi đi gánh phân giúp hắn. Hai thằng khiêng một đầu đã thấy nặng, thế mà hắn ngày nào cũng vài gánh đều như kiến thợ. Được cái hắn vô tư nên chẳng thấy hắn khóc bao giờ. Đặc biệt hắn rất tự hào về giàn bầu bí của mình. Hình như hai thứ cây này rất hạp phân trâu nên xanh tốt một cách kỳ lạ. Quả chĩu chịt, to đại chang. Có quả bí nặng đến gần tạ. Sợ nó sập giàn, một hôm, cả bọn chống thêm ba cây tre buộc chéo. Chắc buộc dây không chặt, cây chống đổ, sập giàn, bí vỡ. Thằng An thuỗn mặt ra. Hắn ngồi thừ mất một lúc rồi lẳng lặng đứng dậy đi lấy cái rổ, vục tay vào moi hết ruột bí, đem xuống hói xát sạch, lấy hạt, bắc nồi lên, rang. Chín rồi, hắn đổ ra cái rót bê lên cho chúng tôi ăn. Hạt bí thơm lừng, quên cả chuyện buồn vừa xong. Hắn lũng bũng, ăn xong mỗi đứa vác một miếng về mà nấu chè.

Đối diện làng tôi bên kia hói Đợi là làng Tuy Lộc. Bên ấy cũng có một nhóm sàn sàn tụi tôi do thằng Lực cầm đầu, lúc nào cũng gằm ghè. Chúng cố giữ lãnh địa cánh đồng Bể. Bên đó là đất trồng vừng, lạc, chim về nhiều, bẫy chim tha hồ. Lại có bờ cây hoang dại nhiều quả lôông phôổng thơm lừng, ngọt lịm. Hoa bù tru thơm ngây ngất cả trưa hè. Thỉnh thoảng chúng đi tuần du, sẵn sàng đánh nhau. Tụi tôi chỉ cậy vào thằng An, nó khỏe và liều hơn thủ lĩnh bọn Tuy Lộc. Muốn sang đồng Bể là phải có nó. Đánh nhau, vật chúng đều thua rồi. Chúng chỉ dở trò ném đất, chơi kiểu cắn từ xa rồi chạy. Có hôm, thằng An tức lắm, một tay hắn cầm cục đất to, một tay hắn cầm đoạn gậy đánh khăng, chạy xông thẳng vào lũ thắng Lực. Đất ném như mưa nhưng thằng An cầm cái gậy đỡ. Tài thật, không có cục nào trúng hắn mà bị hắn đỡ vỡ hết. Tụi kia nao núng bỏ chạy. Thằng An rượt theo choảng cục đất trong tay vào đầu thằng Lực. Thằng Lực đau quá, khóc, xin thua. Nhờ vậy mà chúng tôi mới đi lại nghênh ngang bên đồng Bể.

Thằng An sau này đi bộ đội, đánh nhau mãi không chết ấy vậy mà lại chết vì ung thư. Chúng tôi buồn vô hạn. Vậy là chỉ còn “Tứ Tử”.

Chuyện thằng Diên cũng nhiều lắm. Ba cái vụ bẫy chim của hắn làm chúng tôi mê mẫn. Cả bọn đi theo cũng chỉ có nhiệm vụ rúc vào bụi, nấp kín, chờ. Chiều về là nặng tay nải đàn sẻ, cu gáy, cuốc… Sướng nhất là những đêm bố nó cho cả bọn đi đơm bồng. Con bồng còn gọi là vịt nước, béo múp. Đến mùa đông, chẳng biết từ đâu đàn bồng kéo về vùng đồng trũng Lệ Thủy đông như quân nguyên. Một đàn bồng sà xuống là kín khoảng hai sào ruộng. Ngán nhất là kì gieo mạ đông xuân. Chỉ cần một đàn bồng sà xống năm phút là coi như đi toi năm sào mới gieo lúc chiều. Chập choạng tối là đi chăng lưới quanh các thửa ruộng. Lũ bồng trong đêm vẫn ngửi thấy mùi lúa ngâm, sà xuống, thể nào cũng mắc lưới. Cả bọn chỉ còn đi gỡ. Có đêm được vài trăm con. Nói đơn giản vậy nhưng để lũ bong nhào vô lưới không phải dễ. Mỗi khi từ trên cao, trong đêm tối mà chúng vẫn phát hiện thấy mùi lúa ngâm dưới ruộng thì mùi người, đối tượng nguy hiểm của nó cũng bị phát hiện. Việc này chỉ có bố thằng Diên biết, không biết sau này ông có truyền lại cho thằng Diên không. Lúc đó bọn tôi đi theo, ông bảo nằm là nằm, ngồi là ngồi, cũng rét lắm nhưng nhờ có cái áo tơi.

Ừ mà nói đến áo tơi, tôi không biết nó biến mất từ lúc nào? Cái áo tơi tuyệt diệu là cái nhà di động của người nông dân, tiện lợi quanh năm. Hà cớ chi mà bỏ mất nó, quá tiếc. Cái tơi, bây giờ nói ra chắc nhiều bạn không hình dung ra nó. Đại loại thế này, nó làm bằng thứ lá như lá nón, chằm thành hình như cái tấm cót quây quanh người, phần trên vai thì thu vào đến cổ, đằng trước được mở như áo ta mặc, có cái dây buộc trước cổ. To vậy nhưng nó chỉ nặng khoảng một cân. Trời nắng chang chang giữa đồng, khoác cái tơi mát rượi. Trời mưa, trời rét, khoác cái tơi coi như ở trong nhà. Một bạn cấy vài chục người khoác áo tơi, nhấp nhô giữa đồng như một đàn bồ nông. Thời @ mà có cái tơi đi làm ruộng vẫn tuyệt chứ sao.

Chuyện của tôi chẳng có gì đặc biệt, ngoài cái gan cóc tía trấn an cho cả bọn khi đi chơi đêm, tôi là cây kể chuyện. Nhà tôi rất nhiều sách, có những bộ quý như Tam Quốc, Thủy Hử…đọc đi đọc lại gần như thuộc. Ngày tôi xa quê, đi bằng đò dọc từ Lệ Thủy về Đồng Hới. Lũ bạn ra đến tận bến đò chợ Hôm tiễn, thằng Diên tặng tôi một con sáo mỏ vàng biết nói. Tôi để lại sau lưng mình làng quê thân thương mà suốt quãng đời còn lại tôi chẳng bao giờ có được những ngày hạnh phúc của tuổi thơ.


Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 1 nhận xét Đăng nhận xét

avatar
trungdatnguyen.nguyen@gmail.com

Cháu cảm ơn chú rất nhiều sau khi đọc bài viết này ngoài những tình cảm, những kỉ niệm chú dành cho quê hương làng xóm, bè bạn, cháu biết thêm rất nhiều điều về gia đình, cháu lại càng thương ông nội, thương người chú ruột mà cháu rất ít có cơ hội để gặp mặt chỉ là những kỉ niệm lúc cháu còn quá nhỏ, khi cháu biết suy nghĩ thì chú đã đi xa rồi.