TIẾN SĨ HOÀNG HỐI KHANH VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA ÔNG TRONG CÔNG CUỘC KHAI KHẨN, TẠO DỰNG ĐẤT LỆ THỦY

PGS-Ts Nguyễn Thị Phương Chi

                 Đền thờ tiến sĩ Hoàng Hối Khanh tại Thượng Phong ( Phong Thủy - Lệ Thủy)
Hoàng Hối Khanh, người xã Bái Trại, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nay là xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Ông thi đỗ Thái học sinh năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phú thứ 8 ( 1384 ) đời Trần Phế Đế. “Mùa xuân tháng 2, Thượng hoàng thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, cho bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh 30 người thi đỗ”. Về năm sinh của ông, chỉ có sách “Lịch đại đăng khoa” ghi ông đỗ năm 23 tuổi. Nếu theo lịch này mà suy ra thì có thể ông sinh năm 1362 ( tính theo âm lịch ) và mất năm 1407. Ông làm quan phục vụ cho 2 triều Trần – Hồ.

Sau khi đỗ tiến sĩ, ông được triều đình điều vào huyện Nha Nghi ( tức huyện Lệ Thủy ngày nay ). Huyện Lệ Thủy, thời nhà Lý thuộc châu Địa Lý ( Lâm Bình ). Thời Trần “ huyện Lệ Thủy đặt làm huyện Nha Nghi. Hiện huyện Lệ Thủy ở về miền Đông Nam tỉnh Quảng Bình. Thời Lê đổi huyện Nha Nghi thành huyện Lệ Thủy, thời Nguyễn vẫn giữ tên đó và tồn tại đến ngày nay.

Có thể khẳng định, vai trò và những đóng góp của Hoàng Hối Khanh đối với Quảng Bình trên hết là việc mở đất, di dân, giữ vững an ninh, quốc phòng của miền biên viễn phía Nam đất nước Đại Việt thời Trần.

Vùng đất Nha Nghi – Lệ Thủy lúc bấy giờ còn hoang vắng, lại luôn phải đối phó với các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành. Vì vậy, triều đình thường cử những người tài giỏi trấn giữ những vùng đất trọng yếu của đất nước. Hoàng Hối Khanh là một trong số đó. Khi vào tới vùng đất biên viễn xa xôi hẻo lánh này, ông đã thăm dò và nhận ra rằng vùng đất ở ngã ba sông Bình Giang và Ngô Giang này ( vùng xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy ), nơi địa thế có song, có núi, có đất đai phì nhiêu, có biển Đông ( hiện nay là phía đông huyện Lệ Thủy bờ biển dài 30km ) lại có thành Ninh Viễn ( còn gọi là thành nhà Ngo hay thành Chàm) vốn là thành của Chiêm Thành xây dựng trước đây. Một tòa thành mà “ sông Bình Giang đi qua phía trước, sông Ngô Giang án ngữ phía sau. Đến phía Tây Bắc thì làm một. Thành ấy ba mặt giáp sông, một mặt giáp núi chính là bậc vương công đặt thành ở chỗ hiểm…” Hoàng Hối Khanh đã dung thành này vừa làm lỵ sở vừa làm căn cứ quân sự. Sau đó, ông trở ra Thanh Hóa, Nghệ An chiêu tập dân của 12 dòng họ cùng vào khai hoang lập ấp. 12 dòng họ gồm họ Hoàng, Phạm, Trần, Lê, Thân, Khổng, Đào, Phan, Diệp, Bạch, Nguyễn, Võ. Những người này cùng với dân số sở tại, gồm tù binh Chiêm Thành và người Việt được đưa vào từ thời Lý Thánh Tông, sau khi tiếp quản vùng đất này. Họ hợp thành lực lượng lao động sản xuất chính để khai khẩn đất hoang, lập điền trang.

Thời Trần, vào cuối thế kỉ XIV, thời kì kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khan, quốc khố có lúc trống rỗng. Thêm vào đó là nạn Chiêm Thành từ biến giới phía Nam tấn công liên tục vào đất nước Đại Việt. Nếu chỉ tình từ năm 1362 đến 1391 thì đã có tới 15 lần Chiêm Thành tổ chức tấn công Đại Việt. Trong đó có 3 lần chúng tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long và 1 lần tiến đến Quảng Oai, uy hiếp Thăng Long. Chỉ đến khi Thượng tướng Trần Khát Chân giết chết Chế Bồng Nga trên song Hải Triều ( tức song Luộc ) năm 1390, sau đó quân Chiêm Thành không dám tấn công Đại Việt nữa. Hoàng Hối Khanh với trọng trách không chỉ lo phát triển kinh tế mà còn làm sao để tạo nên một lực lượng quân đội mạnh phòng khi có chiến tranh. Ông đã phân chia số người này ra làm ở nhiều khu vực xung quanh thành Ninh Viễn để khai khẩn. Theo gia phả một số dòng họ ở làng Thượng Phong ( xã Phong Thủy ) thì diện tích khai khẩn được là 500 mẫu ở cánh đồng Thượng Phong ngày nay.

Cùng với quá trình khai hoang là quá trình lập làng. Chỗ đất tốt cao ráo được chọn để ở. Làng mới lập gọi là Kẻ. Ví dụ:

Kẻ Tiểu là làng Thượng Phong, xã Phong Thủy
Kẻ Đợi là làng Đại Phong, xã Phong Thủy
Kẻ Tuy, thuộc xã Lộc Thủy
Kẻ Thá, thuộc xã Lộc Thủy
Kẻ Chền, thuộc xã Xuân Thủy
Kẻ Soi là làng Xuân Hồi, xã Liên Thủy
Kẻ Chầu là làng Quảng Cư.
Kẻ Tréo ( chợ Tréo ) là Cổ Liễu

Đến thời Lê, kẻ Tiểu, kẻ Đợi đổi thành Tiểu Phúc Lộc và Đại Phúc Lộc. Trong “ Ô châu cận lục”, Dương Văn An còn chép rõ tên hai làng này. Kẻ Tiểu – Tiểu Phúc Lộc – Thượng Phong là một làng của xã Phong Thủy, trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy ở làng này trước đây là nơi tập trung của 12 nhà thờ của 12 dòng họ từ khi Hoàng Hối Khanh chiêu tập và có lẽ kẻ Đợi cùng kẻ Tiểu là trung tâm khai khẩn đầu tiên. Tất cả những người này lúc đầu chủ yếu đều làm nông nghiệp. Dần dần, do yêu cầu của cuộc sống cộng với điều kiện thiên nhiên, nguyên liệu sẵn có ở địa phương một số làng nghề ra đời như làng chài, làng thủ công ( dệt chiếu, vải vóc), làng làm gốm, làng rèn. Những làng này không phải được ra đời từ các dòng họ, mà dương như nó được trộn lẫn giữa các cư dân của các dòng họ.

Trong điền trang của Hoàng Hối Khanh, nghề làm ngoài trời và nghề làm trong nhà được phân biệt bằng các Kẻ và Nhà. Nghề làm ngoài trời được gọi là các Kẻ như Kẻ Tiểu, kẻ Đợi, kẻ Tuy, kẻ Thá, kẻ Soi, kẻ Tréo…. Nghề làm trong nhà được gọi là các Nhà như nhà Phan, nhà Vàng, nhà Mòi, nhà Ngo…. Những Kẻ và những Nhà này không rõ ra đời từ khi nào nhưng hiện nay vẫn được dân địa phương quen dùng. Đời sống trong các làng này, phong lưu hơn cả vẫn là nghề làm nông. 

Hoàng Hối Khanh khuyến khích dân khai hoang lây đất cấy lúa. Bởi làm nông nghiệp không chỉ lấy thóc lúa nuôi dân mà còn tích trữ đề phòng khi có thiên tai, địch họa. Nó cũng thể hiện chính sách chung: “trọng nông” của các triều đại phong kiến Việt Nam. Vấn đề khẩn hoang ở Lệ Thủy không chỉ dừng lại ở thời cuối Trần, Hồ, mà sau đó, đến thời Lê sơ, công cuộc khẩn hoang ở Lệ Thủy vẫn được tiếp tục. Ba ông: Thái bảo Thanh quận công ( không rõ tên ), Cai tri phó tướng Võ Khê hầu ( không rõ tên ), Tri phủ họ Trần ( không rõ tên ) được triều đình nhà Lê giao cho trị nhậm vùng Lệ Thủy, thực hiện sứ mệnh ổn định vùng biên giới và tiếp tục điều hành dân khai khẩn ruộng hoang trên quy mô cả nước. Ông Thái bảo Thanh quận công đưa dân đến vùng hoang dã, cách Thượng Phong khoảng 10km về phía Nam khẩn được vùng đất khoảng 30 mẫu. Đất đó ngày nay là cánh đồng Hạc Lấp ( hay còn gọi là Bốn Cừ ). Ông cai tri phó Võ Khê hầu đưa dân đến vùng An Mã ( Mã Yên ) biến núi rừng rậm rạp thành đất ruộng, được khoảng 90 mẫu ( nay là vùng Ba Canh ) cách Thượng Phong khoảng 18km về phía Tây. Hai vùng đất Bổn Cừ và Ba Canh đã có lần từng là nơi vua Lê Thánh Tông và Thái Bảo Thanh Quận công đóng quân trong cuộc chinh chiến với quân Chiêm Thành. Vùng Ba Canh đồi núi rậm rạp, dân đến khai phá lập ra phường mới lấy tên là phường Tiểu. Vì dân Tiểu lên đó khai hoang lập ra phường mới mà vẫn lấy tên là của làng gốc “kẻ Tiểu”. Ông tri phủ họ Trần, sách “ Ô châu cận lục” chép: “Ông người Phúc Lộc, huyện Lệ Thủy, giữ chức Tri binh dân sự phủ Tân Bình. Đền thờ ông ở xã Tiểu Phúc Lộc….”Ông tri phủ họ Trần cùng hợp tác với hai ông Thanh quận công và Võ Khê hầu trong việc điều dân khai khẩn. Ba ông đã có công tổ chức khẩn hoang, mở rộng diện tích canh tác cho dân làng ( được 120 mẫu ). Nên hiện nay cả ba ông đều được dân gọi là ba ông hậu khai khẩn, cùng với ông tiền khai khẩn – Hoàng quận công – Hoàng Hối Khanh đều được dân làng thờ làm “thần nhân” của làng. Ở Phong Thủy ( huyện Lệ Thủy) dân làng thường nói thần làng ta là vị tiền khai khẩn và hậu khai khẩn, chứ không phải là tiền khai khẩn và hậu khai canh là có nguyên do như thế.

Một quá trình khai khẩn đất hoang liên tục từ cuối thời Trần và được triều Lê sơ tiếp nối ở đất Lệ Thủy, một lần nữa thể hiện chính sách chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp của các vị vua Trần và Lê sơ, là cơ sở tang cường tiềm lực về quân sự, chính trị của vùng đất miền biên giới phía Nam của đất nước Đại Việt được thừa kế từ thời nhà Lý ( 1069 ).

Điền trang của Hoàng Hối Khanh với diện tích khai khẩn được 500 mẫu, một điền trang khá rộng lớn có 1 trung tâm chỉ huy – thành Ninh Viễn ( vị trí của thành hiện nay nằm trên địa bàn của 2 làng Uẩn Áo và Quy Hậu ). Trong thành ngoài thị, cách thành khoảng 2km là chợ Tréo. Ba mặt xung quanh thành ( trừ mặt dựa vào núi ) là Kẻ Tiểu và Kẻ Đợi.

Kẻ làm nông nghiệp chiếm đa số. Kẻ đánh cá hay làng chài gọi là kẻ Soi ( làng Xuân Hồi nay ), một số Nhà làm nghề như nhà Phan ( Phan Xá) làm nghề rèn và đúc vũ khí thô sơ, gương giáo, dao…Nhà Vàng ( Hoàng Giang) chuyển sản xuất công cụ lao động như lưỡi cày, cuốc, liềm hái….Nhà Mòi ( Xuân Lai ) chuyên dệt vải và trồng chăn nuôi tằm. Nhà Ngo ( Uẩn áo ) chuyên sản xuất đồ gốm như nồi niêu, ấm đất…phục vụ cho cuộc sống của nhân dân trong điền trang.

Nguồn: Hội thảo khoa học về danh nhân Quảng Bình
Nguyên Hoàng sưu tầm, giới thiệu.

QUY HẬU - LÀNG NGHỀ NÓN LÁ




  Nghề làm nón được du nhập về làng Quy Hậu chưa lâu - khoảng bảy tám chục năm nay, nhưng nó đã phát triển nhanh chóng, gìn giữ thành nghề truyền thống của làng.

  Đến nay, cả làng Quy Hậu nhà nào cũng làm nón, già trẻ, gái trai đến buổi nông nhàn lại bắt tay vào làm nghề nón. Nghề nón có lợi thế là có thể làm bất cứ lúc nào, sáng, trưa, chiều, tối hẽ cứ rảnh rang là người ta làm nón. Nghề nông, ngư đều gặp trở ngại khi thời tiết không thuận, nhưng nghề nón dù trời mưa rét, lụt lội chẳng can cớ chi. Việc không cần sức lực mà chỉ cần khéo tay nên người già, con trẻ  đều có thể trở thành lao động chính.  Ngay cả chị em có con nhỏ dại vừa ru con vừa làm nón vẫn được việc. 

  Nhờ bảo tồn được nghề, trong lúc nhiều làng nghề khác của Lệ Thủy đã mai danh, ẩn tích, năm 2008, Quy Hậu là một trong ba làng ở Lệ Thủy được UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng công nhận LÀNG NGHỀ (cùng với làng An Xá: Chiếu cói; Xuân Bồ: Đan lát)

  Nghề nón lợi nhuận không cao, nhưng nhà nào cũng có thêm thu nhập, có thêm tiền tiêu vặt, tiền đóng góp cho con đi học. Ở Lệ Thủy có câu thành ngữ: “Lúa vào rồi lại lúa ra” ý nói làm nông không có tích lũy. Ấy vậy nhưng, với nghề nón là “Tích tiểu thành đại”, nhà nào nhiều lao động làm nón là có của ăn của để. Có nhà, mỗi ngày làm ra 5-7 cái nón, giá chi phí bình quân mỗi cái chỉ 10.000 đồng. Nếu nón đẹp, mang ra chợ, mỗi cái bán được 40.000 – 50.000 đồng. Cả làng, mỗi ngày làm ra hơn 500 cái nón, thu về một khoản tiền không nhỏ.
  

Ông Lê Văn Khuyên, một nhà nghiên cứu về Lệ Thủy đã viết về nón Quy Hậu như sau: “Nón Quy Hậu không được thanh mảnh, nhẹ nhàng, nhưng nó có vẻ đẹp riêng: chắc chắn, sắc sảo, thanh lịch, khỏe khoắn, ẩn dấu trong mình một vẻ đẹp bền chắc, có tuổi thọ gấp đôi nón ở nhiều nơi khác”.

  Trước đây, nghề làm nón cũng khá vất vả, người làm nón phải tự mình đi mua vật liệu ở nơi xa và từ nhiều nơi. Tre Lồ ô thẳng dóng để làm vành phải lên Châu, Lê, chợ Động (Đôộng), Tâm Duyệt thượng, Tâm Duyệt hạ…. xa 5-10 km, vác bộ về nhà mới pha chế. Mốc chằm phải đi mua tận Cùa, Ba Lòng của tỉnh Quảng Trị. Lá nón phải đi lấy trong rừng sâu, phải phơi cho được nằng, là phẳng bằng lưỡi gang nung nóng. Nhiệt độ phải vừa để lá không bị sém, vàng, giữ được màu trắng xanh tươi non. Cái nón làm ra lại phải đi bán ở các chợ xa chứ ở chự huyện không tiêu thụ hết.

  Nay nhờ cơ chế mới, mỗi nơi đảm nhiệm một khâu, vật liệu có người mua về bán lại ngay tại chợ Đò Cầu không phải đi xa. Nón lá làm ra có chủ thầu mua rồi họ tự đưa vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Nghề nón bây giờ đã có sự liên kết "3 khâu" rõ rệt: Vật liệu có người đưa về bán tận làng. Sản phẩm có người đưa đi bán nơi khác. Người làm ra nón chỉ việc lo làm cho đẹp theo mẫu mã thị trường ưa chuộng.

  Ngược dòng lịch sử, nghề nón ở Quy Hậu còn ghi chép được thủy tổ làng nghề của mình. Theo như các cụ già kể lại: Người đầu tiên phát hiện “lợi ích” nghề nón là hai ông Nguyễn Văn Dỵ (thường gọi là ông Bộ Chiêm), và ông Đỗ Bá Mỡn (thường gọi là ông thợ Giồng) vào khoảng năm 1905 – 1906. Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) may thuê. Chợ phiên Ba Đồn cứ bảy ngày lại nhóm một lần. Hàng hóa từ các vùng lân cận, cả tận ngoài Hà Tĩnh dồn về, nên rất phong phú.

  Chỗ làm nghề may của các cụ được thuê gần chợ Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa nay thuộc xã Quảng Thuận. Nơi đây có sẵn nghề làm nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh (chấu Tranh) và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình.

Trong nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và bà Hạnh. Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga – một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa. Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan truyền về Quy Hậu.
 

  Theo thời gian lịch sử, nón lá đến với Quy Hậu từ những năm đầu của thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Khoảng 80 năm (1930 – 2010) lấy tuổi của bà Chiêm và bà Hạnh con ông Bộ Chiêm khi mẹ mất ông lấy vợ khác. Bà Hạnh năm nay đã 80 tuổi, còn sống ở đội 3 (mẹ của anh Thực, anh Bằng).

  Cùng với nghề nón (nghề phụ), làng ta còn có rất nhiều nghề khác. Theo báo cáo tổng kết năm 2005 của thường trực thôn thì dân làng làm đến 25 nghề, thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng, kinh tế ngành nghề chiếm hơn 50% tổng thu nhập góp phần làm tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 10% - 15%, trong đó nghề nón có nhiều đóng góp nhất. Ở đâu, thiếu việc làm chứ ở Quy Hậu việc làm không bao giờ thiếu.
  Câu lạc bộ thơ ca Người cao tuổi - Quy Hậu đă nhận được nhiều bài thơ hay của các cụ nói về chiếc nón quê hương, xin chép lại vài câu:
    Tình trong chiếc nón
Chiếc nón Quy Hậu đẹp và bền
Nắng chiều hò hẹn buổi trăng lên
Nghiêng nghiêng chiếc nón không e thẹn
Hội ngộ tương phùng đẹp ý duyên.

Nhớ ai đưa nón đến làng ta
Nón đã làm thân với mọi nhà
Trẻ, già, trai, gái chăm làm nón
Nón đã đi khắp chốn gần xa.

Trưa hè nắng chát đầu che nón
Chiều tối mưa chan nón đội đầu
Ai đi xuôi ngược Nam ra Bắc
Hãy nhớ mua về chiếc nón xinh...


Nguồn:langquyhau.com.vn


GỬI NHỮNG NGƯỜI YÊU LỆ THỦY

                                                                Tặng cho lòng tốt

Các bác, các anh chị, các bạn thân mến, với tình yêu quê hương Lệ Thủy thiết tha, chúng tôi, những đứa con Lệ Thủy đã chung tay lập nên Blog này nhằm lưu giữ những hiểu biết, sự thán phục, tình yêu khôn cùng đối với quê hương mình. Tuy nhiên, "lực bất tòng tâm" nên bài vở còn thiếu hụt so với vốn quý lịch sử phong phú về mảnh đất, con người quê mình. Vì vậy, chúng tôi rất cần ở sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của đồng hương. Mọi người, nhất là các bạn trẻ có  Facebook khi đã biết trang này xin hãy thông báo cho bạn bè, người thân của mình vào đọc. Những ai khi đọc thấy rằng chỗ nọ, chỗ kia còn thiếu hoặc không chính xác xin hãy commen vào cửa sổ cuối bài. Những ai đam mê viết lách, có bài về quê mình hoặc phát hiện ở đâu đó có bài hay về Lệ Thủy xin hãy gửi vào hòm thư đã cho bên mục giới thiệu bản thân. Chúng tôi sẽ trân trọng đăng bài lên trang "Lệ Thủy quê tôi" để chúng ta cùng hướng về quê hương thân yêu của mình.

Thay mặt Ban biên tập
Đặng Ngọc Tuân
Email: dangngoctuan2304@yahoo.com

NGUYỄN ĐĂNG TUÂN - MỘT VỊ QUAN THANH LIÊM, ĐỨC ĐỘ QUA 3 TRIỀU: GIA LONG - MINH MẠNG - THIỆU TRỊ

Nguyễn Ngọc Trai


Dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình từ Bắc Ninh vào định cư ở Quảng Bình theo chúa Nguyễn lập xứ ở Đàng Trong.

Ở Quảng Bình thời bấy giờ có nhiều dòng họ nối nhiều đời làm quan, nhưng dòng họ Nguyễn Đăng được sách sử Quốc sử quán triều Nguyễn lại ghi chép đầy đủ cả 3 đời: Hiệp biện Đại học sĩ Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân , Hiệp hiện Đại học sĩ, Thượng thư Nguyễn Đăng Giai, Tiến Nguyễn Đăng Hành. Dòng họ Nguyễn Đăng còn có Cử nhân Nguyễn Đăng Củ và con trai của ông Nguyễn Đăng Củ là Phó bảng Nguyễn Đăng Cư.

Nguyễn Đăng Tuân, tự Tín Phu, hiệu Thận Trai, thụy Văn Chính

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, tính tình thuần chất, lối học chủ về nghĩa lý.

Đầu đời Gia Long (1802), do có học vấn văn học, được cống cử vào làm việc ở viện Hàn Lâm, rồi đã được bổ nhiệm thành quan Tri huyện, huyện Ngọc Sơn ( nay thuộc Tĩnh Gia, Thanh Hóa), rồi được điều về Kinh sung chức Tư giảng ở Công phủ, sau làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh

Năm Minh Mạng thứ 1 ( năm 1820 ) được bổ nhiệm làm Thiêm Sự ( đời Gia Long chức quan giúp việc Trưởng quan) Bộ Lễ. Khi triều Nguyễn bắt đầu đặt Văn phòng giao cho Nguyễn Đăng Giai và một số quan để coi giữ đồ thượng bảo và văn thư, chương tấu, bản đồ, sổ sách….

Lúc làm bộ Lễ, Nguyễn Đăng Tuân đã có đóng góp rất lớn cho triều đình nhà Nguyễn mới ứng vị lập triều. Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ xin đình các việc công tác “Quân dân đang bị bệnh tật, không nên bắt làm nhọc lắm. Dương thịnh thì âm suy, cũng là một nghệ thuật để ngăn tai biến”

Đặc biệt ông dâng sứ 6 điều quan trọng:

1.Đặt viện Ngự sử để đàn hặc sữa chữa phương thức làm quan.
2.Đặt chức Thái phỏng sứ để xét nghiệm thú thần người tài, người kém. Xin chọn quan Kinh, người nào thanh liêm, trung thực, đứng đắn, trong sạch, thì sai đi các châu, huyện, xét chính tích, xem tình dân để xem các thủ thần có giỏi hay không và để thấu lợi bệnh của tiểu dân.
3.Bớt tiêu phí vô ích, bớt những viên chức thừa đi…
4.Đặt nhà học ở các doanh trấn châu huyện. Xin chọn những bậc lão sư, túc nho ( có đủ kiến thức ) làm trợ giáo.
5.Mở khoa Ân thí.
6.Cử hành việc thờ tự gia ân.

Vua sai đình thần lần lượt thi hành.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), lấy thự bảo khanh Nguyễn Đăng Tuân làm Cai bạ Quảng Nam. Tháng 9 năm đó, vua triệu Cai bạ Quảng Nam Nguyễn Đăng Tuân về Kinh, sai lấy nguyên hàm, sung chức Quang lộ Tự khanh, tham bồi công việc ở bộ Lễ. Tháng 3 năm 1823, ông làm biện lý công việc ở Bộ Binh rồi sau đó được giữ chức thự Tham tri Bộ Lễ.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1829), được bổ làm Hộ tào Bắc thành (cơ quan giữ việc vận chuyển lương từ từ Quảng Bình trở ra), rồi chuyển làm Binh tào vào làm Hữu Tam tri bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ 11 (1832), nhà vua chủ trương sửa chữa luật lệ, ông được sung chức Phó Tổng tài (chức vụ tương đương lục bộ thời bấy giờ). Năm 1833, ông cử hàm Tả tham tri bộ Lễ. Minh Mạng năm thứ 14 (1835), ông đến Kinh chầu mừng lễ khánh tiết nhà vua, nhà vua làm thơ tặng cho. Minh Mạng năm thứ 16 (1837), sung chức sư bảo của hoàng tử (thầy dạy các hoàng tử). Vua rất trong mong, bắt buộc làm cho có thành hiệu. Việc dạy học hoàng tử, dạy bảo nghiêm, mà có phép từng tâu vua nói: “Các hoàng tử ở nhà tập thiện, lúc tiến, lúc dừng, phần nhiều chưa hợp lễ, nếu cho giảng tập lễ phép thường thôi, sợ khó nên người có đức. Xin tham chước khuôn phép giảng học về năm Minh Mạng thứ 4 (1825), nghĩ định điều lệ, để cho cách dạy từ bé được đúng đắn, và liệt ra tiết mục rõ rang dâng lên”.

Minh Mạng năm thứ 37 (1837) vua bàn hàm Thượng thư Tham tri bộ Lễ cho Nguyễn Đăng Tuân. Hàm thượng thư bộ Lễ, nhưng vẫn sung làm thầy dạy các hoàng tử, trong đó có vua Thiệu Trị. Vua đánh giá, Đăng Tuân theo hầu đã lâu, học hành vào bậc lão thành, vua đã đặc biệt yêu thương, lại thấy hoàng tử, hoàng tôn đến học ngày càng nhiều, nên sai đề cử người mà mình có thể sung chức giảng tập và chánh tự….

Nguyễn Đăng Tuân lại tâu: “Thần nghe, đức tất phải học thì sau mới thành, học tất phải giảng thì sau mới rõ, vì là nguồn vực của thầy và bạn có tự đem lại dần dần. Nay hoàng tử ra mở phủ riêng, ngày càng thêm lên, mà học đường giảng tập có 10 người, chính tự có 5 người, xin đặt mỗi chức 5 người nữa đủ để giảng tập. Lại xin đặt chức hoàng tử tám thiện 2 người, để sớm hôm quanh hiền cùng nhau ngõ hầu có bổ ích”. Vua đều nghe theo.

Vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên ngôi (năm 1841), ông vào viếng Quốc tang. Vua Thiệu Trị an ủi, hỏi han, toan bổ làm Thượng thư bộ Lễ, ông khẩn thiết xin từ, vua bèn ban cho thật hậu rồi cho về. Ông làm bài biểu tạ nói rằng: “Chỉ xin rộng một đạo hiếu để ban ra luân thường, rõ chin đạo thường mà lập đạo trị nước.” Vua nói rằng: “Vài lời nói ấy có rạng rỡ hơn…”

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), bắc tuần ra miền Bắc khi trở về, thăng thụ Hiệp biện Đại học sĩ, sung chức sư bảo như cũ. Sách Đại Nam thực lục chép: “Khởi phục thượng thư bộ Lễ đã về hưu trí là Nguyễn Đăng Tuân sung chức sư bảo của hoàng tử, hoàng đệ”. Vua dụ rằng: “Đế vương ngày xưa, mến yêu con em, tất phải chọn người chính nhân quân tử để làm thầy dạy dỗ, cốt mong cho đức nghiệp cho con em ngày một tấn tới thành tựu. Nhà nước được trị yên lâu dài, là bởi ở đó. Quốc gia ta, đời đời vun đắp nền nhân hậu… Hoàng tử, hoàng đệ đã dần lớn, dạy chính đạo từ lúc còn nhỏ, chính là lúc này”.

Khi già yếu, ông lại cố xin nghỉ việc, vua đành cho ông nghỉ, gia ban các thứ thuốc, vàng trong kho, cấp cho thuyền công để đưa trở về làng. Khi tử giả vua về làng, Nguyễn Đăng Tuân tạ ơn vua Thiệu Trị: “Chỉ xin rộng một đạo hiếu để ban ra luân thường, rõ chín đạo thường mà lập đạo trị quốc Chín đạo đó là:

1.Sửa mình,
2.Thân yêu trăm họ,
3.Tôn trọng người hiền,
4.Kính trọng đại thần,
5.Thể tất quân thần,
6.Thương yêu muôn dân,
7.Khuyên lơn trăm họ ,
8.Phủ ủy người phương xa,
9.Bao dung nước chư hầu.

Đây là với những tư tưởng tiến bộ, giúp vua trị nước dân yên.

Nguyễn Đăng Tuân tự đặt tên hiệu là Thận Trai, tính thận trọng, ít nói, trải thờ ba triều sung làm chức Báo phó lâu năm, sau khi về, vua nhớ khôn nguôi.

Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), vua sai Nội các mang sắc thư đến nhà hỏi thăm sức khỏe, thực thụ hàm Vĩnh Lộc đại phu Hiệp biện Đại học sĩ, hàng năm chia một nửa nguyên bổng, lại cho một người con thứ tập ấm làm Tư vụ, cùng cháu là Cử nhân Đăng Hành đều ở nhà phụng dưỡng.

Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ khẩn tiết từ chối, nói thần là con nhà tầm thường, làm quan đến Thự Tồng nhất phẩm, đã không làm được các công việc, chỉ chống gậy ở làng, ở làng, vui xem thái bình, đã lấy làm may mắn mà vượt quá phận rồi, thế mà thân ở chốn đồng nội ngồi lên bậc cao, không phải có thực trạng xét công, mà chịu ơn sâu đặc cách, lòng thần vẫn không tự yên, là một điều. Thần trải thờ ba triều (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị), nhờ lương bổng làm quan đã lâu. Cha thần có ruộng để lại 100 mẫu làm lấy mà ăn, không đến nỗi thiếu thốn; hơn nữa được nhiều lần ban cho bạc lụa ưu hậu, cũng đủ nuôi sống lúc tuổi thừa. Con thần là Đăng Giai hiện được chi lương Tòng nhị phẩm, số thừa về lương bổng ấy, hàng năm thường biếu thần một nửa, để chi phí về củi gạo. Nay lại được ấm thụ cho con thứ của thần là Đạc, cháu đức tôn của thần là Đăng Hành đều ở nhà để phụng dưỡng, thì hết thảy đồ phụng dưỡng về ăn mặc của thần thường yên lòng, về việc hỏi đồ ăn còn thừa (kinh Lễ có nói: Khi cha mẹ ăn món ăn còn thừa lại, thì con phải hỏi món ăn thừa cha mẹ muốn cho ai, thì cho người nấy) mà không lo về sự không đủ. Nay chịu lộc quá phân lượng, lòng thần thấy không được yên, là hai điều; vả lại thần nghe người đời xưa nói rằng: “Làm việc gì cũng nên để đức có thừa không hết về sau, làm quan nên lấy thanh bạch mà để cho con cháu”, tấm lòng từ lúc bình sinh của thần tưởng chắc là thánh minh đã soi thấu rồi. Nên nhờ lòng nhân từ của Thánh thượng rũ lòng thương xót thì về khoản hàng năm chi một nửa lương bổng, thần xin kính lĩnh một kì để được vinh hạnh về của vua ban cho, mà tỏ rõ đạo khuyên trung, khuyên hiếu của hoàng thượng. Đến như việc gia thưởng quan hàm, cùng khoản chi bổng từ sang năm trở về sau, thì xin chiều theo chí của thần chuẩn cho đình miễn. Thế thì không đến nỗi hại lẽ công về danh khí ( Danh khí tức là quan tước và áo mũ xe võng của triều đình ban cho ) của triều đình, mà con cháu của thần đời đời được nhờ phúc cùng nước đều vui, dài đức trạch của nhà về sau này, tức là thần đã chịu ơn nước, không biết gấp mấy lần rồi. Khi dâng sớ lên, vua bằng lòng về lời tâu ấy.

Mùa đông năm ấy ( 1844 ), Nguyễn Đăng Tuân mất, thọ 73 tuổi, được truy tặng Thiếu sư (thời Nguyễn: Chỉ là gia hàm cho đại thần, không có chức sự nhưng rất tôn trọng), tên thụy là Văn Chính, sắc cho ty chức trách hậu cấp cho, để sửa việc tang, sai quan đến tế, lại sai lấy thơ vua và soạn sự trạng khắc vào bia đá, dựng ở nơi làng ở.

Nguồn: Hội thảo khoa học về danh nhân Quảng Bình
Nguyên Hoàng sưu tầm, giới thiệu.


BẮC NHỊP ƯỚC MƠ - [Truyện ngắn]





Hàng chục con mắt đổ dồn về phía cửa khi nghe tiếng Lan Anh - Phát thanh viên của lớp cất lên lanh lảnh ngoài hành lang:

- Có giáo viên mới tụi bây ơi! Nhanh...nhanh...

Mắt chữ Ô, miệng chữ O chưa kịp "định dạng thông tin" thì một tràng cười rộ lên. Tay chỉ trỏ, miệng không ngừng hoạt động, volume được tăng lên hết mức, 12A5 chẳng khác gì trung tâm thương mại cỡ...Chợ Tết....

- Tìm anh hả bé? Búng tay cái tách rồi đột ngột quay phắt người nhìn thật gần khuôn mặt đang ửng hồng lên - không biết do xấu hổ hay vì cái nắng chói chang của miền quê cát trắng gió lào này.

- Chà, cũng dễ thương đó ha. Anh...

- Bậy quá hà, tìm ta chứ không phải tìm mi đâu Quang. Mi...

- Xin lỗi - Giọng nói trong trẻo cất lên.

...

...

- Xin lỗi - Cũng giọng nói đó nhưng mạnh mẽ và kiên quyết hơn.

- Tôi là Thu Hiền, là giáo viên chủ nhiệm và cũng sẽ người trực tiếp giảng dạy môn Ngữ Văn cho các bạn trong năm học này. Đây là lịch phân công...

- Em…em…là…là…cô giáo …hả bé??? – Quang lắp bắp quay sang hỏi “cô” sau một hồi trố mắt vì ngạc nhiên. Mà nói đúng hơn là không riêng gì Quang mà cả lớp cũng lặng đi vì bất ngờ.

- Vâng, thưa bạn, thưa cả lớp, tôi là cô giáo. - Thu Hiền mỉm cười thật tươi!

- Là giáo viên mới ra trường, kinh nghiệm làm chủ nhiệm chưa có nhưng tôi tin là nếu các bạn giúp thì mọi chuyện sẽ ổn. Hiền tiếp lời sau khi để cho thời gian tự trôi trong im lặng. Câu nói đầy tin tưởng của cô làm cho 45 thành viên A5 vốn đã hồi hộp giờ lại càng lo lắng hơn.

- Ý cô là như thế nào ạ? – Cả lớp nhao nhao.

Mỉm cười, Thu Hiền bước ra khỏi lớp..

- Lớp ta thú vị đấy, gặp lại mọi người vào ngày mai ha.

Tim đập liên hồi – cô bật cười khi nghĩ đến cậu học trò lúc nãy và cười lớn kơn khi nhớ lại lúc sáng, Hiền bị thầy hiệu trưởng mắng vì nhầm tưởng cô là học sinh…

Thở phào nhẹ nhõm, Thu Hiền rảo bước trên sân trường. Vậy là cô đã chính thức trở thành giáo viên, được giảng dạy trên mảnh đất mà ba cô từng đóng quân trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Quyết định xin lên đây của cô gặp phải sự phản đối quyết liệt của mẹ và những lời trách móc của bạn bè…

- Ở thành phố không sung sướng hơn sao, mày học giỏi, ba mày lại có thể chắc chắn mày sẽ được nhận về trường chuyên dạy. Lên nơi khỉ ho cò gáy đó làm gì cơ chứ, tao thật không hiểu nổi mày đang nghĩ gì nữa Hiền ạ. – Thùy Liên, cô bạn thân thở dài khi khuyên ngăn cô không thành.

- Hiền ơi ! Ở lại đi em, nơi đó không hợp với em đâu. Nghe lời anh một lần duy nhất thôi, được không Hiền. Ở đây đâu thiếu chỗ cho em, nếu muốn anh cũng có thể đưa em vào làm báo mà. – Thuần trầm ngâm nhìn sâu vào mắt để cô cố hiểu xem tại sao anh không thể níu kéo Hiền ở lại.

Biết làm sao khi giờ đây trong Hiền ngập tràn tình yêu núi rừng - tình yêu được ba cô thổi vào từ những ngày còn thơ bé. Tình yêu đó cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ, với sự đồng tình của ba và những giọt nước mắt ngày tiễn đưa của mẹ - Hiền tin, cô sẽ thay đổi được một phần nào đó, sẽ đem ánh sáng tri thức lên vùng sơn cước này.


***


Bàn ghế xiêu vẹo, lớp học ngổn ngang trong đống giấy loại, bảng trắng xóa đến từng chi tiết…45 ánh mắt hồi hộp theo dõi từng chuyển động trên khuôn mặt đẹp như tranh ấy. Các mảnh giấy được chuyền tay nhau

- Thằng Quang chơi ác quá, nó không cho tổ trực dọn vệ sinh, ta sợ ngày mai cô không dám đến lớp nữa mi ơi .


- Lớp mình sắp được nghe ca cải lương miễn phí rồi.

- Hihi, coi bản lĩnh của “cô” ra sao…


Giống như những con sóng ngầm trong đại dương, chỉ chờ gió đến là bùng lên. Cả lớp “ngóng chờ” những lời răn đe quát tháo, bộ mặt cáu kỉnh phùng lên trợn xuống của cô …nhưng không – Một mình Hiền tự làm lấy tất cả mà tuyệt nhiên không nói một lời nào trong ánh mắt ngạc nhiên đến sững sờ của lớp, nhất là anh chàng bàn cuối dãy…


….


- Nào, chúng ta bắt đầu giờ học nhé – Hiền nói khi đưa tay lau vội những giọt mồ hôi lăn vội trên má…


Quả thực Thu Hiền rất giỏi khi lôi cuốn người nghe vào những trang văn, cái giọng nói khi trong trẻo, khi sâu lắng làm cho lũ học trò vốn nhàm chán môn văn giờ chẳng buồn quậy phá, ai cũng chăm chú nghe cô giảng bài…


Reng….reng…..reng….


- Chúng ta tạm dừng bài học ở đây, tiết sau cô sẽ giảng tiếp – Quay nhìn một lượt khắp lớp, Hiền tiếp lời – Các em thấy đó, nếu như tổ trực dọng vệ sinh sớm thì chúng ta có thể học được nhiều hơn nữa, cô cũng có thể kê cho các em nghe thật nhiều chuyện. Lớp nghỉ.

Cô bước ra khỏi lớp để lại sau lưng một khoảng trốn vô hồn. Dường như ai cũng cảm thấy hối hận vì hành động của mình …Mơ hồ, có một cái gì đó len lỏi vào trái tim Quang…

- Cô ơi! Cuối tuần đi chơi với tụi em nhé!

- Cô ơi! Cô có người yêu chưa cô, à không …cô yêu ai chưa cô, cô xinh mà lại

- Thông minh thế này chắc ….nhiều người thương lắm ha.

- Nhỏ Thùy Liên thích Ngọc Quang đó cô

- Cơ mà cô ơi …hình như Ngọc Quang nó có cảm tình với cô thì phải …

- Hihiiiii…hihiiiii…

- Cô đỏ mặt tụi bây ơi …

Từ sau “phi vụ” màn mở đầu ngập trong ngang ngổn ấy, không hiểu vì một lý do nào đó mà Thu Hiền có được lòng tin yêu của thành viên lớp. Ngoài vai trò là cô giáo, Hiền trở thành một người chị, một người bạn tuyệt vời của lũ học trò A5 – Bất kể làm gì, đi đâu và ngay cả những chuyện tình cảm tế nhị nhất chúng đều hỏi ý kiến của Hiền. Lũ học trò nhỏ cứ làm như không có cô là cả thất giới này sụp đổ ấy…

...

- Ngọc Quang! Em dự định gì cho tương lai của mình?

- Thích một người là sao hả cô? – Quang hỏi một câu chẳng ăn nhập gì.

- Cô nghĩ là bây giờ em chưa nên nghĩ đến chuyện đó. Em dự định gì cho tương lai của mình? – Nhìn sâu vào mắt Quang, Hiền hỏi lại

- Học viện cảnh sát cô ạ -Thở dài, Quang trả lời. Hình như anh định nói điều gì đó, nhưng có lẽ Quang sẽ đợi một mùa nồng nàn hơn.

- Tại sao cô chọn Lệ Thủy chứ không phải là nơi nào khác – Bất giác Quang hỏi …- Cô không sợ khổ à?

- Cô không sợ khổ và cũng không ngại khó. Cô chỉ sợ mọi người không cần đến những kiến thức và kinh nghiệm mà cô truyền dạy …Rồi mai đây, Lệ Thủy sẽ phát triển và ngày một văn minh hơn .- Hiền nói trong một niềm tin vững chắc.

- Cô đang bắc nhịp cho những ước mơ – Quang tiếp lời …

- Gì cơ ?

- Cô đang bắc nhịp cho những ước mơ

- Cô cũng không biết nữa, cô chỉ đang cố để truyền lại kiến thức cho các em. Cô chỉ mong sao kiến thức đó không bị mờ đi mà trái lại sẽ sáng, rõ và dày lên theo thời gian.

- Lúc nào cô định rời khỏi đây?

- Không, cô không nghĩ là mình sẽ đi, vì lúc rời thành phố là cô biết cô đã chọn nơi dừng chân cho ước mơ.

- Vì cái gì mà cô coi trọng nơi đây, vì sao mà cô lại chọn một nơi không có tương lai để đến?


- Ồ! Cô chưa bao giờ nghĩ rằng đây là nơi không có tương lai. Tương lai của cô nằm trong tay các em đấy.

- Cô không nghĩ việc làm của mình giống như gieo mầm ở vùng đất chết hả cô? Không ai thích học và cũng rất ít bạn có ý định học đại học. Ruộng nương, vườn tược, rồi chúng em sẽ tiếp quản nó trong nay mai và làm giàu từ đó. Học về thì cũng như không cô ạ.

- Vùng đất này không chết em à, ông cha ta còn đó, máu dân ta còn đó... tất cả ngấm sâu và thôi thúc những mầm sống dù là nhỏ nhất. Nếu như em và các bạn nghĩ rằng không học mà có thể làm giàu thì đó là sai lầm lớn đấy. Học cũng có nhiều dạng, học trường lớp, học sách vở, học ở thầy cô và học ở những người xung quanh. Phải có kiến thức thì mới có thể biết cách gieo trồng, cách chăm bón, có như thế mới làm giàu được chứ.

- Nhưng ba mẹ, ông bà chúng em có đi học đâu mà vẫn có thể làm ra được bao nhiêu là thứ?

- Cô đã nói là học không chỉ là học ở trường lớp mà, ba, mẹ hay ông bà cũng phải học cách làm từ những người đi trước, có vấp váp, có thất bại rồi mới tích lũy được kinh nghiệm. Giờ đây đất nước đã đổi mới, khoa học công nghệ giúp ích rất nhiều cho sản xuất và đời sống, nếu biết kết hợp thì càng tốt hơn chứ sao.

***

Mảnh đất miền Trung vốn dĩ đã rất lạnh vào những ngày đầu đông giờ lại càng lạnh hơn trong tiết trời se sắt. Quang vừa nhận được quyết định nhận về giảng dạy ở trường THPT Lệ Thủy – Anh không trở thành cảnh sát như đã từng nói với Thu Hiền năm xưa …mà trở thành thầy giáo.


Với bó hồng trắng trên tay, Quang trở lại đồi sim ngày trước. Vậy là đã bốn năm – bốn năm Thu Hiền yên giấc trong lời ru của núi rừng. Cô mất trong một đợt tình nguyện mùa mưa bão, trên đường chuyển đồ dùng học tập và áo ấm cho trẻ em ở Trường Thủy. Khi ba đứa nhỏ đứng trọn trên bờ thì cũng là lúc lũ xoáy cuốn cô đi mất. Người ta tìm thấy Hiền, thân thể lạnh ngắt nhưng trên môi vẫn còn đọng nụ cười trong …

- Cô ạ! Em đã trở về …học trò của cô đã trở về rồi …Nhưng cô ơi! Tại sao cô không đợi em trong một mùa nồng nàn….

Gạt nước mắt …Quang nói trong nghẹn ngào :

- Cô ạ! Em sẽ xây tiếp câu cầu tri thức cô đang xây dang dở. Cô ngủ đi, yên giấc cô nhé….Em hứa sẽ hoàn thành những ước mơ cô còn ấp ủ…thật đấy….tin em ha…


Mặt trời xuống núi, Quang đứng nhìn Lệ Thủy – quê hương anh…


Ngày mai – sẽ như Thu Hiền của những năm trước, anh sẽ đi, đi bắt nhịp cho những ước mơ …



Viết năm 2008
Thanh Tâm

LỆ THỦY TRONG TÔI




Lệ Thủy của Tôi có một dòng sông. Dòng sông ấy ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử, những bến đò trên dòng sông ấy ngày xưa tiễn bước biết bao người ra đi, nhưng ngày về... bến đợi vẫn lẻ bóng người chờ.

Dòng sông ấy trước khi đổ ra biển lớn không chịu chảy theo hướng đông nam như những con sông khác ở Việt Nam mà theo hướng đông bắc rong ruổi trên khắp nẻo của Lệ Thủy yêu thương. Trên dòng sông ấy, người dân Lệ Thủy chèo đò, đi thuyền, chạy ca nô để mưu sinh kiếm sống.

(Sông Kiến Giang, chụp ở Mũi Viết)

Ngày xưa, những làn điệu hò khoan được cất lên mỗi khi người dân quê tôi giã gạo, chèo đò, hay tham gia các lễ hội làng. Tiếng hát mộc mạc chứa chan bao nỗi niềm ấy văng vẳng giữa đôi bờ Kiến Giang, len vào từng mái đình, thấm vào máu thịt mỗi người dân xứ Lệ. 
Sông Kiến Giang bình thường hiền hòa, phẳng lặng là thế, nhưng đến cuối mùa hạ thì lại dậy sóng mặc dù chưa đến mùa mưa lũ, phải chăng sông cũng mang nỗi lòng của mỗi người dân nơi đây. Dòng sông yên ả bỗng dưng rộn ràng, nước như reo vui, náo nức hòa chung với những thôn, những làng hai bên bờ Kiến Giang. Trai bơi, gái đua chăm chỉ tập luyện trong tiếng reo hò của người dân khắp xứ để chuẩn bị đo lễ hội Đua thuyền (bơi trải) truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày Tết độc lập mồng 2 tháng 9.


Lệ Thủy của Tôi từ xa xưa được biết đến là mảnh đất địa linh  nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu  Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Đô, Sư bảo Nguyễn Đăng TuânĐại tướng Võ Nguyên Giáp,... Và biết bao thế hệ trẻ nối tiếp theo sau góp phần làm nên một Lệ Thủy anh hùng và hiếu học trong thời kỳ mới.
(Chùa An Xá - Nguồn Internet)

Lệ Thủy quê Tôi có chùa An Xá (Lộc Thủy), chùa Hoằng Phúc (Mỹ Thủy), ngôi miếu cổ trong lòng cây si ở Văn Minh (Văn Thủy), Ninh Viễn thành ở Quy Hậu, miếu thành hoàng Mỹ Thổ (Tân Thủy)... là những di tích mang tầm vóc lịch sử trong các thời kỳ cách mạng của dân tộc Việt ta.


(Suối Bang - Nguồn Internet)
Ngược dòng Kiến Giang khoảng 10km, tính từ trung tâm huyện, Lệ Thủy của Tôi có suối nước khoáng Bang, là nguồn nước khoáng nóng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi kỷ lục 105 độ C. Đến với suối Bang, ta như lạc vào cảnh bồng lai giữa thiên nhiên đầy sương khói do hơi nước từ nguồn nước nóng tạo nên. Và từ rất lâu, nước khoáng đóng chai, nước khoáng bình mang thương hiệu Bang đã trở thành thứ nước giải khát được ưa chuộng và yêu thích.
Đến với Lệ Thủy, nhất là lúc giữa mùa hè thì đập Mưng, đập An Mã là địa điểm dừng chân tuyệt vời. Cảnh sắc mang đậm chất thiên nhiên, không khí trong xanh, mát mẻ. Dường như những ưu tư, muộn phiền bị lu mờ và gột sạch trước sắc xanh của đất trời, của cỏ cây nơi đây.


Có lẽ không ở đâu như Lệ Thủy của Tôi, chỉ cần có nhà dân ở, chỉ cần có một vài người bày bán, chỉ cần có người dừng chân ghé mua... là có chợ. Hầu hết tên các chợ không đặt theo tên địa danh ở đó mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo như là: Chợ Động (Đôộng), chợ Chè, chợ Trạm, chợ Thùi, chợ Tréo, chợ Tuy, chợ Cưỡi. Chợ Mĩ Đức, chợ Chiều (Xuân Giang), chợ Mai, chợ Phú Hòa, chợ Thạch Bàn, chợ Bùi, chợ Đa, chợ Mốc Định, chợ Quy Hậu, chợ Cam Liên, chợ Sen, chợ Thượng Lâm, chợ Ba Kênh, chợ Cầu Ngò, chợ Xuân Hòa, chợ Thác Tre, chợ Nông Trường... rồi cả những cái chợ tạm, chợ xép cứ thi nhau mọc lên từng ngày.


(Chợ Tréo cuối năm - Nguồn Internet)
Gắn với mỗi địa danh, tùy vào đặc điểm tự nhiên và những yếu tố khách quan chi phối khác, Lệ Thủy của tôi có những làng nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Làng Nón – Quy Hậu, chiếu Cói – An Xá, chổi Đót, chổi rèng – Lệ Bình, đan lát Xuân Bồ. Rồi cả những món ăn, thức uống mang hồn xứ Lệ như: Rượu Tuy Lộc, mè xững Lộc Hạ, cháo cá Bàu Sen, ốc đá Mai Thủy, rạm, bánh bột lọc...


(Chổi đót Lệ Bình - Nguồn Internet)

(Làm nón - Nguồn Internet)
 Lệ Thủy của Tôi tràn ngập sắc xanh mỗi khi mùa Xuân về, xanh của dòng Kiến Giang, xanh của cánh đồng chiêm trũng mênh mông, xanh của sắc trời, xanh của cỏ cây. 
(Đồng lúa - Nguồn Internet)
Lệ Thủy của Tôi tắm mình trong ánh vàng rực rỡ của những tia nắng mặt trời mỗi độ hè sang, rồi thì cả màu óng ánh của lúa chín, của những cọng rơm còn vương mùi thơm say nồng khi vừa mới tuốt.
Lệ Thủy của Tôi, thương lắm mỗi khi Đông đến, những con gió rít đến ghê người, rồi bão, lốc tố. Vì dòng Kiến Giang dốc và ngắn nên mỗi khi có bão đổ bộ về là quê tôi lại chìm ngập trong nước. Nước đục ngầu, trắng xóa nhấn chìm con đường quen, nuốt chửng cánh đồng rộng lớn. Với những ngôi nhà nhỏ, lại ở ven sông hoặc những chỗ thấp, mái ngói đỏ tươi đôi khi nhuốm sắc bạc, năm này qua năm khác... Mùa lũ về, mùa của những khó khăn, những hiểm nguy trắc trở rình rập. Thương lắm!

Lệ Thủy của Tôi có gió Lào, nó bắt đầu thổi mạnh vào khoảng trung tuần tháng năm âm lịch. Từng đợt gió rong ruổi, đuổi bắt nhau trên cánh đồng với những hanh hao khó diễn tả. Ngày thì nóng, khô, cái nóng như muốn vắt đến cùng kiệt nước trong cơ thể, khuya thì lại mang hương dịu dàng, man mát... thật lạ.

Lệ Thủy của Tôi có một thứ, hay nói đúng hơn là một mùi hương rất đặc biệt, và có lẽ người xa xứ sẽ chạnh lòng không ít lần khi vô tình bắt gặp mùi hương ấy. Hương thơm nồng dịu ấy được tạo ra bởi những lá Tràm tươi được chưng cất lên để lấy tinh dầu làm thảo dược.

Lệ Thủy của Tôi, Lệ Thủy trong Tôi là cả một miền ký ức với những yêu thương đôi khi không nói được thành lời, chỉ biết rằng, dù đang sống trên chính quê cha đất tổ, nhưng tôi lại mang trong mình nỗi nhớ mang hình hài rất quê hương.


(Cầu Phong Xuân)
Và Tôi biết rằng chỉ cần trái tim còn rung lên những nhịp rất khẽ, là Tôi sẽ lại thổn thức, thảng thốt mỗi khi bước qua những quảng nhớ trên quê hương.

Lệ Thủy trong Tôi – Mộc mạc và yên bình!




NGẪM TỪ MỘT CHUYẾN ĐI

Nguyễn Thị Thu Hoài

  18- 4 hàng năm là ngày chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật Việt Nam.
  Theo kế hoạch của Diễn đàn Kết nối Lệ Thủy Kiến Giang xanh và lời mời của Thanh Tâm, một thành viên của diễn đàn cũng là cán bộ Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, 14h ngày 18-4, tôi có mặt tại Trung tâm để tham dự buổi giao lưu văn nghệ “Vòng tay yêu thương”. Lần thứ hai đến nơi này nhưng đay mới là lần thứ nhất tôi cảm nhận được sâu sắc những vất vả, thậm chí là nguy hiểm của những cán bộ giáo viên cũng như sự nỗ lực đáng trân trọng của những số phận kém may mắn, và quan trọng nhất, tôi đã thay đổi rất nhiều trong cách nhìn cuộc sống...
  Giữa tháng tư, mới chỉ là cái nắng đầu mùa nhưng đã khá gay gắt. Trong lúc giám đốc trung tâm cùng một số cán bộ giáo viên đang tiếp các đoàn khách từ Phòng Lao động - thương binh xã hội huyện, phòng giáo dục và các tổ chức hảo tâm khác thì ngoài sân trường, các em học sinh của trung tâm đã ngồi ngay ngắn, hướng mắt lên sân khấu...       Chợt nhớ đến cảnh tượng những buổi tập trung toàn thể học sinh ở trường mình: nhốn nháo, lộn xộn, ồn ào... Sự khác biệt là gì? Vì giáo viên chúng tôi chưa tận tâm hay bởi học sinh chúng tôi không - phải - là - học sinh - khuyết- tật? Buổi lễ bắt đầu với những tiết mục văn nghệ tự biên của cán bộ giáo viên trung tâm. Cũng những bài hát quen thuộc, những giọng ca không chuyên có lúc sai vần, lỗi nhịp, nhưng kết thúc mỗi tiết mục bao giờ cũng là là những tràng pháo tay rôm rả, nhịp nhàng. “Văn hóa vỗ tay”- nếu có tiêu chí đó thì tôi dù không phải là người dễ tính nhưng rất sẵn lòng cho các em điểm 10/10. Các em- những học sinh khuyết tật, có em thiểu năng trí tuệ, có em chân tay không lành lặn, có em khiếm thính, khiếm thị... nhưng các em có cái tâm để nghe, để nhìn, để cảm nhận cái công sức, sự cống hiến của những thầy giáo, cô giáo quen cầm phấn viết bảng, không quen cầm micro nên có lúc cũng run run trên sân khấu kia. Lại nhớ, những buổi tọa đàm, những buổi liên hoan văn nghệ, hội nghị, khai giảng, tổng kết, sau những lời phát biểu tâm huyết, sau những thành tích đáng tuyên dương, sau những lời ca, điệu múa, tiếng vỗ tay cũng có nhưng không vang lên cùng lúc mà chỉ lẻ tẻ vài tiếng ở chỗ này, vài tiếng ở chỗ kia, chưa kể có người muốn “chơi trội”, đợi mọi người vỗ tay xong rồi mới “độc diễn” một tràng dài đơn điệu khiến người trên diễn đàn, trên sân khấu không thể không chạnh lòng: thà đừng vỗ tay còn hơn...
  Phần khiến tất cả khách mời tham dự xúc động nhất có lẽ chính là lúc chính các em - những học sinh của trung tâm thể hiện khả năng văn nghệ. Trong sáu bé gái xinh xắn đang say sưa với tiết mục múa “Ước mơ”, tôi được biết cô bé da rất trắng, môi rất đỏ, đôi mắt đen long lanh kia đã ba lần trải qua phẫu thuật tim, cơ thể bé nhỏ ấy đã ba lần đối diện với nỗi đau không tả hết được bằng lời, em vẫn tìm thấy niềm yêu đời tha thiết, vẫn không thôi ước mơ...
   Còn những cậu bé nhảy break dance rất điêu luyện kia không thể ngờ là có những em khiếm thính, không nghe được nhạc, các em được thầy cô hướng dẫn ra hiệu và có lẽ các em biết lắng nghe nhạc điệu của cuộc sống này bằng trái tim... Ấn tượng nhất với tôi là phần đọc thơ của em Mỹ Hòa. Không phải vì bài thơ đạt đến trình độ nghệ thuật đáng nể, cũng không phải vì giọng đọc quá ngọt ngào... Mỹ Hòa 16 tuổi. Những học sinh của tôi cũng tuổi ấy, nhiều em cao quá đầu tôi. Mỹ Hòa nằm gọn trong chiếc xe đẩy, thầy giáo phải ngồi cạnh cầm mic cho em.
   Những câu thơ còn rất vụng về, không vần, không nhịp, giọng đọc có lúc ngắt quãng vì mệt, vì em nhìn không rõ chữ... Nhưng tất cả “tâm sự” (tên bài thơ) của em đều đi thẳng vào lòng tôi và ở lại luôn trong đó. Tôi nghe sống mũi mình cay cay...
   Thương các em, khâm phục các em, tôi xấu hổ vì mình.Vượt qua nỗi bất hạnh “chân không đi được, mắt không nhìn rõ”, những lời cuối bài thơ là lời chúc sức khỏe, hạnh phúc mà em dành cho mọi người. Tự ngẫm lại mình, đã có rất nhiều lúc tôi than thân trách phận, sao mình không xinh đẹp như người này, không sinh ra trong gia đình khá giả như người kia, không được làm việc ở một môi trường khác, sao mình không làm được những điều mình muốn... Đến lúc này, tôi đã hiểu, hạnh phúc đôi khi là phải biết vừa lòng với những gì mình có. Biết bao nhiêu người cũng chỉ mong được như ta. Và cao quí hơn là, dẫu ở những người có hoàn cảnh rất éo le, họ vẫn biết sống, biết vươn dậy, cầu chúc chân thành cho cả những người khác...
   Trên đường trở về nhà, tôi gặp một vụ tai nạn giao thông ngay ở cầu Phong Xuân: hai chiếc xe máy nằm chỏng chơ giữa lòng đường, một đám đông hiếu kì xung quanh, hai chiếc dép của nạn nhân văng ra hai phía. Không thấy người bị nạn đâu, có lẽ đã được đưa đến bệnh viện... Sinh mệnh con người thật quá mong manh. Đang lành lặn, khỏe khoắn rất có thể chỉ sau một khoảnh khắc đã trở thành “người xưa” hoặc một người tàn phế... Tôi đã về đến gần nhà. Cây lá ven đường hôm nay xanh lạ, con ngõ vào nhà cũng hiền lành đón tôi qua. Tôi vào nhà, cha mẹ tôi đều đi làm vắng nhưng lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ nét niềm hạnh phúc cùng cảm giác bình yên mà bấy lâu không gọi được thành tên... Cảm ơn ngày 18-4, cảm ơn các em học sinh trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy...

19 - 4 - 2012

SỰ RA ĐỜI BẢN TRƯỜNG CA "CHỐNG CÀN XUÂN LAI - MĨ LỘC"

Phan Thanh Tịnh
                                                                            Bàu Sen

Trong cuộc khánh chiến chống Pháp đầy hy sinh gian khổ của quân và dân Quảng Bình, hiếm có một trường hợp thứ hai nào sau trận chiến đấu quyết liệt với kẻ địch, các cán bộ chỉ huy, chiến sĩ đã sáng tác tập thể một bản trường ca kể lại diễn biến trận đánh và tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của đơn vị như trường hợp bản trường ca “Chống càn Xuân Lai – Mĩ Lộc” của Đại đội 361 Bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy.

Vào chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954, hoảng hốt trước khí thế nổi dậy đều khắp của quân và dân ta, hòng cứu vãn tình thế để đối phó với tình hình, quân Pháp có chủ trương tập trung quân bình định và càn quét có trọng điểm một số vùng.

Ngày 1/12/1953, chúng cho một tiểu đoàn tăng cường mở cuộc càn lớn vào Xuân Lai, Mĩ Lộc thuộc hai xã Lê Khiếu và Minh Khai (nay là hai xã Xuân Thủy và An Thủy, huyện Lệ Thủy)

Xuân Lai, Mai Hạ, Mĩ Lộc Thượng, Mĩ Lộc Hạ là những thôn phong trào du kích còn yếu nằm dọc tả ngạn sông Kiến Giang, đối diện với hai đồn địch là Thượng Phong và Tuy Lộc. Địa bàn dân cư hai xã trên trải dài và hẹp, trước mặt có sông sâu, sau lưng đồng chiêm trũng là ranh giới tiếp nối giữa vùng du kích và căn cứ của ta. Nắm được  ý đồ âm mưu của địch, đồng thời chuẩn bị cho chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, Đại đội 361 bộ đội địa phương Lệ Thủy do ông Lương Hữu Sắt làm đại đội trưởng đã về ém quân ở bốn thôn từ Xuân Lai đến Mĩ Lộc Hạ.

Được bọn Việt gian và thám báo chỉ điểm, quân Pháp đánh hơi có bộ đội chủ lực Việt Minh đồn trú ở vùng này. Chúng điều động hai đại đội Âu Phi thiện chiến, được trang bị hỏa lực mạnh cùng với 4 đại đội ngụy quân. Đây là một lực lượng lớn đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Từ đồn Hòa Luật Nam, địch kéo đến Thượng Phong, xuống Tuy Lộc rồi chia thành 3 cánh làm 3 mũi đột kích chủ yếu, dùng đò vượt sông Kiến Giang, đồng loạt tiến đánh vào sườn của đại đội 361.

Cánh thứ nhất gồm 2 đại đội, hướng đột kích chủ yếu là bao vây thôn Xuân Lai tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta. Rạng sáng ngày 1/12/1953 chúng nổ súng mở màn trận đánh. Ban chỉ huy Đại đội 361 đã nhanh chóng triển khai sẵn sàng đánh địch. Toàn thể đại đội đã luồn lách vượt vòng vây của giặc, chiếm đình Xuân Lai dùng trung liên bắn xả vào đội hình của chúng. Phát hiện được vị trí và hỏa lực của ta, địch dùng pháo và đại liên bắn cấp tập vào ngôi đình. Chiến sự diễn ra ác liệt. Được sự chi viện của một tiểu đội du kích phối hợp, quân ta đã đẩy lùi được 10 đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong trận chiến ác liệt, đồng chí phụ trách và hai xạ thủ trung liên đã hi sinh, một số bị thương, ta phải rút về phía sau. Địch tràn qua Mĩ Lộc Thượng bất ngờ chạm trán với 3 tiểu đội của đại đội 361, các chién sĩ ta với quyết tâm cao, vừa cơ động linh hoạt, vừa tổ chức phản kích quyết liệt. Quân địch bị tổn thất nặng, hàng chục tên bỏ mạng khiến chúng hoảng sợ phải rút chạy về Xuân Lai. Cánh đột kích thứ nhất bị bẻ gãy.

Cánh thứ hai của địch triển khai từ thôn Tuy Lộc, chúng dùng đò ngang tiến qua Lộc An, đột kích lên Mĩ Lộc Hạ. Ở đây, chúng đụng độ với 2 tiểu đội của Đại đội 361 phục kích sẵn. Hơn một giờ đánh trả quyết liệt, 12 tên Pháp đã bỏ mạng, hàng chục tên bị thương, chúng phải tháo chạy về Lộc An.

Cánh thứ 3 của địch gồm 1 đại đôi tăng cường từ Tuy Lộc sang Mĩ Lộc Thượng, được chia thành nhiều mũi với ý đồ chuyển thành hai gọng kìm vòng ra sau lưng, vu hồi hợp vây hòng đánh bật bộ đội ta xuống sông.

Vừa triển khai đội hình, chúng đã bị bộ đội ta cùng du kích chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều thương vong. Bọn chúng bị đánh bật xuống bờ nước, khiến chúng phải co lại phòng thủ. Để cứu vàn tình thế, đến 12 giờ trưa, địch cho 2 ca nô với 2 xe lội nước chở quân từ Quàn Hàu lên tăng viện. Được hỏa lực mạnh và cơ giới tăng cường, địch mở nhiều đợt tấn công vào hai thôn Mĩ Lộc Hạ và Mĩ lộc Thượng. Ba tiểu đội của Đại đội 361  từ Mĩ Lộc Hạ cơ động lên Mĩ Lộc Thượng chặn đánh địch. Chiến sự diễn ra gay go ác liệt, hai bên giành giật nhau từng bờ ruộng, từng ngõ xóm. Đến 3 giờ chiều địch tăng viện thêm 1 đại đội nữa. Lúc này, lực lượng của ta với địch quá chênh lệch, hai bên đều có nhiều thương vong. Địch bủa quân bao vây các thôn, lực lượng ta bị mất liên lạc giữa hai thôn Xuân Lai và Mĩ Lộc Thượng. Để bảo toàn lực lượng, đại đội 361 vừa đánh trả vừa rút lên căn cứ. Trước khi địch lui quân chúng cho máy bay đến ném bom napan xuống các làng, lửa cháy ngút trời. Kết thúc trận đánh, phía bên ta có 11 chiến sĩ và 27 đồng bào hi sinh, rất nhiều tài sản, nhà cửa của dân bị cháy và phá hủy. Phía địch có 142 tên địch đã bị tiêu diệt, bị thương nhiều tên.

Trận chống càn Xuân Lai – Mĩ Lộc chứng minh cho sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy về khả năng độc lập tác chiến đánh trả một lực lượng lớn đông gấp hàng chục lần của địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.

Toàn thể cán bộ chiến sĩ của đại đội 361 đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm. Gương hy sinh oanh liệt của các cán bộ, chiến sĩ 361 đã tô thắm thêm ngọn cờ truyền thống chiến đấu bảo vệ quê hương của quân dân Lệ Thủy.

Sau trận đánh, để lưu danh chiến công của mình, cán bộ chiến sĩ 361 đã sáng tác tập thể, mỗi người góp một câu, mỗi tấm lòng thêm mọt ý đã viết nên bản trường ca: “Chống càn Xuân Lai – Mĩ Lộc” hùng tráng:

Sáng mồng năm trời lờ mờ chưa rõ
Địch tập trung hai tiểu đoàn bí mật bao vây
Cả ba thôn chúng bủa một lưới dài
Súng chực sẵn trong những bàn tay man rợ
Đúng 5 giờ nắt đầu nổ súng…

Cứ thế, bản trường ca đã kể lại trận chống càn đầy dũng cảm hy sinh của đại đội 361 bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy, là tiếng kèn thắng trận vang lên của của bộ đội và dân quân, du kích. Bài ca đã đi vào tâm khảm của người dân vùng chiêm trũng Lệ Thủy thời bấy giờ như âm hưởng một chiến công hiển hách vang dội mãi.