ĐỊA LINH SINH NHÂN KIỆT VÕ NGUYÊN GIÁP


                                                  Ngôi nhà nơi chôn nhau cắt rốn

Lần theo câu ca “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” tôi tìm về Lệ Thủy sau những ngày để tang Đại tướng. Hình ảnh những biển người đứng dọc con đường linh cửu Đại tướng đi qua để đưa tiễn Người trong ngày quốc tang đã làm tôi cảm phục về một con người kiệt suất. Bấy lâu nghe truyền tụng về vùng quê nơi sinh ra ông là địa linh nên tìm về trải nghiệm. Có gì đó rất khác thường khi nghe câu thành ngữ truyền tụng hàng trăm năm nay xếp hạng vùng đất hai huyện Khang Lộc (sau đổi là Quảng Ninh), Lệ Thủy trù phú chỉ sau Đồng Nai. 

Lại một lần nữa "tâm phục, khẩu phục" bởi câu “trăm nghe không bằng một thấy”, ít ai ngờ rằng nằm kẹp giữa dãy Trường Sơn và Trường Sa cát trắng ven biển miền Trung là cánh đồng màu mỡ mênh mông của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, được bồi đắp bởi phù sa của Trường Sơn hàng năm lũ lụt mang về. Đến bây giờ dân Lệ Thủy vẫn chỉ làm một vụ lúa Xuân – Hè, tháng 5 thu hoạch xong chỉ cần vãi ít đạm, gốc rạ lại đẻ nhánh cho vụ thu hoạch thứ hai, vậy là đủ ăn quanh năm. Hạt lúa thu hoạch đợt hai ấy dân Lệ Thủy gọi là "lúa con", dẻo thơm, sạch và rất kinh tế vì không mất công cày cấy. Ruộng đồng có tốt tươi, màu mỡ thì mới được ăn lộc trời như vậy.

                                                               Cánh đồng bát ngát
Địa linh sinh nhân kiệt

Về đây mới thấy hết sự thú vị khi được đắm mình trong những truyền thuyết địa linh sinh nhân kiệt xứ Lệ đã sinh ra những bậc tài danh như những tiến sĩ Phạm Đại Kháng, Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đa Năng, Nguyễn Trường Cửu, Vũ Xuân Hán, Nguyễn Đăng Hành, Lê Đại, Võ Khắc Triển... Chỉ trong mấy trăm năm triều Nguyễn mà đã có đến 10 vị Thượng thư là người Lệ Thủy. Một cái Tổng Đại Phong nhỏ bé với vài địa danh làng Đại Phong, Tuy Lộc, An Xá mà đã cống hiến cho đời cả chục con người kiệt suất. Đi đến đâu cũng đặc biệt thú vị khi nghe những giai thoại về hai con người ở hai bên chiến tuyến Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm sinh ra ở hai làng cách nhau chỉ hơn cây số.

Người Lệ Thủy tự hào về Dương Văn An, tự Tỉnh Phủ, người làng Tuy Lộc, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy sinh năm 1514, thi đậu tiến sĩ năm Đinh Mùi (1547), dưới thời nhà Mạc. Người đã để lại cho đời sau tác phẩm nổi tiếng “Ô châu cân lục”. Không có nó, bây giờ lấy gì cho người đời sau biết về Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý về phong thổ, con người, văn hóa lối sống của ngày đầu mở cõi.

                                                            Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh

Người Lệ Thủy tự hào về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có công giúp nhà Nguyễn di dân khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, tạo lập nên vùng Sài Gòn - Gia Định cùng miền Tây Nam bộ. Đem theo ông là dân xứ Quảng cùng tên gọi của các địa danh gợi nhớ quê hương Tân Bình (tên tỉnh Quảng Bình xưa) nay vẫn còn đó ở Sài Gòn như Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước, ...Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh... Sự nghiệp đang dở dang, mắc trọng bệnh, ông mất năm Canh Thìn (1700) nhưng vẫn trối trăng cho con cháu đưa mình về đất mẹ Lệ Thủy. Mộ ông yên nghỉ dưới chân núi An Mã.

Người Lệ Thủy truyền tụng câu chuyện về Tổng Đại Phong có hai cái làng nhỏ Đại Phong và An Xá cách nhau con hói (ngòi) nhà Mạc đã sinh ra hai đứa trẻ mà “Khi mới chập chững biết đi đã tính chuyện chia đôi thiên hạ” là Ngô Đình Diệm và Võ Nguyên Giáp. 

Dân xứ Lệ cho biết rằng, hai làng An Xá, Đại Phong thuở sơ khai là chung một làng có tên Đại Phúc Lộc. Cái làng ấy có quá nhiều người tài giỏi. Dưới thời nhà Mạc, trong tứ trụ triều đình thì đã có đến ba người quê làng Đại Phúc Lộc. Mạc Thái Tông liền cho người về dò xét rồi sai đào Hói Đại chia đôi đất Đại Phúc Lộc để cắt long mạch. Hói Đại từ ngày đào xong cứ đến ngày hè là nước đỏ như máu. Mỗi trận mưa xuống, nước hói chia thành hai dòng trong đục khác nhau, chảy mãi đến cuối nguồn không hòa lẫn.

Người Lệ Thủy say sưa kể một giai thoại về 3 lần chạm long mạch làm lao đao dòng họ Ngô và sự nghiệp của Ngô Đình Diệm. Chuyện kể rằng, dòng họ Ngô Đình vốn quê làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh (huyện Khang Lộc xưa trong địa danh hai huyện), tỉnh Quảng Bình, theo đạo Công giáo La Mã từ thế kỷ thứ 17. Trong giai đoạn triều đình cấm đạo gắt gao, nhiều làng họ đạo bị đốt, tín đồ bị truy bức, dòng họ Ngô Đình phải bỏ làng Xuân Dục phủ Quảng Ninh mà di cư về làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thủy, nơi có nhiều dân Công giáo hơn.

Theo các bô lão ở Lệ Thủy kể lại, ông nội của ông Diệm là Ngô Đình Dinh thuộc vào hàng bần dân khốn khổ, sinh kế bằng nghề chài lưới. Vợ mất sớm, ông mang đứa con nhỏ xuống thuyền, ngày thì đánh cá mang lên chợ Đợi (nay ở xã Tuy Lộc quê tướng Giáp) để bán, đêm thì buộc thuyền ở bến chợ lên ngủ nhờ đình làng Đại Phong, làm thêm việc quét tước đình làng, nấu nước phục dịch mỗi khi chức sắc làng có việc. Do lao lực, đói rét ông Dinh mất sớm để lại đứa con nhỏ mới 6 tuổi. Đứa con nhỏ đó chính là Ngô Đình Khả, Thượng thư triều Nguyễn, thân sinh Ngô Đình Diệm sau này. 

Ông Ngô Đình Khả có vợ là Phạm Thị Thân cùng quê làng Đại Phong. Ngô Đình Diệm là người con thứ ba trong gia đình với hai người anh đầu là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục. Ngô Đình Khôi làmTổng đốc Quảng Nam, còn Ngô Đình Thục một thời làm tổng giám mục. Năm người em là Ngô Đình NhuNgô Đình CẩnNgô Đình LuyệnNgô Đình Thị Giáo và Ngô Đình Thị Hiệp (Bà Hiệp là mẹ của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận).

Chuyện về ngôi mộ nội tổ Ngô Đình Diệm đầy huyền bí.

Chuyện kể rằng, ông Ngô Đình Dinh mất sớm trong cảnh bần hàn, làng cho bó chiếu, sai dân đinh chèo thuyền đưa lên núi chôn. Thuyền chèo lên đến chân An Mã thì trời tối. Khi khiêng xác lên bờ, được một quãng thì nghe tiếng hổ gầm, đám dân đinh sợ quá vùi vội bên đường rồi quay về bến Kéc, định bụng ngày sau lên chôn lại. Sáng hôm sau, khi tới nơi thì thấy mối xông đùn lên thành gò to nên bỏ về. Ngôi mộ nằm đó, của một người hèn mọn, bần hàn nên chẳng ai để ý. Mải đến sau này, vào năm 1936 bà Ngô Đình Khả dẫn các con Ngô Đình Thục, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn về làng Đại Phong thăm quê hương, vinh quy bái tổ, cúng tế, sửa sang cho ngôi mộ, góp tiền làm lại đình làng, xây nhà thờ đạo thì mọi người mới biết đến. Lúc đó ông Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đại bổ làm Thượng thư Bộ Lại 3 năm rồi.

Đang hưng vượng, gia đình họ Ngô bỗng dưng khốn đốn vì ba lần ngôi mộ ấy bị chạm long mạch. 

Lần thứ nhất, đấy là vào năm 1939. Khi đó, một nhà tư sản lúa gạo người Đồng Hới, có cái tên rất Pháp là Paul Ngọc, chẳng hiểu lý do gì đã bỏ tiền mua vùng đất Ba Canh, dưới chân An Mã để canh tác. Ông Ngọc đã cho đào mương dẫn thủy. Vì vậy, chạm long mạch, dẫn đến tai vạ: Thượng thư Ngô Đình Diệm bị Bảo Đại cách chức vì trái mệnh triều đình. Cùng với sự thất sủng của ông Diệm, ông Ngô Đình Khôi – anh ruột ông Diệm, đang làm Tổng đốc Quảng Nam bị viên phó toàn quyền Đông Pháp Nouailletas gây khó dễ. May thay, chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra đã làm công cuộc khai phá Ba Canh ngừng lại. Họ Ngô tạm yên ổn.

Lần thứ 2, đấy là vào năm 1944. Được sự giúp đỡ của một chuyên gia canh nông người Nhật, ông Paul Ngọc lại khai phá Ba Canh. Lại đào kênh dẫn thủy, lại chạm long mạch. Lần này xem ra tệ hơn nên đã gây đại họa cho dòng họ Ngô. Ông Ngô Đình Khôi, tổng đốc Quảng Nam cùng con trai Ngô Đình Huân bị giết. Ông Ngô Đình Diệm cũng bị Việt Minh bắt khi đang trên đường từ Sài Gòn ra Huế, bị giải ra Bắc giam ở Tuyên Quang, mãi đến cuối năm 45 mới được được thả ra. Nghe đâu, cụ Hồ đã gặp, vận động ông tham gia chính phủ lâm thời nhưng bất mãn vì chuyện anh mình là Ngô đình Khôi bị Việt Minh địa phương giết, ông không nhận lời. Năm 1951, ông Diệm trốn sang Mỹ, ở New Jesey. Còn ông Ngô Đình Nhu, vào năm cách mạng thành công đã được ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Cách mạng, ký Sắc lệnh số 21 ngày 8-9-1945 bổ nhiệm làm giám đốc Nha lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Nhưng ông Nhu đã từ nhiệm (Gần đây, tờ quyết định này đã được công bố công khai nhân ngày ông Võ Nguyên Giáp trăm tuổi, tại Cục lưu trữ Quốc Gia).

May thay, Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp, đất Ba Canh trở thành căn cứ của Việt Minh làm sự nghiệp khai hoang của ông Ngọc bị bỏ dở. Ngày tháng trôi đi, vết thương long mạch được hàn gắn, họ Ngô lại phục hồi, hưng vượng. Năm 1954, ông Diệm được Bảo Đại mời về làm Thủ tướng. Một năm sau, trong cuộc trưng cầu ý dân, ông lên làm Tổng thống chính thể đầu tiên của VNCH. Cùng với đó, ông bổ nhiệm các em mình vào các vị trí cốt tử. Ngô Đình Nhu làm cố vấn đặc biệt, Ngô Đình Luyện làm đại sứ VNCH tại Anh, Ngô Đình Cẩn lãnh chúa Tây Nguyên. Còn ông Ngô Đình Thục trở thành Tổng giám mục chăn dắt hàng triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Lần chạm long mạch thứ ba đã tuyệt diệt dòng họ Ngô Đình. Lần này có rất nhiều giai thoại rất bí ẩn. Nguời ta nói rằng, thời gian đó (năm 1963) do bộ đội đào hầm hào để xây dựng ở dưới chân An Mã một công binh xưởng bí mật sản xuất vũ khí chuyển vào Nam. Sau một thời gian đào bới làm đứt long mạch ngôi mộ, gia đình họ Ngô tuyệt mệnh, anh em Diệm, Nhu bị quân đảo chính bắn chết. Có người còn nói rằng, việc đào hầm hào ở đây là có tính toán trước, và được ngụy trang bằng Phong trào lá cờ đầu nông nghiệp Đại Phong do tướng Nguyễn Chí Thanh khởi xướng. HTX này đã đưa người lên khai hoang Bến Tiến (Ba Canh), dưới chân An Mã, đào kênh đẫn thủy làm đứt long mạch.

Giai thoại thì vẫn chỉ là giai thoại, còn sự thật thì ở hai cái làng đối diện Đại Phong và An Xá ấy có một Tổng thống đoản mệnh, sự nghiệp giang dở, còn một Đại tướng bách niên giai lão với những chiến công hiển hách.

Một dòng sông Kiến Giang như dòng sữa mẹ hiền với chín ngọn nguồn không bao giờ cạn.

                                                 Tướng Giáp bên bến sông quê

Kiến Giang là chi lưu của Nhật Lệ chảy ra cửa biển Đồng Hới, con sông duy nhất trên cả nước Việt chảy ngược từ Nam ra Bắc và bị gọi là “nghịch hà”. Kiến Giang xưa có tên gọi là Bình Giang. Bình Giang là hợp lưu của 9 ngọn nguồn có tên là Rào Nậy, Rào Con, Rào Sen, Rào Mỹ Sơn, hói Xuân Lai, hói Kỳ Cùng, hói Cừa, hói Ngay và hói Phú Thọ. 9 ngọn nguồn đó tạo nên thế "Cửu long giao giới" có điểm cuối là An Xá. Mỗi ngọn nguồn có một dấu ấn riêng với những sự tích huyền bí. Vào năm Khải Đại thứ 2 (1404) Hồ Hán Thương, với ý muốn tạo đường thủy vận chuyển vào Nam đã cho đào kênh Sen (Liên Cảng) nối sông Bình Giang vào Thuận Hóa. Sông đào nối Bình Giang qua Bàu Sen, từ Bàu Sen nối đến Hạ Cờ vào chợ huyện Quảng Trị. Nhưng khi đào đến Quán Bụt thì cát ngầm cứ đùn lên, đào xong lại đầy, đành bỏ dở. Ở đó, thời Lê có cho dựng Miếu Bảo Đài, theo cách nói lái xứ Lệ thì "Bảo Đài" đọc ngược là “Bãi Đào”. Không ai đổi dòng nó được.

                                          Cổng vào nhà Đại tướng xanh mướt hàng cây

Một lòng son sắt, Kiến Giang trầm mặc, chảy ngược dòng ra Bắc, hội nhập cùng sông Long Đại, Lệ Kỳ tạo nên dòng Nhật Lệ, dẫu có mang tiếng là “ Nghịch hà”, “Chướng Khúc”. Có điều lạ, khi chảy qua làng An Xá, lòng sông hẹp lại và rất cạn bởi “khút bầu ngược”, thuyền bè khi đến đó mùa nào cũng ngược gió dù cho từ Lệ Thủy ra hay Đồng Hới vào. Trước khi giã biệt xứ Lệ nó tràn ra không thể nhận biết đâu là dòng chính tạo nên phá Hạc Hải mênh mông làm cái “nghiên mực” cho ngọn núi “Đầu Mâu” nhọn hoắt chiều chiều đổ bóng xuống Hạc Hải như ngọn bút chấm vào nghiên mực. Đấy là địa linh.
                                                      Đua thuyền trên sông Kiến

Trên con sông ấy, đã hơn 500 năm nay dân hai huyện Khang Lộc và Lệ Thủy cứ vào dịp cuối hạ tổ chức bơi trải để cầu mưa. Dân Lệ Thủy cho biết đường bơi xưa có điểm đầu là vực An Sinh, điểm cuối là An Xá, An Lạc. Mỗi cuộc tỉ thí hơn thua phải đủ "3 vòng, 6 tao" đi về. Từ ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi, dân Lệ Thủy quyết định chuyển nghi lễ cầu mưa thành lễ hội mừng đọc lập vào dịp mồng 2 tháng 9 hàng năm. Trai tráng thì thuyền bơi, nữ thanh thì thuyền đua. Suốt dọc đôi bờ Kiến Giang chỉ thấy rợp màu cờ đỏ cùng áo mới, nón lá, chen vai, thích cánh, trống dục vang trời. Có năm Đại tướng đã về quê xem bơi thuyền vui tết độc lập với bà con quê mình.

                                                         Về quê xem bơi thuyền

Trên con sông ấy dung dưỡng làn điệu hò khoan mà giai điệu của nó đã làm nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Vân làm nên tuyệt phẩm “Quảng Bình quê ta ơi”. Người Lệ thủy đam mê hò khoan từ tấm bé, hò khi cấy lúa, khi đạp nước, khi đẩy thuyền, chèo thuyền, khi giã gạo, kéo gỗ, khi chơi bài chòi ngày xuân, khi đưa linh người thân về cõi vĩnh hằng… Mỗi đêm nông nhàn, gốc đa, đầu đình trở thành điểm hẹn cho câu hò giao duyên, ân tình, nhân nghĩa. Đổ gạo vào cối, cầm chày lên là câu chào, câu gửi, câu đợi, câu chờ cho đến khi trời sáng mới hò câu giã biệt. Năm mái hò (làn điệu) mái dài, mái ba, mái chè, mái nện, mái xắp quấn quýt dưới tán tre làng.

                                             Hò khoan trong huyết quản người già

                                                             Hò khoan vào trường học

Đất ấy, văn hóa ấy làm gì mà không sinh ra hào kiệt như ANH VĂN.

Mấy bữa nay, Lệ Thủy đang lụt lớn, lụt sau bão lớn thì cây chết, nhà xiêu, cơ cực vô cùng, xin chia sẻ với những người dân lam lũ, nhưng lúc nào cũng cởi mỡ, yêu đời, thật thà, thuần hậu chốn này. Muốn khóc mà không khóc được nữa.
Từ blog Mõ Làng

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét