ĐỘC ĐÁO CHỢ THÙI

Hàng trăm năm nay chợ Thùi (xã An Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) vẫn bình dị, mộc mạc nép mình bên dòng Kiến Giang như thuở ban đầu.
                                       Thịt chuột bày bán ở chợ Thùi – Ảnh: D.C.H
Họa thơ về chợ

Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”.

Năm 1995, chuyên mục Góc vạn thọ trên Tạp chí Văn hóa Văn nghệ (nay là Tạp chí Nhật Lệ) có đăng bài thơ Một cảnh vui của tác giả Nguyễn Thái Sinh (xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy) kèm theo thư ngỏ mời họa thơ của ông Chủ tịch UBND xã An Thủy đương thời. Bài thơ như sau: Lữ khách lang thang viếng chợ Thùi/Mặt trời le lói nắng ui ui/Người bày hàng bán chen ngang dọc/Kẻ đến tìm mua đảo tới lui/Gặp bạn ông già cười tít mắt/Tranh quà trẻ nhỏ khóc vênh mui/Ngày mùa hối hả dồn chân bước/Đậm nét làng quê một cảnh vui. Bài thơ gieo toàn “ui” nên đã làm khó không ít người. Tuy vậy, tòa soạn cũng nhận được hơn 70 bài họa của người yêu thơ trên khắp cả nước gửi về thi tài. Giải nhất đã thuộc về người con của chợ Thùi – nhà giáo già Nguyễn Khoa Học với bài thơ Chợ Thùi. Thơ họa rằng: Đò, nôốc (thuyền) chen nhau đến chợ Thùi/Sông dài, gió lặng nắng ui ui/Bến bờ san sát muôn thuyền đến/Lều quán rộn ràng lắm kẻ lui/Gặp lại bạn bè đang nách rổ/Trở vè đò nôốc chợt giương mui/Chợ quê trông tựa bức tranh động/Tô vẽ xóm làng nét đẹp vui.

Tìm hiểu mới biết ý tưởng mở cuộc thi họa thơ của ông Chủ tịch xã An Thủy khá lạ. Chuyện nghe được rằng, lúc đó, có một dự án đầu tư xây dựng chợ xã nhưng chưa quyết định là địa phương nào. Nhân đọc được bài thơ Một cảnh vui viết về chợ Thùi quá hay, ông chủ tịch có tâm hồn thơ văn bèn nghĩ ra chuyện tổ chức cuộc thi trên. Mục đích chính là tạo sân chơi văn thơ qua đó góp phần quảng bá hình ảnh chợ đặc sắc của quê hương mình. Và biết đâu, chợ Thùi vang tiếng, thành ra được chọn để đầu tư. Sau đó, chợ Thùi được đầu tư xây dựng khang trang hơn; không hẳn vì bài thơ hay cuộc thi mà kết quả như thế. Nhưng qua đó mới thấy, tâm hồn, tính cách của con người ở đó trào phúng, nghệ sĩ và chân chất như làng quê sinh ra họ vậy.

Nơi quy tụ sản vật đồng quê

Chợ Thùi gần như nằm ở trung tâm của một vùng đồng quê trù phú với chim trời cá bể. Ở đó có phá Hạc Hải sóng biếc mênh mông, cây lau rậm rạp, chim nước nổi chìm, thuyền chài tụ tán có thể làm nơi du ngoạn của một phương. Người xưa kể lại rằng, một thời thương thuyền tận Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Ba Đồn…theo cửa biển Nhật Lệ vào đây giao thương buôn bán tấp nập ngày đêm. Nên chợ Thùi là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá. Nhiều nhất khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, khi những trận mưa đổ xuống dâng đầy sông Kiến Giang rồi tỏa ra tràn ngập ruộng đồng kéo theo từng đàn cá di cư. Đi chợ Thùi vào mùa nước nổi ấy thì tha hồ mua với đủ loại cá tươi sống, nhìn từng thau cá còn giãy đành đạch, có lẽ chẳng ai muốn rời mắt. Nào là cá tràu, cá buôi, cá rỉ, cá bống mủ, rạm, trích, bồng, le le, vịt nước…Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi những người bán đưa ra mức giá rẻ kèm nụ cười hồn nhiên, phúc hậu.

Nhắc chợ Thùi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món chuột đồng. Không hiểu vì sao, người địa phương quan niệm tránh nhắc đến tên “tục” của nó, kiểu như người đi rừng thì không được nhắc đến hổ vậy. Phải chăng càng nhắc thì nó càng sinh sôi nhiều lên, phá hoại mùa màng? Chuột đồng có lông màu trắng xám, thân hình cân đối, cơ bắp săn chắc. Thịt chuột ngon béo nhất là từ tháng 7 đến tháng 8. Đầu hôm người ta đi đặt bẫy, mỗi lần đặt cả trăm cái; đến tờ mờ sáng đi thu bẫy gom chuột rồi mang ra chợ Thùi bán. Chuột được sắp thành hàng ngay ngắn như mời gọi người mua. Ở khu vực ấy người qua kẻ lại mua bán tấp nập, nhiều lúc tưởng như họ đã quên mất mấy hàng thịt lợn ở gần đó.

Chuột có thể làm nhiều món như: chiên, nướng, xào với sả hoặc măng…Khoái khẩu nhất vẫn là nướng. Sau khi làm sạch, lột da, chặt bỏ đầu, đuôi, chân và nội tạng, thịt chuột được tẩm ướp gia vị, tỏi, sả…trong khoảng 15 phút rồi đem nướng. Khi mùi thơm ngạt ngào, thử xé một miếng thịt thấy trắng phớ như thịt gà non là được. Dân nhậu thường vừa nướng vừa lai rai rượu đế, nhậu đến đâu nướng đến đó, mùi thơm của thịt trên giàn bếp cũng đủ làm kẻ sành điệu ngất ngây.

Thế vẫn chưa đủ nếu quên món dút truyền thống. Dút được làm từ tép đồng. Có 2 loại: dút chua và dút éo. Dút chua làm ra chỉ dùng trong vài ngày, nhưng dút éo có thể dự trữ để ăn dần trong vài tháng trời. Tép đặc biệt nhiều vào mùa mưa lũ. Sau khi làm sạch, để ráo nước, trộn với muối, ớt và cơm vừa đủ, bỏ vào cối quết (giã) nhuyễn. Tiếp đến cho vào hũ nhỏ, đậy kín tránh không khí vào, đem giang (phơi) ra nắng, sau 3 ngày có thể sử dụng được. Trước khi ăn, đem hấp trong nồi cơm, thêm chút tỏi, ớt tươi và đường. Làm dút éo cũng tương tự dút chua nhưng kỳ công hơn. Tép sau khi làm sạch, phơi tiu tiu rồi mới đem quết với muối. Ít ngày sau trộn thêm thính vào (thính làm bằng cơm nếp hoặc ngô rang nghiền thành bột) khuấy đều sền sệt, tiếp tục ủ kỹ, phơi nắng 15 ngày nữa. Khác với dút chua trước khi ăn phải hấp cơm, dút éo có thể múc ra ăn ngay. Dút hảo hạng phải dẻo quẹo, khi quấy không nghe nặng tay, mới đụng vào đầu lưỡi đã thấy mê man đến tận chân răng. Mùa đông giá rét, trời se lạnh mà ăn dút với cơm nóng, nấu ươn ướt thì ngon chẳng gì sánh bằng.

Người Lệ Thủy có câu: 
Đi chợ Tréo,
Léo chợ Hôm,
Nôm chợ Thùi,
Lùi chợ Chè,
Đè chợ Đôộng,
Tôộng chợ Mai. 

Nôm ở đây là chồng lên nhau, ý nói sự trù phú của hàng hóa chợ Thùi, đến nỗi người đi chợ phải chen chúc nhau.

Trương Quang Nam – Dương Công Hợp

BÀI HỌC KHÔNG TÊN - GIỜ HỌC KHÔNG CÓ GIÁO ÁN

Kính tặng thầy cô nhân ngày 20-11

Nguyễn Thị Thu Hoài

   Có những bài học không có tên gọi, có những giờ thầy lên lớp không cần giáo án, nhưng chúng em đã học được rất nhiều… 
* * *  
  Nó lững thững đạp xe trên đường cái, lơ đãng để tâm hồn phiêu du tận đâu đâu. Đi được một quãng, đến chỗ đường xấu,chiếc xe quen đường nhảy chồm lên gọi mảnh hồn nó quay lại… Phía trước, hai chiếc xe đạp ngã chỏng quèo, hai bánh trước và giỏ xe móc vào nhau thành một dạng thù hình khó diễn tả. Hai đứa trẻ ngồi xoãi trên đất, khóc rấm rứt… Chưa kịp định thần để xem nên làm gì, từ sau nó, một chiếc xe máy nhẹ lướt qua rồi dừng lại. Dựng xe, rất nhanh, người đi xe máy chạy đến chỗ hai em nhỏ, hỏi han, đỡ hai đứa dậy, xoa xoa lên chỗ khuỷu tay, đầu gối rồi vỗ về hai đứa trước khi quay sang dựng hai chiếc xe lại cho ngay ngắn. Tụi nhỏ có người động viên đã hết thút thít, đứng nép sát vào nhau như lại sợ bị ngã. Người tốt bụng lúc này mới quay mặt lại, nó nhận ra: cô giáo. Nó cũng vừa nhận ra hai đứa nhỏ cùng xóm, mới hôm trước còn nhờ nó giữ xe để tập đạp… Chắc hai cu cậu tưởng đã đi được rồi nên rủ nhau chạy ra đường cái… Nó chạy lại, chào cô… Cô nhìn nó, cười. Nó hiểu tại sao hai đứa nhỏ nhanh hết khóc đến thế. Nó nhớ như in nụ cười ấy, buổi chiều hôm ấy… 
* * *
 Thầy ốm. Từ mấy hôm nay, những tiếng ho đã chen vào trong lời thầy giảng… Học trò nghịch ngợm, nhiều lúc vô tâm, chẳng để ý, cứ nhăm nhăm tìm cơ hội để quay sang trêu chọc nhau, để mặc thầy với lời giảng dở dang vì cơn ho kéo đến… Hôm nay thầy không đến lớp. Tiết của thầy được thay bằng tiết học khác. Bục giảng trống vắng mênh mang… Nó cùng nhỏ bí thư và mấy đứa nữa đến nhà thăm thầy. Thầy đang nằm nghỉ, đôi mắt kính đặt trên trang sách mở… Thầy đang ốm mà vẫn đọc sách. Đâu như nó… Thầy gượng ngồi dậy, hỏi chuyện chúng: Hôm nay có bạn nào vắng học không, giờ kiểm tra toán có nghiêm túc không… Nó xúc động. Thì ra lúc nào thầy cũng canh cánh lo cho chúng. Nó cầm cuốn sách thầy đưa đặt lại lên giá. Mắt nó dừng lại trên một tấm thiệp đã không còn mới được lồng vào khung ảnh, đặt ngay ngắn trên bàn, nơi dễ nhìn thấy nhất lúc thầy ngồi vào ghế. Nó nhận ra, đó là tấm thiệp chúc mừng sinh nhật thầy từ hai năm trước do lũ con gái tự làm, sau đó cả bọn xúm vào kí tên và viết cả những lời chúc. Thầy vẫn giữ và còn dành cho nó vị trí trang trọng đến thế… Nó chợt hiểu, điều đáng quí không phải là của cải vật chất mà chính là ở tấm lòng, ở cái tình chân thành, sâu đậm…

CÁ PHÁT LÁT DÀO DẠT TÌNH QUÊ

Ngọc Tuân

                                                          Cá Phát Lát quê mình

 Ngày còn bé tôi theo các đàn anh đi câu cá Phát Lát. Cần câu là cây hóp được chặt ở bờ rào cạnh nhà. Lưỡi câu thì phải mua của những nhà chài lưới làng Xuân Hồi được cắt ra từ những vàng câu bị rối. Mồi câu tuyệt nhất là giun quế ở ruộng lúa. Đất ruộng sau cày vỡ, nước nhấp nháng, đi trên bờ thấy chỗ nào đất đùn lên thành viên tròn, xắn quần lội xuống vục hai tay như cái thuổng, bốc cả khối lớn, lật ngược lên bờ ruộng là từng búi giun quế đỏ au lộ ra. Thứ giun ấy mắc vào lưỡi câu, để thừa cái đuôi ngoe ngoảy thả xuống đâu là cá bâu vào đó tranh ăn. Cá Phát Lát thường sống thành đàn, tạp ăn, tranh nhau mồi nên đã đớp được là lao đi, cái phao rút đi mất tăm, chỉ việc giật nhẹ là được. Dưới ánh nắng cá Phát Lát giãy giụa, những chiếc vẫy óng ánh, cần câu cong vít xuống, rung lên bần bật, rất thú vị.
 Chỗ có nhiều cá Phát Lát nhất là gầm Cầu Xiên, ở đó có hai nhánh sông, một từ rào Mỹ Phước sang, một nhánh chảy từ Liêm Luật ra, trước khi đổ về Cầu Xiên để qua hói Sao Vàng nó chảy qua vùng ruộng trũng mênh mông. Phát Lát rất nhiều ở những chân ruộng sâu, nước trong ngập gần nửa cây lúa, có rong để ẩn nấp. Ở đó nhiều thức ăn là côn trùng và loài cá nhỏ. Mùa nước cạn, lúa đã gặt, thức ăn khan hiếm, chúng tụ về vũng nước sâu dưới chân cầu. Cầu xưa làm bằng gỗ, mặt lát ván, người gánh lúa đi qua làm rơi hạt xuống, trâu bò đi qua phóng uế xuống mặt cầu, thứ rơi xuống song khi còn tươi, thứ khô đi rụng dần xuống theo bước chân gập ghềnh của người và súc vật qua lại. Đó là nguồn thức ăn dồi dào cho Phát Lát nên chúng cứ tụ tán ở đó chẳng đi đâu, ngày một đông.
 Theo tập quán, cá Phát Lát chỉ sống ở môi trường nước ngọt, chúng có rất nhiều ở các sông, nhất là mùa mưa nước sông không bị nhiễm mặn nó tràn về lãnh địa mới tận Hạc Hải. Ở Lệ Thủy thì sông ngòi chằng chịt, ra khỏi nhà là sông nước nên ở đâu cũng có cá Phát Lát. Cá sống cả trong ruộng lúa do gặp lúc mưa lớn, nước sông dâng lên thì cá từ sông tràn vô ruộng, khi nước xuống chúng không ra được nên phải ở luôn trong đó. Mùa nắng từ tháng 5 đến tháng 8, đồng điền khô cạn, cá Phát Lát tìm về những quãng sông sâu, nước sạch, những vùng ruộng trũng có cỏ rong, năn lác, trong ao, trong đìa, hố bom sống với mật độ dày đặc. Đôi khi chỉ tát cạn một hố bom cũng có thể thu được vài tạ cá, trong đó có khi đến phân nữa là Phát Lát. Ăn không hết thì người ta phơi khô, làm mắm thính... 
 Lệ Thủy quê mình rất nhiều cá Phát Lát. Ruộng đồng ngày xưa nhiều nơi như đồng Mỹ Phước, Nam, Bắc Nạng…hầu như không bao giờ khô kiệt. Tháng chín, tháng mười mưa lớn, nước từ rừng núi Trường Sơn đổ về ngập lụt mênh mông. Xuôi theo dòng nước lũ đó là các loài cá ở các vực sâu trên ngọn nguồn Rào Nậy, Rào Con, ở các đầm phá Bàu Sen về xuôi tìm nơi đẻ trứng. Con Phát Lát cũng háo hức về đồng rồi lớn lên ở đó. 




 Cá Phát Lát mình dẹt, chỗ dầy nhất cũng chỉ một phân hoặc đốt ngón tay. Chỉ có phần lưng là màu đen nhạt, toàn thân Phát Lát màu trắng, vảy trắng, có điểm chấm đen hai bên thân kéo từ mang cá phía dưới bụng đến đuôi. Cũng có loại Phát Lát thân trắng không có điểm đen. Con lớn nhất cỡ bằng bàn tay người lớn, dài hơn gang tay. Phát lát nhiều xương hom mỗi khi ăn phải khéo đưa lưỡi để lừa xương ra, trẻ nhỏ ăn không cẩn thận, nhai không kĩ là dễ mắc xương. Vậy nên một thời con cá đồng còn phong phú, người ta rẻ rúng con Phát Lát lắm. Đôi khi đi tát cá ngoài đồng người khểnh ăn dễ nhận chia phần vài con cá quả, cá chép thay vì một rổ cá Phát Lát.
 Vậy nhưng, chả hiểu sao hồi nhỏ tôi lại rất mê cá Phát Lát. Thịt cá Phát Lát băm chả chế biến được rất nhiều món ngon: nấu canh cải xanh, nấu canh chua lá vang, nhồi mướp đắng hầm, viên nhỏ đem kho với nước mắm, nấu với cà chua, dọc mùng ăn với bún…, tất cả đều tuyệt. Bây giờ muốn ăn bát bún chả cá Phát Lát tìm khắp chợ Hôm, chợ Tréo không còn nữa, phải vô Huế mới có. 
 Muốn chả cá dai và ngon, phải chọn cá Phát Lát loại lớn, cá lớn thì nhiều thịt và băm chả mau dai tự nhiên, không cần chất phụ gia. Chỉ có điều, muốn chả cá dai, giòn ngon thì phải chịu khó băn cho kĩ, băm đến bao giờ bà nội hoặc mẹ đi qua nhón một ít, miết vào đầu hai ngón tay rồi bảo được là được. Có nghĩa, lúc đó xương cá cũng đã nhuyễn ra. Bắc nồi nước lên cho đến sôi, rót một ít nước mắm ra bát, nhúng mấy đầu ngón tay vào đó xoa đều ra lòng bàn tay rồi hẵng véo từng chút thịt cá, viên tròn lại, thả vào nồi nước, hể thấy viên thịt cá nổi lên là chín tới. Dẫu là nấu canh hay là kho thì cũng nhấc nồi xuống lúc đó miếng cá mới giòn, ngọt, chín kĩ một chút là dai, xác. 

                                                            Chả cá Phát Lát

 Cải xanh nấu canh Phát Lát phải chọn loại cải không già cũng không non. Cái thứ cải chưa có mùi hăng nồng đặc trưng của cải xanh, thường chỉ để ăn sống kèm với các loại rau khác. Cải già quá thì nồng và đắng, lại nhiều xơ. Người quê mình nấu canh Phát Lát cải xanh thường cắt cải thành từng khúc dài chừng lóng tay. Chả làm xong rồi để đó. Bắc nồi lên bếp, đổ vào nồi một tô lớn nước sạch, thêm một muỗng ruốc, nấu cho nước sôi lên sùng sục thì thả từng viên chả cá vô nồi cho đến hết. Cạo vỏ, đập dập một nhánh gừng bằng ngón tay, cho vô nồi canh. Chờ nước sôi lên lần nữa, cho cải xanh vào, nếu thấy sôi lại, đủ chín tới thì nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng rồi nhấc xuống. Múc canh ra tô ăn nóng với cơm. Thích ăn cay thì bẻ vài quả ớt xanh ương thả vào, rắc thêm hành lá xắt nhỏ, rau mùi. Nước canh trong vắt, cải xanh đậm đà điểm thêm từng miếng chả cá trắng, nhìn đã thấy màu sắc hấp dẫn con mắt rồi. Vị canh cải xanh nồng nồng, ngọt ngọt, mùi gừng cay ấm nóng, chả cá vừa dai vừa ngọt thanh lẫn đậm đà, mằn mặn. Giữa trưa hè mà được bát canh cải đắng nấu Phát Lát thì không gì bằng.
 Sau này lớn lên đi xa quê, chỉ có vào Nam mới có cá Phát Lát (Từ Hà Tĩnh trở ra không có giống cá này, không hiểu sao). Mỗi lần nhìn các bà các chị Nam bộ làm cá Phát Lát không cần đánh vẩy, chặt vây, mổ bụng như ở quê cũng thú vị. Chỉ việc đem cá Phát Lát rửa sạch, để ráo, lấy dao mỏng bén lách một đường dọc theo sống lưng từ đầu đến đuôi cá, lóc cá ra làm hai mảnh rồi dùng cái muỗng canh nạo lấy thịt, nạo hết thịt thì bỏ da. Cho thịt cá vào cối đá quết nhuyễn, trong lúc quết cho thêm hành, tiêu, muối, bột ngọt vào thúc cho đều, sờ thấy cá dai là được. Lại bôi dầu ăn vào tay để bốc cá khỏi bị dính, vo thành viên tròn hay miếng dẹp tùy ý nếu làm chả chiên, còn nấu canh có thể không cần vo viên, cứ lấy cái muỗng nhúng vô dầu ăn rồi múc từng muỗng thả vào nồi nước canh đang sôi. Những lúc đó cứ nhớ món ăn Phát Lát quê nhà quay quắt.


                                                      Canh chả cá Phát Lát cải đắng

 Bây giờ món cá Phát Lát lại trở thành đặc sản, khách sang mới được bạn mời tô bún cá Phát Lát. Bạn hiền đến nhà là phải chạy ra chợ huyện tìm mua cho được mớ cá Phát Lát về làm chả. Thời hiện đại làm chả cá không còn phải nhọc công như trước nữa, cá mổ sạch, cắt bỏ đầu cho vào cối xay, bấm điện phút chốc là xong, cho thêm chút mắm muối, hạt tiêu, hành tăm, muổng dầu chạy lại chút nữa là được. Muốn rán ăn nóng thì cho dầu vào chảo bắc lên bếp, muốn chả kho thì viên lại, cho mấy thìa nước mắm, chút nước vào nồi bắc lên bếp, muốn canh chả cá cải xanh thì kiếm rau, muốn nhồi mướp đắng hầm thì ra vườn hái mướp. Chỉ mỗi con Phát Lát đã được mâm cơm quê thơm lừng, đậm đà ít đâu có được. Gắp miếng chả cá đưa lên miệng, mùi thơm cuả thịt cá hòa lẫn với mùi thơm của hạt nén, hạt tiêu quyến rũ, không cưỡng được. Trưa hè nắng nóng được bát canh cá phát lát bốc khói, bẻ quả ớt xanh thả vào, xì xụp húp, mồ hôi túa ra, nhẹ nhõm cả người.
 Chẳng đâu bằng quê mình phải không bạn.

THỦY CHUNG CÂY LÁC TÌNH NGƯỜI AN XÁ


Nguyên Hoàng

Từ thuở người dân Kẻ Thá ( nay là làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ) đến sinh cơ lập nghiệp bên bờ sông Kiến Giang, thì vùng này đã có một giống cây hoang dại, thân như chiếc đũa, màu xanh, óng ả, không có mắt, ruột trắng xốp, mọc thành khóm, cao khoảng mét sáu, mét bảy, sống rải rác ở các bờ lạch bờ hói, cồn bãi….quanh phá Hạc Hải.
    Người dân quê tôi vốn cần cù, nhẫn nại. Ngoài việc trồng lúa nước ở ruộng sâu, họ còn dùng loại cây ấy để dệt thành chiếu, dùng trong gia đình, bán ra các chợ, chẳng bao lâu cây lác ( ngoài Bắc gọi là cói ) nói trên và nghề dệt chiếu làng Kẻ Thá, trở thành nét đặc trưng của một làng nghề và tự nhiên đi vào kho tang ca dao tục ngữ:

               “ Bún dẻo dai ai tày Cổ Liễu

            Chiếu Thá bền hơn chiếu mọi nơi…”

Chiếc chiếu Thá hấp dẫn, nâng niu quý trọng, vì nó rất gắn bó với cuộc sống của con người.
Từ bấy đến nay, không biết bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau, bồng bềnh trên chiếc chiếu Thá, lót trong nôi tre mà trưởng thành. Không ai quên được những đêm đông nằm trong lòng mẹ, đè lên chiếc chiếu hôống. Chiếu hôống cùng loại với chiếu chẹ nhưng rộng hơn, trải khắp mặt giường. Hương tinh túy của đất bùn Hạc Hải thấm vào da thịt qua những sợi lác mềm trơn. 
    Những ngày thơ ấu qua nhanh, tuổi thanh xuân ào tới. Những cô gái quê, gương mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, trái tim rạo rực, cất lên lời hò khoan gọi bạn. Các chàng trai tìm đến, xao xuyến, ngập ngừng…bên khong dệt chiếu.
     Sợi lác dài nối nhịp đập cho hai trái tim nồng cháy kết lại với nhau. Họ hẹn hò, thề thốt, ước mơ có một cuộc tình duyên tươi đẹp. Được làng xóm vun vén, ngày hạnh phúc đến gần, đôi trai gái lại bồng bềnh trên chiếc thuyền gỗ, dạo khắp vùng Hạc Hải, tìm những khóm lác tốt xanh cắt cẩn thận sao cho thân cây nào cũng nguyên vẹn, không bị dập nát, đem về, cả nhà xúm vào, chẻ lại thân thật đều, phơi cho được nắng, có mùi thơm ngòn ngọt để dệt đôi chiếu cưới. Buổi tân hôn, nhà trai, trải cả đôi lên giường mới. Đôi chiếu như một vật chứng cho mọi sự trinh nguyên buổi đầu hạnh phúc. Cho một đời người: Sống gửi nạc, thác gửi xương.
    Cứ như thế, thế hệ nối tiếp thế hệ. Dân làng mỗi ngày một đông, và cuốc sống là sự sang lọc với những thách đố đầy khắc nghiệt. Nhiều gia đình ăn nên làm ra. Cũng không ít người, vì lẽ này, lẽ nọ, suốt một đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn lao đao lận đận. Đến lúc nhắm mắt, xuôi tay, không sắm nổi một cỗ áo quan. Đôi chiếu Thá, cùng mấy thanh tre, khâm liệm thi hài, thay chiếc hòm gỗ.
    Thì ra, cây lác, cây tre, vẫn thủy chung, tình nghĩa với con người, từ lúc lọt lòng, cho đến khi sang thế giới bên kia.
     Muốn có cuộc sống ấm no, dân quê tôi sớm đi theo cách mạng. Từ năm 1930 – 1931 đã có chi bộ Đảng. Chùa An Xá là nơi diễn ra hội nghị lịch sử của tỉnh bị cướp chính quyền vào ngày 23 – 8 – 1945. Nhưng nền độc lập mới dựng lên, thì ngày 27 – 3 – 1947, thực dân Pháp quay lại xâm lược. Toàn dân đứng lên chống giặc, lớp lớp thanh niên vào bộ đội, xông ra chiến trường. Đất nước còn nghèo, trang bị quá thô sơ. Cây lác đồng hoang cũng theo bộ đội ra tiền tuyến. Mảnh chiếu Thá, gói bộ quần áo nâu, với sợi dây gai buộc ngoài, thành ra, cái ba lô của anh Vệ quốc. Nó theo anh lên rừng xuống biển, ngày đeo sau lưng, đêm trải ra nằm. Chiến tranh làm sao tránh khỏi tổn thất. Lỡ anh có hy sinh thì manh chiếu bọc thây, cho anh yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Cây lác đồng hoang, góp phần làm nên những chiến tích anh hung.

   Thế rồi cuộc sống đối thay. Từ khi sông Kiến Giang bị chắn ngang, phía trên đập, trở thành vùng nước, thì cây lác quý không thích nghi kịp, cứ chết dần chết mòn, sắp bị hủy diệt, khung dệt chiếu phải xếp xó, nhiều cái bị ngọn lửa há thân. Thương thay cho một vùng đất nghề!

Sưu tầm ( Văn nghệ Lệ Thủy - Chi hội văn học nghệ thuật và phòng văn hóa thông tin thể thao Lệ Thủy )


THƯƠNG VỀ MIỀN TUỔI THƠ....




Nguyễn Thị Thu Hoài

          Sáng nay có tiết ở lớp 11B, bài học là tiết đọc văn “Thu điếu” – “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Cô say sưa giảng bài, trò cũng hăng hái phát biểu. Ngoài kia mùa thu cũng đang hiện hình rõ nét trong cái lạnh se se, trong những giọt mưa đang thi nhau nhảy nhót trên sân trường…
Giảng đến câu thơ “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”, bỗng nhiên nhớ đến những con đường làng ngõ xóm thân thuộc quê mình…
          Xa rồi cái ngày xưa ấy, cái ngày những con đường làng lầy lội bùn đất sau mỗi cơn mưa, hoặc bụi tung mờ mịt trong từng cơn gió nam khô rát. Đường làng ngày nay là những con đường bê-tông, rộng đến 4mét, xe đạp, xe máy, xe hơi, ngay cả xe tải hạng nặng cũng dễ dàng đi vào tân từng ngõ ngách…  Đường đã nhựa hóa, bê-tông hóa nên nhà nhà cũng thi nhau làm tường thành bao quanh khuôn viên nhà vườn của mình cho “tiến kịp thời đại”. Những bức tường kiên cố hóa được dựng lên từ những hàng râm bụt “thắp lên lửa hồng” của tuổi thơ một thời, những đường viền xanh xanh từ rặng chè tàu được cắt tỉa tỉ mẩn hay đơn giản là những rặng tre ngà mọc tự nhiên… 



Nơi ấy –nơi những hàng rào thiên nhiên ấy, có biết bao kỉ niêm ghi dấu không mờ: Là những trưa trốn mẹ trốn cha không ngủ, chạy ra đường tìm hái bông hoa râm bụt, xếp lồng đèn, tết thành tràng pháo, làm đôi hoa tai; là những sáng chạy ra đầu ngõ ngóng mẹ đi chợ về, đợi lâu mỏi mắt, con bé em ngủ trên lưng chị tự lúc nào; là những chiều chơi trốn tìm, thằng nhỏ bên nhà chui tọt vào bụi tre rậm rạp, tìm hoài không ra, phải xin chịu thua nhưng khi thằng nhỏ chạy ra “trình diện” thì chẳng thấy trên mặt chút gì của kẻ thắng cuộc, đơn giản vì cu cậu đã phải chịu trận “tra tấn” của nguyên một ổ kiến vàng!
Ngày ấy, người ta vẫn nói về người thành phố với lối sống “đèn nhà ai nhà nấy rạng” chứ không như người nhà quê, “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”. Nhưng với cuộc sống hiện tại, với sự  giàu có, dư giả hơn về vật chất, người ta dựng lên những bức tường bê-tông, lắp thêm những cánh cổng sắt to đùng để ngăn cách “nhà mình” với “nhà họ”, mỗi ngôi nhà ở nông thôn ngày nay cũng chẳng khác gì một “lô cốt”, một cái lồng chim cỡ lớn! Có gia đình vì lo bị mất cắp tài sản (hay đơn giản là vì muốn khoa trương?!), họ không chỉ dựng tường rào mà còn “bổ sung” thêm một lớp tấm lưới sắt, bên trên là những cái cọc nhọn hoắt để “đề phòng” kẻ gian… Không trách được họ bởi thực tế cho thấy, nạn trộm cắp tài sản ở nông thôn rất đáng báo động. Trộm cắp đã đành, nhiều vụ việc còn là cướp bóc, đe dọa bởi nếu  bọn  trộm còn lợi dụng lúc người khác không để ý mà lấy đi của cải, tài sản không thuộc về mình, còn bọn cướp thì hiên ngang giật trên tay, trước mắt người chủ thứ thuộc sở hữu của họ. Nhưng cũng cần thấy rằng, chính lối sống khép mình, so đo, không quan tâm tới người bên cạnh – biểu hiện của căn bệnh vô cảm là một trong những nguyên nhân giúp nuôi dưỡng những hành vi trái pháp luật ấy của kẻ xấu!
Dặn học trò rằng: Nếu có khi nào ghé qua Yên Đổ, Bình Lục, đừng ngơ ngác đi kiếm tìm những ngõ trúc bờ tre quanh co xanh mát, cũng đừng nghĩ rằng cụ Tam Nguyên “bịa” hay đổ thừa cô giáo dạy Văn nói bừa. Quê mình cũng thế thôi! Thời gian mà… Bao nhiêu lâu đó đủ khiến mọi thứ thay đổi. Duy chỉ có kí ức – kí ức về những vòm cổng xanh, những con đường làng viền xanh… là vẫn sẽ còn xanh mãi….

BẤT NGỜ VỚI TIỂU THUYẾT CỦA NỮ SINH LỚP 11 PTTH LỆ THỦY


                               Như Quỳnh giúp bà nhặt rau

Không chỉ gây sốt cộng đồng mạng trong giới tuổi teen mà cuốn tiểu thuyết đầu tay “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” vừa xuất bản của nữ sinh Mai Như Quỳnh, học sinh lớp 11, trường THPT Lệ Thủy (Quảng Bình) khiến gia đình, bạn bè, nhà trường và cả giới chuyên môn bất ngờ.

Viết tiểu thuyết “chui”

Cầm cuốn tiểu thuyết dày 450 trang vừa mới xuất bản vào tháng 4/2013 nhưng đã nhàu nát vì có nhiều người mượn đọc, ông Mai Văn Định, bố của nữ sinh Mai Như Quỳnh rưng rưng nói: “Tôi thật có lỗi với con. Vì không hiểu con nên đã vô tình cấm cản, khiến con phải theo đuổi niềm đam mê trong sáng của mình trong sự lén lút và sợ hãi”.

Là một sỹ quan quân đội, đại tá Mai Văn Định, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình quá hiểu những cám dỗ nguy hiểm trong thế giới ảo. Là người thường xuyên xa nhà, để an toàn, ông đã dùng “luật sắt” của quân đội, cấm tiệt con rong chơi trên mạng, mỗi ngày chỉ được phép dùng máy vi tính học bài trong vòng hai giờ đồng hồ. “Có lần thằng út nhà tôi mách, “bố ơi, chị Quỳnh đang viết tiểu thuyết”, tôi đã gạt phắt đi, vì cứ nghĩ chúng bày trò để được chơi vi tính” - ông Định nhớ lại.

Như Quỳnh không đủ tự tin bày tỏ với cha mẹ về niềm đam mê của mình. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, em phải lén lút thực hiện trong thời gian 6 tháng, cùng với sự giúp sức bằng việc “cảnh giới” của cậu em trai học lớp 5. Việc làm của Như Quỳnh diễn ra trong vòng bí mật, chỉ duy nhất em trai và cô bạn thân ở lớp biết.

“Tôi cầm cuốn sách của con đưa cho mà hai hàng nước mắt cứ chực trào ra. Cảm giác ân hận, xen lẫn tự hào dâng trào, tôi đã quá cứng nhắc, quá vô tâm với con mình”. Đại tá Mai Văn Định

Như Quỳnh tâm sự, em đam mê truyện tranh Nhật Bản từ nhỏ. Ngoài những cuốn truyện cha mẹ mua tặng những dịp sinh nhật, em đã nhịn ăn sáng, dành dụm tiền mua sách về đọc. Khi nhà nối mạng internet, em tranh thủ thời gian đọc truyện trên mạng. Lên học cấp hai, em đã là trưởng nhóm bạn thân chuyên dịch truyện tranh trên mạng và nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc trong diễn đàn. Chính thế giới “thần tiên” của truyện tranh đã giúp em nhận thức, trau dồi câu chữ, sự phong phú trong tưởng tượng, để rồi từ dịch truyện của người khác, em mạnh dạn viết những câu chuyện của riêng mình.

Cuốn tiểu thuyết “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” được Như Quỳnh bắt tay vào viết từ năm lớp 10, sau một số tác phẩm bị dang dở trước đó do sự kiểm soát gắt gao của cha mẹ và việc học hành, thi cử. Những chương đầu tiên của cuốn “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” được Như Quỳnh đưa lên mạng với bút danh Suzu Fukazime để “qua mặt” cha mẹ.

Sự khích lệ tích cực từ diễn đàn đã giúp em quyết tâm hoàn thành niềm đam mê của mình. Với gần 1 triệu lượt đọc, bình luận phản hồi trên mạng, tác phẩm của em nhanh chóng được Nhà xuất bản Văn học để ý, và 1.000 cuốn đầu tiên được xuất bản trong sự ngỡ ngàng của Như Quỳnh.

“Sách ra rồi, nhà xuất bản gửi cho em 10 cuốn, nhưng em không dám mang về nhà mà gửi ở nhà bạn. Đứa bạn thân của em đưa cho các bạn trong lớp đọc nhưng không ai biết là của em. Tám triệu nhuận bút mà nhà xuất bản gửi về em cũng gửi luôn nhà bạn vì mang về nhà sợ bị lộ” - Như Quỳnh kể.

Nhưng rồi bí mật cũng bị “bại lộ” khi cô bạn thân bép xép nói cho một số bạn trong lớp kèm theo lời dặn “tau chỉ nói với mi, đừng nói với ai cả nhé, lộ ra là con Quỳnh chết với ba hắn đó”. Câu chuyện của cô bé Quỳnh xuất bản tiểu thuyết nhanh chóng lan ra cả trường. Thầy giáo chủ nhiệm đến nhà gặp bố Như Quỳnh chúc mừng, ông ngớ người không hiểu. Sau một hồi truy xét, Quỳnh mới thừa nhận toàn bộ “lỗi lầm” của mình với bố mẹ.

Hiện tượng

                                Bìa của cuốn tiểu thuyết

Xuyên suốt tiểu thuyết “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” là bối cảnh gia đình, bạn bè và ngôi trường thân yêu của mình, được Như Quỳnh phô diễn bằng trí tưởng tượng phong phú qua giọng văn tưng tửng của lứa tuổi học trò. Những xung đột của các nhân vật ở lứa tuổi mới lớn trong truyện cho người đọc cảm nhận một nét rất riêng, rất học trò, đó là sự hồn nhiên, tình cảm trong sáng, dễ thương nhưng cũng không kém phần hài hước. Nhân vật chính trong truyện là nữ sinh “cá biệt”, mạnh mẽ, tưởng chừng như không bao giờ yêu, vô tình lại phải lòng anh chàng bí thư lạnh lùng đầy bí ẩn. Và cô từ từ nhận được những câu hỏi mơ hồ lẫn lộn “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?”.

Ông Nguyễn Bình An, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình nhận xét: Ông đã rất bất ngờ khi đọc xong cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô bé đang học lớp 11. Với 450 trang sách, nhiều nhân vật, nhiều mối quan hệ đan xen nhưng em đã sắp xếp một cách logic, tạo cho người đọc đi từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác. Tuy nhiên, do quá đam mê truyện tranh Nhật Bản, nên nhân vật của Như Quỳnh xây dựng có phần xa rời hồn Việt, quá hiện đại so với thực tại, nhưng chất văn chương và sức sáng tạo của Như Quỳnh thì đáng được ghi nhận.

Ông An tin tưởng Như Quỳnh sẽ thành công trên con đường viết lách nếu được động viên và đào tạo bài bản. Vùng đất Lệ Thuỷ, nơi Như Quỳnh sinh ra và lớn lên là cái nôi của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng... “Cách đây mấy năm, cũng gốc Lệ Thủy, cô bé Lê Huyền Minh đã ra tập thơ đầu tay “Bé và mặt trời” lúc tròn 10 tuổi, và giờ là cô bé Như Quỳnh ra tiểu thuyết. Tôi cho đây là hai hiện tượng trong đời sống văn học của Quảng Bình cần được quan tâm đúng mức”.

Cô giáo dạy văn của Như Quỳnh, Nguyễn Thị Quỳnh Trang cho biết: Như Quỳnh là học sinh ngoan, có phần nhút nhát, khép kín. Em học đều các môn, điểm văn của em luôn suýt soát giỏi. “Khi đọc cuốn tiểu thuyết của em Quỳnh tôi đã rất bất ngờ. Không chỉ câu chữ chỉn chu mà em có một trí tưởng tượng phong phú, một cuộc sống nội tâm mạnh mẽ. Qua hiện tượng của Như Quỳnh, tôi thấy cách dạy văn hiện nay còn quá khuôn khổ, giáo điều không những không giúp các em sáng tạo mà chính người dạy cũng khó phát hiện tố chất của học trò để động viên, bồi dưỡng” - cô Trang nói.

                                                   Tiền Phong Online

TÌNH YÊU SINH VIÊN


Tình yêu thời sinh viên là một thực tế không thể lãng tránh. Cũng đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về vấn đề này và cho nhiều lời khuyên. Người thì nói chưa nên, vì nghề nghiệp chưa có, điều kiện đảm bảo cuộc sống chưa có, ra trường mỗi đứa một ngã, biết bao trắc trở, hãy dành thời gian cho học tập. Người thì nói, tình yêu là lẽ tự nhiên, nó là một phần của cuộc sống, một trải nghiệm lối sống, có sao đâu. Các bậc phụ huynh thì tỏ ra lo lắng, bởi tình yêu thời @ đã để lại bao nhiêu câu chuyện khóc dở, mếu dở. Bởi các bạn trẻ bây giờ dễ dãi, đơn giản quá, tình dục quá. Còn các cô tú, cậu tú thì đang trong giai đoạn bản lề của hoàn thiện nhân cách, chưa đủ bản lĩnh của người lớn, cảm tính, phổi bò, có khi liều mạng, không cần xét hậu quả. Đây đó vẫn có những kẻ sở khanh, hậu hoạ khôn lường. Đã có nhiều vụ án đau lòng có xuất xứ từ chuyện tình sinh viên. Vậy nên nhìn nó thế nào. 

1. Chuyện tình yêu trong giới sinh viên là một hiện thực không thể lẩn tránh. 

Tuyệt đại đa số sinh viên yêu khi đang học. Trên thực tế thì nhiều em đã yêu và biết làm chuyện người lớn từ khi đang học PTTH. Sinh viên không yêu mới là chuyện dị thường. 

Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả, bởi giai đoạn này là giai đoạn thăng hoa, phát tiết tình dục của giới trẻ. 

Thời kỳ hoàng kim, phơi phới, rạng rỡ đến mức không thể che đậy được và rất mời gọi. Con trai, con gái 17, 18 mơn mỡn, đẹp xinh, dẫu có mặc áo rách cũng đẹp. 

Nhu cầu giao tiếp khác giới rất mạnh mẽ đến mức cuồng, sy. Khi đã hẹn hò thì dẫu ở trong cùng một kí túc xá, khu nhà trọ nhưng mỗi ngày không nhìn thấy mặt nhau vài lần, không được chạm vào cơ thể nhau một chút là về ngủ không yên. 

Bối cảnh sinh hoạt thì thuận lợi, họ thoát ra khỏi sự kiểm soát của gia đình, chẳng phải xin phép ai khi đi chơi đêm, chẳng phải ngại ngần bà con lối xóm như khi ở quê. 

Họ có môi trường giao tiếp mới đa dạng, giao lưu, hội thảo, du hí, sinh nhật… rất nhiều bạn bè, chẳng giống thời học trò. 

Lý lẻ yêu đương nhiều khi rất đơn giản, “chẳng lẽ nó có mà mình không có”. Không ngăn được, không hãm được tình yêu đâu. 

2. Yêu đương nên biết, ảnh hưởng của nó đến bản thân là rất lớn. 

Có hai xu hướng tiến triển, một là tình yêu sẽ trở thành chất xúc tác để bạn trẻ học hành tốt hơn mỗi khi chuyện yêu đương vượt qua khỏi khái niệm tình dục tầm thường. Hai người sẽ trở thành đôi bạn học tập, nâng đỡ nhau để đạt đến mục tiêu chuyên môn cao - sinh kế của ngày mai. 

Xu hướng thứ hai là, tình yêu sẽ phân tán tinh lực, lãng phí thời gian, tụt dốc lối sống, tình cảm bị động. Thực tế cho thấy xu hướng thứ hai nhiều hơn. Bởi khi yêu người ta thường si mê, lú lẫn. Tâm trí luôn hướng về người yêu, vướng mắc, chẳng yên. Lúc nào cũng muốn bên nhau nên học hành chểnh mảng. 

Tình phí không có thì phải xoay xở, đôi khi rớt vào vòng xoáy lô, đề, nói dối bố mẹ… 

Với những bạn đã nếm trái cấm thì ma lực của nó càng mạnh hơn, không cưỡng được. 

3. Sai lầm về nhận thức khi yêu. Những sai lầm đó bộc lộ qua mấy điểm 

-Lầm tưởng có cảm tình với tình yêu. Đôi khi bạn thích một điều gì đó và vô tình bắt gặp cái đó ở người kia. Có khi rất đơn giản, đó là búi tóc đuôi sam ngúng nguẩy, đó là cái cách đi vừa đi vừa nhảy, đó là cách nói chuyện mà mắt nhìn xuống chân di di vạt cỏ, đó là một nụ cười lóe lên sau ánh đèn… Nhiều lý do để bạn bị vướng vào lưới tình, khi mà đã có sẵn lực hút của khác giới. Thế là bạn yêu, yêu là yêu chứ biết đi về đâu. 

- Coi tình yêu như phương thuốc giải sầu, an ủi tâm hồn trống vắng. Hoặc chạy theo mốt, họ có mình cũng phải có chứ kém cạnh gì. Cái cách mà chỉ đề làm vừa lòng mọi người mà thôi. Có một thời người ta đã quan niệm tình yêu sinh viên là VLC, chữ viết tắt của từ “vui là chính”. Lối sống đó đã làm nhiều bạn chết dở vì sau khi chia tay, tai tiếng cứ theo mãi, “ế”. 

4. Thời kỳ hợp lý cho yêu đương. 

Hơi duy tâm một tý, nhưng nên thế. Bạn nên biết rằng, đời sinh viên có 3 giai đoạn phát triển đáng lưu ý. 

Gia đoạn 1, là giai đoạn của năm đầu. Có thể gọi nó là giai đoạn quá độ, thích ứng. Bạn phải làm quen với lối sống tự lập, xa bố mẹ, sống tập thể, lệ thuộc vào nhau, làm quen với phương pháp học tập mới (tự học là chính), làm quen với khí hậu, sinh họat, ăn uống… Đặc biệt là bạn phải tự mình giải quyết lấy, trong lúc vừa thoát khỏi đời học sinh phổ thông, còn rất ngỡ ngàng, thậm chí lo sợ. 

Giai đoạn 2, là giai đoạn từ năm thứ 2 đến năm thứ 4. Đây là giai đoạn phát triển khá ổn định, khẩn trương, sôi nổi, vững vàng về tâm sinh lý, hình thành ý thức nghề nghiệp. 

Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, toan tính cho tương lai. 

Tôi không khuyên bạn yêu vào lúc nào, nhưng nên tránh vào năm đầu. Khi đó ta còn non nớt lắm, dễ tổn thương. Tôi chỉ khuyên bạn nên hiểu sự khác nhau giữa tình bạn khác giới và tình yêu. Yêu là có mục đích để xây dựng gia đình, để đi đến hôn nhân. Ta sẽ gắn bó cả đời với nó, nên phải tỉnh táo một chút. Đừng để những trắc trở làm thui chột lãng mạn, làm chia lìa tình yêu. 

Có lẽ thời cơ tốt cho tình yêu là khi bạn có sự từng trãi xã hội, ổn định tâm, sinh lý, độc lập về kinh tế.

LỆ THỦY CHÀO THÁNG 9

Nguyễn Thị Thu Hoài

  Đến Lệ Thủy, những ngày thu.
  Nếu bạn yêu thơ và giữ trong mình những ý niệm gần như đã “mặc định” về mùa thu man mác sầu chia li như trong “Truyện Kiều”:
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san
Hay rộn rã như một lời reo ca trong thơ Xuân Diệu:
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng
thì hẳn bạn sẽ gặp một bất ngờ lớn!
  Thu trên đất Lệ. Bạn đừng cố công tìm kiếm sắc “quan san” của những rừng thu phong, đừng hoài mong bắt gặp một con đường có thảm lá vàng trải lối, đừng ngóng đợi cảm giác được tắm mình trong nắng thu vàng sánh như mật mà vẫn dịu dàng không chói gắt…
  Thu – nắng Lệ Thủy vẫn còn găy gắt lắm. (Ắt hẳn mùa hè còn nấn ná chưa chịu dời chân?). Thu – gió Lệ Thủy vẫn là những cơn gió Lào khô rát – khó tìm ra cái “xao xác hơi may” đầu mùa như phố phường Hà Nội.
 Thu – người dân xứ Lệ tưng bừng mở hội.
 Tết Độc lập, người Việt Nam ta đâu đâu cũng hướng về Tổ quốc, hướng về những ngày tháng thiêng liêng, về những người anh hùng đã chẳng tiếc máu xương vì độc lập dân tộc. Người Lệ Thủy mừng Tết Độc lập theo cách rất riêng: Trên cạn – cờ đỏ sao vàng, cờ hội tung bay rợp trời; dưới sông, những chiếc thuyền bơi đua của các làng, xã đọ sức đua tài trong tiếng hò reo cổ vũ không ngưng nghỉ của bà con nhân dân.
 Bơi đua đã trở thành truyền thống, đã ăn vào máu thịt của người dân xứ Lệ, để ngay cả những đứa trẻ mới chập chững đi, bi bô nói cũng biết rảo chân chạy về phía bờ sông khi nghe tiếng mõ, biết giả tiếng mõ, tiếng hò dô của trai bơi sau chỉ mấy ngày xem hội, và, để những người con xa quê, tết Nguyên đán có thể không về nhà nhưng không thể vắng mặt trong ngày 2 tháng chín… Sẽ không phải là nói quá khi bạn nghe ai đó bảo rằng: Xa quê, xa nhà, cái họ nhớ nhất, khắc khoải mong được nghe lại nhất là tiếng mõ đò bơi… Cần nói rõ, đó là âm thanh từ chiếc mõ được làm từ sừng trâu hoặc gốc của những bụi tre rất già, có thể cầm gọn trong lòng bàn tay, khi gõ vào, từng tiếng to, rõ, rất trong, thanh nhưng lại có độ vang – vọng đi rất xa. Tiếng mõ trên mỗi đò bơi giống như chiếc đũa trong tay người nhạc trưởng: giữ và điều khiển nhịp chầm, khi khoan khi nhặt, khi nhanh khi chậm…. Đã có những đò bơi dùng còi thay thế mõ để “chỉ huy”, nhưng chỉ được một, hai năm rồi cũng tự động quay về với chiếc mõ truyền thống. Điều đặc biệt nữa là, tiếng mõ có sức mạnh kì lạ. Trai bơi trên thuyền nghe tiếng mõ mà giữ nhịp chầm cho đều, có lúc cùng đồng thanh “hò hố”, “hô lên” khiến cả khúc sông rộn ràng hẳn lên, và rồi cái không khí ấy – rất nhanh - đã được các cổ động viên – những “tuyển thủ bơi cạn” cộng hưởng. Thế là, không chỉ trai bơi mà cả người xem cũng đều nghe “lệnh truyền” từ tiếng mõ! 
 Lễ hội chỉ ngắn ngủi vài ngày. Dòng sông quê mình lại hiền hòa trôi, đưa những bông hoa lộc vừng đỏ tươi về miền xa tít tắp. Dân quê mình lại tảo tần với cuộc mưu sinh. Tiếng mõ đã ngừng vang lên gọi lòng người háo hức, nhưng còn vọng mãi trong tiềm thức dân quê mình – để đến hội năm sau lại đưa bước chân ai từ muôn nẻo quay về… 

Tháng 9 - 2013