Xuôi ngược chợ quê Lệ Thủy

Ngọc Hải

Lệ Thủy được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và chắc có lẽ, nhiều người không biết rằng ở Lệ Thủy, hầu hết các chợ đều không được đặt theo tên địa danh mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo.

Xuôi ngược những chợ quê xưa và nay

Từ mũi Viết, chúng tôi theo đò ngược dòng Kiến Giang ghé thăm chợ Trạm, thuộc làng Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy. Đây là một trong những chợ sầm uất và có lịch sử khá lâu đời của vùng “hai huyện” ngày xưa và Lệ Thủy ngày nay. Lúc đầu chợ họp theo phiên, sau chuyển sang họp hàng ngày, vào buổi chiều nên gọi là chợ hôm Trạm.

Theo truyền khẩu dân gian thì chợ Trạm có từ thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Vùng đất An Trạch (xã Mỹ Thủy bây giờ) lúc ấy gọi là trạm (một điểm trong hệ tuyến hành chính- quân sự thời phong kiến), tụ hợp khá đông dân binh nên chợ được hình thành theo yêu cầu đời sống và có tên gọi là chợ Trạm. Từ năm 1957 trở về sau, chợ chuyển sang họp buổi sáng để thuận tiện cho khách đường xa, chợ hôm Trạm lại được gọi trở lại tên khởi đầu là chợ Trạm. Năm 2003, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí xây dựng và di dời chợ Trạm xuống bãi bồi sát mép sông Kiến Giang, cách chợ cũ vài trăm mét, diện tích thoáng, rộng thuận lợi giao thông thủy, bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển chợ hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, thu hút khách hàng...

              Nhiều sản vật của làng, gia đình được bày bán tại chợ quê Lệ Thủy.

Rời chợ Trạm chúng tôi lại xuôi dòng Kiến Giang ghé vào thăm chợ Tréo, một trong những ngôi chợ sầm uất, thu hút khách phương xa khi ghé thăm Lệ Thủy. Vì sao có tên chợ Tréo? Theo các bậc cao niên thì bờ hữu ngạn Kiến Giang đoạn nguồn Trạm-Hà Thanh có thế đất vòng cung không vuông vắn, đình chợ ngày xưa dựng lệch so với thuật phong thủy nên gọi chợ Tréo. Nhưng theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học thì danh từ chợ Tréo là tiếng thuần Việt, trong quá trình biến đổi và phát triển, đất này theo tiếng Việt cổ gọi “là K, Leo” trở thành “Tréo”.

Chợ Tréo có từ bao giờ? chưa có một tài liệu nào ghi lại nhưng có lẽ do ở đâu quần tụ dân cư là có chợ. Chợ Tréo họp thường ngày, đông vào buổi sáng, thu hút khách tứ xứ, trở thành trung tâm thương mại về nông phẩm, đặc biệt là lúa gạo và lâm thổ sản của hai huyện Lệ Thủy - Khang Lộc thời xưa. Chợ Tréo bây giờ đã được xây dựng lại, quy mô, hàng hóa cực kỳ phong phú.

Chúng tôi lại tiếp tục xuôi dòng Kiến Giang ghé thăm một ngôi chợ mang cái tên rất lạ: “chợ Thùi” ở xã An Thủy. Người Lệ Thủy vẫn thường hỏi nhau: Thùi là gì, nhưng chưa có ai có cách lý giải thỏa đáng. Tuy nhiên, theo một tài liệu, thì chữ “Thùi” được lý giải là quán lợp lá. Từ đó có thể suy ra, chợ Thùi có nghĩa là những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng. Chợ Thùi xưa ở địa phận làng Thạch Bàn, tọa lạc trên một khuôn viên cạnh bờ sông Kiến Giang. Tuy là chợ làng nhưng có nhiều người ở các địa phương xung quanh đến mua bán, kinh doanh. Năm 1960, chợ Thùi được di dời sang Phú Thọ, cách chợ cũ khoảng 200m. Đến địa điểm mới nhưng chợ Thùi vẫn mang tên cũ và đặc sản, hàng hóa vốn có từ trước vẫn không thay đổi. Ít ai biết rằng chợ nhỏ này đã có tuổi đời trên dưới 700 năm và đang được bảo tồn cho đến ngày hôm nay.

Nơi lưu giữ sản vật quê hương

Người ta thường bảo, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa, tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến... chợ. Bởi vậy, không biết từ bao giờ ở Lệ Thủy đã lưu truyền vè dân gian giới thiệu những sản vật tiêu biểu của các làng quê trong huyện thông qua các chợ:

Trâu, chè, thơm, mít: chợ Động
Tôm, cua, cá bống: chợ Chè
Cam, quýt, đậu, mè: chợ Trạm
Chim, ốc, hến, rạm: chợ Thùi
Bún, thịt heo, tràn đầy: chợ Tréo
Cá biển khắp nẻo: chợ Tuy
Thu, ngừ, mực, nuốt, chi chi: chợ Cưởi
Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi: chợ Mỹ Đức
Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền.

Bài vè đã thể hiện được đặc điểm của từng ngôi chợ. Đến chợ Tréo, ngoài việc mua sắm, trao đổi hàng hóa, vật dụng, khó có thể bỏ qua món bún thịt; không quên đem về cho con trẻ mấy tấm bánh tráng, bánh đúc và mua thêm vài chiếc nón lá Quy Hậu tặng người thân. 

Rồi đặc trưng của chợ Thùi là các loại thủy hải sản như: ốc, cua, cá, hến... Ẩm thực ở chợ Thùi là những món ăn dân dã được nhiều người thích dùng như: bánh đúc, bánh bèo, bánh ít, bánh bột lọc, cháo bánh canh...

Người bán, người mua chợ quê ở Lệ Thủy cứ thong dong, không tranh giành hàng hóa. Họ đi chợ buổi sáng, để trao đổi, mua bán hàng hóa, cũng là nơi để giao lưu. Đi chợ đã trở thành một nét văn hóa đẹp, không thể thiếu của người xứ Lệ...

Theo ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy thì, chợ quê Lệ Thủy có phong cách, lề lối riêng. Đây là nơi phản ánh nhịp sống của làng quê đồng thời để người dân buôn bán những sản vật của làng, gia đình mình. Tại Lệ Thủy, hoạt động giao thương, buôn bán qua hình thức họp chợ cũng trải qua bao biến động của nền kinh tế đất nước và của địa phương. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, ngoài duy trì bày bán một số mặt hàng truyền thống của địa phương, các tiểu thương còn kinh doanh buôn bán hàng trăm chủng loại hàng hóa của mọi miền đất nước. Vào những dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán các chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn.

Những con hói quê hương

Diệu Hương

Ở Lệ Thủy, có một hệ thống các con hói (kênh) liền kề như các nan quạt. Lịch sử đã khoác lên vai những dòng chảy ấy những giá trị thiêng liêng mà đến hôm nay, mỗi khi nhắc về nó, thế hệ xưa cũ của người Lệ Thủy vẫn thấy nao lòng.

Nhưng hôm nay, nhiều người Lệ Thủy vẫn đau đáu mãi một điều: những con hói đầy ắp kỷ niệm với nhiều người đang dần bị vùi lấp bởi ngổn ngang rác thải nhưng đau đớn hơn, chúng đang bị vùi lấp bởi chính sự vô ý thức của người dân, sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Hói quê

Mảnh đất Lệ Thủy được tạo hóa ban phú cho dòng Kiến Giang và một hệ thống các con hói chằng chịt, nhất là phía tả ngạn dòng sông. Chỉ tính riêng xã An Thủy đã có 8 con hói lớn nhỏ. Xưa, cứ mỗi độ mùa về, dòng Kiến Giang lại đông vui rộn rã với những chiếc thuyền chở lúa vàng trĩu hạt.

Những chuyến đò chở ấm no, đủ đầy ấy lại xuôi theo các con hói rẽ về các làng, neo đậu lại ở các bến bãi rợp bóng mát. Dòng Kiến Giang cứ thế bình dị đi vào thơ văn, nhạc họa và đi sâu cả vào tâm thức của bao người dân quê lúa.

Nhiều người ví những con hói chính phía tả ngạn dòng Kiến Giang như 5 ngón tay trên cùng một bàn tay, gắn bó, thiết thân và không thể tách rời. Ở đó, có con hói Xuân Lai thông với Thạch Bàn, hói Cùng thông với Văn Xá, hói Cừa thông với Phú Hòa, hói Ngay thông với Phú Kỳ, hói Thạch Bàn, hói Phú Thọ vừa thông ra phá Hạc Hải vòng lên Mỹ Đức, Ngô Xá, lên núi Cẩm Ly. Với người Lệ Thủy, họ không biết những con hói này có tự bao giờ, chỉ biết mỗi thế hệ mới được sinh ra, đã thấy chúng hiện diện trong chính mạch nguồn đời sống của làng quê mình.

Với 17 năm làm chủ tịch UBND xã An Thủy, ông Võ Đăng Tiến (73 tuổi, Lộc Thượng, An Thủy) là người hiểu khá sâu sắc lịch sử lâu đời của hệ thống các con hói lớn nhỏ chảy qua vùng quê này. Theo ông, xưa, để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, giải phóng sức lao động mỗi khi mùa lúa về và nhất là để giải quyết úng hạn, tưới tiêu nước, nhân dân An Thủy lại đào thêm những con hói mới, cải tạo những con hói cũ.

“Quá trình đó kéo dài trong nhiều năm, lặp lại nhiều lần. Vậy nên, ở An Thủy mới có một hệ thống hói chằng chịt như rứa. Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 80, chính quyền huyện đã huy động lực lượng triển khai đào sâu, cải tạo lại tất cả các con hói trên địa bàn huyện”, ông Tiến gật gù. Trải qua nhiều đổi thay của lịch sử, đến hôm nay, không riêng gì hói Quan mà một số con hói ở Lệ Thủy vẫn vẹn nguyên giá trị trong đời sống sinh hoạt của người dân quê lúa, trong đó, giá trị nhất là hói Cùng.

           Hệ thống các con hói có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Lệ Thủy.

Đây là con hói chảy qua giữa hai làng Xuân Lai (Xuân Thủy) và Lộc Thượng (An Thủy). Ra đời từ lâu đời, năm 1977, hói Cùng được “nắn” lại để phù hợp với địa thế và nhu cầu của nhân dân. Anh Võ Văn Tấn, trưởng thôn Lộc Thượng cho hay: “Không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu, thoát úng mỗi khi mưa bão, lũ lụt mà với hệ thống đê vững chắc dài hàng cây số, hói Cùng còn là con đường giao thông quan trọng phục vụ cho nhu cầu đi lại của bà con mỗi mùa thu hoạch”. 

Đang bị lãng quên?

Ông Lê Minh Tâm (Đồng Phú, Đồng Hới) - một người con của quê hương Lệ Thủy - cứ trăn trở khôn nguôi là làm sao để những con hói hàng trăm năm tuổi ấy có thể trở về vẹn nguyên hình hài như thuở trước? Ông bảo, xưa kia, con hói Xuân Lai chảy qua làng mình có dòng nước thay đổi theo thời tiết và không giống như các con hói khác ở chỗ: sông nào cũng trong xanh về mùa hè, cáu đục vào mùa mưa, duy chỉ có hói Xuân Lai thì nắng đục, mưa trong. Nhưng những năm gần đây, bất kể mưa nắng, con hói này trở nên đen ngòm, tràn ngập rác và bốc mùi tanh nồng mỗi khi nắng gắt. Cây cối hai bên bờ mọc um tùm cùng với sự lấn chiếm dần của các công trình dân sinh, chưa kể đến một thời gian dài bị lãng quên, không được nạo vét, khơi thông khiến con hói dần bị thu hẹp.

Hầu hết các con hói lớn nhỏ ở Lệ Thủy cũng đang cùng chung số phận bị bỏ mặc khi có nơi thì nước đục ngầu, cáu bẩn, có nơi bị ngăn dòng chảy đến cạn khô và nghiễm nhiên trở thành một hố rác khổng lồ ngay giữa khu dân cư. Phía hữu ngạn sông Kiến Giang, con hói Đợi chảy qua giữa hai làng Đại Phong (Phong Thủy) và Tuy Lộc (Lộc Thủy) cũng trong tình trạng tương tự.

Nơi đây xưa kia vốn là địa điểm diễn ra lễ hội tát vung nổi tiếng, được tổ chức vào dịp tháng hai âm lịch vào những năm lúa chẹn đồng để cầu mưa, mong mùa màng bội thu. Có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, mang giá trị văn hóa tâm linh thiêng liêng nhưng điều đáng buồn là hiện nay con hói này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bị chặn dòng nước nên hói Đợi cạn đáy và ngổn ngang rác thải.

Dọc theo phía tả ngạn sông Kiến Giang đoạn qua địa phận xã An Thủy, việc bị bồi lấp, ô nhiễm trong lãng quên vẫn là thực trạng chung của cả 8 con hói lớn nhỏ. Có những con hói bề ngang nhiều đoạn chưa tới 1 mét. Mùa mưa còn đỡ, ngày nắng gắt thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đem những điều “mắt thấy, tai nghe” ấy thắc mắc với ông Võ Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thủy, chúng tôi cũng nhận được cái lắc đầu bất lực. Ông bảo, vẫn biết rằng hệ thống các con hói có ý nghĩa rất lớn nhưng nhiều năm gần đây, chính quyền xã cũng chưa thể có những nỗ lực để nạo vét, khơi thông bởi vẫn tại lý do muôn thuở: thiếu kinh phí. Tất cả đều trông chờ vào chính ý thức của người dân, nhưng điều này có vẻ khó!

Xe cộ thay cho thuyền bè, hệ thống nước sạch thay cho nước sông, hói, cùng với đó là việc xây dựng một số các công trình thủy lợi trên địa bàn gây ảnh hưởng đến dòng chảy sông Kiến Giang nên giá trị sử dụng của các con hói đang dần bị thu hẹp.

Trở lại với hói Xuân Lai (Xuân Thủy), cứ đến dịp lễ hội, chính quyền địa phương mới huy động khơi thông phía đầu con hói để dễ dàng cho thuyền bơi qua lại, còn quanh năm, con hói bị bỏ quên trong ô nhiễm và ứ đọng. Thêm nữa, hầu hết các con hói hai bên bờ sông Kiến Giang đều nằm giữa hai thôn hoặc hai xã nên việc “cha chung không ai khóc” cũng là một thực tế đáng buồn. 

Theo ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, do điều kiện kinh phí nên thời gian tới, huyện chỉ có thể tiến hành cải tạo một vài con hói chính. Theo đó, kế hoạch trung hạn của UBND huyện Lệ Thủy, trong năm 2017 sẽ tiến hành nạo vét 1,5 km đầu tiên của hói Xuân Lai, với mức đầu tư 1 tỷ đồng. Con số này có vẻ khá khiêm tốn với một hệ thống dày đặc các con hói lớn nhỏ ở hai bên bờ sông Kiến Giang và càng “như muối bỏ bể” với nhu cầu bức thiết của người dân hiện nay.

Trò chuyện với tôi, ông Đặng Ngọc Tuân, một người con của quê hương Lệ Thủy hiện đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội cứ trăn trở mãi: “Làm sao cũng phải quyết giữ lại những con hói này, bởi đó là môi trường sinh thái, là văn hóa, lịch sử và còn là ký ức. Việc làm cần thiết và cũng dài lâu nhất là tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường sống cho chính người dân.

Trước mắt, các địa phương phải huy động các hội, đoàn thể tổ chức dọn dẹp vệ sinh và coi đó là hoạt động thường niên. Đừng để các con hói trở thành hói chết”.

Có lẽ như lời ông nói, từ việc bảo vệ những con hói nhỏ đến việc giữ gìn nguồn nước mát trong của dòng Kiến Giang đều cần nhiều lắm sự quyết liệt của chính quyền các cấp và quan trọng hơn cả là ý thức của từng người dân.

* * *

Về Kiến Giang hôm nay, sải bước trên những cây cầu vững chãi, cảm nhận cuộc sống chảy trôi đôi bờ sông Kiến, tôi chợt nhớ câu thơ cuối trong bài thơ "Những con sông" của Bế Kiến Quốc: "Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông". Bao thế hệ người Lệ Thủy tự hào đã được sinh ra và đi qua những năm tháng cuộc đời mình cùng dòng sông quê hương ngọt mát. Với họ, dòng Kiến Giang sẽ mãi là suối nguồn tha thiết, mật ngọt, tưới tắm bao mảnh đất, bao tâm hồn người.

Những cây cầu bắc qua dòng sông Kiến

Diệu Hương

Tôi nhớ cách đây gần 10 năm, khi cây cầu Kiến Giang được thông xe, cụ ông cạnh nhà dù đã ngót nghét 90 tuổi vẫn cứ năn nỉ con cháu dẫn mình lên cầu để được ngắm nhìn công trình lớn nhất huyện Lệ Thủy lúc bấy giờ. Cụ bảo: chỉ cần ngắm thôi thì dù có “ra đi” lòng cũng thanh thản. Trong ánh mắt lấp lánh nắng trên sông của cụ hôm ấy chất chứa cả niềm vui và hạnh phúc của bao đời người dân xứ Lệ.

Lần lượt, cầu Kiến Giang, rồi cầu Phong Liên đã sừng sững bắc qua dòng sông ấy, riêng cây cầu Phong Xuân cũng sắp sửa hoàn thành, vậy là ước mong của người dân quê lúa về những cây cầu vững chãi bắc qua dòng sông quê đã không còn là mơ ước xa xôi.

“Khán đài” giữa dòng sông

Nhiều năm trước, khi cây cầu Kiến Giang mới chỉ tồn tại trong ước vọng, thì đò ngang, đò dọc trở thành phương tiện lưu thông phổ biến của người dân hai bên sông. Tiếng gọi “đò ơi” vang vọng giữa bốn bề sông nước rồi lọt thỏm giữa mênh mang gió lùa. Bạn tôi – một đứa trẻ vừa lên 10 - ngày đó cũng mất mẹ trong một chuyến đò dọc định mệnh. Nỗi đau không dễ nguôi ngoai, mỗi buổi hoàng hôn về, bạn lại ra bờ sông ngóng mẹ. Không riêng gì đứa trẻ tuyệt vọng đợi mẹ về bên bờ sông lạnh lẽo mà những năm tháng ấy, người Lệ Thủy ai cũng chỉ ước mong có một cây cầu vững chãi bắc qua sông, nối gần lại đôi bờ dòng sông Kiến, để vơi đi những giọt mồ hôi nhọc nhằn trong những ngày nắng lay lắt, để bớt đi những buổi còng lưng vượt quãng đường xa ngái khi mưa bão về. Rồi ước mơ ấy đã thành hiện thực khi tháng 4-2007, cầu Kiến Giang được khánh thành trong vỡ òa niềm vui và hạnh phúc của người dân quê lúa. Cầu dài 363 m, rộng 14 m, khởi công xây dựng vào tháng 4-2004 với tổng mức đầu tư trên 77 tỉ đồng.

Với huyện Lệ Thủy, cầu Kiến Giang là một gạch nối giao thông quan trọng nằm trên tỉnh lộ 16, nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân trong huyện, rút ngắn khoảng cách hai bên bờ sông và làm gần lại bước chân du khách đến với lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, suối nước nóng Bang... Ngày đó, người Lệ Thủy hy vọng có cây cầu này sẽ đồng nghĩa với việc mở được một cánh tay lớn phát triển kinh tế - xã hội về phía tây huyện, có thêm điều kiện khai thác đất rừng, gò đồi, giãn dân xây dựng kinh tế mới.
                    Cầu Kiến Giang – “khán đài” lớn giữa dòng sông

Và ngót nghét 10 năm trôi qua, niềm hy vọng ấy đã thành hiện thực khi cùng với nhiều công trình trọng điểm khác, cây cầu Kiến Giang đã thực sự làm thay đổi bộ mặt của huyện Lệ Thủy. Cây cầu đã hoàn thiện huyết mạch giao thông quan trọng là tỉnh lộ 16, góp phần phát triển kinh tế của phía tây huyện, đủ điều kiện để vươn lên mạnh mẽ phát triển kinh tế đa ngành, đa nghề. Và khu tái định cư ngay dưới chân cầu Kiến Giang hôm nay (tổ dân phố 1 và tổ dân phố 7, thị trấn Kiến Giang – PV) chính là minh chứng cụ thể nhất cho sự đổi thay của mảnh đất phía bên sông khi có sự hiện hữu của cây cầu nối hai bờ thương nhớ. Khi cầu Kiến Giang mới chỉ tồn tại trong niềm mơ ước của người dân xứ Lệ, vùng đất này chỉ là một bãi ruộng mênh mang, hiu hắt mỗi khi lũ đến, mưa về. Vậy mà nay, đây có thể coi như một khu đô thị trẻ với những nhà cao tầng mọc lên san sát, với đủ hàng quán và nhiều loại hình dịch vụ. Riêng với người Lệ Thủy, trọn một thập kỷ qua, cây cầu Kiến Giang còn như một khán đài lớn để nhân dân có thể đứng trên cầu, phóng tầm mắt ra giữa dòng sông để rồi hòa vào không khí rộn rã, nô nức của hội đua thuyền truyền thống trên sông. Nhưng cao hơn cả, cầu Kiến Giang chính là món quà quý giá mà Đảng, Nhà nước tặng cho quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như một lời tri ân sâu nặng với mảnh đất đã sinh ra một người con ưu tú, một tượng đài nhân cách lớn của dân tộc.

Đổi thay phố thị

Được khởi công từ năm 2011, cầu Phong Liên có tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng, nối liền hai bên bờ nhánh chính của sông Kiến Giang. Đây là công trình được thiết kế dạng cầu vòm bê tông cốt thép, gồm 5 nhịp dài, có bề dài 111,5m, rộng 15,1m, trọng tải là 93 tấn và quy mô tuyến theo tiêu chuẩn đường đô thị loại II. Đến tháng 8-2014, người Lệ Thủy tự hào đặt những bước chân đầu tiên lên cây cầu vững chãi, vun vén lên đó bao ước vọng về sự đổi thay của quê hương mình.

Cầu Phong Liên được xây dựng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần chỉnh trang đô thị của thị trấn Kiến Giang, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện Lệ Thủy. Ông Lê Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang vui vẻ chia sẻ cho chúng tôi những đổi khác của thị trấn kể từ ngày cây cầu ý nghĩa ấy được thông xe. Đó không chỉ là sự thúc đẩy cung cầu trong thương mại, dịch vụ, trong phát triển các ngành nghề kinh tế khác, không chỉ nối liền các tuyến đường giao thông quan trọng mà đã khoác áo mới lên bộ mặt vùng quê này. Và đúng như lời ông chủ tịch UBND thị trấn, khi bước lên tòa nhà cao tầng ngay phía chân cầu, phóng tầm mắt nhìn xuống, cầu Phong Liên sang trọng và lịch lãm, xe cộ rộn rã qua về. Ở một góc nhìn khác, ngay dưới dòng sông nhìn lên, cây cầu đẹp như một bức tranh nên thơ với những nhịp vòm mềm mại soi xuống dòng sông. Sẽ không hề khập khiễng nếu nhìn cầu Phong Liên với đôi mắt mơ mộng để rồi thấy thấp thoáng dáng dấp của cây cầu Pont Neuf – cây cầu vòm cổ nhất bắc qua dòng sông Seine của thủ đô Paris, nước Pháp. Phải chăng mọi cây cầu bắc qua sông đều mang đến cho con người ta cảm giác bình yên?

Cũng mang kiến trúc dạng cầu vòm, cầu Phong Xuân đang được xây dựng thay thế cây cầu cũ – vốn là một công trình giao thông nằm ngay giữa trung tâm hành chính của huyện Lệ Thủy. Khởi công từ tháng 7-2015, công trình cầu Phong Xuân có tổng mức đầu tư 49,8 tỷ đồng, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và có chiều dài toàn cầu là 79,1m, bề rộng cầu 16m, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị loại II. Trên công trường giữa mênh mang sông nước Kiến Giang, những kỹ sư, công nhân của Công ty cổ phần công trình đường sắt đang gấp rút hoàn thành công trình mang ý nghĩa quan trọng này. Anh Dương Đức Nghĩa, Giám đốc BQL các dự án huyện Lệ Thủy cho biết: “theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào tháng 12-2016 nhưng đơn vị thi công họ hiểu, với người Lệ Thủy, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là linh hồn của quê hương nên họ hứa sẽ hoàn thành trước dịp lễ hội 2-9, để hội đua thuyền vẫn diễn ra bình thường, tất nhiên là vẫn đảm bảo chất lượng công trình”.

Vậy là lễ hội năm nay, người Lệ Thủy có thể tự hào đi trên 3 cây cầu rộng rãi, vững chãi, cùng hòa vào tiếng hò reo cổ vũ, cùng náo nức theo tiếng hò hụi và tiếng gõ mõ giữa mênh mang sông nước. Qua bao chìm nổi của phận người, đời sông và lịch sử quê hương, những cây cầu ấy đã, đang và sẽ mãi hiện diện sừng sững như thế giữa sông nước Kiến Giang và cũng sẽ mãi vững chãi trong chính tâm hồn, trái tim của bao người dân xứ Lệ.

Chùa cổ Hoằng Phúc đã hồi sinh

Chùa Hoằng Phúc (Thuận Trạch, Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) có tuổi đời hơn 750 năm tuổi. Điều đặc biệt là 700 năm trước, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã ghé đến thuyết pháp trong chuyến kinh lý về phía Nam xa xôi để giảng kinh Phật với người dân.



      Dáng vẻ mới sau phục dựng của ngôi chùa từng đổ nát có lịch sử hơn 700 năm.

Trải qua bao dâu bể biến thiên, ngôi chùa bị thời gian và bom đạn phá hủy, địa chỉ linh thiêng của hàng trăm năm bị vùi lấp trong hoang tàn của nhân gian. Phật tử miền bắc rồi địa phương cùng một số doanh nghiệp…đã phát tâm công quả hơn 40,4 tỷ đồng khảo sát, phục dựng lại ngôi chùa trên nền cũ theo kiến trúc thời nhà Trần.

Sau một năm thi công, chùa Hoằng Phúc đã hoàn thành, ngày khánh hạ được tổ chức vào thứ 7, 16-1-2016 tới. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến, một lều cỏ nhỏ.


“Trúc lâm đại sĩ trúc sơn chi đồ” mô tả Phật hoàng Trần Nhân Tông rời núi đi giảng pháp lý.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông được rước đón long trọng nhưng ngài chọn lều cỏ là Am Tri Kiến để hoằng pháp không chọn cung phủ trong vùng. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

Chùa từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Cuối năm 2015 chùa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia. Chùa được phục dựng hoàn thành là niềm mong ước của hàng vạn phật tử trong vùng cũng như của nhiều người ở miền Trung và của cả nước vì vị trí thiêng liêng trong lịch sử tồn tại của Hoằng Phúc.

Đặc biệt trong công trình phục dựng tôn tạo này có bức tranh bằng gốm dài hơn 10m, cao 5m có tên: “Trúc lâm đại sĩ trúc sơn chi đồ”, mô tả Phật hoàng Trân Nhân Tông rời núi Trúc tâm cầu an giúp dân. Trong quá trình phục dựng, nhiều tượng cổ cũng được phát hiện, khai quật và đưa vào thờ tự trong chùa như các bảo vật lớn.

Một số hình ảnh ở công trình phục dựng ngôi chùa linh thiêng này:













Minh Quê

Nguyễn Hữu Cảnh và chuyến kinh lược đất Biên Hòa-Đồng Nai


                               
                                Mốc mở rộng cương vực của Đại Việt về phía Nam

I. Vài nét về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh

Nguyễn Hữu Kính (1650 – 1700) – xưa nay họ tên ông vẫn lưu truyền phổ biến là Nguyễn Hữu Cảnh1 – là một tướng giỏi đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725), là con thứ của danh tướng Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Thời niên thiếu, Ông đã theo cha phục vụ trong quân ngũ đến bậc Cai Cơ. Ông đã lập công trạng lớn đầu tiên khi chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1692 phái ông làm Thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân đánh vua Chiêm là Kế Bà Tranh, bình định biên cương. Sau đó Ông được Chúa Nguyễn thăng chức Chưởng cơ và cho làm Trấn thủ dinh Bình Khương. Ông chính là người có công kinh lược sứ Đồng Nai – Gia Định vào năm 1689.

Mùa thu năm Kỷ Mão (1699) vua nước Chân Lạp là Nặc Thu làm phản, Chúa Nguyễn hạ lệnh cử Trấn thủ Bình Khương Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm chức Thống binh cùng phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân sĩ từ Dinh Bình Khương, cho đóng 7 thuyền chiến thuộc binh của Quảng Nam vào Trấn Biên, hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc trấn vệ biên cương. Mùa xuân năm Canh Thìn (1700) đánh bức luỹ Nam Vang và Bích Đôi. Nặc Yêm, Nặc Thu phải xin hàng. Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về cù lao Cây Sao. Sau đó Ông bị đánh lén dẫn đến trọng thương, về tới Rạch Gầm thì mất2, năm ấy 51 tuổi. Chúa Nguyễn phong tặng là Hiệp Tán Công Thần Đặc Tiến Chưởng Dinh, thuỵ là Trung Cần, ban cho vàng lụa để hậu táng. Năm Gia Long thứ 4 (1805) tặng là Tuyển Lực Công Thần Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm y vệ Đô Chỉ Huy Sứ Ty Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sư Phó Tướng Chưởng Cơ, liệt vào hàng Thượng Đẳng Thần, Minh Mạng thứ 12 (1831) tặng Thần Cơ Dinh Đô Thống Chế, Vĩnh An Hầu. Các Triều đại đều có Sắc phong Thượng Đẳng Thần: Gia Long thứ 4 (1805), Minh Mạng thứ 3 (1822), Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), Tự Đức năm thứ 5 (1852).

Hiện nay lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi rộng của dãy núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

II. Công cuộc kinh lược đất Biên Hòa – Đồng Nai

Đất Đồng Nai trước khi lưu dân Việt vào khai phá

Đồng Nai là một tỉnh miền Đông Nam bộ, có lịch sử lâu đời. Trong lòng đất Đồng Nai bảo tồn nhiều dấu vết của cuộc sống con người nguyên thuỷ. Nhờ vào những phát hiện khảo cổ học từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng Nai nói riêng, lưu vực sông Đồng Nai nói chung được biết đến với tư cách một vùng đất từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của những cộng đồng người cổ.

Qua hàng loạt các địa điểm trên vùng đất Đồng Nai như : Dầu Giây, An Lộc, Hàng Gòn, Cam Tiêm, Bình Lộc, Núi Đất, Phú Quý… đã phát hiện những công cụ lao động của người cổ. Đó là những hiện vật thời đồ đá cũ, thời đại lịch sử đầu tiên và chiếm khoảng thời gian dài nhất trong xã hội loài người.

Khoảng cách đây 2500 năm, cư dân Đồng Nai đã bắt đầu bước vào thời đại kim khí. Nền văn hoá thời đồ sắt ở Đồng Nai kết gắn hai giai đoạn phát triển đồng – thau và sắt sớm. Từ trong văn hoá đồng đã manh nha văn hoá sắt sớm với hàng loạt di chỉ tiêu biểu được phát hiện: Dốc Chùa, Bình Đa, Cái Vạn, Suối Chồn, Hàng Gòn, Long Giao… Cư dân cổ Đồng Nai phát triển cao về chất lượng, số lượng, xã hội được đẩy lên ở những bước cao, đầy đủ những yếu tố chuyển tiếp cho giai đoạn phát triển mới. Hình thành các tộc người, cơ sở cho việc phát triển các quốc gia sơ khai trên vùng đất Đồng Nai đầu công nguyên. Đó chính là vương quốc Phù Nam ra đời vào khoảng thế kỷ II trước công nguyên.

Vào đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Sử ký của nhà Tùy chép rằng nước Chân Lạp ở về phía tây nam Lâm ấp, nguyên là một chư hầu của Phù Nam. Vua nước ấy là Ksatriya Citrasena đã đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam4. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh. Vùng đất Nam Bộ nói riêng và Đồng Nai nói chung chuyển sang sự quản lí của chính quyền Chân Lạp.

Theo sử cũ còn để lại, trên vùng đất rộng lớn, mênh mông này, khi Chân Lạp quản lí ở đây thì có các dân tộc Stiêng, Mạ, Kơ ho, M’nông, Chơro sinh sống. Trong đó đông nhất là người Stiêng và người Mạ, đã sinh sống trên địa bàn này từ rất lâu đời. Dân số ít, sống thưa thớt, kỹ thuật sản xuất thô sơ và trình độ xã hội còn thấp. Ngoài các tộc người trên, còn có một vài sóc người Khơ me nằm trên mấy giồng đất cao. Đây là dân nhập cư từ Lục Chân Lạp sang vì lý do chính trị (tránh loạn) hơn là vì lý do kinh tế. Sau khi Chân Lạp chiếm được Phù Nam, vùng đất Nam Bộ ngày nay được gọi là Thuỷ Chân Lạp. Việc cai quản vùng lãnh thổ mới đối với Chân Lạp hết sức khó khăn. Trước hết đây là một vùng đồng bằng mới bồi lấp còn ngập nước và sình lầy, người Khmer với dân số ít ỏi chưa thể tổ chức khai thác trên quy mô lớn. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Châu Lạp cũng còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Vào nửa sau thế kỉ thứ VIII quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thuỷ Chân Lạp bị quân Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya. Cục diện này mãi đến đầu thế kỷ IX mới kết thúc.

Sau đó người Khmer lúc này muốn dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của họ ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mê Kông và hướng nỗ lực bành trướng sang phía tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm lên cả lưu vực sông Chao Phaya. Trong khi đó qua các di tích khảo cổ học, dấu tích của văn hoá Khmer và văn minh Angkor ở vùng Đồng Nai – Gia Định hết sức mờ nhạt3.

Do chiến tranh và phải tập trung công sức phát triển các trung tâm ở vùng lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII theo như Chu Đạt Quan viết lại: “vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những bụi rậm của khu rừng thấp… tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi… những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…”4.

Trên vùng đất Đồng Nai vào cuối thế kỷ XVI, về cơ bản, vẫn là một vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Theo Lê Quý Đôn “Ở phủ Gia Định , đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”5.

Như vậy đến trước năm 1698, vùng đất miền Đông Nam bộ trong đó có Đồng Nai, trên danh nghĩa, thuộc Chân Lạp, nhưng “thuộc” một cách lỏng lẻo, là vùng “trái độn” giữa Chân Lạp và Đàng Trong. Các dân tộc vẫn sống tự trị và một số sóc Khơ me lẻ tẻ chưa hợp thành đơn vị hành chính thuộc triều đình La Bích (Chân Lạp). Dân Khmer tập trung khai thác các vùng đất màu mỡ quanh Biển Hồ, chưa có nhu cầu và nhân lực để khai hoang vùng trũng thấp Thủy Chân Lạp. Vùng đất này cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII là vùng đất hoang vu, đất tự do của các dân tộc, là đất hoang cả về kinh tế lẫn chủ quyền.

Tình hình đất Đồng Nai trước khi chúa Nguyễn kinh dinh

Vùng đất Đồng Nai hầu như hoang vắng vào cuối thế kỷ XVI thì vào đầu thế kỷ XVII trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di cư vào.

Những lưu dân Việt thuộc lớp tiên phong đi vào vùng đất mới Đồng Nai – Gia Định lập nghiệp làm thành nhiều đợt trước cả thời Trịnh – Nguyễn phân tranh nhưng dâng lên thành làn sóng mạnh mẽ hơn là vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Phần đông họ chọn phương thức tự động, đi lẻ tẻ, hoặc cả gia đình, hoặc những người khỏe mạnh đi trước tạo dựng cơ nghiệp rồi đón cả gia đình đến sau, hoặc một vài gia đình cùng cả xóm kết nhóm với nhau cùng đi. Phần lớn họ chọn thuyền buồm hay ghe bầu làm phương tiện di chuyển chính, bởi lúc bấy giờ di chuyển giữa các phủ miền Trung với Đồng Nai – Gia Định chủ yếu là đường biển, một số người phải trèo đèo lội suối đi đường bộ, đi dần từng chặng một, đến một địa phưong ở lại một thời gian, thấy bám trụ được thì ở lại lập nghiệp, bằng không đi tiếp và lần hồi cũng tới vùng đất mới Đồng Nai.

Tiến trình nhập cư của lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai – Gia Định từ lẻ tẻ rời rạc, dần dần có quy mô lớn hơn. Những lưu dân Việt từ việc lập những làng xóm nhỏ trên vùng đất Đồng Nai đã thôi thúc các chúa Nguyễn đặt những bước tiến lớn hơn trên vùng đất này.

Thành quả của việc khai hoang và sản xuất của lưu dân người Việt cùng với các dân tộc bản địa trong thế kỷ XVII đã làm biến đổi bước đầu bộ mặt kinh tế Đồng Nai. Nơi đây từng là rừng núi hoang vu nay đã trở thành những cánh đồng lúa, vườn cây tươi tốt. Xóm làng hình thành ven sông là một đặc điểm nổi bật của cư dân Đồng Nai. Về sau khi giao thông phát triển thuận lợi thì xóm làng mới phát triển theo chiều ngang, chính vì vậy, việc vận chuyển buôn bán ra các phủ ở xứ Đàng Trong là điều tất yếu.

Công việc khẩn hoang đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Sự phân chia giai cấp ngày một diễn ra sâu rộng, tầng lớp địa chủ chiếm hữu ruộng đất dần dần được hình thành và số nông dân nghèo phải làm thuê, cuốc mướn hay làm tá điền ngày càng đông. Sự phân hoá xã hội ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ ngày một sâu sắc hơn.

Nhưng dẫu sao, những thành tựu đã đạt được về mặt khẩn hoang và khai thác nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn đầu đã đặt nền móng vững chắc cho công cuộc khẩn hoang và phát triển kinh tế vùng đất Đồng Nai – Gia Định trong các thời kỳ tiếp sau.

Chúa Nguyễn Thiết lập bộ máy chính quyền ở Đồng Nai

Trên cơ sở của một lực lượng di dân, khai khẩn vùng đất phương Nam từ trước nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Hữu Cảnh – một tướng tài giỏi kinh lược phía Nam vào mùa xuân năm Mậu Dần (1698).

Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng; đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Cụ thể là : Ông“lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên , lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá – lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ binh và thuộc binh để hộ vệ”6.

Đất đai lúc Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược (kể toàn phủ Gia Định) mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, trung bình một hộ 5 người thì ở toàn phủ Gia Định lúc này có đến 200.000 người. Ông chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh (Quảng Bình) đưa vào Nam cho ở đông đúc, thành lập xã, thôn, phường, ấp, chia đặt địa giới, khai khẩn ruộng đất, định lệ thuế, tô và dung, đồng thời lập sổ đinh, sổ điền.

Với việc xác lập chủ quyền bằng cách thiết trí hệ thống hành chính các cấp (phủ, huyện, phường, xã, thôn, ấp), lưu dân người Việt từ chỗ là kiều dân đã cùng với các tộc người khác trở thành thần dân của chúa Nguyễn.

Ở Đồng Nai (tức huyện Phước Long), đơn vị hành chính cơ sở là xã, phường, thôn, ấp, tượng. Vào thế kỷ XVIII, làng xã Đồng Nai vẫn được đặt dưới quyền quản lý của viên Xã trưởng. Xã trưởng được gọi bằng danh từ chính thức là Tướng thần Xã trưởng, trong khi bình dân gọi là Cai Xã từng được Thích Đại Sán nhắc đến trong Hải Ngoại ký sự của ông. Xã trưởng cùng với các kỳ mục, tức hương chức hay viên chức làng, họp thành Hội đồng làng xã, hay Hội đồng Kỳ mục. Chức vụ Xã trưởng thường được xếp tòng cửu phẩm. Các Xã trưởng có các phận sự: – Duy trì an ninh trong làng xã; Quản trị tài sản làng xã; Bảo lưu và thiết lập sổ địa bạ và sổ đinh; Phụ tá các quan trên trong các công vụ….

Trong Hội đồng Kỳ mục Đồng Nai, người ta thấy có những thành phần như sau: chức sắc gồm những người có chức quan, đương quan cũng như cựu quan cư ngụ trong làng; chưa có mấy người có khoa mục, lão nhiêu, kỳ mục, đa số là những người có tiền của đóng góp trong công việc xây dựng làng xã.

Trong sử liệu hành chánh ở cấp làng xã, Lê Quý Đôn cho chúng ta nhiều chi tiết về các chức vụ đã có ở Thuận Quảng ít ra trong thế kỷ XVIII: Cai thuộc và Ký thuộc trông coi các thuộc; Cai xã, Tướng thần, Xã trưởng trông coi các xã. Những chi tiết về bổng lộc cho các chức vụ này cho thấy hầu như không có những sự phân biệt về quyền hạn khác nhau của mỗi chức vụ trên.

Những loại đơn vị ở phủ Gia Định, Đồng Nai như thuộc, trại, bãi, nguồn, cửa, nậu,… không giống như những đơn vị có tổ chức tương đối hoàn chỉnh và ổn định ở Thuận Quảng. Sự kiện này cho thấy cơ cấu tổ chức làng xã trong thế kỷ XVIII ở phủ Gia Định chưa đi vào nề nếp; nếu chưa có những đơn vị hành chính cơ sở được định danh chắc chắn, thì cũng chưa thể có một cơ cấu quyền binh với các chức vụ có trách nhiệm và quyền hạn rõ rệt cho từng đơn vị tạm thời này. Tuy tạm thời cũng đã có một cơ chế quyền lực cơ sở vận hành ở các vùng định cư thuộc Đồng Nai. Với những tư liệu hạn chế ta cũng có thể hình dung guồng máy quyền lực nông thôn ở Đồng Nai có một số đặc điểm.

Tư liệu của Lê Quý Đôn cho chúng ta biết nhiều đến các chi tiết thuế má, quân sự ở đất Đồng Nai – Gia Định hơn là về làng xã, dân đinh: đấy là những chỉ dẫn khá chắc chắn cho thấy Đồng Nai ở thế kỷ XVIII chủ yếu vẫn là một phần đất nặng về khai thác tài nguyên trước mắt mà chưa có tổ chức quản lý làng xã vững vàng.

Sự hình thành cơ cấu xã hội nông thôn ở Đồng Nai đã diễn ra theo một quá trình thật phức tạp. Từ trước thế kỷ XVII và sau đó, xã hội nông thôn Đồng Nai đã có và còn có những thành phần dân cư bản địa, tuy ít ỏi và phân tán. Những nhóm dân tộc ít người mà gọi là Đê man có mặt đó đây ở miền Đông, sinh sống khá tập trung ở vùng bậc thềm cuối cùng của vùng Cao nguyên Nam Trung bộ, tức khu vực Di Linh – Lâm Đồng.

Xã hội nông thôn Đồng Nai còn có nhóm lưu dân người Hoa là một bộ phận di dân khá quan trọng sau người Việt. Họ sinh tụ trước hết trong các khu định cư ở vùng Bến Gỗ, Cù Lao Phố. Họ có cả một cơ cấu xã hội riêng biệt trong các làng xã của họ bắt nguồn từ truyền thống cộng đồng dân tộc người Trung Hoa ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Ở thời kỳ thành lập, cơ cấu xã hội được kiến tạo một cách tự phát do nhiều thành phần đến từ phía Bắc, cụ thể là ở Thuận Quảng, Phú Yên,… nói sự hình thành có tính cách ngẫu nhiên, vì các lưu dân đã chuyển cư vào Đồng Nai do sự thúc bách của nhiều động lực khác nhau, nhưng khi đến đất mới Đồng Nai, họ trở thành những cộng đồng làng xã mới. Cấu trúc xã hội khởi đầu này lại còn được quy định do từng phương thức lập làng của từng cộng đồng lưu dân, đặt ra các tiêu chuẩn để tuyển mộ từng thành phần xã hội khác nhau.

Khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Đồng Nai ngoài việc thiết lập hệ thống quản lý hành chánh đặt ra phường ấp xã thôn chia cắt địa phận, “lập bộ đinh bộ điền”, ông còn cho “chiêu mộ những người dân có vật lực từ các xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, Phủ Quảng Nghĩa và phủ Quy Nhơn thiên cư vào đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định”7. Chính những người dân có vật lực này, tức là những người giàu có, đã mang đến một sinh khí mới cho công cuộc khai khẩn đất đai ở đây, vì chỉ có họ mới có điều kiện tài chính để thuê mướn người làm (điền nô) tổ chức việc khai hoang với quy mô lớn. Những người di cư mới ra sức chặt phá cây cối, cắt cỏ rậm và mở mang đất đai thành những vùng đất bằng phẳng, thổ địa phù nhiêu.

III. Đánh giá, nhận xét về công lao của Nguyễn Hữu Cảnh

Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng: Đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá – lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ binh và thuộc binh để hộ vệ.

Việc làm của Nguyễn Hữu Cảnh có tác động lớn đến vùng đất mới. Vùng đất rộng, người thưa, dân cư gồm những người tha phương cầu thực đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, với bộ máy hành chính cụ thể, người dân chịu sự cai quản của nhà nước, sống theo trật tự xã hội và có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Cảnh thực thi chính sách dân tộc độc đáo khai thác tiềm năng của cộng đồng người Hoa và ổn định về xã hội cho họ yên tâm cùng với lưu dân Việt phát triển vùng đất Đồng Nai bằng cách lập đơn vị hành chánh riêng. Cụ thể là lập xã Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hoà), Minh Hương (Sài Gòn) ở Phiên Trấn.

Trên cơ sở khẳng định vùng lãnh thổ, chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện những chính sách khẩn hoang và phát triển kinh tế trên đất Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Qua cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 đã biến vùng đất Đồng Nai – Gia Định thực sự thuộc chủ quyền và đặt dưới sự quản lý của chúa Nguyễn. Nó đẩy nhanh quá trình khai khẩn đất hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất này. Những việc làm này đã đặt nền tảng xã hội cơ bản. Từ đây Đồng Nai – Gia Định trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.

Chú thích:
Về tên gọi của Kính hay Cảnh, tham khảo bài viết Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1, 2014 của tác giả Đinh Văn Tuấn.
Về cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh do mất vì bạo bệnh hay tử trận, tham khảo bài viếtGóp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1, 2014 của tác giả Đinh Văn Tuấn.
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, quyển 2A, Sơn xuyên chí, trang 6.
Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, bản dịch, trang 80.
Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, trang 345.
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, phần 3, Cương vực chí, trang 4.
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, phần 3, Cương vực chí, trang 17.

HUYỀN THOẠI CỦA NHÂN LOẠI - BÁC VÕ NGUYÊN GIÁP

Hoàng Thu Thủy

BBT: Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Tiến sỹ Hoàng Thu Thủy, người đã uống dòng sữa Kiến Giang để lớn lên, nay đang công tác tại Huế. Bài viết tuy đã lâu nhưng nay BBT mới phát hiện ra và rất đáng trân trọng những tấm lòng như vậy. 

 
                         Đại tướng tại bến sông quê

Giờ thì nhắc đến bác Võ Nguyên Giáp, trong đầu cứ vang vang hai tiếng huyền thoại, chứ thời thơ ấu của chúng tôi hàng năm được đón bác Giáp về thăm là chuyện bình thường. Cứ đến Lễ Quốc khánh hàng năm, bác thường ghé về thăm quê nhà. Tôi là dân tập kết, nhà ở rất gần quê bác, chỉ qua cái cầu nhỏ là đến cái chợ Tuy Lộc, qua khỏi chợ một đoạn là đến quê bác Giáp rồi, nên chuyện đi đón bác hay gặp bác vô cùng giản dị, không giống như các fan hâm mộ sao bây giờ cứ ôm hoa đứng chờ hàng giờ trước sân bay… 

Với người dân Lệ Thủy, ngày Quốc khánh hàng năm cứ như ngày Tết cổ truyền, cũng gói bánh chưng, cũng mặc quần áo mới, và nhất là xem lễ hội đua thuyền, dọc dòng sông Kiến Giang người đứng chen chúc để vỗ tay, cổ vũ cho thuyền của làng mình… Bọn trẻ con như chúng tôi thì cả ngày hôm đó dường như chẳng thiết đến ăn uống. Từ sáng sớm đã xúng xính những bộ quần áo mới, những bộ quần áo không màu mè gì, thường là áo trắng, quần xanh, vì sau ngày lễ hội này là đến ngày khai giảng, nên bộ quần áo mặc cho ngày Quốc khánh cũng phải được giữ gìn cho sạch, để còn mặc lần thứ hai trong ngày khai trường. Chúng tôi rời nhà từ sớm, từng tốp từng tốp đến bên bờ sông Kiến Giang để xem đua thuyền, chúng tôi không đứng ở bờ sông gần nhà mà đi bộ lên đến tận Mũi Viết, nơi ngã ba sông, nơi này có thể nhìn đoàn thuyền bơi lên rồi bơi xuống, quay vòng rất đẹp, cũng nơi này có thể đoán biết trước thuyền nào đoạt giải nhất… Bọn tôi cứ đứng gần những cây vông vang, vừa để tựa vào đó, vừa để hái quả của nó để ăn, cây này có nơi gọi là cây tằm táo, còn ở Huế gọi là cây keo. Sau này, vào đến Huế tôi mới biết thêm câu chuyện về tên làng An Lỗ ở xã An Thủy, nghe nói năm đó thuyền bơi của xã này sắp về chót, hai bên bờ tiếng reo hò khiến các bà các chị bơi thuyền càng mất tinh thần, thế rồi một bà trong thuyền đã cởi quần và hô to: hô trài, hộ trài… dân hai bên bờ từ ngạc nhiên chuyển sang cổ vũ cho thuyền của bà, còn các thuyền đua thì mải nhìn bà mà buông lơi tay chèo, thế là thuyền của xã An Thủy về nhất và làng của bà được đổi tên là làng An Lỗ… Câu chuyện này thật hư thế nào tôi cũng không rõ, còn cái thời con nít của mình tôi chưa từng nghe thấy chuyện đó. Xem bơi thuyền xong thì đã xế trưa, mọi người ghé nhà nhau thăm hỏi, cứ y như ngày Tết, cũng bánh trái, cũng thuốc nước, các câu chuyện xoay quanh chuyện làm ăn, chuyện đất nước và rồi quay sang hỏi nhau lúc nào thì bác Giáp đến quê mình… 

Cái chợ Hôm – chợ Tuy Lộc chỉ đông từ sáng đến trưa, người đến chợ chỉ đến bán quả bầu, quả bí, mớ rau mớ cá vừa đánh bắt được từ đêm qua, rồi họ tất tả trở về để đi làm đồng, chỉ có bọn trẻ con chúng tôi là thường la cà đến chợ đi xem những hàng tạp hóa với những cái kẹp tóc màu trắng, những cái lược xinh xinh, những chai dầu dừa nho nhỏ, chứ chúng tôi cũng không biết mua quà bánh hay ăn quà bánh giữa chợ, có ăn thì chỉ khi nào mẹ hay bà mua về thì mới ăn, không như trẻ con bây giờ ra đường tay vẫn cầm cái bánh, cái kẹo vừa đi vừa ăn. Thói quen ăn trong nhà cũng khiến cho tôi suốt hai năm trời học Cao học ở Hà Nội không biết thưởng thức món phở - một trong mười món ăn ngon của thế giới. Chú ruột tôi rất mê phở, mỗi khi chú tôi từ Hòa Bình về thăm tôi thường dẫn tôi đi ăn phở, tôi thì xấu hổ không muốn ăn uống ở chốn đông người nên những lần ăn cùng chú tôi chỉ thấy ngượng chứ không thấy ngon, sau này khi đã quen với món ăn đường phố, tôi lại mê phở Hà Nội đến mức tôi trở thành cực đoan khi nghĩ rằng đi bất cứ đâu cũng không có phở chỉ có Hà Nội mới có phở… 

Bọn tôi thường la cà ở cái chợ Hôm nên cũng có dịp may được gặp bác Võ Nguyên Giáp, chuyện gặp bác giản dị như con người bác vốn giản dị, chúng tôi đang đứng ở chợ thì thấy chiếc xe Com-măng-ca sơn màu quân đội đỗ lại, từ trên xe bác Giáp bước xuống tươi cười chào mọi người, bác đi bộ qua chỗ đông người rồi lại lên xe đi tiếp về nhà mình. Bởi thế mà em Tư Tỏi (tên gọi đùa với em Hoàng Hải) nhà tôi mới được bác bế đi một đoạn. Chả là hôm đó mẹ tôi dẫn em Tư Tỏi ra chợ, hai mẹ con đang đi bộ thì gặp bác Giáp vừa bước trên xe xuống, bác bắt tay mẹ tôi, rồi bế cu cậu lên đi một đoạn, có lẽ nhờ thế mà sau này Tư Tỏi rất ham học, học giỏi, và làm xong Luận án Tiến sĩ ở Nhật vào năm 36 tuổi.

Chuyện đón bác Giáp về quê ở huyện Lệ Thủy thật trang trọng mà cũng thật giản dị, hễ nghe tin bác về quê là người dân đã đứng đầy hai bên đường để vẫy tay chào bác, xe cộ đi theo bác cũng ít, xe bác chạy chậm chậm để bác chào mọi người, không tiền hô hậu ủng ghê gớm như các cuộc đón tiếp khác. Quen với chuyện bác về thăm quê cũng như nhìn thấy bác trên con đường quê, chúng tôi thấy bác gần gũi đến mức không quen với hai từ huyền thoại mà người ta thường nói khi nhắc về bác. Sau này, về quê mình ở Huế thỉnh thoảng tôi được nghe ông ngoại tôi nhắc đến bác với lòng ngưỡng mộ vô biên, rằng bác được Giáo sư Đặng thai Mai dạy văn học khi ở trong tù, nên bác đã biết vận dụng chiến thuật con ngựa gỗ thành Troa vào chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi thế mới có câu thơ mang tầm lịch sử của Tố Hữu: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt… Chiến thắng Điện Biên Phủ đủ tôn vinh tầm vóc của bác lên tầm cỡ thế giới, rồi Đại thắng Mùa xuân năm 1975… 

Rời xa lệ Thủy, dần dần trong chúng tôi hình dung về bác là hình dung về một ngọn núi lửa, một huyền thoại, một vĩ nhân và trong bài dạy về văn hóa Việt Nam chúng tôi luôn nhắc cho sinh viên biết về con người vĩ đại Võ Nguyên Giáp. Nếu bây giờ đang ở Lệ Thủy chúng tôi sẽ khóc như người dân Lệ Thủy đang khóc để tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng, còn bây giờ đang ở Huế chúng tôi cũng khóc, nhưng khóc thầm, khóc tủi, cứ nghẹn đắng lòng khi thấy những đoàn người đang lũ lượt kéo về số 30 đường Hoàng Diệu để thắp nén hương bên linh cữu của người. Có người còn vượt cả hàng ngàn cây số để đến bên Người, và tiếng kèn Hồn tử sĩ của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải như vang vọng đâu đây những chiến công lẫy lừng của bác Giáp, những chiến công làm chấn động cả năm châu, những chiến công đưa cả dân tộc chúng ta chiến thắng hai đế quốc lớn trong lịch sử loài người…. 

Mới đó mà ngày tiễn đưa bác đã gần một năm, ngày Quốc khánh năm nay không có bác về với nhân dân Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Những năm trước, khi bác đã tuổi già sức yếu, bác cũng không về được, nhưng những cuộc đua thuyền nào cũng mang theo cái nhìn thân thương của bác… Vũng Chùa, đảo Yến giờ này chắc đang có nhiều đoàn đến viếng thăm bác. Nhân ngày Quốc khánh năm nay, chúng con xin cúi đầu thắp nén nhang tưởng niệm Người – một ngọn núi lửa, một huyền thoại, một vĩ nhân của nhân loại! 

Viết trong ngày Bác Giáp qua đời, 4/10/2013 và ngày Quốc khánh 2/9/2014

CHÚNG TA ĐÃ CÓ MỘT NHÀ THƠ NỮ TÀI HOA: LÂM THỊ MỸ DẠ

TS. Hoàng Thu Thủy

(Viết cho ngày 8 tháng 3 năm 2015)

Thế kỷ XX có một thế hệ những nhà thơ nữ với những tên tuổi quen thuộc với độc giả: Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ... Mỗi nhà thơ nữ để lại một nét riêng trong sáng tác của họ và họ đã làm nên bề dày, sự phong phú cho thi ca Việt trong hơn một thế kỷ. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được số lượng đông đảo độc giả biết đến bởi những rung cảm đầy nữ tính, bởi sự tinh tế, giản dị, và tài hoa. Đặc biệt, chị có bài thơ Chuyện cổ nước mình được đưa vào giảng dạy ở chương trình Tiểu học.

Lâm Thị Mỹ Dạ đã tạo nên dấu ấn riêng trong lòng đọc giả không chỉ Vì cái đẹp / Vì thơ / Ta sống / Tâm hồn ơi / Đừng hoá thạch / Xin đừng...( Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyện cầu) mà còn vì Đàn bà làm thơ trăm cái khổ / Thấm vào trong như cát chẳng thấy gì / Góc khuất nào lòng người chưa thấu được / Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi... (Lâm Thị Mỹ Dạ, Thân phận tơ trời)

Lâm Thị Mỹ Dạ đã nhận được những giải thưởng cao quý về thơ ca: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973. Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam 1981 - 1983. Giải A thơ năm 1999 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập thơ Ðề tặng một giấc mơ. Giải A thơ - giải thưởng văn học Cố Đô (1998-2004) của UBND tỉnh TT Huế và Hội LHVHNT TT Huế. Giải 3 cho tập thơ Hồn đầy hoa cúc dại của Hội VHNT tỉnh TT Huế, 2007.

Ngày 13-2-2007, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường (chồng chị). Giải thưởng của Lâm Thị Mỹ Dạ với chùm tác phẩm: Đề tặng một giấc mơ, Trái tim sinh nở, Bài thơ không năm tháng.

Những nhà nghiên cứu lý giải về tài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ thường tìm về tiểu sử với lời tự bạch về Dòng sông đen của chị, để nhận chân quy luật là nhà văn có đau ở đâu đó thì viết mới hay, nhưng nếu độc giả tìm về ở nơi chị sinh ra và lớn lên bên dòng sông Kiến Giang trong veo mát rượi trong những ngày hè, dữ dội trong mùa thu và mùa lũ, cùng cái chợ Tuy Lộc tuy bé nhỏ nhưng đó như là trung tâm văn hóa thu nhỏ của huyện Lệ Thủy thời chiến tranh thì mới biết chính nơi đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Lâm Thị Mỹ Dạ. Xã Tuy Lộc, Huyện Lệ Thủy lúc bấy giờ như cái làng trong Đào Hoa nguyên ký của Đào Uyên Minh, êm đềm, yên bình và trong lành. Đứng ở nơi đây người ta có thể vận vào các câu ca dao hay nhất về làng quê Việt Nam như Đứng bên ni đồng mênh mông bát ngát / Ngó bên tê đồng bát ngát mênh mông... Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi... Và cái nơi êm đềm lãng mạn đó lại cũng là nơi hứng đạn bom ác liệt nhất trong chiến tranh. Máy bay Mỹ ra miền Bắc, khi xẹt qua Quảng Bình nghiêng cánh ném bom, đánh nhau ở đâu đó khi bay vào, còn bom đạn lại nghiêng cánh đổ xuống Quảng Bình. Người ta vẫn gọi vùng cán soong này là tâm điểm của đạn bom. Và chiến tranh càng ác liệt, con người nơi đây càng yêu nước nồng nàn, Xe chưa qua nhà không tiếc, sẵn sàng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Không gian đó đã làm nên những vần thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ trường tồn cùng năm tháng: Chuyện cổ nước mình, Khoảng trời và hố bom... Không gian đó, không khí đó cũng làm nên một tính cách thi sĩ mềm mại mà dữ dội, âm thầm mà quyết liệt… Thì ra, thơ chính là cứu cánh cho tâm hồn buồn tủi của chị, là niềm tin để chị vững bước vào đời, là tình yêu để chị đơm hoa kết trái cho hạnh phúc của đời mình.

Giải thích về tâm hồn biết rung cảm của mình, chị giản dị kể về kí ức tuổi thơ, lên bảy tuổi mới giật mình biết là mình có một trái tim, từ trái tim đa cảm, đa tình chị đã viết nên những bài thơ đi cùng năm tháng, những bài thơ làm nên dấu gạch nối của các thế hệ thơ nữ Việt Nam. Thế kỷ XVIII nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương ao ước: Có phải duyên nhau thì thắm lại... thế kỷ XX nữ thi sĩ LTMD ao ước: Cuộc đời em vo tròn lại / Và / Ném vào cuộc đời anh / Nó sẽ lăn sâu tận đáy / Cuộc đời anh / Sâu cho tới tận… Cái chết / Trời ơi, / Làm sao có một cuộc đời / Để tôi ném mình vào đó / Mà không hề cân nhắc đắn đo / Rằng: Cuộc đời ấy còn chưa đủ…( Lâm Thị Mỹ Dạ, Vô đề)

Khát khao hạnh phúc bỏng cháy, cùng tâm hồn lãng mạn, đắm say đã giúp Lâm Thị Mỹ Dạ viết nên những vần thơ dịu dàng tha thiết, mang vẻ đẹp văn hóa, chở cả tình yêu thương: Đôi làn môi con / Nghiêng về vú mẹ./. Như cây lúa nhỏ./ Nghiêng về phù sa. / Như hương hoa thơm. / Nghiêng về ngọn gió. / Đôi làn môi con. / Ngậm bầu sữa mẹ ... (Lâm Thị Mỹ Dạ, Khúc hát ru người mẹ trẻ), hoặc: Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời / Trái tim mẹ giữa đất trời con yêu (Lâm Thị Mỹ Dạ, Trái tim sinh nở); thơ của chị là nghị lực phi thường, là tình yêu thủy chung đằm thắm: Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng / Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người / Cho anh tựa vào em! (Lâm Thị Mỹ Dạ, Cho anh tựa vào em).

Thơ hay nhờ tứ, dù tứ thơ nói như nhà thơ Đỗ Trung Lai là cái hình chiếu ma quái trên một bài thơ. Tài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ chính là ở cái tứ. Mỗi bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ đều có tứ.

Bắt đầu từ tứ thơ chiếc hôn như lá, bài thơ Như lá đã triển khai mạch cảm xúc theo thi tứ mới lạ, hiện đại và nhiều khi nhà thơ đã hi sinh cả vần điệu để đạt được ý tứ sâu xa: Nhìn lá / cứ ngỡ là lá ngọt / Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng / Lá tươi thắm xua mùa đông rét buốt / Hỡi chiếc hôn em có như lá không? / Tôi đi giữa mùa non / Sững sờ trong bao dáng lá / Nhớ ai / Tôi gửi nụ hôn lên trời / Con người không có tình yêu / Như trái đất này không có lá / Là hơi thở đất đai không thể thiếu / Lá dịu dàng sâu thẳm của tôi ơi! Nếu vẽ được chiếc hôn dưới mặt trời / Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá… (Lâm Thị Mỹ Dạ, Như lá). Bài thơ Nhỏ bé tựa búp bê cũng có tứ thơ thật giản dị, tự nhiên: Này tôi ơi, có phải / Làm một người đàn bà / Người ta phải nhỏ bé / Nhỏ bé tựa búp bê / Mới dễ dàng hạnh phúc ? Dường như nhà thơ không giấu được nỗi khao khát hạnh phúc trong trái tim đa tình và lãng mạn của mình. Khao khát hạnh phúc, chị muốn mình nhỏ bé tựa búp bê, nhưng người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi vừa bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh thì bờ vai che chở cho chị lại bị bạo bệnh, nằm một chỗ, chị lại phải gồng mình đứng thẳng để cho anh tựa vào em. Bởi vậy, khi tiếp xúc với Lâm Thị Mỹ Dạ người ta không hình dung được mọi vất vả, nhọc nhằn, mọi lo toan bề bộn chị từng trải qua, chỉ thấy một gương mặt niềm nở, dịu dàng, khiêm tốn, nhẹ nhàng, âu đó cũng là cách chị rèn luyện cho nước mắt chảy vào trong, biết cách trở về với chính mình: Thả mây cho gió / Thả xanh cho cỏ / Thả trăng cho trời / Tôi về với tôi. (Lâm Thị Mỹ Dạ, Tôi về với tôi). Vẫn là bắt đầu từ cái tứ thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa độc giả đến với cuộc đời của người phụ nữ từ khi là thục nữ hồn nhiên đến thiếu nữ thả chùm tóc bạc và may có đứa bé với trái tim thơ dại đưa tôi về với tôi.

Thi ca là vậy, là cảm xúc, là tài năng, là lãng mạn, là đắm say. Ở Lâm Thị Mỹ Dạ hòa quyện các yếu tố đó đến tận thẳm sâu, nên trước bất cứ hiện tượng gì, bất cứ cảm nhận nào lòng chị cũng rung động, cũng thể hiện cảm xúc bằng tứ thơ tài hoa.

Lâm Thị Mỹ Dạ quan niệm: Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Cái đẹp là khao khát muôn đời của con người, có lẽ vì vậy mà Lâm Thị Mỹ Dạ đến hôm nay vẫn bước những bước chân vào cuộc trường chinh đi tìm cái đẹp. Chị giơ cao cờ trắng đầu hàng thơ bởi sau một thời gian dài chăm sóc cho chồng, không có cơ hội đi đây đi đó, chị nói rằng thơ thì phải nhìn thấy, nhìn thấy thì mới có cảm xúc, có cảm xúc thì mới viết được, không có cơ hội để tôi về với tôi theo đúng nghĩa của nó, chị sợ mình không đủ sức để chiếm lĩnh cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp.

Chị cũng tâm sự rằng: Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình. Nhờ đó, mà những bài thơ của chị lấp lánh vẻ đẹp của nghệ thuật bởi trái tim chân thành, nhân hậu, dịu dàng...

Có lẽ quãng đời đẹp nhất của Lâm Thị Mỹ Dạ là khi chị đến đọc thơ trên đất Mỹ, nhìn những nhà thơ nước ngoài nghe chị ngâm thơ, đọc thơ và khi chị đọc về Khoảng trời hố bom, thì gần như họ đã giật mình, bởi qua bài thơ đó, một lần nữa họ lại nhìn thấy chiến tranh ở Việt Nam ngay trên đất Mỹ, chiến tranh hiển hiện qua những vần thơ của chị. Một phụ nữ làm thơ, đưa thơ đi xứ người, rồi được người ta dịch ra và xuất bản ở Mỹ thì quả là danh tiếng. Danh tiếng đó không chỉ của Lâm Thị Mỹ Dạ mà còn của thi ca Việt Nam. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm rạng rỡ tâm hồn dân tộc, bởi chị đã cho thế giới biết đến Chuyện cổ nước mình kì diệu đến thế nào.

Đọc giả sẽ mãi biết ơn nhà thơ nữ tài hoa Lâm Thị Mỹ Dạ, bởi chị đã để lại cho đời những vần thơ tình dịu ngọt.

Nhà thơ Xuân Diệu trong bài viết Trong việc làm thơ, Văn nghệ, 5/3/1977, nói rằng: Tình yêu và thơ là hai phạm trù mà trong đó cái tuyệt vời thông minh kết hợp với cái tuyệt vời ngây thơ, là hương đặc bịêt của một số tâm hồn thi sĩ và tình nhân.

Đến bây giờ vẫn không thể nói rằng chị Lâm Thị Mỹ Dạ đang có những tháng ngày thanh thản, và thời gian cũng không tha cho bất cứ ai, kể cả nhà thơ danh tiếng như Lâm Thị Mỹ Dạ, nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất với Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn là tình cảm của độc giả dành cho chị, ước mong cho chị có thêm những giờ khắc hạnh phúc cho một đời người, đời thơ.