NGUYỄN HỮU CẢNH, NGƯỜI MỞ ĐẤT PHƯƠNG NAM



Ông nội của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là quan tham chiến Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, vì bất mãn với chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, nên theo phò chúa Nguyễn vào Đàng trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn Hầu định hướng là đất Quảng Bình. Khi ấy người con trai thứ năm của Triều Văn Hầu là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật mới được 6 tuổi. Ông Dật sau này là cha của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Đến lượt Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được sinh vào năm 1650 tại Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.

Quê hương Quảng Bình đứng vào vị trí trung tâm của Tổ quốc - là một địa linh đã nung đúc nên nhiều anh tài nhân kiệt cho đất nước. Về thiên nhiên thì Quảng Bình cũng là một địa danh nổi tiếng có nhiều thắng cảnh độc đáo. Địa linh ấy, phong cảnh ấy đã tác động mạnh vào trí não Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ lúc mới chào đời. Càng lớn, quê hương Quảng Bình càng gắn chặt vào tâm hồn ông với lòng mến yêu, quyến luyến chân thành.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh trưởng trong tình huống nước nhà đang nạn Trịnh Nguyễn phân tranh, Ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn, nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần. Từng là sư tổ của môn võ, danh hiệu "Bạch hổ sơn quân phái’’ được nhiều người kính phục. Được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ.

Năm Nhâm Thân (1692) Chúa phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh an định bờ cõi. Tại vùng ven biển, trải hai năm liền Ông đã tích cực phấn đấu gặt hái được nhiều kết quả khả quan và nhất là để lại nhiều dấu ấn nhân hậu:
- Ổn định phủ Bình Thuận
- Hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt
- Cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng...

Qua thành tích trên, Ông được thăng chức Chưởng cơ, làm Trấn phủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa ngày nay).
Xuân Mậu Dần 1698, Chúa lại cử ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai (gồm cả Sài Côn Bến Nghé).

Thuở ấy Ông cho đóng đại bản doanh tại Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố (Đồng Nai). Ngoài mỏm đất này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u: phần đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư...
"...Đồng Nai địa thế hãi hùng 
Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um...’’
Phần nhân chủng tuy gồm các sắc tộc: Khơme, Chăm, Việt, Hoa...nhưng lại quá ít ỏi vắng vẻ, đời sống sinh hoạt còn quá thô sơ nghèo nàn. Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước thương dân, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kiên quyết vượt gian nguy, vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành:

- Khai hoang mở cõi
- Dàn xếp biên cương
- Bảo vệ chủng dân và vùng đất mới
- Thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ
- Lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt
- Đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông
Tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ trước mọi phương án do ông đề ra. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông - Điển hình bằng cả những câu ca dao thời ấy, ví dụ:

"Làm trai cho đáng nên trai 
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng"
Chốn rừng rậm đầm lầy quanh vùng Đồng Nai Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí..., mà Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này:

"Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt, 
Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai"
Không những ông là vị tướng khai biên xuất, nhà chính trị tài giỏi mà còn là người giàu đức tính, đầy lòng nhân hậu, và có một tâm hồn thuần phác ’’Uống nước nhớ nguồn", với lòng yêu, quê hương Tổ Quốc thiết tha. Đặc biệt, Ông đặt nặng tình lưu luyến chân thành với sinh quán Quảng Bình của ông. Như ta thấy, Ông đã chắt chiu đem từng tên của hai huyện Phước Long Tân Bình ở tận Quảng Bình vào đặt tên cho vùng đất mới khai hóa này, mà đến nay phần lớn vẫn còn. Trước hết là hai huyện Phước Long (vùng Đồng Nai) và Tân Bình (vùng Sài Côn Bến Nghé). Rồi còn biết bao thôn xã khóm ấp được mang tên Bình hoặc Tân như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước, ...Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh...

Do công nghiệp ấy, ân đức ấy, Ông đã được nhân dân trong vùng kính trọng, họ tỏ lòng tôn kính uy danh ông, không dám gọi tên húy luôn cả hai tên Kính và Cảnh mà chỉ tôn xưng bằng chức tước của ông là Quan Chương Cơ, quan Thống Suất và tôn quý gọi là Lễ Công, Đức Ông.
Hai năm sau, Triều đình tái cử ông đi dẹp yên biên cương với chức Thống binh. Lần này, ông cũng dùng chính sách ôn hòa, đem nhân tâm thu phục lòng người là chính.

Công cuộc an định biên cương mau chóng hoàn tất, Ông hạ lệnh dong thuyền xuôi dòng Cửu Long về Dinh Trấn. Nhưng khi về đến ngã ba Tiền Giang - Rạch Gầm (tục còn gọi quãng này là Sầm Giang) Ông bỗng bị bệnh mất đột ngột! Khi ấy nhằm ngày 9-5 Canh Thìn (1700). Quan quân bàng hoàng xao động, âm thầm đưa linh cữu của ông về đình cữu và huyền táng cạnh dinh Trấn Biên Đồng Nai, thuộc thôn Bình Hoành, Cù Lao Phố.
Được tin dữ bất ngờ, dân chúng xúc động thương tiếc; truyền rằng rất nhiều người vừa nghe xong đã bật khóc như chính người thân của họ mới qua đời vậy.

Triều đình cũng sửng sốt u buồn. Chúa Nguyễn Phúc Chu xót xa ban sắc truy tặng Hiệp Tán Công Thần, đặc tấn Chưởng dinh Tráng Hoàn Hầu (Vĩnh An Hầu) thụy là Trung Cần.
Truyền rằng sau đó linh hài của ông đã được cải về an táng tại Thác Ro thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nơi này mới đây được hậu duệ 10 đời của ông đã tìm ra mộ và tấm bia khắc tên Ông bằng chữ Hán, được dịch là (mặt trước) Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) chi mộ, (mặt sau) ghi: Bảo Đại năm thứ 5 ngày 16, hậu duệ là Viện trưởng Cơ mật Đại thần Thái tử Thái phó Hiển đại học sĩ Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài cùng con Hữu Giải và nữ thị Dương cung kính dựng bia. Nghiêm cẩn ghi lại.

Xét ra mộ chí của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Thác Ro, Quảng Bình đã rất đúng hướng địa lý đặt mộ của tiền nhân dòng Nguyễn Hữu đã chọn và truyền lại:
- Thượng Yên Mã = phía trước giáp núi Yên Mã

- Hạ Đùng Đùng = phía dưới gần phá Hạc Hải
- Trung trung nhất huyệt = khoảng trung tâm là nơi an táng được

Nhưng ở Cù Lao Phố xưa nay vẫn có lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Phải chăng tiền nhân khi xưa vừa làm công việc cải táng linh hài ông về Quảng Bình, vừa đắp lại như cũ mộ huyền táng của Ông ở Cù Lao Phố để trấn an lòng sùng kính của nhân dân vùng Đồng Nai. Ngoài ra, Thượng Đẳng Thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có một ngôi mộ vọng nữa ở xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam.
Thuở ấy, sau khi ông mất, nhân dân khắp nơi lập Đền, Miếu thờ phụng, cùng những liễn đối hoành phi..., ghi ơn Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Ngoài đền Vĩnh Yên ở Quảng Bình, đền Binh Kính ở Biên Hòa (Đồng Nai), còn suốt miền đồng bằng sông Cửu Long, nhưng địa phương nào trước đã từng được đón tiếp ông hay những nơi ông đóng doanh trại đều có đền thờ như: Cù Lao Tiêu Mộc (sau đổi là Cù Lao Ông Chưởng), Long Điền, Kiến An, Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Rạch Gầm, Thới An, Bình Mỹ, Mỹ Đức, Cù Lao Phố... Đâu đâu ông cũng được sắc phong Thượng đẳng thần. Không những người Việt tôn thờ ông, mà người Trung Hoa cũng tỏ lòng ngưỡng mộ đặt bài vị thờ Ông tại đền Minh Hương Chợ Lớn. Thậm chí người Chân Lạp cũng kính phục uy danh Ông, họ lập miếu thờ ở đầu chợ Nam Vinh (Nam Vang) thờ Đương Cảnh Thành Hoàng Nguyễn Hữu Cảnh.
Phía triều đình các vua chúa nối ngôi sau này đều có ban sắc phong tước hiệu truy tặng cố công thần Nguyễn Hữu Cảnh. Dân ta vốn là một dân tộc có truyền thống uống nước nhớ nguồn, cho nên trải qua hàng bao thế hệ, cho dù các nhà cầm quyền thuộc thể chế nào, thời gian nào.. và cho đến tận ngày nay cũng đều muốn tỏ lòng ghi khắc công ơn Người góp công mở cõi Nguyễn Hữu Cảnh, bằng mọi hình thức và ở mọi địa phương:

- Sửa đền, mộ cùng sự chiêm bái hàng năm,
- Lấy tên và chức tước của Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mà đặt tên cho trường học, đường phố, khóm ấp, dòng sông như: Cù Lao Ông Chưởng, Làng Ông Chưởng, trường trung học Chưởng Binh Lễ.

- Và mới đây nhất (1998) TPHCM và Đồng Nai, An Giang đều liên tiếp long trọng mở hội thảo chuyên đề Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và tưng bừng làm lễ đón mừng 300 năm (1898-1998) thành lập Sài Gòn Gia Định gắn liền với tên tuổi của Ông.
- Phát hành bộ tem in hình Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

- Một trường Trung học Kĩ thuật nghiệp vụ mới mở thuộc quận 7, TPHCM cũng lấy tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Quả thật, công đức và nhân cách của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đi sâu vào lòng dân, và hẳn là uy danh của Người sẽ mãi mãi còn được lưu truyền hậu thế. Xin trích một câu đối trong hàng trăm liễn đối treo thờ Ông ở khắp các đền miếu:

Phiên âm:
Công cao vạn đại lê dân hàm cảm thính Nam Châu 
Đức trọng thiên thu hộ quốc an khang khai biên thổ

Dịch:
Công cao muôn thuở, toàn dân vọng tưởng đất miền Nam 
Đức nặng ngàn thu, cả nước vui trông trời giới cảnh

Vừa qua, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã xây dựng khu lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Thác Ro, Lệ Thủy.
                                        Quảng Bình đất nước huyền diệu

LỆ THỦY VÀ NHỮNG LỄ HỘI ĐÃ "MAI DANH ẨN TÍCH"


Nhắc đến vùng chiêm trũng Lệ Thủy, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, vốn được duy trì từ xa xưa và đã trở thành một nét đặc trưng văn hóa đang được gìn giữ, nâng niu, trân trọng. Và cũng còn ít người nhớ rằng Lệ Thủy đã từng có nhiều lễ hội độc đáo, mang hơi thở của chính vùng đất này, như: Lễ hội tát vung Đại Phong (xã Phong Thủy), lễ hội phát mộc làng Quảng Cư (nay là thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang), hội làng ở vạn chài Xuân Hồi (xã Liên Thủy)...

Lễ hội tát vung Đại Phong

Khi chúng tôi tìm về thôn Đại Phong để hỏi về lễ hội tát vung năm nào, câu trả lời thường gặp chỉ là những cái lắc đầu và ánh nhìn thắc mắc. Ngay cả ông Trưởng thôn Đại Phong Phạm Xuân Ánh cũng rất ngạc nhiên pha lẫn tò mò khi chúng tôi nhắc đến lễ hội này. May mắn thay, những "nhân chứng" hiếm hoi của lễ hội tát vung năm xưa dù đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm", nhưng vẫn còn nhớ rành rõ đến từng chi tiết.

Ông Trần Duy Do (75 tuổi, đội 2, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy) bùi ngùi kể lại thôn Đại Phong năm xưa có tên gọi là làng Đại Phúc và lễ hội độc đáo này không phải năm nào cũng tổ chức, mà chỉ vào những năm nào hạn hán gay gắt, khi cây lúa nghẽn đòng không thể trổ bông. Lúc này, theo yêu cầu của bà con trong làng và của nhiều làng xung quanh, làng Đại Phong sẽ tổ chức lễ hội tát vung, thường diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Ông Trần Duy Do được tham dự lễ hội hai lần: lần đầu tiên năm 10 tuổi, do còn bé, cụ chỉ được tiếp nước uống cho trai tráng và lần thứ hai khi tròn 13 tuổi, cụ được theo các bậc đàn anh trong làng đi chặt tre, nứa về rào hai bên sông. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng không khí tưng bừng, náo nức của lễ hội vẫn in sâu trong tâm trí cụ.

Ông lê Đức Hiệu (82 tuổi, đội 2, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy) khẳng định lễ hội tát vung là nhằm mục đích gây náo động thiên cung, để cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Và điều đặc biệt, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cứ năm nào có lễ hội thì chắc chắn năm đó trời sẽ có mưa, lúa tốt bời bời.

Lễ hội tát vung Đại Phong đã từng diễn ra náo nhiệt dưới cây cầu này vào những thế kỷ trước-nhưng nay đã lùi xa trong ký ức.


Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ được thực hiện ở miễu "Bà Ngũ vị long vương" và đình làng, còn phần hội tát nước được diễn ra ở đoạn hói nhà Mạc ngay trong làng. Hồi đó, làng Đại Phong có 7 thôn (Ấp Thượng, Ấp Roọc, Tây Thượng, Đông Thượng, Tây Hạ, Đồn Hạ, Mỹ Phước). Mỗi mùa lễ hội, làng sẽ bắt xăm chọn một cặp ra thi thố. Làng cũng trích một khoản tiền để làm phần thưởng và tổ chức ăn khao.

Theo ông Trần Duy Do, đoạn hói nhà Mạc đi qua làng còn có một chiếc cầu "thượng gia hạ cầu" (tức là trên nhà, dưới cầu) kiên cố vững chãi. Lễ hội diễn ra ngay ở đoạn sông khoảng 200m dưới chân cầu này, được ngăn bởi hai con đê hai đầu. Người ta cắm hai cọc ở hai bờ đối diện sông, xỏ một đoạn chỉ dài làm mốc, ở giữa đặt một chiếc vung lớn đường kính hơn 60cm. Trai tráng của hai thôn trên 18 tuổi được huy động tham gia tát nước. Ai sức vóc khỏe mạnh, dẻo dai được lên vị trí đầu tiên, còn phía sau cứ theo độ tuổi để đứng. Mọi vật dụng tát nước được sử dụng tối đa như gàu sòng, nón, thau...

Hai bên thi nhau tát nước, người trên bờ hò reo, cỗ vũ, trống hội rền vang, kẻng khua giòn giã, cờ quạt phấp phới, náo động cả một vùng sông. Đến khi đoạn sông cạn nước, bên nào tát mạnh hơn chiếc vung trôi về bên đó thì sẽ giành phần thắng. Sau khi tát cạn, bà con lại tiếp tục đào sâu, với ý nghĩa "chạm được con rồng nước nằm sâu trong lòng sông để nó phun mưa lên trời". Nếu vào ngày diễn ra lễ hội, trời đột ngột đổ mưa, cả làng xem đó là điềm linh ứng, lễ hội càng thêm tưng bừng, phấn khởi.

Đến những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân, lễ hội tát vung Đại Phong dần dần mất đi và để lại nhiều tiếc nuối. Cụ Trần Duy Do và những người bạn đồng niên háo hức, chờ đợi mãi để đủ tuổi đinh tham gia phần hội tát nước, nhưng cho đến tận bây giờ, khi đã bước sang tuổi thất thập, điều đó mãi là một giấc mơ đẹp.

Lễ hội phát mộc làng Quảng Cư

Theo sách Địa chí huyện Lệ Thủy (NXB Văn hóa - Thông tin, 2010), Quảng Cư (tên chữ là Cư Triền, tên nôm là làng Chền, Kẻ Chền, nguyên thủy là Kẻ Chăm). Làng có nhiều nghề thủ công cổ truyền như nghề mộc, nghề chạm khắc, nghề cưa xẻ, nghề sơn tràng, nghề đan lát, nghề dệt may, nghề làm bánh..., nhưng nghề mộc được xem là "đệ nhất". Từ đó, Lễ hội phát mộc đã trở thành "báu vật" có một không hai của làng.

Cụ Đặng Đại Múng (98 tuổi)-người thợ mộc tài hoa nhất làng Quảng Cư thuở trước, bên chiếc sập gỗ-vật dụng cuối cùng mà cụ đóng được trước khi "nghỉ tay nghề" cách đây mấy chục năm.

Ông Đặng Đại Giám (76 tuổi, tổ dân phố 2, thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang) đã theo nghề mộc từ khi còn là một cậu bé. Cha ông, ông Đặng Đại Múng, nay bước sang tuổi 98, là người thợ mộc giỏi nhất làng Quảng Cư thuở trước và đã từng được chọn làm thợ cả để dựng nhà cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo cha học nghề từ bé, ông Đặng Đại Giám yêu và say nghề cũng chính từ những lễ hội phát mộc thiêng liêng, thành kính này. Lễ hội vừa cầu may mắn cho người làm nghề, lại vừa để cúng "tiên sư" - ông tổ nghề.

Hồi đó, làng có nhiều đoàn thợ, mỗi đoàn được gọi một ty. Một ty thường có từ 8 đến 15 người, hoặc nhiều hơn. Thợ cả là người giỏi nghề nhất, chịu trách nhiệm chung và phân chia công việc; tiếp đó là thợ chúng, thợ học việc, nhân công phụ thợ. Lễ hội phát mộc được thực hiện ở nhà các thợ cả thường vào ngày tốt đầu năm. Ngày được chọn phải hợp tuổi với thợ cả, hợp thế đất, nhà cửa... Nhà ông thợ cả Đặng Đại Giám thường chọn ngày 2-1 âm lịch.

Phần nghi lễ, mâm cỗ cúng bên cạnh các món ăn truyền thống như thủ lợn, gà, xôi, thịt, một chai rượu, thì không thể thiếu ba vật dụng đặc trưng của nghề mộc: một thước, một "nếch" (thanh gỗ to hình chữ A), một "ống mực" (dụng cụ để đo đạc). Để bàn cúng ra giữa sân, thợ cả khấn vái, cầu cho một năm làm ăn xuôi chèo mát mái, thầy thợ làm nghề an toàn... Tiếp đó, thợ cả sẽ cưa hoặc bào hay đục đẽo một thanh gỗ, như hình thức phát mộc mở màn đầu năm. Xong xuôi, mâm cỗ sẽ được hạ xuống chia cho các thợ và gia đình thợ trong ty cùng chung vui. Hết phần lễ, nhiều trò chơi dân gian cầu may được tổ chức để cả làng vùng vui chơi, thưởng thức. 

Ông Trương Tấn Chiểu (tổ dân phố 2, thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang), làm nghề mộc từ năm 1959, cho biết thêm, bên cạnh nghi lễ phát mộc tại nhà thợ cả đầu năm, còn có nghi lễ phát mộc tại những nhà mời thợ mộc đến dựng nhà. Mâm cúng và trình tự thực hiện đều giống nhau, chỉ khác là thay vì bào, cưa, đục đẽo một thanh gỗ làm phát mộc, người thợ cả sẽ dùng "dây mực" nẻ (kẻ) "đường mực" đầu tiên lên thanh gỗ. Sau đó, thợ cả dùng rìu đẽo vào thanh gỗ theo "đường mực" đã nẻ. Mấy ngày sau, ty thợ sẽ bắt đầu đến làm việc từ vết đẽo phát mộc đó.

Năm tháng dần trôi, các ty thợ ngày càng mất bóng, lễ hội phát mộc cũng phai nhạt dần. Hiện nay, nghi lễ phát mộc vẫn còn tồn tại rải rác ở một số gia đình theo nghề mộc, còn phần hội đã thực sự "mai danh ẩn tích". Dấu ấn người thợ mộc Quảng Cư tài hoa một thời giờ chỉ còn phảng phất trong số ít những ngôi nhà rường cổ trong làng, như một lời nhắc nhớ của lịch sử.

                                                           Theo baoquangbinh

TIẾN SĨ DƯƠNG VĂN AN (1514 - ?)


Dương Văn An, tự Tỉnh Phú, người làng Tuy Lộc, bây giờ thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Đó là một làng nằm bên bờ phải sông Kiến Giang, giữa một vùng đồng quê trù phú từ lâu đời, trung tâm của huyện Lệ Thủy.

Về gia đình và tuổi trẻ Dương Văn An, hiện chúng ta chưa có tư liệu đầy đủ. Đọc bài tựa Ô Châu Cận Lục chỉ thấy ông tóm lược mấy câu: ''Tôi là học trò, sinh trưởng ở đất này, thấm nhuần giáo hóa đã lâu, thi đậu tiến sĩ năm Đinh Mùi". Năm Đinh Mùi là năm 1547, đó là năm Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyễn mới lên ngôi nên mặc dù triều đình có biến động vẫn cố gắng theo lệ cũ mở các khoa thi hương và thi hội để trấn tĩnh lòng dân và chọn người ra giúp đỡ. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi rõ ông đỗ tiến sĩ vào năm 30 tuổi. Căn cứ vào tài liệu này, chúng ta có thể tính ra năm sinh của ông là 1514, tức là năm Giáp Tuất, đời vua Lê Tương Dực.

Qua những lời tự thuật ngắn ngủi trên, chúng ta còn biết, trước khi đi thi, ông lớn lên và theo đường nho học tại quê nhà. Vùng này, lúc bấy giờ là một vùng dân rất hiếu học và nhiều người đỗ đạt khá. Nhưng đến ông mới có người đỗ đại khoa. Xem Đăng Khoa Lục thấy ông là người Quảng Bình thứ hai đỗ tiến sĩ. Việc ông đỗ đạt như vậy không phải là việc bình thường trên một vùng đất lúc đó còn xa trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước.

Sau ngày thi đỗ, Dương Văn An được triều đình Mạc bổ đi làm quan. Theo quan chế thời ấy, những người đỗ đại khoa đều được bổ dụng làm tri huyện hoặc viên ngoại lang. Từ chức vị này sẽ thăng lên phó rồi hiến sát sứ lên đô cấp sự trung. Năm Ất Mão (1555), khi viết bài tựa sách Ô Châu Cận Lục, ông đã được giữ chức Lại Khoa đô cấp sự trung, tước Sùng Nham Bá. Chỉ trong 8 năm mà lên được chức ấy, rõ ràng là ông đã không gặp trắc trở gì trên đường hoạn nghiệp.

Cũng theo Đăng Khoa Lục, từ chức đô cấp sự trung, ông được thăng dần lên đến chức Tả Thị Lang bộ lại. Chức quan lớn nhất của ông là Thượng thư (không rõ là bộ nào). Lúc làm Thượng thư, ông được phong lên tước Sùng Nham Hầu. Khi mất, -không rõ mất tại chức hay sau ngày về trí sĩ- ông còn được triều đình truy phong Tuấn Quận Công. Ông giữ chức quan nói trên và mất vào năm nào, hiện chưa thấy có tài liệu nào nói rõ. Năm 1553, trong lúc đang giữ chức Lại Khoa Đô Cấp Sự Trung thì ở quê nhà, không rõ cha hay mẹ mất, ông phải từ Đông Kinh về chịu tang và theo lệ gọi là đình gian, ở nhà cho đến khi hết khó. Lúc này ông được rảnh rỗi xem sách. Nhân có hai người học trò cùng làng chia nhau viết hai tập sách về hai phủ Triệu Phong và Tân Bình và đưa ông xem, ông thấy bên trong ''hình trạng các sông núi, tên gọi các sản vật, phong tục thói quen thế nào, nhân vật hay dở ra sao, đều rõ ràng như trên bàn tay'' và rất lấy làm mừng. Nhưng có điều ông không nói ra mà chúng ta có thể ngầm hiểu, là hai tập sách, do trình độ của hai người học trò còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, ông nảy ra ý định nâng cao thành một quyển địa lý lịch sử đầy đủ và sâu sắc hơn. Ý định ấy, với một người yêu làng yêu nước như ông, quả là không thể cưỡng lại nổi. Ông bèn bỏ thì giờ ''khảo thêm các sách sử, tham chước những truyền miệng, chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, đặt tên là Ô Châu Cận Lục. Hai chữ cận lục nói rõ ý đồ khiêm tốn của ông muốn giới hạn nội dung từ cuối đời Trần trở lại, chưa dám đi xa hơn vào lịch sử.

Qua sự việc trên đây, rõ ràng quyển sách về cơ bản, là dựa vào hai tập của hai người học trò Tuy Lộc. Vậy thì phần gia công của ông đến đâu? Đọc xong, chúng ta có thể nghĩ rằng, phần tư liệu về núi, sông, thành thị, đền chùa, quan chế, nhân vật, phong tục, đồ bản, chính là phần ông thêm bớt, còn phần luận thì hoàn toàn do chính ông viết. Tuy vậy, không thể không nhận thấy rằng, giữa Ô Châu Cận Lục và hai tập sách về Tân Bình, Triệu Phong nói trên đã có những khác biệt lớn: khác biệt về quan điểm địa lý, nhân văn, bỏ cách chia hai phủ riêng mà nhập lại thành một vùng thống nhất về ranh giới, thuần nhất về phong tục, tập quán sinh sống, đồng nhất về văn hóa, lịch sử, khác biệt về mục đích, sách viết ra không chỉ nhằm cung cấp tư liệu mà chủ yếu là để phát huy truyền thống tốt đẹp, khắc phục thói hư tật xấu trong nhân dân, hay nói như tác giả, để ''để khuyến khích và răn ngừa'' (bao biếm). Những khác biệt này, cùng với những khác biệt do phần sau bổ sung của ông đưa lại, đã khiến bóng dáng hai tập sách cũ mất hẳn đi, đến nổi, dù Dương Văn An đã nói rõ, các tác giả lớn đời sau như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú... đứng trên lập trường của Lê, Nguyễn không thích gì triều Mạc, vẫn phải xem Ô Châu Cận Lục là tác phẩm hoàn toàn của ông, của riêng ông.

Qua Ô Châu Cận Lục, người đọc, dù hiện nay cũng vậy, không phải chỉ ''thấy'' như Dương Văn An đã ''thấy'' trong hai tập sách về Tân Bình và Triệu Phong mà cảm xúc, cảm nhận sâu sắc về đất nước tươi đẹp, giàu có, thiêng liêng, về nhân dân cần cù dũng cảm, về cha ông có tinh thần hiếu học, có chí khí anh dũng, có đạo đức cao cả, từ đó thấy mình thêm gắn bó với quê hương đất nước. Viết về địa lý lịch sử mà truyền cảm được như vậy, bởi vì, trước hết, Dương Văn An đã có một trái tim nối liền với từng con sông ngọn núi, từng hòn đất bờ cây của nơi chôn rau cắt rốn và đã nhập lòng mình vào mọi sự vật, thổi cho nó một cuộc sống, một linh hồn.

Là một cuốn sách địa lý, Ô Châu Cận Lục ghi lại những tên làng, tên núi, tên sông, những sản vật, những con chim con thú, những thành thị, chợ búa, nhà trạm đồn binh, danh lam thắng tích, những ngành nghề và tập quán sinh sống... Nhờ thế, chúng ta biết được đất đai, thổ nhưỡng cùng các nghề thủ công thời ấy, hiểu được quá trình khai cơ lập nghiệp của cha ông trên đất quê hương. Là một cuốn sách lịch sử, Ô Châu Cận Lục ghi lại cho chúng ta tên tuổi của bao nhiêu người con Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã làm rạng rỡ đất nước, đã biến dải đất xa xôi một thời này thành trù mật, phì nhiêu, kể lại cho chúng ta những truyền thuyết xa xưa về các vùng đất, các đền chùa, các thành quách, khiến lịch sử thêm sâu thẳm, thêm vang vọng và kết hợp vào cuộc sống, những truyện cổ dân gian nuôi dưỡng mãi điều ngay lẽ phải trong lòng người...

Những ngọn núi cao, những con sông rộng đã được Dương Văn An miêu tả bằng những dòng chữ đầy hình ảnh, đầy sức khêu gợi như tả bằng chính tâm hồn của mình và của nhân dân. Đây là ngọn núi Mã Yên ở huyện Lệ Thủy "Thế núi cao lớn, hình trạng quanh co, chỗ đứt chỗ liền, nơi nghiêng nơi đứng, trong xa tựa cái yên ngựa; có trái núi như con ngựa phi nhanh, muôn nghìn trạng thái, trăm vạn tinh thần, là ngọn núi chót vót giữa nghìn muôn núi". Những câu viết vừa mang tính cách địa lý, vừa là những nét vẽ sống động của một bức tranh. Núi không đứng lặng, núi là ngựa đi, ngựa chạy, như hành quân cùng dân tộc. Khi ông tả núi Hải Vân, chúng ta lại bắt gặp một chất thơ tràn trề: "Chân sát lợi biển, ngọn ngất từng mây, núi chia hai đường nam bắc, mây mưa đón khách đi về...". Tả rất gọn mà đầy đủ, không thể lầm với một ngọn núi nào khác, "Mây mưa đón khách đi về", thật là gần gũi, ấm áp, thần tình. Núi thì thế, còn trên sông, một bến đò Dã Độ cũng gợi lên trong cảnh trời nước mênh mang một cái gì rất quen thuộc: "Hai nguồn Viên Kiều và Cảo Giang rót đến vừa rộng vừa sâu, hai bờ cao thấp so le, vài bãi nông sâu, rộng hẹp; cỏ thơm như nệm trải, sóng gợn tựa sóng giăng, cánh diều phản chiếu bóng chiều soi, con đò quay ngang cơn gió thổi..."

Có lúc, ông có những tứ thơ rất sáng tạo. Chẳng hạn, khi tả vùng cát Đại Trường Sa: "Đất Trường Sa hóa nhà trạm, trời địa hải làm lọng che". Hình ảnh hóa bầu trời trên vùng cát mênh mông thành chiếc lọng thì thật là vừa đẹp, vừa sâu, vừa mới một cách bất ngờ. Bút pháp địa lí mà đạt đến tính văn học như vậy rất hiếm thấy.

Ông biểu dương những con người Ô Châu kiên quyết chống giặc Minh xâm lược: "Ôi xem cái mức hơn kém của nhân vật, quan hệ đến cơ an nguy của nước nhà, như cái đức trọng nghĩa của Đặng Tất, thật là nhân tài của cả nước chứ đâu phải nhân tài riêng của Ô Châu?". Với Đặng Dung, những lời nhận định của ông cũng xác đáng như vậy: "Lấy toán quân cô đơn mà phá giặc mạnh giữa thời buổi nguy vong, tức là Trương Thế Kiệt đối với Đế Bính nhà Tống vậy ! Có thể theo thường lệ mà nghị luận nhân tài ư?". Điều không thể không ghi nhớ là, trong khi biểu dương, ông đã để lại cho chúng ta tên tuổi nhiều nhân vật của quê hương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tưởng như đã chìm mất trong xa xưa của quá khứ. Không có ông và Ô Châu Cận Lục, làm sao chúng ta có thể hiểu được cha ông ta với sự nghiệp cứu nước hiển hách như của Hà Công (ở La Chữ, huyện Hương Trà), Nguyễn Tử Hoan (ở Quảng Trạch), của Phạm Thượng Tướng (ở Đại Phong), Nguyễn Danh Cả (ở Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy) v.v... những tâm hồn trong sạch như tri huyện họ Lê (ở Cam Lộ), lấy "kinh luân để dạ là bao của" để xem cảnh "thanh bạch truyền gia (của mình là) chẳng phải nghèo", hay như Nguyễn Quận (ở Hải Lăng) đi đánh giặc, không lấy của cải mà chỉ đem về một lá cờ chiến thắng. Đúng là nếu không có những trang ghi chép ấy, lịch sử Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên chúng ta đã phải có nhiều trang để trống.

Dưới ngọn bút của Dương Văn An, đất nước quê hương hiện lên giữa tâm hồn ta, ngọt ngào, nóng hổi và thiêng liêng biết bao, bóng hình con người Thuận Hóa đứng lên trong ta, dễ yêu và dũng cảm biết bao; thực sự là ngọn bút có tài, lại được dẫn dắt với một trái tim yêu nước, yêu quê hương tha thiết. Cho nên, nếu Ô Châu Cận Lục được xem như một tác phẩm địa phương chí có giá trị thì thành công ấy trước hết là của dòng máu đỏ trong huyết quản, trong tâm hồn ông. Điều này không thể gì phủ nhận.

Tuy còn nhiều hạn chế vẫn không làm lu mờ cái điểm hồng, là tình yêu cùng với niềm tự hào về đất nước và nhân dân quê hương, cháy rực trong từng trang Ô Châu Cận Lục. Tấm lòng ấy, tự nó là ánh sáng, là linh hồn quyển sách. Với một tác phẩm duy nhất, sự đóng góp của Dương Văn An vào kho tàng văn hóa chung của quê hương của đất nước chưa phải là lớn. Nhưng, với chúng ta, Ô Châu Cận Lục là quyển sách đầu tiên viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và ông là tác giả đầu tiên của địa phương. Mọi sự mở đầu bao giờ cũng đáng hoan nghênh và ghi nhớ. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết rằng trước ông và Ô Châu Cận Lục, chúng ta chỉ có một bài ''Thuật hoài'' của Đặng Dung, một bài biện của Bùi Dục Tài, mấy bài thơ của các nhân vật mà ông đã ghi lại và dù kể cả người các nơi viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông... thì tất cả vẫn còn là một con số quá khiêm tốn. Hơn thế, sau ông, cũng phải đến hơn 100 năm chúng ta mới có được một tác phẩm và một tác giả thứ hai: "Hoa vân cảo thị'' của Nguyễn Hữu Dật, khiến chỗ đứng và quyển sách của ông sống mãi trong lịch sử văn hóa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Không những thế, Ô Châu Cận Lục còn đứng vững qua sự sàng lọc của hơn 400 năm để đến với chúng ta, tự khẳng định là một tác phẩm, một tài sản có giá trị trong vốn văn hóa chung của dân tộc. Cái giá trị ấy trong quá khứ đã được thử thách hơn một lần: Lê Quý Đôn khi viết Đại Việt thông sử và Phủ Biên Tạp Lục đã sử dụng Ô Châu Cận Lục. Các nhà biên soạn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều nhà Nguyễn cũng luôn luôn trích dẫn cuốn sách của Dương Văn An, xem như một nguồn tư liệu quý báu.

Thiếu quyển sách, chúng ta cảm thấy như hẫng đi một đoạn truyền thống, một chiều dài lịch sử, một mảng của tâm hồn đất nước.

Chúng ta càng biết ơn Dương Văn An và Ô Châu Cận Lục đã nối dài tầm nhìn của mình vào quá khứ của quê hương, nối liền sức mạnh của mình hôm nay vào sức sống nghìn đời của dân tộc, từ đó nhận rõ thêm trách nhiệm đang đặt ra trước mắt đối với hiện tại và tương lai của Tổ quốc.

                    Theo Quảng Bình non nước huyền diệu

LÃNH ĐỨC HẦU ĐẶNG ĐẠI ĐỘ


Lãnh Đức hầu Đặng Đại Độ quê ở làng Cư Triền - huyện Phong Lộc - phủ Quảng Bình (nay là làng Quảng Cư – thị trấn Kiến Giang - huyện Lệ Thủy - tỉnh Quảng Bình). Ông là một vị danh thần, làm quan đến bậc Đại thần với một nhân cách thanh cao, một dũng khí ngời ngợi hiếm thấy trên đời.
Đặng Đại Độ là cháu bốn đời của Liễu Đại hầu Đặng Quý Công, làm quan đến chức Chưởng phủ thự vệ quản lãnh của nhà Lê. Là người tinh thông lý–số nên Liễu Đại hầu chọn vùng đất địa linh - nơi minh quân Lê Thánh Tông đã cho dựng chùa Phật Ngồi trên đường tiến quân về phương Nam năm 1470 - lập làng định cư, khai sinh ra dòng họ Đặng Đại đỗ đạt, làm quan lâu đời, nổi tiếng là những vị quan trung hậu, thanh liêm. Người đứng đầu Quốc sử quán nhà Nguyễn là Phụ chính Đại thần Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục, cũng là nhà văn hóa lớn của dân tộc đã ca ngợi truyền thống dòng họ này trong Đại Nam Địa dư chí ước biên như sau: 
Đặng Đại thị (họ Đặng Đại) giữ mình trong sạch,
Cha con cùng triều nức tiếng thơm

Thân phụ của Đặng Đại Độ là Đặng Đại Lược (1690-1764) nhờ có tài năng, học vấn nên được bổ vào Văn Chức viện (Hàn Lâm viện). Sau đó được thăng làm Ký lục dinh Bố Chính rồi Cai bạ dinh Quảng Nam (gồm ba phủ là Thăng Hoa, Quảng Ngãi và Quy Nhơn). Sử sách nhà Nguyễn cho biết Đặng Đại Lược là vị quan khí tiết, đức độ, thanh liêm nổi tiếng: làm quan to nhưng cảnh nhà vẫn nghèo khó. Đặng Đại Lược được phong tước Tuy Lộc hầu, Kim tử Vinh Lộc Đại phu, lúc mất được ban thụy Văn Chính. Ông có bảy con trai, tất cả đều đức hạnh vẹn toàn, đỗ đạt và ra làm quan. Ngoài Đặng Đại Độ còn có nhiều người làm quan to trong triều: Khâm sai Tham luận Dượng Trực hầu Đặng Đại Kỷ; Liệt Triều Quang Lộc Đại phu Hàn Lâm viện Bình Thiệu bá Đặng Đại Đồng; Tri phủ Đặng Đại Lượng,...
Bản thân Đặng Đại Độ được Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết là người “nổi tiếng về học hạnh”. Ông đỗ khóa thi Hương Tiến (Cữ nhân), học vị cao nhất xứ Đàng Trong lúc bấy giờ và được bổ vào Văn Chức viện. Đến năm 1748 ông được thăng làm Ký lục dinh Bình Khang.

Xuất thân là văn quan nhưng Đặng Đại Độ lại có tài cầm quân. Năm 1761, Man Thạch Bích ở phía tây Quảng Ngãi nổi dậy chống lại triều đình. Đây là đội quân dũng mãnh, có tổ chức, thiện chiến với lối đánh tập kích bất ngờ đã làm cho quan quân “tưởng thôi lạc phách, nhớ đến kinh hồn” (Sải vãi). Họ dựa vào căn cứ là núi Thạch Bích cao chót vót, vách đá dựng đứng, đường lên khúc khuỷu cheo leo phải vượt qua nhiều vực sâu hiểm trở để chống lại triều đình. Thêm vào đó rừng sâu nước độc cùng lam sơn chướng khí gây ra bao nổi khiếp đảm của quan quân. Chúa lệnh cho ông từ Bình Khang (Khánh Hòa) về cầm quân đánh dẹp. Không phụ lòng tin của chúa, ông đã dẹp tan cuộc nổi dậy của người Man, giữ yên biên cảnh.

Đặng Đại Độ làm quan thanh liêm hiếm thấy. Đại Nam Liệt Truyện cho biết: “ai đưa cho cái gì nhất thiết đều từ chối”. Vì thế người đời khen là "giá trong", là “băng thanh ngọc khiết”, tức là trong như băng, sạch như ngọc. Ở những nơi ông làm việc, kỷ cương phép nước được giữ nghiêm. Kẻ phạm tội dù là quan lại hay thường dân đều được xử lý công bằng theo phép nước nên ông được nhân dân mến yêu, kính phục:
Danh chính trực rạng ngời quan Ký lục
Đuốc công minh sáng rọi chốn quan đường
(Nghệ sĩ Nhân Dân Đinh Bằng Phi)

Nhiều câu chuyện ca ngợi khí phách và tài xử án của ông được nhân dân lưu truyền, đi vào sử sách và sân khấu truyền thống dân tộc. Trong đó có lẽ nổi tiếng nhất là sử trạng được Đại Nam Liệt Truyện chép lại, nội dung như sau:
Có hai viên quan hầu cận chúa đến Biên Hòa làm việc công. Cậy thế là người tâm phúc của chúa nên chúng vô cùng hống hách, làm nhiều điều trái phép với dân. Đặng Đại Độ tiến hành điều tra rồi thăng đường xử án. Với chứng cứ rành rành, chúng phải cúi đầu nhận tội. Yêu dân phải lấy việc diệt trừ cái ác làm đầu nên ông đã ra lệnh xử tử chúng ở cửa chợ Biên Hòa.
Xử xong ông tự mặc áo đơn, đeo gông ngắn, đi bộ về kinh xin nhận tội. Người con đi theo thấy cha dãi nắng dầm sương, muốn thuê võng cáng nên nói:
- Chừng nào về đến kinh đô sẽ hay, còn bây giờ cha nên lên võng mà đi.
Ông nói:
- Lại có hạng tội nhân mong được nhàn hạ ư ?
Đi ròng rã hơn một tháng trời mới về đến kinh đô Phú Xuân (Huế). Ông đến Bộ Hình trình bày sự việc rồi xin vào ngục đợi tội. Bộ Hình đem việc tâu lên, xem xét xong chúa cho vời vào. Thấy ông không mang theo triều phục, chúa ban cho mũ áo. Đặng Đại Độ xin chịu tội. Chúa bảo rằng:
- Khanh có tội gì, mà tự lao khổ thế ? Trước kia ta sai đi chọn một vài con hát để tiêu khiển lúc rỗi, không ngờ lũ tiểu nhân đi ra, cậy thế ức hiếp người ! Khanh giết đi là phải. Có tội gì đâu. Vậy bỏ qua việc ấy đi.

Sau đó chúa thăng Đặng Đại Độ làm Khâm sai tuần hành ngũ phủ (Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận) kiêm Tuần phủ Gia Định, được quyền bãi hay thăng chức quan lại ở sáu phủ trên.

Lúc này, Đàng Trong chỉ có 11 dinh, mỗi dinh quản lý một phủ, riêng dinh Quảng Nam quản ba phủ. Chúa cho phép ông bãi hay thăng chức quan lại gần một nữa giang sơn, điều đó cho thấy chúa tin tưởng vào tài năng và nhân cách ông đến mức nào. Tuy trở thành vị đại thần uy danh lừng lẫy nhưng Khâm sai Đặng Đại Độ vẫn rất mực giản dị, khiêm nhường, hết lòng tận tụy với việc nước, việc dân. Thật đáng tiếc, ở cương vị mới chưa được bao lâu thì ông đã qua đời lúc mới 37 tuổi. Chúa tiếc thương, ban thụy Trung Cần.

Là một vị quan văn võ song toàn, công minh, đầy dũng khí nên các học giả đánh giá rất cao về ông. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng: “hình tượng Đặng Đại Độ gần với hình tượng Bao Công”, và khen ông là “người trung trực hiếm thấy trên đời, soi sáng muôn đời”. GS. Trần Văn Giàu đánh giá Đặng Đại Độ là vị quan “chính trực hiếm hoi” của những năm thuộc nửa sau thế kỷ 18. Còn GS Nguyễn Khắc Thuần viết: “Vì mục đích an dân, Đặng Đại Độ sẵn sàng nghiêm trị bất cứ một ai dám nhũng nhiễu dân. Thế ra, phép nước nghiêm hay không nghiêm, trước hết đều do ở người thực thi phép nước. Cổ kim vẫn có không ít những vị quan dũng cảm, dám vì công lý mà to gan đụng độ với các đấng quan trên; nhưng nghiêm với chính mình và tự xử chính mình như Đặng Đại Độ, quả thật là rất hiếm”.

Dù cuộc đời của Đặng Đại Độ đã vĩnh viễn khép lại từ lâu nhưng khí khái của ông vẫn vang danh trong sử sách và vĩnh tồn trong lòng dân. Trong “Đại lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Gia Định (1698-1998)”, hình ảnh ông được tái hiện trong vỡ diễn “Dũng khí Đặng Đại Độ” đã gây nhiều cảm xúc cho xem và đã trở thành một trong những vỡ diễn tiêu biểu của nền sân khấu Việt Nam. Ngày nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai,… đã có đường mang tên ông.

                                                                Thanh Hải

AI VỀ LỆ THỦY THONG DONG CON NGƯỜI


Có lẽ, không đâu như ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, khi hầu hết tên các chợ không đặt theo tên địa danh ở đó mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo. Và dĩ nhiên, những món hàng bày bán trong chợ cũng không giống những vùng miền khác. 

Chợ vào vè 

Lệ Thủy được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Vậy nên mới có câu: Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người. Trong nhiều cái thong dong mà người Lệ Thủy tự hào khi giới thiệu với bạn bè phương xa, không thể thiếu cái sự vô tư, thoải mái của con người và sản vật ở đấy. Cứ quảy gánh ra chợ rồi sẽ thấy…thong dong. 

Nhiều người Lệ Thủy bây giờ vẫn còn nhớ bài vè về các ngôi chợ: Trâu, chè, thơm, mít chợ Động/Tôm, cua, cá bống chợ Chè/Cam, quýt, đậu, mè chợ Trạm/Chim, ốc, hến, rạm chợ Thùi/Bún, thịt heo, tràn đầy chợ Tréo/Cá biển khắp nẻo chợ Tuy/Thu, Ngừ, Mực, Nuốt chi chi chợ Cưởi/Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi chợ Mỹ Đức/Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền. 

Đọc bài vè có thể hiểu được những đặc trưng, đặc sản của từng ngôi chợ. Thế nhưng, cần phải giới thiệu về cái tên thì người thập phương mới thấy nó khác như thế nào. Chợ Động (người địa phương gọi nặng hơn, chợ Đôộng) ở xã Mai Thủy, chợ Chè xã Hồng Thủy, chợ Trạm xã Mỹ Thủy, chợ Thùi xã An Thủy, chợ Tréo ở thị trấn Kiến Giang, chợ Tuy xã Lộc Thủy, chợ Cưởi ở xã Thanh Thủy. Tìm hiểu nhiều người lớn tuổi ở những vùng đó, ai cũng có thể kể vanh vách chợ bán buôn thứ gì, ngày nào đông ngày nào vắng, nhưng chẳng ai biết vì sao chợ lại được đặt tên như thế. 

Ngày xưa, việc giao thương hạn chế, ai muốn mua thứ gì thì đến chợ đó. Cũng có người mang đặc sản của chợ này đến chợ kia trao đổi nhưng không phổ biến. Bây giờ, trong các đình chợ, gần như thứ gì cũng có, tất nhiên chỉ xét với cấp độ là chợ xã. Còn nếu muốn mua nhiều, đồ tốt, phong phú thì phải đến chợ Tréo ở trung tâm huyện, tất cả hàng hóa ở các vùng trong huyện và nhiều nơi khác ngoài huyện đều được thương lái đưa về đó. 

Nhắc đến chợ Tréo thì nhiều người tò mò tên gì mà kỳ lạ, chữ “tréo” có phải trong “tréo ngoe” hay không, rồi có phải chợ này toàn bán những thứ, toàn có những chuyện tréo ngoe hay không? Bao nhiêu thắc mắc với người lạ nghe lần đầu. Vì thế, nhiều khách thập phương có dịp về Lệ Thủy công tác, thăm thú hay xem lễ hội đua thuyền truyền thống ngày Quốc khánh 2.9 hằng năm đều muốn ghé thăm chợ Tréo một lần. Và mọi lời giải sẽ đến với bạn khi đặt chân vào chợ. Riêng chúng tôi, đã từng đi chợ Tréo chỉ nói rằng đó là nơi buôn bán cực kỳ sầm uất, giá cả rẻ; đặc biệt bày bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng, ví như bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn… 

Đi chợ Tréo hãy khoan ăn sáng, cứ vào chợ, đến khu ẩm thực sẽ có quá nhiều lựa chọn cho bạn. Ăn bánh gạo, bánh ướt sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của lúa gạo và ăn bún nước thịt mới biết người Lệ Thủy ăn cay, mặn mà thế nào. Và hãy nhớ món bánh tráng kẹp với bánh ướt chấm nước mắm nguyên chất làm bằng cá nục, khuyếc bắt ở biển Ngư Thủy, chỉ cần bỏ ớt bột. Món này đặc trưng của Lệ Thủy, rất rẻ nhưng ngon, nhất là chắc bụng; dân địa phương thường dùng làm món “nước lợ” (ăn giữa buổi) cho người lao động nặng như cắt lúa, đi cày, xây nhà. Cũng có vè nhắc người đi chợ: Ai lên Tuy đợi thì lên/Bún thịt chợ Tréo chớ quên mang về. 

Chợ chiều hút khách 

Ngày nay, nhu cầu lớn, ai cũng thích sự tiện lợi, không cần phải đi xa cũng có đồ để mua về ăn uống hằng ngày đơn giản. Thế nên một số chợ xép mọc lên. Trong nhiều cái chợ như thế ở Lệ Thủy, có một ngôi chợ đã phát triển lớn tương đương như chợ trung tâm xã và khi nhắc đến, gần như cả huyện ai cũng biết. Chợ này nằm ở Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang; chỉ họp vào buổi chiều nên có tên gọi là “chợ chiều”, đơn giản thế thôi. 

Xuất phát từ việc chợ ở huyện Lệ Thủy chỉ họp vào buổi sáng, đến trưa là vãn nên khi cần mua thức ăn bổ sung, thức ăn chiều thì người tiêu dùng bó tay. Trong khi không phải hàng bán ở chợ Tréo lúc nào cũng hết sạch vào buổi sáng. Thế là những người buôn bán mới nghĩ ra việc đem số hàng hóa, đồ ăn còn mang sang kê bán ở ven đường bên kia sông Kiến Giang vào buổi chiều. Người bán kẻ mua ngày một đông dần, chợ bắt đầu họp từ năm 2003. Thời gian đầu, chợ chỉ bán thực phẩm ăn uống như thịt, cá, rau ráng; càng ngày chợ càng phong phú mặt hàng hơn, như bán thêm các đồ gia dụng. Năm 2008, chợ được đầu tư 1,1 tỉ đồng xây dựng đình và khuôn viên với diện tích hơn 1.700 m2. Mặc dù trên mặt đình đắp tên chợ Xuân Giang nhưng chẳng ai gọi tên đó bởi ký ức chợ chiều đã in hằn trong tâm thức mỗi người. Nó dân dã như người đến chợ và nhiều cái chợ khác ở Lệ Thủy. 

Mang tiếng là chợ chiều nhưng mọi thứ đều tươi ngon, vì thế bây giờ chợ chiều là sự lựa chọn của không ít người; kể cả những gia đình sống ở các xã cách xa chợ đến 5 cây số, có việc cần họ chẳng ngại chạy xe đến mua. Chưa đi chưa biết chợ chiều, chúng tôi đến chợ tầm 17 giờ mà người bán mua vẫn tấp nập, rộn ràng. Có nhiều người mới đi làm về, áo quần nguyên đất đồng vào mua mớ cá, 2 quả dưa muối, thành ra đã có bữa tối ngọt lành. Chợ chiều cũng giải quyết được thu nhập cho thương lái, như lời kể của bà bán cá tên Thiết: “Từ khi có chợ chiều, buổi sáng tui bán ở chợ Tréo, đến chiều chạy sang đây bán, chẳng lo cá thừa ế lại có nhiều tiền lời hơn”. 

Lệ Thủy còn rất nhiều chợ quê khác chờ đợi bước chân khám phá của lữ khách. 

                  Trương Quang Nam - Dương Công Hợp