LỆ THỦY: ĐƯA HÒ KHOAN VÀO TRƯỜNG HỌC

Trong cuốn “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” của GS. Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo có viết về hò khoan Lệ Thủy như sau: “Đây là một điệu hò có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân như khi đi đốn củi, đánh cá, khi gặt hái, cấy bừa, đưa đò, cất nhà, lùa trâu, đi nơm, xay lúa, giã gạo, ru em v.v...”. Rõ ràng, từ bao đời nay hò khoan Lệ Thủy chiếm một vị trí nhất định trong kho tàng diễn xướng của dân tộc.

Tuy nhiên, trước những khó khăn gặp phải như: Những người biết hát hò khoan ngày một ít đi, tuổi ngày càng cao, trong khi đó lớp trẻ lại không hào hứng và không có tâm huyết với các làn điệu hò khoan; sự xâm nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ của nhạc trẻ, của âm nhạc thị trường đã lấn át đi những làn điệu, những câu hò khoan thấm đẫm tình người, tình quê... Đặt chúng ta trước một thách thức lớn, trong đó, ngành giáo dục và đào tạo chiếm một vị trí hết sức quan trọng.

Xác định được tầm quan trọng đó, trung tuần tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy tổ chức một liên hoan dành cho học sinh khối tiểu học với tên gọi:“Em hát dân ca”, thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tập thể và cá nhân. Có thể nói, liên hoan lần này đã làm dấy lên phong trào hát dân ca trong học sinh nói riêng, trong đời sống văn hóa của người dân Lệ Thủy nói chung.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy cho biết ngành đã có kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá hò khoan Lệ Thủy bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức thiết thực và hiệu quả nhất là đưa hò khoan vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Để đạt được kết quả tốt, kế hoạch này được chia ra làm năm bước - năm nôi dung trong một chương trình. Đó là: tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập các CLB trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi.

Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và các ban ngành liên quan, phòng GD&ĐT đã tổ chức đợt tập huấn hát hò khoan Lệ Thủy cho toàn thể giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và đại diện học sinh của tất cả các trường học trên địa bàn toàn huyện. Đó là cơ hội tốt để cả giáo viên và học sinh tiếp xúc, làm quen với những giai điệu mượt mà của những điệu hò mái chè, hò mái xắp, mái đẩy... nghe dịu mát lòng người.

Việc làm thứ hai trong kế hoạch này là phải tổ chức sưu tầm hò khoan trong rộng rãi đội ngũ những giáo viên lớn tuổi - những người đã từng sống trong thời kì mà hò khoan đang chiếm ưu thế. Song song với việc làm này là chúng ta phải phục dựng lại các làn điệu bằng hình thức diễn xướng bằng nhiều hình thức và phương thức phù hợp.

Việc làm tiếp theo là tổ chức được các CLB trong trường học. Đây là việc làm không khó và cũng đã có một số đơn vị thực hiện thành công. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng từ các trường MN cho đến THCS, từ sau thành công của liên hoan “Em hát dân ca”, đâu đâu cũng rộ lên phong trào hát hò khoan. Từ các cháu nhỏ cho đến những cụ già, từ giáo viên cho đến học sinh. Những đồng nghiệp của chúng tôi cho hay, khi cùng với bố mẹ đến đi đến các trường để tập luyện dân ca, con cái họ, dù còn rất nhỏ tuổi cũng đã biết làm quen và “bập bẹ” hát theo những câu hò điệu lí. Thậm chí về nhà còn bắt ông bà cha mẹ tập trung lại để “xố”, còn cháu thì “xướng” rất ngây ngô và buồn cười. Thực tế trên cho thấy điều gì? Phải chăng là qua những đợt tập duyệt như thế, cái máu (vốn đã có sẵn trong từng tế bào) của các cháu nói riêng, của người Lệ Thủy nói chung có dịp để bộc lộ và phát huy những khả năng “thiên bẩm” như thế. Qua đây, chúng ta có thể tin tưởng rằng, việc thành lập các CLB hát hò khoan Lệ Thủy trong các trường học (từ trường MN trở lên) là hoàn toàn có tính khả thi và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.

                   Không khí tập luyện ở trường TH Mỹ Thủy, chuẩn bị cho liên hoan

Nội dung tiếp theo trong chương trình này là quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng gần xa trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Đây không chỉ đơn thuần là việc quảng bá một thương hiệu, một sản phẩm, mà đặc biệt hơn, đó là giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc có từ ngàn đời nay đến với công chúng. Và cũng qua việc tìm hiểu về nét văn hóa này, mọi người sẽ biết nhiều hơn nữa về mảnh đất và con người trên quê hương Lệ Thủy chúng ta. Hiện nay, trang TTĐT của ngành GD&ĐT Lệ Thủy đang tiến hành xây dựng một forum mới dành riêng cho việc giới thiệu hò khoan Lệ Thủy đến với đông đảo công chúng yêu thích. Khi xây dựng xong, hứa hẹn đây sẽ là một diễn đàn hấp dẫn và bổ ích, mang lại niềm vui cho nhiều người.

Việc làm thứ năm và cũng là đỉnh cao của chương trình là tổ chức các hội thi. Năm học 2010 - 2011, chúng ta cũng đã tổ chức được một liên hoan dành cho học sinh khối THCS. Tuy nhiên, phải đến liên hoan dành cho học sinh khối TH lần này, dân ca nói chung, trong đó có hò khoan Lệ Thủy mới thực sự “lên ngôi”, làm dấy lên một “làn sóng”hò khoan từ khắp nơi mọi nẻo, thu hút sự chú ý của nhiều ngành, nhiều người. Từ thành công này và từ yêu cầu thực tiễn có tính mang tính cấp bách, thiết nghĩ trong những năm tiếp theo, chúng ta nên tổ chức tiếp những liên hoan như thế dành cho những bậc học khác.

Trở lại với những làn điệu dân ca Lệ Thủy. Chúng ta đều biết rằng, hò khoan Lệ Thủy bao gồm chín mái: Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy là đàn nhị và mõ. Hai loại nhạc cụ này khi hòa vào nhau thì âm thanh dịu dàng, sâu lắng và rất đỗi thắm thiết, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi nên cứ mỗi lần làn điệu được ca lên thì âm hưởng đó xuyến xao như tiếng lòng của làng quê Việt.

                           Không khí tập luyện cũng không kém phần sôi nổi,
                                   khẩn trương ở trường Kim Thủy 2

Bởi vậy người ta nói rằng, hò khoan Lệ Thủy là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính bình dân. Bình dân từ nhạc cụ, câu từ đến hình thức diễn xướng... Là người Lệ Thủy, chắc chắn ai cũng hát được một đôi câu hò khoan. Nó được sinh ra và gắn liền trong lao động sản xuất. Hò để công việc bớt phần mệt nhọc hơn. Hò để quãng đường đỡ xa hơn. Hò để con em mình có giấc ngủ sâu hơn... Và lần này, chúng ta đưa hò khoan vào trường học để việc học có chất lượng hơn, học sinh tích cực hơn, chăm ngoan hơn. Giáo viên cũng vì thế mà hăng say công việc hơn, yêu nghề mến trẻ hơn. Đó là kết quả tốt đẹp có được từ những việc làm của chúng ta và như một lời khẳng định rằng, đưa hò khoan vào trường học là một việc làm đúng đắn và cần thiết trong thực tế cuộc sống hôm nay nhằm giữ gìn và phát huy những điệu hát câu hò, giữ gìn giá trị muôn đời của cha ông. Đó là giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, góp phần hình thành nên nhân cách và những giá trị vĩnh hằng của người Lệ Thủy.

Bảo Châu

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 2 nhận xét Đăng nhận xét

avatar

Cám ơn chú Tuân đã đưa bào viết của cháu vào đây. Hôm nay được nghe câu chuyện của chú ở nhà Văn hóa Lệ Thủy mới thấy được cái lửa nhiệt huyết của chú với hò khoan, với quê hương xứ Lệ. Cháu đã cố nén xúc động, nhưng nước mắt cứ chảy, tự nhiên như trẻ thơ vậy! Cám ơn chú, cám ơn tấm lòng của những người con Lệ Thủy như chú! (Cháu là người mà sáng nay uống cafe, nói chuyện cùng chú đó)

avatar

Chú vừa ra HN sáng nay, cám ơn cháu đã có thiện cảm, con người chú là vậy đó, hơn nữa cảm xúc của người xa quê thường mạnh mẽ hơn "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"