MỘT BỮA "ĐẠI TIỆC HỘI" VỀ DÂN CA


Tôi dám khẳng định rằng, chưa bao giờ có một liên hoan nghệ thuật nào lại thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân như liên hoan lần này. Từ cụ già em nhỏ, từ con gái con trai... ở khắp các nẻo đường gần xa nô nức về đây vui như trẩy hội. Và cũng chưa bao giờ cảm xúc trong tôi lại dào dạt, muốn ngay lập tức ngồi vào bàn viết để ghi lại cái không khí rạo rực hân hoan mà thiết tha sâu lắng trong liên hoan “Em hát dân ca” dành cho học sinh bậc tiểu học huyện Lệ Thủy tổ chức lần đầu tiên năm 2012 vừa mới diễn ra cách đây vài giờ đồng hồ tại Trung tâm VHTT huyện Lệ Thủy.

Đây là hoạt động hướng tới dịp kỉ niệm tròn 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012) do phòng GD&ĐT Lệ Thủy tổ chức. Liên hoan lần này thu hút gần 600 diễn viên “nhí” của 36 đơn vị trường TH trên địa bàn toàn huyện tham gia. Là dịp để các thế hệ học sinh được nói lên lòng tri ân của mình đối với thầy cô giáo thông qua các làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Trong đó, thể loại hò khoan Lệ Thủy được các em đặc biệt chú ý và thể hiện hết sức thành công. Là sự tiếp nối và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể - tài sản tinh thần vô cùng quý báu của người dân vùng sông nước xứ Lệ anh hùng.

Ngay từ sáng sớm, những dòng người từ khắp các ngả đường nô nức đổ về sân Trung tâm VHTT. Từ miền xuôi miền ngược, thầy cô cùng các em học sinh trong rực rỡ sắc màu dân ca đã tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc tranh tài, hứa hẹn sẽ mang lại cho công chúng yêu thích dân ca một bữa tiệc về thanh sắc, về những nét đẹp truyền thống vượt thời gian.

Đúng 7 giờ 30 phút, hội trường của nhà VHTT đã không còn một chỗ trống nào. Tất cả đang sẵn sàng. Trên sân khấu, ánh đèn đã bật sáng báo hiệu thời khắc quan trọng đã đến. Sau diễn văn khai mặc ngắn gọn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa của thầy giáo Hoàng Đình Khuyên - P. Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy, Trưởng ban tổ chức liên hoan là phần mở màn của đơn vị trường TH Phú Thủy. Cả khán phòng đông đến nghẹt thở trong thoáng chốc trở nên im bặt khi những điệu hát câu hò vang lên bên những động tác múa mềm mại.

Ở ngoài tiền sảnh, dòng người cứ tiếp nối nhau kéo về trong vội vã. Tôi đặc biệt chú ý đến những cụ già tay chống gậy, miệng bỏm bẻm nhai trầu đang có vẻ nóng lòng muốn được vào xem. Đỡ một cụ bà lên mấy bậc thềm hơi cao so với tuổi tác, tôi tranh thủ hỏi han mấy câu. Đó là cụ Hoàng Thị Cúc, người ở bên kia sông. Cụ nói: “Tui đã tranh thủ đi sớm để có chỗ ngồi tốt, ai ngờ người đông quá...”. Rồi cụ giải thích cho cái lí do đưa mình đến với ngày hội: “Tui muốn đến đây để nghe coi con cháu miềng hắn hát hò khoan như răng. Chú mần ơn dắt mệ vào cho kịp...”. Tôi cảm kích quá trước cái mục đích tưởng như là bình dị ấy và thoáng cảm nhận trong ý nghĩ đến thành công của liên hoan này.

Trên sân khấu, những tiết mục lần lượt được các đơn vị thể hiện hết sức ấn tượng trong những tràng pháo tay hoan hỉ. Ngoài đường, trước sân, dòng người cứ mải miết tìm về. Cái không khí của những ngày tháng xa xưa bên cối gạo đêm trăng, bên gốc đa sân đình... được tái hiện một cách sinh động. Hồn quê, hồn người, hồn núi sông theo những điệu hát câu hò bay về thấp thoáng trên những mái nhà cao tầng ngói mới, trên những làn môi, đôi tay của những “nghệ nhân” hát dân ca của thế hệ “10X”. Tất cả hòa quyện đến độ viên mãn, lắng sâu!

Về phần mình, quán triệt sự chỉ đạo của Ban tổ chức liên hoan, các đơn vị cũng đã chủ động đầu tư xây dựng cho tiết mục của mình. Mỗi đơn vị một phong cách mang giá trị riêng. Tựu trung, có ba sự lựa chọn trong kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam: một là trình bày theo kiểu “Tổ khúc dân ca Bình - Trị - Thiên”, “Dân ca ba miền” và “Hò khoan Lệ Thủy”. Dù ở dưới hình thức nào, các đơn vị cũng đã khéo léo đưa được thể loại hò khoan Lệ Thủy vào cho tiết mục của mình. Trong bài phản ánh này, chúng tôi không có tham vọng đi tìm hiểu, đánh giá bình phẩm về các điệu lí và các làn điệu khác mà đặc biệt đi vào tìm hiểu về làn điệu dân ca quê nhà: Hò khoan Lệ Thủy.

Qua tìm hiểu, trao đổi của chúng tôi với những người lớn tuổi mà chúng tôi xem họ như là những “nghệ nhân hát hò khoan” và những người có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực này thì đa phần họ đều tỏ ý hài lòng về cách trình bày cũng như trình diễn hò khoan trên sân khấu. Cụ bà Hoàng Thị Cúc ở làng Quảng Cư cho rằng, các cháu hát đúng phách, đúng nhịp và khá hay. Tuy nhiên, hò khoan Lệ Thủy là một thể loại rất khó diễn xướng. Nó phải phù hợp với hoàn cảnh khi diễn xướng và chất giọng của hò khoan cũng là yếu tố quan trọng không kém. Nghe các cháu mới chỉ học lớp 1 lớp 2 mà đã hát được như thế, bà (và những vị cao niên như bà) cảm thấy rất mừng. Cũng có cùng quan điểm với bà Cúc, bà Nguyễn Thị Mịn, ở Kiến Giang, năm nay đã ngoài 80, xúc động: “Nghe các cháu hát hò khoan Lệ Thủy, tui thấy vui lắm chú ơi! Ngày xưa ở tuổi như các cháu, bọn tui cũng đã hò thuộc nhiều bài lắm rồi. Có những cuộc hò thâu đêm, hết gạo trong cối, bọn tui phải lấy trú (trấu) đổ vào để giã và hò. Bây giờ, nghe các cháu hò, thấy nhớ ngày xưa quá...”. Bà nói trong hàng nước mắt “như sương”, chúng tôi cũng thấy nghèn ngẹn trong cổ họng. 

Trao đổi với ông Võ Như May, cán bộ trung tâm VHTT, người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về hò khoan Lệ Thủy, cũng tỏ ra hài lòng về nỗ lực của giáo dục Lệ Thủy khi tổ chức được một liên hoan ý nghĩa này. Bản thân ông (và cả những nghệ nhân khác) cũng được một số đơn vị trường mời đặt lời mới, tập cho các cháu hò và dàn dựng các tiết mục múa đều rất vui vì các cháu học hò rất say sưa và tỏ ra có năng khiếu. Mặc dù một đôi chỗ luyến láy, các cháu còn “cứng” và chất giọng của một số cháu còn chưa phù hợp nhưng các cháu đã hát hò khoan bằng tất cả tấm lòng...

Có mặt trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, mặc dù hiểu biết về hò khoan còn non nớt nhưng chúng tôi nhận ra một điều thật thú vị rằng, hình như các em học sinh nói riêng, người dân Lệ Thủy nói chung sinh ra là để hát hò khoan. Niềm đam mê và những tố chất như một mạch máu, chảy xuyên suốt từ đời này sang đời khác, nối tiếp nhau để giữ gìn, phát huy những giá trị ngàn đời của ông cha. Nói như nhận xét của thầy giáo Trương Châu Thoại, giáo viên trường TH Mỹ Thủy thì: “Hình như người Lệ Thủy sinh ra là để hát hò khoan và chỉ có người Lệ Thủy mới hát hò khoan hay như thế”. Câu nói đó đúng, ít nhất là trong liên hoan lần này.

Có một vị khán giả ngồi ở hàng ghế đầu, lặng lẽ dõi theo từng tiết mục trong suốt liên hoan. Không bài phát biểu, thậm chí là không đưa ra một lời bình phẩm, đánh giá nhưng qua ánh mắt, nụ cười và những cái gật đầu khe khẽ của thầy, chúng tôi biết thầy đang tỏ ra hết sức hài lòng với thành công của liên hoan. Có thể thầy chính là “linh hồn” của liên hoan và cũng có thể thầy cũng như một trong những khán giả bình dị khác. Nhưng trong ánh mắt thầy đã ánh lên niềm tin và hy vọng cho tương lai của thế hệ măng non của giáo dục huyện nhà. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu và biết thầy là ai.

Trở lại với liên hoan “Em hát dân ca” dành cho học sinh bậc tiểu học huyện nhà. 36 tiết mục trong liên hoan mà nếu tôi là giám khảo, tôi sẵn sàng viết lên những điểm 10 tròn trĩnh sau mỗi một tiết mục. Và chắc chắn trong lòng của công chúng mến mộ, họ cũng sẽ hào phóng như tôi - nghĩa là các em xứng đáng nhận mức điểm cao nhất từ phía hàng ghế khán giả. Thế nhưng, đã là cuộc thi thì phải có sự phân loại cao thấp. Đó là điều đã vô tình đã gây cho Ban giám khảo đáng kính đứng trước một khó khăn lớn bởi xét về hình thức lẫn nội dung, tất cả các tiết mục đều xứng đáng được chọn lựa. Lại xét về đối tượng, lứa tuổi thì lại càng xứng đáng hơn. Dân ca nói chung, hò khoan Lệ Thủy nói riêng là những thể loại rất khó diễn xướng với bất cứ ai. Đằng này, các em lại là học sinh tiểu học, sinh ra và lớn lên ở thế kỉ XXI!

Xuất phát từ quan điểm đó, trong phạm vi bài phản ánh này, cho phép chúng tôi không được đưa lên những đơn vị đoạt giải (mặc dù đã có kết quả và sẽ được thông báo rộng rãi trên các PTTTĐC trong nay mai). Thay vào đó là sự ghi nhận những nỗ lực tuyệt vời của các đơn vị, đặc biệt là những đơn vị vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như TH&THCS số 1 Kim Thủy, Ngân Thủy, TH&THCS số 2 Kim Thủy... Đó chính là món quà, là phần thưởng quý giá nhất mà họ đã dày công khổ luyện nhằm đưa đến cho công chúng một bữa “đại tiệc về dân ca” và cũng là bó hoa “hương đồng cỏ nội” mang nhiều ý nghĩa nhất dâng lên thầy cô trong ngày lễ tôn vinh nghề giáo.

Người viết muốn lấy ý của thầy giáo Hoàng Đình Khuyên để kết thúc cho bài viết này, khi thầy cho rằng: thành công của liên hoan cũng chính là thành công có được dựa trên việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo. Từ việc các nghệ nhân hát hò khoan, các ban nhạc sử dụng nhạc cụ dân tộc được mời về để tập luyện cho các em đến hình ảnh các chị các mẹ ngày ngày tìm đến các đơn vị trường học để cùng góp ý, chỉnh sửa cho từng nhịp, từng lời... đã tạo được bầu không khí sổi nổi, hào hứng trên khắp địa bàn toàn huyện từ hơn một tháng nay đã nói lên được điều đó. Liên hoan “Em hát dân ca” là đỉnh cao của cả một quá trình nung nấu, chuẩn bị và cuối cùng là đưa đến cho công chúng một bữa “đại tiệc hội” sang trọng mà bình dị, rộn ràng mà sâu lắng, thiết tha như tiếng ngàn xưa vọng về.
Xin chào, xin cảm ơn và hứa hẹn cho những kì liên hoan mới!

                                                                 Bảo Châu




















Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét