HÒ NĂM MÁI




HÒ MÁI XẮP DO CỤ TRƯƠNG XĂNG VÀ CỤ HỒNG MINH HÒ

Hai cụ nghệ nhân Trương Xăng và Hồng Minh đã ngoài 80 tuổi nhưng giọng hò vẫn ngọt ngào đậm chất xứ lệ. Ngày nay, những giọng hò như vậy đang mai một dần.

                                         Mệ Minh



NGUỒN GỐC TẾT NGUYÊN ĐÁN


Định danh

Tết Nguyên Đán của Việt Nam (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết Việt Nam hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như “Tết Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch)
Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). 

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cùng tổ tiên… Theo phong tục tập quán, Tết thường có những điều kiêng kỵ.

Nguồn gốc

Chữ “Tết” do chữ “Tiết” mà thành. Hai chữ “Nguyên đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” có nghĩa là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”. Tết Nguyên đán được người Trung Hoa hiện nay gọi là “Xuân Tiết” hoặc “Nông lịch tân niên” , và vẫn là tết cổ truyền của họ, mặc dù từ năm 1949, Trung Quốc đã chính thức chuyển qua dùng dương lịch và chuyển qua gọi Tết dương lịch là Tết Nguyên đán.

Do cách tính của âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam đôi khi không hoàn toàn trùng với Xuân tiết của người Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa và vòng Văn hóa chữ Hán khác, mà có thể chênh lệch 1 ngày.

Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau. Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán ở nước ta

Truyền thuyết và lịch sử cho thấy: Họ Hồng Bàng dựng n­ước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 trư­ớc công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dư­ơng Vư­ơng sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chư­ng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu – con trai thứ 18 của vua Hùng Vương 6. Có thể nói, nư­ớc ta sớm hình thành một nền văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của ngư­ời Việt. Nền văn hoá với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nư­ớc, cùng những sản vật từ lúa gạo. Gạo – thứ thực phẩm chính nuôi sống con ngư­ời, trong đó gạo nếp là thứ ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp đ­ược chọn để làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm. Thực ra, cho đến nay, nói một cách chính xác dân ta ăn Tết bắt đầu từ khi nào không ai nắm rõ. Lịch sử Trung Hoa viết, từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và Tích Quang – quan nư­ớc Tàu sang n­ước ta, truyền cho dân ta biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Song thực tế đã chứng minh rằng: Tr­ước khi ngư­ời Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có sinh hoạt văn hoá nền nếp và đặc sắc.

Thứ nhất: Vua Hùng không giống các vị hoàng đế Trung Hoa – nhất nhất theo Khổng giáo. Việc truyền ngôi cho con trai thứ 18 đã chứng tỏ sự khác biệt của dân tộc Việt với dân tộc Hoa. Thông thường các hoàng đế truyền lại ngôi cho vị hoàng tử cả như­ng Hùng Vương thứ 6 của n­ước Văn Lang không theo nguyên tắc đó, ông chọn ngư­ời kế vị trị vì đất nước thay mình là người hiền đức, bất luận đó là cả hay thứ.

Thứ hai: Lang Liêu là một hoàng tử, đư­ơng nhiên phải là ngư­ời đư­ợc tiếp thu, thấm nhuần văn hoá dân tộc và tư­ duy theo cách của đồng bào mình. Theo đó, thấy rằng, dân tộc Việt ta có cách nghĩ thực tế hơn so với ngư­ời Hoa. Bánh chư­ng vuông tư­ợng trư­ng cho đất. Đất ở đây không có nghĩa là trái đất, mà là những mảnh ruộng vuông vắn – nơi người dân trồng cây lúa nư­ớc nuôi sống chính mình. Bánh giày tượng trưng cho trời tròn không có nghĩa là bầu trời hình tròn, mà là hệ vòng quay 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông liên tiếp. Ngư­ời Hoa th­ường giải thích vạn vật qua những hệ số, bói toán trừu t­ượng, đôi khi như­ ma thuật rất xa xôi, khó hình dung.

Như­ vậy, có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam phải hình thành từ trư­ớc thế kỷ thứ nhất, không phải do ngư­ời Hoa khai hoá hay đồng hoá.Tuy nhiên, do cùng nằm chung vùng lục địa, lại nằm kề nhau nên không thể không mang những ảnh hư­ởng của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ nư­ớc ta nhiều năm liền những ảnh h­ưởng đó càng lớn hơn. Song về cơ bản bánh chư­ng, bánh giày là đặc tr­ưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ truyền có thể thiếu câu đối đỏ song không thể không có bánh ch­ưng xanh để cúng tế tổ tiên.

Ngày nay, Việt Nam quy định viên chức và công nhân lao động được nghỉ Tết vào ngày 29 hoặc ngày 30 trước Tết và từ mùng Một đến mùng Ba (tổng cộng 4 ngày). Việt kiều sinh sống tại Âu Châu hay Bắc Mỹ hoặc chỉ giữ ngày mùng Một hoặc tổ chức Tết vào ngày cuối tuần gần nhất.

Ngoài ra, người ta thường nói “20 Tết”, “15 Tết”… đây chỉ là nói những ngày ảnh hưởng do những công việc để chuẩn bị đón Tết hay dư âm còn lại của những ngày Tết.

Nguyên nghĩa của Tết chính là “tiết”.Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

Ngày nay, cùng với người Hoa, người Việt, các dân tộc khác chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, H’mông Trung Quốc cũng tổ chức Tết âm lịch và nghỉ lễ chính thức. Trước đây Nhật Bản cũng cử hành Tết âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch.

Các giai đoạn chính 

Ngày nay, người Việt Nam ta quan niệm rằng trong ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới.[17] Do đó trước ngày Tết khoảng hơn 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn… thật chu đáo cho ngày Tết. Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở cũng bị vứt bỏ.

Cuối năm 

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo quân). Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ). Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên.[18] Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở.[19] Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.[20] Trước ngày Tết, người Việt cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh giầy và các món ăn thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên.

Tất niên 

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.

Sắp dọn bàn thờ Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau tùy theo từng nhà. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, Mặt Trăng và hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng. Phía sau hai cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Có nhà cũng cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với sự cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc và buôn bán lãi gấp nhiều lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khủy và vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen hai cái đĩa giữa đèn và hương để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó). Trước bát hương để một bát nước trong để coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu và dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới.

Giao thừa 

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát.

Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.[23]

Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh tức 12 vị Hành khiển). Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản Hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản Hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Mười hai vị Hành khiển và Phán quan gồm: 1.

1. Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan. 2.

2. Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan. 3.

3. Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan. 4.

4. Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan. 5.

5. Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan. 6.

6. Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan. 7.

7. Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan. 8.

8. Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan. 9.

9. Năm Thân:Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan. 10.

10. Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan. 11.

11. Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan. 12.

12. Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.

Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón người mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản Hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà ]. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.

NGỰA ƠI, CHÀO NĂM NGỰA


Sở dĩ có mấy con vật cứ được đem ra làm đề tài bàn tới bàn lui, chẳng qua cũng chỉ vì mấy cụ con Trời ngày xưa nhờ xem thiên văn địa lý mà biết chế ra niên lịch để dùng, nhưng khi đặt tên cho 12 chi được dùng để tính cái vòng luẩn quẩn của trời đất thì lại đi chọn mấy con vật để tượng trưng cho nên dân ta mới gọi nôm na ra là 12 con giáp. Rồi cũng vì mấy cái con giáp này cứ đuổi nhau lòng vòng hoài mới đẻ ra cái màn năm nào nói chuyện con ấy. 

Thế nhưng, trong số 12 con vật tiêu biểu cho 12 con giáp thì ngoại trừ con rồng được coi như một con vật linh thiêng cao quý mà hình như cũng chỉ có trong huyền thoại, còn lại 11 con vật kia toàn là những con vật rất thông thường và cũng rất gần gũi với con người, trong đó có con ngựa, cho nên năm nay là năm ngựa thì cho dù có dốt về ngựa, tôi cũng phải lếu láo một chút về ngựa cho vui với đời. 

Mặc dù theo các nhà khảo cổ học đã từng bỏ công ra nghiên cứu thì thời xa xưa ở phương Tây ngựa thường sống hoang từng đàn và đầu tiên người ta bẫy ngựa để ăn thịt, cho đến khi con người văn minh ra và cái kho trời chung kia cũng cạn dần thì người ta mới tiến đến chỗ bắt ngựa để nuôi và thuần hoá giống ngựa để cỡi, để kéo xe, kéo cày và sau cùng là để đi chinh chiến. Thế nhưng ở Á Ðông thì dân tộc ta vốn nổi tiếng "chịu ăn", có nghĩa là hầu như con gì nhúc nhích là đều "hẩu xực", cho nên dân ta mới xơi xả láng từ heo bò gà vịt cho đến chó mèo rắn chuột hay là con gì đi nữa cũng không chê, có điều lạ là riêng có món thịt ngựa thì hình như lại không nghe ai nói đến. 

Ngoài ra dân ta chỉ nuôi ngựa để cỡi, để kéo xe chứ không kéo cày vì đó là phần việc dành riêng cho trâu bò: "Trâu cày, ngựa cỡi", cái túi khôn bình dân của dân ta cũng đã từng dạy cho con người biết phân định đành rành như thế, vì ngựa nhanh nhẹn và chạy khỏe chứ không nặng nề chậm chạp như trâu bò. Mà quả là đúng như thế thật, ngựa chỉ thích chạy chứ không thích đi, chỉ thích đứng chứ không thích nằm, ngay cả lúc ăn hay lúc ngủ cũng đứng chứ không giống như loài trâu bò, hễ được tháo ách ra thì ưa nằm nhai lại, hoặc dầm mình trong vũng bùn mà ngẫm nghĩ sự đời. 

Hơn nữa, ngựa là một con vật có vóc dáng thon dài, bốn chân cao và nhờ có được bộ dáng đẹp và sắc lông có nhiều màu như đen, đỏ, trắng, vàng, nâu, khoang đốm... làm cho ngựa không những được người lớn ham thích mà cả con nít cũng mê. Người lớn thì thích cỡi ngựa thật, còn con nít thì cỡi ngựa gỗ hoặc bắt người lớn làm ngựa cho mình cỡi. Cùng lắm thì kiếm tàu cau, tàu dừa hoặc cán chổi giả làm ngựa mà cỡi cũng vui ra phết. Chính vì thế mà ngựa cũng thường được người ta chọn làm đề tài để vẽ tranh ảnh hay là điêu khắc: nào là ngựa phi, ngựa chồm, ngựa hý... nghĩa là ngựa với những màu sắc lộng lẫy nhất cũng như trong tư thế dũng mãnh oai phong lẫm liệt nhất của loài ngựa, vì đó cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho niềm mơ ước được sống tự do và phóng khoáng của con người. 

Tuy tranh ảnh về ngựa thì muốn nói lên cái tinh thần yêu cuộc sống tự do và phóng khoáng nhưng trong thực tế thì kể từ khi ngựa bắt đầu được người đem về nuôi nấng cho học tập cải tạo để biết sống chung với người và biết phục vụ - dĩ nhiên phục vụ đây là phục vụ cho loài người chứ không phải cho loài ngựa - thì ngựa cũng đã phải hy sinh cái bản chất tự do phóng khoáng của mình để chỉ còn biết phục tùng. Nhưng dù thế nào đi nữa thì thỉnh thoảng vẫn có những con ngựa cứng đầu cứng cổ không chịu thuần phục nên mới bị con người khép cho cái tội là ngựa hoang, ngựa chứng, ngựa bất kham. 

Mặc dù ngựa có được loài người ưa thích và nâng niu hơn loài trâu bò, thân phận loài ngựa cũng chẳng hơn gì trâu bò cho nên người ta mới hay ví những người phải sống làm lụng cực khổ cho người khác hưởng thụ thì cũng chẳng khác nào như phải mang cái "thân trâu ngựa". Ngay cả thi hào Nguyễn Du cũng phải nhìn nhận như thế cho nên mới để cho nàng Kiều khi vì chữ hiếu phải bán mình chuộc cha mà đành lỗi hẹn với Kim Trọng thì cũng đã thốt ra mấy lời rằng: 

Biết bao duyên nợ thề bồi 
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì 
Tái sinh chưa dứt hương thề 
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. 

Vẫn biết rằng khi con người vì lợi ích của con người mà bắt ngựa phải lao động thì ngược lại con người cũng phải hầu hạ ngựa trong một giới hạn nào đó như là phải lo cắt cỏ cho ngựa ăn, lo tắm rửa cho ngựa khỏi bị ngứa ngáy mà dở chứng. Dù thế nào đi nữa thì ngựa vẫn còn một chút qúy phái hơn trâu bò cho nên chăn ngựa vẫn sang hơn chăn trâu hay chăn bò. Không sang sao lại có chuyện vào cái thời còn vua chúa thì nếu anh chàng dân giã nào may mắn được làm rể của vua, tức là chồng của công chúa, cũng chỉ được gọi là "phò mã", nghĩa là đi hầu bên con ngựa. Mà tại sao lại đi hầu bên con ngựa chứ không phải là đi hầu bên công chúa nhỉ? Hay công chúa là ngựa vì ca dao ta vốn có câu: 

Ai về đường ấy hôm nay 
Ngựa hồng ai cưỡi? dù tay ai cầm? 
Ngựa hồng đã có tri âm 
Dù tay đã có người cầm thì thôi! 

Còn trong văn chương chữ nghĩa bề bề như Hồ Xuân Hương khi làm thơ mô tả cảnh chàng và nàng rủ nhau "đánh cờ người" đã viết như sau: 

Vừa vào cuộc chàng liền nhảy ngựa 
Thiếp vội vàng vén phứa tượng lên... 

Lại nữa, khi đang cùng nhau "đấu cờ người" mà chàng bỗng quay lơ ra đi đoong luôn thì người ta cũng gọi đó là "thượng mã phong". 

Cũng trong cái ý đó mà khi thấy cô gái nào đó ưa xí xọn, thích làm đỏm làm dáng là y như rằng không bị bà mẹ thì cũng mấy bà hàng xóm láng giềng mắng cho là "ngựa". Còn khi các bà các cô nổi cơn tam bành mà nhảy chồm lên đừng đựng chửi rủa nhau, thì cũng chẳng khác nào những con ngựa đang lồng lộn. Họ cũng không tiếc lời mắng nhau là: "đồ đĩ ngựa", "đồ cái thứ voi giày ngựa xé" v.v... Ca dao cũng có câu ví von: 

Gái có chồng như gông đeo cổ 
Gái không chồng như ngựa gỗ long đanh 
Ngựa long đanh anh còn chữa được 
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi. 

Ngựa gỗ đây là mấy cái chân gỗ dùng để kê bộ ván gỗ mà dân ta thời xưa hầu như nhà nào cũng có để dùng làm nơi tiếp khách, chỗ ngồi ăn cơm, hay dùng làm chỗ nằm ngủ thay cho cái giường cũng được. Nếu mấy con ngựa gỗ này mà không được chêm chặt thì khi ngồi lên bộ ván người ta sẽ có cảm giác gập ghềnh chẳng khác nào ngồi trên lưng con ngựa đang phi vậy. 

Mặc dầu ngựa có khoẻ thật nhưng vì bản chất ngựa chẳng có món võ nào khác hơn là ngón đá hậu cho nên mấy cô gái "ngựa" cũng hay học theo ngón võ này để đối phó với mấy chàng trai không được mình thích mà cứ theo luẩn quẩn bên mình, cũng giống như người nào không được ngựa coi là bạn mà lảng vảng lại đằng sau đít ngựa hay táy máy sờ vào dái ngựa là thế nào cũng bị ngựa đá cho một phát bể mặt. Tục ngữ vốn có câu: "mồm chó, vó ngựa", tức là gặp chó thì coi chừng bị chó cắn, còn gần ngựa thì coi chừng bị ngựa đá. Ngựa càng tơ thì càng háu đá cũng giống như mấy cô gái trẻ có tính "ngựa" thì cũng hăng đá mấy chàng trai nai tơ hơn mấy cô gái lỡ thì. 

Cũng vì cái nết "ngựa" này mà có những cặp trai gái trót thề non hẹn biển nhưng rồi chàng trai vì nợ nước đành phải đi theo "chí làm trai dặm nghìn da ngựa" khiến cho cô nàng ở nhà không cầm lòng chờ đợi người tráng sĩ trở về e rằng uổng phí mất cái tuổi thanh xuân bèn đi tìm vui nơi duyên mới. Tuy nhiên đôi khi nhớ lại người tình cũ dù có phải xông pha trận mạc nhưng chưa đến nỗi "da ngựa bọc thây" thì cũng thấy lòng phấp phỏng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó chàng bất chợt về phép và... 

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng 
Trời ơi người ấy có buồn không? 
Hay là xách súng tìm "con ngựa" 
Ðể tặng cho tôi phát đạn đồng? 
(Nhại thơ T.T.Kh.) 

Ngoài ra không biết có phải để trả thù giùm cho những anh chàng nai tơ bị các cô ngựa non xử dụng chiêu võ đá, khiến cho khuôn mặt cứ dài thườn thượt ra như mặt ngựa vì thất tình mà xã hội cũng nảy sinh ra mấy anh chàng chỉ thích chơi màn "cỡi ngựa xem hoa", xong rồi thì "quất ngựa truy phong" theo kiểu anh chàng họ Sở? Ôi! Cái chuyện "ngựa" kiểu này thì có nói tới tận thế cũng không hết chuyện cho nên chi bằng quay về với mấy con ngựa bốn vó cho xong. 

Ðể cho ngựa quen vui với văn minh loài người mà quên đi nếp sống tự do hoang dã của mình, người ta đã sắm cho ngựa nào là yên cương, lục lạc đeo cổ để ngựa an tâm mà phục vụ. Người ta lại còn sợ ngựa chạy hoài không mang giày sẽ bị mòn hết móng thì coi như tiêu tùng nên con người mới sắm giày sắt cho ngựa mang và đóng đinh cho dính cứng luôn vào móng cho chắc ăn. Thế là ngựa có chứng cũng bắt đầu trở thành hiền và ngoan ngoãn để cho người leo lên ngồi trên lưng, hay bị đóng vào càng xe còn người thì chễm chệ ngồi bên trên mà tha hồ ra roi quất vào mông bắt kéo cho xe chạy. 

Không biết cái vành sắt đóng vào móng ngựa này có tượng trưng cho cái gì không nhưng cái khung dành cho những người được gọi là bị cáo khi phải ra đứng trước toà để trả lời những cáo buộc vì đã không chịu sống đúng theo khuôn khổ xã hội cũng lại được đóng giống cái hình thù ấy và cũng được gọi là cái vành móng ngựa; và ra trước vành móng ngựa có nghĩa là ra trước toà để cho các vị được coi là đại diện cho công lý xét xử. Thông thường thì chẳng có ai thích mình phải ra đứng trước cái vành móng ngựa này cả. Thế mà lạ thay! Có những người lại chỉ mong đòi hỏi được ra đứng trước cái vành móng ngựa này một lần để chứng tỏ là xã hội đó có công lý mà vẫn không được. Không tin qúy vị cứ hỏi thăm mấy người có sao cờ đỏ chiếu mệnh đang được Ðảng và Nhà nước ưu ái nuôi cho ăn học dài dài trong các trại cải tạo để trở thành con người tốt ở cái xứ gọi là Thiên đường trần gian là rõ ngay điều ấy có nói ngoa không. 

NHỚ LẮM GIẤY BỔI LÀNG TUY!



Vùng đất Quảng Bình không chỉ nức tiếng bốn phương bởi những cảnh đẹp thiên nhiên ưu ái ban tặng, các nhân vật nổi tiếng tên tuổi rạng danh lịch sử, mà còn bởi nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc địa phương, có một không hai. Tiếc rằng, do con tạo xoay vần và sự mài mòn vô hạn của thời gian, đa phần làng nghề truyền thống đã dần trôi vào ký ức người xưa, nay chỉ còn lại những cái tên "vang bóng một thời".

Gia phả một phái của dòng họ Trần Minh (Tuy Lộc, Lộc Thủy, Lệ Thủy), được viết trên giấy bổi, vẫn còn nguyên màu mực tàu.

Bấy lâu nay, nhắc đến xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), người ta nhớ ngay đến hai đặc sản riêng có: chiếu cói An Xá và rượu Tuy Lộc. Và rất ít, nếu như không muốn nói là hiếm ai còn nhớ đến giấy bổi Tuy Lộc ngày nào.

Tiến sĩ Dương Văn An, người làng (thôn) Tuy Lộc, Lộc Thủy (Lệ Thủy), đã có công lớn đưa nghề làm giấy bổi từ đất Kinh thành xa xôi về truyền dạy lại cho người dân nơi đây. Tuy Lộc chỉ có hai xóm làm giấy là Nhơn Thủy và Thuận Thủy, gọi chung là xóm Giấy.

Theo sách Địa chí huyện Lệ Thủy (Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin 2010), trước đây, chỉ có ba nơi ở nước ta làm được loại giấy hiếm này, đó là làng Tuy Lộc (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), làng Dương Ô (Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh) và làng Thanh Trì (Từ Liêm, Hà Nội). Như vậy mới biết, giấy bổi Tuy Lộc có tiếng tăm đến như thế nào.

Nghề làm giấy biến mất từ bao giờ cũng khó ai nhớ nổi mốc thời gian, chỉ biết là từ khi công nghiệp giấy bắt đầu phát triển, nhu cầu thị trường đối với giấy bổi không còn, nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm, những hộ làm giấy ít dần đi từng ngày. Ngày nay, về làng Tuy Lộc, nếu may mắn gặp gỡ, chuyện trò với các bậc cao niên, thì những ngày tháng hưng thịnh của làng nghề giấy bổi Tuy Lộc mới trở về nguyên vẹn từ miền ký ức xưa.

Cụ Trần Minh Lều năm nay đã bước sang tuổi 92, vậy mà cụ vẫn nhớ rõ và không bỏ sót bất cứ công đoạn nào của quy trình làm giấy bổi. Gia đình mấy đời làm giấy, do đó, từ khi là một cậu bé, cụ Lều đã được tham gia vào một số công đoạn nhỏ và phụ. Vỏ cây dó – nguyên liệu chính làm nên giấy bổi – được bà con hái từ rừng cách làng mấy chục cây số, hoặc thu mua từ các chợ, đặc biệt có giai đoạn nguyên liệu khan hiếm, người dân phải đi vào tận chợ Cam Lộ (Quảng Trị) để mua.

Sau khi đem về nhà, vỏ cây dó được ngâm vôi và muối trong một ngày một đêm. Tiếp theo, vỏ cây được vớt ra và đem vào lò nấu. Lò nấu được cấu tạo khá đơn giản với chảo gang to, giá bằng tre ken dày. Sau một ngày một đêm, vỏ cây được đưa ra bến Dó để ngâm giặt, đạp sạch và phân loại: vỏ non làm giấy tốt, vỏ già làm giấy tạp phẩm, giấy gói hàng... Công đoạn giã được xem là vất vả, mệt nhọc nhất, nhưng cũng lại vui vẻ và hào hứng nhất. Càng đông người làm, công việc càng nhanh, càng vui.

Những nam thanh nữ tú thức thâu đêm bên cối giã, giọng Hò khoan Lệ Thủy vang từ làng trên xóm dưới, khung cảnh rộn ràng hơn cả mùa lễ hội. Anh Trần Minh Mẫn (57 tuổi), con trai của cụ Lều, vẫn còn nhớ như in khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt ở sân làm giấy trước nhà khi còn là một cậu bé. Sự đoàn kết, gắn bó của hàng xóm láng giềng như thêm thắm thiết, keo sơn bên cối giã giấy. Trong khi giã, vỏ nhựa cây bời lời được bỏ vào để tăng độ kết dính. Vỏ cây giã nhuyễn được trộn tiếp với nước trong thùng “múc” (đựng) giấy và dùng “lụi” đánh loãng.

                                          Bến Dó xưa nay chỉ còn lại trong ký ức!

Sau đó, người làm giấy phải đổ dung dịch này vào những khuôn đã xếp sẵn. Các thợ tráng tay nghề cao, khéo léo rất được ưa chuộng trong công đoạn này. Cụ Phạm Thị Lệch (88 tuổi), cũng từng là một thợ tráng giấy thuê thuở xưa, cho biết người thợ giỏi nghề biết phải tráng khuôn thật đều, thật mỏng, sao cho ít hao bột và loại bỏ nhiều xơ nhất. Để làm được điều này, người thợ tráng phải học nhiều, làm nhiều để cho thật quen tay và tự rút cho mình những kinh nghiệm quý báu. Tiếp theo, các khuôn được “đằn” (chèn) khô bằng trụ ép, rồi đem phơi khô. Công đoạn cuối cùng là xếp giấy và nén phẳng.

Thị trường tiêu thụ giấy bổi khá rộng lớn, từ các chợ nội tỉnh (chợ Chè, chợ Thùi, chợ Đồng Hới, chợ Ba Đồn...) cho đến ngoại tỉnh (chợ Đông Hà, chợ Quảng Trị). Công dụng của loại giấy này rất đa dạng, phổ biến nhất là dùng để viết chữ, in sách chữ Hán. Trước đây, hầu hết khế ước, văn tự, gia phả... trong các làng đều sử dụng loại giấy bổi làng Tuy.

Theo cụ Trần Minh Lều, trong những năm đầu thế kỷ 20, nghề làm giấy bổi vẫn còn hưng thịnh bởi người Nhật Bản rất hứng thú với loại giấy truyền thống này của Việt Nam, do đó tiêu thụ số lượng khá lớn. Thời kỳ chiến tranh, giấy bổi còn được sử dụng làm phương tiện cứu thương.

Giờ đây, các “nhân chứng sống” của làng giấy năm nào đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” và còn rất ít các cụ còn minh mẫn để nhớ và kể lại cho thế hệ sau về nghề truyền thống này như cụ Lều, cụ Lệch...

Chính vì vậy, sự thất truyền của làng nghề là điều không thể tránh khỏi. Một số giải pháp đã được đề xuất nhằm bảo tồn, gìn giữ nghề cổ, nhưng rất khó để thực hiện mong ước này khi mà người làm không có, nguyên liệu lại khan hiếm, thị trường tiêu thụ ít ỏi... “Hình bóng” làng giấy xưa nay chỉ còn có thể được lưu giữ qua số ít những trang gia phả dòng họ đã sờn nát – như một lời nhắc nhớ của lịch sử.

Mai Nhân

NGÁT HƯƠNG DẦU TRÀM THÁI THỦY

Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng gò đồi Thái Thủy (Lệ Thủy) bát ngát loại cây tràm, cây chổi. Để rồi từ “lộc trời cho” đó, những người dân cần cù, chịu khó nơi đây đã chưng cất được loại tinh dầu quý, vừa có thêm nghề phụ tăng thu nhập buổi nông nhàn, lại vừa tự “chế tạo” loại dược liệu quý chữa được bệnh cho mọi người. Dầu tràm, dầu chổi được dùng khi cảm mạo đau ốm, xoa bóp chân tay khi đau nhức hay sưng tấy, khử mùi..., đặc biệt người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mới sinh... rất chuộng sản phẩm này.
















Lò nấu chưng cất dầu tràm, dầu chổi thủ công của gia đình chị Nguyễn Thị Vượng và anh Lê Văn Giáo (Minh Tiến, Thái Thủy, Lệ Thủy).

Nghề chưng cất dầu tràm, dầu chổi rất nổi tiếng ở làng Tân Duyệt Hạ (nay sát nhập với thôn An Lão thành thôn Bắc Thái). Tương truyền, nghề truyền thống này được ông Tổng Đạm, người xứ Thuận Hóa ra cư trú nơi đây, khơi nguồn từ trước những năm 1930. Với vùng nguyên liệu sẵn có, nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn..., làng nghề cứ thế lớn mạnh, hưng thịnh, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ông Phạm Văn Thái, Trưởng thôn Bắc Thái, còn nhớ thời đó người dân Tân Duyệt Hạ lập nồi nấu trong các hẻm núi, cung cấp đầy đủ dầu cho bà con và bộ đội. Hầu như chưa bao giờ trên địa bàn làng vắng bóng các lò nấu dầu và hương thơm của tinh dầu tràm, dầu chổi.

Vậy mà chỉ sau mấy chục năm, cả làng Tân Duyệt Hà giờ đã không còn một lò nấu dầu tràm, dầu chổi nào còn đỏ lửa. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hùng là những người chưng cất dầu cuối cùng của làng, cũng đã từ bỏ nghề cách đây hơn một năm. Làm nghề từ những năm 1990, gần 20 năm gắn bó, anh Nguyễn Văn Hùng ngậm ngùi tâm sự dù rất muốn tiếp tục duy trì nghề truyền thống cha ông để lại này, nhưng khi nguyên liệu nấu ngày càng ít đi, thiếu phương tiện chuyên chở, công sức bỏ ra ngày một nhiều, nhân công không có... thì nhiệt huyết với nghề tạm thời bị gác lại.

Sự thật đáng buồn là trong khi thị trường tiêu thụ loại dầu quý vẫn còn rất tiềm năng và giá thành cũng khá cao: 400.000 đồng/0,7 lít dầu tràm trộn dầu chổi, 450.000-500.000 đồng/ 1 lít dầu tràm. Đặc biệt, những ngày đông lạnh cuối năm, nhu cầu thị trường về dầu tràm, dầu chổi càng tăng cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (Lệ Thủy) Trần Đức Phong cho biết, hiện nay toàn xã chỉ có gia đình chị Nguyễn Thị Vượng và anh Lê Văn Giáo (Minh Tiến, Thái Thủy) là còn duy trì nghề chưng cất tinh dầu tràm, dầu chổi. Làm nghề từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chị Nguyễn Thị Vượng phải rất quyết tâm và được sự động viên, hỗ trợ nhiều từ bà con, chính quyền, mới “giữ lửa” được lò nấu đến tận bây giờ.

Theo chị, nghề truyền thống này nhìn thì đơn giản, thành phẩm bán được giá cao, nhưng công sức bỏ ra lại rất lớn. Ngay từ sáng sớm, anh chị đã phải lên rừng xa hơn 15 cây số để bứt tràm. Từ năm ngoái, cây chổi dường như vắng bóng, cho nên 2 năm trở lại đây, anh chị chỉ có thể chưng cất dầu tràm. Không chỉ hái tràm ở Thái Thủy, đôi vợ chồng chịu thương chịu khó này còn cất công sang tận Trường Thủy để hái cho đủ nguyên liệu cần dùng.

Hiện nay, để nấu được 1 nồi dầu tràm phải cần 1 tạ nguyên liệu, nhưng phải có tới 6 nồi như vậy mới chưng cất được 1 lít dầu tràm. Nếu vào mùa tràm sẽ thuận lợi hơn khi chỉ cần 4 nồi là cho ra được 1 lít dầu tràm. Với sức vóc của anh chị, mỗi người một ngày cố gắng lắm cũng chỉ làm được 2 nồi/người mà thôi. Có thời điểm, gia đình thuê thêm nhân công, nhưng rồi do chi phí cao, anh chị lại đành “tự thân vận động”.

Trước đây, để đủ nguyên liệu nấu dầu, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng phải đi "lùng" mua lại từng mớ lá chổi của bà con như thế này.

Có được nguyên liệu rồi, việc chưng cất cũng lắm công phu. Lò nấu giản đơn theo truyền thống của gia đình chị Vượng được xây cất ngay trong vườn nhà. Bếp lò có cấu trúc tương tự như bếp Hoàng Cầm của bộ đội xưa: chân bếp được đào thấp xuống, phần thân được đắp đất bùn cao, một chiếc thùng phi lớn được đặt trong bếp, phía trên đặt chiếc “lao” dùng để lọc. “Lao” là thùng gỗ lớn được ghép bằng nhiều mảnh gỗ kín kẽ, bên hông có thêm cần dài để lấy tinh dầu.

Theo chị Vượng, chưng cất tinh dầu tràm, dầu chổi cũng giống như cách nấu rượu thủ công vậy. Nước và tràm được đổ vào thùng phi với tỷ lệ nước theo công thức nhất định. Khi nước sôi, người làm khéo léo lật úp “lao”, vừa khít với phần thùng phi phía dưới. Nước lạnh được đổ vào “lao” và đất sét được trét kín quanh “lao”, tránh không có khe hở bốc hơi nào. Mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn khi sau đó tinh dầu sẽ theo ống chảy vào chai đựng. Xác tràm nấu xong được phơi khô làm chất đốt hoặc làm phân bón ruộng, lợi cả đôi đường.

Mỗi lít dầu tràm làm ra đều được khách hàng lấy ngay tận nhà, thậm chí nhiều khi khách cần mua nhưng chị Vượng không có hàng để bán. Vào 3 tháng đầu mùa tràm, thu nhập gia đình xấp xỉ gần 17 triệu đồng, nhưng vào mùa mưa, có trường hợp cả tháng chỉ làm được 0,7 lít dầu tràm. Chính quyền xã thường xuyên động viên gia đình chị cố gắng giữ vững nghề truyền thống của làng. Nên bên cạnh nghề chưng cất dầu quý, anh chị mày mò thêm nghề làm hương để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Mong muốn trước mắt của hộ gia đình duy nhất còn giữ nghề truyền thống này ở xã Thái Thủy là được hỗ trợ một ít vốn để xây dựng lại khu bếp nấu khang trang, tươm tất hơn và đầu tư một nồi nấu hiện đại, tiết kiệm công sức hơn.

Đối với mảnh đất Quảng Bình nhiều nắng gió, dường như mỗi tên đất tên làng đều gắn bó với những làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc riêng của địa phương: từ vùng chiêm trũng Lệ Thủy, vùng đất cát Quảng Ninh... cho đến vùng đất trù phú dọc sông Gianh...

Chỉ tiếc là do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhiều làng nghề đã dần dần mai một và thất truyền theo thời gian, để lại nhiều nuối tiếc cho thế hệ hậu bối.

Hiện nay, theo Quyết định số 2075/QĐ-UBND về việc công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống cho các địa phương, tỉnh ta có 5 làng nghề truyền thống và 10 làng nghề.

Mai Nhân

"CÓ PHẢI EM CÔ GÁI ĐẠI PHONG"


Cô gái Đại Phong anh dũng trong chiến đấu, hăng say trong sản xuất Phạm Thị Thưởng ngày nào giờ đây ở tuổi xế chiều lại vui vầy bên con cháu với những công việc ruộng vườn quen thuộc.

Tại Đại hội thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi do Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức vào những ngày đầu tháng 11 năm 1965, có ba người phụ nữ đã được vinh dự nêu gương về những thành tích xuất sắc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong đó, quê hương Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy)-lá cờ đầu nông nghiệp miền Bắc xã hội chủ nghĩa-tự hào có tên chị Phạm Thị Thưởng (SN 1944). Vừa là đội trưởng sản xuất, vừa là xã đội phó, dù ở trên phương diện nào, chị cũng đều nỗ lực phấn đấu, xứng danh là “Gái Đại Phong”.

Tìm về Đại Phong những ngày đầu tháng 4 chói chang lịch sử, cô gái tuổi đôi mươi Phạm Thị Thưởng trẻ trung, đầy sức sống với bầu nhiệt huyết luôn sục sôi nay đã bước sang tuổi thất thập. Vậy mà, những kỷ niệm của một thời oanh liệt vẫn còn in sâu trong đôi mắt ngời sáng và cả trong giọng nói còn rền vang của một xã đội phó, chỉ huy trung đội cao xạ 12 ly 7 xã Phong Thủy ngày nào.

Giọng bà chỉ chùng xuống khi nhắc về tuổi thơ nhiều cơ cực của mình. Quê gốc ở làng Quảng Cư (nay là Xuân Giang, TT.Kiến Giang), mẹ mất khi tròn 2 tuổi, cha sức khỏe yếu không nuôi nổi các con, bà được một gia đình nhận làm con nuôi. Hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, ngay từ thuở nhỏ, bà đã hay lam hay làm nhiều việc để đỡ đần, giúp đỡ cha mẹ nuôi.

Năm 1960, bà Phạm Thị Thưởng tình nguyện vào dân quân. Từ đây, cuộc đời của bà bước sang một ngã rẽ khác. Cảm nhận và thấu hiểu được những nỗi đau mất mát của người dân, sự xác xơ tan tác của quê hương trong chiến tranh, cũng như được hun đúc lòng quyết tâm, ý chí sắt đá chống lại kẻ thù xâm lược, bà đã không ngại khó, ngại khổ thường xuyên trực chiến bám sát ở trận địa. Đó là giai đoạn cả huyện Lệ Thủy bùng lên ý chí quyết đánh thắng giặc Mỹ, người người, nhà nhà cùng thi đua, kết hợp tốt nhiệm vụ chiến đấu với lao động sản xuất ở từng cơ sở, từng địa phương.

Từ năm 1964, bà giữ cương vị là xã đội phó và trực tiếp chỉ huy trung đội cao xạ 12 ly 7 của xã Phong Thủy. Khi được hỏi vì sao một người phụ nữ chân yếu tay mềm lại có thể làm được những công việc nặng nhọc đó, ông Đặng Ngọc Đính, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phong, tự hào tâm sự: "O Thưởng rất gan dạ trong chiến đấu, không nề hà gian khổ, lập được nhiều chiến công. O là một người phụ nữ rất đặc biệt, vừa chiến đấu giỏi, lại vừa sản xuất giỏi. Trong mọi tình huống khó khăn, o đều xử lý thông minh, nhanh chóng, hiệu quả. Xã Phong Thủy bắn rơi máy bay là có sự đóng góp của o Thưởng".

Trong thi đua sản xuất, bà luôn nỗ lực, phấn đấu, nhiệt tình xây dựng tập thể lớn mạnh. Vừa lao động sản xuất đạt và vượt về số lượng, chất lượng các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, bà vừa mạnh dạn đề xuất và gương mẫu kiên trì áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến công cụ, biện pháp tăng năng suất lao động đưa lại kết quả cao. Chỉ trong vòng 9 tháng, bà đã đạt 350 công lao động, giá trị mỗi ngày công 2 đồng, có tháng đạt 74 công, làm thủy lợi đạt 172 mét khối, không hổ danh là “gái Đại Phong”. Bà cho biết buổi trưa trong khi mọi người nghỉ ngơi, bà vẫn tranh thủ tham gia lao động, như: đi kiếm củi, hái rau...

Với những thành tích chiến đấu, lao động dũng cảm, quên mình vì lợi ích của Tổ quốc, bà Phạm Thị Thưởng đã vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Mai Nhân

HUYỀN THOẠI VỀ MỘT CHIẾN SĨ ĐẶC CÔNG NƯỚC


                                 Nguyễn Cao Tuyên

Nghe danh về người thương binh 1/4 Nguyễn Cao Tuyên- một chiến sĩ đặc công nước thuộc Lữ đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã lâu, nay chúng tôi mới có dịp trực tiếp gặp và nghe lời kể từ nhân vật huyền thoại này. Năm nay ông đã bước sang tuổi 73, là một thương binh nặng đang được nuôi dưỡng tại quê nhà, đội 8, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy,huyện Lệ Thủy.

Tại ngôi nhà của ông, có một gian dành riêng để trưng bày những kỹ vật thiêng liêng thời quân ngũ. Bức ảnh lớn nhất được ông trân trọng treo ở phòng thờ là bức ảnh Bác Hồ kính yêu đội mũ Hải quân nhân dân Việt Nam. Nụ cười hiền từ của Bác luôn tỏa sáng làm căn nhà thêm ấm cúng linh thiêng.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được tiếp xúc với những kỷ vật chiến trường của ông là hầu hết các chiến công đều gắn liền với hải quân. Do chiến tranh và thiên tai lũ lụt, nhiều giấy tờ liên quan đã mất mát khá nhiều. Dẫu vậy, ông vẫn còn lưu giữ không ít những huân, huy chương.

Hiện trong phòng lưu trữ đang có 1 huân chương kháng chiến hạng Nhì, 2 huân chương chiến công hạng Nhất, 2 huân chương chiến công hạng Nhì, 3 huân chương chiến công hạng Ba; và có 13 giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú; ông từng có 5 năm liền đạt chiến sĩ thi đua, 2 năm chiến sĩ quyết thắng...

Lý lịch của thương binh Nguyễn Cao Tuyên thật điển hình của một gia đình chính sách người có công: Cha ông là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp; bà nội ông là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông trầm ngâm nhớ lại câu chuyện nhập ngũ và kể tiếp: "Năm 1964, khi giặc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ leo thang bắn phá miền Bắc mở rộng chiến tranh phá hoại, tôi mới 23 tuổi, đang làm bí thư chi đoàn vôi-gạch-ngói Hợp tác xã Đại Phong. Với lòng căm thù giặc cao độ, tôi đã tự nguyện viết đơn bằng máu để lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.Tôi được biên chế vào đơn vị đặc công nước, thuộc Đội 1, Đoàn 126 Hải quân."

Để trở thành một chiến sĩ đặc công nước phải qua thời gian dài khổ luyện. Ông nhớ lại: "Nơi huấn luyện đầu tiên của đơn vị tôi là dòng sông Bạch Đằng lịch sử, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian tham gia huấn luyện, tôi được đơn vị bố trí vào một tổ gồm 3 chiến sĩ. Người tổ trưởng đi giữa. Hai tổ viên đi hai bên. Dùng dây buộc qua 3 người, người này cách người khác 6m, cứ vậy tiến sang phải, sang trái bắt mục tiêu tàu giặc. Người chiến sĩ đặc công nước phải biết chịu rét, chịu đói, chịu sóng gió. Ai cũng biết bơi đường dài ít nhất từ 5000m đến 7000m. Ngoài ra còn biết dùng ống kẹp mũi, dùng cao su ngậm miệng; khi cần có thể uống nước mắm chống rét. Khi đã huấn luyện thành thạo mới được ra chiến trường".

Trận xuất quân đầu tiên của ông là ngày 19-12-1966. Đó là dịp đơn vị phát động phong trào thi đua lập công chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: 22-12-1966. Biết bao là hồi hộp đối với người chiến sĩ trẻ. Mấy chục năm trôi qua mà giờ đây khi kể chuyện người thương binh vẫn nhớ như in: "Hôm đó là một ngày trời mưa. Tầm nhìn trên sông Cửa Việt bị hạn chế, thuận lợi cho các chiến sĩ đặc công nước hành động. Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, tôi nóng lòng lắm. Sau bao năm huấn luyện giờ đây mục tiêu đang ở trước mắt tôi. Giây phút mang vũ khí B41 để ngắm chiếc tàu địch đang chạy dọc sông thật hồi hộp. Tôi cùng đồng đội chờ sẵn. Khi tàu địch cách 40 m, tôi ngắm mục tiêu và bấm cò. Một luồng lửa bung ra. Khẩu đại liên và 3 tên lính ngụy trên tàu tiêu tan. Tôi tiếp tục bồi thêm 1 phát B41 nữa. Chiếc tàu bốc cháy dữ dội và chìm nghỉm".

Kể đến đây, người thương binh giọng trầm lại: "Chiến tranh thật tàn khốc. Chính sự đau thương mất mát do kẻ thù gây ra ở hậu phương càng làm cho lòng căm thù giặc của người chiến sĩ ngoài mặt trận tăng thêm tột độ. Ngày 14-11-1967, tại thôn Đại Phong vào 12 giờ trưa, bom Mỹ đã giết hại 18 người trong đó có anh trai tôi, các cháu ruột, nhiều bà con ...Nợ nước thù nhà đã làm cho tôi càng hăng say chiến đấu."

Trận đánh địch của ông được Mặt trận B5 tặng thưởng huân chương chiến công diễn ra ngày 30-4-1968: "Lúc đó khoảng 7 giờ sáng. Bọn thám báo phát hiện có đơn vị 270 Vĩnh Linh ở thôn Dã Độ, thuộc huyện Gio Linh. Bọn địch huy động 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có cả xe tăng yểm trợ bao vây thôn Dã Độ hòng tiêu diệt đơn vị quân giải phóng. Tôi cùng đơn vị hợp đồng tác chiến với đơn vị 270 dùng B41 bắn cháy 1 xe tăng và nhiều lính thủy đánh bộ. Địch hoảng loạn tản ra, không dám tấn công vào nữa. Cho đến trưa trời nắng như đổ lửa. Bọn địch mất cảnh giác, ngồi tránh nắng ở các lùm cây. Nhân lúc đó, tôi vác B41 bắn vào chúng. Hàng chục tên lính thủy đánh bộ bị tôi diệt gọn". Tháng 2 năm 1973, trong một trận ném bom của máy bay địch yểm trợ cho tàu địch trên đường tiến về cảng Đông Hà, ông bị thương và bị mất sức trên 81%, mắt phải bị hỏng, 2 tai bị thủng, 7 răng bị gãy".

Kể đến đây, bác Tuyên cười: “Suốt gần 9 năm là chiến sĩ đặc công nước, để giữ bí mật quân sự thời chiến tranh, người chiến sĩ đặc công nước không được trao đổi thư từ với gia đình, người thân, kể cả người yêu chưa cưới". Ngần ấy năm bằn bặt tin tức về người yêu, cô thôn nữ Đại Phong có tên là Ngô Thị Chiệc vẫn một lòng chờ đợi. Biết được tin anh Tuyên bị thương nặng, chị Chiệc lại càng thương. Điều cảm động là khi biết anh Tuyên bị thương, gia đình người yêu của anh vẫn không thay đổi lời hứa hôn ngày trước.

Bác Tuyên nhớ lại: "Khi biết tôi bị thương, bà con xóm giềng hỏi bố vợ tôi: -Dượng Tuyên bị thương mù một mắt nay có còn gả con gái cho dượng Tuyên nữa hay thôi? Bố vợ chưa cưới của tôi trả lời ngay:Hắn đau là việc hắn đau. Hai đứa hắn yêu nhau gần chục năm rồi sao không gả ". Đám cưới của ông được tổ chức tại thôn thật đầm ấm vui tươi và vẹn tình trọn nghĩa. Các cụ các mẹ cao tuổi của thôn Đại Phong còn tặng cho đôi vợ chồng người thương binh một món quà đầy ý nghĩa. Đó là một bài thơ ca ngợi tình nghĩa thủy chung son sắt. Bài thơ có đoạn:

"Anh đi giết giặc lập công
Thời em ở lại ruộng đồng đảm đang 
Tuy xa muôn dặm giang san
Mà lòng chung thủy hiên ngang đợi chờ
Nhiều năm không thư không từ
Ngày qua tháng lại vẫn chờ vẫn trông
Xuân về rồi lại sang đông
Mà lòng vẫn quyết không sai lời..."

Đã hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn trân trọng cất giữ nguyên vẹn những vần thơ đó như một kỷ niệm đẹp của mối tình hạnh phúc. Giờ đây hai vợ chồng ông đang sống với nhau hòa thuận, người vợ hiền đảm đang của ông cũng là người chăm nuôi thương binh nặng rất tốt. Dù người con đầu bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng hai vợ chồng người thương binh vẫn vượt lên khó khăn, làm tròn các công việc xã hội giao.

Sau nhiều năm tháng lập bao chiến công trên các chiến trường ác liệt, người chiến sĩ đặc công nước lại trở về với cuộc sống đời thường ở thôn Đại Phong. Ông đã từng đảm trách nhiều công việc quan trọng của địa phương như trưởng công an xã, xã đội trưởng, hội viên Hội Người cao tuổi, hội viên Mặt trận thôn...việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Gần đây ông được đề cử đại diện cho người có công tỉnh ta tham gia Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc 2013.

Phan Hòa

"HANG ĐẠI TƯỚNG" Ở NGÂN THỦY


                     Lối vào "Hang Đại tướng"
Ngược con đường 10 huyền thoại, chúng tôi lên xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), ghé thăm lại nơi đã từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa, nơi người dân Vân Kiều vẫn gọi nó bằng cái tên trìu mến - "Hang Đại tướng", nơi mà câu chuyện về vị Đại tướng lừng danh vẫn được bà con kính cẩn lưu giữ và kể cho nhau nghe.

Hang Đại tướng nằm dưới chân một ngọn núi lớn, cây cối um tùm và chỉ cách nhà Hồ Văn Sửu (Bản Cây Sung, xã Ngân Thuỷ-Lệ Thuỷ) vài chục bước chân. Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe thấy tiếng róc rách của một dòng suối nhỏ nước trong vắt, chảy ra từ một lùm cây tốt um tùm.

Tiến sâu vào bên trong, dưới mái đá (hình chữ V úp ngược) là một khoảnh đất nhỏ bằng phẳng (rộng chừng 10m2), xung quanh được xây bằng đá tảng kiên cố cao hơn 1m. Ngày thường có thể là nơi trú nắng mưa cũng như trong chiến tranh, có thể tránh được bom đạn, rất an toàn. Phía trong là một hang nhỏ có nhiều khối thạch nhũ với hình thù rất đẹp. Từ trong hang đá này có một dòng suối nhỏ chảy suốt đêm ngày.

Quan sát xung quanh, chúng tôi tìm thấy một dòng chữ đắp nổi đã phai mờ trên bức tường phía đông: "1-1972 - đoi co". Mốc "1-1972", có thể là thời gian chiếc hang đá này được xây dựng và đưa vào sử dụng. Còn "đoi co" là gì? Anh bạn đồng nghiệp cùng đi đoán già đoán non rằng: có lẽ, ý nó là "đội cơ động". Ừ, thì biết vậy, còn muốn chứng thực thêm có lẽ cần tìm hiểu thêm nhiều nguồn tài liệu khác.

Thấy xung quanh hang có dấu hương ai mới vào thắp ở đây, chúng tôi quay trở ra phía ngoài hỏi chị Hồ Thị Hương (vợ anh Sửu), thì được chị cho biết: "Đó là hương của thầy trò Trường tiểu học và trung học cơ sở Ngân Thủy hôm trước vào thắp".

Tìm đến trường, chúng tôi được thầy Võ Hành Văn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, trường chúng tôi tổ chức cho giáo viên và học sinh xuống nhà Lưu niệm Đại tướng viếng Người. Trước khi đi, chúng tôi vào hang Đại tướng để thắp hương và kể cho các em học sinh nghe về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Đồng thời, cho các em biết trên chính mảnh đất này cũng đã từng in dấu chân của vị Đại tướng lừng danh thế giới. Điều bất ngờ, là có nhiều em học sinh của trường cũng đã từng nghe người già trong bản kể về hang Đại tướng này".

Em Hồ Thị Huệ, học sinh lớp 9 không giấu được niềm tự hào, kể: "Lần em được thầy cô chọn theo đoàn xuống viếng Đại tướng cũng là đầu tiên em được đến nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là kỷ niệm em sẽ không bao giờ quên. Lúc thắp hương, em đã hứa với Đại tướng là sẽ cố gắng học tập thật giỏi, để sau này làm cô giáo, quay lại trường tiếp tục dạy chữ cho các em học sinh ở bản làng mình".

Văn Minh - Lê Thy

"ĐẦU MÂU VI BÚT, HẠC HẢI VI NGHIÊN"


                                        Phá Hạc Hải

Ở vùng giữa tỉnh Quảng Bình có một hệ sơn thuỷ rất địa linh, đó là núi Đâu Mâu cao như hình “cây bút” và phá Hạc Hải rộng như một “nghiên mực” lớn.

Núi Đâu Mâu được sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả như sau: “Ở cách huyện Phong Lộc 22 dặm về phía tây, thế núi hùng dũng cao vót, đứng sững ở bên trời, trông như hình đâu mâu nên gọi tên này. Tương truyền cạnh núi có giếng, trong giếng có giống cá lạ; chân núi kề sông cái, sản giống cua đá, hồi đầu bản triều đắp luỹ dài, trên từ núi Đâu Mâu tức núi này; năm Nhâm Tuất đầu đời Trung hưng, Tây Sơn Nguyễn Quang Toản đem binh Bắc Hà vào cướp, phá luỹ Đâu Mâu, quân ta ở trên núi ném đá xuống, quân giặc chết và bị thương nhiều, liền tan vỡ. Đầu niên hiệu Tự Đức ghi vào điển thờ”. Hiện nay còn có dấu tích luỹ Đâu Mâu trên núi và tấm bia đá (tấm bia đang được để ở Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình).

Sách Ô châu cận lục của Tiến sỹ Dương Văn An viết năm 1555 cũng có chép về núi Đâu Mâu nhưng cũng chỉ ghi lại như Đại Nam nhất thống chí, ngắn gọn hơn.

Núi Đâu Mâu cách cầu Long Đại trên đường Hồ Chí Minh về phía tây theo đường chim bay khoảng 10 cây số, phía tây núi Mồng Gà (Đa Mao) và phía đông nam núi U Bò, ở trong quần thể núi cao của dãy Trường Sơn trùng điệp, phía nam là núi Đông Then. Núi Đâu Mâu có đỉnh cao nhất là 668 mét, và các đỉnh nhỏ thấp hơn. Do núi cao như vậy nên dân gian mới có câu ví “Đâu Mâu vi bút”.

Núi Đâu Mâu ăn liền với các núi cao của dãy Trường Sơn hùng vỹ càng làm cho sơn hệ núi non của Quảng Bình thêm phong phú, gắn liền với những huyền thoại hấp dẫn về sông núi Quảng Bình, như núi Thần Đinh, sông Nhật Lệ, càng làm cho tỉnh nhà thêm phần địa linh nhân kiệt, càng làm cho chúng ta thêm yêu quê hương mà ra sức phấn đấu để làm cho tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.

Núi Đâu Mâu có hệ động vật, thực vật đa dạng phong phú. Các loài động vật gồm: hươu, nai, chồn, khỉ, cáo, voọc, sóc, cầy, trước đây còn có hổ, báo,... các loài bướm đẹp, các loài côn trùng, các loài chim,... Các lòai thực vật gồm các loại gỗ quý: lim, táu, sến, gụ, nghiến,... các loài hoa rừng: phong lan, mai, bông trang,...

Cách núi Đâu Mâu gần 20 cây số về phía đông đông nam, có một vùng đầm phá rộng lớn cùng với sông Kiến Giang, đó là phá Hạc Hải (Thiển Hải, tức Biển Cạn), cổ nhân ví Hạc Hải như cái “nghiên mực” bên cạnh “cây bút” Đâu Mâu và có câu Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, là biểu trưng của sự học hành.

Đâu Mâu-Hạc Hải đã tạo nguồn cảm xúc cho các mặc khách tao nhân xuất khẩu thành thơ:

Bể Hạc ai mài xanh sắc nước
Non Mâu tô điểm vẻ da trời.

Phá Hạc Hải ở phía đông nam Võ Xá, bên phía tây đường Quốc lộ số 1A, thuộc xã Hồng Thuỷ và Gia Ninh. Phá kéo dài theo phương tây bắc-đông nam, dài khoảng 6-7 cây số, rộng 1-2,5 cây số, diện tích khoảng 12 cây số vuông, bắt đầu ở Mỹ Trung trở về phía đông nam.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã mô tả phá Hạc Hải và gọi là phá Thạch Bàn, như sau: “Ở cách huyện Lệ Thuỷ 14 dặm về phía bắc, có tên là Thiển Hải, cũng gọi là Bình Hồ, do nước từ các nguồn Yên Sinh và Cẩm Lý đổ vào, trăm sông tụ hội, mọi nhánh đổ về, gọi là Hạc Hải, phía đông bắc từng động cát chập chồng, phía tây bắc vạn núi chắn ngang, ở giữa thì mặt nước mênh mông, chỗ sâu chỗ cạn, có một đường lạch rất sâu, thuyền bè đi lại cần phải đề phòng sóng gió; hạ lưu hợp với sông Mỹ Hương rồi đổ ra biển.

Sách An Nam chí chép: “Thiển Hải ở huyện Nha Nghi, sóng biếc mênh mông, cây lau rậm rạp, thuyền chài tụ tán, có thể làm nơi du ngoạn của một phương". Sách ấy lại nói: “Sông Bồ Đài phát nguyên từ Lão Qua, chảy qua phía đông huyện Bồ Đài, chia dòng chảy vào Thiển Hải, lại vào sông Hoá Châu, sông có thể đi thuyền được, có lẽ chỉ phá này”. (Thiển Hải tức là biển cạn). Như vậy sách An Nam chí có sự nhầm lẫn mà Đại Nam nhất thống chí cũng ghi chú là sông Bồ Đài ở tỉnh Thừa Thiên mà Thiển Hải đây là phá của Thừa Thiên chứ không phải của Quảng Bình.

Phá Hạc Hải ở giữa có đường lạch tức là sông Kiến Giang, phá ở hai bên sông.

Nước của phá Hạc Hải là nước lợ, rất thích hợp với các loài thuỷ sản nước lợ như: cá bống, cá úc, cá buôi, cá leo, cá chai,..., các loài tôm đất, tôm bạc, tôm tú, tôm rằn, tôm tít, cua, rạm,... Đặc biệt rạm trong mùa tháng tư âm lịch rất nhiều. Dân gian có câu: “rạm trồi thì lụt, rạm tụt thì mưa”; nếu rạm xuất hiện trước rằm tháng tư thì sẽ bị lụt, nếu rạm xuất hiện sau rằm thì chỉ mưa to mà không bị lụt. Rạm là thực phẩm rất ngon, chế biến làm canh, rang, kho đều tốt, bổ.

Thuỷ sản ở phá Hạc Hải phong phú đã nuôi sống nhân dân trong vùng. Một loài thực vật quan trọng khác là rong rêu, ở đáy phá rất nhiều, dân thường đi thuyền, lặn xuống lấy về làm phân xanh ủ với phân chuồng trồng lúa, hoa màu rất tốt, không chỉ cho dân trong vùng mà cả ở Bảo Ninh, Đồng Hới.

Do phong thuỷ của núi Đâu Mâu và phá Hạc Hải như vậy, cho nên dân vùng hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ đã phát triển sự học, trước đây có 4 làng văn vật là “Văn, Võ, Cổ, Kim”, xứng đối với huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá có 4 làng văn vật “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ”. Làng Văn La có một vị đậu Phó bảng là Hoàng Trọng Đài, một danh nhân Hoàng Kế Viêm yêu nước nổi tiếng cả nước, một Thống đốc quân vụ đại thần, một Hiệp biện Đại học sỹ,... cùng với một vị khác làm cho Văn La là làng “song Hiệp biện Văn La” nổi tiếng.

Làng Võ Xá có những nét văn hoá-lịch sử đặc sắc, một vị đậu Phó bảng (Lê Doãn Thành). Làng Cổ Hiền có một vị đậu Tiến sỹ là Lê Hữu Lệ, và có những nét văn vật đáng quý. Làng Kim Nại có một số vị đậu Cử nhân và những nét phong thuỷ, văn hoá rất đáng quý.

Các làng khác trong hai huyện này tuy không được liệt vào các làng văn vật nhưng cũng có nhiều vị học hành đỗ đạt cao như An Xá, Tuy Lộc, Thạch Bàn, Tả Thắng, Xuân Lai, Mỹ Lộc, nhất là làng Phù Chánh (xã Hưng Thuỷ) có gia đình họ Nguyễn Đăng có 2 vị Tiến sỹ và Phó bảng là Nguyễn Đăng Hành và con là Nguyễn Đăng Cư,...

Hệ sơn thuỷ Đâu Mâu-Hạc Hải quả là thế phong thuỷ rất đáng quý của vùng đất “địa linh nhân kiệt” Quảng Bình.
Ngọc Hiên Hiên