CÁ KHOAI LÀNG BIỂN

Cu Làng Cát

                                        Cá khoai

Ngày xưa, làng biển nội tôi nghèo lắm, những ngôi nhà úp trên cát lợp từ cỏ rười. Đời người suốt ngày bám cát, bám biển sau lưng làng để mưu sinh. Có một món cá ai cũng vứt đi nhưng mệ Thỏn lại lượm về nấu ăn. Làng cười ngặt, nói cái loại cá nớ vứt đi không ai lấy, đưa về mần chi, hâm. Mệ Thỏn chỉ cười cười. Về bắc cái nồi sứt quai lên, lấy lá dương khô chủm đượm lửa, rửa sạch cá rồi nấu, thổi bùng lửa. Nước sôi, cá chín, mệ Thỏn bỏ lá đồng hao vô, mùi bay ra từ chái bếp. Lũ con nít đang mãi vật nhau trên cát, nghe nhức cả mũi, vùng dậy, chạy hướng nhà mệ Thỏn từ trảng cát này qua trảng cát khác. Cái mùi thơm lạ lùng. 

Đám con nít làng năm bảy đứa mặt ngơ ngác, vô chái bếp mệ Thỏn, thấy mệ đang múc từng chén để lên cái mẹt (làm từ tre), đứa mô cũng thèm chảy nước miếng. Mệ Thỏn nói bây sèm thì ăn đi, ăn đi. Mệ cho đó, của ni họ không bán, họ vứt ngoài bến làng, họ lấy cá, cua đi bán, cá ni họ không bán được cho ai. Bây ăn đi. Ngon thì mệ múc thêm. Cả lũ trẻ lao vào ăn. Ngon mặn mà. Vừa ăn, mệ Thỏn vừa kể, bây biết cá chi không? Mần răng biết được. Cả bọn lắc đầu, mệ nói cá cháo, có nơi gọi là cá khoai. Loại ni làng mình chẳng ai ăn cả. Ngon ri mà lại vất (vứt) uổng. 

Cả một thời, ai cũng xem cá khoai là loại bỏ đi. Nó bị xếp dưới loại cá “lông hội”. Những nhà nuôi heo, nhiều khi bí quá mới mua cá khoai về chăn nuôi. Bẵng đi thời gian, về lại làng nội, thấy xóm mô cũng kéo nhau đến nhà mệ Thỏn coi có cá khoai thì ăn. Mệ tra rồi, lưng còng, truyền lại cái món cá khoai cho đứa con dâu. Vẫn cách nấu nhà nghèo, giản dị, vẫn cái chủm lửa từ lá dương, vẫn chút ít đồng hao cùng ớt, muối, bột ngọt mà món cá khoai vẫn ngon lịm. Rồi cái “bí quyết” nấu cá khoai đó được người làng áp dụng, rứa là nhà nào cũng thưởng thức cá khoai. Đến mùa lại thành phong trào. Làng có ông Trung tướng ở trung ương về, nếm thử vài ba miếng, ông ghiền luôn món ăn trên cát làng. Cứ mỗi độ có dịp về lại làng, nhằm đúng mùa cá khoai, ông lại sai con cháu trong xóm kiếm về nấu ăn để đỡ nhớ mùi vị mặn mòi.

Mệ Thỏn mất đúng mùa cá khoai, trước khi ra đi, mệ dặn, cúng ba ngày để ba tô cá khoai. Cúng năm chục ngày làm cá khoai kho tiêu cùng lá nghệ với ít đồng hao. Lũ con nít chúng tôi biết mệ mất, đường ngái vẫn về kính mệ nén nhang. Vì có mệ mà biết cái món ăn quắn quýt cả đời.

Đồng Hới mấy năm trở lại đây, món cá khoai được đưa vô các nhà hàng. Bày biện lộng lẫy. Nhưng những tay nấu bếp ở khách sạn, nhà hàng hạng sang vẫn không xử lý được cái tính cố hữu của cá khoai để hút thực khách. Mà những quán bình dân lại biết cách xử lý cái tính “tự ti” của cá khoai là “tanh” nên hút khách kỳ lạ. 

Dọc đường Trương Pháp, bên bờ biển Nhật Lệ có quán bình dân Thanh Mai từ mấy năm nay trứ danh với món này. Chủ quán là một người miền biển thứ thiệt, chất phác nên thấm cái món ăn trên cát vào người mà mùa đông chuyên trị cá khoai cho thực khách. Lão chủ quán tự tay đi chợ, chọn những con cá khoai múp máp, trắng trẻo về tẩm gia vị, đậm ớt, đậm hương liệu, rồi cải muối, chua me, thêm cây cải ngồng, bỏ vào nồi lẩu nước sôi rục. Nhúng cá vài phút, đưa vào miệng, vừa ăn vừa thổi, mùi cá ngòn ngọt, thơm phức vị biển. Ăn một miếng thì không thể không ăn thêm miếng nữa. Ăn thêm miếng nữa thì phải ăn cho sảng khoái. Ăn một bữa thì hôm sau, sau nữa không thể bỏ. Cá khoai bình dân nhưng lộng lẫy là thế.

Nay, cá khoai có ngôi thứ rồi, mỗi cân không dưới trăm ngàn. Trở thành đặc sản.

ĐỘNG CHÂU - KHE NƯỚC TRONG, QUÀ TẶNG THIÊN NHIÊN


Được đánh giá là vùng đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu chỉ đứng sau Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong có gần 20.000ha (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), được ví như một mái nhà xanh chở che cho hàng vạn cư dân sinh sống ở lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại. Gánh trên vai sứ mệnh quan trọng đó, nên việc bảo tồn đa dạng sinh học ở nơi đây đang được các ban, ngành chức năng và người dân chăm chút từng ngày.

Động Châu-khe Nước Trong là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu ở phía tây Nam huyện Lệ Thủy. Giá trị về đa dạng sinh học, cũng như tầm quan trọng của khu vực này trong việc phòng hộ môi trường từ lâu đã được chính quyền các cấp, người dân địa phương ghi nhận và đầu tư bảo vệ.

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có chủ trương về phương án tăng cường quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đồng thời nhận thấy giá trị đa dạng sinh học ở khu vực này nên đã có đề án chuyển rừng phòng hộ khe Nước Trong thành khu bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, đề án nâng hạng khu vực rừng khe Nước Trong thành rừng đặc dụng đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT chuẩn y.

Và gần đây nhất, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khe Nước Trong vinh dự được quy hoạch thành lập Khu bảo tồn (khu dự trữ thiên nhiên) trong phân kỳ từ nay đến 2020.
         Lực lượng Kiểm lâm bảo vệ tài nguyên rừng ở khu vực Động Châu-khe Nước Trong.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh tâm sự, mặc dù UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan rất ủng hộ, nhưng do chưa có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ cho khu bảo tồn, trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng còn quá mỏng, cùng với thói quen của bà con lâu nay sống dựa vào sản vật của rừng, nên tài nguyên rừng ở khu vực Động Châu-khe Nước Trong sẽ tiếp tục suy giảm là điều hiện hữu.

Ngoài ra, trong bối cảnh suy thoái môi trường, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung, sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường nên việc bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và tăng cường khả năng phòng hộ của rừng Động Châu-khe Nước Trong lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chính vì vậy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tìm kiếm giải pháp nhanh chóng nâng cấp công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực này cho xứng tầm với các giá trị đa dạng sinh học quan trọng hiện có, trong khi vẫn tích cực theo đuổi định hướng lâu dài là thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên khe Nước Trong.

Qua tìm hiểu được biết, khi được Bộ Nông nghiệp-PTNT đồng ý với đề xuất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên khe Nước Trong, Chi cục đã triển khai nhiều phương án để bảo vệ đa dạng sinh học ở khu vực này.

Tuy nhiên, do gặp rất nhiều khó khăn nên Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tìm kiếm giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ, để xứng tầm với giá trị đa dạng sinh học độc đáo của khu vực khe Nước Trong.

Đó là, mô hình hợp tác công-tư để quản lý và bảo vệ lâu dài cho khe Nước Trong theo nguyên tắc như một khu bảo tồn thiên nhiên trên thực tế, trong khi vẫn tiếp tục vận động để được chính thức thiết lập thành một Khu bảo tồn thiên nhiên.

Ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong ở phía tây Nam tỉnh Quảng Bình còn lưu giữ được một diện tích rừng ẩm thường xanh trên đất thấp ít bị tác động ở khu vực miền Trung. Hiện khu vực này có diện tích gần 20.000ha, thuộc vùng sinh thái Bắc Trung bộ (trong đó, dự án sẽ tiến hành thuê 800ha thuộc tiểu khu 528).

Đây là một phần của dải rừng đất thấp (khoảng 120.000ha) kéo dài từ Lâm trường Trường Sơn ở phía Bắc (thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đến Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) ở phía Nam. Nơi đây có một khu hệ động thực vật cực kỳ phong phú, với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế xác định là một vùng chim quan trọng trong vùng chim đặc hữu đất thấp miền Trung. Đồng thời được Tổ chức bảo tồn quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm trong hành lang đa dạng sinh học nối giữa Việt Nam và Lào.

Khu bảo tồn thiên nhiên (đề xuất) khe Nước Trong có sinh cảnh rừng thích hợp cho hai loài đang bị đe dọa ở mức độ rất nguy cấp là sao la-loài thú móng guốc được phát hiện năm 1992, và gà lôi lam mào trắng, loài chim đặc hữu chỉ có ở miền Trung, lần cuối cùng được ghi nhận ngoài thiên nhiên là năm 2000.

Bên cạnh đó, các loài bị đe dọa, đặc hữu hoặc quý hiếm khác ghi nhận được ở khe Nước Trong cho đến thời điểm năm 2012, bao gồm: trĩ sao, khướu đầu xám, khướu mỏ dài, chích chạch má xám, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, ếch cây Trường Sơn... đã cho thấy giá trị đa dạng sinh học đặc biệt ở khu vực này.

Diện tích rừng Động Châu-khe Nước Trong được bảo vệ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Một cán bộ của Ban quan lý rừng phòng hộ Động Châu đơn vị tham gia dự án bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-khe Nước Trong cho hay, mục đích thuê môi trường rừng với diện tích 800ha thuộc tiểu khu 528 để quản lý theo mô hình “khu rừng hy vọng” đã được một số nước trên thế giới thực hiện. Nghĩa là kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với bảo tồn; khu rừng được bảo vệ theo mô hình rừng đặc dụng, đồng thời hỗ trợ các hoạt động tăng cường bảo vệ rừng và ngăn chặn hiện tượng bẫy bắt động vật hoang dã, trên toàn bộ diện tích rừng trong khu vực.

Sau khi thống nhất các điều khoản thuê diện tích rừng nói trên, các bên liên quan sẽ tổ chức tìm kiếm và nghiên cứu các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm để phục vụ công tác bảo tồn, đặc biệt là loài gà lôi lam mào trắng và sao la.

Để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, các ngành liên quan sẽ tiến hành đặt bẫy ảnh tự động ghi lại hình ảnh các loài động vật có trong khu vực; điều tra, khảo sát, giám sát biến động của các loài động, thực vật ngoài thực địa, theo dõi về số lượng loài và số lượng cá thể của loài để có biện pháp bảo tồn phù hợp (hiện ở rừng Động Châu-khe Nước Trong có 987 loài thực vật, 76 loài thú, 161 loài chim, 61 loài bò sát và ếch nhái).

Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu trang thiết bị, tập huấn nghiệp vụ, kinh phí phục vụ tăng cường tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ rừng trong khu vực. Đặc biệt, khi dự án này vận hành, các bên liên quan sẽ tiếp tục kêu gọi và thực hiện các mô hình để phát triển sinh kế cho người dân trong khu vực, nhằm giảm áp lực vào rừng như: trồng mây dưới tán rừng, trồng trọt, ch­ăn nuôi...

Bảo tồn đa dạng sinh học là một việc làm cấp thiết hiện nay và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm gìn giữ cho các thế hệ mai sau những giá trị về hệ sinh thái động, thực vật đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng đang và sẽ được cộng đồng chung tay bảo vệ, tin tưởng rằng Động Châu-khe Nước Trong sẽ mãi là lá phổi xanh chăm lo môi trường sống cho người dân. 

Dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình” thuộc lĩnh vực môi trường-một trong các lĩnh vực ưu tiên của Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017.

Dự án thuê môi trường của 800ha rừng tại tiểu khu 528 thuộc khu vực rừng phòng hộ Động Châu, thời hạn 30 năm với mục tiêu: nghiên cứu khoa học, tìm kiếm các loài thú đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn lâu dài; bảo tồn trên phạm vi toàn bộ lâm phận do Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu quản lý để hỗ trợ công tác chống chặt phá rừng và ngăn chặn bẫy bắt động vật hoang dã; hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực lân cận thuộc xã Kim Thủy phát triển kinh tế để giảm thiểu áp lực vào rừng.

Tổng ngân sách của chương trình cho giai đoạn 2014-2019 là trên 1,4 triệu USD, do các tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ (BirdLife International, IUCN Hà Lan và World Land Trust).

Minh Văn-Ngọc Hải

NGƯỜI KHỞI NGUỒN GIÓ ĐẠI PHONG

Hơn 54 năm nay, “ngọn gió” Đại Phong của Hợp tác xã (HTX) Đại Phong (Quảng Bình) vẫn được người dân say sưa kể. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đội nón lá, mặc áo tơi, lội bùn cấy lúa, chèo đò, hát hò khoan... cùng bà con trong những ngày đưa “Gió Đại Phong” trở thành phong trào điển hình của miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN). 


                                   Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VỊ TƯỚNG NÔNG DÂN

Cùng với cả nước, những ngày này, cán bộ và nhân dân xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người phát xướng gây dựng phong trào “Gió Đại Phong”.

Tuổi cao nhưng ông Đặng Ngọc Đính (84 tuổi) và bà Phan Thị Dung (82 tuổi) vẫn còn minh mẫn khi kể chuyện Đại tướng. Ông Đính từng là bộ đội chống Pháp rồi về quê làm cán bộ xã. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, ông là Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an xã và làm Trưởng ban kiểm soát HTX rồi làm Chủ nhiệm HTX từ năm 1963 - 1970, bà Dung là cán bộ phụ nữ của xã sau đó làm Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (1973 - 1981).

                                                        Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ông Đính nhớ lại: “HTX được thành lập năm 1959 với mục đích xóa đói giảm nghèo. HTX khai hoang, cải tạo được sáu vùng đất rộng lớn để sản xuất lúa, hoa màu, nổi tiếng khắp vùng. Tỉnh báo cáo Trung ương và cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương được cử về kiểm tra, nghiên cứu mô hình của HTX. Khi bác Thanh đến, các cán bộ gọi là Đại tướng thì bác Thanh nói: “Mọi người gọi tôi là anh cho thân mật, đừng gọi như vậy mà xa cách với bà con”. Đại tướng đến nhà các gia đình chính sách, bà con xã viên để tặng quà, thăm hỏi đời sống, sinh hoạt. Đến đâu bác Thanh cũng thân mật, ân cần chứ không câu nệ, giữ khoảng cách gì”. 

Ông Đính cho biết thêm: “Rồi bác Thanh kiểm tra lại toàn bộ quy trình của HTX; thường xuyên đội nón lá, mang áo tơi, cấy lúa, tát nước, hát đối đáp hò khoan Lệ Thủy cùng xã viên; lội khắp ruộng xem cày bừa có kỹ, đất có tơi không, việc nào cũng thành thạo. Bác Thanh nói vì sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lúc nhỏ cũng chân lấm tay bùn nên quen rồi. Lúc rảnh, bác Thanh nói: “Bây giờ làm lúa, làm màu có lương thực rồi, bà con phải phát triển thêm các ngành nghề để thu tiền. Vậy là HTX mở thêm 16 nghề: nung gạch, ngói, vôi, nuôi vịt đàn, lợn nái, đoàn thợ rừng, đội xe kéo gỗ... và rất phát triển. Bác Thanh nói nuôi con gì không ăn lương thực thì nên nuôi như dê, trâu bò chỉ ăn cỏ, lá. Rồi bác bảo xã viên đi khai hoang vùng phá Hác Hải (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) được 50ha để trồng cói, lác làm chiếu...”. 

                             Dâng hương tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Tháng 2-1961, hội nghị về mô hình HTX quy mô toàn miền Bắc với 1.000 người diễn ra ngay tại trụ sở HTX trong ba ngày. Ngày 20-3-1961, HTX được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày (do Đoàn thanh niên Cộng sản Comsomon Lênin tặng Bác). Bác Thanh hướng dẫn mọi người đưa máy lên vùng bến Tiến (xã Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy); địa danh nổi tiếng trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Có ai về Đại Phong xin vô ghé thăm vùng bến Tiến. Tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn”. Từ vùng đất heo hút sát biên giới Việt - Lào, HTX đã khai hoang được gần 200ha đất để trồng chè xanh, mía, khoai, sắn. 

Trong hơn ba tháng ở Đại Phong, Đại tướng rất gần gũi, cùng ăn ở, làm việc, sinh hoạt với bà con. Ăn uống đơn giản, cùng với bà con. Có hôm 3 giờ sáng, bác Thanh đang ngủ ở nhà thờ họ Võ thì nghe tin bà con đi cấy nên dậy cùng đi ra ruộng. Sáng ra anh cận vệ không thấy bác Thanh, tất bật chạy khắp nơi hỏi thăm. 

Ông Đính kể tiếp: “Ngày bác Thanh chia tay mọi người để ra Hà Nội nhận công tác chuẩn bị vào miền Nam chỉ huy cách mạng, tui làm hai câu thơ để tặng: “Đại nghĩa ơn sâu ông Đại tướng. Phong tình nhớ mãi Nguyễn Chí Thanh”. Trước khi đi, bác Thanh dặn dò kỹ lưỡng đối với cán bộ HTX rằng: “Phất cờ lên thì dễ nhưng giữ cho được cờ thì khó lắm. Nên các cậu phải cố gắng giữ cho được phong trào”. Không lâu sau, ngày 6-7-1967, chúng tôi nghe tin bác Thanh mất, đau buồn lắm”. 

                     Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà con xã viên HTX Đại Phong

“GIÓ ĐẠI PHONG” VẪN THỔI 

HTX Đại Phong trở thành một trong ba phong trào điển hình của miền Bắc: “Gió Đại Phong” (trong nông nghiệp), “Sóng Duyên Hải” (trong công nghiệp), “Cờ Ba nhất” (trong quân đội). Lấy Đại Phong làm gương, theo đề nghị của Đại tướng, Đảng ta đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất: “Học tập, tiến kịp và vượt HTX Đại Phong” khắp toàn miền Bắc. Ngày 17-5-1961, có gần 3.200 HTX trong nước giao ước thi đua với HTX Đại Phong, hàng nghìn đoàn trong nước và khoảng 40 đoàn nước ngoài đến tham quan, học hỏi. 

   Vợ chồng ông Đặng Ngọc Đính và bà Phan Thị Dung kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Lãnh đạo HTX qua các thời kỳ thường ghi nhớ công lao của Đại tướng và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt và hiệu quả, sáng tạo những điều bác Thanh đã dặn dò. Mỗi khi HTX có ách tắc thì chủ nhiệm đưa thư khen, hai bài báo của Bác Hồ: “Một hợp tác xã gương mẫu” (ngày 11-1-1961) và “Phong trào Đại Phong” (ngày 14-4-1961) trên Báo Nhân Dân để bà con nhớ, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX cho biết, thời gian này, bà con gặp nhau liên tục hỏi chuyện về Đại tướng. Mỗi ngày có rất nhiều người đến HTX dâng hương, tưởng niệm Đại tướng. Các giáo viên, học sinh các trường, trẻ em cũng đến tham quan, tìm hiểu tư liệu về Đại tướng và HTX Đại Phong. 

Qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, HTX Đại Phong đạt nhiều thành tích, vinh dự đón nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen; trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất, lá cờ đầu trong phong trào nông nghiệp; góp phần vào sự nghiệp xây dựng XHCN và bảo vệ Tổ quốc; ông Nguyễn Ngọc Ánh (Chủ nhiệm HTX Đại Phong thời kỳ 1960 - 1961) đạt danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Từ một khu dân cư nghèo khó, nay Đại Phong đã lớn mạnh về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4%; cơ sở hạ tầng rất hoàn chỉnh; nhà cửa cao tầng san sát; có hàng chục ôtô, máy móc; ngành nghề dịch vụ thu hút hơn 500 lao động... Sản phẩm nông nghiệp, không chỉ đủ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn buôn bán ra nhiều nơi trong nước. Hàng chục năm qua, HTX Đại Phong luôn dẫn đầu huyện, tỉnh về diện tích, năng suất, sản lượng lương thực và thu nhập của xã viên nên đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, hàng chục gia đình trở thành triệu phú, tỷ phú. HTX Đại Phong với số vốn hơn 11 tỷ đồng, đang ngày càng vững mạnh, có uy tín, trái ngược với nhiều HTX nông nghiệp toàn quốc trước tình trạng phát triển èo uột hoặc bị phá sản trong xu thế thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, HTX cũng chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. 

“Ngọn gió” Đại Phong đã “thổi bay” đói nghèo, lạc hậu và thắp lửa tinh thần lao động của nhân dân Đại Phong trong 54 năm qua và góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp miền Bắc phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam chống Mỹ. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân Đại Phong vẫn nhớ từng động tác, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, việc làm của vị Đại tướng bởi ông là người gần dân, hiểu dân và được dân yêu mến. Anh Hoàng nói đầy quyết tâm: “Đại tướng là ân nhân, như là ruột thịt của bà con Lệ Thủy. Chúng tôi mãi biết ơn, ghi nhớ công lao ấy và ra sức thi đua phấn đấu lập thành tích cao để xứng đáng với danh hiệu “Lá cờ đầu nông nghiệp miền Bắc XHCN”; cùng nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển, vươn lên trong cuộc sống”. 
HOÀNG QUÂN

ĐẠI TƯỚNG NHƯ CHƯA THỂ ĐI XA TRONG TÂM THỨC NHỮNG CÔ GÁI PHÁO BINH NGƯ THỦY

Hương Trà

Tròn một năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với cõi vĩnh hằng, nhưng trong tâm khảm các o C gái pháo binh Ngư Thủy anh hùng, Đại tướng như chưa thể đi đâu xa... Dù nay đã thành bà, thành cụ, các o vẫn không nguôi về hình ảnh vị Đại tướng Tổng Tư lệnh, người con ưu tú của Quảng Bình, đang ân cần căn dặn C gái Ngư Thủy nơi trận địa pháo trên cát trắng năm xưa.

                                Đại tướng chụp ảnh lưu niệm với o Trần Thị Thản, 
                         Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy năm 1969.

Ngư Thủy hôm nay đã chia thành ba đơn vị hành chính: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam.

Những nữ pháo binh năm xưa nay ở khắp cả ba vùng Ngư Thủy, mỗi năm vào những ngày lễ trọng lại hẹn nhau về dưới chân tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy hiên ngang nơi trung tâm xã Ngư Thủy Trung để gặp gỡ.

Và lần này cũng thế, các o đón chúng tôi cũng ngay nơi tượng đài với nụ cười nồng hậu. “Tra rồi! Không được lanh lẹ như xưa... ” - o Ngô Thị The, Đại đội trưởng C gái pháo binh Ngư Thủy, một đơn vị pháo binh mặt đất “độc nhất vô nhị” trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam vào chuyện...

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967, quân số ban đầu có 37 người, phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy, 2 trung đội trận địa, 1 tiểu đội trinh sát, 1 tiểu đội thông tin, 1 đài chỉ huy, 1 đài giao hội và một tiểu đội hậu cần.

Trong suốt 10 năm chiến đấu từ 1967 đến 1976, C gái Ngư Thuỷ nhiều lần bổ sung lực lượng nên quân số thời điểm đông nhất tới 91 người.

Trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đánh 8 trận, 5 lần bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85 ly, bảo vệ vững chắc vùng biển đầu giới tuyến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Chiến công của C gái Ngư Thủy làm bạn bè khắp năm châu, bốn biển thán phục. Năm 1970, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Ngắn gọn rứa... nhưng đi hết một thời con gái của các o”- o Ngô Thị Thới, nữ pháo thủ năm xưa thêm chuyện. Các o kể, đã có rất nhiều đoàn khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm C gái Ngư Thuỷ như: Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng...; các đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức..., nhưng ấn tượng nhất là chuyến thăm đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1969, khi trận địa pháo vẫn còn đặc quánh mùi thuốc súng.

Trước đó, Tỉnh đội, Huyện đội báo tin cho C gái Ngư Thủy chuẩn bị đón Đại tướng về thăm. Thời điểm này, đế quốc Mỹ ném bom hạn chế miền Bắc, chấp nhận tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán ở Paris về chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương.

Trận địa pháo nhờ đó cũng thảnh thơi, bình yên. Các o muốn Đại tướng vui, không ai bảo ai cố gắng rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác phong chiến đấu thật nhuần nhuyễn.

Một thùng đạn pháo 85 ly gồm 3 viên đạn trọng lượng đến 60kg, vốn ngày thường các o vác chạy băng băng trên cát..., nhưng lúc đón Đại tướng vào quãng giữa trưa, khi biểu diễn cho Đại tướng xem, những thành viên C gái như học sinh không thuộc bài. Chỉ một phút đầu tiên thôi, khi đã lấy lại bình tĩnh, những thao tác của các nữ pháo thủ trở lại nhịp nhàng, bài bản, nhanh gọn, chính xác.

                                  Tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng.

O Ngô Thị The, Đại đội trưởng C gái Ngư Thuỷ nhớ lại: Trận địa pháo đóng tại thôn Trung Chính, đường vào ngập trong cát, chỉ lát sơ sài cây dương liễu và cỏ dại để kéo pháo vào ra. Nơi trận địa, Đại tướng khen C gái đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà, bắn cháy tàu chiến Mỹ.

Đó là một chiến công phi thường sánh ngang với đàn ông sức dài, vai rộng, xứng đáng dòng dõi con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, xứng đáng với truyền thống của vùng đất lửa Quảng Bình.

Đại tướng căn dặn, Mỹ thua đau khi đưa máy bay, tàu chiến ra đánh phá miền Bắc, chấp nhận hội đàm tại Paris, miền Bắc tạm im tiếng súng nhưng C gái không vì thế mà chủ quan, thiếu tinh thần cảnh giác... Đại tướng phát biểu xong, khắp trận địa vang lên tiếng vỗ tay.

Trong lần về thăm này, Đại tướng mang thư khen của Bác Hồ gửi cho Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và 37 huy hiệu của Người tặng các thành viên C gái vì những chiến công lập được trong trận đánh đầu tiên vào năm 1968, sau thời gian thành lập được 3 tháng. Đó là vào ngày 7-2-1968, mốc lịch sử đánh dấu chiến công đầu tiên của C gái Ngư Thủy. Chỉ với 48 viên đạn, các pháo thủ bắn trúng tàu chiến của Mỹ. Niềm vui nhân lên và cũng là nguồn cổ vũ động viên vô giá để C gái tiếp tục lập được nhiều hơn những chiến công sau này.

Bữa cơm trưa dọn ra trên trận địa pháo. Những hòm đạn được kê làm bàn, mâm cơm đạm bạc chẳng có gì ngoài cơm độn ngô, rau luộc, mắm kho, có thêm chút cá. Đại tướng là khách đặc biệt nên các o “ưu ái” dành thêm hai quả trứng gà ốp la chấm với nước mắm ngon nhất Ngư Thủy.

Đại tướng vui, hỏi: “Các cháu ăn uống thế này mà vẫn bảo đảm sức khỏe để đánh giặc à?”. “Đại tướng đang vui mọi người không nỡ thưa. Hồi nớ, nói “gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” rứa thôi chứ chị em đau ốm suốt...” - o Thới nhớ lại.

                  Đại đội trưởng Ngô Thị The (bên trái) và nữ pháo thủ Ngô Thị Thới.

Năm 1998 cũng là một kỷ niệm không thể quên trong đời các o C gái Ngư Thủy, 37 nữ pháo thủ được ra Hà Nội thăm Đại tướng. Như người cha lâu ngày gặp các con, Đại tướng nắm tay từng người, ân cần thăm hỏi đủ chuyện, từ việc riêng đến việc chung. Đại tướng hỏi Ngư Thủy bây giờ có đường, có điện chưa? Xưa hai lần Đại tướng về (lần thứ hai vào cuối năm 1973), lội trong cát, đường làng, đường xã toàn cát, khó khăn, vất vả.

Các o pháo binh Ngư Thủy thật thà: “Thưa bác, chưa ạ!”. Nghe đến đây, gương mặt Đại tướng đượm buồn: “Chuyện làm đường, mắc điện, chỉ có tỉnh và Trung ương lo được, rồi bác sẽ có ý kiến về trong quê. Biết các cháu giờ còn nhiều vất vả nhưng cũng cần cố gắng. Đảng, Chính phủ không quên chiến công của các cháu đâu!”.

Trong câu chuyện kể cho chúng tôi, o The chợt nhớ đến một kỷ niệm với Đại tướng: Tháng 6-1969, o vinh dự tham gia Đại hội thi đua toàn Binh chủng Pháo binh tại thủ đô Hà Nội. Trong lúc nhiều phóng viên báo chí trong nước và quốc tế đến phỏng vấn o, Đại tướng đứng gần bảo: “Các cô, các chú hỏi ít thôi, nếu muốn hỏi nhiều thì cho cháu ấy ăn no. Gái Lệ Thủy ăn ngày 6 bữa mới đủ sức vác đạn, điều khiển pháo”. Không khí ấm áp, thân tình hẳn lên, ngập tràn tiếng cười...

Ngày được tin Đại tướng mãi mãi đi xa, không ai bảo ai, từ Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, C gái Ngư Thủy đội hình đông đủ, chỉnh tề lên nhà Đại tướng ở An Xá thắp nén hương tiễn biệt Đại tướng mà nước mắt tuôn rơi... Rồi ngày 27-7, C gái Ngư Thủy lại ra viếng mộ Đại tướng tại Vũng Chùa-Đảo Yến...

Với các o C gái Ngư Thủy anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi trong tâm trí. Các o cứ ngỡ rằng Đại tướng như chưa thể đi đâu xa, như vẫn đang ân cần căn dặn C gái Ngư Thủy trên vùng cát trắng Ngư Thủy năm nào...

VỀ QUÊ HƯƠNG ĐẠI TƯỚNG NGHE HÒ KHOAN LỆ THỦY

Minh Huyền

Là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình, Lệ Thủy nổi tiếng bởi dòng sông Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng với những cánh đồng rộng lớn xứng danh với câu “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Nơi đây được biết đến không chỉ bởi là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, còn trở thành điểm diễn ra lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và nổi tiếng với làn điệu hò khoan mang đậm bản sắc văn hóa của người dân xứ Lệ.

                    Một buổi biểu diễn hò khoan của học sinh trung học cơ sở

Trong cuốn “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” của GS. Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo có viết về hò khoan Lệ Thủy như sau: “Đây là một điệu hò có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân khi đi đốn củi, đánh cá, gặt hái, cấy bừa, đưa đò, cất nhà, chăn trâu, đi nơm, xay lúa, giã gạo, ru em...”. Rõ ràng, từ bao đời nay, hò khoan Lệ Thủy đã và đang chiếm một vị trí nhất định trong kho tàng diễn xướng của dân tộc, trở thành một làn điệu dân ca tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người và ăn sâu vào máu thịt của bao nhiêu thế hệ người dân trên mảnh đất này…

Hò khoan Lệ Thủy là một bộ phận cấu thành của dân ca Miền Trung nói chung và dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Do đặc điểm truyền khẩu và tính tương đồng về văn hóa, chúng ta có thể bắt gặp hò khoan ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Định… Tuy nhiên, bản thân làn điệu cũng đã có những biến tấu nhất định về giai điệu hoặc cách diễn xướng. Ngay cả trong phạm vi của tỉnh Quảng Bình, hò khoan vẫn là đặc trưng của Lệ Thủy vùng chiêm trũng, sông nước. Đối với các địa phương trong tỉnh như Đồng Hới, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn, Tuyên Hóa, Minh Hóa hầu như không có điệu hò độc đáo này.

                     Tiết mục hò khoan Lệ Thủy của Trường THCS Phong Thủy (Lệ Thủy)

Hò khoan Lệ Thủy gồm có chín mái (làn điệu): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruổi, mái nhì và hò nậu xăm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau. Những tiết tấu và cách quy ước diễn xướng đó có bắt nguồn từ trong nhịp điệu, tiết tấu của lao động. Nhiều khi những tiết tấu đó nhằm tập trung động lực của đám đông mà ở mỗi người đơn lẻ không thể làm được, như khi đẩy thuyền qua chỗ cạn, khi chống chèo ghe lớn qua chỗ nước xiết, gió ngược, khi cất nhà… Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc mà cũng rất gần gũi, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa, đồng thời cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc. Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy gồm đàn nhị và mõ khi hòa vào nhau tạo nên âm thanh dịu dàng, sâu lắng và trở nên dung dị, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi, cứ mỗi lần làn điệu được cất lên thì âm hưởng đó xuyến xao, tha thiết như tiếng lòng người xứ Lệ.

Cách tổ chức và hình thức diễn xướng chủ yếu của hò khoan là hát đối đáp hai bên. Ít nhất cũng phải có hai người hát gồm một bên hò, một bên xố (phụ họa). Ở những môi trường hò có tổ chức theo cuộc hát thì hò phải theo đúng từng “chặng” từ chào mời, vào cuộc giữa cho đến giã từ… Thông thường trong lối giao duyên này, bên nữ ca trước. Trong khi hò, tính ngẫu hứng sáng tạo là rất cao nên cách diễn xướng cũng thường rất sáng tạo và vô cùng linh hoạt. Điều đặc biệt là trong hò khoan, không có phân biệt diễn viên với khán giả. Chỉ có hò cái và hò con, cái hò thì con xố và vai diễn này cũng không cố định. Lúc này, họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai hò con, với tinh thần “tất cả đều là nghệ sỹ”. Chính vì vậy, cái cách diễn xướng của hò khoan làm cho ai cũng sảng khoái, hưởng ứng nhiệt tình.

Sức sống của các làn điệu, những câu hò khoan mượt mà, sâu lắng đi vào lòng người đã và đang thu hút được người dân địa phương, nhân dân trong tỉnh tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy nó trong thời đại mới. Tuy nhiên, hiện hò khoan Lệ Thủy đang đứng trước một số khó khăn, thách thức, đó là: Số người biết hát hò khoan ngày một ít đi, tuổi ngày càng cao, trong khi đó lớp trẻ lại không hào hứng và tâm huyết với các làn điệu hò khoan. Bên cạnh đó, sự xâm nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ của nhạc trẻ, âm nhạc thị trường đã lấn át đi những làn điệu, câu hò khoan thấm đẫm tình quê. Ngoài ra, sự ra đời và hoạt động của các Câu lạc bộ hò khoan vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả, cách thức hoạt động không thường xuyên, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp và sự quan tâm của xã hội, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chưa cao...

Để khơi dậy, thắp lửa niềm đam mê với hò khoan, tháng 11/2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy đã tổ chức liên hoan dành cho học sinh khối Trung học cơ sở với tên gọi:“Em hát dân ca”, thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, tập thể và cá nhân trên địa bàn. Có thể nói, liên hoan lần này đã dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung.

Thầy giáo Võ Vĩnh Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy đọc bài khai mạc trong một buổi sinh hoạt hò khoan Lệ Thủy

Thầy giáo Võ Vĩnh Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết, Ngành đã có kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá hò khoan Lệ Thủy bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức thiết thực và hiệu quả nhất là đưa hò khoan vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Thầy cho biết thêm, để đạt được kết quả tốt, kế hoạch này được chia thành năm nội dung trong một chương trình, đó là: Tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập câu lạc bộ trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi. 

Một trong những người cũng luôn trăn trở với những làn điệu hò khoan của xứ Lệ đó là ông Đặng Ngọc Tuân, một Đại tá về hưu, nguyên là giảng viên Học viện An ninh. Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, tháng 12/2013, ông đã ra mắt cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” (300 trang) do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản. Đây là công trình gồm 1.000 bài hò khoan cổ với 05 mái truyền thống để giúp người đọc có một cái nhìn khái quát hơn về những làn điệu hò khoan của xứ Lệ. Đặc biệt, vào ngày 01/4/2014, Chi Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Khoa Khoa học Xã hội - Trường Đại học Quảng Bình đã tổ chức buổi giao lưu với ông về chủ đề “Bảo tồn và phát triển Hò khoan Lệ Thủy”.

Hò khoan là một là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy lẫn đời sống sinh hoạt sống của người dân xứ Lệ, nhất là ở vùng nông thôn và đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của dân tộc, trở thành nơi lưu trữ, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Xứ Lệ nói riêng, cũng như Quảng Bình nói chung. Đây là Di sản văn hóa quý báu mà bao nhiêu thế hệ người Lệ Thủy đã tích lũy, sáng tạo và chắt chiu gìn giữ, vì vậy, bảo tồn là một nhiệm vụ cần thiết để các thế hệ sau còn biết đến và còn được tận hưởng những giá trị tinh thần vô giá đó cho mai sau.