HỌC SINH TIỂU HỌC XUÂN THỦY VIẾT CHỮ ĐẸP


Trường tiểu học Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) có hai học sinh đoạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường, huyện và tỉnh năm học 2012-2013. Chữ của các em được nhiều người thán phục, bởi không khác gì chữ viết mẫu trong vở luyện viết.


Nhìn vào các trang luyện viết chữ thường ngày bằng mực đen của Trần Phương Thảo, học sinh lớp 5B và Đặng Ngọc Nguyên Hoa, học sinh lớp 2, không ai có thể nghĩ đó là nét chữ viết tay. Đến bài dự thi trong Hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh càng làm mọi người ngạc nhiên hơn nữa.

Luyện viết mỗi ngày ba giờ

Những con chữ của Thảo luôn ngay ngắn và đều tăm tắp đến từng nét một trên bài thi. Có thế nên bài thi viết chữ đẹp của Thảo đã được chấm số điểm tuyệt đối 10/10. Viết chữ đẹp đã đành, trong khi viết bài thi Thảo cũng làm rất nhanh. Thời gian thi 30 phút nhưng chỉ sau 20 phút Thảo đã viết xong. Chữ lại đúng chuẩn từ kích thước quy định đến màu mực đen như chữ in mẫu... Đến nỗi trong khi chấm bài viết, một vài người trong hội đồng chấm thi cứ băn khoăn với ý nghĩ liệu Thảo có sẵn bài làm từ trước rồi (vì là môn viết bài tự chọn) hay không.

Thảo cho biết: “Hết thời gian học ở trường thì về nhà cháu luyện viết đến ba tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cháu rất thích viết chữ đẹp, vì cháu đã thấy mấy chị lớp trên viết rồi”. Bà Dương Thị Quyết, mẹ Thảo, cho biết thêm: “Thảo rất mê viết chữ. Có khi thấy nó nằm sấp trên giường, hí hoáy viết chữ mãi, gọi mấy cũng không chịu dậy”. Cô giáo luyện viết cho Thảo là Trần Thị Thu nhận xét: “Khi làm bài thi tự chọn Thảo có nhiều sáng tạo thêm trong thể hiện như nét sổ, nét kéo, độ nghiêng... nên mới đạt điểm cao. Đặc điểm ở Thảo là rất nghiêm túc và cần cù mỗi khi đã vào thời gian luyện viết”.

                                 Trần Phương Thảo

Năm học 2012-2013, ở Trường tiểu học Xuân Thủy còn có Đặng Ngọc Nguyên Hoa (nay đã lên lớp 2) cũng đoạt giải nhất tại Hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh như Thảo. Chữ của Hoa cũng không khác chữ Thảo là mấy. Điều lạ là ngay từ lớp 1 Hoa đã viết chữ rất đẹp. Vì vậy khi phát hiện điều này thì lập tức trường lấy Hoa vào đội luyện viết chữ đẹp đi thi, và thực tế Hoa đã không phụ lòng các cô giáo. Cô giáo Đỗ Thị Lan Phương, người luyện viết cho Hoa, cho biết là dù năm đó Hoa mới học lớp 1 nhưng đã viết chữ rất đẹp. Mỗi khi đến giờ luyện viết là Hoa chăm chỉ ngồi viết cho đến hết bài mới thôi, có khi đã đến giờ ra chơi, bạn đến rủ vẫn không chịu đi, cứ ngồi cặm cụi viết mãi.

Luyện chữ luyện người

Cô giáo Đỗ Thị Lý, hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Thủy, rất vui khi nói về học sinh cũ của mình: “Năm năm liền học ở trường, Thảo là học sinh giỏi, dù hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn. Tại Hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, ngoài bài viết tự chọn đạt điểm tuyệt đối 10/10, Thảo còn có bài viết chữ bắt buộc theo quy định đạt số điểm 9,75. Với bé Hoa, em sẽ còn là học sinh ở đội thi viết chữ đẹp của trường trong ba năm học”.

Ở Trường tiểu học Xuân Thủy, các cô giáo đều có tâm niệm là việc luyện chữ viết còn thể hiện đức tính và cái nết của con người. Theo cô Lý, khi luyện viết, ngoài sự say mê, ham thích với từng con chữ đẹp thì trường cũng muốn tập thêm tính chịu khó, chăm chỉ và sự kiên trì cho các em. “Bản thân tôi cũng tham gia luyện viết cho các em, nên thấy qua em Thảo và em Hoa rất rõ các đức tính ấy” - cô Lý nói.

Còn thầy Lê Ngọc Thành, hiệu trưởng Trường THCS Xuân Thủy, cho biết trước khi vào năm học 2013-2014, khi nhận chuyển giao chất lượng học sinh từ lớp 5 vào trường, trường đã chú ý đến Thảo vì kết quả thi đoạt giải nhất cấp tỉnh về viết chữ đẹp. Hội đồng chuyển giao chất lượng của trường đã chứng kiến bài thi của em và ai cũng thán phục. “Quý hơn nữa là không chỉ chữ viết trong bài thi đẹp mà hiện nay chữ viết trong vở toán của Thảo cũng rất đẹp, đó là điều để các em khác học tập. Tôi đã nói với toàn thể giáo viên của trường là bằng mọi cách, ngoài dạy kiến thức cho học sinh còn phải giữ cho được nét chữ đẹp đó cho Thảo và các em khác” - thầy Thành nói.

LAM GIANG

SÁCH "HÒ KHOAN LỆ THỦY" ĐÃ XUẤT BẢN

Đặng Ngọc Tuân

Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu đến nay công trình khảo cứu về Hò khoan Lệ Thủy (300 trang) đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản. Tác giả xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc công trình khảo cứu cùng 1000 bài hò để chúng ta tự hào về vốn cổ văn hóa quê hương "Địa linh nhân kiệt" Lệ Thủy.

Dưới đây là bài giới thiệu sách của GS. TSKH Tô Ngọc Thanh về công trình này. Bạn nào yêu thích nó xin liên hệ với tác giả qua điện thoại: 0912.265.405



LỜI DẪN

Của GS. TSKH Tô Ngọc Thanh
Hội văn nghệ dân gian Việt Nam

Khi nhận bản thảo “Hò khoan Lệ thủy, khảo cứu và giới thiệu” từ tay tác giả, với lời đề nghị viết bài giới thiệu cho quyển sách, tôi đã rất ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Trước hết, ngạc nhiên bởi vì, theo tôi biết thì tác giả là vốn không phải là một nhà nghiên cứu về văn hóa mà là giảng viên của Học viện an ninh, một ngành nghe ra chẳng có liên quan gì nhiều đến văn hóa dân gian. Lúc đầu tôi chưa tin lắm nên hứa sẽ xem. Song khi đọc kỹ thì thấy rằng đây là một công trình rất đáng quý. Tác giả đã chứng tỏ lòng đam mê với văn hóa quê nhà và có những hiểu biết rất sâu sắc về văn hóa, về dân ca, về hò khoan.

Đọc “Hò khoan Lệ Thủy khảo cứu và giới thiệu”, trước hết tôi rất trân trọng kết quả sưu tầm, chắt lọc tư liệu của tác giả. Trong bối cảnh ngày nay, khi mà các nghệ nhân dân gian ngày mỗi thưa thớt, sinh hoạt văn hóa dân gian mai một, thì việc sưu tầm chỉnh lý, bảo tồn văn hóa truyền khẩu không hề dễ dàng chút nào. Vậy mà tác giả đã sưu tầm, dẫn ra hơn nghìn bài hò lời cổ thì quả là vốn quý ít ai làm được. 

Tuy vậy, đó cũng chỉ mới là cảm nhận về mặt hình thức mà thôi. Trong sản phẩm này tôi đặc biệt thích thú phần đề dẫn mang tính tiểu luận, nghiên cứu mà theo tôi chưa có công trình nào về hò khoan Lệ Thủy mà sâu sắc như vậy. Tiểu luận đã khái quát lên toàn cảnh bức tranh và thần thái của hò khoan. Tôi rất đồng tình với tác giả trong những nhận định, đánh giá, tổng luận đưa ra những khái niệm, những kết luận có tính gợi mở về hò khoan Lệ Thủy. Cái cách dẫn dắt người đọc đi từ môi trường lịch sử địa- văn hóa đến khái niệm, nhận thức hò khoan về quy ước tổ chức, cách diễn xướng, các làn điệu, các lối hò, âm nhạc... thật dễ hiểu, rất khoa học. Trước đây, cơ quan văn hóa huyện nhà cũng đã có đầu tư nghiên cứu, sưu tầm về hò khoan, song chưa có những khảo cứu cho rành rẽ, sâu sắc như cách làm của tác giả. 

Hò khoan Lệ thủy là sản phẩm văn hóa gắn liền với những đặc thù của vùng đất sông nước nơi này. Lệ Thủy là cái nôi của hò khoan năm mái trữ tình được chăm bẵm bằng tình yêu văn nghệ của con người nơi đây. Hò khoan Lệ Thủy được vận dụng rất linh hoạt vào mọi sinh hoạt của nhân dân. Nó có mặt cả trong lao động, trong vui chơi giải trí, lễ hội, đám cưới, đám ma... Hò khoan Lệ Thủy có nhiều làn điệu với những cách thức hò, chuyển nhịp, luyến láy, đế xố rất sinh động. Trong tiết tấu rộn ràng của hò khoan ai cũng thấy hân hoan đến quên cả mệt nhọc, ưu phiền. Trong những câu hò mộc mạc nhưng nội dung lại thấm đẫm chất trữ tình. Hò để mà thổ lộ tình yêu đôi lứa. Hò để mà nhắn gửi những tâm đắc về nhân tình, thế thái, những ưu tư về đối nhân xử thế, những tha thiết mặn nồng với quê hương. Và trong cả cái cách sử dụng ngôn từ cũng rất chi là Lệ Thủy.

Tóm lại, đây là một công trình có giá trị cả về sưu tầm, biên khảo và nghiên cứu. Tác giả đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý giá cũng như những tìm tòi, phát hiện có giá trị về học thuật. Cho dù cũng còn một số vấn đề cần được tiếp tục đi sâu trao đổi, hoàn thiện, nhưng theo tôi những gì mà tác giả đã làm được qua quyển sách này thật có giá trị cho việc bảo tồn vốn cổ, cho những ai mong muốn tìm hiểu về hò khoan Lệ Thủy. Chỉ có những ai yêu da diết những giá trị văn hóa quê hương mới làm được như vậy.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


GHI NHẬN TỪ MÁI TRƯỜNG BÊN DÒNG KIẾN GIANG

                                              Một tiết học ở trường THCS Kiến Giang

"Tôn sư trọng đạo", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên"... là các câu tục ngữ, thành ngữ đã nói lên truyền thống hiếu học của người Việt Nam. Với tấm lòng yêu nghề, những giáo viên Trường THCS Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đang từng ngày truyền thụ cho các em học sinh kiến thức, giúp các em rèn luyện nhân cách để sau này trở thành những công dân có ích cho đất nước.

Được thành lập từ tháng 12/1987, Trường THCS Kiến Giang nằm ở trung tâm thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Đây là nơi dạy dỗ nhiều học sinh trưởng thành, tự hào mang tri thức của mình xây dựng cuộc sống mới khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi mà phụ huynh, lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy gửi gắm những kỳ vọng, những niềm tin về chất lượng giáo dục cho thế hệ trẻ.

Trường THCS Kiến Giang được xây dựng khang trang, bề thế. Phòng học của học sinh đầy đủ tiện nghi; các phòng chức năng như: phòng thí nghiệm bộ môn, thực hành tin học, phòng học đa phương tiện, thư viện 2 phòng theo tiêu chuẩn thư viện tiên tiến, phòng máy dạy giáo án điện tử... Tất cả đều chính quy, hiện đại theo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. 

Chất lượng đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao với 100% đạt chuẩn. Trường có 40 cán bộ giáo viên, trong đó giáo viên có trình độ đại học đạt trên 75%. Tâm huyết với nghề, giáo viên của trường luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới cách giảng dạy để đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa của quê hương đất nước. Hầu hết giáo viên của trường đều áp dụng CNTT trong các tiết dạy. Trường THCS Kiến Giang cũng là trường đi đầu trong việc quản lý cán bộ, giáo viên và học sinh qua mạng khối THCS của tỉnh. 

Trong những năm gần đây, chất lượng dạy và học của trường không ngừng được nâng lên; tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng. Trong các kỳ thi học sinh giỏi, trường đạt kết quả hàng đầu so với các trường THCS trong tỉnh. Phong trào thể dục - thể thao được đẩy mạnh. Năm nào trường cũng đạt kết quả cao trong Hội khỏe Phù Đổng và giải điền kinh toàn tỉnh. 

Tự hào với truyền thống vẻ vang của trường, thầy cô giáo và học sinh trường THCS Kiến Giang hôm nay không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng trường thành trung tâm giáo dục chất lượng cao của huyện Lệ Thủy, phấn đấu trở thành một trong những trường hàng đầu khối THCS tỉnh Quảng Bình. 

Thầy giáo Lê Quốc Lập - Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Giang tự hào nói: “Trường THCS Kiến Giang có được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ vào sự đoàn kết giữa Ban Giám hiệu nhà trường và đội ngũ cán bộ giáo viên, các thầy cô luôn tâm huyết với nghề và có ý thức trách nhiệm trong từng công việc được giao. Trong đội ngũ cán bộ giáo viên của trường, nhiều đồng chí đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Tính đến nay, trường có 16 đồng chí đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 12 đồng chí đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. 

Để làm nên thành tích của Trường THCS Kiến Giang, phải nói đến sự tâm huyết của những người thầy, người cô nơi mái trường này. Người mà chúng tôi muốn nói đến đầu tiên là thầy giáo Ngô Mậu Tình. Bằng sự đam mê văn học, thầy Ngô Mậu Tình đã thổi vào các em tình yêu quê hương đất nước qua từng trang văn, thơ. 

Năm học 2011 - 2012, với vai trò là giáo viên chính trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 9, thầy Tình đã tích cực học hỏi, tìm tòi những kiến thức mới cùng với những hiểu biết của bản thân để bồi dưỡng đội tuyển môn Ngữ Văn của huyện Lệ Thủy đi thi học sinh giỏi tỉnh đạt giải nhất. Đây là năm học thứ 4 liên tiếp, đội tuyển môn Ngữ Văn do thầy Tình bồi dưỡng đạt giải nhất toàn tỉnh Quảng Bình. 

Ngoài ra, thầy Tình còn có rất nhiều sáng kiến được các đồng nghiệp ứng dụng trong công tác dạy và học, trong đó nổi bật là đề tài "Tạo hứng thú để nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp dạy môn Ngữ Văn trong trường THCS". 

Thầy giáo dạy Toán Nguyễn Minh Thanh cũng là một trong thầy giáo được học sinh rất tin yêu, mến phục. Ngoài giảng dạy chuyên môn ở trường, thầy Thanh là giáo viên chủ nhiệm 2 lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Toán lớp 8 và lớp 9 của huyện Lệ Thủy. Cũng như thầy giáo Ngô Mậu Tình, thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi Toán của thầy Nguyễn Minh Thanh cũng rất đáng nể phục với số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm học 2009 - 2010 đội tuyển của thầy xếp thứ 3 toàn tỉnh, năm 2010 - 2011 xếp thứ 2 và năm học 2012 - 2013 xếp thứ nhất. Ngoài ra, đội tuyển giải Toán qua mạng do thầy Thanh bồi dưỡng cũng đạt nhiều giải cao ở cấp tỉnh và quốc gia, trong đó có một huy chương đồng. Với những thành tích đã đạt được thầy Thanh vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen và danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp trao tặng. 

Đây chỉ là hai trong rất nhiều giáo viên của Trường THCS Kiến Giang có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy. Nhiều giáo viên dạy giỏi của trường là thanh tra viên - lực lượng nồng cốt của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục - Đào tạo Lệ Thủy và là thành viên hội đồng bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện Lệ Thủy. 

Chất lượng giáo dục luôn được nhà trường quan tâm đúng mực với nhiều phong trào được phát động như: dạy tốt, học tốt, trường học thân thiện, học sinh tích cực nhằm góp phần đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước theo chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Đôi điều ghi nhận được nơi mái trường bên dòng Kiến Giang cho chúng tôi niềm tin về mái trường tuổi 26. Những thầy giáo, cô giáo và học sinh đang nỗ lực trong dạy và học để viết thêm trang sử vàng truyền thống của mái trường THCS Kiến Giang những dòng đỏ thắm.

Theo Đài PT-TH Quảng Bình

HÒ KHOAN ĐỐI ĐÁP LỜI CỔ

Hò khoan đối đáp lời cổ