MỸ LỘC - LÀNG QUÊ VĂN HÓA ANH HÙNG

Ngô Mậu Tình


Làng Mỹ Lộc (Mỹ Lộc Thượng, Mỹ Lộc Hạ) xã An Thủy, thuộc trung tâm vùng đồng bằng chiêm trũng của huyện Lệ Thủy là nơi xuất hiện văn minh của Đại Việt từ rất sớm. Mảnh đất này đã có trên 600 năm lịch sử hình thành và phát triển, cũng bằng thời gian đó người dân nơi đây đã viết nên bao sự tích để cho hôm nay các thế hệ cháu con luôn tự hào về một làng quê văn hóa - anh hùng!

Theo lời của các vị bô lão trong làng còn sống, Mỹ Lộc là một làng nổi tiếng văn hay chữ tốt và nơi có nhiều phú hộ giàu " Nứt đố đổ vách", buôn bán công thương phát triển, văn hóa nghệ thuật dân gian dậy tiếng nhiều thời. Họ là cháu con của nhiều dòng họ vinh hiển khoa bảng sớm đến đây sinh cơ lập nghiệp. Cùng với cuộc di cư mở mang bờ cõi theo lệnh của vua Trần vào năm 1385 tướng Hoàng Hối Khanh đã vào công cán ở quê nhà Lệ Thủy. Ông đưa theo người của 12 dòng họ ở Châu Hoan, Châu ái( Thanh Hóa và Nghệ An) và những nông dân phía Bắc nghèo đói vào khai khẩn, lập điền và thái ấp. Sau một thời gian khai phá, ông đã lập được 15 điền trang và thái ấp dọc hai bên bờ Kiến Giang. Ông cũng là người đề xuất các đơn vị hành chính làng xã, trong đó có 10 đơn vị mang tên Kẻ ( Nơi chuyên trồng lúa màu và chăn nuôi): Kẻ Tiểu( Thượng Phong ), Kẻ Đợi ( Đại Phong), Kẻ Tuy ( Tuy Lộc ), Kẻ Thá ( An Xá ), Kẻ Trìa ( Tân Lệ ), Kẻ Thẹc( Thạch Bàn), Kẻ Sóc ( Mỹ Lộc), Kẻ Chền ( Quảng Cư), Kẻ Tréo ( Cổ Liễu), Kẻ Sồi ( Xuân Hồi) và năm vùng mang tên Nhà( Nơi chuyên làm thêm nghề phụ) : Nhà Mòi( Mai Hạ), Nhà Phan( Phan Xá), Nhà Vàng( Hoàng Giang), Nhà Ngo ( Uẩn áo), Nhà Cai ( Mai Xá Thượng).

Căn cứ vào các thư tịch cổ và sách " Quảng Bình non nước" thì rõ ràng làng Mỹ Lộc (Kẻ Sóc) hình thành từ một điền trang thái ấp thời nhà Trần giữa năm 1358 đến năm 1400. Đến năm 1469 - 1470 vua Lê Thánh Tông lập ra bản đồ nước Đại Việt thì làng Kẻ Sóc đổi thành xã Phúc Lộc và xã Vĩnh Lộc, huyện Khang Lộc thuộc phủ Tân Bình. Năm 1831 vua Minh Mạng thứ 12 đặt thành tỉnh Quảng Bình, vua Thiệu Trị lên ngôi lập ra phủ Quảng Ninh gồm huyện Phong Lộc, Phong Đăng, Lệ Thủy. Cũng vào đời Thiệu Trị, hai xã Phúc Lộc và Vĩnh Lộc được hợp nhất thành tổng Mỹ Lộc huyện Phong Lộc sau đó là Lệ Thủy.

Vào thời đó, Mỹ Lộc là một vùng đất còn hoang vu, năn lác sình lầy, cây cối rợn ngợp. Có nhiều loại cây to một choàng tay ôm không xuể như cây chò, cây lim, cây xoài, cây bàng, cây đa...mọc dọc sông. Đất ruộng lầy phèn, năn lác ngập đồng và chim chóc tụ về vô số: cò, vạc, triếc, trích, vịt nước... Đến mùa xuân, người ta lội một vòng ra đồng lượm đủ thứ trứng to trứng nhỏ. ở dưới sông, tôm cá không kể xiết, có nhiều loại bò sát cùng chung sống như trăn hoa thường xuất hiện giữa đồng.

Người dân Mỹ Lộc xưa sống quây quần cùng nhau xây dựng gia cư , làng xóm, đền chùa, miếu mạo. Họ chung lưng đấu cật chống giặc trời và nạn trộm cắp hoành hành. qua đấu tranh, ý thức và kinh nghiệm của dân làng được nâng lên, đồng thời tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, vì thế nên có câu : "Nhất nha hữu sự, bá nha mang" (Một nhà gặp nạn, mọi nhà đều có trách nhiệm chung lo). Hầu hết người dân đều không biết chữ, họ ngày ra đồng từ khi tờ mờ sáng, tối về ngủ sớm và luôn lo sợ bóng ma đe dọa. Trong làng đàn ông cũng như đàn bà đều nhuộm răng đen. Cụ già thì để tóc vối, đi guốc quai mây, quần lưng vận, áo khoác 5 thân. Đàn bà mặc áo dài 3 vạt.

Có thể nói, cảnh sống của dân làng lúc bấy giờ rất cực khổ. Người dân mang nặng tư tưởng: "Tôn sợ luật triều, thiêng liêng là thiên thần, chế ngự là tôn tộc, trị vì là gia trưởng".

Thật tiếc cho đến nay chưa tìm thấy bất cứ một tài liệu nào xác định được vị tiền khai khẩn và họ tiền khai khẩn của làng. Có một tư liệu gần như là độc nhất vô nhị được ghi trong bức hoành phi treo ở nhà thờ 12 họ của làng: (Bùi, Đặng, Hoàng, Lê, Mai, Nguyễn, Ngô, Phạm, Phan, Trần, Trương, Võ)

Sơn khứ, sơn xuất, Sóc Sơn đái
Quy thân, quy Mỹ thổ canh khai
Lược cư lược trạch điền hoang dã
Đồng tánh đồng tôn thập nhị lai.

( Tạm hiểu: Người ở Sóc Sơn phía Bắc vào
Quy tụ cùng nhau mở đất cày cấy
Dần dần người các nơi đến làm ăn
Cùng nhau chung sống mười hai họ)

Cuối thế kỷ XV, làng Mĩ Lộc phát triển nhanh chóng, nghề trồng lúa nước được mở mang từ ruộng cạn tiến ra vùng sâu. Việc đào mương, vét rãnh tạo nguồn lưu thông nước được người dân chú ý. Trâu cày có nhiều, thay dần cho con người. Nhân dân biết trồng tre để chống bão, khoanh làng và làm các dụng cụ phục vụ đời sống: khau trồng (dùng tát nước), làm thuyền để đi lại. Đến thế kỷ XVIII vùng quê Mĩ Lộc đã tương đối ổn định. Do vậy, làng Mĩ Lộc phát triển thêm nhiều nghè, miếu để thờ phụng. Xuất hiện chợ đò giao lưu hàng hóa. Văn nghệ dân gian như hò mái nện, mái nhì, mái ba, mái xắp, hò giao nhơn nhân nghĩa, hò kéo săng, hò giã gạo...cùng với các hình thức nghệ thuật như múa phương tướng long hổ, múa phụng có mặt mọi thôn cùng ngõ hẽm. Đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn thập lục, sáo, kèn đã vang lên mỗi khi cúng làng hoặc xuân về.

TÌM ĐÂU HẠC HẢI VI NGHIÊN?

Dương Minh Phong


Quảng Bình từ ngày có danh xưng chung thủy với Đại Việt đến nay cũng ngót nghét 410 năm. Bao hiền sĩ dọc dài thiên lý qua mảnh đất này đã từng nghe lưu truyền hai câu thành ngữ trong vùng: Đầu Mâu vi bút/ Hạc Hải vi nghiên. Ở núi Trường Sơn của huyện Quảng Ninh có ngọn núi Đầu Mâu được giới học ví như ngòi bút. Phá Hạc Hải ở vùng trũng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy là nghiên mực thênh thang cho chí khí Đầu Mâu viết lên trời. Ngày nay, vi bút Đầu Mâu vẫn còn, nhưng nghiên mực Hạc Hải lẩn khuất giữa ruộng đồng bờ bãi thẳng cánh cò bay.

1. Tình cờ đi về xóm Bến ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), qua chuyện trò nhất nhật mới biết xóm Bến ấy có danh tính mấy trăm năm khi phá Hạc Hải có nguồn nước lên đến vùng đất xứ Vạn. Ngày nhỏ, tôi vẫn cứ tự hào một cách ngây thơ chỉ riêng Quảng Xá làng ngoại của mình mới có phá Hạc Hải. Lớn lên chút đỉnh được đọc sách mới biết phá Hạc Hải rộng lớn, người xưa gọi là biển cạn. Rộng cả ngàn hécta, hơn 12km², nơi sâu nhất hơn 3m, giữa lòng của phá là nguồn sinh nước lợ, bao nhiêu tôm cá tốt tươi từng sinh thủy. Bao nhiêu loài chim như vịt trời, bồng, le, cò, vạc, sếu, diệc, rồi chim di cư theo mùa nhiều vô kể. Năm 1555, trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An đã chép: “Bể Cạn, tên gọi Bình Hồ (...) gọi là Hạc Hải. Phía Đông Bắc bể xanh bát ngát, cồn cát chập chùng. Phía Tây Nam ngàn núi thẳng như bình phong, trăm non dựng như ngọn giáo, mênh mông bể hạc - leo lẻo dòng trong, cá tôm sinh sản - le vịt lội bơi. Chài ngư thuyền củi đi về, dật khách du nhân lui tới. Hồ sơn một cảnh trăng gió lưng bầu, coi hệt thế giới ngũ hồ vậy...”.

Ngót 200 năm nữa, trong Phủ Biên Tạp Lục, nhà bác học Lê Quý Đôn hạ bút: “Thiển Hải, trăm dòng tụ lại gọi là Hạc Hải. Phía Đông Bắc là động cát trùng điệp, phía Tây Nam bức núi chắn ngang. Biển lớn muôn khoảnh mông mênh, chỗ sâu chỗ nông, giữa có một đường rất sâu cho thuyền ghe đi lại”. Thật ra phá Hạc Hải trải rộng qua hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Chạm đất cuối cùng của vùng phá ấy là đất làng Quảng Xá (Quảng Ninh), thượng nguồn của nó là các xã phía trên ở huyện Lệ Thủy.

                        Phá Hạc Hải hy vọng sinh tồn...

2. Xứ Vạn Ninh từng nổi tiếng bao anh tài xuất thế, lão nông hay chữ Nguyễn Biền ở xóm Bến nói thế. Lão còn kể thêm: “Cái phá Hạc Hải là nghiên mực tắm mát cho bao tâm hồn trẻ thơ ở các xã quanh này, quê tui cũng thế, nên người quanh phá cũng từng xuất thế bao nhân tài. Cụ Nguyễn Hữu Cảnh mở cõi phương Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên tuổi lẫy lừng ở làng An Xá, Lộc Thủy... họ đều từ nguồn Hạc Hải mà ra đi giúp đời”. Ông cũng vỡ lòng cho tôi, hơn ba trăm năm trước, cụ Nguyễn Hữu Cảnh từng động viên dân trong vùng Hạc Hải khai hoang đất phương Nam.

Trước cuộc hành trình dằng dặc, họ đều được huấn luyện ở phá để thích nghi đồng bằng đầm lầy như Tháp Mười lút mắt. Những người lực điền chưa muốn đi, cụ Nguyễn Hữu Cảnh đã cho thơ rằng: Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng, thế mà bao người theo lời ông đi mở cõi. Người dân cũng kể, bao lần vua Chăm gây hấn, cụ Nguyễn Hữu Cảnh là tướng quân, nhưng chưa một lần tuốt kiếm vẫn thắng trận bởi sắc mặt quắc thước oai hùng. Thắng rồi lại động viên đối phương chăm lo mở đất, mở sổ hộ khẩu về với nước Việt cùng chung sống lương dân. 

3. Mùa hè năm xưa vào thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước, khi lũ trẻ chúng tôi đang nhỏ và cũng có lẽ những đứa con nít ấy là thế hệ cuối cùng còn có cơ hội nhìn thấy sự hào phóng còn lại của phá Hạc Hải khi mùa mò hến, bắt cá, kéo tép, mò rạm bè dần dà khép lại. Chẳng phải vì tuổi lớn đi học, mà con nước của bờ phá dần biến mất, thay vào đó là ruộng lúa xanh lút mắt, bao bờ cỏ tranh, cỏ năn, cỏ lác bời bời trước gió là nhà của muôn loài chim, của vạn loài cá đã bị khai hoang. Dự án Mỹ Trung lúc đó triển khai rộng rãi bởi đói hoa mắt, nhà nước phải quai đê đắp đập, dụng phá Hạc Hải thành nơi sản xuất của hơn 800ha lúa. Thời kỳ lúa gạo khan hiếm, phá Hạc Hải trở thành nơi cứu đói cho cả vùng Bắc miền Trung. Lúa gạo ngày mỗi nhiều ra thì nghiên mực Hạc Hải ngày một hoang hoải, mà bao người hay chữ xứ này đã ví nghiên mực này đã cạn, bút Đầu Mâu vì thế mà khô.

Bao đàn sâm cầm, vịt trời, thân cò, cái vạc rồi rạm bè, vô số loài cá dần biến mất. Thuốc trừ sâu của ruộng đồng rồi vô số mỏ hàn đã tận diệt các loài ở vùng đất đầm phá. Hạc Hải xưa nổi tiếng như phá Tam Giang, ngày nay, theo lời của Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Viết Ánh, dấu tích của nghiên mực trời xanh chỉ còn một con lạch nhỏ chừng hơn 50m giữa hai xã Gia Ninh và Hồng Thủy, nơi giáp ranh của hai huyện vựa lúa. 

4. Giữa vô biên gió heo may mùa đông, tìm về phía nghiên mực Hạc Hải, nông phu đang kéo từng đường cày trên mỗi bờ ruộng phía đầm phá. Ký ức xổ đồng, xổ chơm lại kéo về. Người phía quanh phá Hạc Hải ngày xưa có hai lễ, lễ xổ chơm được gọi là lễ hội nơm cá quanh các bàu nước ở phía Hạc Hải. Các làng tổ chức xổ chơm trước rằm tháng bảy khi mùa vụ đã cất khén lúa vào nhà. Trong ánh trăng vằng vặc, từng xóm, từng làng theo lệnh trưởng làng đưa nơm vào hội xổ chơm. Những con cá to bắt lên, người đi nơm hô “kềng” có nghĩa trúng cá lớn. Tiếng hô kéo dài như ngân nga giữa giai điệu ì oạp của nước. Tiếng nơm cá dậy cả vùng đầm phá ven bờ, vậy nên ở làng Kim Nại, An Ninh (Quảng Ninh) người dân mới truyền tụng thành ngữ: “Lao xao như bàu Kim Nại” để nói về hội hè nơm cá vui như tết.

Lễ xổ đồng cũng kéo qua cuối tháng bảy âm lịch, khi hai vụ trong năm ở quanh phá đã làm xong, trưởng các làng từ xa xưa cho lệnh cấm đồng. Không một ai được đi mót lúa, để ruộng rạ tái sinh. Khi lúa tái sinh ngậm đồng, trưởng làng mới cho thằng Mõ đi loa từ xóm trên đến ngõ dưới hội xổ đồng - đi gặt lúa chét. Lúa gặt không tính ruộng của ai, cứ ai gặt được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, bởi đó là vụ xổ đồng vui vẻ bên bờ phá.

Nay, cái ăn cơm gạo đã không thiếu thốn, người quanh Hạc Hải vi nghiên nhìn lại sản vật xưa chẳng còn chi, may ra sót lại chút đỉnh cua đồng, lâu lâu mới có bè rạm lạc giữa con nước cô đơn. Bao loài chim cũng thiên di mất bóng, người quanh phá lạc hồn chẳng nhớ nghiên mực xưa. Bao cuộc hội thảo đặt ra, có nên trả lại phá Hạc Hải như trước. Vì sản lượng lúa mỗi năm, người ta chẳng đủ dũng cảm làm cuộc cách mạng sinh thái cho hậu thế biết ơn, vẫn lấy thóc lúa làm đầu. Nay dự án thượng Mỹ Trung làm đê ngăn mặn để trong đê trồng lúa, ngoài đê tôm cá như cách cứu cho đầm phá được trở về dáng xưa. Nhưng hai năm rồi, vi nghiên Hạc Hải vẫn chưa quá 50m dài, núi Đầu Mâu vẫn vi bút khô khan, cô đơn giữa eo sèo dâu bể. Bởi mực đã cạn mà chữ thánh hiền vẫn khó xuất thế giữa nhân gian nơi này chăng?