HUYỀN THOẠI CỦA NHÂN LOẠI - BÁC VÕ NGUYÊN GIÁP

Hoàng Thu Thủy

BBT: Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Tiến sỹ Hoàng Thu Thủy, người đã uống dòng sữa Kiến Giang để lớn lên, nay đang công tác tại Huế. Bài viết tuy đã lâu nhưng nay BBT mới phát hiện ra và rất đáng trân trọng những tấm lòng như vậy. 

 
                         Đại tướng tại bến sông quê

Giờ thì nhắc đến bác Võ Nguyên Giáp, trong đầu cứ vang vang hai tiếng huyền thoại, chứ thời thơ ấu của chúng tôi hàng năm được đón bác Giáp về thăm là chuyện bình thường. Cứ đến Lễ Quốc khánh hàng năm, bác thường ghé về thăm quê nhà. Tôi là dân tập kết, nhà ở rất gần quê bác, chỉ qua cái cầu nhỏ là đến cái chợ Tuy Lộc, qua khỏi chợ một đoạn là đến quê bác Giáp rồi, nên chuyện đi đón bác hay gặp bác vô cùng giản dị, không giống như các fan hâm mộ sao bây giờ cứ ôm hoa đứng chờ hàng giờ trước sân bay… 

Với người dân Lệ Thủy, ngày Quốc khánh hàng năm cứ như ngày Tết cổ truyền, cũng gói bánh chưng, cũng mặc quần áo mới, và nhất là xem lễ hội đua thuyền, dọc dòng sông Kiến Giang người đứng chen chúc để vỗ tay, cổ vũ cho thuyền của làng mình… Bọn trẻ con như chúng tôi thì cả ngày hôm đó dường như chẳng thiết đến ăn uống. Từ sáng sớm đã xúng xính những bộ quần áo mới, những bộ quần áo không màu mè gì, thường là áo trắng, quần xanh, vì sau ngày lễ hội này là đến ngày khai giảng, nên bộ quần áo mặc cho ngày Quốc khánh cũng phải được giữ gìn cho sạch, để còn mặc lần thứ hai trong ngày khai trường. Chúng tôi rời nhà từ sớm, từng tốp từng tốp đến bên bờ sông Kiến Giang để xem đua thuyền, chúng tôi không đứng ở bờ sông gần nhà mà đi bộ lên đến tận Mũi Viết, nơi ngã ba sông, nơi này có thể nhìn đoàn thuyền bơi lên rồi bơi xuống, quay vòng rất đẹp, cũng nơi này có thể đoán biết trước thuyền nào đoạt giải nhất… Bọn tôi cứ đứng gần những cây vông vang, vừa để tựa vào đó, vừa để hái quả của nó để ăn, cây này có nơi gọi là cây tằm táo, còn ở Huế gọi là cây keo. Sau này, vào đến Huế tôi mới biết thêm câu chuyện về tên làng An Lỗ ở xã An Thủy, nghe nói năm đó thuyền bơi của xã này sắp về chót, hai bên bờ tiếng reo hò khiến các bà các chị bơi thuyền càng mất tinh thần, thế rồi một bà trong thuyền đã cởi quần và hô to: hô trài, hộ trài… dân hai bên bờ từ ngạc nhiên chuyển sang cổ vũ cho thuyền của bà, còn các thuyền đua thì mải nhìn bà mà buông lơi tay chèo, thế là thuyền của xã An Thủy về nhất và làng của bà được đổi tên là làng An Lỗ… Câu chuyện này thật hư thế nào tôi cũng không rõ, còn cái thời con nít của mình tôi chưa từng nghe thấy chuyện đó. Xem bơi thuyền xong thì đã xế trưa, mọi người ghé nhà nhau thăm hỏi, cứ y như ngày Tết, cũng bánh trái, cũng thuốc nước, các câu chuyện xoay quanh chuyện làm ăn, chuyện đất nước và rồi quay sang hỏi nhau lúc nào thì bác Giáp đến quê mình… 

Cái chợ Hôm – chợ Tuy Lộc chỉ đông từ sáng đến trưa, người đến chợ chỉ đến bán quả bầu, quả bí, mớ rau mớ cá vừa đánh bắt được từ đêm qua, rồi họ tất tả trở về để đi làm đồng, chỉ có bọn trẻ con chúng tôi là thường la cà đến chợ đi xem những hàng tạp hóa với những cái kẹp tóc màu trắng, những cái lược xinh xinh, những chai dầu dừa nho nhỏ, chứ chúng tôi cũng không biết mua quà bánh hay ăn quà bánh giữa chợ, có ăn thì chỉ khi nào mẹ hay bà mua về thì mới ăn, không như trẻ con bây giờ ra đường tay vẫn cầm cái bánh, cái kẹo vừa đi vừa ăn. Thói quen ăn trong nhà cũng khiến cho tôi suốt hai năm trời học Cao học ở Hà Nội không biết thưởng thức món phở - một trong mười món ăn ngon của thế giới. Chú ruột tôi rất mê phở, mỗi khi chú tôi từ Hòa Bình về thăm tôi thường dẫn tôi đi ăn phở, tôi thì xấu hổ không muốn ăn uống ở chốn đông người nên những lần ăn cùng chú tôi chỉ thấy ngượng chứ không thấy ngon, sau này khi đã quen với món ăn đường phố, tôi lại mê phở Hà Nội đến mức tôi trở thành cực đoan khi nghĩ rằng đi bất cứ đâu cũng không có phở chỉ có Hà Nội mới có phở… 

Bọn tôi thường la cà ở cái chợ Hôm nên cũng có dịp may được gặp bác Võ Nguyên Giáp, chuyện gặp bác giản dị như con người bác vốn giản dị, chúng tôi đang đứng ở chợ thì thấy chiếc xe Com-măng-ca sơn màu quân đội đỗ lại, từ trên xe bác Giáp bước xuống tươi cười chào mọi người, bác đi bộ qua chỗ đông người rồi lại lên xe đi tiếp về nhà mình. Bởi thế mà em Tư Tỏi (tên gọi đùa với em Hoàng Hải) nhà tôi mới được bác bế đi một đoạn. Chả là hôm đó mẹ tôi dẫn em Tư Tỏi ra chợ, hai mẹ con đang đi bộ thì gặp bác Giáp vừa bước trên xe xuống, bác bắt tay mẹ tôi, rồi bế cu cậu lên đi một đoạn, có lẽ nhờ thế mà sau này Tư Tỏi rất ham học, học giỏi, và làm xong Luận án Tiến sĩ ở Nhật vào năm 36 tuổi.

Chuyện đón bác Giáp về quê ở huyện Lệ Thủy thật trang trọng mà cũng thật giản dị, hễ nghe tin bác về quê là người dân đã đứng đầy hai bên đường để vẫy tay chào bác, xe cộ đi theo bác cũng ít, xe bác chạy chậm chậm để bác chào mọi người, không tiền hô hậu ủng ghê gớm như các cuộc đón tiếp khác. Quen với chuyện bác về thăm quê cũng như nhìn thấy bác trên con đường quê, chúng tôi thấy bác gần gũi đến mức không quen với hai từ huyền thoại mà người ta thường nói khi nhắc về bác. Sau này, về quê mình ở Huế thỉnh thoảng tôi được nghe ông ngoại tôi nhắc đến bác với lòng ngưỡng mộ vô biên, rằng bác được Giáo sư Đặng thai Mai dạy văn học khi ở trong tù, nên bác đã biết vận dụng chiến thuật con ngựa gỗ thành Troa vào chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi thế mới có câu thơ mang tầm lịch sử của Tố Hữu: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt… Chiến thắng Điện Biên Phủ đủ tôn vinh tầm vóc của bác lên tầm cỡ thế giới, rồi Đại thắng Mùa xuân năm 1975… 

Rời xa lệ Thủy, dần dần trong chúng tôi hình dung về bác là hình dung về một ngọn núi lửa, một huyền thoại, một vĩ nhân và trong bài dạy về văn hóa Việt Nam chúng tôi luôn nhắc cho sinh viên biết về con người vĩ đại Võ Nguyên Giáp. Nếu bây giờ đang ở Lệ Thủy chúng tôi sẽ khóc như người dân Lệ Thủy đang khóc để tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng, còn bây giờ đang ở Huế chúng tôi cũng khóc, nhưng khóc thầm, khóc tủi, cứ nghẹn đắng lòng khi thấy những đoàn người đang lũ lượt kéo về số 30 đường Hoàng Diệu để thắp nén hương bên linh cữu của người. Có người còn vượt cả hàng ngàn cây số để đến bên Người, và tiếng kèn Hồn tử sĩ của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải như vang vọng đâu đây những chiến công lẫy lừng của bác Giáp, những chiến công làm chấn động cả năm châu, những chiến công đưa cả dân tộc chúng ta chiến thắng hai đế quốc lớn trong lịch sử loài người…. 

Mới đó mà ngày tiễn đưa bác đã gần một năm, ngày Quốc khánh năm nay không có bác về với nhân dân Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Những năm trước, khi bác đã tuổi già sức yếu, bác cũng không về được, nhưng những cuộc đua thuyền nào cũng mang theo cái nhìn thân thương của bác… Vũng Chùa, đảo Yến giờ này chắc đang có nhiều đoàn đến viếng thăm bác. Nhân ngày Quốc khánh năm nay, chúng con xin cúi đầu thắp nén nhang tưởng niệm Người – một ngọn núi lửa, một huyền thoại, một vĩ nhân của nhân loại! 

Viết trong ngày Bác Giáp qua đời, 4/10/2013 và ngày Quốc khánh 2/9/2014

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét