MỸ LỘC - LÀNG QUÊ VĂN HÓA ANH HÙNG

Ngô Mậu Tình


Làng Mỹ Lộc (Mỹ Lộc Thượng, Mỹ Lộc Hạ) xã An Thủy, thuộc trung tâm vùng đồng bằng chiêm trũng của huyện Lệ Thủy là nơi xuất hiện văn minh của Đại Việt từ rất sớm. Mảnh đất này đã có trên 600 năm lịch sử hình thành và phát triển, cũng bằng thời gian đó người dân nơi đây đã viết nên bao sự tích để cho hôm nay các thế hệ cháu con luôn tự hào về một làng quê văn hóa - anh hùng!

Theo lời của các vị bô lão trong làng còn sống, Mỹ Lộc là một làng nổi tiếng văn hay chữ tốt và nơi có nhiều phú hộ giàu " Nứt đố đổ vách", buôn bán công thương phát triển, văn hóa nghệ thuật dân gian dậy tiếng nhiều thời. Họ là cháu con của nhiều dòng họ vinh hiển khoa bảng sớm đến đây sinh cơ lập nghiệp. Cùng với cuộc di cư mở mang bờ cõi theo lệnh của vua Trần vào năm 1385 tướng Hoàng Hối Khanh đã vào công cán ở quê nhà Lệ Thủy. Ông đưa theo người của 12 dòng họ ở Châu Hoan, Châu ái( Thanh Hóa và Nghệ An) và những nông dân phía Bắc nghèo đói vào khai khẩn, lập điền và thái ấp. Sau một thời gian khai phá, ông đã lập được 15 điền trang và thái ấp dọc hai bên bờ Kiến Giang. Ông cũng là người đề xuất các đơn vị hành chính làng xã, trong đó có 10 đơn vị mang tên Kẻ ( Nơi chuyên trồng lúa màu và chăn nuôi): Kẻ Tiểu( Thượng Phong ), Kẻ Đợi ( Đại Phong), Kẻ Tuy ( Tuy Lộc ), Kẻ Thá ( An Xá ), Kẻ Trìa ( Tân Lệ ), Kẻ Thẹc( Thạch Bàn), Kẻ Sóc ( Mỹ Lộc), Kẻ Chền ( Quảng Cư), Kẻ Tréo ( Cổ Liễu), Kẻ Sồi ( Xuân Hồi) và năm vùng mang tên Nhà( Nơi chuyên làm thêm nghề phụ) : Nhà Mòi( Mai Hạ), Nhà Phan( Phan Xá), Nhà Vàng( Hoàng Giang), Nhà Ngo ( Uẩn áo), Nhà Cai ( Mai Xá Thượng).

Căn cứ vào các thư tịch cổ và sách " Quảng Bình non nước" thì rõ ràng làng Mỹ Lộc (Kẻ Sóc) hình thành từ một điền trang thái ấp thời nhà Trần giữa năm 1358 đến năm 1400. Đến năm 1469 - 1470 vua Lê Thánh Tông lập ra bản đồ nước Đại Việt thì làng Kẻ Sóc đổi thành xã Phúc Lộc và xã Vĩnh Lộc, huyện Khang Lộc thuộc phủ Tân Bình. Năm 1831 vua Minh Mạng thứ 12 đặt thành tỉnh Quảng Bình, vua Thiệu Trị lên ngôi lập ra phủ Quảng Ninh gồm huyện Phong Lộc, Phong Đăng, Lệ Thủy. Cũng vào đời Thiệu Trị, hai xã Phúc Lộc và Vĩnh Lộc được hợp nhất thành tổng Mỹ Lộc huyện Phong Lộc sau đó là Lệ Thủy.

Vào thời đó, Mỹ Lộc là một vùng đất còn hoang vu, năn lác sình lầy, cây cối rợn ngợp. Có nhiều loại cây to một choàng tay ôm không xuể như cây chò, cây lim, cây xoài, cây bàng, cây đa...mọc dọc sông. Đất ruộng lầy phèn, năn lác ngập đồng và chim chóc tụ về vô số: cò, vạc, triếc, trích, vịt nước... Đến mùa xuân, người ta lội một vòng ra đồng lượm đủ thứ trứng to trứng nhỏ. ở dưới sông, tôm cá không kể xiết, có nhiều loại bò sát cùng chung sống như trăn hoa thường xuất hiện giữa đồng.

Người dân Mỹ Lộc xưa sống quây quần cùng nhau xây dựng gia cư , làng xóm, đền chùa, miếu mạo. Họ chung lưng đấu cật chống giặc trời và nạn trộm cắp hoành hành. qua đấu tranh, ý thức và kinh nghiệm của dân làng được nâng lên, đồng thời tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, vì thế nên có câu : "Nhất nha hữu sự, bá nha mang" (Một nhà gặp nạn, mọi nhà đều có trách nhiệm chung lo). Hầu hết người dân đều không biết chữ, họ ngày ra đồng từ khi tờ mờ sáng, tối về ngủ sớm và luôn lo sợ bóng ma đe dọa. Trong làng đàn ông cũng như đàn bà đều nhuộm răng đen. Cụ già thì để tóc vối, đi guốc quai mây, quần lưng vận, áo khoác 5 thân. Đàn bà mặc áo dài 3 vạt.

Có thể nói, cảnh sống của dân làng lúc bấy giờ rất cực khổ. Người dân mang nặng tư tưởng: "Tôn sợ luật triều, thiêng liêng là thiên thần, chế ngự là tôn tộc, trị vì là gia trưởng".

Thật tiếc cho đến nay chưa tìm thấy bất cứ một tài liệu nào xác định được vị tiền khai khẩn và họ tiền khai khẩn của làng. Có một tư liệu gần như là độc nhất vô nhị được ghi trong bức hoành phi treo ở nhà thờ 12 họ của làng: (Bùi, Đặng, Hoàng, Lê, Mai, Nguyễn, Ngô, Phạm, Phan, Trần, Trương, Võ)

Sơn khứ, sơn xuất, Sóc Sơn đái
Quy thân, quy Mỹ thổ canh khai
Lược cư lược trạch điền hoang dã
Đồng tánh đồng tôn thập nhị lai.

( Tạm hiểu: Người ở Sóc Sơn phía Bắc vào
Quy tụ cùng nhau mở đất cày cấy
Dần dần người các nơi đến làm ăn
Cùng nhau chung sống mười hai họ)

Cuối thế kỷ XV, làng Mĩ Lộc phát triển nhanh chóng, nghề trồng lúa nước được mở mang từ ruộng cạn tiến ra vùng sâu. Việc đào mương, vét rãnh tạo nguồn lưu thông nước được người dân chú ý. Trâu cày có nhiều, thay dần cho con người. Nhân dân biết trồng tre để chống bão, khoanh làng và làm các dụng cụ phục vụ đời sống: khau trồng (dùng tát nước), làm thuyền để đi lại. Đến thế kỷ XVIII vùng quê Mĩ Lộc đã tương đối ổn định. Do vậy, làng Mĩ Lộc phát triển thêm nhiều nghè, miếu để thờ phụng. Xuất hiện chợ đò giao lưu hàng hóa. Văn nghệ dân gian như hò mái nện, mái nhì, mái ba, mái xắp, hò giao nhơn nhân nghĩa, hò kéo săng, hò giã gạo...cùng với các hình thức nghệ thuật như múa phương tướng long hổ, múa phụng có mặt mọi thôn cùng ngõ hẽm. Đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn thập lục, sáo, kèn đã vang lên mỗi khi cúng làng hoặc xuân về.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét