SỨC SỐNG MỘT LÀNG NGHỀ

Diệu Hương 

BBT: Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết của con dân Lệ Thủy mới gửi cho chúng tôi. Diệu Hương hiện đang công tác ở trường Chu Văn An, Đồng Hới. Rất cám ơn tác giả và trân trọng tình yêu quê hương của bạn.

Giữa buổi trưa hè, bên những lò nung hừng hực lửa đỏ, những người thợ rèn vẫn chăm chỉ mài, dập những thanh sắt nung, mặc cho cái nắng tháng sáu vẫn như thiêu như đốt. Hình ảnh quen thuộc ấy đã trở thành những ấn tượng khó phai với những ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất nằm bên tả ngạn sông Kiến Giang - làng Hoàng Giang, thuộc xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi một thời nổi tiếng với nghề rèn truyền thống.

“Giàu nhà Phan – Quan Nhà Vàng”

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông trưởng thôn Hoàng Anh Hiếu, tự hào khoe với chúng tôi cuốn tài liệu nghiên cứu về lịch sử làng của ông Võ Như Liệu. Theo những trang viết đầy tâm huyết của ông, làng rèn Hoàng Giang xưa kia từng được vua chúa nhà Nguyễn gọi vào kinh đô Huế để tổ chức xưởng đúc đạn, giáo gươm. Trong quá trình phát triển hưng thịnh ngày ấy, làng được mệnh danh là làng rèn Nhà Vàng, được biết đến như một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo và bền chắc. Quan chức của làng Hoàng Giang thời ấy phần lớn đều xuất thân từ thợ rèn có tay nghề tinh xảo. Khi nghề rèn được coi là “bách công cư kỳ thủ”, là nghề đứng đầu trong tất cả mọi nghề, làng rèn Nhà Vàng càng được nhân dân khắp nơi biết đến và tìm tới để đặt mua sản phẩm. Nghề rèn được truyền từ đời này sang đời khác. Đi đến đâu cũng nghe tiếng mài, dập sắt và cứ thế, “cha truyền con nối”, những lò nung vẫn đỏ lửa từ suốt bao đời nay. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, nhân dân Hoàng Giang, người tham gia chiến đấu, người ở lại miệt mài với công việc rèn đúc vũ khí phục vụ chiến trường, nông cụ sản xuất. Những cụ già trong làng tự hào kể lại “có những khi thanh niên, trai tráng trong làng đi chiến đấu hết, làng chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con, nhưng chưa bao giờ mấy lò rèn tắt lửa.”. Vào thời điểm ấy, hầu như nhà nào cũng có một lò rèn và nghề rèn trở thành nghề kinh tế chính của tất thảy những hộ dân nơi đây. Những sản phẩm phục vụ sản xuất như cuốc, cày, liềm, xẻng… cứ thế tỏa đi khắp nơi, tiếng tăm của làng càng được nhiều người biết đến. Trong những năm 1959 đến 1975, làng rèn Hoàng Giang là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp huyện nhà. Sau suốt hơn 2 thế kỷ hình thành và phát triển, nghề rèn của làng Hoàng Giang đã có những đổi thay, thăng trầm theo suốt chiều dài của lịch sử. 

Giữ lửa cho mai sau

Gấp lại tập tài liệu truyền thống của làng, chúng tôi theo chân ông trưởng thôn đi thăm mảnh đất từng được vua nhà Nguyễn mệnh danh là Nhà Vàng, từng là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Lệ Thủy thời bấy giờ. Mảnh đất này đã thực sự thay da đổi thịt. Những mái nhà cao tầng mọc lên bên bờ sông Kiến như một minh chứng cho một sự đổi thay, vươn lên từng ngày. Vẫn còn đó những lò rèn cũ xưa nhưng những lò nung thì đã nguội lạnh, dường như từ lâu lắm rồi, lửa đã không còn được nhóm lên. Nhiều hộ gia đình tuy đã đổi nghề nhưng vẫn giữ lại những lò rèn cũ xưa ấy như một chút hoài niềm về một nghề đã từng gắn bó máu thịt với bao đời ông cha họ. Làng hiện có 173 hộ nhưng chỉ còn vẻn vẹn 6 hộ bám trụ lại với nghề rèn truyền thống. Có những hộ đã 5, 6 đời theo nghề này nhưng con cháu của họ hôm nay cũng đành phải bỏ nghề. Hỏi ra mới biết, nghề rèn được coi là nghề khá vất vả và độc hại. Người thợ rèn một khi đã vào lò là đồng nghĩa với việc phải chịu cùng lúc sức nóng đến rát da của lò nung, tiếng ồn đến đinh tai của kim loại và cả sự bụi bặm, chói mắt từ rất nhiều công đoạn dập, rèn. 

Cái nhọc mệt của nghề cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến nghề rèn mất dần đi sự quan tâm của con em trong làng. Không nối nghiệp ông cha, phần lớn lớp trẻ của làng rèn đi theo con đường học vấn, số còn lại thoát li bằng nhiều nghề khác nhau, không mấy ai hào hứng với nghề rèn truyền thống. Từ năm 2004 cho đến nay, cả làng chỉ còn lại 6 lò rèn hiện vẫn đang hoạt động. Nghề rèn của làng có nguy cơ mai một dù thu nhập từ nghề này cũng không phải là ít .

Trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, tất cả các lò phải đỏ lửa làm việc cả ngày lẫn đêm. Bởi đó là thời điểm sản xuất các sản phẩm cuốc, xẻng…phục vụ cho thu hoạch vụ mùa. Trung bình mỗi vụ, một lò rèn làm được chừng 1000 sản phẩm, đem đến nguồn thu nhập từ 12 đến 14 triệu đồng. Đến thăm lò rèn của gia đình anh Lê Trường Đính, một trong sáu lò rèn hiếm hoi hiện vẫn đang đỏ lửa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những công đoạn nhọc mệt để làm nên một sản phẩm rèn hoàn chỉnh. Vất vả là vậy, nhưng theo anh Đính thì “mình không phụ nghề nên nghề cũng không phụ mình, hằng năm, gia đình cũng kiếm được một khoản thu nhập kha khá từ nghề này.” Là đời thứ tư trong gia đình theo nghề rèn, tuy mới 34 tuổi nhưng anh Đính đã có thâm niên 23 năm trong nghề. Anh tâm sự: “muốn mở rộng sản xuất để sau này còn truyền nghề lại cho con cháu nhưng không có vốn, kể cả các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nghề truyền thống”. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể so với thời kì trước nhưng nghề rèn ở Hoàng Giang hiện nay phần lớn được thực hiện bằng thủ công. Một phần vì xuất phát từ đòi hỏi nghề nghiệp, một phần cũng bởi họ chưa có đủ điều kiện vốn liếng để đầu tư thiết bị, máy móc. Theo ông trưởng thôn và chủ những lò rèn tại đây thì nhiều dự án của Trung ương và địa phương đã được xây dựng nhằm mở rộng và phát triển nghề rèn truyền thống. Thế nhưng, tất cả chỉ mới dừng lại trên giấy tờ. Người dân vẫn không được đầu tư vốn để mở rộng sản xuất, nhiều lò rèn vẫn mang hình thức sản xuất thủ công, manh múng. 

“Hướng đi nào để phát triển làng nghề truyền thống?”. Trả lời câu hỏi ấy của chúng tôi, ông Lê Văn Du, chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho rằng việc phát triển làng nghề truyền thống đã được UBND xã đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội nhưng để có được những bước đi và kết quả cụ thể thì cần thêm một thời gian nữa. Cũng theo ông, hiện tại, trong những nổ lực để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống này thì việc duy nhất mà chính quyền xã có thể làm là tích cực giáo dục cho lớp trẻ hiểu rõ giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời động viên họ tiếp tục giữ gìn và phát triển làng nghề. 

Trước sức ép của nền kinh tế thị trường, muốn vực dậy một làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một cần có sự hợp sức của chính quyền và người dân địa phương. Tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư để cải tiến kỹ thuật và mở rộng sản xuất là bước tiến quan trọng để khôi phục và phát triển lại làng nghề đang dần đi vào bế tắc.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét