TIẾN SĨ HOÀNG HỐI KHANH VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA ÔNG TRONG CÔNG CUỘC KHAI KHẨN, TẠO DỰNG ĐẤT LỆ THỦY

PGS-Ts Nguyễn Thị Phương Chi

                 Đền thờ tiến sĩ Hoàng Hối Khanh tại Thượng Phong ( Phong Thủy - Lệ Thủy)
Hoàng Hối Khanh, người xã Bái Trại, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nay là xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Ông thi đỗ Thái học sinh năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phú thứ 8 ( 1384 ) đời Trần Phế Đế. “Mùa xuân tháng 2, Thượng hoàng thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, cho bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh 30 người thi đỗ”. Về năm sinh của ông, chỉ có sách “Lịch đại đăng khoa” ghi ông đỗ năm 23 tuổi. Nếu theo lịch này mà suy ra thì có thể ông sinh năm 1362 ( tính theo âm lịch ) và mất năm 1407. Ông làm quan phục vụ cho 2 triều Trần – Hồ.

Sau khi đỗ tiến sĩ, ông được triều đình điều vào huyện Nha Nghi ( tức huyện Lệ Thủy ngày nay ). Huyện Lệ Thủy, thời nhà Lý thuộc châu Địa Lý ( Lâm Bình ). Thời Trần “ huyện Lệ Thủy đặt làm huyện Nha Nghi. Hiện huyện Lệ Thủy ở về miền Đông Nam tỉnh Quảng Bình. Thời Lê đổi huyện Nha Nghi thành huyện Lệ Thủy, thời Nguyễn vẫn giữ tên đó và tồn tại đến ngày nay.

Có thể khẳng định, vai trò và những đóng góp của Hoàng Hối Khanh đối với Quảng Bình trên hết là việc mở đất, di dân, giữ vững an ninh, quốc phòng của miền biên viễn phía Nam đất nước Đại Việt thời Trần.

Vùng đất Nha Nghi – Lệ Thủy lúc bấy giờ còn hoang vắng, lại luôn phải đối phó với các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành. Vì vậy, triều đình thường cử những người tài giỏi trấn giữ những vùng đất trọng yếu của đất nước. Hoàng Hối Khanh là một trong số đó. Khi vào tới vùng đất biên viễn xa xôi hẻo lánh này, ông đã thăm dò và nhận ra rằng vùng đất ở ngã ba sông Bình Giang và Ngô Giang này ( vùng xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy ), nơi địa thế có song, có núi, có đất đai phì nhiêu, có biển Đông ( hiện nay là phía đông huyện Lệ Thủy bờ biển dài 30km ) lại có thành Ninh Viễn ( còn gọi là thành nhà Ngo hay thành Chàm) vốn là thành của Chiêm Thành xây dựng trước đây. Một tòa thành mà “ sông Bình Giang đi qua phía trước, sông Ngô Giang án ngữ phía sau. Đến phía Tây Bắc thì làm một. Thành ấy ba mặt giáp sông, một mặt giáp núi chính là bậc vương công đặt thành ở chỗ hiểm…” Hoàng Hối Khanh đã dung thành này vừa làm lỵ sở vừa làm căn cứ quân sự. Sau đó, ông trở ra Thanh Hóa, Nghệ An chiêu tập dân của 12 dòng họ cùng vào khai hoang lập ấp. 12 dòng họ gồm họ Hoàng, Phạm, Trần, Lê, Thân, Khổng, Đào, Phan, Diệp, Bạch, Nguyễn, Võ. Những người này cùng với dân số sở tại, gồm tù binh Chiêm Thành và người Việt được đưa vào từ thời Lý Thánh Tông, sau khi tiếp quản vùng đất này. Họ hợp thành lực lượng lao động sản xuất chính để khai khẩn đất hoang, lập điền trang.

Thời Trần, vào cuối thế kỉ XIV, thời kì kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khan, quốc khố có lúc trống rỗng. Thêm vào đó là nạn Chiêm Thành từ biến giới phía Nam tấn công liên tục vào đất nước Đại Việt. Nếu chỉ tình từ năm 1362 đến 1391 thì đã có tới 15 lần Chiêm Thành tổ chức tấn công Đại Việt. Trong đó có 3 lần chúng tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long và 1 lần tiến đến Quảng Oai, uy hiếp Thăng Long. Chỉ đến khi Thượng tướng Trần Khát Chân giết chết Chế Bồng Nga trên song Hải Triều ( tức song Luộc ) năm 1390, sau đó quân Chiêm Thành không dám tấn công Đại Việt nữa. Hoàng Hối Khanh với trọng trách không chỉ lo phát triển kinh tế mà còn làm sao để tạo nên một lực lượng quân đội mạnh phòng khi có chiến tranh. Ông đã phân chia số người này ra làm ở nhiều khu vực xung quanh thành Ninh Viễn để khai khẩn. Theo gia phả một số dòng họ ở làng Thượng Phong ( xã Phong Thủy ) thì diện tích khai khẩn được là 500 mẫu ở cánh đồng Thượng Phong ngày nay.

Cùng với quá trình khai hoang là quá trình lập làng. Chỗ đất tốt cao ráo được chọn để ở. Làng mới lập gọi là Kẻ. Ví dụ:

Kẻ Tiểu là làng Thượng Phong, xã Phong Thủy
Kẻ Đợi là làng Đại Phong, xã Phong Thủy
Kẻ Tuy, thuộc xã Lộc Thủy
Kẻ Thá, thuộc xã Lộc Thủy
Kẻ Chền, thuộc xã Xuân Thủy
Kẻ Soi là làng Xuân Hồi, xã Liên Thủy
Kẻ Chầu là làng Quảng Cư.
Kẻ Tréo ( chợ Tréo ) là Cổ Liễu

Đến thời Lê, kẻ Tiểu, kẻ Đợi đổi thành Tiểu Phúc Lộc và Đại Phúc Lộc. Trong “ Ô châu cận lục”, Dương Văn An còn chép rõ tên hai làng này. Kẻ Tiểu – Tiểu Phúc Lộc – Thượng Phong là một làng của xã Phong Thủy, trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy ở làng này trước đây là nơi tập trung của 12 nhà thờ của 12 dòng họ từ khi Hoàng Hối Khanh chiêu tập và có lẽ kẻ Đợi cùng kẻ Tiểu là trung tâm khai khẩn đầu tiên. Tất cả những người này lúc đầu chủ yếu đều làm nông nghiệp. Dần dần, do yêu cầu của cuộc sống cộng với điều kiện thiên nhiên, nguyên liệu sẵn có ở địa phương một số làng nghề ra đời như làng chài, làng thủ công ( dệt chiếu, vải vóc), làng làm gốm, làng rèn. Những làng này không phải được ra đời từ các dòng họ, mà dương như nó được trộn lẫn giữa các cư dân của các dòng họ.

Trong điền trang của Hoàng Hối Khanh, nghề làm ngoài trời và nghề làm trong nhà được phân biệt bằng các Kẻ và Nhà. Nghề làm ngoài trời được gọi là các Kẻ như Kẻ Tiểu, kẻ Đợi, kẻ Tuy, kẻ Thá, kẻ Soi, kẻ Tréo…. Nghề làm trong nhà được gọi là các Nhà như nhà Phan, nhà Vàng, nhà Mòi, nhà Ngo…. Những Kẻ và những Nhà này không rõ ra đời từ khi nào nhưng hiện nay vẫn được dân địa phương quen dùng. Đời sống trong các làng này, phong lưu hơn cả vẫn là nghề làm nông. 

Hoàng Hối Khanh khuyến khích dân khai hoang lây đất cấy lúa. Bởi làm nông nghiệp không chỉ lấy thóc lúa nuôi dân mà còn tích trữ đề phòng khi có thiên tai, địch họa. Nó cũng thể hiện chính sách chung: “trọng nông” của các triều đại phong kiến Việt Nam. Vấn đề khẩn hoang ở Lệ Thủy không chỉ dừng lại ở thời cuối Trần, Hồ, mà sau đó, đến thời Lê sơ, công cuộc khẩn hoang ở Lệ Thủy vẫn được tiếp tục. Ba ông: Thái bảo Thanh quận công ( không rõ tên ), Cai tri phó tướng Võ Khê hầu ( không rõ tên ), Tri phủ họ Trần ( không rõ tên ) được triều đình nhà Lê giao cho trị nhậm vùng Lệ Thủy, thực hiện sứ mệnh ổn định vùng biên giới và tiếp tục điều hành dân khai khẩn ruộng hoang trên quy mô cả nước. Ông Thái bảo Thanh quận công đưa dân đến vùng hoang dã, cách Thượng Phong khoảng 10km về phía Nam khẩn được vùng đất khoảng 30 mẫu. Đất đó ngày nay là cánh đồng Hạc Lấp ( hay còn gọi là Bốn Cừ ). Ông cai tri phó Võ Khê hầu đưa dân đến vùng An Mã ( Mã Yên ) biến núi rừng rậm rạp thành đất ruộng, được khoảng 90 mẫu ( nay là vùng Ba Canh ) cách Thượng Phong khoảng 18km về phía Tây. Hai vùng đất Bổn Cừ và Ba Canh đã có lần từng là nơi vua Lê Thánh Tông và Thái Bảo Thanh Quận công đóng quân trong cuộc chinh chiến với quân Chiêm Thành. Vùng Ba Canh đồi núi rậm rạp, dân đến khai phá lập ra phường mới lấy tên là phường Tiểu. Vì dân Tiểu lên đó khai hoang lập ra phường mới mà vẫn lấy tên là của làng gốc “kẻ Tiểu”. Ông tri phủ họ Trần, sách “ Ô châu cận lục” chép: “Ông người Phúc Lộc, huyện Lệ Thủy, giữ chức Tri binh dân sự phủ Tân Bình. Đền thờ ông ở xã Tiểu Phúc Lộc….”Ông tri phủ họ Trần cùng hợp tác với hai ông Thanh quận công và Võ Khê hầu trong việc điều dân khai khẩn. Ba ông đã có công tổ chức khẩn hoang, mở rộng diện tích canh tác cho dân làng ( được 120 mẫu ). Nên hiện nay cả ba ông đều được dân gọi là ba ông hậu khai khẩn, cùng với ông tiền khai khẩn – Hoàng quận công – Hoàng Hối Khanh đều được dân làng thờ làm “thần nhân” của làng. Ở Phong Thủy ( huyện Lệ Thủy) dân làng thường nói thần làng ta là vị tiền khai khẩn và hậu khai khẩn, chứ không phải là tiền khai khẩn và hậu khai canh là có nguyên do như thế.

Một quá trình khai khẩn đất hoang liên tục từ cuối thời Trần và được triều Lê sơ tiếp nối ở đất Lệ Thủy, một lần nữa thể hiện chính sách chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp của các vị vua Trần và Lê sơ, là cơ sở tang cường tiềm lực về quân sự, chính trị của vùng đất miền biên giới phía Nam của đất nước Đại Việt được thừa kế từ thời nhà Lý ( 1069 ).

Điền trang của Hoàng Hối Khanh với diện tích khai khẩn được 500 mẫu, một điền trang khá rộng lớn có 1 trung tâm chỉ huy – thành Ninh Viễn ( vị trí của thành hiện nay nằm trên địa bàn của 2 làng Uẩn Áo và Quy Hậu ). Trong thành ngoài thị, cách thành khoảng 2km là chợ Tréo. Ba mặt xung quanh thành ( trừ mặt dựa vào núi ) là Kẻ Tiểu và Kẻ Đợi.

Kẻ làm nông nghiệp chiếm đa số. Kẻ đánh cá hay làng chài gọi là kẻ Soi ( làng Xuân Hồi nay ), một số Nhà làm nghề như nhà Phan ( Phan Xá) làm nghề rèn và đúc vũ khí thô sơ, gương giáo, dao…Nhà Vàng ( Hoàng Giang) chuyển sản xuất công cụ lao động như lưỡi cày, cuốc, liềm hái….Nhà Mòi ( Xuân Lai ) chuyên dệt vải và trồng chăn nuôi tằm. Nhà Ngo ( Uẩn áo ) chuyên sản xuất đồ gốm như nồi niêu, ấm đất…phục vụ cho cuộc sống của nhân dân trong điền trang.

Nguồn: Hội thảo khoa học về danh nhân Quảng Bình
Nguyên Hoàng sưu tầm, giới thiệu.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét