MÙA ĐÔNG YÊU THƯƠNG

Nguyễn Thị Thu Hoài

Tôi yêu mùa đông…

Vì cái rét ngọt ngào, se sắt của tiết trời, nhất là những ngày ti-vi dự báo thời tiết “rét đậm, rét hại”… Đó là những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C, chạy xe ngoài đường, gió lạnh tát vào mặt, có phải bạn chỉ mong mau mau chóng chóng về đến nhà? Bước vào nhà, bạn sẽ dễ nhận ra rằng: trong nhà ấm hơn ngoài trời nhiều! Đừng vội cười bạn nhé bởi cái điều đến một đứa trẻ lên ba cũng biết. Điều mùa đông muốn nói với ta là: Gia đình là nơi chúng ta được sưởi ấm, là nơi chúng ta mong tìm về dẫu ở đâu trên mọi nẻo đường đời phiêu bạt…

Tôi yêu mùa đông…

Vì cái giá lạnh của mùa đông “đồng lõa” với tôi trong việc giục mẹ nghỉ sớm… Mẹ vẫn thế, hay lam hay làm, tham công tiếc việc, những ngày nắng ấm, tối, ăn cơm xong mẹ còn tiếp tục soạn việc ra làm: vót vành, ủi lá… chuẩn bị cho công việc ngày mai. Tôi nhắc mẹ nghỉ sớm, mẹ bảo: “Đang xem chương trình ti-vi hay, làm để theo dõi cho hết”. Tôi biết mẹ chỉ lấy cớ vậy thôi. Công việc của người làm nón làng tôi có khi nào mà hết được, hết khâu này đến công đoạn khác, lúc nào cũng có thể tranh thủ làm được. Ngày xưa (nhưng chưa xa lắm), ba chị em tôi nối tiếp nhau vào đại học, cũng nhờ mẹ tần tảo sớm hôm như thế mà chúng tôi có tiền đi học, và cũng vì thế, chúng tôi có thêm một động lực thôi thúc mình học tốt… Ngày đông giá, tôi có thêm một lí do- một “đồng minh” để thuyết phục mẹ. Rét quá tất nhiên không tốt cho sức khỏe, nhưng có thể mặc thêm áo, đắp thêm chăn chống rét, nhưng nếu mẹ làm việc quá nhiều, quá vất vả thì….

Tôi yêu mùa đông…

Vì những buổi tối cả nhà quây quần bên lò than cùng sưởi ấm… Năm ngoái còn có út ở nhà, mỗi lần ngồi sưởi, hai chị em lại chành chọe nhau, đứa nào cũng muốn để bàn tay phía dưới, gần sát những hòn than đỏ hồng để được nhiều hơi ấm hơn… “Cuộc chiến” thường kết thúc khi hai đứa bị mẹ hoặc cha mắng cho, rồi thì cười khì nhìn nhau, và bắt đầu “cuộc chiến” mới – hích khuỷu tay để đổ lỗi cho nhau… Có hôm cạnh lò than có thêm mẻ lạc rang, ngô rang… Ngồi sưởi xong quần áo ai cũng ám khói, nhưng tôi chẳng thấy khó chịu mà lại đặt cho nó một cái tên mới mượn từ tên một tác phẩm của Bác: “con người biết mùi hun khói” !

Vì những đêm đông quấn mình trong chăn ấm, quờ chân nghịch ngợm sang chân mẹ hay chân út để rồi thích chí cười khi mẹ và út giật mình vì tưởng đụng nhầm cục đá đông lạnh!

Tôi yêu mùa đông…

Vì tôi được nghe nhiều người mắng hơn! “Mặc quần dài vào cho ấm, tưởng mình khỏe lắm đấy!” hay “Đừng gội đầu, coi chừng lại cảm lạnh đó, người ta không ai chết vì ba ngày chưa gội đầu đâu!” (Mẹ); “Sao không đeo bao tay, chạy xe cóng tay bây giờ!” (Chị và em); “Trời lạnh lắm, không được thức quá khuya, nghe không?”(Một ai đó…)

Tôi yêu mùa đông…

Vì mấy lớp áo chống rét khiến cho những ai có thân hình…khiêm tốn trở nên… đỡ khiêm tốn hơn..,

Tôi yêu mùa đông…

Vì tiết trời này khiến tôi trở thành một người “khéo tay – hay làm”. Là con gái, nhưng tôi không được khéo léo như ai đó. May mắn, những tháng ngày sinh viên, tôi cũng học lỏm được từ cô bạn thân cách đan khăn len… Từ đó, mùa đông nào tôi cũng đan vài cái khăn, cái thì mẹ, cái thì chị, cái cho cháu, cái tặng bạn… Nhìn chiếc khăn do chính mình tự tay ra chợ chọn len, lên mạng tìm kiểu đan rồi cặm cụi mấy đêm đan… trên cổ ai đó…, trong lòng ngân lên niềm vui và dường như cũng được sẻ chia hơi ấm từ người quàng khăn…

Tôi yêu mùa đông…

Vì mùa đông cho lòng người biết rằng mình cần lắm hơi ấm tình yêu thương…

NHÂN DUYÊN HAI VỊ ĐẠI TƯỚNG VỚI QUẢNG BÌNH

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Kim Cương

Vào những năm đầu thập kỷ 10 của thế kỷ 21, vùng đất khúc ruột miền Trung của đất nước đã sinh ra hai người con mà sau này trở thành danh nhân, danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh). 

Năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (1911), Võ Nguyên Giáp chào đời trên một vùng quê bên bờ sông Kiến Giang trong xanh của huyện Lệ Thủy – Tỉnh Quảng Bình. Ngày ấy, Hồ Chí Minh, gọi là Văn Ba, là Nguyễn Tất Thành, hẳn không hề biết rằng trên Tổ quốc mình, một người vừa chào đời và con người ấy, đúng 30 năm sau sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của mình, 37 năm sau lại được Người phong hàm Đại tướng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, theo sự lãnh đạo của Người và Ban chấp hành trung ương Đảng chỉ huy toàn quân cùng toàn đảng, toàn dân, đánh bại 10 Đại tướng của đối phương, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại thống nhất non sông, trở thành danh nhân thế giới. Ông đã từ một người yêu nước ở tuổi học trò đến một người cộng sản chân chính – chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo viên sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành một danh tướng, một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy, một vị tướng được toàn quân kính trọng, toàn dân yêu mến, thế giới ngưỡng mộ. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường, là “một thống soái quân sự cỡ lớn” như Đại tướng Mỹ Oet mo len đã đánh giá, là con người và huyền thoại như nhà sử gia Phương Tây Becna khẳng định, là “ một trong những thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại” như Đại tướng Anh P M Đônan đã nói, là cây đại thụ rợp bóng nhân văn, là danh nhân thế giới, lừng danh khắp nơi...

Không đầy ba năm sau, bên dòng sông Bồ mát ngọt, ngày 1 tháng 1 năm 1914 Nguyễn Vịnh chào đời trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò – Huyện Quảng Điền – Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thân phụ mất sớm, cuộc đời khổ cực và lòng căm thù bọn thực dân phong kiến, đã thúc dục ông sớm đi làm cách mạng. Tháng 7 năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, 4 tháng sau liền được cử làm Bí thư chi bộ Niêm Phò là tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền, rồi tham gia tỉnh ủy lâm thời và đầu năm 1938 được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên. Bị thất bại trong dự án tăng thuế trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân và dân biểu trong tỉnh do ông lãnh đạo, tháng 9 năm 1938, thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều đã bắt ông và một số cán bộ. Chúng đã đưa ông vào giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột. Năm 1941, Nguyễn Vịnh và một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về thành lập tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng rộng khắp. Từ ngày 13 đến 18 tháng 8 năm 1945, ông được thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ ra dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở xã Tân Trào – huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang. Khi nghe đồng chí Phạm Văn Đồng công bố danh sách bổ sung ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan. Nguyễn Vịnh ngạc nhiên quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp:Nguyễn Chí Thanh là ai? Đồng chí Võ Nguyên Giáp cười và trả lời: “ là anh chứ ai nữa. Chính Bác đã đặt tên mới cho anh đó!”. Nguyễn Vịnh ngỡ ngàng và vui sướng. Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của Quân đội ta, của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị đó, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư xứ ủy Trung Kỳ.

Khi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cùng với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng đâng chỉ đạo các lực lượng vũ trang liên tiếp đánh mạnh vào bọn thực dân Pháp ở các tỉnh phía Bắc giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì ở miền Trung, với nhiều trọng trách khác nhau là Bí thư xứ ủy Trung Kỳ, rồi Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu ủy IV Nguyễn Chí Thanh cũng hết mình, tập trung lãnh đạo toàn quân và toàn dân từng bước khắc phục những khó khăn, gian khổ bước đầu, tiếp tục chiến đấu. Ông củng cố lòng tin cho mọi người: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy, chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân”. Ông chỉ đạo phải chuyển sang tiến công địch, kiên quyết trở về vùng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch. Năm 1948, ông đã cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra Nghị quyết mở chiến dịch phá tề trong cả ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên. Đó là một chủ trương sáng suốt, kịp thời, làm cho cả hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở bị ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Hội tề tan rã, hệ thống đồn bốt địch bị trơ ra giữa vòng vây của nhân dân. Một vùng nông thôn rộng lớn của Bình Trị Thiên, sau chiến dịch đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân, du kích hoạt động, nhiều đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Theo chủ trương đó, cán bộ và lực lượng vũ trang Quảng Bình cũng đã làm lễ hạ sơn, phát động phong trào quật khởi, về bám dân tiến công địch. Những cuộc hành quân của địch luôn bị bộ đội và du kích chặn đánh tại chỗ. Sau một thời gian tạm lắng, “Bình Trị Thiên khói lửa” đã vượt qua được những khó khăn hiểm nghèo, vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước, từng bước tiến lên giành nhiều thắng lợi. Với thành công này, Bác Hồ đã tặng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu “Vị tướng du kích”.

Chiến trường Bình Trị Thiên đang bước vào thế chủ động tiến công, thì giữa năm 1950 Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội và giao cho đồng chí nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Bí thư quân ủy Trung ương. Từ đó, bên cạnh Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy về quân sự, có thêm một vị lãnh đạo tài giỏi cùng chôn rau cắt rốn ở khúc ruột miền Trung, lãnh đạo về chính trị tư tưởng, thúc đẩy toàn quân nâng cao lòng yêu nước, lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, giữ vững bản lĩnh chính trị, với ý chí tiến công và quyết thắng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đều được bầu vào Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử vào Bí thư Trung ương Đảng. Mùa hè năm 1957, Nguyễn Chí Thanh cùng với Bác Hồ vào thăm, mang đến Quảng Bình những tình cảm sâu sắc, những niềm tin yêu mới. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai vị Đại tướng đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – hai người con ưu tú của khúc ruột miền Trung lại được bầu vào Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III ( tháng 9 năm 1960). Cũng vào năm đó, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, chăm lo hòa thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị một người lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp với dời sóng, sự no đói của hàng chục triệu người. Hôm giao nhiệm vụ, Bác Hồ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến. Bác bảo: “ Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”.

Hợp tác hóa nông nghiệp là một vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cần đi sâu, đi sát thực tế để nắm bắt và rút kinh nghiệm. Và, điểm đi sâu vào thực tế đầu tiên của vị Đại tướng lại là Hợp tác xã Đại Phong, thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy – huyện nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vừa chỉ đạo, Đại tướng thường xuyên làm việc trực tiếp với Ban quản lý Hợp tác xã, đến tận từng nhà dân học hỏi kinh nghiệm, ra tận từng cánh đồng xem từng cách làm, khuyến khích mọi người tích cực khai hoang mở rộng diện tích. Bản chất của người nông dân nhưng đã được nâng cao thể hiện rõ nét ở vị tướng. Đại tướng vừa nghiên cứu khoa học kỹ thuật trên sách báo, học kinh nghiệm của nhiều lão nông, vừa tích lũy kinh nghiệm, gắn với sự sáng tạo, hướng dẫn, động viên mọi người tham gia sản xuất, tăng năng suất và tích cực xây dựng Hợp tác xã. Bằng cuộc đời khổ cực của mình, Đại tướng ân cần nói chuyện giáo dục tầng lớp thanh niên phấn đấu trở thành những chiến sĩ xung kích trong phong trào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Đại tướng kể rằng: Thời trai trẻ, khỏe mạnh, Đại tướng vẫn làm ruộng quần quật suốt ngày, nhưng làm thuê cho nhà giàu để kiếm ăn. “ Tôi nhớ một hôm, tôi và một anh bạn nữa cùng đi guồng nước cho một nhà chủ. Khi chúng tôi vác guồng nước trở về, thì mụ chủ nhà hất hàm hỏi: “ Các chú guồng được mấy sào?”. Tôi đáp: “ Được năm sào”. Mụ chủ nhà không nói một câu, mặt bỗng nhăn như bị, hắn “giận cá chém thớt”, cầm thanh củi đánh con chó rồi chửi: “ mẹ cha mày, tao cho mày ăn cơm hay ăn cứt?”. Các đồng chí nghĩ xem là nó đã chửi ai, và bấy giờ chúng tôi bưng bát cơm của nó ăn thì bữa cơm đó thế nào? Bữa cơm trộn nước mắt các đồng chí ạ!. Các đồng chí cho biết, mỗi đồng chí đều có hai, ba bộ áo quần lành, đều đã được đi học. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa bao lâu mà đời sống của chúng ta lên đến được như thế là đáng mừng...” Đại tướng cũng cho tầng lớp thanh niên biết rằng, thanh niên nông thôn ngày xưa không bao giờ được cuộc sống sung sướng như thế, quần áo vá chằng vá đụp, đi đằng xa nhìn cái áo đã biết người ấy là ai. Có người trời nắng tháng năm, chẳng ốm đau gì mà phải nằm đắp chiếu vì chỉ có một cái quần đùi đã giặt đang phơi. “ Nếu chúng tôi trước đây đã sống trong chế độ địa ngục, thì ngày nay các đồng chí đang sống trong chế độ thiên đường. Cách mạng đã đem lại ấm no và hạnh phúc cho mọi người...”. Qua những câu chuyện thực tế và gần gũi như thế, Đại tướng động viên mọi người tích cực hơn trong mọi công việc xây dựng hợp tác, xây dựng chủ nghĩa xã hội, động viên thanh niên tích cực khám phá khoa học kỹ thuật, lao động có kỹ thuật đồng thời biết tổ chức, biết quản lý, tham gia quản lý hợp tác xã, lao động hăng, lao động mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải trở thành những kiện tướng làm côn tác thủy lợi, kiện tướng khai hoang, làm phân bón và vượt tiêu chuẩn ngày công của hợp tác xã...Từ đó, phong trào xây dựng hợp tác xã ở Đại Phong ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành Hợp tác xã điển hình xuất sắc nhất toàn miền Bắc. Từ điển hình tiên tiến này, Đại tướng đã viết bài tuyên truyền kinh nghiệm và phát động các Hợp tác xã trên toàn miền Bắc học tập và thi đua với Đại Phong, đồng thời đến với nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình và các tỉnh khác tiếp tục nhân rộng điển hình, để sau này lại nổi lên phong trào “ Vượt Đại Phong, đuổi kịp Cự Nẫm”. Hợp tác xã Cự Nẫm được tuyên dương danh hiệu “ Đơn vị anh hùng lao động” đầu tiên trong tỉnh Quảng Bình. Các Hợp tác xã Hà Xá và Hà Hồi ở tỉnh Hà Tây đều vươn lên thành đơn vị điển hình.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thời gian được Đảng giao Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương không dài, nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên “luồng gió mới” trên đồng ruộng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lịch sử và tâm trí của hàng chục triệu con người Việt Nam còn in đậm phong trào “ Gió Đại Phong” – một mô hình nông nghiệp thời chống Mỹ mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dày công tổng kết và chỉ đạo.

Quảng Bình tự hào đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp – danh nhân của thế giới, nhưng không bao giờ quên được tình cảm cao đẹp và công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người luôn gắn bó mật thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên những chiến công rạng rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước – người đã dày công xây dựng Quảng Bình vững mạnh.

K.C

HƠI ẤM MÙA ĐÔNG

Nguyễn Thị Thu Hoài


“Cô dạy em, bài thể dục buổi sáng. 1, 2, 3! Hít thở! Hít thở! Hít thở!...” Tiếng hát nhí nhảnh từ điện thoại vang lên. Một cánh tay lười biếng thò ra từ trong đống chăn nệm quờ quạng ngang dọc… Âm thanh báo thức tắt. Ai đó lại tiếp nối giấc mơ dang dở để rồi ba mươi phút sau, ai đó cuống cuồng trên đường, vừa chạy vừa lo trễ giờ vào lớp…

Mùa đông. Cái lạnh se sắt, tái tê của những đợt rét đậm, rét hại là “đồng minh” của “chứng bệnh ngủ nướng” ở không ít người. Nó cũng thế. Công bằng mà nói, ngày còn bé – thuở còn cắp sách đến trường, ngủ nướng, dậy muộn không nằm trong từ điển thường thức của nó. Đông hay hè, nó cũng dậy từ rất sớm, dù ngày ấy chẳng có báo thức từ đồng hồ hay điện thoại – cả nhà chỉ có duy nhất một cái đồng hồ treo tường mà thôi. Nó có một thứ báo thức đặc biệt, đó là bếp lửa của mẹ mỗi sáng sớm…

Ngày ấy người dân quê thường đun nấu bằng những rơm rạ, vỏ trấu, bằng củi hay bất cứ thứ gì có thể bắt lửa: lá khô, vài cành cây gãy, hạt bàng. “Tân tiến” hơn một chút, một người nông dân sáng ý nào đã sáng chế ra loại bếp dùng củi và trấu để đun nhưng có hỗ trợ sức gió từ chiếc quạt mi-ni trong một hệ thống ống thổi chạy bằng điện. Ngày ấy, nhà nó lúc nào cũng có thêm hai con lợn. Thóc lúa không nhiều, nhưng mẹ bảo, nuôi lợn cũng như bỏ ống tiết kiệm, để dành mỗi ngày một ít, để khi bán đi có một khoản tiền kha khá cho chúng nó đóng học.

Nhà nó đông chị em gái, nhưng ba chị lớn lập gia đình sớm nên chưa đỡ đần cha mẹ được bao nhiêu. Ba đứa nhỏ hơn thì suốt ngày đi học. Việc nhà một tay mẹ chu tất. Nhà toàn con gái nhưng chưa được mấy bữa cơm là không do mẹ nấu. Một ngày của mẹ bắt đầu từ lúc ba bốn giờ sáng. Nó và cô em út ngủ chung với mẹ. Mẹ trở dậy rất khẽ để không làm hai đứa thức giấc, nhưng thường thì chỉ mươi mười lăm phút sau chúng đã lò dò ra giếng rửa mặt, đánh răng. Mùa đông, áo ấm, chăn bông không nhiều cũng không dày nhưng hồi đó nó không hề thấy lạnh. Cả căn nhà đã được ngọn lửa từ căn bếp đơn sơ sưởi ấm. 

Nó thường ra ngồi cạnh mẹ đưa bàn tay vào gần những ngọn lửa đang nhảy nhót rồi rụt lại thật nhanh trước khi bị mẹ mắng. Nó mơ màng dõi theo những sợi khói vấn vít quanh bếp như lưu luyến gì rồi cứ mỏng mảnh dần, lan nhẹ nhàng ra khắp không gian. Cô em út tranh thủ làm nũng, ngồi vào lòng mẹ rồi thiêm thiếp ngủ tiếp, đầu gục trên ngực mẹ trước khi được mẹ bế đặt lại vào giường. Nó thường lấy chuyện ấy để trêu em khi em thức. Khi đã chán trò chơi “đùa với lửa” và mỏi mắt vì ngắm khói bay rồi, nó trở vào nhà lục cặp sách mang ra cuốn tập, trở lại căn bếp và ngồi chăm chú đọc. Có khi chỉ đọc bằng mắt, có khi nó đọc to một bài thơ, một đoạn văn hay một bài lịch sử, và chỉ vài lần như thế, nó đã thuộc vanh vách và nhớ rất… dai. Không biết là vì thời gian này trong ngày thích hợp nhất cho việc não bộ ghi nhớ, hay bởi vì chính cái không gian đặc biệt này – trong ánh sáng từ bếp lửa, trong mùi khói nồng nồng ngai ngái lẫn mùi thơm từ nồi cơm đang sôi…

Bước chân vào giản đường đại học, mỗi buổi sáng, nó vẫn dậy từ rất sớm, vừa chạy bộ vừa mang theo cuốn đề cương vừa soạn tối qua. Không có ánh lửa bếp chập chờn nhảy múa trên trang vở, không có ngọn khói quấn quýt vờn bay nhưng nó vẫn mơ hồ ngửi thấy mùi khói quyện vị ngọt dịu của mùi thơm cơm mới, thấy bóng mẹ se sẽ dém chăn cho hai chị em trước khi xuống bếp, để nó ngấu nghiến những cuốn giáo trình dày cộm của môn Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị… một cách dễ dàng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè cùng lớp.

Bây giờ, nhà nó đã nấu cơm bằng nồi cơm điện, nấu nước bằng bình siêu tốc, nấu canh kho cá bằng bếp ga. Hiếm hoi lắm mới lại đun bếp củi. Mẹ vẫn dậy từ sớm nhưng không phải để chuẩn bị cơm sáng cho cha ra đồng, chúng tôi đi học hay nấu nồi cám cho lợn, mà để đi thể dục dưỡng sinh với mấy người hàng xóm. Nó vui vì điều ấy. 

Có những lần… suýt trễ giờ, nó thường phụng phịu trách mẹ sao không đánh thức mình. Mẹ cười, dí ngón tay lên trán nó, bảo: “Lớn tướng rồi, định thay chỗ con mèo chắc!”

Hôm nay, có ai đó đặt lại giờ báo thức và thong dong trên con đường đến trường. Nào ai hay, trang giáo án đêm qua được ủ thêm hơi ấm thân thương của mùa đông yêu dấu…

Mùa đông, 2013

NGỜI SÁNG TRONG NHÂN LOẠI

Ngọc Tuân: Một người bạn vong niên thời chiến tranh đạn lửa kề vai, sát cánh bên nhau ở Quảng Bình có gửi cho tôi bài viết rất hay về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Xin cảm ơn bạn và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

                NGỜI SÁNG TRONG NHÂN LOẠI
                                           Bút ký của Kim Cương

Thế là Ông đã ra đi. Lòng người quặn đau. Trái tim nhức nhói. Trời đất quay cuồng, đảo điên nổi loạn. Người khóc. Gió gào rít. Mưa tầm tã liền mấy ngày đêm tuôn nước. Cả nhân loại đều hướng về Việt Nam chia sẻ nỗi đau, khi được tin Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cây đại thụ rợp bóng nhân văn, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một danh nhân hiếm có của thế giới, mang đầy đủ đức tính: Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung, người cộng sản chân chính đến tận cuối đời, vị tướng trong những vị tướng nổi danh nhất thế giới sống đến 103 tuổi đã về với cõi vĩnh hằng.

Mọi người đều nói ông là vị thánh, giỏi từ trong những suy nghĩ, tiếng nói, xử thế và hành động, đến cả nhà Trời cũng động lòng. Nhớ lại ngày Bác Hồ ra đi ( ngày mồng hai tháng chín năm 1969), trời khóc mưa xối xả hoà với lệ rơi trên hàng triệu người. Lần này, từ trong những ngày cuối đời của Ông, biết không thể cứu nỗi, trời lại đổ mưa. Mưa như dội nước cả ngày lẫn đêm. Mưa đều khắp cả nước. Loài người hồi hộp và thương tiếc, đau xót vì sắp mất một vĩ nhân. Nhà trời thấy sắp mất một vị thánh hiền tài, nổi cơn cuồng phong thành cơn bão số 10 - cơn bão Wutip dữ dội chưa từng có vào Quảng Bình quê Ông, như một người quá đà tức giận, điên cuồng đập phá. Từ sau 18 h 9 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, quá thương tiếc người anh hùng dân tộc Việt Nam, thương tiếc một vĩ nhân, trời mưa càng nhiều hơn. Mưa trắng trời trắng đất. Mưa to, gió lớn suốt hơn một tuần, rồi ngừng lại vào ngày mười hai tháng 10, toả nắng cho mọi sự chuẩn bị đưa Ông về quê bằng chuyên cơ VN- 103 và an táng tại Vũng Chùa, với núi Phượng, sông Loan có thế Rồng chầu, Hổ phục, nơi có đền thờ của nàng công chúa nhà Trời Liễu Hạnh, non nước hữu tình - nơi mà cách đây gần 450 năm, Trạng Trình đã sấm " Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" vào ngày 13. Cũng như lòng người, nỗi đau chưa dứt, trời lại khóc ròng rã những ngày sau đó, kèm theo cơn bão số 11 - cơn bão Nari gây nên trận lụt lớn trên quê hương Ông. Nỗi đau còn cấu xé. Nhà Trời cứ vần vũ, tuôn mưa liên tục và nổi thêm 3 cơn bão. Chỉ một tháng Ông ra đi mà nhà Trời gây ra 5 cơn bão thật là hiếm có, trong đó cơn bão Haiyan - cơn bão số 11 làm cho cả khu vực Đông Nam Á run sợ. Đó là siêu bão chưa từng có trong lịch sử thế giới từ trước đến nay. Bão đã trườn qua Philipin cướp đi hàng ngàn sinh mạng và tàn sát tan nát hơn hai phần ba đất nước này. Theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn của nhiều nước thì khoảng 7 giờ sáng ngày 10 tháng 11 bão sẽ vào sát bờ biển từ Quảng Trị đến Bình Định, với sức gió cấp 13 và 14, giật câp 17 - cấp tột cùng của bão. Dự báo của nhiều nhà khí tượng tài ba trên thế giới thì bão luôn giữ nguyên cấp gió và tiến thẳng vào đất liền, rồi quét một mạch từ Bình Định ra hướng Bắc, quét dọc ra tận các tỉnh Bắc bộ. Nhìn đường đi của cái xoáy màu đỏ dọc đất nước, như đang xoáy vào tận tim của mỗi người. Cả thế giới đều lo cho Việt Nam. Cả Việt Nam lo lắng, tập trung tìm mọi cách phòng chống. Trong lúc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cùng đoàn chỉ đạo ở các tỉnh phía Nam, thì Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn Cao Đức Phát vào chỉ đạo ở miền Trung. Trên đường đi chỉ đạo, hai vị lãnh đạo của Chính phủ đã vào kính cẩn dâng hương trên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mũi Rồng, bên bờ biển quê hương Quảng Bình. Sau một ngày đêm cật lực dùng các loại dây thép và gạch đá để buộc chằng và đằn mái với tâm trạng lo âu khó thoát khỏi sự tàn phá của siêu bão, lo và thương cho gia đình đứa con thứ hai ở Đà Nẵng, với hai cháu còn nhỏ dại, suốt cả ngày đến các khách sạn tìm thuê phòng trú ẩn không còn chỗ, đang bị bắt buộc di dời khỏi ngôi nhà cấp 4 đến ăn ở tập trung khổ cực ở Trung tâm thể thao thành phố, khi đọc được tin này, tôi liền nói với vợ con:

- Bão không dám vào nước mình nữa đâu!
- Sao vậy anh?- Vợ tôi hỏi.
- Có Đại tướng che đỡ rồi!
- Sao ba lại nói vậy? - Con tôi hỏi.
- Sáng nay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã vào thắp hương vái xin rồi - Tôi nói: - Đại tướng từng chỉ huy đánh tan hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ, đánh thắng cả 10 đại tướng của quân thù và luôn luôn được lòng dân, chắc chắn sẽ đẩy được cơn bão chưa từng có trong lịch sử này, không cho nó vào bờ được đâu!

Quả nhiên, suốt cả ngày hôm ấy, cơn bão vẫn rất mạnh, vẫn lao nhanh ra phía Bắc, nhưng chỉ đi cách bờ gần 100 cây số, không dám vào đất liền. Phần lớn đất nước bình yên. Vậy là, sau gần một thế kỷ cầm quân đánh tan thù trong, giặc ngoài và lo vận nước, giờ đây trước vận mệnh đất nước bị siêu bão Haiyan đe doạ tàn sát, từ dưới lòng đất quê hương, Đại tướng dùng tất cả sức mạnh của cả lòng dân đã được dồn vào trong mình, xuất khí giúp nước đánh bạt cuồng phong, như một vị Thánh. Chống giặc trên trần gian, chống giặc của nhà Trời như là sự trùng hợp trong một cuộc đời của Ông! 
                                         *
                                        * *
Nhìn nước lũ tràn về quê hương trong những ngày đại tang, người ta lại nhớ đến trận lụt năm Tân Hợi. Chuyện kể lại rằng: trong lúc bà Nguyễn Thị Kiên chuẩn bị chuyển dạ, thì trời mưa như trút nước. Nước từ trên trời đổ xuống. Nước từ Đại ngàn Trường Sơn đổ về làm cho mặt sông Kiến Giang ngày càng dâng cao, tràn ngập sâu khắp cả huyện Lệ Thuỷ - Tỉnh Quảng Bình. Làng An Xá - Xã Lộc Thuỷ của bà nằm sát bên sông nên nước ngập sâu hơn. Như đoán được nạn hồng thuỷ sắp diễn ra, ông Võ Quang Nghiêm đã chặt cây trong vườn, dựng thành một cái chòi cao và vững chắc bên gốc mít cổ thụ, đủ cho vợ sinh và cả nhà lánh nạn. Từ trên cái chòi cao giữa mênh mông nước lũ đó, Võ Nguyên Giáp đã chào đời trong ngày 25 tháng 8 năm 1911. 

Mở mắt ra đã thấy lũ lụt ngập cả quê hương và cảnh khổ cực của dân làng do sự áp bức, bốc lột của thực dân phong kiến, trở thành đấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của cậu. Có lẽ từ cái dấu ấn từ buổi đầu làm người khó quên ấy, đã hình thành trong người cậu lòng yêu nước, căm thù giặc và thương dân ngay từ lúc còn nhỏ. Bên cạnh cậu là người mẹ hiền, thông minh có trí nhớ tuyệt vời, hàng ngày vào lúc rảnh rỗi, bà thường kể cho cậu nghe vể chuyện ông ngoại của cậu hưởng ứng Chiếu Cần Vương hăng hái tham gia phong trào chống Pháp, làm đến chức Đề đốc coi đại đồn tiền vệ, bị quân Pháp bắt tra tấn rất dã man, nhưng một mực trung thành, không một lời khai báo. Mỗi lần giăc Pháp kéo đến là bà ngoại đặt các con vào thúng rồi gánh chạy. Mẹ còn đọc cho cậu nghe vè " Thất thủ kinh đô". Bài vè để lại trong tâm trí cậu không bao giờ phai. Cha ông là một nhà Nho nên dạy con rất nghiêm cẩn trọng trong sinh hoạt gia đình và học hành, giữ gìn nề nếp gia phong của đạo Khổng. Ông dạy đám học trò cùng con trai: Tạm thiên tự, Ngũ thiên tự và cả Ấu học tân thư. Năm tháng học chữ Nho không nhiều nhưng những đạo lý học được trong các sách của Thánh hiền đã trở thành nền tảng cơ bản có ảnh hưởng sâu sắc trong cả cuộc đời cậu. Trong thế giới quan Nho giáo, cả ba yếu tố cá nhân, gia đình và dân tộc đều hoà quyện chặt chẽ với nhau. Qua Ấu học tân thư, cậu Giáp được biết tới nhiều tấm gương quên mình để bảo vệ Tổ quốc, hình thành trong cậu niềm tự hào về những chiến công của cha ông trong quá khứ. Những giá trị đạo đức, nề nếp gia phong của đạo Khổng thấm nhuần trong người cậu, lối sống giản dị và đức hiếu học, sự kính trọng tổ tiên và ông bà, cha mẹ, sự kính trên, nhường dưới, đạo hiếu của con cái với cha mẹ, nghĩa vụ của con người với gia đình, xã hội và Trời, Đất. Ông càng hiểu sâu sắc hơn về đạo lý làm người qua câu: " Ong tuy độc không đốt trong đàn - Hổ tuy ác không ăn đồng loại", cũng như " Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", hoặc " Nhiễu điều phủ nhận giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng"... Cậu đã biết ghét thằng Tây và rất khó chịu trước cảnh thầy giáo trường Tổng bắt học sinh hát để mua vui cho bọn Pháp và tay sai của chúng. Học hết lớp 3, cậu phải xa nhà về Đồng Hới học tiếp với thầy Đào Duy Anh - người mà sau này trở thành một học giả, một nhà nghiên cứu văn hoá, giáo sư sử học, một nhà văn có tài. Bên dòng Nhật Lệ hiền hoà lung linh in bóng Luỹ Thầy, hàng ngày cần mẩn đổ nước sông ra bù đắp cho biển cả, cậu không quên nhớ lên dòng Kiến Giang trong xanh soi bóng những bờ tre xanh và vườn cây trĩu quả ở quê. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê nhà và anh em, bạn bè, nhưng với bản lĩnh tiến thủ, câu vẫn học rất giỏi, tháng nào cũng đứng đầu lớp và đỗ đầu toàn tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học. Rồi cậu tam biệt quê hương Quảng Bình chang chang nắng rát, nghèo, nhưng tráng lệ, mộng mơ, in đậm bao danh nhân đất nước, năm 13 tuổi cậu lên đường vào Kinh đô Huế ứng thi và vào học ở trường Quốc học. Không phụ lòng cha mẹ và kiến thức của thầy đã truyền thụ, cậu đã thi đỗ vào loại khá. Việc học để nâng cao trình độ đối với cậu giờ đây rất cần thiết, nhưng tình hình đất nước lúc bấy giờ đang có nhiều biến đổi. Phong trào nông dân, học sinh Trung kỳ nổi lên đòi giảm sưu, giảm thuế nặng, đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà trí thức yêu nước Phan Bội Châu và đòi được để tang cụ Phan Chu Trinh đang dấy lên khắp nơi...Nên mặc dù việc học, tháng nào cũng đứng đầu lớp, nhưng không còn là điều quan tâm của cậu. Cậu thường làm quen, tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi từng hoạt động phong trào thanh niên học sinh, như Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Khoa Văn ( Hải Triều), lại được các thầy đầy tâm huyết với dân tộc dạy bảo như thầy Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai... Nhân việc Nguyễn Chí Diễu bị giám thị Pháp vu oan copy bài của bạn rồi đuổi học, cậu cùng các bạn học làm đơn yêu cầu nhà trường không được đuổi học sinh Nguyễn Chí Diễu. Đơn bị trả lại. Cậu bàn với Nguyễn Khoa Văn tổ chức bãi khoá. Cuộc bãi khoá của Trường Quốc học Huế nhanh chóng trở thành cuộc tổng bãi khoá của học sinh trong Kinh thành Huế. Trong cuộc bãi khoá đó, cậu bị bắt, rồi bị đuổi học phải trở về quê, lúc 16 tuổi.

Đang ấm ức, căm ghét bọn Pháp, thì cậu lại được gặp Nguyễn Chí Diễu lặn lội từ Huế ra. Người bạn học hơn cậu ba tuổi này đã chia sẻ với Võ Nguyên Giáp về sự bất bình trước cảnh giáo dục thực dân và cho biết sau khi bị đuổi học Diễu đã tham gia Tân Việt cách mạng Đảng hiện có cơ sở ở Huế và đưa cho cậu xem chương trình, Điều lệ của Tân Việt cách mạng Đảng. Nguyễn Chí Diễu còn mang theo một tập tài liệu về " Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới" và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có hai bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa cho Võ Nguyên Giáp. Cậu đọc đi đọc lại rất nhiều lần vừa xúc động, vừa căm phẩn bọn thực dân, phong kiến và khao khát được sớm tham gia vào phong trào cách mạng. Đó cũng là sợi dây đầu tiên nối liền số mệnh của cậu Giáp với Nguyễn Ái Quốc và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cũng từ đó, cậu đã chuyển mình thành một anh thanh niên yêu nước.
                                                *
                                               * *
Năm 1928, Võ Nguyên Giáp tạm biệt cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè và quê nhà, tạm biệt dòng Kiến Giang hiền hoà, xanh mát, gắn liền với bao kỷ niệm của tuổi thơ, đến với dòng Hương Giang của xứ Huế thơ mộng, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Nguyễn Chí Diễu đã giới thiệu anh vào Tân Việt cách mạng Đảng, làm việc ở Quán Hải Tùng thư - một nhà xuất bản của Tổng bộ Tân Việt chủ trương, đặt ở phố Đông Sa, do thầy giáo cũ Đào Duy Anh sáng lập. Anh được bố trí làm thư ký của Nhà xuất bản, sinh hoạt trong một tổ bí mật của Đảng Tân Việt do Đào Duy Anh làm tổ trưởng. Tại đó, Võ Nguyên Giáp được tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng, đặc biệt là cuốn " Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc và tờ báo " Người cùng khổ" ( Le Paria) từ Pháp gửi về. Được mặt trời chân lý rọi vào tim và khối óc, Võ Nguyên Giáp rực lên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, tích cực, say sưa hoạt động. Chỉ một năm sau, anh đã thành một trong những thành viên hạt nhân của Đảng Tân Việt. Anh tích cực vận động cho tổ chức này gia nhập Đảng cộng sản và được Đào Duy Anh -Tổng biên tập báo Tiếng Dân giới thiệu với cụ Huỳnh Thúc Kháng cho làm biên tập viên của tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ có xu hướng tiến bộ này. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Võ Nguyên Giáp đã tích cực viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê nin, cổ vũ phong trào cách mạng trong nước, trở thành một đối tượng bị chính quyền thực dân theo dõi sát chặt. Và, ngày 25 tháng 10 năm 1930, chỉ còn một tháng nữa là tròn 19 tuổi, Võ Nguyên Giáp cùng một số người đã bị Pháp bắt giam trong một đợt khủng bố trắng, trong đó có thầy Đặng Thai Mai và nữ sinh Nguyễn Thị Quang Thái ( em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai). Anh bị kết án 2 năm tù giam tại nhà lao Thừa Phủ. Dù bị tra tấn cực hình và suốt ngày bị giam trong buồng tối, nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, không một giây khuất phục trước mọi sự cám dỗ của kẻ thù. Cuối năm 1931, do Hội cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, đòi thả chính trị phạm, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc lòng phải nhượng bộ tha một số tù chính trị. Đặng Thai mai, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái và một số anh em khác được ra khỏi tù, nhưng anh bị đưa về quê quản thúc.

Không chịu nổi sự kìm kẹp của kẻ thù,Võ Nguyên Giáp đã tìm cách ra Vinh ( Nghệ An) đến nhà thầy Đặng Thai Mai, nhờ thầy giúp đỡ tìm kiếm việc làm tạm thời để thực hiện chí hướng của mình. Khi thầy Đặng Thai Mai chuyển ra dạy học ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đi theo thầy, tiếp tục ôn bài và chỉ trong 10 tháng, từ lớp Thành chung năm thứ hai, anh đã thi đỗ lấy bằng tú tài phẩm nhất hạng ưu. Không dừng lại ở đó, Võ Nguyên Giáp vừa là sáng lập viên của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, làm Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội, tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notrevoix ( Tiếng nói của chúng ta), Le Travail ( Lao động), biên tập các tờ báo Tin tưc, Dân chúng... vừa tiếp tục học nhân bằng Cử nhân Luật năm 1937, lại học thêm về kinh tế, chính trị để lấy bằng Luật sư đến năm thư tư...Năm 1939, Võ Nguyên Giáp còn nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long ( Hà Nội) do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc. Anh đã dồn tất cả trí và lực hoạt động không ngơi nghỉ suốt cả ngày đêm. Những người làm báo lúc bấy giờ nói rằng: Sức làm việc của anh Võ Nguyên Giáp hết sức kỳ lạ. Anh có thể viết suốt 24 giờ liền cho toàn bộ một số báo Le Travail để hôm sau đưa đến nhà in, kịp thời phát hành. Còn học sinh ở Trường Tư thục Thăng Long thì mô tả rằng: Anh có thể vẽ lên bảng đen sơ đồ từng trận đánh của Napoléon, anh sôi nổi kể về Công xã Pari, về cái chết oanh liệt của các nhà cách mạng. Anh không chỉ là nhà sử học đơn thuần, mà còn là một trạng sư say mê, luôn bênh vực tính chính nghĩa của lịch sử...

Trong thời gian này, anh đã xây dựng gia đình với Nguyễn Thị Quang Thái - người nữ sinh xinh đẹp, dáng vẻ dịu hiền, nhưng không kém phần kiên nghị, bất khuất, đôi mắt thông minh đầy quyến rũ...từng học ở Trường Đồng Khánh ( Huế) năm xưa đã thu hút tâm hồn anh và càng cảm phục nhau hơn trong những tháng gặp nhau trong nhà lao Thừa Phủ.

Cuối năm 1939, Chính phủ bình dân Pháp bị đánh đổ, nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung đứng trước nguy cơ đe dạo của chủ nghĩa phát xít. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đàn áp phong trào cách mạng được dịp trỗi dậy, ngày đêm lùng sục, bắt bớ, tra tấn nhiều chiến sĩ cộng sản. Vào lúc này, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Uỷ viên thường vụ Đảng cộng sản Đông Dương khuyên Võ Nguyên Giáp nên ra nước ngoài, nơ anh có dịp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà anh từng ngưỡng mộ. Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam, cùng Phạm Văn Đồng lên Lao Cai, rồi vượt biên sang Trung quốc.

Như một định mệnh, đến Vân Nam Trung quốc, Võ nguyên Giáp được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc trên một con thuyền ở Thuý Hồ, Côn Minh. Lúc này Bác đã mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bác Hồ đã thấy Võ Nguyên Giáp là người triển vọng. Kể từ đó, Võ Nguyên Giáp luôn luôn có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt. Để đào tạo cho lâu dài, Bác Hồ đã liên hệ với Đảng cộng sản Trung quốc và cử anh đi học quân sự tại cứ địa Diên An. Trên đường đến Diên An, anh được Hồ Chí Minh gọi quay lại vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở Châu Âu, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Hồ Chí Minh nhận định tình hình Đông Dương sẽ có chuyển biến nhanh, cần gấp rút về nước chuẩn bị đón thời cơ.

Đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Tỵ ( 1941), Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh về Cao Bằng. Từ trong hang Pắc Bó, Hồ Chí Minh đã dự đoán: " Trong 5 năm nữa Tính từ năm 1941) cách mạng sẽ thành công, điều chúng ta mong đợi sẽ toả sáng". Lời tiên đoán của Bác đã trở thành niềm tin sắt đá, giúp Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của anh có thêm niềm tin vào tương lai. Võ Nguyên Giáp thường kể lại cho nhiều người nghe là lúc đó ở Việt Bắc rất khổ cực, "tìm được cái ăn đã là chiến công. Chúng tôi phải chia nhau từng củ sắn, từng bắp ngô". Không ít người bối rối. dao động, có người e ngại làm sao cách mạng thành công khi không có súng và lấy đâu ra súng? Những lúc ấy, Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên lời dạy cảu Bác: " Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính cùng với một ít viện trợ từ nước ngoài. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước, súng sau, có nhân dân là có tất cả". Tin vào những lời Bác Hồ nói, Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng. Đó là một việc làm hết sức mới mẽ của chàng thanh niên mới 30 tuổi, cũng là một việc làm hết sức kinh ngạc của bạn bè khắp năm châu, như hãng truyền thông BBC của Anh đã đánh giá: "Là một người cộng sản tận tuỵ, Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ được huấn luyện quân sự chính thức nhưng lại có được tiếng tăm với tư cách là một chiến lược gia tài ba, người kiến tạo nên những chiến thắng chống lại các lực lượng được trang bị tốt hơn nhiều về mặt kỹ thuật". Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã đứng ra thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập ( một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và một súng máy. Quân số quá ít, vũ khí thô sơ, nhưng với sự tài ba của mình, chỉ sau ba ngày mới thành lập, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch.

Là người hậu sinh, tôi không dám đánh giá gì về sự tài ba của Ông, nhưng những gì Ông đã làm đều như Thánh. Ngày xưa, chỉ với một gốc tre, Thánh Gióng đã đánh tan lũ giặc Ân. Còn với Ông chỉ với 34 người vừa rời khỏi đồng nương" tập khiêm, tập mác, tập súng... mắt chưa từng thấy", mới tụ tập lại với nhau ba ngày đã đánh thắng giặc có sức mạnh và tiềm lực gấp mấy lần mình, thì quả là điều kỳ diệu! Ở Ông như Ông đã nói: " nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chúng tôi trả lời là từ " lo sợ" không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập, tự do...". Bác Hồ tín nhiệm Ông. Đảng tín nhiệm Ông. Dân cảm phục Ông. Ông đã được dưa vào uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và là Thường vụ Trung ương khi mới 32 tuổi và trước ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng 5 ngày, để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Và, Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công. Non sông rạng rỡ. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập. Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên.

"HÒ KHOAN LỆ THỦY" - MÓN QUÀ TỪ MỘT TÌNH YÊU LỚN

Bảo Châu
(Từ website Quảng Bình)
                       Ông Đặng Ngọc Tuân, tác giả cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy”

(Website Quảng Bình) - Chúng tôi gọi quyển “Hò khoan Lệ Thủy” của tác giả Đặng Ngọc Tuân vừa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản là món quà lớn bởi công trình này được hun đúc từ một quá trình sưu tầm, nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học. Đặc biệt hơn, Đặng Ngọc Tuân lại là một Đại tá về hưu, nguyên giảng viên của Học viện An ninh. Ông không phải là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hay hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nhưng bằng trách nhiệm, tình yêu quê hương da diết và nỗi lòng của người con xứ Lệ xa quê đã khiến vị Đại tá tìm đến với hò khoan Lệ Thủy.

Cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” dày 300 trang với phần khảo cứu cùng với hơn 1000 bài hò lời cổ rất giá trị. Đó chính là thành quả của quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm, khảo cứu và viết nên cuốn sách này, tác giả như phải chạy đua với thời gian, tuổi tác vì sợ hò khoan Lệ Thủy sẽ bị mai một trong tương lai gần khi mà các nghệ nhân dân gian dần khuất bóng. Công trình này cũng chính là bằng chứng để lưu truyền những giá trị văn hóa “độc nhất vô nhị” của vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy. Ngay trong lời tựa viết cho cuốn sách, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh đã nói rằng: “Chỉ có những ai yêu da diết những giá trị văn hóa quê hương mới làm được như vậy”. Vì vậy, công trình này xứng đáng là món quà lớn đối với người Lệ Thủy và các độc giả khắp mọi miền Tổ quốc.

                           Trao tặng sách "Hò khoan Lệ Thủy" cho các đọc giả

Cũng vào sáng ngày 14/12/2013 tại Trung tâm Văn hóa huyện Lệ Thủy, buổi “Giới thiệu và trao tặng sách Hò khoan Lệ Thủy” đã diễn ra trong không khí hào hứng, đồng điệu giữa tác giả và đọc giả. Buổi giới thiệu này đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo công chúng đọc giả tham dự; Đồng thời trở thành một diễn đàn giao lưu văn hóa giữa diễn giả, các nghệ nhân dân gian và người nghe. 

Cũng tại buổi giới thiệu, những suy nghĩ, kế hoạch thời gian tới về cách lưu giữ, phát triển hò khoan Lệ Thủy được đọc giả trao đổi, bàn luận nghiêm túc. Cô Trần Thị Diệu Liến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Giang xúc động nói: “Ông Đặng Ngọc Tuân đúng là một con người tài năng và tâm huyết. Chúng ta phải biết ơn những con người như thế”. Cùng suy nghĩ, cô Võ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Thủy nhận định: “Có những người như ông Đặng Ngọc Tuân thì hò khoan Lệ Thủy không những được bảo tồn mà còn phát triển. Trong tương lai của hò khoan xứ Lệ sẽ có những bước tiến xa hơn nữa...”. Đồng chí Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy đã khẳng định, việc cho ra mắt cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực và làm sống lại những làn điệu hò khoan của xứ Lệ trong bối cảnh hiện nay".

Hiện nay, 91 thư viện của trường học trên địa bàn huyện đã có cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy”. Cuốn sách sẽ trở thành một cẩm nang quý báu, bổ ích về hò khoan vùng quê Lệ Thủy, sẽ giúp ích hiệu quả cho Câu lạc bộ Hò khoan của các đơn vị trường học cùng những ai quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tác.


KHE NHÀ MẠC - HÓI ĐẠI PHONG VÀ CÂU CHUYỆN LƯU TRUYỀN

Nguyên Hoàng

Một chiều đông, tôi ngồi hóng chuyện với ông ngoại, nghe ông kể về những câu chuyện hay ở làng mình (Làng Đại Phong). Dù những câu chuyện ông kể cũng chỉ được truyền lại từ các cụ thời xưa giờ đã khuất núi. Những câu chuyện làm tôi hiểu hơn về văn hóa, về con người nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên. 

Cũng khá lâu rồi muốn viết 1 bài viết về “Hói Đại Phong” gắn liền với tuổi thơ của tôi và gia đình. Nơi mà từ lâu trong lòng tôi canh cánh một điều gì đó, gắn liền với một câu chuyện từ xa xưa, từ thuở khai sinh. Điều ấy thúc giục tôi lần tìm từ những lời kể của các bậc cao niên trong làng và những ghi chép về lịch sử của làng.

                           Một góc Hói Đại Phong nay (ảnh từ Phạm Hữu Thanh Bình)

“Hói Đại Phong” bắt đầu từ Chợ Tuy hay còn gọi là Chợ Hôm (là phần đất giáp ranh giữa Đại Phong và Tuy Lộc nay) đến vùng đất đầu của làng Mỹ Phước. Tên gọi đầu tiên của nó là “Khe nhà Mạc”, tên gọi ấy cũng bắt nguồn từ thuở khai sinh ra làng, gắn liền với những dấu ấn lịch sử từ xa xưa. Mảnh đất Đại Phong ngày nay vốn được hình thành vào những năm Cảnh Thống thứ 5 của đời Lê Hiến Tông – tức là khoảng vào năm 1508 có tên gọi là làng Đại Phúc Lộc. Làng có 12 dòng họ di cư từ xứ Thanh, Nghệ vào đây khai khẩn từ sau khi nhà vua Chiêm Thành là Chế Củ dang ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt. Vị tri huyện đầu tiên là Hoàng Hối Khanh. 

Tương truyền rằng, vào thời nhà Mạc – Mạc Đăng Dung thấy làng Đại Phúc Lộc (Đại Phong nay) có nhiều nhân vật kiệt xuất cả văn lẫn võ. Ngay tại trong triều đình có đến 4 vị quận công cùng làm quan lớn (Hoàng Quận Công, Võ Quận Công, Phạm Quận Công và Đặng Quận Công). Mạc Đăng Dung cho rằng, một làng mà có đến bốn quận công nắm tứ trụ triều đình thì nhà vua rất dễ bị lấn át quyền uy nên đã sai sứ thần sang nước Tàu (Trung Quốc) tìm một nhà địa lý giỏi về phong thủy đến tận làng để xét địa hình, xem địa lý, nhận diện phong thủy. Sau khi nghiên cứu, thầy địa lý dâng sớ tâu lên nhà vua rằng: Đất Đại Phúc Lộc là thế đất có hình dáng con Phụng – “Đơn phụng hàm thơ” – một cánh ở sông Bình Giang (Hà Thanh), một cánh ở Kẻ Thá (An lạc nay), đuôi của nó ở làng Mỹ Phước, mỏ là Mũi Viết, đấy là đất đế vương, nếu nhà vua không kịp thời yểm long mạch thì đất ấy với 4 vị Tứ Trụ ấy sẽ lấn át cả triều đình. Nghe vậy, Mạc Đăng Dung đã phái người, dẫn lính về làng Đại Phúc Lộc “mổ điều con Phụng” bằng cách đào từ Mũi Viết trở vào một cái hói nhỏ dài khoảng 200m. 

                                      Cầu chợ Hôm - nơi nhà Mạc đã cho khơi nguồn, đào hói yểm long mạch

Theo lời kể của các cụ có tuổi trong làng, tương truyền, khi 2 đội quân nhà Mạc đào vùng đất này thì trong lòng đất tuôn ra một mạch nước đỏ ngầu như máu, và người ta truyền rằng đó chính là máu con Phụng. Từ đó mảnh đất đầu cầu nơi giáp giới hai làng Kẻ Đợi và Kẻ Tuy trở thành lòi hoang, xuất hiện “Lùng kiều” một vùng cây rậm rạp, hoang vu. Dân hai làng đã xây dựng ở đó ngôi chùa có tên là chùa Hoằng Phúc, đêm ngày đèn nến lung linh. Chùa làng như chiếc mào con Phụng. Cạnh chùa là hai ngôi đình lớn của làng Đại Phong và làng Tuy Lộc ngự chỗ đôi mắt Phụng. Bắc qua hói nhỏ là một chiếc cầu gỗ kiến trúc theo kiểu “thượng gia hạ kiều” tức là trên nhà dưới cầu. Dân làng đã cho xây dựng một ngôi miếu thờ con Phụng ở chỗ đất nhô ra sông Kiến Giang như chiếc mõ chim Phụng ngay cửa con hói. Những năm Pháp qua xâm chiếm, để làm đồn Tuy Lộc miếu thờ bị phá bỏ, đến nay chỉ còn lại là một mảnh đất hoang.

                     Vùng đất hoang, năm xưa là miếu thờ con Phụng

Ở dưới chân cầu ấy, hàng năm cứ đến mùa hạ là dân hai làng Tuy - Đợi tổ chức ngày hội "Tát vung" cầu mưa. Trai đinh hai làng đắp hai cái đập nhỏ ở hai đầu ngăn một quãng hói, rồi lấy cái vung nồi đồng làm gầu tát nước ra. Trai mỗi làng, số lượng bằng nhau, đứng mỗi đầu. Ở quãng giữa làng cho thả một cái nồi đồng to. Hễ bên nào tát khỏe hơn thì nồi trôi về phía ấy. Nước cạn, nồi trôi về đầu nào thì bên đó thắng, được làng thưởng hậu. Đoạn hói ấy được cho là rất linh thiêng nên hễ có hội "Tát vung" liền được mưa.

Mãi cho đến thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 qua hàng năm nhân dân tiếp tục nạo vét đào dài thêm hói Đại Phong để lấy nước sinh hoạt nên mới hình thành con hói kéo dài đến Mỹ Phước như ngày nay. 

Nguyên Hoàng - sưu tầm và giới thiệu

HÒ KHOAN LỆ THỦY: TÌNH YÊU, KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI CON XỨ LỆ

BBT: Sau khi dự buổi nghe nói chuyện và tặng sách Hò khoan Lệ Thủy tại nhà Văn hóa huyện nhà, bạn Ngô Mậu Tình đã có bài viết rất cảm động sau đây, xin giới thiệu với bà con.

Phải nói rằng, sau hai năm website hokhoanlethuy.edu.vn và các câu lạc bộ “Hò khoan Lệ Thủy” đi vào hoạt động, hò khoan Lệ Thủy thực sự đã được bảo tồn và phát triển. Những người con quê hương xứ Lệ đã đến với di sản văn hóa này như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu. Và cũng chính từ sự đồng điệu, cảm thức về mạch nguồn văn hóa của nghìn đời cha ông để lại, ông Đặng Ngọc Tuân đã dày công biên khảo, sưu tầm các lời hò khoan cổ với 05 mái truyền thống tập hợp thành quyến sách “Hò khoan Lệ Thủy” . Đây là sự gặp gỡ tâm hồn, sự đồng điệu sẻ chia của những người con xa quê đầy tâm huyết với văn hóa Lệ Thủy nói chung và với những người đang cố gắng phục dựng, phát triển hò khoan Lệ Thủy tại quê nhà.

                                  Tác giả sách Hò khoan Lệ Thủy trong buổi nói chuyện

* Ngân mãi câu hò khoan xứ Lệ:

Cuộc nói chuyện của ông Đặng Ngọc Tuân trước các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, đại diện các phòng ban, ngành cấp huyện, Ban Tuyên Giáo huyện ủy, Đài phát thanh - truyền hình Lệ Thủy, TTVTTT huyện và các đồng chí Hiệu trưởng cùng các đồng chí chủ nhiệm câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy tất cả trường học đóng trên địa bàn Lệ Thủy diễn ra từ 8h sáng ngày 14 tháng 12 năm 2013 thực sự gây được cảm xúc, khơi dậy được văn hóa Lệ Thủy tiềm ẩn bấy lâu nay. 

Mọi người như vỡ òa, hạnh phúc khi nghe ông Đặng Ngọc Tuân trình bày các vấn đề về mạch nguồn, nét đặc sắc của hò khoan Lệ Thủy... Ông trò chuyện như ở nhà, say sưa, nhiệt huyết về vốn văn nghệ của quê hương bằng tất cả tấm lòng và sự hiểu biết của mình. Ông đã hò minh họa và có những so sánh với hò khoan Nghệ An, hò khoan Quảng Trị…Chúng tôi nhận ra rõ hơn về hò khoan Lệ Thủy quê hương mình.

Hay lắm! Tự hào lắm! Sướng lắm! là những từ được tác giả tập sách “Hò khoan Lệ Thủy” nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong hơn 03 h đồng hồ diễn thuyết. Mọi người vỗ tay tán thưởng sau những ý kiến độc đáo và phần minh họa tâm huyết của ông. Đó là phần thưởng vô giá với cá nhân ông và sự vinh danh chân thật nhất của những người con Lệ Thủy sáng nay có mặt tại nhà văn hóa trung tâm Lệ Thủy. Tôi nói với bác Tuân : “ Thưa bác! Hiếm lắm mới được nghe một người có hiểu biết sâu sắc nói về hò khoan làm mọi người “ sướng” thế này. Hiếm lắm những tràng pháo tay dành cho người diễn thuyết về văn hóa trong hội trường này!”.

Niềm tự hào của ông Đặng Ngọc Tuân là có cơ sở, bởi hò khoan xứ Lệ hình thành từ sự hợp lưu của nền văn hóa Đại Việt và văn hóa Chiêm Thành bắt đầu từ năm 1069, nghĩa là ngót nghét 1000 năm rồi. Cũng theo ông Tuân, mạch nguồn làm nên làn điệu hò khoan xao động lòng người cũng bắt đầu từ đặc điểm phát triển của người xứ Lệ; nắng cháy mưa chan, người dân ngàn đời nay phải đối mặt với biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu. Người Lệ Thủy lớn lên, sinh tồn trên mảnh đất khắc nghiệt của thời tiết, phương tiện đi lại chủ yếu nhờ bằng ghe thuyền… Vì thế, họ khoan Lệ Thủy có thần thái riêng biệt không bao giờ trộn lẫn. Điều đặc sắc ở chỗ, người hò cái, hò con trong hò khoan Lệ Thủy ngang bằng nhau về “vai vế”, ai cũng có thể thành người hò cái và ngược lại. Đặc điểm này, làm chúng ta cắt nghĩa được vì sao hò khoan Lệ Thủy sinh ra để phục vụ văn hóa lễ hội và không có mặt ở văn hóa cung đình.

                         Nhóm “Lệ Thủy quê tôi” cùng ông Đặng Ngọc Tuân(mặc com lê trắng)

* Lại nói về công việc tiếp nối:

Bảo tồn và phát triển làn điệu hò khoan Lệ Thủy là mục đích chính cuộc gặp gỡ của cá nhân ông Đặng Ngọc Tuân với mọi người sáng nay tại nhà văn hóa trung tâm huyện. Song, đó còn là nơi gặp gỡ của những người trọng nhau về nghĩa, mến nhau vì tình, say vì câu hò khoan xứ Lệ… Đó là truyền thống, là giá trị sống ngàn đời của người dân quê ta. 

Hôm nay, ngọn lửa nhiệt thành với văn hóa quê hương ấy thực sự được các thế hệ thay nhau tiếp nối, âm thầm trao gửi tình yêu vào thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Cuộc gặp mặt kết thúc song mọi người có niềm tin hò khoan Lệ Thủy vẫn đang căng tràn sức sống, là văn hóa phi vật thể đặc biệt quý giá, rất khó tìm thấy ở các loại hình văn hóa nghệ thuật khác.

                            Trao tặng sách cho các trường

Có thể nói rằng, tình yêu với quê hương xứ Lệ cùng những làn điệu hò khoan độc đáo đã chảy trong từng mạch máu của mỗi người dân Lệ Thủy. Cùng với sự nỗ lực cố gắng đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học của ngành GD&ĐT, thành lập các câu lạc bộ hò khoan, thậm chí khai trương trang web dành cho di sản văn hóa hóa này đã làm thức dậy không ít cảm thức văn hóa cho triệu triệu trái tim con em huyện nhà. 

Tình yêu đó được cộng hưởng, nhân lên bội lần khi được sự quan tâm tuyệt vời của con em Lệ Thủy công tác ở khắp mọi nẻo đường tổ quốc. Tình yêu ấy có trong trái tim của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà giáo dục, các nghệ nhân, rồi từ học sinh, sinh viên, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân, chính khách cho đến các bác nông dân ngày đêm bám đất bám làng xây dựng quê hương. Tình yêu đó ngày càng tỏa sáng và đẹp biết bao khi mỗi người đều biết biến tình yêu thành những việc làm thiết thực để bảo tồn, gìn giữ và phát huy hò khoan Lệ Thủy.

Trong bài nói chuyện của mình, ông Đặng Ngọc Tuân nhắc đến "Trí thức bình dân", “Nghệ sĩ vườn” (Chữ của nhà văn Nguyễn Thế Tường), Lê Đình Luyện và rất nhiều nghệ nhân khác của Lệ Thủy. Những người con quê hương này là những chủ thể sáng tạo, nuôi dưỡng và giữ gìn hò khoan Lệ Thủy. Chính nhờ tình yêu của những người tâm huyết với hò khoan nên thực sự di sản văn hóa này đã và đang sống rất khỏe ở nơi nó được sinh ra và từng bước có sự lan tỏa rộng dài trên mỏi nẻo đường tổ quốc.

Để cho hò khoan Lệ Thủy trở thành văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như ý nguyện của ông Đặng Ngọc Tuân là công việc tiếp nối sau buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Trước hết, chúng ta phải nhận thấy rằng sự tồn tại và phát triển của hò khoan Lệ Thủy phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, gắn với đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, để hò khoan Lệ Thủy được vươn xa, trở thành nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân xứ Lệ thì việc có chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, khuyến khích các câu lạc bộ hò khoan phát triển, đưa hò khoan vào giảng dạy trên địa bàn huyện. Cùng đó là việc tạo điều kiện và tổ chức không gian diễn xướng hợp lý cho hò khoan Lệ Thủy cũng là điều đáng suy ngẫm.

Tại buổi gặp mặt nói chuyện về hò khoan Lệ Thủy, ông Đặng Ngọc Tuân đã thổ lộ mong ước cùng với những người con xa quê xây dựng một mái đình hò khoan, để các nghệ nhân có không gian biểu diễn. Cũng theo người con tâm huyết này của quê hương, ông đã có những tư liệu quý lịch sử để khẳng định Hò khoan Lệ Thủy cũng có ngày kỷ niệm, nhằm vào ngày 29 tháng 02 âm lịch. Điều đó, đã thêm những căn cứ nữa để cho chúng ta có quyền tin tưởng, hy vọng rằng, trong một ngày không xa hò khoan Lệ Thủy sẽ trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia.

Ngô Mậu Tình

LỆ THỦY: ĐƯA HÒ KHOAN VÀO TRƯỜNG HỌC

Trong cuốn “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” của GS. Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo có viết về hò khoan Lệ Thủy như sau: “Đây là một điệu hò có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân như khi đi đốn củi, đánh cá, khi gặt hái, cấy bừa, đưa đò, cất nhà, lùa trâu, đi nơm, xay lúa, giã gạo, ru em v.v...”. Rõ ràng, từ bao đời nay hò khoan Lệ Thủy chiếm một vị trí nhất định trong kho tàng diễn xướng của dân tộc.

Tuy nhiên, trước những khó khăn gặp phải như: Những người biết hát hò khoan ngày một ít đi, tuổi ngày càng cao, trong khi đó lớp trẻ lại không hào hứng và không có tâm huyết với các làn điệu hò khoan; sự xâm nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ của nhạc trẻ, của âm nhạc thị trường đã lấn át đi những làn điệu, những câu hò khoan thấm đẫm tình người, tình quê... Đặt chúng ta trước một thách thức lớn, trong đó, ngành giáo dục và đào tạo chiếm một vị trí hết sức quan trọng.

Xác định được tầm quan trọng đó, trung tuần tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy tổ chức một liên hoan dành cho học sinh khối tiểu học với tên gọi:“Em hát dân ca”, thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tập thể và cá nhân. Có thể nói, liên hoan lần này đã làm dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy cho biết ngành đã có kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá hò khoan Lệ Thủy bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức thiết thực và hiệu quả nhất là đưa hò khoan vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Để đạt được kết quả tốt, kế hoạch này được chia ra làm năm bước - năm nôi dung trong một chương trình. Đó là: tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập các CLB trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi.

Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và các ban ngành liên quan, phòng GD&ĐT đã tổ chức đợt tập huấn hát hò khoan Lệ Thủy cho toàn thể giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và đại diện học sinh của tất cả các trường học trên địa bàn toàn huyện. Đó là cơ hội tốt để cả giáo viên và học sinh tiếp xúc, làm quen với những giai điệu mượt mà của những điệu hò mái chè, hò mái xắp, mái đẩy... nghe dịu mát lòng người.

Việc làm thứ hai trong kế hoạch này là phải tổ chức sưu tầm hò khoan trong rộng rãi đội ngũ những giáo viên lớn tuổi - những người đã từng sống trong thời kì mà hò khoan đang chiếm ưu thế. Song song với việc làm này là chúng ta phải phục dựng lại các làn điệu bằng hình thức diễn xướng bằng nhiều hình thức và phương thức phù hợp.

Việc làm tiếp theo là tổ chức được các CLB trong trường học. Đây là việc làm không khó và cũng đã có một số đơn vị thực hiện thành công. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng từ các trường MN cho đến THCS, từ sau thành công của liên hoan “Em hát dân ca”, đâu đâu cũng rộ lên phong trào hát hò khoan. Từ các cháu nhỏ cho đến những cụ già, từ giáo viên cho đến học sinh. Những đồng nghiệp của chúng tôi cho hay, khi cùng với bố mẹ đến đi đến các trường để tập luyện dân ca, con cái họ, dù còn rất nhỏ tuổi cũng đã biết làm quen và “bập bẹ” hát theo những câu hò điệu lí. Thậm chí về nhà còn bắt ông bà cha mẹ tập trung lại để “xố”, còn cháu thì “xướng” rất ngây ngô và buồn cười. Thực tế trên cho thấy điều gì? Phải chăng là qua những đợt tập duyệt như thế, cái máu (vốn đã có sẵn trong từng tế bào) của các cháu nói riêng, của người Lệ Thủy nói chung có dịp để bộc lộ và phát huy những khả năng “thiên bẩm” như thế. Qua đây, chúng ta có thể tin tưởng rằng, việc thành lập các CLB hát hò khoan Lệ Thủy trong các trường học (từ trường MN trở lên) là hoàn toàn có tính khả thi và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.

                   Không khí tập luyện ở trường TH Mỹ Thủy, chuẩn bị cho liên hoan

Nội dung tiếp theo trong chương trình này là quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng gần xa trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Đây không chỉ đơn thuần là việc quảng bá một thương hiệu, một sản phẩm, mà đặc biệt hơn, đó là giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc có từ ngàn đời nay đến với công chúng. Và cũng qua việc tìm hiểu về nét văn hóa này, mọi người sẽ biết nhiều hơn nữa về mảnh đất và con người trên quê hương Lệ Thủy chúng ta. Hiện nay, trang TTĐT của ngành GD&ĐT Lệ Thủy đang tiến hành xây dựng một forum mới dành riêng cho việc giới thiệu hò khoan Lệ Thủy đến với đông đảo công chúng yêu thích. Khi xây dựng xong, hứa hẹn đây sẽ là một diễn đàn hấp dẫn và bổ ích, mang lại niềm vui cho nhiều người.

Việc làm thứ năm và cũng là đỉnh cao của chương trình là tổ chức các hội thi. Năm học 2010 - 2011, chúng ta cũng đã tổ chức được một liên hoan dành cho học sinh khối THCS. Tuy nhiên, phải đến liên hoan dành cho học sinh khối TH lần này, dân ca nói chung, trong đó có hò khoan Lệ Thủy mới thực sự “lên ngôi”, làm dấy lên một “làn sóng”hò khoan từ khắp nơi mọi nẻo, thu hút sự chú ý của nhiều ngành, nhiều người. Từ thành công này và từ yêu cầu thực tiễn có tính mang tính cấp bách, thiết nghĩ trong những năm tiếp theo, chúng ta nên tổ chức tiếp những liên hoan như thế dành cho những bậc học khác.

Trở lại với những làn điệu dân ca Lệ Thủy. Chúng ta đều biết rằng, hò khoan Lệ Thủy bao gồm chín mái: Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy là đàn nhị và mõ. Hai loại nhạc cụ này khi hòa vào nhau thì âm thanh dịu dàng, sâu lắng và rất đỗi thắm thiết, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi nên cứ mỗi lần làn điệu được ca lên thì âm hưởng đó xuyến xao như tiếng lòng của làng quê Việt.

                           Không khí tập luyện cũng không kém phần sôi nổi,
                                   khẩn trương ở trường Kim Thủy 2

Bởi vậy người ta nói rằng, hò khoan Lệ Thủy là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính bình dân. Bình dân từ nhạc cụ, câu từ đến hình thức diễn xướng... Là người Lệ Thủy, chắc chắn ai cũng hát được một đôi câu hò khoan. Nó được sinh ra và gắn liền trong lao động sản xuất. Hò để công việc bớt phần mệt nhọc hơn. Hò để quãng đường đỡ xa hơn. Hò để con em mình có giấc ngủ sâu hơn... Và lần này, chúng ta đưa hò khoan vào trường học để việc học có chất lượng hơn, học sinh tích cực hơn, chăm ngoan hơn. Giáo viên cũng vì thế mà hăng say công việc hơn, yêu nghề mến trẻ hơn. Đó là kết quả tốt đẹp có được từ những việc làm của chúng ta và như một lời khẳng định rằng, đưa hò khoan vào trường học là một việc làm đúng đắn và cần thiết trong thực tế cuộc sống hôm nay nhằm giữ gìn và phát huy những điệu hát câu hò, giữ gìn giá trị muôn đời của cha ông. Đó là giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, góp phần hình thành nên nhân cách và những giá trị vĩnh hằng của người Lệ Thủy.

Bảo Châu