HÀNH TRÌNH VUA HÀM NGHI VÀ KHO BÁU

Ngọc Tuân


Những lời đồn thổi và sự thật
Chung quanh những đồn thổi về kho báu của Vua Hàm Nghi mang theo khi xuất bôn, xuống chiếu cần vương kháng Pháp, cho đến khi bị bắt, đưa đi đày ở An Giê Ri đã tốn nhiều giấy mực. Thậm chí, có người  tin đến mức bán cả gia tài ở TP Hồ Chí Minh, vay mượn tiền bạc, dựng lều ở Hóa Sơn, Minh Hóa để tìm vàng suất 14 năm, khi sắp chết mới từ bỏ, mà chẳng thấy vàng đâu.
Mới đây, ông Lê Ổn, một đại tá về hưu, quê ở Lệ Thủy, trú ở Đồng Hới lại thổi lên sự tò mò qua câu chuyện có 4 cái giếng chôn vàng của Hàm Nghi ở thành Nhà Ngo (Uẩn Áo, Liên Thủy). Điểm thứ hai là trên đỉnh núi Kà Ai, gần đường 12 đi cửa khẩu Cha Lo. Ở đó có một cái giếng, chung quanh trồng toàn bưởi thanh trà. Vàng ở dưới đó.
 Lần theo thời gian tôi xâu chuỗi lại những sự việc có liên quan thì thấy: Sau sự việc ông Nguyễn Hồng Công thuyết phục và xin tỉnh Quảng Bình đào vàng ở Minh Hóa từ năm 1987. Đến năm 1990 có một đơn vị quân đội vào đào trong động Phong Nha, làm sập một cột thạch nhũ lớn ở cửa hang. Xe chạy vô ra tấp nập làm dân bản xứ đồn là đào vàng. Năm 2003 trẻ con chăn trâu ở đoạn giáp ranh giữa Tuyên Hóa với Minh Hóa có nhặt được một cái tráp sơn son, thếp vàng trong một hang nhỏ. Tráp có nhiều lớp, trong lớp thứ 2 hình lục lăng là cái tráp có chạm nổi 4 chữ “Giáp- Ngọ- Bình – Nam” bằng chữ Hán. Trong đó có một cái chìa khóa và một bức họa được cho là sơ đồ nơi chôn vàng. Năm 2004 ở cánh đồng Nghèn thuộc xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa, những người đi rà phế liệu đã phát hiện và đào được hơn 2 tấn tiền cổ được chôn trong 20 cái chum. Ngày 6 tháng 11 năm 2008 bà Nguyễn Thị Liên ở Sơn Hóa, Tuyên Hóa đem nộp 3 đồng tiền vàng “Hàm Nghi thông bảo” do con gái nhặt được ở khe Trọt Su. Mỗi đồng nặng 5 chỉ vàng 9999. Được tuyên dương và thưởng 3,5 triệu.
Chưa hết, trong những truyền tụng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) còn có 2 câu chuyện khá hấp dẫn. Thứ nhất, từ lâu lắm rồi dân Lệ Thủy vẫn kháo nhau rằng, vào năm vua Hàm Nghi xuất bôn, đoàn thuyền vận chuyển tài sản đi trước. Khi ra đến Trốc Vực, thượng nguồn sông Kiến Giang, hay tin kinh đô thất thủ đã thả bớt một số vàng xuống đó. Vực nước này theo đồn đại thì sâu không đáy, nước xoáy hút xuống mọi vật, nên chẳng ai dám lặn thử. Thứ hai, là câu chuyện kể về việc đoàn vận tải đã gửi lại nhà ông Võ Trọng Bình ở làng Mĩ Lộc (xã An Thủy, Lệ Thủy) một số vàng. Ông Bình là một quan lại thời Nguyễn đã hưu trí, nổi tiếng là thanh liêm, được triều đình tin cẩn. Trong dân gian Huế còn truyện tụng câu ca “Thanh liêm có Võ Trọng Bình; Thành nghiêng muốn chống một mình được sao”. Khi nghe tin Pháp chiếm Đồng Hới, ông Bình đã lặng lẽ chở vàng đem rải xuống phá Hạc Hải. Để không bị rơi vào tay Pháp.


Lần theo dấu chân Hàm Nghi
126 năm trước, vào đêm mồng 5 tháng 7 năm 1885, do không chịu nổi thái độ khinh mạn của toàn quyền Pháp, hai đại thần của Hàm Nghi là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã cho tấn công đồn Mang Cá, nơi đồn trú của quân Pháp. Người Pháp phản công. Với sức mạnh của súng đạn, gươm giáo không chống nổi nên vua tôi nhà Nguyễn đã bỏ thành Huế chạy ra Quảng Trị. Chiều ngày 6 tháng 7 thì đến Mai Lĩnh, Quảng Trị. Tại đây, trong khi chặn hậu bảo vệ vua Tham biện sơn phòng Tôn Thất Lệ, em ruột Tôn Thất Thuyết đã hy sinh. Tôn Thất thuyết đã bảo vệ gia quyến nhà vua chạy ra Tân Sở (Cùa, Cam Lộ). Từ Cùa đoàn tùy tùng cùng vua tôi đã vượt biên giới sang Lào. Đoàn đã đi dọc biên giới qua Sêpon, rồi Mường Van, đến dựng trại ở phía bắc suối Nậm Hoa, tổng Ban Tống (Lào). Tháng 10 năm 1885, sau 3 tháng lặn lội, vua cùng tùy tùng về nước theo đường Quy Hợp (Hương Khê, Hà Tĩnh). Nguyễn Chánh, một viên trưởng đồn miền núi ở Quy Hợp đã cho lính bảo vệ vua rồi đưa về làng Phú Gia, Hương Khê. Nhà vua lưu lại ở đây 1 tháng. Lúc này, ở Đức Thọ Hà Tĩnh đang nổ ra cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, quân đội Pháp đang ra sức đánh phá, càn quét, lùng sục. Thấy bất lợi, nhà vua đã di về Quy Đạt, Quảng Bình. Đoàn đã từ Hương Khê đi về làng Trành, thuộc tổng Thanh Lạng. Nhà vua ở nhà ông Đinh HIền, sau 3 ngày thì đi về Đồng Nguyên (Cổ Liêm) cách Quy Đạt 10 km. Thấy địa hình ở đây bất lợi, vua lại di lên xóm Lìm (Ba Nương) ở Khe Ve, cách Quy Đạt 5 km, đóng tại nhà ông Đinh Xớn. Quan quân dựng lũy đồn trú, kháng cự với Pháp ở đó. Mấy lần đánh lên không được, tháng giêng năm 1887, Pháp trở lại Quy Đạt với chiêu thức mới “mua chuộc” các cận thần của Hàm Nghi. Lúc này, bảo vệ Hàm Nghi chỉ có Trương Quang Ngọc và Tôn Thất Thiệp (con út Tôn Thất Thuyết). Ngọc đã bị mua chuộc, phản bội, giết chết Thiệp, nộp vua Hàm Nghi cho Pháp vào ngày 14 tháng 11 năm 1888. Sau 3 năm 4 tháng cuộc xuất bôn chống Pháp của Hàm Nghi thất bại.
Như vậy, con đường xuất bôn của Hàm Nghi không qua Lệ Thủy. Vì vậy, câu chuyện vàng của nhà vua đổ xuống Trốc Vực, Hạc Hải, chôn ở giếng làng Quy Hậu là hoang tưởng.


Kho báu ở đâu.
Câu trả lời là ở Khe Ve (Quy Đạt, Minh Hóa, Quảng Bình).
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Triều, cán bộ miền Nam tập kết làm ở bộ phận tài chính Khu ủy Khu 4, người trực tiếp đi thu gom vàng kể lại. Vào năm 1956 dân làng Khe Ve khi mò tôm cá ở đó đã phát hiện rất nhiều vàng. Toàn là vàng miếng, trang sức. Lúc đầu chỉ có một gia đình tìm thấy, sau đó bí mật này lộ ra, cả làng xuống khe mò tìm, có nhà mò được vài gùi. Người làng dấu diếm chuyện này nhưng có mấy ông cán bộ nông hội sợ bị kỷ luật đã báo cáo với Huyện ủy. Huyện ủy báo cáo lên trên, lên trên nữa… Vì vậy Khu ủy đã cử ông Triều về Quy Đạt thu gom lại. Ông Triều đã cùng đoàn cán bộ của khu, tỉnh, huyện xuồng Khe Ve vận động dân trả lại vàng. Mua chăn, áo, vải, thưởng cho những ai đem nộp. Với lòng yêu nước, dân Khe Ve đã nộp lai được 113 kg vàng. Ông Lịch, lúc đó là Giám đốc sở tài chính Quảng Bình nói là thu được 240,5 kg (không biết ông nào nói đúng). Còn sự kiện thu vàng ở Quy Đạt là có thật. Ông Triều hiện còn sống ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, nghèo lắm, Huyện ủy Cam Lộ phải trợ cấp mới làm được căn nhà nhỏ để ở khi về quê.
                                            Vàng hết rồi.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét