CHI ĐEN

Ngọc Tuân
(Tặng cháu Chi thân yêu)

Tôi gọi nó như vậy để muốn tỏ lòng yêu thương với nó theo cách chân quê, phần vì da nó đen. Thực ra, tên thật của nó là Quỳnh Chi, một cái tên rất quý phái. Quỳnh Chi nghĩa là một nhành hoa Quỳnh, thứ hoa trắng ngần, thanh khiết, thơm lừng và chỉ nở một lần duy nhất vào một đêm trong năm, khi trăng lên. Vậy mới có câu thơ “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” trong Truyện Kiều để nói thú vui tao nhã của tri âm thưởng trà, chờ trăng lên, xem quỳnh nở và lâng lâng trong vây bọc của hương quỳnh. Cái tên như vậy khiến người ta liên tưởng đến một cuộc sống vương giả,quý phái, nhàn nhã. Nhưng không, với Quỳnh đen thì ngược lại.

Lần đầu tôi gặp nó là trong một quán cà phê xép ở dốc Hòe Nhai. Hôm đó có người bạn nhắn tôi qua đó uống cà phê. Quán nhỏ nhưng cà phê ngon và yên tĩnh. Khi đã yên vị, một cô bé đen đũi, gầy gò ngồi ở góc quán, bên chiếc bàn nhỏ đầy sách vở chạy đến lễ phép:

-Bác dùng gì ạ? 

Rồi nhanh chóng khuất sau cái tủ quầy cao quá đầu của nó. Một lúc sau, nó bê ra chiếc khay, trên có hai phin cà phê thơm nức cùng nước trắng, thìa, đường. Sẽ chẳng có gì để nói nếu chỉ có thế. Đằng này, sau khi lễ phép hỏi tôi có cần gì nữa không, nó quay lại chiếc bàn ở góc phòng, chú mục vào sách vở. Tôi cất tiếng khen chị chủ quán:
-Chị có đứa con ngoan lắm, lại ham học.
Chị chủ nhà nở một nụ cười tươi rói đỡ lời:
-Cháu không phải con đẻ mà là con nuôi của em đấy. Hàng ngày nó vừa học vừa tranh thủ giúp em ối việc. Em hay đau yếu, không có nó chắc chẳng kham nổi cái nhà này. Chồng thì thất nghiệp, hai con còn nhỏ…

Vốn là một thầy giáo nên chỉ thoáng qua câu chuyện, tự dưng tôi muốn làm quen với nó. Cuối chầu cà phê với bạn, tôi đến cạnh nó, kéo ghế ngồi xuống rồi hỏi:
-Cháu học gì đấy?
Nó ngước lên, đôi mắt đen láy ẩn dưới đôi hốc mắt cũng đen và đôi lông mày đậm, gương mặt hốc hác. Nó thỏ thẻ:
-Dạ, cháu đang làm văn, mà cũng xong rồi.
-Cho bác xem cái đề được không?
-Dạ đây ạ, bác có thích văn không bác?
-Có chứ, mê nữa là đằng khác. Tôi cười cầm cái đề văn nó đưa cho. Một đề văn mở rất hay; “Hãy viết về cuộc sống một loài hoa mà em thích”. Và bài văn của nó làm đã cuốn tôi theo dòng chảy của những ngôn từ rất trau chuốt, nhẹ nhàng. 

“Tôi là một loài hoa dại, thứ hoa không tên, mọc hoang dọc bãi Sông Hồng…”. Cứ thế nó dẫn tôi đi từ nơi sinh ra chẳng có gì màu mỡ, chỉ có cát và cát, chỉ có gió và gió, rồi mưa vùi dập, rồi nước dâng, lũ cuốn chỉ muốn bứt nó ra khỏi chiếc rể khẳng khiu cố níu lấy bờ. Hàng xóm của nó củng chỉ là muống dại, cỏ gai… ấy vậy nhưng lúc nào củng dựa vào nhau, che chở cho nhau… Tôi đọc một mạch bài văn của nó cho đến dấu chấm hết. Đó là cái ngày những chấm trắng li ti nhú lên nơi đầu cành, báo hiệu một mùa hoa mới. Bỗng thấy lòng mình chùng xuống, một cảm giác buồn man mác. Có lẽ đây là cuộc đời thực của nó. Chỉ có vậy mới có một bài văn như xát muối vào lòng người đọc vậy. Nó mới mười hai tuổi. Tôi nhìn nó như đối diện với nhân vật chính, nói với nó một câu:
-Cháu giỏi lắm, bác sẽ giúp cháu học văn, cháu có muốn không?
Nó bẽn lẽn nói, cháu thích học văn, chỉ sợ bác bận thôi.
Kể từ hôm đó và mãi đến những năm sau, khi nào rỗi tôi lại ghé qua quán cà phê đầu dốc Hòe Nhai trò chuyện với nó, hướng dẫn nó học, dạy nó cách quan sát cuộc sống thực quanh dốc phố và viết những thứ đó vào văn. Kiếm được cuốn sách hay tôi lại lật đật mang đến cho nó. 

Rồi nó lên phổ thông trung học, nó vào đội tuyển học sinh giỏi, nó vào đại học. Tôi coi Chi đen như con. Hôm đỗ vào Đại học khoa học tự nhiên, nó mang đến nhà tặng cho tôi cuốn sách của nhà văn Băng Sơn viết về Hà Nội với lời đề tặng: “Thân tặng bác quyển sách yêu thích của cháu. Không phải cứ sinh ra ở Hà Nội thì sẽ là người Hà Nội. Đối với cháu, bác là một người Hà Nội rất đáng mến”.

Đại học khoa học tự nhiên ở gần nhà tôi. Tôi rất mừng vì nó đã thành công bước đầu. Hai bác cháu chuyện trò vui vẻ. Tôi dặn dò nó về cách học ở bậc đại học, về cần phải học ngoại ngữ cho giỏi, thỉnh thoảng ghé qua chơi với bác. Nó cười mãn nguyện, gương mặt không còn hốc hác như xưa nhưng vẫn đầy khắc khổ. 

Kết thúc năm học đầu tiên, nó ghé qua báo cho tôi một tin mừng, nó đã dự thi và được cấp học bổng toàn phần đi du học ở Phần Lan. Nó làm tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu tôi không cho các bạn biết về cuộc đời của Chi. Chi là một đứa bé bị bỏ rơi từ khi mới bảy tháng tuổi. Nó có mẹ, có cha, cha mẹ nó cưới nhau hẳn hoi rồi sinh ra nó. Nhưng trong một lần va chạm, cha nó bỏ đi và không trở lại. Mẹ nó, đang không có việc làm, không có tiền nuôi con và trong cơn nóng giận đã đem nó gửi cho bà ngoại, một người già độc thân, sống trong một căn nhà mượn rồi đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu.

Nó lớn lên trong túng quẫn, thiếu thốn cùng bà ngoại. Bảy tháng tuổi, không chết mới là điều lạ. Đêm đêm, tiếng khóc ngằn ngặt vì đói của nó khiến ngoại nó cũng khóc. Còn nhúm gạo vét trong thùng, bà nấu thật loãng rồi chắt lấy chút nước cháo sền sệt, thêm chút muối, mớm cho nó. 

Đến tuổi đi học, bà ngoại nó cũng đã đến thời suy kiệt. Hai bà cháu sống dựa vào đồng trợ cấp người nghèo ít ỏi mà địa phương cấp cho. May thay, dì nó cũng đi lao động ở nước ngoài về, mở quán cà phê rồi dẫn nó về cho ở cùng các con chị. Hàng ngày, nó vừa đi học vừa giúp chị bưng bê, dọn dẹp. Vậy là đã khá hơn, nó là một đứa trẻ sớm chịu cực nhọc nên rất chăm chỉ và ngoan ngoãn.

Bà ngoại của nó đã quá già, nhiều hôm nhớ nó nhưng chân đi không nổi mà đến thăm. Nó thương bà lắm nhưng chẳng biết làm thế nào, nó xin dì con mèo trắng đem đến cho bà có bạn. Cuối tuần, được nghỉ học nó chạy về túp lều của bà ngoại để giặt giũ, dọn dẹp cho bà, đặt bà lên chiếc xe đẩy do người ta tặng, đẩy bà đi một vòng quanh phố, ghé qua nhà dì rồi đẩy về. Nó gầy gò là vậy nên chiếc xe đẩy với bà già và con mèo đối với nó là quá nặng. Nó cứ lầm lũi đẩy xe, không kêu ca với ai.

Năm tháng cứ trôi, một hôm tin mừng đến với Chi. Không biết từ đâu bố nó lần tìm được nơi nuôi nó và nhờ người đến gặp, nhắn nó về Hải Phòng gặp bố. Đêm đó, nó không ngủ. Mười một tuổi rồi lần đầu tiên nó mới được nhắc tới một từ bố thiêng liêng. Nó khóc rất nhiều, chỉ thương bố và mong trời sáng để đi theo người dẫn đường về gặp bố. Nó còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện vì sao bố nó đã không tìm nó suốt mười một năm nay. Hôm sau, chị chủ quán cùng đi với nó về Hải Phòng. Một trăm cây số mà sao nó cảm thấy dài thế, lâu thế. Vòng vèo qua mấy con phố, người dẫn đường đưa nó đến trước một căn nhà nhỏ. Nó bước vào, trong ánh đèn lờ mờ từ góc tối trong cùng bỗng phát ra tiếng khóc. Nó rụt rè bước đến, sững lại. Trước mặt nó là một người đàn ông có bộ mặt vàng vọt với thân hình teo tóp được bọc trong bộ đồ nhàu nát.
-Con ơi!
Người đàn ông chỉ nấc lên được hai tiếng như vậy rồi gục mặt, tì cằm xuống ngực khóc tức tưởi. Nó đứng ngây ra chẳng hiểu gì cả, hai bàn tay đan chặt vào nhau. Người dẫn đường ghé vào tai nó thì thầm:
-Bố cháu đấy, bố ốm nặng, bố bị ung thư, bố muốn gặp con trước khi đi xa.
Cái Chi chẳng hiểu đi xa là cái gì nhưng nó tiến đến, ngồi xuống cạnh giường, đưa bàn tay nhỏ bé của nó cầm lấy tay bố. Như chỉ chờ có vậy, bố nó kéo nó vào lòng rồi khóc nấc lên. Nó cũng khóc nấc lên.

Ba tháng sau bố nó đi xa. Nó ngồi đó thật buồn. Khuôn mặt vẫn còn như ngơ ngác không hiểu sao người ta cứ đến rồi cứ đi, để mặc nó bơ vơ như vậy. Mẹ ơi, mẹ ở đâu, bố đi rồi chỉ còn một mình con thôi.

Sau mấy ngày chịu tang bố, chị chủ quán cà phê xuống đón nó lên. Mấy ngày liền nó chẳng chịu ăn uống gì cho ra bữa. Dỗ mãi nó mới gượng dậy uống vài thìa sữa. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua rất nhanh, nó còn trẻ con mà.

Hôm tôi gặp Chi lần đầu là lúc bố nó mất vừa một năm. Sau này nhớ lại tôi nhận ra một chi tiết trong bài văn nó viết về loài hoa dại có một đoạn miêu tả về một đêm bão bùng, cành hoa dại đã cố nép mình mỏng manh vào bác hoa lạc tiên. Vậy mà, một cơn lốc đã cuốn cả bác lạc tiên đi rồi quất những ngọn roi mưa vào nó đến tan nát.

Hôm nay Chi đen đã khác, nó là một đứa có nghị lực, ngoan hiền. Hôm mới nhận được tin báo nó đã đến trường ở Phần Lan, tôi không cầm được nước mắt.