ĐẠI ĐỘI NỮ PHÁO BINH NGƯ THỦY


Mảnh đất Ngư Thủy Trung ngày nay được người dân khắp cả nước không chỉ biết đến với biệt danh “Gió Lào cát trắng”, đây còn là nơi sinh ra những người con anh hùng với Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. 

Vào những năm 1967, cả nước đang sục sôi ý chí chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh của đế quốc Mĩ xâm lược, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Trong những năm đó, đất nước phải oằn mình chống chịu hàng ngàn hàng vạn tấn bom của Mĩ ngày đêm dội xuống. Và mảnh đất Ngư Thuỷ Trung ngày ấy cũng không là ngoại lệ, miền quê nghèo với những mái nhà lụp xụp… cũng phải hứng chịu hàng trăm tấn bom bi, bom na-pan, đạn pháo của giặc Mĩ suốt đêm ngày. 

Với phương châm “một tấc không đi. một ly không rời”, nhân dân Ngư Thủy đã quyết tâm bám trụ lấy mảnh đất quê hương chống lại kẻ thù xâm lược. Hàng chục ngươì con gái, con trai tuổi mới vừa tròn mười tám đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường đã quyết tâm ra trận đối mặt với bọn giặc xâm lăng.Và ngày đó đã đến, ngày 20-11-1967, Đại đội nữ pháo binh “Xê gái” được thành lập (gọi là đơn vị pháo trực thuộc tính đội Quảng Bình) do thiếu tá Trần Sự làm chỉ huy. 

Và trong tâm trí của 37 nữ pháo binh thì ngày 20-11 mãi mãi là một ngày không thể nào quên được trong tâm trí của họ. 37 nữ pháo binh, 37 cô gái đang tuổi thanh xuân đã trở thành những pháo thủ điều khiển 4 khẩu pháo tầm xa 85 ly nòng dài, với những hòm đạn pháo nặng tới 70 kg, thế mà các chị “ Xê gái” đã chiến đấu đến mấy chục trận quyết tử. 

Cô Xử, pháo thủ số 3 (nạp đạn) kể:“ Có trận chúng em phải nạp liền 22 viên đạn, nặng như rứa mà cứ thấy nhẹ như không”. Và những ngày quyết liệt đó, mỗi lần pháo ta lên tiếng, tàu chiến, máy bay địch phản pháo rất dữ dội” (Trích: Đất thiêng của Ngô Minh) 

Cứ ngày hai lần, các chị lại phải chặt lá ngụy trang để che cho khẩu pháo hòng che mắt kẻ thù. Làng bị máy bay Mĩ thả bom na-pan , bom bi hủy diệt , nhà cửa cháy rụi hòng tiêu diệt Đại đội nữ pháo binh, nhưng “xê gái” vẫn bám trụ giữa lòng nhân dân, bà con, vẫn bắn cháy tàu chiến Mĩ: 

Vậy đó, dù ác liệt, dù khó khăn, dù cho giặc Mĩ có tàu chiến, máy bay hiện đại đến mấy vẫn không làm nản lòng Đại đội nữ pháo binh anh hùng mà còn là động lực giúp các chị lập nên những chiến công hiển hách, ghi danh vào trang sử của dân tộc. 

Trong những ngày chiến đấu gian khổ , ác liệt đó ngày đêm vẫn vang lên tiếng cười, tiếng hát lảnh lót của các chị át đi tiếng bom rơi, đạn lạc ”Tiếng hát át tiếng bom” 

Bà Ngô Thị The kể lại: “ Có đêm 2 chị em đem chiếu ra nằm ngắm trăng thì máy bay Mĩ ập đến bắn róoc-ket loạn xạ, hai chị em bật dậy lao vào hầm trú ẩn, một lúc sau quay trở ra thì thấy chiếu và gối nằm đã nát be bét rồi…hai chị em không biết nói gì, chỉ nhìn nhau mà cười ha hả…” 

Đại dội nữ pháo binh là vậy, càng gian khổ, vất vả bao nhiêu thì tinh thần lạc quan, lòng yêu đời của các chị càng lớn bấy nhiêu. Các chị vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, âm thầm lập nên những chiến công.Và những chiến công đó đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và Người đã tặng mỗi pháo thủ một chiếc huy hiệu của Người, đó là phần thưởng quý giá được các chị đổi bằng xương máu của chính mình. Để giờ đây khi nhắc lại những kỉ niệm đó, các pháo thủ không khỏi bùi ngùi, xúc động và tự hào, họ nâng niu huy hiệu Người như một bảo vật vô giá của một đời người. 

Vào ngày 25-8-1970 , Đại đội được nhà nước tuyên dương Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội cũng rất vinh dự và tự hào khi được gặp chủ tịch Cu-ba Phiden Caxtro được trò chuyện tâm sự cùng ông. 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm, giờ đây các chị của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ lại trở lại với cuộc sống đời thường, họ lại đảm nhận những công việc thầm lặng của những người vợ, người mẹ, suốt đời tần tảo hi sinh. 

Hoà bình lập lại, mỗi người mỗi ngả: người vào Nam, người ra Bắc, mỗi người một số phận khác nhau nhưng họ lúc nào cũng giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, không ngại gian khổ của Đại đội nữ pháo binh anh hùng. 

Đến năm 2006, một sự kiện đã làm nức lòng người dân Ngư Thuỷ, của nhân dân cả huyện và tỉnh nhà: Tượng đài nữ pháo binh Ngư thuỷ được dựng lên sừng sững, uy nghiêm ở trung tâm xã Ngư Thuỷ Trung, nó là một minh chứng cho sự quả cảm của” Đội quân tóc dài”, là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần vô giá cho các chị . 

Tượng đài đứng đó hùng dũng, uy nghi với hình ảnh ba cô gái đang đứng trên mâm pháo: người chỉ huy, người nạp đạn, tư thế hiên ngang, ánh mắt đang nhìn thẳng về kẻ thù sẵn sàng nhả đạn. Tư thế hiên ngang của các chị, của tượng đài như là một minh chứng lịch sử cho quá trình chiến đấu anh dũng của Đại đội nữ pháo binh, gợi lên trong lòng người xem, nhân dân lòng cảm phục, ngưỡng mộ về một quá khứ oanh liệt, hào hùng của dân tộc. 

Giờ đây các chị lại tiếp tục truyền thống của mình trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. ngày lại ngày các chị lại trồng rau, nuôi cá, vui vầy cùng con cháu dạy dỗ khuyên bảo các con làm ăn , bảo ban con cháu học hành. Được sự giúp đỡ của Tổng công ty điện lực III, Bộ binh chủng pháo binh, của đồn 200…giờ đây các chị đã có được căn nhà xây cấp bốn ấm áp tình người. Các chị cũng được tạo điều kiện để được ra thăm thủ đô Hà Nội, vào viếng lăng Chủ tịch HồChí Minh. Đó là nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá, dù là nhỏ bé đối với những người con gái đã để lại trong lòng người dân đất Việt lòng biết ơn sâu sắc. 

Thế hệ trẻ Ngư Thuỷ hôm nay vẫn đang tiếp nối truyền thống anh dũng kiên cường của lớp người đi trước, không ngại khó , ngại khổ ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Trên mảnh đất này hàng ngày vẫn vang lên tiếng hát, tiếng hò kéo lưới của thanh niên nam nữ. Ngư thuỷ giờ đây đã thay da đổi thịt, không còn là một bãi cát trắng dài hoang vu nữa mà bây giờ nhà cửa đã mọc lên san sát, có quán sá, điện, đường trường học ngày một khang trang. Ngày ngày những bầy em nhỏ tung tăng cắp sách tới trường, líu lo tập đọc, tập hát. Chiều chiều những con thuyền đánh cá lại trở về trên bãi, mang trên mình những luồng cá nặng, cuộc sống thêm ấm no hạnh phúc. 

Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” “Uống nước nhớ nguồn” , “Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa” để thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với những người có công với nước Liên đội trường TH Ngư Thủy Trung kết hợp với Liên đội Trường THCS Ngư Thuỷ Trung đóng trên địa bàn đã nhận chăm sóc và bảo vệ di tích Tượng đài nữ pháo binh anh hùng, đó là tấm lòng tri ân của toàn thể đội viên nhi đồng muốn gửi đến các chị, những người con“ Xê gái” anh hùng. 

                                                           Phạm Thị Tám

CHUYỆN ĐỜI CÔ ÚT CỦA ĐẠI ĐỘI PHÁO BINH NGƯ THỦY


Nhìn chị, nếu không biết trước, chẳng ai đoán được đó là cô em út xinh đẹp Ngô Thị Thuý Phường của đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ, Quảng Bình lừng tiếng năm nào. 

Năm 1977, đất nước hoà bình, đội pháo binh giải thể, nhưng chiến công oanh liệt của các cô gái thì nhiều năm sau vẫn còn được nhắc nhớ. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những người bạn Liên Xô sang thăm nước ta đã không khỏi sửng sốt: Khẩu pháo của Liên Xô to, nặng và phức tạp thế thì những cô gái mảnh dẻ của Việt Nam làm thế nào mà bắn được? Bạn muốn ta diễn tập lại. 

Tháng 7 - 1980, chị cùng 6 chị em (trong đó có hai người của đội pháo năm xưa) kéo pháo ra Cửa Hội (Nghệ An) dự hội thao toàn quốc. Trên thao trường, người khẩu đội trưởng nữ ấy đã chỉ huy chị em hoàn thành xuất sắc bài bắn. 

Quy định cho phép, đến viên thứ ba mới trúng mục tiêu nhưng nhờ đã có kinh nghiệm, lại tính toán chuẩn nên ngay viên đầu tiên chị em đã bắn chính xác. Những tràng pháo tay nổi lên. Kí ức về buổi thao diễn thành công ấy là dấu ấn đẹp đẽ cuối cùng của thời thanh niên sôi nổi mà suốt đời chị không thể nào quên. 

Những năm tháng chiến đấu say mê cũng qua đi, qua đi cả cái thời xanh tươi của những o gái trong đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ. Trở về, ai may mắn thì tìm được hạnh phúc muộn màng, những người còn lại như o Phường, thì đến giờ vẫn đi về một bóng. 

Hiếm có người phụ nữ nào kiên cường, dẻo dai và năng nổ như o Phường. Chị em trong đội nữ pháo binh và chị em của cả xã đều nhìn vào o mà học tập, mà vững tin rằng người phụ nữ cũng có vai trò và chỗ đứng quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. 

Chị Trần Thị Hoanh - chính trị viên đại đội pháo binh Ngư Thuỷ trước đây, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thuỷ Nam 

Đầu năm 1980, không chồng không con, chị Phường nhận chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thuỷ (gồm cả 3 xã Trung Nam Bắc hiện nay). Thuở ban đầu khó khăn, làm Chủ tịch nhưng chị không có một đồng trợ cấp, vẫn tự làm thêm ngoài nuôi thân. 

Nhưng cái khổ của riêng mình không làm chị chua xót bằng sự khổ cực của chị em trong xã. Một năm 3.000 đồng tiền lệ phí mà không ai có để đóng. Chị phải đến từng nhà, động viên chị em đi thu gom chai lọ trôi nổi dọc bờ biển, nộp cho Hội thay tiền lệ phí. Sau đó, chị và hai chị Phó Chủ tịch (cũng là pháo binh Ngư Thuỷ năm xưa) gồng gánh lên huyện, cách nhà hơn 40 cây số, bán lấy tiền. 

Năm 1983, chị vay xã 200 nghìn đồng, thành lập tổ thu mua hải sản cho chị em, sấy khô rồi bán lại cho tiểu thương xuất khẩu. Nhờ đó, việc đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản ở Ngư Thuỷ nhộn nhịp hẳn lên, cuộc sống bớt phần khó nhọc. 

Những năm 90, chị dành dụm 60 triệu đồng mở xưởng phơi sấy cá. Rồi chị làm đơn xin nhận 20ha đất để trồng rừng. Nhiều người thấy chị trồng rừng hiệu quả cũng học làm theo. Tới nay, những đồi cát trắng chói chang dọc biển Ngư Thuỷ đã phủ màu xanh của rừng dương, rừng tràm. Chị đã mang màu xanh về cho cát. 

Quả ngọt cuối mùa 

Trước đây, khi trở về lúc đã luống tuổi, dù không hy vọng tìm được người đàn ông biết cảm thông với mình để nương tựa, nhưng chị cũng khao khát có được một đứa con như tất cả những phụ nữ bình thường khác. 

Để được xã cho vay vốn làm kinh tế, chị nuốt nước mắt xin anh bạn học cũng là đồng đội cũ một "người thừa kế". Nhắc đến người đàn ông đầu tiên và duy nhất đi qua cuộc đời mình, đến giờ chị vẫn rưng rưng: "Anh ấy trẻ trung, tài hoa và nhân đức lắm. Cũng là người chồng chung thuỷ, vì thương cảnh ngộ của mình mà giúp thôi". 

Sau đó đôi ba lần trong những chuyến công tác anh cũng gặp lại chị, nhưng đứa con thì anh chưa từng biết mặt. Trong những ngày cùng cực ấy, chị tập hút thuốc để bớt căng thẳng, sợ hãi, để thấy mình mạnh mẽ mà đối diện với cuộc đời. 

Chị đặt cho con cái tên đầy hờn tủi: Ngô Thị Hồng Ép. Sau này, khi đạo diễn Lê Mạnh Thích về quay bộ phim pháo binh Ngư Thuỷ mới đề nghị đặt lại tên cho cô bé. Chị đổi thành Quỳnh Anh - tên người bạn gái đã sát cánh với chị trong dự án đầu tiên hỗ trợ những phụ nữ nghèo ở Ngư Thuỷ làm kinh tế. Nhưng đó là trên giấy tờ, còn chị và cả bà con trong xã thì đã quen gọi cô bé là "bé Ép". 

Nhớ lại, năm 2006, khi Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 chính thức ra đời, chị mới cảm nhận hết sự thiệt thòi không gì bù đắp nổi. Nhìn về những dặm dài khó nhọc đã qua và con đường trước mắt, chị thở dài: "Đi một mình thật là quá sức. Nhưng chẳng thể tìm đâu người cùng bước với mình". Cũng may chị còn có bé Ép. Cô bé khoẻ mạnh, xinh đẹp với gương mặt tươi rói và đôi mắt to lanh lợi, thông minh. 

Bận bịu công việc, chị đi suốt ngày, về đến nhà là lại cắm cúi bên bàn làm việc, chẳng có mấy lúc rảnh mà âu yếm vuốt ve con. Có khi đang làm ngẩng lên, thấy con chơi một mình ngoài sân chị cũng xót xa, tự trách mình. 

"Đôi khi nghĩ, thà là một người mẹ tốt còn hơn là một cán bộ giỏi. Sắp tới, về hưu tôi sẽ thu xếp công việc để dành nhiều thời gian chăm lo cho bé Ép. Ngẫm cho cùng, con bé mới là điều quý giá nhất còn lại của đời tôi". 

Thuý Hiền

MỘT BỮA "ĐẠI TIỆC HỘI" VỀ DÂN CA


Tôi dám khẳng định rằng, chưa bao giờ có một liên hoan nghệ thuật nào lại thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân như liên hoan lần này. Từ cụ già em nhỏ, từ con gái con trai... ở khắp các nẻo đường gần xa nô nức về đây vui như trẩy hội. Và cũng chưa bao giờ cảm xúc trong tôi lại dào dạt, muốn ngay lập tức ngồi vào bàn viết để ghi lại cái không khí rạo rực hân hoan mà thiết tha sâu lắng trong liên hoan “Em hát dân ca” dành cho học sinh bậc tiểu học huyện Lệ Thủy tổ chức lần đầu tiên năm 2012 vừa mới diễn ra cách đây vài giờ đồng hồ tại Trung tâm VHTT huyện Lệ Thủy.

Đây là hoạt động hướng tới dịp kỉ niệm tròn 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012) do phòng GD&ĐT Lệ Thủy tổ chức. Liên hoan lần này thu hút gần 600 diễn viên “nhí” của 36 đơn vị trường TH trên địa bàn toàn huyện tham gia. Là dịp để các thế hệ học sinh được nói lên lòng tri ân của mình đối với thầy cô giáo thông qua các làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Trong đó, thể loại hò khoan Lệ Thủy được các em đặc biệt chú ý và thể hiện hết sức thành công. Là sự tiếp nối và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể - tài sản tinh thần vô cùng quý báu của người dân vùng sông nước xứ Lệ anh hùng.

Ngay từ sáng sớm, những dòng người từ khắp các ngả đường nô nức đổ về sân Trung tâm VHTT. Từ miền xuôi miền ngược, thầy cô cùng các em học sinh trong rực rỡ sắc màu dân ca đã tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc tranh tài, hứa hẹn sẽ mang lại cho công chúng yêu thích dân ca một bữa tiệc về thanh sắc, về những nét đẹp truyền thống vượt thời gian.

Đúng 7 giờ 30 phút, hội trường của nhà VHTT đã không còn một chỗ trống nào. Tất cả đang sẵn sàng. Trên sân khấu, ánh đèn đã bật sáng báo hiệu thời khắc quan trọng đã đến. Sau diễn văn khai mặc ngắn gọn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa của thầy giáo Hoàng Đình Khuyên - P. Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy, Trưởng ban tổ chức liên hoan là phần mở màn của đơn vị trường TH Phú Thủy. Cả khán phòng đông đến nghẹt thở trong thoáng chốc trở nên im bặt khi những điệu hát câu hò vang lên bên những động tác múa mềm mại.

Ở ngoài tiền sảnh, dòng người cứ tiếp nối nhau kéo về trong vội vã. Tôi đặc biệt chú ý đến những cụ già tay chống gậy, miệng bỏm bẻm nhai trầu đang có vẻ nóng lòng muốn được vào xem. Đỡ một cụ bà lên mấy bậc thềm hơi cao so với tuổi tác, tôi tranh thủ hỏi han mấy câu. Đó là cụ Hoàng Thị Cúc, người ở bên kia sông. Cụ nói: “Tui đã tranh thủ đi sớm để có chỗ ngồi tốt, ai ngờ người đông quá...”. Rồi cụ giải thích cho cái lí do đưa mình đến với ngày hội: “Tui muốn đến đây để nghe coi con cháu miềng hắn hát hò khoan như răng. Chú mần ơn dắt mệ vào cho kịp...”. Tôi cảm kích quá trước cái mục đích tưởng như là bình dị ấy và thoáng cảm nhận trong ý nghĩ đến thành công của liên hoan này.

Trên sân khấu, những tiết mục lần lượt được các đơn vị thể hiện hết sức ấn tượng trong những tràng pháo tay hoan hỉ. Ngoài đường, trước sân, dòng người cứ mải miết tìm về. Cái không khí của những ngày tháng xa xưa bên cối gạo đêm trăng, bên gốc đa sân đình... được tái hiện một cách sinh động. Hồn quê, hồn người, hồn núi sông theo những điệu hát câu hò bay về thấp thoáng trên những mái nhà cao tầng ngói mới, trên những làn môi, đôi tay của những “nghệ nhân” hát dân ca của thế hệ “10X”. Tất cả hòa quyện đến độ viên mãn, lắng sâu!

Về phần mình, quán triệt sự chỉ đạo của Ban tổ chức liên hoan, các đơn vị cũng đã chủ động đầu tư xây dựng cho tiết mục của mình. Mỗi đơn vị một phong cách mang giá trị riêng. Tựu trung, có ba sự lựa chọn trong kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam: một là trình bày theo kiểu “Tổ khúc dân ca Bình - Trị - Thiên”, “Dân ca ba miền” và “Hò khoan Lệ Thủy”. Dù ở dưới hình thức nào, các đơn vị cũng đã khéo léo đưa được thể loại hò khoan Lệ Thủy vào cho tiết mục của mình. Trong bài phản ánh này, chúng tôi không có tham vọng đi tìm hiểu, đánh giá bình phẩm về các điệu lí và các làn điệu khác mà đặc biệt đi vào tìm hiểu về làn điệu dân ca quê nhà: Hò khoan Lệ Thủy.

Qua tìm hiểu, trao đổi của chúng tôi với những người lớn tuổi mà chúng tôi xem họ như là những “nghệ nhân hát hò khoan” và những người có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực này thì đa phần họ đều tỏ ý hài lòng về cách trình bày cũng như trình diễn hò khoan trên sân khấu. Cụ bà Hoàng Thị Cúc ở làng Quảng Cư cho rằng, các cháu hát đúng phách, đúng nhịp và khá hay. Tuy nhiên, hò khoan Lệ Thủy là một thể loại rất khó diễn xướng. Nó phải phù hợp với hoàn cảnh khi diễn xướng và chất giọng của hò khoan cũng là yếu tố quan trọng không kém. Nghe các cháu mới chỉ học lớp 1 lớp 2 mà đã hát được như thế, bà (và những vị cao niên như bà) cảm thấy rất mừng. Cũng có cùng quan điểm với bà Cúc, bà Nguyễn Thị Mịn, ở Kiến Giang, năm nay đã ngoài 80, xúc động: “Nghe các cháu hát hò khoan Lệ Thủy, tui thấy vui lắm chú ơi! Ngày xưa ở tuổi như các cháu, bọn tui cũng đã hò thuộc nhiều bài lắm rồi. Có những cuộc hò thâu đêm, hết gạo trong cối, bọn tui phải lấy trú (trấu) đổ vào để giã và hò. Bây giờ, nghe các cháu hò, thấy nhớ ngày xưa quá...”. Bà nói trong hàng nước mắt “như sương”, chúng tôi cũng thấy nghèn ngẹn trong cổ họng. 

Trao đổi với ông Võ Như May, cán bộ trung tâm VHTT, người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về hò khoan Lệ Thủy, cũng tỏ ra hài lòng về nỗ lực của giáo dục Lệ Thủy khi tổ chức được một liên hoan ý nghĩa này. Bản thân ông (và cả những nghệ nhân khác) cũng được một số đơn vị trường mời đặt lời mới, tập cho các cháu hò và dàn dựng các tiết mục múa đều rất vui vì các cháu học hò rất say sưa và tỏ ra có năng khiếu. Mặc dù một đôi chỗ luyến láy, các cháu còn “cứng” và chất giọng của một số cháu còn chưa phù hợp nhưng các cháu đã hát hò khoan bằng tất cả tấm lòng...

Có mặt trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, mặc dù hiểu biết về hò khoan còn non nớt nhưng chúng tôi nhận ra một điều thật thú vị rằng, hình như các em học sinh nói riêng, người dân Lệ Thủy nói chung sinh ra là để hát hò khoan. Niềm đam mê và những tố chất như một mạch máu, chảy xuyên suốt từ đời này sang đời khác, nối tiếp nhau để giữ gìn, phát huy những giá trị ngàn đời của ông cha. Nói như nhận xét của thầy giáo Trương Châu Thoại, giáo viên trường TH Mỹ Thủy thì: “Hình như người Lệ Thủy sinh ra là để hát hò khoan và chỉ có người Lệ Thủy mới hát hò khoan hay như thế”. Câu nói đó đúng, ít nhất là trong liên hoan lần này.

Có một vị khán giả ngồi ở hàng ghế đầu, lặng lẽ dõi theo từng tiết mục trong suốt liên hoan. Không bài phát biểu, thậm chí là không đưa ra một lời bình phẩm, đánh giá nhưng qua ánh mắt, nụ cười và những cái gật đầu khe khẽ của thầy, chúng tôi biết thầy đang tỏ ra hết sức hài lòng với thành công của liên hoan. Có thể thầy chính là “linh hồn” của liên hoan và cũng có thể thầy cũng như một trong những khán giả bình dị khác. Nhưng trong ánh mắt thầy đã ánh lên niềm tin và hy vọng cho tương lai của thế hệ măng non của giáo dục huyện nhà. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu và biết thầy là ai.

Trở lại với liên hoan “Em hát dân ca” dành cho học sinh bậc tiểu học huyện nhà. 36 tiết mục trong liên hoan mà nếu tôi là giám khảo, tôi sẵn sàng viết lên những điểm 10 tròn trĩnh sau mỗi một tiết mục. Và chắc chắn trong lòng của công chúng mến mộ, họ cũng sẽ hào phóng như tôi - nghĩa là các em xứng đáng nhận mức điểm cao nhất từ phía hàng ghế khán giả. Thế nhưng, đã là cuộc thi thì phải có sự phân loại cao thấp. Đó là điều đã vô tình đã gây cho Ban giám khảo đáng kính đứng trước một khó khăn lớn bởi xét về hình thức lẫn nội dung, tất cả các tiết mục đều xứng đáng được chọn lựa. Lại xét về đối tượng, lứa tuổi thì lại càng xứng đáng hơn. Dân ca nói chung, hò khoan Lệ Thủy nói riêng là những thể loại rất khó diễn xướng với bất cứ ai. Đằng này, các em lại là học sinh tiểu học, sinh ra và lớn lên ở thế kỉ XXI!

Xuất phát từ quan điểm đó, trong phạm vi bài phản ánh này, cho phép chúng tôi không được đưa lên những đơn vị đoạt giải (mặc dù đã có kết quả và sẽ được thông báo rộng rãi trên các PTTTĐC trong nay mai). Thay vào đó là sự ghi nhận những nỗ lực tuyệt vời của các đơn vị, đặc biệt là những đơn vị vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như TH&THCS số 1 Kim Thủy, Ngân Thủy, TH&THCS số 2 Kim Thủy... Đó chính là món quà, là phần thưởng quý giá nhất mà họ đã dày công khổ luyện nhằm đưa đến cho công chúng một bữa “đại tiệc về dân ca” và cũng là bó hoa “hương đồng cỏ nội” mang nhiều ý nghĩa nhất dâng lên thầy cô trong ngày lễ tôn vinh nghề giáo.

Người viết muốn lấy ý của thầy giáo Hoàng Đình Khuyên để kết thúc cho bài viết này, khi thầy cho rằng: thành công của liên hoan cũng chính là thành công có được dựa trên việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo. Từ việc các nghệ nhân hát hò khoan, các ban nhạc sử dụng nhạc cụ dân tộc được mời về để tập luyện cho các em đến hình ảnh các chị các mẹ ngày ngày tìm đến các đơn vị trường học để cùng góp ý, chỉnh sửa cho từng nhịp, từng lời... đã tạo được bầu không khí sổi nổi, hào hứng trên khắp địa bàn toàn huyện từ hơn một tháng nay đã nói lên được điều đó. Liên hoan “Em hát dân ca” là đỉnh cao của cả một quá trình nung nấu, chuẩn bị và cuối cùng là đưa đến cho công chúng một bữa “đại tiệc hội” sang trọng mà bình dị, rộn ràng mà sâu lắng, thiết tha như tiếng ngàn xưa vọng về.
Xin chào, xin cảm ơn và hứa hẹn cho những kì liên hoan mới!

                                                                 Bảo Châu




















ĐƯA HÒ KHOAN LỆ THỦY VÀO TRƯỜNG HỌC


Trong cuốn “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” của GS. Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo có viết về hò khoan Lệ Thủy như sau: “Đây là một điệu hò có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân như khi đi đốn củi, đánh cá, khi gặt hái, cấy bừa, đưa đò, cất nhà, lùa trâu, đi nơm, xay lúa, giã gạo, ru em v.v...”. Rõ ràng, từ bao đời nay hò khoan Lệ Thủy chiếm một vị trí nhất định trong kho tàng diễn xướng của dân tộc.

Tuy nhiên, trước những khó khăn gặp phải như: Những người biết hát hò khoan ngày một ít đi, tuổi ngày càng cao, trong khi đó lớp trẻ lại không hào hứng và không có tâm huyết với các làn điệu hò khoan; sự xâm nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ của nhạc trẻ, của âm nhạc thị trường đã lấn át đi những làn điệu, những câu hò khoan thấm đẫm tình người, tình quê... Đặt chúng ta trước một thách thức lớn, trong đó, ngành giáo dục và đào tạo chiếm một vị trí hết sức quan trọng.

Xác định được tầm quan trọng đó, trung tuần tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy tổ chức một liên hoan dành cho học sinh khối tiểu học với tên gọi:“Em hát dân ca”, thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tập thể và cá nhân. Có thể nói, liên hoan lần này đã làm dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy cho biết ngành đã có kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá hò khoan Lệ Thủy bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức thiết thực và hiệu quả nhất là đưa hò khoan vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Để đạt được kết quả tốt, kế hoạch này được chia ra làm năm bước - năm nôi dung trong một chương trình. Đó là: tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập các CLB trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi.
Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và các ban ngành liên quan, phòng GD&ĐT đã tổ chức đợt tập huấn hát hò khoan Lệ Thủy cho toàn thể giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và đại diện học sinh của tất cả các trường học trên địa bàn toàn huyện. Đó là cơ hội tốt để cả giáo viên và học sinh tiếp xúc, làm quen với những giai điệu mượt mà của những điệu hò mái chè, hò mái xắp, mái đẩy... nghe dịu mát lòng người.

Việc làm thứ hai trong kế hoạch này là phải tổ chức sưu tầm hò khoan trong rộng rãi đội ngũ những giáo viên lớn tuổi - những người đã từng sống trong thời kì mà hò khoan đang chiếm ưu thế. Song song với việc làm này là chúng ta phải phục dựng lại các làn điệu bằng hình thức diễn xướng bằng nhiều hình thức và phương thức phù hợp.

Việc làm tiếp theo là tổ chức được các CLB trong trường học. Đây là việc làm không khó và cũng đã có một số đơn vị thực hiện thành công. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng từ các trường MN cho đến THCS, từ sau thành công của liên hoan “Em hát dân ca”, đâu đâu cũng rộ lên phong trào hát hò khoan. Từ các cháu nhỏ cho đến những cụ già, từ giáo viên cho đến học sinh. Những đồng nghiệp của chúng tôi cho hay, khi cùng với bố mẹ đến đi đến các trường để tập luyện dân ca, con cái họ, dù còn rất nhỏ tuổi cũng đã biết làm quen và “bập bẹ” hát theo những câu hò điệu lí. Thậm chí về nhà còn bắt ông bà cha mẹ tập trung lại để “xố”, còn cháu thì “xướng” rất ngây ngô và buồn cười. Thực tế trên cho thấy điều gì? Phải chăng là qua những đợt tập duyệt như thế, cái máu (vốn đã có sẵn trong từng tế bào) của các cháu nói riêng, của người Lệ Thủy nói chung có dịp để bộc lộ và phát huy những khả năng “thiên bẩm” như thế. Qua đây, chúng ta có thể tin tưởng rằng, việc thành lập các CLB hát hò khoan Lệ Thủy trong các trường học (từ trường MN trở lên) là hoàn toàn có tính khả thi và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.

                            Không khí tập luyện ở trường TH Mỹ Thủy, chuẩn bị cho liên hoan
                                          “Em hát dân ca” diễn ra hồi tháng 11/2012

Nội dung tiếp theo trong chương trình này là quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng gần xa trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Đây không chỉ đơn thuần là việc quảng bá một thương hiệu, một sản phẩm, mà đặc biệt hơn, đó là giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc có từ ngàn đời nay đến với công chúng. Và cũng qua việc tìm hiểu về nét văn hóa này, mọi người sẽ biết nhiều hơn nữa về mảnh đất và con người trên quê hương Lệ Thủy chúng ta. Hiện nay, trang TTĐT của ngành GD&ĐT Lệ Thủy đang tiến hành xây dựng một forum mới dành riêng cho việc giới thiệu hò khoan Lệ Thủy đến với đông đảo công chúng yêu thích. Khi xây dựng xong, hứa hẹn đây sẽ là một diễn đàn hấp dẫn và bổ ích, mang lại niềm vui cho nhiều người.

Việc làm thứ năm và cũng là đỉnh cao của chương trình là tổ chức các hội thi. Năm học 2010 - 2011, chúng ta cũng đã tổ chức được một liên hoan dành cho học sinh khối THCS. Tuy nhiên, phải đến liên hoan dành cho học sinh khối TH lần này, dân ca nói chung, trong đó có hò khoan Lệ Thủy mới thực sự “lên ngôi”, làm dấy lên một “làn sóng”hò khoan từ khắp nơi mọi nẻo, thu hút sự chú ý của nhiều ngành, nhiều người. Từ thành công này và từ yêu cầu thực tiễn có tính mang tính cấp bách, thiết nghĩ trong những năm tiếp theo, chúng ta nên tổ chức tiếp những liên hoan như thế dành cho những bậc học khác.

Trở lại với những làn điệu dân ca Lệ Thủy. Chúng ta đều biết rằng, hò khoan Lệ Thủy bao gồm chín mái: Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy là đàn nhị và mõ. Hai loại nhạc cụ này khi hòa vào nhau thì âm thanh dịu dàng, sâu lắng và rất đỗi thắm thiết, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi nên cứ mỗi lần làn điệu được ca lên thì âm hưởng đó xuyến xao như tiếng lòng của làng quê Việt.

                                       Không khí tập luyện cũng không kém phần sôi nổi,
                                                    khẩn trương ở trường Kim Thủy 2

Bởi vậy người ta nói rằng, hò khoan Lệ Thủy là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính bình dân. Bình dân từ nhạc cụ, câu từ đến hình thức diễn xướng... Là người Lệ Thủy, chắc chắn ai cũng hát được một đôi câu hò khoan. Nó được sinh ra và gắn liền trong lao động sản xuất. Hò để công việc bớt phần mệt nhọc hơn. Hò để quãng đường đỡ xa hơn. Hò để con em mình có giấc ngủ sâu hơn... Và lần này, chúng ta đưa hò khoan vào trường học để việc học có chất lượng hơn, học sinh tích cực hơn, chăm ngoan hơn. Giáo viên cũng vì thế mà hăng say công việc hơn, yêu nghề mến trẻ hơn. Đó là kết quả tốt đẹp có được từ những việc làm của chúng ta và như một lời khẳng định rằng, đưa hò khoan vào trường học là một việc làm đúng đắn và cần thiết trong thực tế cuộc sống hôm nay nhằm giữ gìn và phát huy những điệu hát câu hò, giữ gìn giá trị muôn đời của cha ông. Đó là giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, góp phần hình thành nên nhân cách và những giá trị vĩnh hằng của người Lệ Thủy. 
                                                             Bảo Châu

NGÔI MIẾU CỔ TRONG LÒNG CÂY SI

Không biết ngôi miếu cổ ở thôn Văn Minh, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có từ niên đại nào, nhưng hàng trăm năm qua, người dân luôn kính cẩn trước ngôi miếu.

Ngôi miếu cổ ở thôn Văn Minh tựa mình bên triền núi sơn thủy hữu tình, một bên là núi non trùng điệp, một bên là con sông uốn lượn nên thơ. Và điều đặc biệt hơn là phía bên trên miếu có một cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Gốc cây si cắm từ trên nóc miếu, rễ cây xù xì bám chặt xung quanh, tán cây tỏa rộng ra toàn bộ khuôn viên tạo nên nét cổ kính, linh thiêng.


Ngôi miếu cổ được bao bọc bởi cây si hàng trăm năm tuổi

Phía trong miếu có nhiều câu đối bằng chữ Hán được viết nên từ khi lập miếu nhưng đến nay trong làng vẫn chưa ai có thể dịch nghĩa được câu đối này. Và đó cũng đang là dấu chấm hỏi cho các nhà chuyên môn.
Ngôi miếu này được người dân địa phương giữ gìn và chăm nom cẩn thận. Hàng năm có rất nhiều du khách khắp cả nước đến viếng nén tâm nhang và tìm hiểu nguồn gốc ngôi miếu cổ.

Người dân khi đến viếng miếu luôn tỏ lòng thành kính

Qua tìm hiểu, chúng tôi được một số cụ cao niên ở trong thôn cho hay: Ngôi miếu có từ thời nào hiện không ai năm rõ, và cũng chưa có một tài liệu nào ghi lại một cách chính xác về ngôi miếu này. Họ chỉ biết người đời kể lại rằng, tương truyền, cách đây hơn 300 năm trước, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, vùng đất An Sinh (thôn Văn Minh ngày nay) với vị trí đắc địa, kín đáo, khí hậu trong lành nên được chúa Nguyễn lựa chọn là nơi nghỉ dưỡng cho các đội.

Ngôi miếu này cũng được lập nên từ đó và tồn tại đến bây giờ. Ngôi miếu lập nên là để thờ một vị tướng triều Nguyễn không chỉ am tường về địa lý mà còn giỏi bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

                                  Qua bao nhiêu bom đạn, ngôi miếu vẫn trụ vững

Người dân nơi đây thường gọi ngôi miếu này là Miếu Bà, bởi cách đó vài trăm mét cũng có một ngôi miếu khác mang tên Miếu Ông. Nhưng trong những năm chiến tranh, miếu Ông đã bị bom đạn tàn phá, hiện không còn dấu tích.

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, có một tiểu đoàn xe tăng ẩn náu ở đây. Đội dân quân du kích xã Trường Thuỷ cũng chọn nơi đây để huấn luyện. Không biết từ lúc nào, ở đây đã mọc lên một cây si thân hình xù xì với bộ rễ bao bọc, bám chặt từ nóc miếu.

                                         Rễ cây si phủ xuống ôm trọn ngôi miếu

Điều đặc biệt là trải qua hàng chục năm ròng rã hứng chịu biết bao làn bom đạn xối xả của kẻ thù, nhưng không một quả đạn nào đánh trúng ngôi miếu cổ và cây si trên đó. Ngược lại, toàn bộ cây cối lớn nhỏ xung quanh đã bị bom đạn san bằng.
Địa danh lịch sử

Trong những năm đầu của thế kỷ trước, một số người dân làng Quy Hậu, xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đã lên vùng đất này lập nghiệp sinh sống. Làng được lấy tên là An Sinh, với ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no đủ.
Đây là vùng đất cạnh núi, gần sông, vị trí đắc địa nên trong chiến tranh An Sinh được người dân địa phương lựa chọn làm nơi trú ẩn, che giấu bộ đội, tập kết vũ khí, phương tiện. Đây còn là điểm trung chuyển vũ khí, lương thực của các đội quântrên đường Nam tiến.

Ngôi miếu cổ được công nhận là di tích lịch sử, nơi thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Bình

Ngày 4/7/1945, tại trại sản xuất An Sinh, xã Văn Thuỷ đã diễn ra Hội nghị Tổng bộ Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập các tổ, đội tự vệ tập trung, các khu căn cứ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị. Từ đây, lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Bình đã ra đời trong sự che chở đùm bọc của người dân địa phương trong những năm chiến tranh.

                                      Đây là địa danh lịch sử được nhiều người biết đến

Qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân đoàn kết một lòng nên đã góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Vùng đất này cũng được tách ra và hình thành nên xã Văn Thủy ngày nay. Chính vì đây là địa chỉ đỏ trong chiến tranh với bao trang sử hào hùng nên vùng đất này cùng với cây si cổ thụ đã trở thành di tích lịch sử ghi dấu mốc son chói lọi của LLVT tỉnh Quảng Bình.

                    Tấm bia ghi lại những chiến tích lịch sử của quân và dân ở miếu An Sinh

Năm 2005, được sự quan tâm của Bộ CHQS tỉnh và cấp uỷ, chính quyền địa phương, khuôn viên khu di tích đã được trùng tu xây dựng nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Năm 2011, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tu bổ và xây dựng mới một số hạng mục như: cổng, hàng rào, đường bê tông vào khu di tích.

Ông Đỗ Tấn Thùn, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Văn Minh - người được giao trách nhiệm trông coi khu di tích cho biết, đây là khu di tích có ý nghĩa quan trọng ghi dấu một thời kỳ oai hùng trong chiến tranh. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp bà con địa phương hết sức gìn giữ và trông nom cẩn thận với một lòng thành kính. Ngôi miếu cổ bao bọc bởi cây si được xem là chốn tâm linh để bà con đến tâm nhang cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

                                                               Theo Dân tri

HOÀNG KẾ VIÊM - TRẤN BẮC ĐẠI TƯỚNG QUÂN

VŨ NGỌC 

Hoàng Kế Viêm người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là con của Hoàng Kim Xán, Bố chánh tỉnh Khánh Hòa. Sau khi Hoàng Kế Viêm thi đỗ cử nhân vào năm 1843 thời vua Minh Mạng, ông được bổ nhiệm Tư vụ, hàm Quang Lộc tự khanh. Ông kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng bao lâu thì vợ mất. Hoàng Kế Viêm vừa có công lớn trong cuộc chiến chống sự xâm lăng của Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu, vừa kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược. 

Thái Bình Thiên Quốc là một nhà nước trong lịch sử Trung Quốc được hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân do Hồng Tú Toàn cầm đầu vào giữa thế kỷ 19. Thái Bình Thiên Quốc có lãnh thổ trải rộng từ sông Dương Tử xuống phía nam Trung Quốc với trên 16 tỉnh và hơn 600 thị, có thủ đô là Thiên Kinh (Nam Kinh).  

Lịch sử phát triển và suy vong của Thái Bình Thiên Quốc gắn liền với cuộc đấu tranh của người dân Trung Quốc chống lại sự cai trị của nhà Thanh và sự xâm lăng của các thế lực phương Tây. Cuộc chiến tranh giữa Thái Bình Thiên Quốc và các thế lực đối kháng được coi là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế kỷ 19 ở Trung Quốc. 

Theo thống kê không chính thức nó đã tước đi sinh mạng của hơn 20 triệu người, bao gồm thường dân và quan quân, nhưng cũng có nguồn cho rằng số người chết lên đến khoảng 50 triệu người. Sau cuộc chiến chống lại Thái Bình Thiên Quốc, nhà Thanh đã kiệt quệ và đành phải chứng kiến các nước phương Tây xâm chiếm những vùng đất duyên hải, áp đặt các đặc quyền thương mại trên đất Trung Hoa. 

Năm cuối thập niên 1860, dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc là Ngô Côn chạy tràn sang miền Bắc Việt Nam. Đầu tiên, họ xin hàng, sau đem quân đi cướp phá các tỉnh. Quan quân đánh mãi không được mà còn mất nhiều binh tướng, buộc triều đình nhà Nguyễn phải cùng quân nhà Thanh phối hợp để tiễu trừ. Đến khi đảng cướp người Tàu là Tô Tứ nổi lên, cướp thành Lạng Sơn, bắt giết Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ là Đoàn Thọ, triều đình Huế bèn phái Hoàng Kế Viêm ra làm Lạng-Bình-Ninh-Thái Thống đốc quân vụ đại thần (1870), để cùng với lực lượng của Tán tương Tôn Thất Thuyết lo việc đánh dẹp. 

Qua tháng Tư năm sau (1871), Tự Đức lại sai quan Hình bộ thượng thư là Lê Tuấn làm chức Khâm sai thị sự đến hỗ trợ ông. Hoàng Kế Viêm vừa đánh vừa dụ hàng, thu phục được các dư đảng của Ngô Côn. Nhờ công lao này, Hoàng Kế Viêm được phong Đại học sĩ lãnh Tổng thống Tam Tuyên, sung Tiết chế quân vụ miền Bắc. 
Trong hai cuộc xâm lược Bắc Kỳ và Hà Nội (1873 và 1882) của thực dân Pháp, Ô Cầu Giấy đầy khói lửa tang thương. Do nằm trên huyết mạch giao thông quan trọng nên Ô Cầu Giấy là điểm huyết chiến chiến lược giữa quan quân triều đình và quan Pháp. Và hai chiến thắng oanh liệt (được gọi là "Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất" ngày 21-12-1873 và "Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ hai" năm 1883) đều gắn với tên tuổi của một con người - Thống đốc Trấn Bắc đại tướng quân Hoàng Kế Viêm. 

Ngày 20-11-1873, viên đại úy Pháp là Gác-ni-ê với 200 quân tấn công thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương trấn giữ thành bị thương nặng, tuyệt thực và hy sinh. Hà Nội thất thủ. Thành Hà Nội mất, song hai cánh quân của triều đình do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn. Triều đình Huế không muốn dựa vào lực lượng này để giành lại đất đai bị mất, mà muốn qua thương lượng để chuộc lại. Được đà, quân Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Hải Dương,Nam Định, Ninh Bình. Trong lúc phái đoàn Trần Đình Túc (làm Tổng đốc sau khi Nguyễn Tri Phương mất) đang đàm phán với Gác-ni-ê, Hoàng Kế Viêm lệnh cho cánh quân Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân triều đình do ông tổng chỉ huy bố trí mai phục ở Ô Cầu Giấy. Mặt khác, cho quân vào thành Hà Nội khiêu chiến buộc Gác-ni-ê tạm dừng thương lượng, tự dẫn quân đi ứng chiến và sa vào ổ phục kích. Trận chiến xảy ra ác liệt. Quân của Hoàng Kế Viêm chém đầu F.Gác-ni-ê vào giữa trưa ngày 21-12-1873. 

Ngày 24-3-1883, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Bắc kỳ, H.Ri-vi-ê đưa quân đánh chiếm Nam Định. Thừa cơ, hai đạo quân do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy đã hội quân vây Hà Nội. Quân Trương Quang Đản áp sát tuyến ven sông Hồng, quân Hoàng Kế Viêm án ngữ dọc bờ sông Tô. Rạng sáng 26-3-1883, Hoàng Kế Viêm cho 4.000 quân từ phủ Hoài Đức tiến về Hà Nội, tấn công một số căn cứ giặc ở trong thành; quân Trương Quang Đản chặn đánh dọc sông Hồng, pháo kích căn cứ Đồn Thuỷ. Quân của Hoàng Kế Viêm đem cả voi đi tuần trong lòng Hà Nội, tấn công cứ điểm Hàm Long, buộc H. Ri-vi-ê phải xin lệnh Thống đốc ở Sài Gòn dẫn quân ra phủ Hoài Đức. 4 giờ ngày 19-5-1883, H.Ri-vi-ê chỉ huy 500 quân theo đường Trường Thi kéo về phủ Hoài Đức. Quân Pháp lọt vào ổ phục kích ở Hạ Yên Quyết, Trung Thôn và bị đánh bất ngờ đã tháo chạy ngang qua vị trí cánh quân ta mai phục ở Tiền Thôn. Quân mai phục xung phong đồng loạt và H. Ri-vi-ê bị chém đầu. 

Năm Kỷ Dậu (1909), Hoàng Kế Viêm mất, hưởng thọ 89 tuổi, vua Duy Tân ban tên thụy là Văn Nghi. Hoàng Kế Viêm còn là một nhà văn, nhà viết sử. Ông có soạn các bộ sách: Phê thị trần hoàn ghi chép về đời Tự Đức; Tiên công sự tích biệt lục (thân thế và sự nghiệp thân sinh ông); Khổn y lục (tiểu sử vợ ông: công chúa Hương La); Bát tiên công gia huấn từ (lời dạy con cái theo di cảo thân phụ ông); Chi Chi thi thảo; Vân Vân văn tập; An Phu trấp lược.