HÒ KHOAN LỆ THỦY TRONG GẶP MẶT ĐỒNG HƯƠNG Ở HÀ NỘI

                                                Chủ Blog LỆ THỦY QUÊ TÔI

Cuộc gặp mặt đồng hương Lệ Thủy hôm đầu xuân năm nay của lớp trẻ đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội đã được khuấy động bởi tiết mục hò khoan do tác giả Blog LỆ THỦY QUÊ TÔI hò cái. Dù cho nhiều bạn trẻ chưa biết cách hò nhưng chỉ cần vài chuyện hò tất cả đều đã thành "diễn viên". Vui phết, mời các bạn xem:


Quý vị muốn nghe hơi thở hò khoan đang về với lớp trẻ học sinh Lệ Thủy thì xin vào đây: http:/hokhoanlethuy.edu.vn/

NHỮNG TẬP TỤC CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU

BBT: Dân tộc Vân Kiều sống tập trung ở miền Tây tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Người Vân Kiều có một nhân sinh quan chung thuỷ. Cuộc đời của họ sinh ra đã có tổ tiên và phải làm ba lễ cúng. Nếu không thực hiện đúng những lễ tiết nơi vùng đất hoang dã Trường Sơn, họ không được xem như những chiến binh Vân Kiều thông minh hùng dũng và khi mất đi, họ sẽ không được qua ngõ Miếu Giàng.



Giỗ sống cho đứa con trai

Nếu người Kinh ở dưới dãy núi Trường Sơn định cư có tục thờ người chết, thì người Vân Kiều ở trên những ngọn núi hùng vĩ lại có tục thờ người sống hết sức kỳ lạ. Chỉ đến khi mất, cả con trai, con gái mới được đi qua Miếu Giàng, gọi là Giềng Lampe, nơi ấy, các dòng họ của bản làng được đưa hồn về đó cho Ma Xứ quản. Miếu được chọn là nơi của một khu rừng mà bản gọi là thiêng, và tuổi của rừng thường lớn hơn những người già nhất bản, phía đó không ai được chặt cây hay tỉa cành.

Già Hồ Xoan, sống bên kia dốc Ma Nang ở bản Lâm Ninh (Trường Xuân, Quảng Ninh, Quảng Bình) kể: “Tục lệ của người Vân Kiều là làm ba lễ cúng sống cho đứa con trai Vân Kiều. Khi mới đẻ, thằng bé được cúng lễ Rặp chiết để rước hồn từ trời về, già làng buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay, sợi chỉ được nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, nhằm mong cho nó có cái sức để sống với rừng với bản, mong cho nó ngoan, khoẻ mạnh để cáng đáng việc nhà khi lớn lên. Và gia đình lập một cái kệ thờ cho linh hồn đứa bé ở sát mái nhà sàn, đó là chiếc giỏ tre đựng chén sứ với ba miếng trầu rừng”.

Đứa con trai Vân Kiều khi lên tám tuổi, được thực hiện một lễ cúng sống nữa, ấy là lễ Xana chiết, được hiểu là lễ mừng cái hồn trên trời được phái vào nó từ nhỏ, lớn lên cùng với thể xác. Khi chàng trai Vân Kiều được 18 tuổi, đủ sức dang rộng cánh tay như sải cánh đại bàng, nó được làm lễ Rặp chămparơ. Đấy là một lễ quan trọng, thể hiện sự trưởng thành của trai bản, có khả năng săn bắn, bảo vệ biên giới của bản làng trước những muông thú. Lần này, cái bát thờ hồn trong giỏ tre được đưa lên một bậc, thể hiện của tuổi trưởng thành.

Mỗi năm, gia đình của người con trai Vân Kiều phải tổ chức ngày giỗ đã định vào đúng ngày 18.8 khi con trăng trên núi chếch về phía tây, ngày mà thần linh của người Vân Kiều vẫn thường xuống bản thăm nom linh hồn của đứa bé. Trong các lần đánh dấu sự kiện trọng đại như lễ Rặp chiết, Xana chiết, Rặp chămparơ, già Hồ Xoan cho biết: “Bản làng vui như hội, nhà của chàng trai phải mổ trâu, hoặc heo gà để đãi đằng họ hàng, gia đình nào giàu thì mời cả bản, bởi con cái của họ đã lớn mạnh như cánh chim đại bàng”. Và có bản còn đặt tên chàng trai Vân Kiều trưởng thành những cái tên thân thuộc như: Ngón Chân Cái, Bàn Tay Lớn, Người Sừng Bò, Gấu Lớn... tương tự như người da đỏ ở châu Mỹ gọi tên các bộ lạc như: Sừng Lớn, Bàn Chân To, bộ tộc Gấu Xám...

Lửa của vị thần thông minh

Người Vân Kiều giữa mái Trường Sơn vẫn kể cho con cháu của mình gốc tích về dòng giống của con người. Theo họ, khi trời đất sinh ra chưa có con người, lửa là thứ ngự trị trên mặt đất như một vị thần thông minh và mạnh mẽ, vui tính, nhưng có khi nóng giận.

Già Hồ Xoan kể: “Xưa lắm, khi mặt đất chưa có đất, chỉ có sỏi và đá, thần lửa làm mọi thứ khô cháy, nên rất buồn. Ngài cầu xin thần trời cho mặt đất có cái gì đó để ngài khỏi cô đơn. Một hôm, trời nổi sấm, mây vần vũ, sau cơn mưa lớn, một khúc gỗ khổng lồ đã bị mục và một con giun to lớn rơi xuống trái đất. Con giun đã ăn khúc gỗ mục. Nó bắt đầu tiêu hoá và mặt đất tơi xốp được hình thành. Nhưng do nó ăn không đều lớp gỗ mục và bài tiết không thường xuyên, đã để lại mặt đất những đồi núi, khe suối, hầm hố khổng lồ. Khi đã có mặt đất, thần lửa lại muốn có thêm sự sinh động của sự sống, nếu không, ngài sẽ đốt sạch những gì con giun tạo ra, cho về lại sỏi đá. Nhà trời chiều lòng, một quả bầu khổng lồ được rơi xuống. Trong quả bầu, con người bước ra, đủ các màu da, đủ các màu sắc, họ đi về khắp nơi, khắp phía và tạo ra các bản làng, các sắc tộc khác nhau. Quả bầu còn đựng trong nó nhiều hạt giống khác nhau và được gió, nước mang đi, rồi phát triển thành màu xanh của sự sống. Các khu rừng mọc lên, những giống loài phát triển. Trong số những con người sinh sôi từ quả bầu, có chàng trai và cô gái kết duyên ở lưng chừng núi, con cái họ sinh ra được ở lại rừng, đó là tổ tiên của người Vân Kiều”.

Các già làng, trưởng bản Vân Kiều ở núi rừng Trường Sơn đã kể về tổ tiên của họ qua nhiều mùa rẫy, qua nhiều đời sống từ xưa đến nay bên bếp lửa về gốc tích của họ như vậy, và truyền thuyết đó lưu giữ trong tâm hồn của mỗi con người Vân Kiều cho đến ngày nay. Già Hồ Xoan nói: “Từ lúc có con người, thần lửa vào mái nhà sàn của người Vân Kiều và ở đó, thần che chở sưởi ấm, làm chín con thú, nấu chín cái nước, giúp người Vân Kiều sáng lên trong ánh tối ban đêm, tạo cho người của ta cái trí khôn thông minh như thần để giữ bản giữ làng và sinh thêm con cái”.

Lễ hoà mục

Người Vân Kiều không chỉ ở Lâm Ninh, mà bất cứ nơi đâu có bản của họ đều có lễ này, đó là lễ xin lỗi. Người này với người kia trong nhà có ý trái nhau, đều có lời xin lỗi. Những người nhà này với nhà khác xích mích nhau, hoặc người bản này với bản khác sai trái nhau đều phải làm lễ này.

Trong nhà với nhau dễ dàng bằng đôi câu nói chuẩn của tiếng bản, cả nhà bỏ qua cho nhau. Với người ngoài bản, ngoài nhà, ai đó có lỗi về đánh nhau, giành đất trên núi, tranh công con thú săn được với người lớn tuổi, người có lỗi phải chuẩn bị ba hũ rượu nương, một con gà trống rừng để làm lễ hoà mục. Để có lễ đó, cha của người có lỗi cùng đứa con đến nhà người được xin lỗi đặt lễ, đồng thời mời theo vị già làng đáng kính. Họ trao đổi ở bậc cầu thang nhà sàn, nếu lễ được chấp thuận, lời xin lỗi được tiếp nhận, thì lễ hoà mục được tổ chức, ấy là bữa rượu bên bếp lửa, họ nói những chuyện tổ tiên keo sơn khăng khít, họ kể với nhau thời săn bẫy của những chàng trai bản, nói với nhau những điệu hát cổ xưa để tăng thêm nghĩa tình, khí tiết của người Vân Kiều. Khi con gà đã cắt tiết đổ vào một chén to, rượu được hoà vào, mọi người đều uống, xem như mọi lỗi lầm được thứ tha.

Thế nhưng, theo già Hồ Xoan, ông sống từ 70 mùa rẫy rồi, song ở bản vẫn chưa làm lễ đó, bởi lẽ, người dân của bản sống hoà thuận, người trẻ kính trọng người già, con trai thương yêu con gái, nên ông chưa một lần phải hoà giải như vậy. Không chỉ bản của ông Hồ Xoan, mà những bản anh em khác trong vùng, vẫn chưa có cảnh bất hoà. Bởi theo ông, núi rừng Trường Sơn cùng ngọn lửa của người Vân Kiều đã giúp họ chung thuỷ với nhau, yêu thương nhau để thông minh hơn trước cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt của thiên nhiên.

                                               BÀI VÀ ẢNH: QUỐC NAM

NỖI NIỀM NGƯỜI "TRUYỀN LỬA"

Diệu Hương

Ông ngồi giữa nhà, ném ánh nhìn trầm đục ra giữa khoảng sân đầy nắng, rồi cất giọng hò vừa tha thiết vừa đau đáu nỗi niềm. Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng giọng hò của ông vẫn trong vắt như thuở xuân xanh, giọng hò chất chứa cả biết bao trầm luân dâu bể đời người.
                                                   Nghệ nhân Lê Văn Quế (còn gọi là Dũng)

Trời tháng 7 nắng đến cháy rát mặt người. Căn nhà ông Lê Văn Quế (81 tuổi, thôn Hoàng Viễn, Sơn Thủy, Lệ Thủy) nằm nép mình bên cung đường Hồ Chí Minh. Căn nhà vốn tuềnh toàng nay càng nhỏ bé hơn giữa cái nắng hanh hao của đất trời. Dẫu cuộc đời lắm chìm nổi, nhưng gần trọn đời người, ông vẫn gắn bó máu thịt với điệu hò khoan Lệ Thủy, để rồi khi sắp sửa đi đến cuối đường đời, ông lại đau đáu một nỗi niềm trăn trở: làm sao để điệu hò quê hương mãi mãi được bảo tồn?

“Nhớ lắm điệu hò lỉa trâu”

Người làng thường gọi ông là ông Dũng. Với họ, có lẽ cho đến mãi về sau, ở cái mảnh đất nằm neo mình bên con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông này, sẽ không tìm được ai có tình yêu với hò khoan như ông Dũng và càng khó tìm đâu được một giọng hò lỉa trâu đượm tình như thế. Với ông, hò khoan là tình yêu và cả một phần ký ức gắn bó thiết thân với cuộc đời mình. Ông bảo, quá nửa cuộc đời ông gắn bó với những cánh rừng già, với con trâu kéo và cả điệu hò lỉa trâu (hay còn gọi là điệu lỉa gỗ). “Đời sơn tràng khổ lắm. Mưa gió, bão bùng chi cũng lặn lội trên rừng, trên rú. Rứa mà mỗi khi cất lên mấy điệu hò, thì biết mấy nhọc nhằn đều trôi hết cả”, ông cười. Đôi mắt già trầm đục mà như có nắng. Rồi ông cất lời, điệu hò lỉa gỗ vừa quen, vừa lạ vẫn đủ sức xua đi cái nóng bức, ngột ngạt của một buổi trưa tháng 7: “Đông, Đào, Tây, Liễu không ai/ Ngó sau, ngó trước cũng hai đứa mềng/ Dù rằng lên dốc, xuống xài/ Trăm năm đi nữa bạn chớ nghe ai bỏ mềng”

12 tuổi, ông theo những thợ sơn tràng lên rừng đốn gỗ. Cứ mỗi khi con trâu kéo gỗ lên dốc, xuống dốc, ông lại nghe những người thợ sơn tràng cất giọng hò. Nghe miết rồi cũng thấm, dần dà, cậu bé 12 tuổi thuộc lòng mấy điệu hò kia, cả cách lên giọng, xuống giọng, ngân nga, trầm bổng. Càng yêu nghề, càng quý mến con trâu kéo lại càng thấy yêu hơn điệu hò lỉa trâu. Ông bảo: “đời sơn tràng thì con trâu là bạn tâm giao. Mưa gió, ốm đau chi cũng chỉ một mình người với trâu. Nghĩa tình rứa nên không có thợ rừng mô dùng roi đánh trâu cả mà đều dùng câu hò để làm hiệu lệnh. Con trâu biết đứng yên lắng nghe chủ nó hò câu hò kéo gỗ, đến chỗ dứt câu hò nó gồng mình kéo gỗ phăng phăng giữa rừng. Hết đà, mệt quá là dừng lại nghỉ nhưng nghe một câu hò khác thì lại gồng người mà kéo lên.” Nói đoạn, ông lại cất giọng hò. Những nếp nhăn đan chằng chịt trên trán giờ có dịp được giãn ra. Đôi bàn tay thô rám đầy vết đồi mồi thỉnh thoảng lại gõ nhịp xuống chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Ánh mắt người thợ gỗ ấy lấp lánh lắm và giọng hò của ông vẫn còn ngân nga lắm. Hình như, ký ức của hơn nửa đời làm sơn tràng đang dội về trong ông. Gần một thế kỷ biểu diễn giữa sân khấu cuộc đời, giọng hò của ông đã làm mê đắm biết bao người yêu hò khoan nhưng có lẽ với ông, sân khấu lung linh nhất vẫn là giữa mênh mông đại ngàn. Ở đó, điệu hò lỉa gỗ như được chắp cánh để ngân nga hơn, da diết hơn. 

Dòng hồi tưởng về điệu hò lỉa gỗ đang giữa lưng chừng thì giọng nói của ông trầm buồn hẳn: “Tiếc lắm. Bựa ni hiếm người đi gỗ, lại càng ít người dùng hò lỉa trâu ni nữa. Rồi cũng mất đi thôi.” Giọng nói trầm đục của ông rơi tỏm giữa khoảng lặng nhiều xúc cảm. Rồi ông gượng cười, nụ cười móm mém lẩn khuất giữa làn khói thuốc mờ mờ. Hít một hơi thuốc thật dài, ông lão vẫn không ngừng hồi tưởng: “ngày xưa, cứ mỗi khi đi rừng về, mấy đứa con nít trong làng lại theo chân tụi tui để được học điệu hò lỉa trâu. Vì tụi hắn nghĩ cuộc đời rồi cũng sẽ gắn bó với rừng, với con trâu. Đến chừ thì con cháu tụi hắn lại không đứa mô muốn học nữa. Tui sợ tới lúc tụi tui chết đi rồi, thì chắc chẳng còn ai biết được điệu hò lỉa trâu ni nữa o nờ.” Nói rồi, ông lại ném ánh nhìn buồn bã ra giữa khoảng sân đầy nắng.

Nghề sơn tràng đang mất dần, kéo theo đó là điệu hò lỉa gỗ cũng dần mất hút giữa thăm thẳm đại ngàn. Những thế hệ thợ rừng như ông Dũng ngày càng hiếm. Không có nhiều cơ hội để được nghe và được trải nghiệm nên thế hệ trẻ về sau chẳng còn mấy thiết tha với điệu hò đã gắn bó với bao đời ông cha mình. Phải chăng bởi thế mà cho đến khi gần đi hết con đường đời, người thợ sơn tràng ngày nào vẫn nhớ về điệu hò xưa cũ cùng một nỗi đau đáu khôn nguôi?

Đau đáu nỗi niềm

Nhớ lại phút đầu mới gặp, ông Dũng tiếp chúng tôi chẳng mấy mặn mà bởi còn nghi ngại: “thế hệ trẻ như mấy o, mấy chú còn mấy ai ưng nghe mấy điệu hò khoan cũ kỹ nữa”. Rồi dần dà, ông cũng chịu mở lòng. Mà lạ kỳ, càng nhắc đến hò khoan, câu chuyện của ông càng rôm rả. Hỏi ra mới biết, xưa ông Dũng và vợ là bà Nguyễn Thị Hường cũng là thợ hò khoan nổi tiếng một vùng. Không chỉ điệu hò lỉa trâu mà tất cả các làn điệu của hò khoan, ông bà đều hát hay. Và như duyên nợ, cũng chính hò khoan đã lắp ghép cuộc đời hai ông bà khăng khít cho đến hôm nay. 

Ngày trước, nghèo đói, chiến tranh khó khăn là vậy nhưng hò khoan vẫn là món ăn tinh thần, gắn kết bao thế hệ con em xứ Lệ. Trong kí ức của bà Hường, ngay cả những đêm không trăng, chỉ leo lắt một ánh đèn dầu, sân nhà bà vẫn đông đúc người đến để tập hát hò khoan. Ngày đó, người đứng lớp là cụ thân sinh của bà - người nổi tiếng là người hát hò khoan hay, nhất là hát Kiều. Vừa móm mém nhai trầu, bà bồi hồi nhớ lại: “Say nhất là mỗi khi vừa giã gạo vừa hò. Say sưa hò giã gạo đến nỗi mà gạo giã xong rồi lại đổ luôn cả trấu vô giã tiếp. Rồi đi cấy, đi chợ hay mần chi cũng hò, hết hò mái nhì rồi đến mái ba, mái xấp…”. Lục lại ký ức, hai ông bà như được sống lại thời trai trẻ với những buổi hò đối đáp ngay trên sân nhà hay giữa đình làng, bốn phía là biết bao người chăm chú, dõi theo. Rồi cả hai cùng cất giọng hò, điệu hò đối đáp. Giọng bà ngọt ngào, da diết. Giọng ông lại ấm áp, nhẹ nhàng. Điệu hò quê làm hai con người đã gần đi hết đường đời bỗng như được trẻ lại. 

Nhìn cái dáng còm cõi của ông lão, không ai nghĩ rằng dẫu ông đã bước qua cái tuổi 80 nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn lắm. Ông là kho tư liệu sống về tất cả những làn điệu hò khoan Lệ Thủy, nhất là những lời hò cổ. Ông bảo, từ trước đến nay, dù tham gia hội diễn nào ông cũng đều tự viết lời. Ngay cả bây giờ, ông vẫn có thể “xuất khẩu thành…lời hò”. Những ai có nguyện vọng, ông đều giúp họ thu âm lại để được “gìn giữ cho muôn đời sau”. Tâm huyết là vậy nên cứ thấy cảnh con cháu, hay lớp trẻ thời nay yêu tân nhạc hơn cả dân ca, ông lại thấy buồn lòng. “Ngay đến con cái nhà tui, đứa mô cũng hò được nhưng lại không có đứa mô hò hay, mà cũng không có đứa mô đam mê như cha mạ hắn”, ông tỉ tê. Lo sợ điệu hò quê hương sẽ dần bị quên lãng, cách đây bốn năm, dẫu tuổi đã xế chiều, nhưng ông vẫn đứng ra tổ chức một phường hát, rồi mở lớp dạy hò. “Nhưng buồn lắm o nờ. Buồn nhất là những khi đứng trên để dạy, nhìn xuống thấy tụi trẻ ở dưới không tập trung. Tụi hắn chẳng có say mê hát hò chi cả. Rứa là tui dẹp lớp”, ông kể chuyện mà đôi mắt cứ đau đáu, nặng trĩu nỗi niềm. Những nếp nhăn xô nhau lại, đan chằng chịt trên trán, trả lại ông lão vẽ già nua, khắc khổ của tuổi 80.

Trước khi chia tay, nắm chặt cánh tay nhăn nheo của ông lão, chúng tôi khoe rằng kể từ năm học trước, phòng Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy đã đưa hò khoan vào dạy ở các trường học trên địa bàn huyện, giờ đi đến đâu cũng nghe các cháu hò khoan. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, nếu còn những người “truyền lửa” như ông thì sẽ không thiếu những người “giữ lửa” để hò khoan quê hương mãi trường tồn. Ông lão nghe mà mừng lắm. Nụ cười lại móm mém nở trên môi. Nụ cười ấy đủ sức xua đi cái nắng hanh hao của đất trời tháng 7.

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ NGÔ ĐÌNH NHU

Văn Chinh

Ngô Đình Nhu từng được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha  văn thư lưu trữ và Thư viện Quốc gia - quyết định do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký.

Nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Hoa Nhật Khanh có những thành tựu mang tính “hậu trường” của các sự kiện, nhân vật lịch sử. Mới đây ông sưu tầm được các quyết định cho phép ra 40 tờ báo và một văn bản vô cùng quý hiếm do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký như là một bằng chứng của chính sách đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là quyết định bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Kho Lưu trữ công văn và Thư viện Quốc gia.

Câu chuyện của chúng tôi chuyển từ trao đổi tư liệu sang thi nhau ca ngợi Bác Hồ, về sự tài tình của Bác trong khi nền cộng hòa non trẻ của chúng ta mới khai sinh đã bị thù trong giặc ngoài chống đối quyết liệt 1945-1946; về chính sách đại đoàn kết toàn dân của Bác. Tôi đưa tư liệu của mình ra để nhờ ông kiểm chứng cho mối nghi vấn:

- Thưa anh, tôi được biết ông Ngô Đình Diệm đã bị cách mạng địa phương bắt, đưa ra Hà Nội và bị giam ở 44- Lê Thái Tổ, tức tòa soạn báo Hà Nội mới bây giờ. Thế rồi, như tôi nghe nói thì ông ta trốn thoát, khiến tôi nghi vấn. Làm sao có thể trốn thoát nổi, tôi ngờ rằng có thể ta ngầm thả?

Nhật Hoa Khanh nói ngay:

- Thả chính thức, cái này cụ Lê Giản- Giám đốc Sở Liêm phóng (đặt trong Bộ Nội vụ, chứ không tách riêng như về sau) hồi bấy giờ, đã có nói rõ. Theo Lê Giản, Bác hỏi: Bác có nghe ông Diệm đã bị bắt, cho Bác đến thăm. Ông ta dẫu gì cũng là người Việt Nam, thân phụ ông ấy là Ngô Đình Khả, làm đến thượng thư triều đình Huế nhưng đã từ quan vì thấy rõ nó nát rữa. Thân phụ Bác cũng từ quan, các cụ có biết nhau. Sau khi đưa Bác đến 44 Lê Thái Tổ, ông Giản ở ngoài. Chỉ nghe Bác dặn lúc chào tạm biệt: Ngô Đình Diệm làm đến quan đầu triều, chỉ vì đòi thống nhất Nam kỳ vào Bắc và Trung kỳ, nhằm thu hẹp quyền của 3 thống sứ Pháp vào 1 thống sứ tại Huế; đòi không được nên đã từ quan. Người như thế không thể đánh đồng với đám quan lại cũ thối nát. Vả lại, là quan lại cũ, nhưng đã từ quan, nên coi là dân thường. Mà dân thường thì mọi tầng lớp, mọi giới đều nằm trong Việt Minh, không phải là đối tượng của cách mạng nữa.

Tôi ồ lên phấn khích. Tôi dân viết lách nên rất nhanh chóng đã mường tượng ra cuộc gặp giữa Bác và Ngô Đình Diệm hẳn là rất thú vị, phảng phất mầu sắc của các nhân vật lịch sử trong truyện ngày xưa. Tôi không được biết Bác đã nói với ông Diệm những gì, nhưng hẳn là cuộc gặp đã để lại nhiều ấn tượng tốt, nhất là đã giữ lại mạng sống cho ông ta.

Theo hồi ký của tướng Cao Văn Viên, thì vào những lúc cam go nhất của gia đình mình, của chế độ mình, ông đã tìm cách gặp gỡ Hà Nội. Nhưng không thành. Mặc cảm tự ti, sợ mất quyền đã khiến ông bỏ lỡ ngày tổng tuyển cử 1956 theo Hiệp định Geneve, vì ông tin nhận định của Tổng thống Mỹ Eisenhowr sẽ trở thành hiện thực: “Nếu bầu cử bây giờ, (1956) Cộng sản sẽ chiếm 80% số phiếu, ông và cộng sự chỉ có thể chia sẻ số phiếu còn lại với các đảng phái khác”. Và ông đã chết trong ảo tưởng chỉ nhận tiền Mỹ chứ không chịu nhận quân Mỹ rồi mặc sức làm một nhà độc tài của riêng một miền Nam nước Việt. Nhưng thôi, đó lại là câu chuyện khác.

Nền độc tài họ Ngô có nhà tư vấn thiết kế kiêm cố vấn Ngô Đình Nhu, là em áp út của ông Diệm. Ông Nhu sinh năm 1911 tại Huế, tốt nghiệp Trường pháp điển Paris vào những năm 1930. Sau đó về nước làm Giám đốc Văn khố Phủ Toàn quyền Đông Dương rồi Giám đốc Thư viện Bảo Đại. Sau Cách mạng Tháng Tám, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc tại Hà Nội. Đó là tờ Sắc lệnh số 21, ký ngày 8-9-1945 của Chính phủ Lâm thời Nước Việt.

Ông Hoa Nhật Khanh nói:

- Tôi có trong tay bản chụp tờ sắc lệnh ấy, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký thay Chủ tịch Chính phủ.

Tôi đã được xem bản chụp của ông Khanh, đã toan mượn nó để in vào bài viết này, nhưng đó coi như tư liệu gốc của nhà nghiên cứu, mượn sao được, nên thôi.

Ngô Đình Nhu là người thông minh, trác việt. Từ nền tảng Hán học trong một gia đình khoa bảng, ông ta lại có Tây học chính quy; chỉ tiếc ông ta cũng bản vị hẹp hòi chẳng khác gì ông anh Diệm, chống Cộng cực đoan gây nên nỗi đau chia cắt đất nước lâu dài còn chính anh em ông lại bị chết thảm do đấu đá tranh giành quyền bính của các đồng sự. Ông ta đã phản bội lại lòng tin và vị tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cách mạng nên đã bỏ trốn sang Lào rồi về ẩn cư ở Đà Lạt. Là kẻ “trùm mền làm cách mạng” trong khi cả nước mọi tầng lớp nhân sỹ thành phần làm kháng chiến chống Pháp như nhận xét của nhà văn Nguyễn Khải, ông Nhu lại chống Pháp hơn chống Mỹ, còn ông anh Diệm thì ngược lại, như nhận xét của Cao Văn Viên. Thế rồi, năm 1950 Nhu lập ra đảng Cần lao Công giáo, đến năm 1954, khi ông anh làm Thủ tướng của Quốc trưởng Bảo Đại, thì đổi thành đảng Cần lao nhân vị, phát triển rất nhanh trong quân đội. Người ta bảo tên đảng thì mang ý nghĩa vì người cần laonhưng ông trùm đảng này cứ vừa hút thuốc phiện vừa bầy mưu tính kế giúp ông anh giữ vững cái uy quyền của đại gia đình họ Ngô. Mọi diễn văn đáp từ của Ngô Đình Diệm đều phảng phất mùi khói thuốc phiện. (?)

TIẾT LỘ CHUYỆN GIỚI TÍNH CỦA NGÔ ĐÌNH DIỆM

                                                                         Ngô Đình Diệm

Nghi vấn về giới tính của cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Ngô Đình Diệm là một câu chuyện hấp dẫn được báo chí và dư luận đề cập rất nhiều.

Đại gia đình của cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ
Ngô Đình Diệm.

Nghi vấn về giới tính của cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Ngô Đình Diệm là một câu chuyện hấp dẫn được báo chí và dư luận đề cập rất nhiều. Đến nỗi, một số nhân vật “tai to mặt lớn” của chính quyền Sài Gòn cũ và thậm chí cả trùm CIA ở Sài Gòn trước năm 1975 đều dành một phần trong hồi ký để nói về chuyện này.

Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở mức phỏng đoán hoặc nghe gián tiếp chứ chưa một ai có đủ tư liệu để khẳng định. Người viết bài này đã may mắn gặp được một nhân chứng đặc biệt: Ông Nguyễn Hữu Thùy (nay đã hơn 90 tuổi, định cư tại Mỹ), người hầu thân tín của Ngô Đình Diệm và được ông lần đầu tiết lộ những điều mắt thấy tai nghe để hé mở những nghi vấn này.
Bí mật thế kỷ

Cuộc đời của nhân vật Ngô Đình Diệm, tổng thống độc tài, độc thân của chính quyền Sài Gòn cũ có nhiều góc khuất về chuyện tình yêu và tính dục mà dư luận quần chúng, đặc biệt là giới truyền thông đã bàn luận suốt một thời gian dài. Trong những câu chuyện tình yêu của Ngô Đình Diệm, giới truyền thông khi đó đưa ra hai nghi vấn lớn: Ông Diệm là người đàn ông bất bình thường về tính dục? Hay ông Diệm bị “xuôi cò”, trên bảo dưới không nghe? Ngược lại, có những nhân chứng quả quyết ông Diệm từng có tình nhân và đã có một con trai với một phụ nữ Nam Bộ không hôn thú...

Câu chuyện của giới truyền thông đã thu hút sự tò mò của dư luận trong suốt một thời gian dài. Nhiều nhân chứng thân cận với ông Diệm trong phủ tổng thống từ Tướng Trần Văn Đôn (Đeo hàm thiếu tướng, Tham mưu trưởng quân đội dưới thời Ngô Đình Diệm) cho đến Phạm Văn Nhu-cựu chủ tịch quốc hội nền “Đệ nhất Cộng Hòa” của chính quyền Sài Gòn cũ; thẩm phán Nguyễn Cần hay tri phủ Ngọa Thế Cầu (những người bạn của cả gia đình họ Ngô), Phạm Văn Nhu (bạn học thời niên thiếu) và thậm chí cả trùm CIA tại Sài Gòn khi đó là tướng Lansdale cũng đã lên tiếng qua các phương tiện truyền thông hoặc trong hồi ký về chuyện này.

Lansdale, trùm CIA ở Sài Gòn một thời đã viết trong hồi kỳ rằng: "Khi tôi đề nghị với Diệm về việc đi nghỉ mát ở bờ biển, Ngô Đình Diệm không chịu đi. Tôi biết có một ngôi biệt thự của chính phủ giữa một rặng thông trên bãi biển ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) rất tiện đường xe từ Sài Gòn ra. Nơi đây là một địa điểm nghỉ mát lí tưởng. Dù Diệm không có ý kiến rõ rệt, nhưng gia đình Diệm ai cũng hăng hái với đề nghị này. Chỉ vì không muốn phá bỏ bầu không khí vui vẻ của mọi người trong gia đình, nên đã đồng ý đi nghỉ cuối tuần. Dẫu vậy, nhìn vẻ mặt Diệm chẳng thấy vẻ hài lòng khi đưa ra quyết định đó. Trong chuyến đi ấy, cận thần đã mang cho Diệm mấy cái quần tắm, nhưng ông ta không thích dùng mà chỉ dùng đồ lót của mình. Nhiều người rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Diệm chỉ mặc loại quần lót dài thời xưa, dài quá đầu gối”.

Cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Ngô Đình Diệm.

Trong hồi ký của tướng Trần Văn Đôn kể rằng: Những buổi tối rảnh rỗi Ngô Đình Diệm thường gọi một số người thân cận vào dinh để ngồi nói chuyện chính trị, chuyện riêng tư của ông cho họ nghe. Tướng Lê Văn Tỵ, Trần Văn Đôn và Văn Thành Cao là những người hay được ông Diệm đột ngột triệu tập vào dinh, có khi sau 10 giờ đêm. Qua những câu chuyện đó, họ lờ mờ đoán rằng ông Tổng thống đầy quyền lực một thuở không lập gia đình, có lẽ do thời niên thiếu và cả lúc trưởng thành đã được chứng kiến cảnh vợ chồng bất hòa, cảnh bà vợ hỗn láo với các ông chồng. Nguyên nhân nữa là do Ngô Đình Diệm không thể nào quên được mối tình đầu với tiểu thư Trang Đài (con gái út của quan tuần triều Nguyễn) đã đi tu trong một dòng tu kín ở Sài Gòn, nên sau này ông Diệm tự dưng cảm thấy ngán lấy vợ nên chỉ sống độc thân cho đến lúc về với thế giới bên kia.

Nhân chứng đặc biệt lên tiếng

Nghi vấn mối quan hệ bí mật với em dâu Trần Lệ Xuân

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thùy không nói cụ thể vì “làm người hầu cho Tổng thống tốt nhất không nên tò mò những chuyện như thế kẻo hại vào thân”. Tuy nhiên, theo ông Thuỳ “Nếu có chuyện vụng trộm thì không thể trách ông Diệm vì ông Diệm là người đàn ông bình thường, lại cô đơn chiếc bóng, thì có ngã gục trước người đẹp là không tránh khỏi”. Dạo Trần Lệ Xuân chế ra mẫu áo cổ thuyền, tức áo để hở cổ đến vai, thì ông Thuỳ có nghe mẩu đối thoại giữa tổng thống và bà cố vấn như sau: “Thím không nên mặc áo để hở cổ ra như vậy!”. “Trời Sài Gòn nóng quá, em mặc vậy cho mát. Anh đừng lo”.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có một câu thơ đại ý: Đời người chỉ được phán xét khi “tiếng gỗ chạm săng”, tức tiếng gõ đóng nắp quan tài. Câu này quả đúng với trường hợp của ông Diệm. Lúc ông Diệm còn sống và đương chức, người ta còn bàn tán dè dặt chuyện thâm cung bí sử vì ngán đám mật vụ tay sai nhà Ngô. Nhưng khi ông ta bị nhóm tướng lãnh thân cận đảo chánh và giết chết thì tha hồ người ta, nhất là báo giới Sài Gòn, bàn tán sôi nổi về đủ thứ chuyện thâm cung bí sử của gia đình họ Ngô. Trong đó chuyện về tình yêu, tính dục của Ngô Đình Diệm được khai thác tối đa. Có một bài báo trên tờ Thẳng Tiến (của giới Công giáo khi đó) do tác giả có bút danh Tú Gàn (Thẩm phán Nguyễn Cần) quả quyết: Sau khi hạ sát anh em Diệm-Nhu, tướng Dương Văn Minh (người cầm đầu cuộc đảo chính) cũng tò mò và ra lệnh… vạch quần Diệm ra xem có “cái đó” không. Nhưng khi mục kích tận mắt, thấy Diệm cũng là đàn ông bình thường, thì quay mặt bỏ đi, để lại đám sĩ quan đứng nhìn nhau, tủm tỉm cười”.

Mặc dù không có mặt vào điểm kể trên nhưng ông Nguyễn Hữu Thùy, người hầu cận tin cẩn suốt thời gian Ngô Đình Diệm làm tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ cũng xác nhận ông Diệm là người đàn ông bình thường về mặt cơ thể. Ông Nguyễn Hữu Thuỳ năm nay đã đã ngoài 90 tuổi, hiện định cư tại Mỹ và có chuyến về thăm quê ở Đốc Sơ, Hương Trà, Thừa Thiên- Huế gần đây. Do có quan hệ gia đình (thông gia), nên người viết bài này đã có dịp theo chân ông vào thăm lại dinh Độc Lập, ra Bạch Dinh-Vũng Tầu vừa đi vừa chuyện trò. Khi nhắc đến chuyện “tế nhị” kia, thì ông Thùy dừng bước, xúc động nói rằng: “Họ đồn đoán không đúng”.

Ông Nguyễn Hữu Thuỳ kể: “Lúc máy bay ném bom dinh Độc Lập (do phi công Nguyễn Văn Cử ném năm 1962), chính tui là người dìu đỡ ông xuống gầm giường. Thường ngày ông uy nghi bao nhiêu thì khi có tiếng bom nổ ông rét run rồi đúng như câu “sợ són đái”, đứng lên không vững, ông phải dựa vào tui để thay quần, nên tôi thấy rõ…”. Là người hầu nhưng do Ngô Đình Diệm không có vợ con nên mọi sinh hoạt hàng ngày đều một tay ông Thuỳ đảm nhiệm. Và theo ông Thuỳ thì từ quần áo đến những vật dụng khác của ông Diệm đều như những người đàn ông bình thường. Chỉ có điều, đúng là ông Thuỳ không thấy ông Diệm có quan hệ mật thiết với người phụ nữ nào nhưng có thể do một nguyên nhân khác: đó chính là đứa con rơi mà Ngô Đình Diệm dùng từ “hòn máu tội lỗi”.

Sau này, Ngô Đình Cẩn là em út của ông Ngô Đình Diệm cũng cho biết: Ngay từ hồi còn niên thiếu, ông Diệm đã không thích gặp hay trò chuyện với bất cứ người đàn bà, con gái nào trừ mẹ và chị em ruột trong gia đình. Cứ mỗi lần có ai tới thăm mà đem theo con gái là y như rằng Ngô Đình Diệm lẩn mặt khó ai mà có thể thuyết phục ông ra chào hay là tiếp khách. Mọi người trong gia đình thấy Diệm đã lớn tuổi nên ra sức khuyên bảo và nhiều lần bàn đến chuyện vợ con cho ông Diệm. Nhưng lần nào cũng vậy ông đều gạt đi rồi giải thích theo lí của riêng mình: "Tôi còn phải để thì giờ, ý chí, nghị lực làm nhiều việc trọng đại khác chứ không thể phí phạm cho một người đàn bà".

Đường Thiên Lý

SỨC SỐNG MỘT LÀNG NGHỀ

Diệu Hương 

BBT: Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết của con dân Lệ Thủy mới gửi cho chúng tôi. Diệu Hương hiện đang công tác ở trường Chu Văn An, Đồng Hới. Rất cám ơn tác giả và trân trọng tình yêu quê hương của bạn.

Giữa buổi trưa hè, bên những lò nung hừng hực lửa đỏ, những người thợ rèn vẫn chăm chỉ mài, dập những thanh sắt nung, mặc cho cái nắng tháng sáu vẫn như thiêu như đốt. Hình ảnh quen thuộc ấy đã trở thành những ấn tượng khó phai với những ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất nằm bên tả ngạn sông Kiến Giang - làng Hoàng Giang, thuộc xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi một thời nổi tiếng với nghề rèn truyền thống.

“Giàu nhà Phan – Quan Nhà Vàng”

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông trưởng thôn Hoàng Anh Hiếu, tự hào khoe với chúng tôi cuốn tài liệu nghiên cứu về lịch sử làng của ông Võ Như Liệu. Theo những trang viết đầy tâm huyết của ông, làng rèn Hoàng Giang xưa kia từng được vua chúa nhà Nguyễn gọi vào kinh đô Huế để tổ chức xưởng đúc đạn, giáo gươm. Trong quá trình phát triển hưng thịnh ngày ấy, làng được mệnh danh là làng rèn Nhà Vàng, được biết đến như một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo và bền chắc. Quan chức của làng Hoàng Giang thời ấy phần lớn đều xuất thân từ thợ rèn có tay nghề tinh xảo. Khi nghề rèn được coi là “bách công cư kỳ thủ”, là nghề đứng đầu trong tất cả mọi nghề, làng rèn Nhà Vàng càng được nhân dân khắp nơi biết đến và tìm tới để đặt mua sản phẩm. Nghề rèn được truyền từ đời này sang đời khác. Đi đến đâu cũng nghe tiếng mài, dập sắt và cứ thế, “cha truyền con nối”, những lò nung vẫn đỏ lửa từ suốt bao đời nay. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, nhân dân Hoàng Giang, người tham gia chiến đấu, người ở lại miệt mài với công việc rèn đúc vũ khí phục vụ chiến trường, nông cụ sản xuất. Những cụ già trong làng tự hào kể lại “có những khi thanh niên, trai tráng trong làng đi chiến đấu hết, làng chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con, nhưng chưa bao giờ mấy lò rèn tắt lửa.”. Vào thời điểm ấy, hầu như nhà nào cũng có một lò rèn và nghề rèn trở thành nghề kinh tế chính của tất thảy những hộ dân nơi đây. Những sản phẩm phục vụ sản xuất như cuốc, cày, liềm, xẻng… cứ thế tỏa đi khắp nơi, tiếng tăm của làng càng được nhiều người biết đến. Trong những năm 1959 đến 1975, làng rèn Hoàng Giang là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp huyện nhà. Sau suốt hơn 2 thế kỷ hình thành và phát triển, nghề rèn của làng Hoàng Giang đã có những đổi thay, thăng trầm theo suốt chiều dài của lịch sử. 

Giữ lửa cho mai sau

Gấp lại tập tài liệu truyền thống của làng, chúng tôi theo chân ông trưởng thôn đi thăm mảnh đất từng được vua nhà Nguyễn mệnh danh là Nhà Vàng, từng là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Lệ Thủy thời bấy giờ. Mảnh đất này đã thực sự thay da đổi thịt. Những mái nhà cao tầng mọc lên bên bờ sông Kiến như một minh chứng cho một sự đổi thay, vươn lên từng ngày. Vẫn còn đó những lò rèn cũ xưa nhưng những lò nung thì đã nguội lạnh, dường như từ lâu lắm rồi, lửa đã không còn được nhóm lên. Nhiều hộ gia đình tuy đã đổi nghề nhưng vẫn giữ lại những lò rèn cũ xưa ấy như một chút hoài niềm về một nghề đã từng gắn bó máu thịt với bao đời ông cha họ. Làng hiện có 173 hộ nhưng chỉ còn vẻn vẹn 6 hộ bám trụ lại với nghề rèn truyền thống. Có những hộ đã 5, 6 đời theo nghề này nhưng con cháu của họ hôm nay cũng đành phải bỏ nghề. Hỏi ra mới biết, nghề rèn được coi là nghề khá vất vả và độc hại. Người thợ rèn một khi đã vào lò là đồng nghĩa với việc phải chịu cùng lúc sức nóng đến rát da của lò nung, tiếng ồn đến đinh tai của kim loại và cả sự bụi bặm, chói mắt từ rất nhiều công đoạn dập, rèn. 

Cái nhọc mệt của nghề cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến nghề rèn mất dần đi sự quan tâm của con em trong làng. Không nối nghiệp ông cha, phần lớn lớp trẻ của làng rèn đi theo con đường học vấn, số còn lại thoát li bằng nhiều nghề khác nhau, không mấy ai hào hứng với nghề rèn truyền thống. Từ năm 2004 cho đến nay, cả làng chỉ còn lại 6 lò rèn hiện vẫn đang hoạt động. Nghề rèn của làng có nguy cơ mai một dù thu nhập từ nghề này cũng không phải là ít .

Trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, tất cả các lò phải đỏ lửa làm việc cả ngày lẫn đêm. Bởi đó là thời điểm sản xuất các sản phẩm cuốc, xẻng…phục vụ cho thu hoạch vụ mùa. Trung bình mỗi vụ, một lò rèn làm được chừng 1000 sản phẩm, đem đến nguồn thu nhập từ 12 đến 14 triệu đồng. Đến thăm lò rèn của gia đình anh Lê Trường Đính, một trong sáu lò rèn hiếm hoi hiện vẫn đang đỏ lửa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những công đoạn nhọc mệt để làm nên một sản phẩm rèn hoàn chỉnh. Vất vả là vậy, nhưng theo anh Đính thì “mình không phụ nghề nên nghề cũng không phụ mình, hằng năm, gia đình cũng kiếm được một khoản thu nhập kha khá từ nghề này.” Là đời thứ tư trong gia đình theo nghề rèn, tuy mới 34 tuổi nhưng anh Đính đã có thâm niên 23 năm trong nghề. Anh tâm sự: “muốn mở rộng sản xuất để sau này còn truyền nghề lại cho con cháu nhưng không có vốn, kể cả các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nghề truyền thống”. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể so với thời kì trước nhưng nghề rèn ở Hoàng Giang hiện nay phần lớn được thực hiện bằng thủ công. Một phần vì xuất phát từ đòi hỏi nghề nghiệp, một phần cũng bởi họ chưa có đủ điều kiện vốn liếng để đầu tư thiết bị, máy móc. Theo ông trưởng thôn và chủ những lò rèn tại đây thì nhiều dự án của Trung ương và địa phương đã được xây dựng nhằm mở rộng và phát triển nghề rèn truyền thống. Thế nhưng, tất cả chỉ mới dừng lại trên giấy tờ. Người dân vẫn không được đầu tư vốn để mở rộng sản xuất, nhiều lò rèn vẫn mang hình thức sản xuất thủ công, manh múng. 

“Hướng đi nào để phát triển làng nghề truyền thống?”. Trả lời câu hỏi ấy của chúng tôi, ông Lê Văn Du, chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho rằng việc phát triển làng nghề truyền thống đã được UBND xã đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội nhưng để có được những bước đi và kết quả cụ thể thì cần thêm một thời gian nữa. Cũng theo ông, hiện tại, trong những nổ lực để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống này thì việc duy nhất mà chính quyền xã có thể làm là tích cực giáo dục cho lớp trẻ hiểu rõ giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời động viên họ tiếp tục giữ gìn và phát triển làng nghề. 

Trước sức ép của nền kinh tế thị trường, muốn vực dậy một làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một cần có sự hợp sức của chính quyền và người dân địa phương. Tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư để cải tiến kỹ thuật và mở rộng sản xuất là bước tiến quan trọng để khôi phục và phát triển lại làng nghề đang dần đi vào bế tắc.

THÁNG 7, THÁNG CỦA NHỮNG ƯỚC MƠ


Nguồn : trái Tim có nắng


Chào em, Tháng Sáu nồng nàn!
Tháng Năm, xin chào những thương yêu!
Tháng Tư, mang anh đi cùng gió...
Chào tháng Ba thân thương...
Xin chào, tháng hai mùa yêu!

Tháng 7 về trên con đường vào ngõ vắng và hạt mưa chiều đọng lại từng khe cửa sổ, nắng và mưa thay nhau chiếm ngự trong những ngày cuối tuần.
Thời gian đang dạo bước qua những ngày đặc biệt nhất của tháng 7…
Tháng 7 về trên con đường vào ngõ vắng và hạt mưa chiều đọng lại từng khe cửa sổ, nắng và mưa thay nhau chiếm ngự trong những ngày cuối tuần.
Tháng 7, màu đỏ của hoa phượngtím ngắt của những cánh bằng lăng đã nhuộm lên tường khoảng không gian, từng góc phố, từng con đường những vệt màu kì diệuhoàn hảo khắp mọi nẻo đường,đâu đâu cũng ánh lên sắc đỏ lựng, đầy sức sống của từng chùm, từng chùm hoa, cứ ôm ấp và bao dung cả cái thân thể gầy guộc mà xương xẩu cúa cây phượng.
Sắc tím đến nao lòng của hoa bằng lăng cứ thôi thúc và thách thức ánh mắt của những kẻ - lỡ đã để lại một chút ít vấn vương trên những cánh mỏng manh mà biêng biếc màu của nhớ nhung ấy!
Những ngày tháng 7, ngày mà các sĩ tử bắt đầu cho cuộc hành trình chạm vào ước mơ của mình tronglo lắng, bồn chồn, lẫn háo hức, rộn ràng khó tả những ngày thi Đại Học ghi dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời mình và những tâm sự qua dòng nhật kí viết vội…
“ Tháng 7 ngày hè nóng nực và mệt mỏi. Tất cả dường như càng căng thẳng hơn khi kì thi đại học tới ngày một gần hơn. Tôi bắt đầusuy nghĩ về kì thi quan trọng nhấttrong cuộc đời học sinh của mình.
Tôi nghĩ về những ngày học liên tục 12 tiếng, những bữa cơm vội vã cho ca học cấp tốc, tập đề thi dày lên từng ngày cùng tiếng cườingày một vơi đi trong nỗi lo thất bại. Tôi hạnh phúc hơn nhiều bạnbè của mình vì được phép chọn con đường sẽ đi nhưng tôi khôngđược phép thất bại, tôi là niềm hi vọng của gia đình, của người thân, là bước đi trước lứa em của đại gia đình. Mọi người nín lặng chờ đợi và cầu chúc cho tôi…”
Tháng 7, mùa tình nguyện, mùa của sức trẻ, trên từng nẻo đường in dấu những bước chân tình nguyện. yêu lắm màu áo xanh tìnhnguyện, Màu áo trẻ với bao sục sôi, nhiệt huyết tuổi thanh xuân, góp nên màu xanh cho quê hương đất nước. Hôm nay, ta khoác lên mình màu áo xanh ấy mà tự hào, hạnh phúc.
Hạnh phúc bởi mình có thể cống hiến nhiệt huyết, sức trẻ dựng xâynhững công trình có ích cho đời. Hạnh phúc bởi ánh mắt trẻ thơ long lanh bên con chữ ngày hè.
Hạnh phúc bởi tấm lòng người dân vùng quê nghèo mộc mạc mànghĩa tình. Mái nhà tranh đơn sơ lành lặn, ấm áp, thím hai cùng đàncon nhỏ quây quần dưới cơn mưadầm làm ta hạnh phúc tràn dâng. Và hạnh phúc khi thấy làng quê mình tươi đẹp hơn sau mùa chiếndịch. Những con đường đan thẳng tắp nâng bước chân em tung tăng đến trường ….
Và ở đâu đó, ta nghe tiếng đàn và tiếng hát rộn vang lời ca của những sinh viên tình nguyện “ Bàica sinh viên ta hát, có nắng ấm ban mai ửng hồng. Tuổi sinh viên theo năm tháng, trang giấy trắng ước mơ tràn đầy. Hàng me xôn xao cây lá, có tiếng hát vút cao trời mây. Đàn chim hôm nay đã lớn, ta sẽ nhớ mãi sân trường này…” 

Tác giả: Hạ Băng.