HOÀNG HẬU LỆ THIÊN ANH

Lệ Thủy gạo trắng nước trong, nơi sinh nhiều danh nhân, võ tướng, cũng là nơi có nhiều phụ nữ trung hậu đảm đang, lưu danh sử sách. Hoàng hậu Dực Tôn Lệ Thiên Anh, được xem là mẫu nghi thiên hạ trong suốt mấy chục năm dưới thời nhà Nguyễn. 

                                           Lăng của hoàng hậu Lệ Thiên Anh tại Huế

Hoàng hậu Lệ Thiên Anh tên thật là Vũ Thị Duyên sinh vào tháng 5, năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828) tại làng Hòa Luật, tổng Thủy Liên, nay là xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha là Ngự tiền đại thần Thái tử thái bảo Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn. Mẹ là Trần thị, tên thụy là Trinh Từ được phong Lệ quốc nhất phẩm phu nhân.

Sinh ra từ một vùng cát nghèo khó nhưng có truyền thống văn hiến, lại được sự giáo dục của người cha học rộng tài cao, Vũ Thị Duyên lúc còn nhỏ là cô gái hiền lành, chịu thương, chịu khó lại ham thích đọc sách. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) bà được tuyển vào cung hầu Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này) ở tiềm đế (nhà riêng). Hồng Nhậm là hoàng tử thứ hai của vua Thiệu Trị với bà Từ Dũ (Nghi Thiên Chương hoàng hậu). Bà Từ Dũ là người thông hiểu kinh sử được con dâu Vũ Thị Duyên nết na, hiền thục, ham học hỏi nên đem lòng yêu quý. Năm 1847 Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu Tự Đức phong bà làm Cung tần.

Tự Đức năm thứ ba (1849), Cung tần Vũ Thị Duyên được vua Tự Đức phong làm Cẩn phi. Sử sách nhà Nguyễn chép: “Yêu thay cung tần Vũ Thị, ra tự thế phiệt, đức tốt ngọc quỳnh. Nội trị tu tề, kính theo phụ đạo. Thờ mẹ yên thắm được vui tự tâm. Bèn theo điển lễ để tỏ ân to, đặc cách tấn phong làm Cẩn phi.”

Cẩn phi Vũ Thị Duyên luôn là người vợ hiền, dâu thảo, mùa xuân năm Tự Đức thứ 13 (1859) Cẩn phi Vũ Thị Duyên được Tự Đức phong làm Thuần phi bởi “... Cẩn phi Vũ Thị, dòng dõi danh gia, hiền tài, trinh tư thục thận. Đoan trang tỏ nết tốt, nộ trị theo đức hóa tu tề; cẩn kính cả đức hay. Thờ mẹ sẵn một lòng ngoan ngoãn, trên yên lòng mẹ, liền đội ơn dày.”

Mùa đông năm Tự Đức thứ 14 (1860) Thuần phi Vũ Thị Duyên được phong làm Trung phi và đến mùa xuân, tháng giêng năm Tự Đức thứ 15 (1861) bà được phong làm Hoàng Quý phi, đứng đầu các bà vợ của vua. Việc tấn phong Trung phi Vũ Thị Duyên làm Hoàng Quý phi vua Tự Đức có dụ rằng: “Trong cung vi là gốc phong hóa, không thể không đặt người để xướng suất cung nhân, chấp hành phụ đạo. Trung phi Vũ Thị, con nhà danh gia, kính vâng tuyển hầu ta. Cùng có đức hạnh nên cân nhắc lên. Vậy tấn phong làm Hoàng quý phi, suất nhiếp sáu viện”.

Dưới thời các vua nhà Nguyễn (trừ Bảo Đại) chủ trương không lập Hoàng hậu, chỉ khi vua mất có di chiếu mới tôn Hoàng hậu. Các bà vợ vua được xếp theo thứ tự từ Cung tần, Cẩn phi, Thuần phi, Trung phi và cao nhất là Hoàng Quý phi. Thời kỳ bà làm Hoàng Quý phi là giai đoạn triều vua Tự Đức gặp nhiều biến cố. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng bắt đầu xâm lược nước ta.

Trong bối cảnh triều đình lắm sự phiền hà, Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên vất vả lo toan quán xuyến công việc của lục viện, không sao tránh khỏi sơ suất, phật ý Tự Đức nên tháng 12 năm 1882 bà bị giáng xuống làm Trung phi. Tháng 5 năm 1883 vua Tự Đức mất, trước khi băng hà Tự Đức nghĩ đến đức độ, công lao của Vũ Thị Duyên nên đã có di chiếu để lại tôn Trung phi Vũ Thị Duyên là Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.

Bà Vũ Thị Duyên trở thành Hoàng hậu nhưng việc tấn phong có nhiều trắc trở. Tự Đức vốn không có con, vua và Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên nhận ba người con trai của em ông về làm con nuôi là Ưng Chân, Ưng Kỷ và Ưng Đường, trong đó Ưng Chân được xem là con trưởng. Theo di chiếu của Tự Đức, là con trưởng, Ưng Chân được nối ngôi ngày 17.7.1883 (gọi là vua Dục Đức). Tuy đã truyền lập di chiếu chọn Ưng Chân nối ngôi nhưng vua Tự Đức không thật sự hài lòng với người con nuôi kế vị vì có nhiều tật xấu.

Quan Phụ chính Nguyễn Văn Tường xin vua bỏ đoạn nói về tật xấu của Ưng Chân nhưng vua không đồng ý, bảo “phải giữ lại những câu đó để nhắc người kế vị phải tự răn mình tu chỉnh”. Ngày đăng quang, khi tuyên đọc di chiếu của Tự Đức, một số đại thần đề nghị phải ngưng buổi lễ và xin ý kiến Thái hậu Từ Dũ phế bỏ Dục Đức thay ông vua khác. Làm vua được ba ngày, Dục Đức bị quản thúc ngay tại Dục Đức đường sau chuyển qua giam ở Thái Y viện và chết tại ngục thất Thừa Thiên.

Vua Hiệp Hòa lên ngôi, tuân theo di chiếu của Tự Đức lại định tấn tôn bà Vũ Thị Duyên làm Hoàng hậu. Biết được ý muốn của Hiệp Hòa, bà đến cung Gia Thọ gặp Thái hậu Từ Dũ lạy từ rằng, tôi vâng chiếu của Hoàng đế dạy bảo tự quân (Ưng Chân) nay tự quân như thế cũng có lỗi nên xin ra ở Khiêm cung để chầu thờ.

Mặc dù bà từ chối không nhận nhưng được sự đồng ý của Thái hậu Từ Dũ, vua Hiệp Hòa cùng đình thần vẫn bàn việc tấn tôn bà làm Hoàng hậu với mỹ danh là Khiêm Hoàng hậu, nhưng chưa kịp cử hành thì vua Hiệp Hòa cũng bị phế truất. Kiến Phước lên ngôi, chưa kịp làm lễ tấn tôn cho bà thì bị đầu độc chết.

Đến đời vua Hàm Nghi năm thứ nhất (1884) vua làm lễ tấn phong bà Nghi Thiên Chương hoàng hậu (Từ Dũ, vợ vua Tự Đức) thành Nghi Thiên Chương Thái Hoàng hậu và xin tấn phong bà Vũ Thị Duyên làm Hoàng hậu như di chiếu của Tự Đức để lại nhưng bà vẫn không nhận.

Tháng 5 năm Ất Dậu (1885) triều đình có biến, kinh thành thất thủ. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng Nghi Thiên Chương Thái Hoàng hậu và bà ra Hành cung Quảng Trị chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không thể đem theo cả người già, phụ nữ, những quan lại còn nặng gánh gia đình theo cuộc kháng chiến, Nghi Thiên Chương Thái Hoàng hậu trở lại Huế, bà Vũ Thị Duyên theo về lại Khiêm cung, một lòng phụng dưỡng mẹ chồng.

Mặc dầu việc tấn tôn hoàng hậu cho bà mấy lần không thành vì triều đình gặp nhiều biến cố lớn nhưng nghĩ đến công lao, đức hạnh của bà, tôn thất, quan lại trong triều vẫn cố xin tấn phong cho bà.

Đời Đồng Khánh, tháng 3 năm 1886 vua có dụ rằng “... Kính nghĩ thánh mẫu, làm hoằng đức phúc, tĩnh mục làm phép giúp hoàng khảo Dực Tôn Anh hoàng đế nội trị 36 năm...Trước đây qua tôn nhân, đình thần kêu xin tấn gia tôn hiệu.Từ chỉ không nhận, thực là đức khiêm quang, không thể hình dung được... Nay tôn thân đình thần hai ba lần xin, trẫm lập tức đem việc tâu lên; nay được chuẩn y về sự nghi tấn tôn, nên làm thế nào cho phần việc đều chiểu lệ làm, để yên lòng ta một người hiếu phụng, hợp nguyện vọng muôn họ tôn sùng”.

Ngày 27 tháng 4 năm 1886 vua Đồng Khánh cùng quần thần đem sách vàng, ấn vàng làm lễ tấn phong bà với húy xưng là Trang Ý Hoàng Thái hậu.

Đến đời Thành Thái năm thứ nhất (1889) vua lại thân chinh cùng quần thần dâng sách vàng, ấn vàng và tấn tôn bà với huy xưng là Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng Thái hậu. Sau lễ tấn phong, vua Thành Thái cho ban ân chiếu dụ rằng : “Vua nhờ mẫu hậu, để dạy dân hiếu với mẹ cha... Kính nghĩ, Hoàng tổ mẫu Trang Ý thái hoàng Thái hậu bệ hạ tư chất thuần túy, khuôn phép đoan trang... Ơn khắp nước nhà, lợi đến xã tắc. Vâng Cảnh Thôn Thuần hoàng đế ta theo di chiếu dâng tôn xưng. Tiếng tốt kinh thất sáng thân sách trước...”

Tháng 4 năm 1883, bà Vũ Thị Duyên - Trang Ý Thái hoàng Thái hậu qua đời, thọ 75 tuổi, được an táng ở Vạn vạn niên bên tả Khiêm Thọ lăng Tự Đức.

Dực Tôn Lệ Thiên Anh hoàng hậu từ thân phận Cung nữ, Cẩn phi, Thuần phi, Trung phi rồi Hoàng Quý phi, suốt 36 năm giúp Tự Đức trị vì luôn để lại tiếng thơm cho muôn đời con cháu. Khi Tự Đức mất, di chiếu tôn làm Hoàng hậu nhiều lần bà không nhận nhưng vì đức độ, một lòng với xã tắc mà các vị vua về sau tôn xưng bà từ Hoàng hậu lên Hoàng Thái hậu rồi Thái hoàng Thái hậu.

Cuộc đời bà, như sử sách từng chép là “Nghi thơm nết tốt, nghìn thu bút son sáng ngời; nêu tốt tỏ hay, muôn thuở ngọc cầu rực rỡ. Tôn xưng là trời để viếng, vì sáng mặt trăng...”

                                                         Phan Viết Dũng

KÍ ỨC TRƯƠNG SƠN


Trần Văn Khởi, một người con của Lệ Thủy vốn là một cựu chiến binh, một thầy giáo mẫu mực nay đã về hưu nhưng vẫn cần mẫn cống hiến cho đời, trong đó sáng tác văn học là một đam mê. Gần đây, anh đã viết những hồi ức của mình về một thời đạn lửa Trường Sơn thật cảm động. Xin trân trọng cám ơn tác giả và giới thiệu cùng đồng hương.



CHA VÀ CON

Ông chủ tịch xã Phong Thủy chằm hăm đọc lá đơn tình nguyện của tôi hồi lâu,nhíu mày,đặt chiếc kính xuống bàn, rồi rót nước mời.- Cậu uống.! Ông cụ nhà cậu ngày nào đi? - Dạ, ngày mốt ạ! Ông nói tiếp! – Cậu cho tôi gửi lời hỏi thăm ông cụ nhé! Ông đi qua đi lại mấy vòng, cái đầu gật lên gật xuống - Ông cụ cách mạng thật! Định đưa cả gia đình đi Mỹ chắc? Ông lại ngồi xuống ghế nhìn tôi hồi lâu rồi nói: Tôi hoan nghênh đơn tình nguyện của cậu! Khát vọng của cậu đúng vào thời điểm cả nước đang lên đường đánh Mỹ. Ông dừng lại hạ giọng: - Theo tôi! Cậu nên ở nhà, Hoàn cảnh gia đình neo đơn lắm! Cha chú đều ra trận cả! Tôi thở rồi nài nỉ ông: - Chú cho cháu đi! Ông xua tay: - Đành vậy; nhưng cậu đã có giấy đi học nước ngoài mà! Tôi dè dặt tiến đến ông : - Thống nhất nước nhà cháu về học lại! Ông cười nhân hậu, - Nhưng đơn vị nào tuyển cậu ? Tôi nhanh nhẩu: - Ba cháu tuyển còn ai nữa. Ông cười, rồi đi vào phía trong xầm xì to nhỏ với ai đó, đoạn quay ra: --Thôi được, chú cho cháu đi, nhưng cháu phải làm rạng danh quê hương và gia đình… Tôi sướng rơn lên, chộp lấy lá đơn chạy ào ra sân. Ông gọi giật lại: - Khoan đã, chưa xong đâu! Còn phải đóng dấu nữa. Vừa đóng dấu vào đơn ông vừa hỏi; - Nghe các thầy giáo cấp 3 kháo nhau cậu mới làm bài thơ “Lên đường” hay lắm à? Cậu đọc cho tớ nghe! Tôi gãi đầu: - Cháu quên cả rồi. Mà nói thật, lúc đó tôi muốn bay lên nhà để khoe với lũ bạn. Ông ta giục: - Thôi đọc một đoạn cũng được ! Tôi đứng lặng một hồi lâu, rồi ngượng ngùng đọc:
..... Miền Nam ơi chúng con đã lên đường
Trở về bên mẹ, mẹ yêu thương
Như trăm dòng máu về tim lớn
Xa cách giờ đây nối nhịp đường…
Con đã xếp những bài văn soạn dở 
Để lên đường soạn đủ chiến công
Hướng pháo quay nòng nhớ bài vật lý…

Lúc đầu tôi đọc lí nhí, càng về sau tôi đọc to, rõ, hùng hồn. Tôi nghe đất dưới chân mình rùng rùng chuyển động. Tôi đọc chưa hết đoạn, thì ông vỗ tay cười, rồi ôm chầm lấy tôi: - Hay! Hay lắm! Một bài thơ thấm đẫm Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một quyết tâm, ý chí, nghị lực sắt đá của cả dân tộc đánh Mỹ. Ông nắm chặt tay tôi: - Chúc người lính trẻ lên đường sức khỏe! Quê hương đang đợi chiến công của chú! Tôi khấp khởi chào ông, rồi phóng như bay lên nhàL lũ bạn được tin tôi đi lính, chúng kéo đến đầy nhà như ong vỡ tổ, quên cả tiếng đạn bom gầm rít trên đầu. Cũng nhiều đứa vui, nhưng có đứa buồn ra mặt, vì từ đây, chẳng có đứa nào giám liều lĩnh như tôi, trộm cả rá trứng vịt lộn đem ra Mũi Viết cho cả lũ ngồi xơi, lội sang sông vặt trôm ổi, đu đủ nhà họ, giám liều lĩnh đánh bọn choai choai làng bên. Bọn bạn ra về, cái Mai bạn học cùng lớp, buồn buồn dí vào tay tôi tập truyện “Sống như anh” của Trần Đình Vân rồi thút thít ,ù té chạy…
*
Cha con tôi lên đường, đúng vào ngày 25 Tháng 8 năm 1967, dịp máy bay giặc Mỹ đánh phá quê hương tôi ác liệt chưa từng có. Quy Hậu chết mười ba người. Trên dòng Kiến Giang ba học sinh trường tôi. Cạnh nách nhà tôi, mười hai người nữa. Cảnh tiêu điều xơ xác bao trùm lấy làng quê yêu dấu. Tôi chia tay mẹ tôi với bữa cơm đạm bạc, trong căn hầm chữ A chật chội. Trên rền vang tiếng bom bi nổ chát chúa. Mẹ tôi thút thít khóc. Cái Thương, thằng Quang khóc như mưa. Tôi nuốt thầm nước mắt: - Mai mốt anh bắt chim rừng về cho bọn em. Nó mới chịu nín cho. Ba tôi đẩy mẹ tôi vào: - Thôi để con đi an tâm! Nhà mình, cha chú đều đi lính, thì con phải ra trận…

Chiếc xe gát ì ạch, lắc lư cõng cha con tôi mò mẫm đi trên đường 15 – Miền Tây Quảng Bình, để lại đằng sau nỗi nhớ thương vô cùng vô tận. Tôi như còn nghe thấy tiếng khóc sụt sùi của mẹ tôi và bàn tay run run của bà cầm nắm nhang thắp lên bàn thờ cầu xin tổ tiên ông bà cho cha con tôi ” thượng lộ bình an”, và cả tiếng thằng em út còi cọc: - Nhớ bắt chim rừng về cho em. Rồi cả tiếng thằng Hải xù: - Nhớ diệt nhiều Mỹ vào! Tôi nhớ vùng đất quê tôi: Nơi có dòng Kiến Giang hiền hòa, xanh trong, chở những con thuyền giấy tuổi thơ.Nhớ Mũi Viết Những đêm trăng thơ mộng, cả lũ ngồi tán dốc. Nhớ Cột Mồ những trận đánh giặc giã và Đồng Trong, Đồng Ngoài mùa đi mót lúa. Nhớ tiếng hát chị Châu Loan, chị Tuyết, chị Dinh, anh Sỹ cừ ( đoàn dân ca Bình Trị Thiên) hôm tiễn cha con lên đường.
Chưa bao giờ ngồi xe, nôn hết mật xanh mật vàng, tôi như viên bi của tuổi thơ lăn long lốc trên thùng xe, lăn theo con đường binh nghiệp của ba tôi. Tôi miên man nghĩ: Tuổi “Hoa niên” của tôi mở ra và đóng lại quá ngắn ngủi. Đó là chuỗi ngày long đong vất vả, cha tôi đã sớm khoác lên tôi một màu xanh của lính. Từ thuở còn nằm trong bào thai mẹ, tôi đã đọc được ý nghĩ của ông: - Con ơi mau trưởng thành lớn khôn, để ngày mai cùng cha đi đánh giặc! Khi mới cất tiếng khóc chào đời , trong vùng tạm chiếm mẹ tôi phải cạo trọc đầu, để đánh lừa bọn Tây đồn, năm lần bảy lượt cõng tôi lên chiến khu Bang Rợn tìm cha tôi. Hòa bình lập lại, đơn vị ông ở Hạ Lào trở về Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông cho người đón mẹ con tôi. Hai mẹ con dắt dìu nhau đi theo tiếng gọi của ông và trở thành người lính từ đó. Mới bảy, tám tuổi đầu, nhưng tôi đã vượt suối băng rừng, đeo chiếc ba lô cóc nhỏ xíu bên mình, cùng các chú bộ đội, hành quân vào Nam ra Bắc. Một lần đơn vị vượt đèo Ngang, một người lính đang cõng tôi nói với ba tôi: - Thủ trưởng cho đơn vị nghỉ, cháu sốt nặng… Đến mùa thu năm 1957 , hai mẹ con được “giải ngũ” và trở về quê hương.......

Đến Cộn, ông dẫn tôi vào thăm ông Nguyễn Tư Thoan – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình ở đồi Mỹ Cương. Những căn nhà khu Tỉnh ủy được xếp rải rác như bàn cờ để tránh bom đạn thù, nhưng không tránh nổi – khu Tỉnh đoàn nơi chú ruột tôi công tác bị bom phát trụi. Những hố bom sâu hoắm, to đùng nằm trố mắt. Chú tôi xoa đầu động viên tôi: - Cháu hãy noi gương truyền thống cách mạng gia đình, Nơi cháu đến chính là môi trường thử thách, rèn luyện cháu nên người. Ông Thoan kéo ba tôi ra ngoài hiên nói nhỏ - Cháu còn bé quá! Lại chưa được huấn luyện một ngày nào . Suy nghĩ một lúc, ông gợi ý: - Hay anh gửi cháu lại đơn vị Tỉnh đội của anh Sự để huấn luyện một thời gian, rồi vào sau cũng được. Tôi ngồi lắng nghe, rồi chạy ra ôm chặt lấy ông: - Chú cho cháu đi đánh Mỹ! Ông lắc đầu cười, ba tôi cũng cười. Ông gắp thức ăn đầy bát tôi: - Ăn nhiều vào cháu. Trong ấy khổ lắm, không có thứ này đâu. Mọi người bỏ bát đũa chạy xuống hầm bởi tiếng kêu báo động máy bay thù đang đến…
Từ binh trạm 15 – Cự Nẫm miền Tây huyện Bố Trạch, cha con tôi lội suối băng rừng đi trong mưa bom bão đạn của quân thù ròng rã suốt mấy ngày đêm. Vượt qua cửa rừng, qua Cổng Trời, đèo Mụ Dạ, ngầm Ta Lê , đèo Phù La Nhích thì đến binh trạm 32 đoàn 559. Giờ đây, tôi trở thành người lính thực thụ xanh màu áo , chẳng còn ngây ngô như buổi ban đầu: Đi qua Cổng Trời , tôi vẫn đứng ngắm cảnh, làm thơ, thấy vắt rừng tôi khóc, thấy chim kêu vượn hú tôi nhớ nhà. Tôi càu nhàu giục ba tôi: - Đi thôi ba! Sao ở đây lâu vậy? Ông cười trừ: - Đi đâu nữa mà đi. Tôi nghi ngờ:- Vậy cha con mình ở đây à? Ông gật đầu rồi nhìn tôi. Tôi bỉu môi thất vọng:- Sao ba bảo con đi đánh Mỹ, đánh tận dưới đồng bằng cơ mà! Đại tá Vũ Xuân Chiêm - Chính ủy binh trạm 32 nãy giờ ngồi chăm hăm trên bàn giấy, ngước mắt nhìn tôi cười: - Ở đây cũng đánh Mỹ chứ cháu! Ông quay sang nói với ba tôi : - Anh cho cháu sang bên ban tuyên huấn binh trạm, ở đó cha con lại gần nhau. Tôi nài nỉ ông: - Thủ trưởng cho em ra chiến đấu!

Vài ngày sau, ông cụ tôi quay về, xìa tấm giấy ra trước mặt tôi nói: - Con được phân về đơn vị chiến đấu C2 giữ cao điểm Văng Mu. Tôi nhãy cẫng lên, ôm chặt lấy ba tôi. Hơi nóng cuả ông truyền sang tôi. Tôi biết, giờ phút trọng đại này, lòng ông không khỏi bùi ngùi lo lắng, bởi ông đã quyết định ném một đứa con còn thơ ngây vụng dại mới mười bảy , mười tám tuổi đầu chưa có một ngày huấn luyện quân ngũ ra nơi vùng “ Tử Địa”, ra cao điểm Văng Mu ác liệt nhất. Nơi mà bọn địch thường gọi ” Yết hầu đại lộ Hồ Chí Minh”, nơi mà đồng đội, đồng chí của ông ngày đêm ngã xuống, để dành giật từng tấc đất, từng con đường cho xe ra tiền tuyến.

Tôi được phân về tổ trinh sát của đại đội. Nhiệm vụ của bọn tôi trực chiến trạm Parie phía Bắc đèo. Chúng tôi nắm chắc tình hình xe qua về,nếu có tiếng súng tắc đường, thì chúng tôi kịp thời xử lý. Đèo Văng Mu trước đây cao ngợp mắt,cây cối um tùm, sau này máy bay địch phát hiện đánh phá ngày đêm, quả đồi ngày một nhỏ lại, con đường ngày một cao thêm. Từ dưới chân đèo nhìn lên, quả đồi lở loét, trơ trọi đỏ lòm. Trên đỉnh đèo còn lưa thưa vài thân cây bị bom phát trụi. khói lữa ngút trời. Những chiếc dù pháo sáng của địch thả xuống ,như những đàn cò trắng đậu kín cả đồi, chẳng ai thèm nhặt. Đường đi qua đèo độc đạo, một chiều, lại khúc khuỷu quanh co. Chỉ cần lơi tay một chút, lơ mắt một chút là xe lao xuống vực. Những đoàn xe qua đèo, nếu bị địch phát hiện đánh cháy chiếc đầu, thì cả đoàn “tiến thoái lưỡng nan” đành đưa lưng ra hứng bom hứng đạn và được anh em công binh cho ăn mìn để xe lưu thông . Vực sâu và rộng dài như thế, nhưng chẳng còn đủ chổ để chứa hàng trăm xe cháy, xe hỏng nên nó chồm cao lên khỏi mặt đường. Vắt cơm nơi cao điểm trộn đều bụi đất, gang sắt bom đạn quân thù,và máu xương của đồng đội đồng chí. Thằng Hùng quê ở Thanh Hóa bị một miếng cơm xơi tái luôn hai chiếc răng, rồi thằng Quân thằng Trọng, thằng Tấn chết trên đường đi bới cơm cho lũ chúng tôi. Đại đội chết dần chết mòn. Số lính cũ còn lại chỉ còn sáu thằng, may mắn trong đó có tôi.
Mùa mưa ở Trung Lào thật kinh khủng. Mưa thối trời thối đất. Mưa ròng rã suốt ngày đêm, mưa tuần này vắt sang tuần khác. Mưa thè lười liếm vào ta tuy đường, lại thêm bom đạn thù trút xuống, con đường thoi thóp ngắc ngoải. Đường qua đèo sụt lở chỗ này đến chỗ khác .Đơn vị kịp thời thành lập tổ” đánh mìn cảm tử” để thông đường. Tôi xung phong vào tổ đó và dĩ nhiên trở thành “Kiện Tướng đánh mìn cấp một”. Tôi đánh một lúc mười lăm quả liền. Đánh xong lũ chúng tôi lại hối hả san lấp đường và không quên chía súng lên trời bắn ba phát làm hiệu lệnh cho xe qua.Trên đèo, không có hầm tránh đạn. Cũng không thể làm được hầm, bởi làm giờ này, thì giờ sau bom lại lấp, thôi đành đưa tấm lưng trần ra hứng bom đạn,thể xác tâm hồn hòa với con đường với đất đai. Phía Nam đèo, trung đội 2 dũng cảm kiên cường bám trụ làm cầu cho xe qua, vì nước ngầm lên cao.Có ngày họ phải làm đến năm sáu lần, làm xong bom lại đánh, họ lại làm. Những tên phi công Mỹ và những chiến sỹ công binh anh hùng C2 chẳng lạ lẫm gì nhau. Họ thi gan nhau, trừng trừng nhìn nhau, gờm nhau như dũng sĩ trên võ đài. Chỉ có hơn ba ngày đêm mà trung đội bị máy bay địch nuốt hơn một nữa quân số. Quần áo, giày mũ chẳng kịp khô, cứ mặc ướt suốt mùa rồi cũng quen dần. Sên vắt như những binh đoàn ra trận, hễ động chúng xông lên ào ào. Vắt chui vào tai, vào mũi, rúc cả vào màn ngủ chung với lũ tôi. Thấy tôi được đi báo cáo kinh nghiệm đánh mìn cấp một, Thiệp – Bí thư Chi đoàn chẳng ưa mấy. Một bữa tôi ra mặt đường, hắn ta lục lọi ba lô tôi tìm được bài thơ “ Gác đêm” tôi viết tặng Mai – Người bạn học cùng lớp, hắn quy tư tưởng “ tiểu tư sản” và đề nghị chi bộ hoãn kết nạp Đảng của tôi. Bài thơ có đoạn thế này:
“… Đêm khuya trong phiên gác
Người lính trẻ tương tư
Một nỗi buồn man mác
Lòng sướt mướt dòng mưa…”
Được tin, tôi chẳng quan tâm lắm, vì lúc đó nói thật, tôi chưa hiểu mấy về Đảng. Tôi chỉ biết công tác tốt là được. Nhưng nhiều lúc nghĩ lại, tôi cảm thấy chua chát, đắng cay. Đúng như thằng bạn Phạm Xuân Thâu dặn tôi trước lúc lên đường: “Đời là đố kị, ghen tuông và hiềm khích” . Tôi chủ quan, cứ nghĩ : Mọi người chẳng tiếc máu xương, tất cả cho tiền tuyến; tất cả cho miền Nam ruột thịt, ai sức hơi đâu mà đố kỵ ghen tuông … ấy thế mà ngược lại.

Tôi được gặp ba tôi tại hội diễn văn nghệ binh trạm 32 ( gần ngầm Ta Lê) Ông mừng rơn, khi thấy thằng con ông chững chạc, lớn khôn trong lửa đạn chiến tranh. Những chiến sỹ từ “Cánh Cửa Thép Văng Mu” mang về cho hội diễn những lời ca tiếng hát với sắc màu mới. Những tiết mục đó đều do tôi tự sáng tác. Mọi người rất thích vỡ hài kịch: “Đèo Văng Mu”. Câu chuyện dí dỏm kể lại một buổi giao ban tại Lầu năm Góc. Trong phòng có tổng thống NichXon và tướng Oét Molen. NichXơn đang chăm chú nghe Oét giẳng giải thuyết trình về đường mòn Hồ Chí Minh, y chỉ lên bản đồ và dùng bút vòng lại cao điểm Văng Mu. NichXơn gật gù rồi ra lệnh:- Phải dùng cách bóp nghẹt” yết hầu đại lộ Hồ Chí Minh”. Y nắm chặt tay đưa thẳng lên trời. Bỗng Lưu Đơn – Tham mưu trưởng không lực Hoa Kỳ xòe hai cánh tay như máy bay chao liệng mấy vòng rồi hạ ngay trước mặt hai người và hớt hãi báo : - Tuy chúng ta đánh phá ác liệt, nhưng xe Việt Cộng vẫn liên tục đi qua cao điểm ngày đêm. Đánh sập cầu này, họ lại bắc cầu khác.Súng phòng không của Việt Cộng bắn lên như mưa! Máy bay của ta bị rơi rụng nhiều. NichXơn tức giận:- Phải trực 24/24 giờ. Phải dùng B52, bom khoan trên một ngàn bảng, phải thả bom từ trường, cây nhiệt đới và chất độc hóa học. NichXơn đập tay xuống bàn: - Phải phá toang “cánh cửa thép Văng Mu”… Chuông điên thoại reo, Oét Molen nghe một hồi lâu rồi bảo: - Cục tình báo cho biết: Máy bay trinh thám và “ cây nhiệt đới” thu được cả tiếng xe và tiếng hát của việt Cộng trên cao điểm Văng Mu. Nich Xơn giậm chân:- Chúng hát những gì? Oét molen thưa:
“Cầu phao bắc qua sông 
Ta nối mạch máu giao thông
Vượt lên sóng dữ dâng tràn mênh mông
Dù đạn bom ta vượt qua
Quyết mở đường cho xe qua”

NichXơn quăng mình xuống ghé nói lẩm bẩm:- Tướng Giáp giỏi thật! Thật khó nuốt trôi trọng điểm Văng Mu này! Nuốt trôi một dân tộc anh hùng…
Ông Đồng Sỹ Nguyên – Chính ủy đoàn 559 đẩy ba tôi lên sân khấu. Hai cha con ôm chầm lấy nhau trong tiếng vỗ tay như nổ tung hội trường. Hơi ấm tình cha con, tình đồng chí, đồng đội hòa quyện vào nhau. Sau buổi diễn, ông có nhắc tới chuyện bài thơ rắc rồi đó. Ông nhắc như một lời bình:- Vì mới chân ướt chân ráo,vừa rời ghế nhà trường, thuộc thành phần tiểu tư sản,nên cái nhìn của tác giả trong bài thơ,đối với cuộc kháng chiến của dân tộc còn bị hạn chế. Tâm trạng người viết còn bi quan… Tôi hỏi ba tôi: - Con vừa vào lính nhớ nhà, nhớ ban bè, viết vậy không được sao ba? Ông nói ngay: - Không được! Không được! Con thấy cả dân tộc đang ra trận, lớp cha trước lớp con sau, mang theo niềm tin chiến thắng…
Đào trong tốp múa đoàn văn công Binh trạm sang thăm ông cụ nhà tôi nói cười xởi lởi: - Đào xưng ba tôi bằng cha làm tôi đến phát thẹn. Sau này, tôi mới biết ba tôi nhận Đào làm con nuôi. Cô ả nhìn tôi tủm tỉm cười, quay sang nói với ba tôi: - Anh ấy sang tác hay cha hè? Cha cho anh ấy ở lại đoàn văn công binh tram. Ba tôi cười rồi xầm xì với Đào: - Thì con nói với nó coi. Mấy ngày ở đó, tôi thấy ông tất bật như nhà có đám ma. Ông đi đi về về làm tôi đến suốt ruột. Sáng hôm sau, ông dẫn tôi đến thăm Tổng kho AX43 – Một tổng kho lớn của đoàn 559 và nghe phong phanh người ta định chuyển ông về làm chính ủy Tổng kho này. Kho được làm bởi một loạt nhà cỡ lớn nữa nổi nữa chìm, trong chất đầy súng đạn và lương thực phẩm, được ngụy trang trong rừng tre,rừng vầu, vàng úa, vì chất độc hóa học. Ông tư lệnh kho nhìn tôi rồi dí dỏm: - Coi chừng chứ máy bay Mỹ làm thịt luôn cả hai cha con đó. Ông cụ nhà tôi cười nói với tư lệnh: - Tuy có vất vả về khâu vận chuyển, nhưng ta phải quyết làm kho chìm, phải tìm nhiều bãi để phân tán hàng hóa, tránh thiệt hại. Một loạt bom tọa độ xé tan núi rừng. Hai cha con nằm đè lên nhau. Cây cối, đất đá đổ rào rào. Tre nứa nổ lép tép. Lửa cháy lan vào khu kho. Tôi và ông cụ cùng anh em tổng kho lao vào cứu hàng, cứu những đồng chí bị bom lấp.
Đến chiều, ông lại dẫn tôi đến thăm tiểu đoàn xe vận tải. Những chiều Zin Ba Cầu rúc đầu vào rừng săng lẻ, nằm nín thở để chuẩn bị cho “ trận đánh” đêm nay. Những người lính lái xe trẻ măng. Mặt lem luốc, áo quần nhếch nhác, bám đầy bụi đất, xăng dầu đang hối hả kiểm tra xe. Một người đang nằm dưới gầm xe thò đầu ra ngoài cười: - Chào thủ trưởng! Ông cụ vấn đốt một diếu thuốc lá bọ, cúi xuống cho vào mồm anh ta: - Đêm qua mấy chuyến? Anh ta ra khỏi gầm xe nói nhỏ nhẹ: - Một thôi thủ trưởng ạ. Địch đánh suốt đêm, vượt qua trọng điểm thì trời gần sáng. Tiểu đoàn bị cháy năm xe, hai xe bị sa lầy, tám đồng chí hy sinh, bốn đồng chí bị thương nặng. Ông cụ lặng một lúc rồi nói: - Bằng mọi giá, đêm nay, phải đi hai chuyến. Tất cả các binh trạm, tiểu đòan công binh và pháo cao xạ đã chuyển chỉ huy sở ra sát trọng điểm rồi. Đêm nay pháo binh sẽ hỗ trợ tối đa cho các đồng chí! Ông nói vậy, nhưng tôi hiểu hơn ai hết, quanh trọng điểm Văng Mu chỉ lác đác vài khẩu 37,12 ly 7 phun vòi rồng lên. Bom nện xuống là miệng câm như hến: - Người kia đứng nghiêm chỉnh dơ tay báo cáo: Rõ! Ông cụ đến cạnh một anh lính trẻ, đang ngồi dựa vào gốc cây, khuôn mặt buồn buồn, đang nuốt vội miếng cơm để chuẩn bị lên đường , ông nhét vào túi anh ta gói thuốc” Điện Biên” và hỏi: - Đồng chí có cảm tưởng gì về chuyên đi đêm nay ? Anh ta đứng bật dậy, cười nói nhồm nhoàm:- Thôi, cho em bắt tay tạm biệt thủ trưởng, chứ ngày mai không còn gặp đâu! Nghe anh ta nói, tôi nổi da gà. Ông cụ xoa đầu anh ta: - Lạc quan lên chứ! Cậu ta cười khà. Xìa cái răng khểnh duyên dáng ra ngoài.- Thì em đang lạc quan đây thủ trưởng ạ! Hai bàn tay anh ta cầm chặt lấy bàn tay ông cụ tôi: - Hôm sau, tôi lại nghe ông tiểu đoàn trưởng báo cáo với ba tôi: - Cái cậu lính trẻ, hôm bắt tay thủ trưởng ấy, hy sinh tại trọng điểm Văng Mu lúc 3 giờ sáng. Bom đánh trúng xe chẳng tìm được xác. Ông cụ chau mày rồi lặng đi. . Tôi bùi ngùi, nhìn đôi bàn tay cha tôi, như ngỡ thấy hơi ấm cái bắt tay của anh ta, mới chiều hôm qua còn đó…

Tính ra, đã tám tháng ròng rã, nay tôi mới có dịp gặp lại ba tôi, mới thấy được hình dáng, giọng nói, nụ cười của ông. Công việc cứ chồng chất theo năm tháng, làm tôi quên luôn ông. Trong giấc mơ cũng chỉ là chuyện thông xe thông đường mà thôi. Ông chẳng mấy khi nhắc đến chuyện nhà. Có lẽ ông cũng như tôi, sợ nhớ nhà rồi bỏ quên nhiệm vụ. Tám tháng như ngàn thế kỷ. Tôi nếm đủ mùi gian lao cực khổ trên tuyến đường này. Có thể nói, tôi khổ gấp vạn lần cuộc sống của ông, vì dẫu sao, ông vẫn là một phó chủ nhiệm chính trị binh trạm cơ mà.
Từ đó, tôi say sưa công tác, ngày đêm lăn lộn trên mặt đường. Tôi quen dần hoàn cảnh sống. Chính hoàn cảnh nơi cao điểm Văng Mu ác liệt, đã rèn luyện tôi dạn dày với hoàn cảnh. Nhưng rồi, khát vọng được trực tiếp đánh Mỹ lại thức dậy trong tôi. Đêm đêm những binh đoàn rầm rập ra trận làm tim tôi như lửa đốt…

Một đêm tháng tám, năm 1968, dưới căn hầm chữ A, tôi nói khẽ vào tai Cừ (Trung đội trưởng của tôi): - Mày hẵng để tao đi! Tao trốn vào Nam đánh Mỹ. Cừ hốt hoảng: - Mày mà đi, đơn vị và cả ông cụ của mày kỷ luật tao đó. Chiều Cừ, tôi để lại mấy dòng thư cho ông cụ và không quên dặn Cừ bỏ dưới gối nằm của tôi. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng:
“Ba thương yêu của con!
Con có lỗi với ba nhiều. Ba đừng buồn đừng lo…
Con đường vào Nam đầy gian lao thử thách, nhưng con đi đúng đường ba đã chọn.
Chúc ba mạnh khỏe, công tác tốt
Hôn ba”
Văng Mu ngày 27/08/1968

Tôi ra đi, để lại đằng sau biết bao nhiêu sự nghiệp đã gieo trồng sắp đến mùa thu hoạch. Đại đội được trên đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng. Thôi chào c2 mới chưa đầy một năm mà bom đạn thù gậm nhấm gần hết. Chào đồng đội, đồng chí những ngày sống chết bên nhau. Chào Văng Mu bắt khuất kiên cường. Tôi bùi ngùi ngước nhìn lên cao điểm, những cuộn khó vo tròn như nấm. Vượt qua sông Sê Pôn, băng qua Mường Phìn, tôi thấy mấy anh lính giải phóng giải mấy tên tù binh Mỹ đi ra. Tôi hỏi, các anh chỉ đường giao liên và nói trạm ở cũng gần. Tôi mừng lắm!
Ông trưởng trạm nhìn tôi rồi chau mày hỏi: - Cậu ở đoàn nào? Tôi nói liều: - Đoàn ZX – Phi trường mười Khu 5. Tôi nói thế ,bởi khi đi ngang qua Sê Pôn có nghe mấy anh lính công binh ở đó nói đoàn đó mới vào cách đây hai ngày. Họ đi đường giao liên. Ông ta lục lọi giấy tờ một chặp rồi hất đầu hỏi tôi: - Sao không có giấy tờ của đơn vị bàn giao lại? Tôi thất vọng: - Có lẽ họ quên chắc. Tôi bị sốt, nằm lại đằng sau. Anh cho em đuổi kịp đơn vị! Cũng may gặp thằng Lý bạn học cùng trường , đang công tác ở trạm, nó can thiệp nên ông thả cho tôi. Ông chỉ tay vào một tốp lính của ta đang lôi thôi lếch thếch đi ra nói:- Cậu xem kìa! Họ đào ngũ đi ra, cậu lại đòi đi vào! Thôi ở lại trạm, lại có cậu Lý quen biết!Tôi nài nỉ: - Anh cho em đi! Cuối cùng ông cũng chiều tôi. Ông viết cho tôi một tờ giấy đi đường, phía cuối có dòng chữ: “ Bệnh binh ưu tiên không mang lương thực, thực phẩm” Tôi mừng hết chỗ nói. Rồi cứ thế, đêm nghỉ ngày đi. Đến binh trạm 44 thuộc đoàn 559, tôi thấy một đoàn lính ăn mặc chỉnh tề, trong đó có một người cao to, đeo súng K54, chống gậy. Có cả một người mang túi cứu thương tiến vào trạm. Tôi đoán non đoán già: - Có lẽ họ vào sâu lắm! Đánh dưới thành phố chắc?Tôi đánh liều xin đi. Đang nằm trên võng, ông bật dậy, xoa đầu tôi và cười nhân hậu: - Vào đó khổ lắm! Chú chịu nỗi không? Tôi nói ngay: - Thưa thủ trưởng, em chịu được! Mấy người công vụ thấy người lạ cứ bám riết lấy tôi. Nghĩ ngợi một lúc, rồi ông hỏi: - Em có giấy tờ gì mang theo không? Cũng may trong ba lô còn bản lý lịch. Ông xem đi xem lại rồi nhíu mày: - Ba em là cán bộ ở đây, sao em không ở lại với ông ta? Tôi nói luôn: - Thưa chú, cháu muốn vào Nam đánh Mỹ. Ông quay sang người ngồi cạnh bên: - Chú điện ra binh trạm 32 cho tôi được gặp phó chủ nhiệm Binh Trạm. Tôi chột dạ: - Ấy chết, chú đừng điện cho ba cháu! Ông ấy không cho cháu đi đâu! Ông cười: - Thôi được! Sáng mai cậu đi theo tôi! Tôi quay về lán ,thì tình cờ gặp bà O của tôi, O đang công tác tại binh trạm này, gặp tôi, O xởi lởi mừng ra mặt, nhưng cũng nhiếc mắng tôi đủ điều: - Mày là thằng vô tổ chức kỷ luật, mày làm mất mặt Ba mày! Mày là thằng đào ngũ!Tôi cự nự: - Cháu vào Nam đánh Mỹ có đào ngũ đâu! Chẳng lay chuyển được, o chạy sang lán bên nhờ ông thủ trưởng kia can thiệp: - Thưa thủ trương! O chỉ tay về phía tôi. Thằng đó là cháu của tôi! Ba nó là Phó Chủ nhiệm chính trị Binh trạm 32. Ông cắt lời: - Tôi biết cả rồi! O hạ giọng: - Thủ trưởng Đồng sỹ Nguyên nhờ trạm chuyển lời đến thăm thủ trưởng và nhờ thủ trưởng đừng dẫn cháu vào trong ấy! Ông xua tay: - Tôi có dẫn đâu! Mà đó là nguyện vọng thiết tha của tầng lớp thanh niên đánh Mỹ. Hai người trò chuyện một hồi lâu. O ra về. Ông buồn buồn ngồi lặng suy tư, rồi kéo tay tôi cùng ngồi xuống võng: - Thôi, con nên ở lại với ông cụ, kẻo ông ấy buồn! Tôi tấm tức khóc. Cuối cùng ông cũng mở đường cho tôi: - Nếu em quyết tâm ,thì tôi đợi ở đường dây Giải Phóng. Tôi buồn, nhưng vẫn còn hy vọng. Ở với o tôi được hai hôm, tôi tìm cách chuồn tiếp. Vào đến đường dây Giải phóng thì gặp ông. Bởi ông nán lại nói chuyện thời sự với anh em Binh Trạm. Sau phút ngạc nhiên, ông cười và ôm chặt tôi vào lòng, và bắt đầu từ giờ phút thiêng liêng ấy, ông nhận tôi làm con nuôi, và tôi gọi ông bằng cha nuôi. Cũng từ đó ,tôi biết ông với cái tên Huỳnh Hữu Anh, và một loạt biệt danh: Tám, Tài ,Quang. Ông là tư lệnh sư đoàn 3 Sao Vàng. Quê ông ở Bình Định. Bà Long vợ ông quê ở Quãng Ngãi. Hai ông bà tập kết ra Bắc, sinh được bốn người con trai, ông đều cho vào lính. Những đêm trên cánh võng, hai cha con đều bồi hồi trăn trở. Tôi biết giờ đây ông lo lắng nhiều, lo vì con đường ra mặt trận còn xa lắc xa lư, lo cho những trận đánh sư đoàn của ông sắp tới, lo cho tôi – Lo cho gánh nặng của một người cha nuôi. Còn tôi, cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi thầm cảm ơn ông bà tổ tiên đã cho tôi gặp nhiều may mắn. Tôi cảm ơn cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc đã cho tôi thêm một người cha thứ hai. Cả ba người cùng trên một trận tuyến đánh Mỹ. Nhiều lúc tôi lại nhớ người cha đẻ tôi ngoài đó. Chắc giờ này, ông cụ lo và nhớ tôi nhiều; Nhưng rồi tôi tin ông sẽ hiểu khát vọng của tôi, hiểu truyền thống của gia đình cách mạng mà các chú các O của tôi đều được ông dẫn đi bộ đội từ khi còn 14,15 tuổi

Ba tháng trời ròng rã, cha con tôi lội suối băng rừng, vượt qua mưa bom bão đạn, đói rét ốm đau thì chân bến đất Khu 5. Trên đường vào đây, tôi chứng kiến những điều mà người ta thường kể. Bộ đội đói rét ốm đau mặt xanh lè nằm nhan nhản bên đường, họ như những chiếc lá vàng nằm sấp xuống mặt đất. Hèn chi ngày ấy nhà thơ Quang Dũng viết : 
Anh bạn giãi dầu không bước nữa
Gục bên súng mũ bỏ quên đời.
Một anh lính nằm co quắp, tội nghiệp, xìa bàn tay run run: - Đồng chí ơi! Cho tôi ít gạo! Cho tôi ít nước! Nói xong anh ta lăn đùng ra đất, mắt từ từ nhắm lại. Đi lên một quãng nữa, một chiếc võng dù mắc tong teng qua suối. Đầu võng gác một khẩu súng AK đã rỉ. Thoạt nhìn, tôi rùng mình ,dựng tóc gáy: Một bộ xương người. Đi một quãng nữa thấy một người lính nằm trên võng rên hừ hừ . Một người khác lê từng bước chân nặng nhọc, rồi cúi xuống cắn vào đầu anh ta. Tôi hỏi: - Đồng chí làm gì vậy? Người kia thở dốc thều thào: - Anh ấy bảo tôi cắn vào đầu cho dễ chịu . Ông cụ nhà tôi thở dài, bảo tôi lấy ít gạo thực phẩm sang cho họ. Cô Hồng y sỹ đi theo đoàn níu cha tôi lại, chỉ về phía xa: Thủ trưởng ơi! Ai giống người nhà của em! Cả đoàn nhìn lui. Một người lính gầy rạc, đầu trọc lóc, đang lom khom nhóm bếp. Hồng ôm chầm lấy người đó khóc như mưa. Người đó mếu máo khuỵu xuống. Cả đoàn đến sững sờ. Té ra anh kia là người yêu của Hồng. Cả hai đều ở Kinh Bắc, cùng học một trường. Anh ta chia tay Hồng vào Nam. Được vài tháng, Hồng vào lính, được phiên chế về quân bộ tổng tham mưu. Hồng xin vào Nam và được làm công vụ cho cha tôi. Đươc ông cụ cho ở lại săn sóc anh ta, Hồng mừng hết chỗ nói. Một người bận đồ đen chạy xồng xộc vào trạm: - Báo cáo thủ trưởng, vườn sắn dự phòng của ta bị bộ đội hành quân đi qua nhổ sạch. Ông Trạm Trưởng chau mày : - Thế Vệ Binh gác vườn ở đâu? – Dạ. Họ trói cả hai người vào gốc cây. Họ còn để lại mảnh giấy này!. Anh cho tay vào túi lôi tờ giấy trải lên bàn. Chúng tôi chụm đầu đọc: - “ Chúng tôi thuộc đoàn N3 đang trên đường hành quân ra mặt trận, đói quá làm liều… Mong các đồng chí hết sức thông cảm!... “ 
Chào thân ái!
Ông cụ nhà tôi trầm ngâm, quay sang nói với ông Trạm trưởng: - Đường xe còn lâu mới vào được! Bộ đội ta đói đạn, đói gạo lắm rồi, bằng mọi cách phải đánh địch, để có súng có đạn dùng, phải tự túc phát nương làm rẫy, tìm cách xuống đồng bằng mua gạo thực phẩm. Ông thở dài: - Một bát gạo, một bát máu.

Dọc bờ sông Côn, địch càn dữ. Tiếng súng con nổ đì đẹt, chốc chốc có một vài phát pháo hiệu bắn lên từ bờ sông. Chúng tôi tìm cách cắt đường , mò lên các nương rẫy của đồng bào dân tộc. Rẫy nương không bóng người.Những triền ngô,nương lúa đang thì ngậm sữa và cả những chòi canh bị máy bay trực thăng địch quay ngã rạp như có trận bão lớn vừa đi qua. Một người đầu trần, mặt mày phờ phạc , áo quần rách bươm, dính đầy máu, máu chảy xuống nhuộm cả khẩu súng của anh ta đeo trước ngực, từ trạm đến đón đoàn. Anh ta cho biết: - Trạm cử hai đồng chí đi, dọc đường chạm địch, một đồng chí hy sinh tại Trà My. Trạm tiếp tế cho đoàn mấy lon gạo. Địch bắn thủng bao đựng, anh ta dơ chiếc bao lép kẹp lổ chổ vài vết đạn, lắc lắc cho vào mũ, lắc mãi chỉ còn vài nhúm…

Dạo này địch càn dữ, sư đoàn không vận số 1 – Đứa con cưng của của quân đội Hoa Kì và sư đoàn Mãnh Hổ, và Rồng Xanh của Nam Triều Tiên tràn lên núi tìm diệt Cộng sản. Chúng đổ quân nhan nhản khắp các đỉnh đồi. Chúng kéo theo các trận địa pháo cỡ lớn. Máy bay trực thăng như chuồn chuồn râm ran trời đất. Vào đây, đường tìm đến trạm Giao Liên khó hơn ngoài kia nhiều.Địch đổ quân chặn đường Giao Liên, đánh phá vào Trạm. Trạm đi sơ tán. Có trạm phải tìm mất cả tuần lễ. Tôi và cha tôi vừa đánh địch vừa xuyên rừng mở lối. Đến lúc này, đoàn của tôi thực sự bị đói rét, ốm đau sờ đến gáy, nó sờ đến cả ông cụ nhà tôi. Đoàn có đến 6 công vụ, thì đã có 4 bị sốt rét nặng, buộc phải để lại phía sau. Thương ông cụ, nên nó chỉ dành cho ông có vài ngày. Còn tôi là con nít, nó tha cho. Mấy ngày đó, cha con tôi ăn dè xẻn. Ngày một bữa cơm trộn sắn, người được lưng bát, còn một bữa toàn sắn.Thức ăn chủ yếu là chuối rừng chấm muối. Tính từ ngày gặp ông đến An Lão Bình Định vừa tròn ba tháng 10 ngày. Ông chưa dám dẫn tôi vào ra mắt Sư bộ bởi lẽ dạo này Sư bộ bị địch đánh phá liên miên, người ta nghi có điệp báo, Ông dặn tôi: - Con ở lại trạm Thu Dung ,vài bữa Ba cho người ra đón. Tôi hơi buồn, nhưng không nài nĩ ông nữa, vì chân sưng vù lên và lách cũng bắt đầu sưng.

Tuy mới chân ướt chân ráo vào đây, nhưng ngay chiều hôm đó, tôi mới thực sự được thấy Mỹ và đánh Mỹ. phần nào đáp ứng được khát vọng của tôi. Nắng trưa rọi vào căn nhà lá tềnh toáng của anh emThu Dung. Những chú ve đang tấu lên những bản nhạc rừng hối hả. Tôi đang thiêm thiếp , bỗng dật mình. Tiếng đại bác nổ ùng oành bao lấy nơi tôi ở. Tiếng máy bay trực thăng xềnh xệch. Cây cối xung quanh ào ào như đưa võng. Thằng Bờm người dân tộc hô: - Máy bay! Chạy ! Mấy đứa xách súng vọt ra ngoài. Tôi vẫn điềm tĩnh lấy khẩu AK của ai đó để lại, lên đạn răng rắc. Tôi cứ ngỡ bình thường như trên đường mòn Hồ Chí Minh, nào ngờ nhìn lên chiếc máy bay trực thăng của địch đứng ngay lù lù trên đầu. Thằng Mỹ ngồi ở cửa mặt đỏ lòm, cầm loa gọi: - Hỡi các chiến binh Việt Cộng. Các bạn bị bao vây! Các bạn hãy đầu hàng! Chẳng thấy hồi âm, chúng thả thang trèo xuống. Sau một phút hốt hoảng, tôi định thần, nép sát vào gốc cây đưa súng lên ngắm. Tôi nhắm trúng vào thằng Mỹ tay cầm chiếc loa, tương một loạt liên thanh, nó rơi bịch xuống đất. Chiếc trực thăng chồng chềnh vọt lên cao kéo theo cái thang dài ngoẵng. Bọn chúng bắn như mưa, căn lán bên cạnh cháy rần rật. Tôi xách súng chạy ra bìa rừng, rồi quay lại vì chưa lấy được ba lô. Tôi lần lại chỗ cũ cố tìm lại mấy quyển sách quý mà bạn bè tặng tôi trước lúc lên đường. Nhìn vô thấy bọn Mỹ đứng lố nhô đầy nhà. Tôi kê khẩu AK lên một tảng đá nhằm đúng thằng Mỹ đen nổ một loạt. Hắn ngã vật xuống đất. Bọn chúng gào lên ViXI! ViXi! Đạn AR15 và côi M79 cứ bám riết lấy tôi. Ra đến bìa rừng, tôi định tìm đường lên cứ, thì thấy giữa bãi tranh bọn Mỹ đứng đông đen . Tôi đang loay hoay, bỗng gặp một người thanh niên da đen sạm , ở trần, đeo khẩu AK trước ngực, anh ta hỏi dồn: - Mới ngoài Bắc vào hả? Con ông Tài hả? Tôi gật đầu. Anh ta bảo: - Thủ trưởng bảo tôi đi tìm cậu, rồi anh ta cầm tay tôi giục: - Đi! Tôi bảo: Đánh đã! Anh ta ngăn lại: - Không được đâu! Nó đông lắm.Tôi bảo: - Bắn rồi chạy sợ đách gì. Cả hai anh em nhằm vào lũ Mỹ đứng trên gò đất xả hai loạt AK rồi bỏ chạy. Đạn địch sàn sạt đuổi theo. Chúng tôi cắt rừng tìm đường lên BCH sư đoàn

Ba tôi giục uống sữa, ông xoa đầu tôi cười: - Nghe con đánh Mỹ giỏi Ba mừng! Xong, ông cầm điện thoại điện cho ai đó. Một chốc thấy một người bận bò đồ đen, cầm sang cho tôi một tấm bằng “ DŨNG SỸ DIỆT MỸ CẤP 3” và nói: - Cấp trên chúc mừng chiến công ban đầu của đồng chí. Tôi đứng như phỗng, rồi cười hỏi Ba tôi: - Bao giờ con được xuống đồng bằng đánh Mỹ hả Ba? Ông cười: - Ở rừng còn đánh chẳng hết nữa là.

Tôi được chuyển về đại đội trinh sát của sư đoàn. Đại đội có một trung đội tóc dài, Chuyên nằm vùng, đánh địch giỏi. Các cô dưới ấy nghe tôi về đơn vị, nháo nhào cả lên. Thư các cô gửi lên như bươm bướm. Họ còn rủ rê tôi về dưới đó: - Tụi em nhớ ảnh lắm đó! Nhớ mau mà về không tụi ốm hết cho coi! Đang buồn thì Đại đội phó Hoàng rủ tôi đi săn máy bay trực thăng địch dọc sông Kim Sơn. Hoàng quê ở Mộ Đức, Đức Phổ - Một tay gan lỳ diệt nhiều trực thăng địch, sớm được đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng. Hoàng bày cho tôi lấy rơm bện thành những con nộm người, rồi lấy những tấm áo rách mặc vào cho nó, đem cắm dọc sông Kim Sơn. Máy bay trực thăng địch quần lượn tưởng bộ đội ta đi mang gạo, chúng bắn một hồi, rồi sà xuống bắc loa kêu gọi, sau đó thả thang trèo xuống để bắt sống Việt Cộng. Hoàng và tôi nằm sát gò đất cạnh bờ sông. Tôi run run vì lần đầu tiên mới được biết cách đánh khôn ngoan và táo báo này. Hoàng nói trong tiếng máy bay gầm thét: - Đồng chí nhắm vào mấy thằng Mỹ, còn tôi đánh chiếc máy bay! Lúc nào tôi hô cùng bắn! Chiếc trực thăng xuống thấp dần, triền lau ven sông bị chong chóng máy bay quay ngã rạp. Những con nộm người lắc lư như say rượu. Áo của tôi bị gió cuốn bay tốc lên. Càng máy bay gần chạm đất, bọn Mỹ xô đẩy nhau nhảy ra. Hoàng hô: - Bắn! Tôi bắn như mưa vào lũ Mỹ. Hai thằng ngã vật xuống sông. Một thằng chạy lại máy bay định leo lên, nhưng chảng kịp nữa, chiếc máy bay bị Hoàng vặt lông lửa chay ngút trời. Lũ máy bay phía trên điên tiết nhưng chẳng dám bắn xuống. Diệt được thằng Mỹ còn lại, tôi và Hoàng biến vô rừng. Sau trận đó tôi và Hoàng được tăng mỗi đứa một bằng”DŨNG SỸ DIỆT MỸ CẤP 2” 
Xin mãi, cuối cùng tôi cũng được về vùng Đông lấy gạo. Chuyến đi đó, bị địch phục, có tám anh em, thì có đến 4 người bỏ xác lại dọc đường, tuy vậy, các cô dưới đó đãi cho một bữa ra hồn, có cả thịt chó nữa.Các cô trêu trọc tôi đến hoảng hồn. Ông Cận Đại đội phó, phải dẹp loạn mới thôi. Chuyến đi này, về đến đơn vị, lương thực chỉ còn được một phần 3, quân số chỉ còn một nữa. Đúng như ba tôi thường nói: “ Một bát gáo một bát máu” .

Đang trực chiến trên chốt Đá Giang, thì Ba tôi cho người đưa quà và thư lên chốt. Ông gửi cho tôi hai bánh thuốc rê, một gói đường và kèm theo 10 lá thư . Tôi và đồng đội thở dài, vì thư viết từ năm 1968, có nghĩa cách bốn năm mới tới. Đọc thư em gái tôi rưng rưng nước mắt: - Anh ơi giặc Mỹ đốt cháy nhà mình rồi, bà con làng xóm đã dựng lại cho mẹ và em một cái lều tạm, đêm nào ngồi dưới hầm học bài em cũng nhớ về anh, đêm nào mẹ cũng thắp hương cầu nguyện cho anh? Sao ba và anh chẳng viết thư về cho em? Nói thật, từ ngày vào đây đến giờ, tôi chẳng thư từ gì cả, bởi vì tôi trốn ba tôi mà .Mặt khác ,bom đạn ngày đêm sống chết kề bên, nên cố quên đi tất cả. Tôi đem thư của một người con gái về khoe với ông cụ. Xem xong, ba tôi khen lấy khen để, bởi trong thư có đoạn viết: - Chắc anh quên em rồi đó! Em là con của bà mẹ sống bên Cồn Nâm Quảng Minh Quảng trạch – Mẹ tóc bạc như mây, sớm chiều đi sang Quảng Hòa tiếp tế lương thực cho bộ đội và nhận bố anh làm con nuôi… Em nay đã là sinh viên trường Đại học dược khoa. Ba anh có gửi cho em một chiếc võng dù, một cái bi đông đựng nước. Nếu ngày mai anh rủi ro bị thương trở về ,sẽ có em chăm sóc…” Đọc thư xong tôi nổi gai sống lưng, rồi cố hình dung khuôn mặt ấy, song thời gian và khói bụi chiến hào, tôi chẳng còn nhớ nữa. Mà đúng thôi! Ngày ấy, tôi chỉ gặp cô ta có một lần khi ra thăm ba đẻ tôi an dưỡng ở ngoài đó. Ông cụ xem xong thư, cười rồi giục tôi: - Con viết thư cho cô ta đi, bảo cô ấy gửi ảnh vào xem sao! Tôi lắc đầu – Người ta gửi vào mất bốn năm, mình gửi ra thêm bốn năm e không còn sống mà đọc thư của người ta nữa. Thôi mình chịu khổ, chứ đừng làm người ta khổ nữa thủ trưởng ạ. 
Hôm sau ông gọi tôi và đại đội trưởng Hoàng lên dặn: “ Ra Quảng Ngãi bắt liên lạc với du kích Mộ Đức Đức Phổ đưa cháu ruột của ông lên cứ. Ông còn dặn thêm : - Nếu quá khó khăn thì tìm mọi cách bắt nó lên. Hoàng tò mò hỏi: - Nam hay nũ thủ trưởng? Ông nhìn tôi: - Con gái mới 14 tuổi. Ông đưa cho Hoàng một tờ giấy đã vẽ sẵn sơ đồ. 
Tôi và Hoàng mò mẫn rồi cũng tìm về được Mộ Đức. Mộ Đức dạo này địch đánh phá hết sức ác liệt, chúng cày ủi trơ trọi dân tình chúng diết gần như sạch trơn, chỉ còn vai nóc nhà le te, lửa khói ngút trời. Gì Tính cháu của Ba tôi lắc đầu – Con bé nó không chịu đi. Tao nói hoài nói mãi nó chẳng ưa. Hoàng bàn với Dì Tính xong, lên kế hoạch cho tôi. Hai đứa phục kích ngay con đường đi qua trước cửa nhà dì. Khỏang 18h đêm, con bé học bài xong từ nhà hàng xóm đi về, dưới ánh đèn dù, nó đang lom khom rửa chân bên hồ nước cạnh chổ tôi nằm, nhanh như căt, Hoàng vọt lên bịt miệng nó. Nó la hét dãy dụa một lúc rồi lịm luôn. Hoàng xốc cô ta lên vai, cõng chạy như bay lên đường tàu. Một chiếc cáng đã chờ sẵn, anh em du kích Mộ Đức khiêng cô ta đi. Lúc này, tôi mới biết cô ta tên là Tâm, có chị ruột là Oanh, bởi vậy hàng xóm gọi dì Tính là dì Oanh. Ông Tài và bà nội con bé là chị em ruột, Tâm gọi Ba tôi bằng ông.
Lên cứ đã ba hôm, mà con bé chẳng ăn uống gì cả, nó khóc ròng, làm ba tôi đến suốt ruột. Nó chẳng chịu nhận ba tôi bằng ông. Mọi người dỗ dành nó đều lắc đâù. Lâu lâu nó liếc mắt nhìn ông rồi cúi gầm mặt xuống. Cũng đúng thôi, bởi khi ông tập kết ra Bắc nó đã sinh đâu. Mấy tháng sau nó quen dần với cuộc sống, Ba tôi điều các chị Mộ Đức lên ở với Tâm. Xem chừng con bé chẳng biết buồn, lại còn đanh đá chua ngoa nữa.
Một chiều, địch đuổi sát sau lưng, Sư Bộ phải hành quân cấp tốc, bỗng cô ta từ phía sau vọt lên trước mặt tôi ,cắt ngang đội hình Trinh sát.Thằng Hùng bạo mồm kêu: - Chắn đường thế người ta đi sao được? Cô ta quay lại lườm Hùng một cái: - Con trai răng mà vô duyên! Hùng tức điên vẫn cố chọc: - Đưa ba lô đây anh mang cho ! Cô ta càu nhàu một lúc rồi tức tưởi khóc. Cả lũ cắn môi cười. Đào Quang Thắng mỉa mai: - Đã Thấy hổ rừng xanh chưa? Đổi lại bị cô ta ném cho một cái nhìn tưởng vọt tim ra ngoài
Từ đó bàn chân cha con tôi giẫm đạp lên nhau, rong ruổi trên khắp chiến trường. Lúc lên rừng lúc xuống biển, lúc vào tận Phú yên lúc ra Quảng Ngãi. Cả hai cha con chia sẽ buồn vui trong từng chiến dịch
Chiến dịch xuân hè năm 1972, sư đoàn 3 cùng quân dân Bình Định đồng loạt tiến công địch giải phóng một vùng đất rộng lớn, cắt đứt đường một từ Bắc Phù Mỹ đến Sa Huỳnh Quãng Ngãi. Cha con có dịp được đi trên đường một thênh thang, được trở về nơi chôn rau cắt rốn của ông. Gặp lại quê hương, gia đình cha con tôi mừng vui khôn xiết.
Tháng 4 năm 1975 là thời điểm đáng nhớ của dân tộc, của Sư Đoàn 3Ssao vàng, của cuộc đời tôi. Tôi bị thương tại ngã ba Xuân Lộc và được chuyển ra y Viện 15 Nha Trang. Một buổi trưa, tôi thấy các y tá hộ lý xồng xộc đẩy một bệnh nhân vào phòng , cách chổ tôi năm ba giường, người đó rên dữ. Mặc dầu bó bột bất động toàn thân, nhưng tôi gắng gỏi cất đầu lên nhìn: - Ủa! Ai giống cái Tâm cháu ông Tài vậy? Tuy chẳng hợp tính nhau mấy, nhưng thấy được người đơn vị là mừng lắm rồi! Tôi vẫy cô y tá lại: - Nhờ cô xem giùm bệnh nhân vừa vào tên gì? Ở đơn vị nào? Cô ta đi một lúc rồi quay lại nói khẽ vào tai tôi: - Nguyễn Thị Minh Tâm – Sư Đoàn 3. Tôi đánh liều viết gửi Tâm mấy chữ: “Tâm em! Anh sốt ruột lắm rồi! Em đừng rên nữa! Anh nằm đếm từng giọt xirum rơi…” Cuối thư tôi viết hai chữ lái tên tôi” Trời Khẩn” để xem Tâm có nhận ra tôi không. Một lúc sau, tôi thấy Tâm cất cao đầu nhìn sang phía tôi và cũng từ đó đến chiều cô ta nằm im re. Tôi vắt tay lên trán: - Có lẽ cô ta truyền thuốc mệt hay giận dỗi mình chăng ,hay những dòng chữ ngắn ngủi của mình làm cô ta sốc? Hôm sau, người ta chuyển Tâm đi đâu tôi chẳng biết nữa. Vài ngày sau, tôi đột ngột nhận được thư của cha nuôi tôi, do một người ở khung hội nghị quân khu chuyển đến. Bức thư chỉ có mấy dòng: - “ Con yêu thương của Ba! Ba đã chuyển đi đơn vị khác rồi! Cầu chúc con an tâm điều trị để sớm trở về quê hương. Nếu được ra ngoài đó, cho Ba gửi lời thăm bố mẹ, cùng bà con nội ngoại của con. À! Cho Ba gửi lời thăm cô bé con bà mẹ nuôi của ba con…” Cuối thư ông còn dặn thêm: “ Cái Tâm vào điều trị tại chỗ con đó! Con nhớ động viên nó! …” Cầm lá thư tôi nghẹn ngào, xúc động. Chao ôi! Giờ đây Ba tôi đang tất bật trăm công ngàn việc, vậy mà ông vần lo lắng cho tôi thấu đáo vậy ư? Cũng qua người đưa thư tôi biết cụ được điều lên làm phó tư lệnh quân doàn 2.
Sân bay Nha Trang một chiều nắng ấm đong đầy nước mắt. Đào Quang Thắng sụt sùi, nhét vào túi áo tôi bài thơ “Tạm Biệt”. Thái Văn Thành xăm xăm đuổi theo cáng thương ,rồi đeo vào tay tôi chiếc đồng hồ Xenco .Lan và Vân hai đứa em kết nghĩa ,làm việc tại phi trường Nha Trang khóc như mưa .Và đầy đủ tổ Trinh Sát Kỹ Thuật Sư Đoàn 3 Sao Vàng .Tôi vội lấy bài thơ TAM BIỆT của Thắng ra đọc,những lời thơ ấm áp,chân tình làm tôi đến nghẹn ngào, xúc động.
Thơ tặng mày trước lúc xa
Biết nói gì Khởi nhỉ ?
Chúng ta sống những năm dài đánh Mỹ
Bao nhiêu là ước mơ……
Thôi chào mảnh đất Khu 5 kiên cường bất khuất .Chào Bình Định anh dũng kiên cường .Chào người cha nuôi kính yêu đã đùm bọc,che chở,dạy dỗ tôi nên người .Chào BTL Sư Đoàn 3 .Chào tổ Trinh Sát Kỹ Thuật những ngày sống chết bên nhau .Cùng tất cả những đồng đội đang âm thầm lặng lẽ nằm lại nơi mãnh đất máu lửa này .
Mùa hè năm 1976 ,với đôi nạng gỗ và bộ quân phục lấm lem khói đạn ,tôi lê bước về nhà . Gặp lại quê hương ,gia đình,tôi mừng mừng tủi tủi .Nhìn cha đẻ tôi, ông chợt vui chợt buồn.Phải chăng tâm trạng của ông lúc này giống như tâm trạng trong hai câu thơ của nhà Đỗ Quý Dũng :
Khoảng trời da diết Trường Sơn
Chợt vui khi nắng ,chợt buồn khi mưa
Ông vui, vì đất nước đôc lập.Gia đình có một tinh thần yêu nước tuyệt vời và đứa con ông trưởng thành lớn lên trong cuộc kháng chiến vĩ đại này.Ông buồn, vì có biết bao nhiêu đồng chí ,đồng đội của ông ,của con ông đang nằm lại trên con đường mòn huyền thoại ấy.Tôi và ông ít tâm sự,chỉ dành cho nhau những khoảng lặng. Nhiều khi hai cha con vắt tay ra phía sau nghe lạnh buốt cả sống lưng .Tôi rưng rưng nhìn đôi chân bầm tím ,lở loét của ông như thân cây bị chất độc da cam thiêu rụi .Đầu ông trọc lóc,lưa thưa vài sợi bạc như cánh rừng Trường Sơn trơ trọi ngày ấy…..
Một hôm, ông giục tôi viết thư cho con bà mẹ nuôi ông ở Quảng Minh ,Quảng Trạch.Mặc dầu vết thương chưa khỏi ,sự nghiệp chưa thành,chiều ông, tôi đánh liều viết,và có lẽ định mệnh của lá thư hôm nào cô viết gửi cho tôi ở chốt Đá Giang để cho tôi nên vợ nên chồng.
Tình cờ biết cha nuôi tôi đang ở Đà Nẵng,ông lại bị thương nặng trong chuyến đi thị sát chiến trường Campuchia cùng các sỹ quan cao cấp của ta,tôi và cha đẻ tôi vội vàng vào thăm ông.Gặp nhau, cả ba cha con bùi ngùi xúc động.Tôi đưa thư đứa cháu gái của ông vừa mới viết cho tôi cho ông xem .ông chau mày dừng lâu trên mấy dòng chữ :”Dạo này em yếu lắm !Vết thương tái phát !Có thể một ngày không xa phải gần đất xa trời,nên em gắng lần tìm đồng đội …Anh đừng tiết lộ thư em cho ai biết,vì cuộc sống bon chen kinh tế hôm nay,có được mấy người đồng cảm với người lính...”Ông lặng hồi lâu rồi thở dài:-Chiến tranh là vậy đó !Di chứng chiến tranh còn nặng nề lắm!Ông nắn nắn lên vết thương tôi rồi nói:”-Chúng ta may mắn còn sống sót để được gặp nhau !
Tôi viết truyện này, có muộn mằn,khi cả hai người cha thân yêu của tôi đã sớm về an nghỉ cùng đồng đội,còn tôi ,đứa con yêu của hai cụ,còn bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược. Dầu sao, câu chuyện này,như một nắm tâm nhang cuả đứa con thân yêu gửi về hai cụ.Hai người cha kính yêu đã dày công cưu mang ,đùm bọc, dạy dỗ tôi nên người….

TRẦN VĂN KHỞI
Nguyên chiến sỹ Trinh Sát Sư Đoàn 3 Sao Vàng
Hội viên hội VHNT Tỉnh Quảng Bình

LỆ THỦY TRONG TÔI

Hàn Cát Nhi

                                  Cầu Kiến Giang

Lệ Thủy của Tôi có một dòng sông. Dòng sông ấy ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử, những bến đò trên dòng sông ấy ngày xưa tiễn bước biết bao người ra đi, nhưng ngày về... bến đợi vẫn lẻ bóng người chờ.

Dòng sông ấy trước khi đổ ra biển lớn không chịu chảy theo hướng đông nam như những con sông khác ở Việt Nam mà theo hướng đông bắc rong ruổi trên khắp nẻo của Lệ Thủy yêu thương. Trên dòng sông ấy, người dân Lệ Thủy chèo đò, đi thuyền, chạy ca nô để mưu sinh kiếm sống.

                           (Sông Kiến Giang, chụp ở Mũi Viết)

Ngày xưa, những làn điệu hò khoan được cất lên mỗi khi người dân quê tôi giã gạo, chèo đò, hay tham gia các lễ hội làng. Tiếng hát mộc mạc chứa chan bao nỗi niềm ấy văng vẳng giữa đôi bờ Kiến Giang, len vào từng mái đình, thấm vào máu thịt mỗi người dân xứ Lệ. 

Sông Kiến Giang bình thường hiền hòa, phẳng lặng là thế, nhưng đến cuối mùa hạ thì lại dậy sóng mặc dù chưa đến mùa mưa lũ, phải chăng sông cũng mang nỗi lòng của mỗi người dân nơi đây. Dòng sông yên ả bỗng dưng rộn ràng, nước như reo vui, náo nức hòa chung với những thôn, những làng hai bên bờ Kiến Giang. Trai bơi, gái đua chăm chỉ tập luyện trong tiếng reo hò của người dân khắp xứ để chuẩn bị đo lễ hội Đua thuyền (bơi trải) truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày Tết độc lập mồng 2 tháng 9.

Lệ Thủy của Tôi từ xa xưa được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Đô, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... Và biết bao thế hệ trẻ nối tiếp theo sau góp phần làm nên một Lệ Thủy anh hùng và hiếu học trong thời kỳ mới.

                                          Chùa An Xá 

Lệ Thủy quê Tôi có chùa An Xá (Lộc Thủy), chùa Hoằng Phúc (Mỹ Thủy), ngôi miếu cổ trong lòng cây si ở Văn Minh (Văn Thủy), Ninh Viễn thành ở Quy Hậu, miếu thành hoàng Mỹ Thổ (Tân Thủy)... là những di tích mang tầm vóc lịch sử trong các thời kỳ cách mạng của dân tộc Việt ta.

                                Suối nước nóng Bang

Ngược dòng Kiến Giang khoảng 10km, tính từ trung tâm huyện, Lệ Thủy của Tôi có suối nước khoáng Bang, là nguồn nước khoáng nóng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi kỷ lục 105 độ C. Đến với suối Bang, ta như lạc vào cảnh bồng lai giữa thiên nhiên đầy sương khói do hơi nước từ nguồn nước nóng tạo nên. Và từ rất lâu, nước khoáng đóng chai, nước khoáng bình mang thương hiệu Bang đã trở thành thứ nước giải khát được ưa chuộng và yêu thích.
Đến với Lệ Thủy, nhất là lúc giữa mùa hè thì đập Mưng, đập An Mã là địa điểm dừng chân tuyệt vời. Cảnh sắc mang đậm chất thiên nhiên, không khí trong xanh, mát mẻ. Dường như những ưu tư, muộn phiền bị lu mờ và gột sạch trước sắc xanh của đất trời, của cỏ cây nơi đây.

                                Chợ Tréo cuối năm

Có lẽ không ở đâu như Lệ Thủy của Tôi, chỉ cần có nhà dân ở, chỉ cần có một vài người bày bán, chỉ cần có người dừng chân ghé mua... là có chợ. Hầu hết tên các chợ không đặt theo tên địa danh ở đó mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo như là: Chợ Động (Đôộng), chợ Chè, chợ Trạm, chợ Thùi, chợ Tréo, chợ Tuy, chợ Cưỡi. Chợ Mĩ Đức, chợ Chiều (Xuân Giang), chợ Mai, chợ Phú Hòa, chợ Thạch Bàn, chợ Bùi, chợ Đa, chợ Mốc Định, chợ Quy Hậu, chợ Cam Liên, chợ Sen, chợ Thượng Lâm, chợ Ba Kênh, chợ Cầu Ngò, chợ Xuân Hòa, chợ Thác Tre, chợ Nông Trường... rồi cả những cái chợ tạm, chợ xép cứ thi nhau mọc lên từng ngày.

Gắn với mỗi địa danh, tùy vào đặc điểm tự nhiên và những yếu tố khách quan chi phối khác, Lệ Thủy của tôi có những làng nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Làng Nón – Quy Hậu, chiếu Cói – An Xá, chổi Đót, chổi rèng – Lệ Bình, đan lát Xuân Bồ. Rồi cả những món ăn, thức uống mang hồn xứ Lệ như: Rượu Tuy Lộc, mè xững Lộc Hạ, cháo cá Bàu Sen, ốc đá Mai Thủy, rạm, bánh bột lọc...

                                              Làm nón 

Lệ Thủy của Tôi tràn ngập sắc xanh mỗi khi mùa Xuân về, xanh của dòng Kiến Giang, xanh của cánh đồng chiêm trũng mênh mông, xanh của sắc trời, xanh của cỏ cây.

                                         Đồng lúa bát ngát

Lệ Thủy của Tôi tắm mình trong ánh vàng rực rỡ của những tia nắng mặt trời mỗi độ hè sang, rồi thì cả màu óng ánh của lúa chín, của những cọng rơm còn vương mùi thơm say nồng khi vừa mới tuốt.

Lệ Thủy của Tôi, thương lắm mỗi khi Đông đến, những con gió rít đến ghê người, rồi bão, lốc tố. Vì dòng Kiến Giang dốc và ngắn nên mỗi khi có bão đổ bộ về là quê tôi lại chìm ngập trong nước. Nước đục ngầu, trắng xóa nhấn chìm con đường quen, nuốt chửng cánh đồng rộng lớn. Với những ngôi nhà nhỏ, lại ở ven sông hoặc những chỗ thấp, mái ngói đỏ tươi đôi khi nhuốm sắc bạc, năm này qua năm khác... Mùa lũ về, mùa của những khó khăn, những hiểm nguy trắc trở rình rập. Thương lắm!

Lệ Thủy của Tôi có gió Lào, nó bắt đầu thổi mạnh vào khoảng trung tuần tháng năm âm lịch. Từng đợt gió rong ruổi, đuổi bắt nhau trên cánh đồng với những hanh hao khó diễn tả. Ngày thì nóng, khô, cái nóng như muốn vắt đến cùng kiệt nước trong cơ thể, khuya thì lại mang hương dịu dàng, man mát... thật lạ.

Lệ Thủy của Tôi có một thứ, hay nói đúng hơn là một mùi hương rất đặc biệt, và có lẽ người xa xứ sẽ chạnh lòng không ít lần khi vô tình bắt gặp mùi hương ấy. Hương thơm nồng dịu ấy được tạo ra bởi những lá Tràm tươi được chưng cất lên để lấy tinh dầu làm thảo dược.

Lệ Thủy của Tôi, Lệ Thủy trong Tôi là cả một miền ký ức với những yêu thương đôi khi không nói được thành lời, chỉ biết rằng, dù đang sống trên chính quê cha đất tổ, nhưng tôi lại mang trong mình nỗi nhớ mang hình hài rất quê hương.

                               Cầu Phong Xuân

Và Tôi biết rằng chỉ cần trái tim còn rung lên những nhịp rất khẽ, là Tôi sẽ lại thổn thức, thảng thốt mỗi khi bước qua những quảng nhớ trên quê hương.

Lệ Thủy trong Tôi – Mộc mạc và yên bình!