HUYỀN THOẠI CỦA NHÂN LOẠI - BÁC VÕ NGUYÊN GIÁP

Hoàng Thu Thủy

BBT: Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Tiến sỹ Hoàng Thu Thủy, người đã uống dòng sữa Kiến Giang để lớn lên, nay đang công tác tại Huế. Bài viết tuy đã lâu nhưng nay BBT mới phát hiện ra và rất đáng trân trọng những tấm lòng như vậy. 

 
                         Đại tướng tại bến sông quê

Giờ thì nhắc đến bác Võ Nguyên Giáp, trong đầu cứ vang vang hai tiếng huyền thoại, chứ thời thơ ấu của chúng tôi hàng năm được đón bác Giáp về thăm là chuyện bình thường. Cứ đến Lễ Quốc khánh hàng năm, bác thường ghé về thăm quê nhà. Tôi là dân tập kết, nhà ở rất gần quê bác, chỉ qua cái cầu nhỏ là đến cái chợ Tuy Lộc, qua khỏi chợ một đoạn là đến quê bác Giáp rồi, nên chuyện đi đón bác hay gặp bác vô cùng giản dị, không giống như các fan hâm mộ sao bây giờ cứ ôm hoa đứng chờ hàng giờ trước sân bay… 

Với người dân Lệ Thủy, ngày Quốc khánh hàng năm cứ như ngày Tết cổ truyền, cũng gói bánh chưng, cũng mặc quần áo mới, và nhất là xem lễ hội đua thuyền, dọc dòng sông Kiến Giang người đứng chen chúc để vỗ tay, cổ vũ cho thuyền của làng mình… Bọn trẻ con như chúng tôi thì cả ngày hôm đó dường như chẳng thiết đến ăn uống. Từ sáng sớm đã xúng xính những bộ quần áo mới, những bộ quần áo không màu mè gì, thường là áo trắng, quần xanh, vì sau ngày lễ hội này là đến ngày khai giảng, nên bộ quần áo mặc cho ngày Quốc khánh cũng phải được giữ gìn cho sạch, để còn mặc lần thứ hai trong ngày khai trường. Chúng tôi rời nhà từ sớm, từng tốp từng tốp đến bên bờ sông Kiến Giang để xem đua thuyền, chúng tôi không đứng ở bờ sông gần nhà mà đi bộ lên đến tận Mũi Viết, nơi ngã ba sông, nơi này có thể nhìn đoàn thuyền bơi lên rồi bơi xuống, quay vòng rất đẹp, cũng nơi này có thể đoán biết trước thuyền nào đoạt giải nhất… Bọn tôi cứ đứng gần những cây vông vang, vừa để tựa vào đó, vừa để hái quả của nó để ăn, cây này có nơi gọi là cây tằm táo, còn ở Huế gọi là cây keo. Sau này, vào đến Huế tôi mới biết thêm câu chuyện về tên làng An Lỗ ở xã An Thủy, nghe nói năm đó thuyền bơi của xã này sắp về chót, hai bên bờ tiếng reo hò khiến các bà các chị bơi thuyền càng mất tinh thần, thế rồi một bà trong thuyền đã cởi quần và hô to: hô trài, hộ trài… dân hai bên bờ từ ngạc nhiên chuyển sang cổ vũ cho thuyền của bà, còn các thuyền đua thì mải nhìn bà mà buông lơi tay chèo, thế là thuyền của xã An Thủy về nhất và làng của bà được đổi tên là làng An Lỗ… Câu chuyện này thật hư thế nào tôi cũng không rõ, còn cái thời con nít của mình tôi chưa từng nghe thấy chuyện đó. Xem bơi thuyền xong thì đã xế trưa, mọi người ghé nhà nhau thăm hỏi, cứ y như ngày Tết, cũng bánh trái, cũng thuốc nước, các câu chuyện xoay quanh chuyện làm ăn, chuyện đất nước và rồi quay sang hỏi nhau lúc nào thì bác Giáp đến quê mình… 

Cái chợ Hôm – chợ Tuy Lộc chỉ đông từ sáng đến trưa, người đến chợ chỉ đến bán quả bầu, quả bí, mớ rau mớ cá vừa đánh bắt được từ đêm qua, rồi họ tất tả trở về để đi làm đồng, chỉ có bọn trẻ con chúng tôi là thường la cà đến chợ đi xem những hàng tạp hóa với những cái kẹp tóc màu trắng, những cái lược xinh xinh, những chai dầu dừa nho nhỏ, chứ chúng tôi cũng không biết mua quà bánh hay ăn quà bánh giữa chợ, có ăn thì chỉ khi nào mẹ hay bà mua về thì mới ăn, không như trẻ con bây giờ ra đường tay vẫn cầm cái bánh, cái kẹo vừa đi vừa ăn. Thói quen ăn trong nhà cũng khiến cho tôi suốt hai năm trời học Cao học ở Hà Nội không biết thưởng thức món phở - một trong mười món ăn ngon của thế giới. Chú ruột tôi rất mê phở, mỗi khi chú tôi từ Hòa Bình về thăm tôi thường dẫn tôi đi ăn phở, tôi thì xấu hổ không muốn ăn uống ở chốn đông người nên những lần ăn cùng chú tôi chỉ thấy ngượng chứ không thấy ngon, sau này khi đã quen với món ăn đường phố, tôi lại mê phở Hà Nội đến mức tôi trở thành cực đoan khi nghĩ rằng đi bất cứ đâu cũng không có phở chỉ có Hà Nội mới có phở… 

Bọn tôi thường la cà ở cái chợ Hôm nên cũng có dịp may được gặp bác Võ Nguyên Giáp, chuyện gặp bác giản dị như con người bác vốn giản dị, chúng tôi đang đứng ở chợ thì thấy chiếc xe Com-măng-ca sơn màu quân đội đỗ lại, từ trên xe bác Giáp bước xuống tươi cười chào mọi người, bác đi bộ qua chỗ đông người rồi lại lên xe đi tiếp về nhà mình. Bởi thế mà em Tư Tỏi (tên gọi đùa với em Hoàng Hải) nhà tôi mới được bác bế đi một đoạn. Chả là hôm đó mẹ tôi dẫn em Tư Tỏi ra chợ, hai mẹ con đang đi bộ thì gặp bác Giáp vừa bước trên xe xuống, bác bắt tay mẹ tôi, rồi bế cu cậu lên đi một đoạn, có lẽ nhờ thế mà sau này Tư Tỏi rất ham học, học giỏi, và làm xong Luận án Tiến sĩ ở Nhật vào năm 36 tuổi.

Chuyện đón bác Giáp về quê ở huyện Lệ Thủy thật trang trọng mà cũng thật giản dị, hễ nghe tin bác về quê là người dân đã đứng đầy hai bên đường để vẫy tay chào bác, xe cộ đi theo bác cũng ít, xe bác chạy chậm chậm để bác chào mọi người, không tiền hô hậu ủng ghê gớm như các cuộc đón tiếp khác. Quen với chuyện bác về thăm quê cũng như nhìn thấy bác trên con đường quê, chúng tôi thấy bác gần gũi đến mức không quen với hai từ huyền thoại mà người ta thường nói khi nhắc về bác. Sau này, về quê mình ở Huế thỉnh thoảng tôi được nghe ông ngoại tôi nhắc đến bác với lòng ngưỡng mộ vô biên, rằng bác được Giáo sư Đặng thai Mai dạy văn học khi ở trong tù, nên bác đã biết vận dụng chiến thuật con ngựa gỗ thành Troa vào chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi thế mới có câu thơ mang tầm lịch sử của Tố Hữu: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt… Chiến thắng Điện Biên Phủ đủ tôn vinh tầm vóc của bác lên tầm cỡ thế giới, rồi Đại thắng Mùa xuân năm 1975… 

Rời xa lệ Thủy, dần dần trong chúng tôi hình dung về bác là hình dung về một ngọn núi lửa, một huyền thoại, một vĩ nhân và trong bài dạy về văn hóa Việt Nam chúng tôi luôn nhắc cho sinh viên biết về con người vĩ đại Võ Nguyên Giáp. Nếu bây giờ đang ở Lệ Thủy chúng tôi sẽ khóc như người dân Lệ Thủy đang khóc để tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng, còn bây giờ đang ở Huế chúng tôi cũng khóc, nhưng khóc thầm, khóc tủi, cứ nghẹn đắng lòng khi thấy những đoàn người đang lũ lượt kéo về số 30 đường Hoàng Diệu để thắp nén hương bên linh cữu của người. Có người còn vượt cả hàng ngàn cây số để đến bên Người, và tiếng kèn Hồn tử sĩ của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải như vang vọng đâu đây những chiến công lẫy lừng của bác Giáp, những chiến công làm chấn động cả năm châu, những chiến công đưa cả dân tộc chúng ta chiến thắng hai đế quốc lớn trong lịch sử loài người…. 

Mới đó mà ngày tiễn đưa bác đã gần một năm, ngày Quốc khánh năm nay không có bác về với nhân dân Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Những năm trước, khi bác đã tuổi già sức yếu, bác cũng không về được, nhưng những cuộc đua thuyền nào cũng mang theo cái nhìn thân thương của bác… Vũng Chùa, đảo Yến giờ này chắc đang có nhiều đoàn đến viếng thăm bác. Nhân ngày Quốc khánh năm nay, chúng con xin cúi đầu thắp nén nhang tưởng niệm Người – một ngọn núi lửa, một huyền thoại, một vĩ nhân của nhân loại! 

Viết trong ngày Bác Giáp qua đời, 4/10/2013 và ngày Quốc khánh 2/9/2014

CHÚNG TA ĐÃ CÓ MỘT NHÀ THƠ NỮ TÀI HOA: LÂM THỊ MỸ DẠ

TS. Hoàng Thu Thủy

(Viết cho ngày 8 tháng 3 năm 2015)

Thế kỷ XX có một thế hệ những nhà thơ nữ với những tên tuổi quen thuộc với độc giả: Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ... Mỗi nhà thơ nữ để lại một nét riêng trong sáng tác của họ và họ đã làm nên bề dày, sự phong phú cho thi ca Việt trong hơn một thế kỷ. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được số lượng đông đảo độc giả biết đến bởi những rung cảm đầy nữ tính, bởi sự tinh tế, giản dị, và tài hoa. Đặc biệt, chị có bài thơ Chuyện cổ nước mình được đưa vào giảng dạy ở chương trình Tiểu học.

Lâm Thị Mỹ Dạ đã tạo nên dấu ấn riêng trong lòng đọc giả không chỉ Vì cái đẹp / Vì thơ / Ta sống / Tâm hồn ơi / Đừng hoá thạch / Xin đừng...( Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyện cầu) mà còn vì Đàn bà làm thơ trăm cái khổ / Thấm vào trong như cát chẳng thấy gì / Góc khuất nào lòng người chưa thấu được / Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi... (Lâm Thị Mỹ Dạ, Thân phận tơ trời)

Lâm Thị Mỹ Dạ đã nhận được những giải thưởng cao quý về thơ ca: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973. Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam 1981 - 1983. Giải A thơ năm 1999 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập thơ Ðề tặng một giấc mơ. Giải A thơ - giải thưởng văn học Cố Đô (1998-2004) của UBND tỉnh TT Huế và Hội LHVHNT TT Huế. Giải 3 cho tập thơ Hồn đầy hoa cúc dại của Hội VHNT tỉnh TT Huế, 2007.

Ngày 13-2-2007, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường (chồng chị). Giải thưởng của Lâm Thị Mỹ Dạ với chùm tác phẩm: Đề tặng một giấc mơ, Trái tim sinh nở, Bài thơ không năm tháng.

Những nhà nghiên cứu lý giải về tài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ thường tìm về tiểu sử với lời tự bạch về Dòng sông đen của chị, để nhận chân quy luật là nhà văn có đau ở đâu đó thì viết mới hay, nhưng nếu độc giả tìm về ở nơi chị sinh ra và lớn lên bên dòng sông Kiến Giang trong veo mát rượi trong những ngày hè, dữ dội trong mùa thu và mùa lũ, cùng cái chợ Tuy Lộc tuy bé nhỏ nhưng đó như là trung tâm văn hóa thu nhỏ của huyện Lệ Thủy thời chiến tranh thì mới biết chính nơi đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Lâm Thị Mỹ Dạ. Xã Tuy Lộc, Huyện Lệ Thủy lúc bấy giờ như cái làng trong Đào Hoa nguyên ký của Đào Uyên Minh, êm đềm, yên bình và trong lành. Đứng ở nơi đây người ta có thể vận vào các câu ca dao hay nhất về làng quê Việt Nam như Đứng bên ni đồng mênh mông bát ngát / Ngó bên tê đồng bát ngát mênh mông... Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi... Và cái nơi êm đềm lãng mạn đó lại cũng là nơi hứng đạn bom ác liệt nhất trong chiến tranh. Máy bay Mỹ ra miền Bắc, khi xẹt qua Quảng Bình nghiêng cánh ném bom, đánh nhau ở đâu đó khi bay vào, còn bom đạn lại nghiêng cánh đổ xuống Quảng Bình. Người ta vẫn gọi vùng cán soong này là tâm điểm của đạn bom. Và chiến tranh càng ác liệt, con người nơi đây càng yêu nước nồng nàn, Xe chưa qua nhà không tiếc, sẵn sàng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Không gian đó đã làm nên những vần thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ trường tồn cùng năm tháng: Chuyện cổ nước mình, Khoảng trời và hố bom... Không gian đó, không khí đó cũng làm nên một tính cách thi sĩ mềm mại mà dữ dội, âm thầm mà quyết liệt… Thì ra, thơ chính là cứu cánh cho tâm hồn buồn tủi của chị, là niềm tin để chị vững bước vào đời, là tình yêu để chị đơm hoa kết trái cho hạnh phúc của đời mình.

Giải thích về tâm hồn biết rung cảm của mình, chị giản dị kể về kí ức tuổi thơ, lên bảy tuổi mới giật mình biết là mình có một trái tim, từ trái tim đa cảm, đa tình chị đã viết nên những bài thơ đi cùng năm tháng, những bài thơ làm nên dấu gạch nối của các thế hệ thơ nữ Việt Nam. Thế kỷ XVIII nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương ao ước: Có phải duyên nhau thì thắm lại... thế kỷ XX nữ thi sĩ LTMD ao ước: Cuộc đời em vo tròn lại / Và / Ném vào cuộc đời anh / Nó sẽ lăn sâu tận đáy / Cuộc đời anh / Sâu cho tới tận… Cái chết / Trời ơi, / Làm sao có một cuộc đời / Để tôi ném mình vào đó / Mà không hề cân nhắc đắn đo / Rằng: Cuộc đời ấy còn chưa đủ…( Lâm Thị Mỹ Dạ, Vô đề)

Khát khao hạnh phúc bỏng cháy, cùng tâm hồn lãng mạn, đắm say đã giúp Lâm Thị Mỹ Dạ viết nên những vần thơ dịu dàng tha thiết, mang vẻ đẹp văn hóa, chở cả tình yêu thương: Đôi làn môi con / Nghiêng về vú mẹ./. Như cây lúa nhỏ./ Nghiêng về phù sa. / Như hương hoa thơm. / Nghiêng về ngọn gió. / Đôi làn môi con. / Ngậm bầu sữa mẹ ... (Lâm Thị Mỹ Dạ, Khúc hát ru người mẹ trẻ), hoặc: Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời / Trái tim mẹ giữa đất trời con yêu (Lâm Thị Mỹ Dạ, Trái tim sinh nở); thơ của chị là nghị lực phi thường, là tình yêu thủy chung đằm thắm: Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng / Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người / Cho anh tựa vào em! (Lâm Thị Mỹ Dạ, Cho anh tựa vào em).

Thơ hay nhờ tứ, dù tứ thơ nói như nhà thơ Đỗ Trung Lai là cái hình chiếu ma quái trên một bài thơ. Tài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ chính là ở cái tứ. Mỗi bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ đều có tứ.

Bắt đầu từ tứ thơ chiếc hôn như lá, bài thơ Như lá đã triển khai mạch cảm xúc theo thi tứ mới lạ, hiện đại và nhiều khi nhà thơ đã hi sinh cả vần điệu để đạt được ý tứ sâu xa: Nhìn lá / cứ ngỡ là lá ngọt / Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng / Lá tươi thắm xua mùa đông rét buốt / Hỡi chiếc hôn em có như lá không? / Tôi đi giữa mùa non / Sững sờ trong bao dáng lá / Nhớ ai / Tôi gửi nụ hôn lên trời / Con người không có tình yêu / Như trái đất này không có lá / Là hơi thở đất đai không thể thiếu / Lá dịu dàng sâu thẳm của tôi ơi! Nếu vẽ được chiếc hôn dưới mặt trời / Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá… (Lâm Thị Mỹ Dạ, Như lá). Bài thơ Nhỏ bé tựa búp bê cũng có tứ thơ thật giản dị, tự nhiên: Này tôi ơi, có phải / Làm một người đàn bà / Người ta phải nhỏ bé / Nhỏ bé tựa búp bê / Mới dễ dàng hạnh phúc ? Dường như nhà thơ không giấu được nỗi khao khát hạnh phúc trong trái tim đa tình và lãng mạn của mình. Khao khát hạnh phúc, chị muốn mình nhỏ bé tựa búp bê, nhưng người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi vừa bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh thì bờ vai che chở cho chị lại bị bạo bệnh, nằm một chỗ, chị lại phải gồng mình đứng thẳng để cho anh tựa vào em. Bởi vậy, khi tiếp xúc với Lâm Thị Mỹ Dạ người ta không hình dung được mọi vất vả, nhọc nhằn, mọi lo toan bề bộn chị từng trải qua, chỉ thấy một gương mặt niềm nở, dịu dàng, khiêm tốn, nhẹ nhàng, âu đó cũng là cách chị rèn luyện cho nước mắt chảy vào trong, biết cách trở về với chính mình: Thả mây cho gió / Thả xanh cho cỏ / Thả trăng cho trời / Tôi về với tôi. (Lâm Thị Mỹ Dạ, Tôi về với tôi). Vẫn là bắt đầu từ cái tứ thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa độc giả đến với cuộc đời của người phụ nữ từ khi là thục nữ hồn nhiên đến thiếu nữ thả chùm tóc bạc và may có đứa bé với trái tim thơ dại đưa tôi về với tôi.

Thi ca là vậy, là cảm xúc, là tài năng, là lãng mạn, là đắm say. Ở Lâm Thị Mỹ Dạ hòa quyện các yếu tố đó đến tận thẳm sâu, nên trước bất cứ hiện tượng gì, bất cứ cảm nhận nào lòng chị cũng rung động, cũng thể hiện cảm xúc bằng tứ thơ tài hoa.

Lâm Thị Mỹ Dạ quan niệm: Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Cái đẹp là khao khát muôn đời của con người, có lẽ vì vậy mà Lâm Thị Mỹ Dạ đến hôm nay vẫn bước những bước chân vào cuộc trường chinh đi tìm cái đẹp. Chị giơ cao cờ trắng đầu hàng thơ bởi sau một thời gian dài chăm sóc cho chồng, không có cơ hội đi đây đi đó, chị nói rằng thơ thì phải nhìn thấy, nhìn thấy thì mới có cảm xúc, có cảm xúc thì mới viết được, không có cơ hội để tôi về với tôi theo đúng nghĩa của nó, chị sợ mình không đủ sức để chiếm lĩnh cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp.

Chị cũng tâm sự rằng: Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình. Nhờ đó, mà những bài thơ của chị lấp lánh vẻ đẹp của nghệ thuật bởi trái tim chân thành, nhân hậu, dịu dàng...

Có lẽ quãng đời đẹp nhất của Lâm Thị Mỹ Dạ là khi chị đến đọc thơ trên đất Mỹ, nhìn những nhà thơ nước ngoài nghe chị ngâm thơ, đọc thơ và khi chị đọc về Khoảng trời hố bom, thì gần như họ đã giật mình, bởi qua bài thơ đó, một lần nữa họ lại nhìn thấy chiến tranh ở Việt Nam ngay trên đất Mỹ, chiến tranh hiển hiện qua những vần thơ của chị. Một phụ nữ làm thơ, đưa thơ đi xứ người, rồi được người ta dịch ra và xuất bản ở Mỹ thì quả là danh tiếng. Danh tiếng đó không chỉ của Lâm Thị Mỹ Dạ mà còn của thi ca Việt Nam. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm rạng rỡ tâm hồn dân tộc, bởi chị đã cho thế giới biết đến Chuyện cổ nước mình kì diệu đến thế nào.

Đọc giả sẽ mãi biết ơn nhà thơ nữ tài hoa Lâm Thị Mỹ Dạ, bởi chị đã để lại cho đời những vần thơ tình dịu ngọt.

Nhà thơ Xuân Diệu trong bài viết Trong việc làm thơ, Văn nghệ, 5/3/1977, nói rằng: Tình yêu và thơ là hai phạm trù mà trong đó cái tuyệt vời thông minh kết hợp với cái tuyệt vời ngây thơ, là hương đặc bịêt của một số tâm hồn thi sĩ và tình nhân.

Đến bây giờ vẫn không thể nói rằng chị Lâm Thị Mỹ Dạ đang có những tháng ngày thanh thản, và thời gian cũng không tha cho bất cứ ai, kể cả nhà thơ danh tiếng như Lâm Thị Mỹ Dạ, nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất với Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn là tình cảm của độc giả dành cho chị, ước mong cho chị có thêm những giờ khắc hạnh phúc cho một đời người, đời thơ.