NỖI NIỀM NGƯỜI "TRUYỀN LỬA"

Diệu Hương

Ông ngồi giữa nhà, ném ánh nhìn trầm đục ra giữa khoảng sân đầy nắng, rồi cất giọng hò vừa tha thiết vừa đau đáu nỗi niềm. Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng giọng hò của ông vẫn trong vắt như thuở xuân xanh, giọng hò chất chứa cả biết bao trầm luân dâu bể đời người.
                                                   Nghệ nhân Lê Văn Quế (còn gọi là Dũng)

Trời tháng 7 nắng đến cháy rát mặt người. Căn nhà ông Lê Văn Quế (81 tuổi, thôn Hoàng Viễn, Sơn Thủy, Lệ Thủy) nằm nép mình bên cung đường Hồ Chí Minh. Căn nhà vốn tuềnh toàng nay càng nhỏ bé hơn giữa cái nắng hanh hao của đất trời. Dẫu cuộc đời lắm chìm nổi, nhưng gần trọn đời người, ông vẫn gắn bó máu thịt với điệu hò khoan Lệ Thủy, để rồi khi sắp sửa đi đến cuối đường đời, ông lại đau đáu một nỗi niềm trăn trở: làm sao để điệu hò quê hương mãi mãi được bảo tồn?

“Nhớ lắm điệu hò lỉa trâu”

Người làng thường gọi ông là ông Dũng. Với họ, có lẽ cho đến mãi về sau, ở cái mảnh đất nằm neo mình bên con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông này, sẽ không tìm được ai có tình yêu với hò khoan như ông Dũng và càng khó tìm đâu được một giọng hò lỉa trâu đượm tình như thế. Với ông, hò khoan là tình yêu và cả một phần ký ức gắn bó thiết thân với cuộc đời mình. Ông bảo, quá nửa cuộc đời ông gắn bó với những cánh rừng già, với con trâu kéo và cả điệu hò lỉa trâu (hay còn gọi là điệu lỉa gỗ). “Đời sơn tràng khổ lắm. Mưa gió, bão bùng chi cũng lặn lội trên rừng, trên rú. Rứa mà mỗi khi cất lên mấy điệu hò, thì biết mấy nhọc nhằn đều trôi hết cả”, ông cười. Đôi mắt già trầm đục mà như có nắng. Rồi ông cất lời, điệu hò lỉa gỗ vừa quen, vừa lạ vẫn đủ sức xua đi cái nóng bức, ngột ngạt của một buổi trưa tháng 7: “Đông, Đào, Tây, Liễu không ai/ Ngó sau, ngó trước cũng hai đứa mềng/ Dù rằng lên dốc, xuống xài/ Trăm năm đi nữa bạn chớ nghe ai bỏ mềng”

12 tuổi, ông theo những thợ sơn tràng lên rừng đốn gỗ. Cứ mỗi khi con trâu kéo gỗ lên dốc, xuống dốc, ông lại nghe những người thợ sơn tràng cất giọng hò. Nghe miết rồi cũng thấm, dần dà, cậu bé 12 tuổi thuộc lòng mấy điệu hò kia, cả cách lên giọng, xuống giọng, ngân nga, trầm bổng. Càng yêu nghề, càng quý mến con trâu kéo lại càng thấy yêu hơn điệu hò lỉa trâu. Ông bảo: “đời sơn tràng thì con trâu là bạn tâm giao. Mưa gió, ốm đau chi cũng chỉ một mình người với trâu. Nghĩa tình rứa nên không có thợ rừng mô dùng roi đánh trâu cả mà đều dùng câu hò để làm hiệu lệnh. Con trâu biết đứng yên lắng nghe chủ nó hò câu hò kéo gỗ, đến chỗ dứt câu hò nó gồng mình kéo gỗ phăng phăng giữa rừng. Hết đà, mệt quá là dừng lại nghỉ nhưng nghe một câu hò khác thì lại gồng người mà kéo lên.” Nói đoạn, ông lại cất giọng hò. Những nếp nhăn đan chằng chịt trên trán giờ có dịp được giãn ra. Đôi bàn tay thô rám đầy vết đồi mồi thỉnh thoảng lại gõ nhịp xuống chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Ánh mắt người thợ gỗ ấy lấp lánh lắm và giọng hò của ông vẫn còn ngân nga lắm. Hình như, ký ức của hơn nửa đời làm sơn tràng đang dội về trong ông. Gần một thế kỷ biểu diễn giữa sân khấu cuộc đời, giọng hò của ông đã làm mê đắm biết bao người yêu hò khoan nhưng có lẽ với ông, sân khấu lung linh nhất vẫn là giữa mênh mông đại ngàn. Ở đó, điệu hò lỉa gỗ như được chắp cánh để ngân nga hơn, da diết hơn. 

Dòng hồi tưởng về điệu hò lỉa gỗ đang giữa lưng chừng thì giọng nói của ông trầm buồn hẳn: “Tiếc lắm. Bựa ni hiếm người đi gỗ, lại càng ít người dùng hò lỉa trâu ni nữa. Rồi cũng mất đi thôi.” Giọng nói trầm đục của ông rơi tỏm giữa khoảng lặng nhiều xúc cảm. Rồi ông gượng cười, nụ cười móm mém lẩn khuất giữa làn khói thuốc mờ mờ. Hít một hơi thuốc thật dài, ông lão vẫn không ngừng hồi tưởng: “ngày xưa, cứ mỗi khi đi rừng về, mấy đứa con nít trong làng lại theo chân tụi tui để được học điệu hò lỉa trâu. Vì tụi hắn nghĩ cuộc đời rồi cũng sẽ gắn bó với rừng, với con trâu. Đến chừ thì con cháu tụi hắn lại không đứa mô muốn học nữa. Tui sợ tới lúc tụi tui chết đi rồi, thì chắc chẳng còn ai biết được điệu hò lỉa trâu ni nữa o nờ.” Nói rồi, ông lại ném ánh nhìn buồn bã ra giữa khoảng sân đầy nắng.

Nghề sơn tràng đang mất dần, kéo theo đó là điệu hò lỉa gỗ cũng dần mất hút giữa thăm thẳm đại ngàn. Những thế hệ thợ rừng như ông Dũng ngày càng hiếm. Không có nhiều cơ hội để được nghe và được trải nghiệm nên thế hệ trẻ về sau chẳng còn mấy thiết tha với điệu hò đã gắn bó với bao đời ông cha mình. Phải chăng bởi thế mà cho đến khi gần đi hết con đường đời, người thợ sơn tràng ngày nào vẫn nhớ về điệu hò xưa cũ cùng một nỗi đau đáu khôn nguôi?

Đau đáu nỗi niềm

Nhớ lại phút đầu mới gặp, ông Dũng tiếp chúng tôi chẳng mấy mặn mà bởi còn nghi ngại: “thế hệ trẻ như mấy o, mấy chú còn mấy ai ưng nghe mấy điệu hò khoan cũ kỹ nữa”. Rồi dần dà, ông cũng chịu mở lòng. Mà lạ kỳ, càng nhắc đến hò khoan, câu chuyện của ông càng rôm rả. Hỏi ra mới biết, xưa ông Dũng và vợ là bà Nguyễn Thị Hường cũng là thợ hò khoan nổi tiếng một vùng. Không chỉ điệu hò lỉa trâu mà tất cả các làn điệu của hò khoan, ông bà đều hát hay. Và như duyên nợ, cũng chính hò khoan đã lắp ghép cuộc đời hai ông bà khăng khít cho đến hôm nay. 

Ngày trước, nghèo đói, chiến tranh khó khăn là vậy nhưng hò khoan vẫn là món ăn tinh thần, gắn kết bao thế hệ con em xứ Lệ. Trong kí ức của bà Hường, ngay cả những đêm không trăng, chỉ leo lắt một ánh đèn dầu, sân nhà bà vẫn đông đúc người đến để tập hát hò khoan. Ngày đó, người đứng lớp là cụ thân sinh của bà - người nổi tiếng là người hát hò khoan hay, nhất là hát Kiều. Vừa móm mém nhai trầu, bà bồi hồi nhớ lại: “Say nhất là mỗi khi vừa giã gạo vừa hò. Say sưa hò giã gạo đến nỗi mà gạo giã xong rồi lại đổ luôn cả trấu vô giã tiếp. Rồi đi cấy, đi chợ hay mần chi cũng hò, hết hò mái nhì rồi đến mái ba, mái xấp…”. Lục lại ký ức, hai ông bà như được sống lại thời trai trẻ với những buổi hò đối đáp ngay trên sân nhà hay giữa đình làng, bốn phía là biết bao người chăm chú, dõi theo. Rồi cả hai cùng cất giọng hò, điệu hò đối đáp. Giọng bà ngọt ngào, da diết. Giọng ông lại ấm áp, nhẹ nhàng. Điệu hò quê làm hai con người đã gần đi hết đường đời bỗng như được trẻ lại. 

Nhìn cái dáng còm cõi của ông lão, không ai nghĩ rằng dẫu ông đã bước qua cái tuổi 80 nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn lắm. Ông là kho tư liệu sống về tất cả những làn điệu hò khoan Lệ Thủy, nhất là những lời hò cổ. Ông bảo, từ trước đến nay, dù tham gia hội diễn nào ông cũng đều tự viết lời. Ngay cả bây giờ, ông vẫn có thể “xuất khẩu thành…lời hò”. Những ai có nguyện vọng, ông đều giúp họ thu âm lại để được “gìn giữ cho muôn đời sau”. Tâm huyết là vậy nên cứ thấy cảnh con cháu, hay lớp trẻ thời nay yêu tân nhạc hơn cả dân ca, ông lại thấy buồn lòng. “Ngay đến con cái nhà tui, đứa mô cũng hò được nhưng lại không có đứa mô hò hay, mà cũng không có đứa mô đam mê như cha mạ hắn”, ông tỉ tê. Lo sợ điệu hò quê hương sẽ dần bị quên lãng, cách đây bốn năm, dẫu tuổi đã xế chiều, nhưng ông vẫn đứng ra tổ chức một phường hát, rồi mở lớp dạy hò. “Nhưng buồn lắm o nờ. Buồn nhất là những khi đứng trên để dạy, nhìn xuống thấy tụi trẻ ở dưới không tập trung. Tụi hắn chẳng có say mê hát hò chi cả. Rứa là tui dẹp lớp”, ông kể chuyện mà đôi mắt cứ đau đáu, nặng trĩu nỗi niềm. Những nếp nhăn xô nhau lại, đan chằng chịt trên trán, trả lại ông lão vẽ già nua, khắc khổ của tuổi 80.

Trước khi chia tay, nắm chặt cánh tay nhăn nheo của ông lão, chúng tôi khoe rằng kể từ năm học trước, phòng Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy đã đưa hò khoan vào dạy ở các trường học trên địa bàn huyện, giờ đi đến đâu cũng nghe các cháu hò khoan. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, nếu còn những người “truyền lửa” như ông thì sẽ không thiếu những người “giữ lửa” để hò khoan quê hương mãi trường tồn. Ông lão nghe mà mừng lắm. Nụ cười lại móm mém nở trên môi. Nụ cười ấy đủ sức xua đi cái nắng hanh hao của đất trời tháng 7.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét