THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP NGÔ ĐÌNH DIỆM

Ngọc Tuân

Nhiều bạn đọc gọi đến tác giả hỏi về Ngô Đình Diệm, tôi xin dưa lên đây những thông tin chính để cùng tham khảo. 

Tiểu sử

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế, trong một gia đình quan lại có truyền thống theo đạo Công giáo lâu đời, có quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Theo hồ sơ của cơ quan an ninh Pháp ông sinh ngày 27 tháng 7 năm 1897, và còn có bí danh Nguyễn Bá Chinh. Tên thánh của ông là Gioan Baotixita (João Batista).

Gia đình
Dòng họ Ngô Đình vốn quê làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và theo đạo Công giáo La Mã từ thế kỷ thứ 17. Trong giai đoạn quân Pháp đánh chiếm Trung Kỳ và Bắc Kỳ (khoảng 1870), khi triều đình cấm đạo gắt gao, phong trào Văn Thân nổi lên chống Pháp cứu nước và phát động chiến dịch chống Đạo, nhiều làng họ đạo bị đốt, tín đồ bị truy bức, dòng họ Ngô Đình phải bỏ làng Xuân Dục phủ Quảng Ninh mà di cư về làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thủy của cùng tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều làng Công giáo hơn Quảng Ninh.

Theo những bô lão ở Quảng Bình thì ông nội của ông Diệm là Ngô Đình Dinh thuộc vào hàng bần dân khốn khổ. Ký giả Robert Shaplen xác định rõ ràng hơn rằng nội tổ của ông Diệm sinh sống bằng nghề chài lưới. Vợ mất sớm, ông mang đứa con nhỏ xuống thuyền, ngày thì đánh cá mang lên chợ Đợi bán, đêm thì buộc thuyền ở bến chợ lên ngủ nhờ đình làng Đại Phong, làm thêm việc quét tước đình làng, nấu nước phục dịch mỗi khi chức sắc làng có việc. Do lao lực, đói rét ông Dinh mất sớm để lại đứa con nhỏ mới 6 tuổi. Đứa con nhỏ đó chính là Ngô Đình Khả sau này. 

Bố mất, ông Khả bơ vơ nên được giáo sĩ người Pháp ở nhà thờ Mỹ Phước, Đại Phong nhận nuôi. Thấy ông thông minh vị giáo sĩ cho đi học chữ Hán rồi chữ Pháp tại một trường dòng ở Penang (Mã Lai). Sau khi tốt nghiệp ông về làm thông ngôn (phiên dịch) tiếng Pháp cho toà Khâm sứ Huế rồi chuyển sang làm thương biện Viện Cơ mật. Năm 1905 ông thăng chức Tổng quan Cấm Thành. Sau này lên đến Thượng thư triều đình Huế kiêm Phụ đạo Đại thần và cũng là cố vấn của vua Thành Thái. Là người mộ đạo, Ngô Đình Khả dẫn gia đình ông đi lễ mỗi buổi sáng. Năm 1907, thấy chính quyền bảo hộ Pháp phế bỏ và đày vua Thành Thái sang Phi Châu, ông Ngô Đình Khả xin từ quan về quê làm ruộng để tỏ sự bất mãn. Dù đã từ quan như ông Ngô Đình Khả vẫn đủ sức để chu cấp cho các con ông ăn học.

Ông Ngô Đình Khả có vợ là Phạm Thị Thân, quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Ngô Đình Diệm là người con thứ ba trong gia đình với hai người anh đầu là Ngô Đình KhôiNgô Đình Thục. Ông khôi và ông thục là con bà vợ cả (mất sớm). Ngô Đình Khôi làm Tổng đốc Quảng Nam, còn Ngô Đình Thục một thời làm tổng giám mục. Bà Thân là vợ kế sinh được ông Diệm và năm người em là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị GiáoNgô Đình Thị Hiệp - mẹ của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Ngô Đình Diệm ngoài giúp cha làm ruộng còn được đi học trường Công giáo Pháp và mai này ông vào học trong trường tư do chính cha ông thành lập. Từ năm 15 tuổi ông cùng người anh Ngô Đình Thục vào học ở trường dòng. Vài tháng sau, cảm thấy cuộc sống ở trường dòng quá khắt khe, ông đã từ bỏ và xin học vào trường Quốc Học Huế (Pellerin Huế). Từ lúc còn nhỏ, ông được quan đại thần Nguyễn Hữu Bài - bấy giờ là phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ do có mối quan hệ gần gũi, người anh của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khôi lấy được con gái của Nguyễn Hữu Bài.

Ngô Đình Diệm học rất giỏi, khi còn học trường trung học (lycée) của Pháp tại Huế, thành tích thi cử của ông xuất sắc đến mức ông nhận được học bổng du học tại Paris, nhưng ông đã từ chối và quyết định ra Hà Nội học trường Hậu bổ (trường hành chính) và tốt nghiệp 2 năm sau đó năm 1921.
Giai đoạn làm quan triều Nguyễn

Năm 1921, Nhận chức tri huyện Hương Trà và sau đó là Hương Thủy.

Năm 1923, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1926, Nhận chức tri phủ Hải Lăng, thăng dần lên quản đạo Ninh Thuận

Năm 1929, ông được bổ nhiệm làm Tuần vũ tỉnh Bình Thuận.

Thời làm quan triều Nguyễn ông được coi là một vị quan trẻ chính trực, thanh liêm. Khi đang nhậm chức tri phủ huyện Hải Lăng trong khoảng thời gian 1925 đến 1927. Khi ấy ông mới độ 24 - 26 tuổi. Với một thời gian ngắn, tuổi trẻ nhưng ông đã để lại nhiều dấu ấn thật có giá trị cho các xã vùng sâu của Hải Lăng, ông đã cho đào kênh Mai Lĩnh dài 3000m và mở một trục lộ giới gần 4000m mang tên Tổng lộ. Ngài tri phủ lệnh đắp con lộ ấy với ý định nối liền, rút ngắn các xã vùng ruộng sâu với phủ Hải Lăng. Con kênh Mai Lĩnh (nối Ô Giang tại bến Cây đa - Xóm càng Hưng Nhơn qua ngã ba Hói Dét - Sông Cựu, Vĩnh Định qua Vân Trình - Đập Cửa Lác đỗ vào phá Tam Giang) nhằm tiêu nước cho cánh đồng thường bị ngập úng. Cư dân ở đây đã ít bị thiên tai, ruộng đồng bội thu, có tuyến giao thông thông suốt, đến nay đã ngót 100 năm. Bởi thế, sau khi các công trình ấy hoàn thành, dân Hải - Hoà lập bia ghi nhớ công ơn của quan Tri Phủ đại nhân.

Năm 1933, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại, là vị thượng thư trẻ tuổi nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ. Trong thời gian này ông được bầu làm Tổng thư ký Uỷ ban cải cách. Ông đề xướng hai điều với chính quyền bảo bộ Pháp: một là thống nhất TrungBắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề. Việc thống nhất cốt sẽ buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ khâm sứ Trung Kỳthống sứ Bắc Kỳ và thu về thành một viên tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì không thấy được chấp nhận, ông từ chức ngày 12 tháng 7 năm 1933.
Hoạt động chính trị chống Pháp

Năm 1933, ông vào Sài Gòn cùng với Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim,... tổ chức phong trào của trí thức NamTrung Kỳ vận động chính giới Pháp tại Paris để đòi truất phế quan Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Việc không thành, ông bị Pasquier trục xuất khỏi Huế và chỉ định cư trú tại Quảng Bình. Tuy nhiên, sau cái chết của Pasquier năm 1934 (do tai nạn giao thông), viên toàn quyền mới Eugene René Robin đã phục hồi tước vị hàm cho ông và ông về dạy học tại trường Thiên Hựu (Providence) do anh ông là Ngô Đình Thục làm Giám học

Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát, và lính khố xanh bản xứ tại Trung Kỳ. Tháng 7 năm 1944, mật thám Pháp phá vỡ tổ chức này và tổ chức vây bắt Ngô Đình Diệm ở tại phủ Cam. Nhờ sự giúp đỡ của hiến binh Nhật, ông trốn thoát, chạy về trú tại lãnh sự Nhật ở Huế. Sau vài ngày, người Nhật đưa Ngô Đình Diệm vào Đà Nẵng rồi dùng máy bay quân sự chở thẳng vào Sài Gòn trú tại trụ sở hiến binh của Nhật. Ông cũng được Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội do hoàng thân Cường Để (lúc này đang sống ở Nhật) ủy nhiệm công việc vận động nhân sự ở Trung Kỳ để chống Pháp.

Tại Sài Gòn, ông đã tham gia thành lập Uỷ ban Kiến quốc với mục tiêu phò tá hoàng thân Cường Để. Tuy nhiên, vào phút chót, Nhật không ủng hộ Cường Để về nước làm vua mà ủng hộ Bảo Đại lập chính quyền thân Nhật với quốc hiệu mới là Đế quốc Việt Nam. Trước đó, Bảo Đại đã từng mời ông làm thủ tướng trong chính quyền mới, nhưng đã đổi ý và thay vào đó là Trần Trọng Kim.

Trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương

Sau tổng khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh giành chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, một loạt quan lại bị bắt tại Huế. Trong đó có nhiều vị đầu triều như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiên Lãng, Ngô Đình khôi... Trên đường dẫn các vị này ra Bắc, đến Thừa Thiên Việt Minh đã thủ tiêu 7 vị vì nghi Pháp tập kích, trong đó có Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, cùng con trai là Ngô Đình Huân. Ông Diệm thì bị Pháp truy lùng, may nhờ hiến binh Nhật giúp đỡ đã chạy vào Sài Gòn, sau đó lên Đà Lạt. Đầu tháng 8 năm 1945, ông quay lại Sài Gòn rồi ra Huế. Trên đường đi, ông bị bắt ở Phú Yên rồi giải ra Bắc. Năm 1946 ông được thả cùng với Tôn Thất Hiến, Phạm Văn Giáo, Nguyễn Tiến Lãng, Trương Tử Anh...

Năm 1948, khi cựu hoàng Bảo Đại đang sống lưu vong ở Hồng Kông đang điều đình với Pháp để ký hiệp định Pháp-Việt, Ngô Đình Diệm sang Hồng Kông thuyết phục Bảo Đại kiên định trong "vấn đề độc lập dân tộc". Sau đó khi Bảo Đại ký hiệp định với Pháp ở Hạ Long cho Việt Nam một nền độc lập hạn chế, Ngô Đình Diệm có biểu hiện thất vọng và quay về Huế sống với Ngô Đình Cẩn và có thời gian Ngô Đình Diệm lên sống với vợ chồng Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt.

Năm 1950, Ngô Đình Diệm theo anh là giám mục Ngô Đình Thục đi Vatican, rồi sau đó sang Nhật gặp hoàng thân Cường Để đang sống ở đây. Thời gian hai năm kế tiếp Ngô Đình Diệm sang Mỹ phần lớn lưu trú tại các trường dòng Lakewood ở New Jersey và trường dòng Ossining ở New York. Đây cũng là thời kỳ Ngô Đình Diệm gặp hồng y Spellman, người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của Diệm sau này. Nhờ sự giới thiệu của Spellman và một vài nhân vật cấp cao của CIA, Ngô Đình Diệm vào ở ẩn ở các chủng viện lớn như Maryknall, Lakewood rồi vào trường đại học Michigan tham gia một số khóa học. [8]

Tháng 5 năm 1953, theo lời mời của một số chính khách Kitô giáo lưu vong theo chủ nghĩa quốc gia có khuynh hướng chống Cộng, Ngô Đình Diệm bay sang Pháp rồi sau đó qua Bỉ trú ngụ tại một tu viện lớn.

Năm 1954, Ngô Đình Diệm từ Bỉ trở lại Paris sống tại nhà ông Tôn Thất Cẩn (con trai của cụ Thân thần phụ chính Tôn Thất Hân). Tại đây, với sự yểm trợ của Ngô Đình Luyện, Diệm bắt đầu vận động trong giới chính khách Việt sống lưu vong.

Thủ tướng dưới quyền Bảo Đại

Sau hiệp định Genève, Việt Nam tạm thời phân chia làm hai vùng tập trung quân sự để chờ ngày tổng tuyển cử toàn quốc và thống nhất Việt Nam, tại miền Nam do lực lượng Quốc gia Việt NamLiên hiệp Pháp kiểm soát. Được sự hậu thuẫn của chính phủ Hoa Kỳ, ông chính thức được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 16 tháng 6 năm 1954 khi hai người gặp nhau ở Pháp.

Trong thời kỳ đầu làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam, thực tế ông không có quyền lực đối với các lực lượng quân đội, cảnh sát với những người đứng đầu là Nguyễn Văn HinhLê Văn Viễn. Hai lực lượng này liên minh với nhau nhằm chống lại chính phủ trung ương, trong khi thủ tướng cũng không kiểm soát được bộ máy quan chức dân sự vì các viên chức Pháp đang còn nhiều, nắm giữ các vị trí then chốt. Nền tài chính vẫn do ngân hàng Đông Dương mà phía sau là chính phủ Pháp quản lý. Thực tế trong gia đoạn đầu cầm quyền thủ tướng ông không có thực quyền.

Sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là việc tổng thống Hoa Kỳ - Eisenhower gửi công hàm chính thức cho thủ tướng Ngô Đình Diệm cho biết từ đây chính phủ Việt Nam nhận viện trợ trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp như trước.

Ngô Đình Diệm cho rằng cơ hội duy nhất cho chính phủ quốc gia Việt Nam đứng vững được là phải giành được độc lập thực sự, và ông nhất định thực hiện mục tiêu đó một cách dũng cảm và kiên trì hiếm có. Chỉ sau vài tháng nắm quyền thủ tướng, tháng 12 năm 1954 ông bãi bỏ quyền phát hành giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương, từ nay giấy bạc lưu hành trên lãnh thổ miền Nam sẽ do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mới thành lập phát hành và cục hối đoái giao cho chính phủ Việt Nam quản lý, tiếp đó ông yêu cầu chính phủ Pháp trong vòng năm tháng thực hiện chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam mọi công tác của Quân đội Quốc gia Việt Nam còn phụ thuộc vào bộ chỉ huy Pháp.

Ngoài ra Thủ tướng Ngô Đình Diệm trực tiếp đối đầu với Pháp và Quốc trưởng Bảo Đại khi ông thông qua Dụ số 21 ngày 11 Tháng Ba, 1955 chính thức sát nhập Hoàng triều Cương thổ lại vào Trung phần chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.

Đệ nhất Cộng hòa

Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) là chính phủ của Việt Nam Cộng hòa được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 ở miền Nam Việt Nam. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý là quốc trưởng Bảo Đại Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy bị truất phế và chính thể Quốc gia Việt Nam bị giải tán. Thay vào đó thủ tướng Ngô Đình Diệm đứng ra lập nền cộng hòa với lập trường chống cộng sản. Năm 1956 Quốc hội Lập hiến chính thức soạn một hiến pháp mới và khai sinh nền cộng hòa. Được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước Tây phương, nền Đệ nhất Cộng hòa đã thành công trong việc thống nhất quyền lực, dẹp các lực lượng vũ trang giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và diệt nhóm Bình Xuyên.

Dẹp Bình Xuyên và Hòa Hảo, thu phục Cao Đài

Đụng độ giữa Quân đội Quốc gia Việt Nam và lực lượng Bình Xuyên bắt đầu từ đầu năm 1955 trong những trận xung đột võ trang dữ dội ngay giữa Sài Gòn ngay từ khi Ngô Đình Diệm còn là thủ tướng. Chính những tranh chấp giữa chính phủ và các nhóm quân giáo phái là một động lực khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa.

Nguyên là quân giáo phái vì đã có sẵn lực lượng võ trang nên không chịu nhượng quyền cho chính phủ trung ương. Những lực lượng võ trang này còn được sự hậu thuẫn của người Pháp, chưa thật lòng trao quyền lại cho chính phủ Quốc gia Việt Nam. Vào Tháng Hai năm 1955 khi Pháp ngưng mọi chi viện cho lực lượng quân sự của hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo thì hai nhóm này đòi chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải chi viện. Ngô Đình Diệm từ chối. Quân đội Cao Đài và Hòa Hảo từ đó liên kết với nhóm Bình Xuyên, vốn có lập trường chống lại chính phủ, lập ra Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia. Tổ chức này đòi quyền tham chính, ra tối hậu thư ngày 21 Tháng Ba ép thủ tướng Ngô Đình Diệm phải thay đổi nội các trong vòng năm ngày, tức là trước ngày 26 tháng 3. Đại diện Cao Đài là Phạm Công Tắc; đại diện Hòa Hảo là Lê Quang Vinh, Lâm Thành NguyênTrần Văn Soái; và đại diện Bình Xuyên là Lê Văn Viễn cùng ký tên. Cũng vào Tháng 3, quân Bình Xuyên tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích Dinh Độc Lập. Quân chính phủ phản công bằng cách vây đánh Tổng nha Cảnh sát trên đại lộ Trần Hưng Đạo (Galliéni cũ) do Lại Văn Sang, người của Bình Xuyên cầm đầu lực lượng Công an Xung phong. Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải cho triệu hồi Đại tá Dương Văn Minh về Sài Gòn để chỉ huy quân đội chống lại quân ly khai.

Ngày 26 tháng 4 năm 1955, Ngô Đình Diệm ra lệnh cách chức Lại Văn Sang và cử Đinh Ngọc Lễ vào thay thế nhưng Sang không tuân. Sang đòi phải có lệnh của Bảo Đại mới tuân thủ. Quân Bình Xuyên lại mở cuộc tấn công vào thành Cộng Hòa trưa ngày 27 và kêu gọi Quốc trưởng Bảo Đại can thiệp. Bảo Đại ra lệnh đòi Ngô Đình Diệm sang Pháp hội kiến nhưng bị thủ tướng bác bỏ. Rạng ngày 30 tháng 4 sau một cuộc giao tranh lớn gây hỏa hoạn ở khu Nancy và Chợ Quán khiến 20.000 người phải sơ tán thì chính phủ kiểm soát được các cửa ngỏ vào đô thành như cầu Chữ Y và cầu Tân Thuận, Khánh Hội khiến quân Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn, Chợ Lớn. Sang tháng 5 thì nhóm chỉ huy Bình Xuyên gồm hai anh em Lại Hữu Tài, Lại Văn Sang và Lê Văn Viễn (thường gọi là Bảy Viễn) phải rút về Rừng Sát vì bị tướng Trình Minh Thế truy nã gắt gao. Đến cuối năm 1955 sau Chiến dịch Hoàng Diệu thì lực lượng Bình Xuyên hoàn toàn tan rã. Bảy Viễn chạy thoát được sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp.

Cũng năm 1955 chính phủ mở cuộc càn quét dẹp lực lượng vũ trang Hòa Hảo trong Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đánh vào Cái VồnThốt Nốt. Ngày 5 tháng 6, chỉ huy lực lượng Hòa Hảo là tướng Nguyễn Giác Ngộ ra đầu hàng nhưng Lê Quang Vinh (tục danh Ba Cụt) thì cầm cự đến 1956 mới bị bắt ở Chắc Cà Đao và đem xử tử. Trần Văn Soái (Năm Lửa) phải bỏ chạy sang Campuchia. Từ đó lực lượng võ trang Hòa Hảo mới tan hẳn.

Đối với quân đội Cao Đài do hai tướng Trình Minh ThếNguyễn Thành Phương chỉ huy thì lực lượng này gia nhập Hội đồng Cách mạng ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm vào Tháng Tư nên không có cuộc đụng độ giữa chính phủ và lực lượng Cao Đài. Riêng Hộ pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong sang Cao Miên.

Trưng cầu dân ý, phế truất Quốc trưởng Bảo đại

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai vùng tập kết chính quyền và quân đội ở vĩ tuyến 17, với Quốc gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu chính phủ ở miền Nam. Ngày 16 tháng 6, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại bổ làm thủ tướng. Ông Diệm đồng ý ra chấp chính với điều kiện được toàn quyền chính trịquân sự. Danh sách nội các được trình ngày 7 tháng 7. Tuy nhiên quyền lực của chính phủ mới bị nhóm Bình Xuyên cùng hai lực lượng chính trị giáo phái Cao ĐàiHòa Hảo chống đối. Quốc trưởng Bảo Đại lại có ý duy trì nâng đỡ các lực lượng đó, nên sau đó có nhiều xung khắc giữa Quốc trưởng và Thủ tướng. Các cuộc đụng độ võ trang của Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo bùng nổ từ tháng 3 đến tháng 4 thì Bảo Đại đòi Thủ tướng Diệm sang Pháp trình diện để áp lực thương lượng. Trên thực tế, với quan điểm thân Pháp và ủng hộ Bình Xuyên của Bảo Đại, dư luận dân chúng cũng không còn ủng hộ ông nữa. 

Dù nhận được lệnh sang hội kiến Quốc trưởng, Thủ tướng Diệm không tuân. Dưới sự ủng hộ của người Mỹ, ông nhận được sự hậu thuẫn của nhiều đoàn thể như Việt Nam Dân xã Đảng của Nguyễn Bảo Toàn, Việt Nam Phục quốc Hội của Hồ Hán SơnHội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia của Nhị Lang. Ngày 30 tháng 4 năm 1955, các nhóm này lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia và ra tuyên ngôn với những điều kiện: 
Phế truất Quốc trưởng Bảo Đại 
Lập chính phủ mới để dẹp loạn 
Buộc Pháp rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam 
Tổ chức bầu cử Quốc hội

Ngày 6 tháng 10, Thủ tướng Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý. Các cơ quan truyền thông do Thủ tướng điều khiển cũng bắt đầu vận động dân chúng sửa soạn đi bầu với những bài chỉ trích hành vi của Quốc trưởng và phổ biến những câu nhắc nhở cử tri như:
“Phiếu đỏ ta bỏ vô bì
Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi”
Mỗi cử tri được phát hai lá phiếu: một lá màu xanh, một lá màu đỏ. Lá màu đỏ in hình Ngô Đình Diệm với câu: Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ. Lá xanh in hình Bảo Đại thì có câu: Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, cuộc lựa chọn vị nguyên thủ của Quốc gia Việt Nam và thể chế chính quyền diễn ra ở phía nam vĩ tuyến 17. Việc bỏ phiếu tuy nhiên không được công bằng vì ban tổ chức đã sắp xếp để Ngô Đình Diệm tuyệt đối thắng (như tại Sài Gòn, Thủ tướng Diệm chiếm được 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri ghi tên). Kết quả: Vơi 5.721.735 phiếu đồng ý, Ngô Đình Diệm đắc cử với 98,2% số phiếu. Sau khi đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, Ngô Đình Diệm tuyên bố ngày 26 tháng 10 năm 1955 khai sinh nước Việt Nam Cộng hòa và thành lập Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cơ sở pháp lý là Hiến ước Tạm thời số 1. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 3 năm 1956, chính phủ tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội Lập hiến và tháng 10 năm 1956 ban hành Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi Bảo Đại bị truất, Ngô Đình Diệm tuyên bố "Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng hòa" ngày 26 Tháng Mười 1955. Sang Tháng Mười Một thì một Ủy ban Thảo hiến gồm 11 người bắt đầu việc sơ thảo một hiến pháp cho quốc gia mới. 

Để có cơ sở pháp lý, Ngô Đình Diệm xúc tiến nhóm họp Quốc hội Lập hiến. Quốc hội này được bầu ra vào ngày 4 tháng 3 và khai mạc ngày 17 Tháng Tư năm 1956 gồm 123 dân biểu để giúp soạn hiến pháp mới. Sau mấy lần thương nghị giữa Quốc hội và Tổng thống, bản hiến pháp đó được thông qua vào Tháng Bảy và ban hành ngày 26 tháng 10 năm 1956. Ngày đó được nền Đệ nhất Cộng hòa nhận là ngày "Quốc khánh".

Quốc hội nhóm họp tổng cộng ba khóa gồm đợt tuyển cử năm 1956, 1959, và 1963. Dân biểu đắc cử niên khóa 1963 chưa kịp chấp chính thì xảy ra cuộc đảo chánh Tháng Mười Một và sau đó bị bãi nhiệm bởi nhóm tướng lãnh.

Chính sách chính trị đối nội

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Đảng Cần lao Nhân vị do Ngô Đình Nhu chủ trương chiếm ưu thế trên chính trường.

Cùng với đảng Cần lao Nhân vị là tổ chức Phong trào Cách mạng Quốc gia dùng để điều khiển nhiều đoàn thể khác như Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia. Trần Chánh Thành nguyên là Quốc vụ Khanh được bổ làm Bộ trưởng Thông tin và Thanh niên, kiêm lãnh tụ Phong trào Cách mạng Quốc gia. Năm 1958 thì thành lập Đoàn Thanh niên Cách mạng hay còn gọi là Thanh niên Cộng hòa để đào tạo nhân sự thêm sâu rộng, nhất là ở các vùng nông thôn. Hội đoàn này tính đến năm 1960 đã đào tạo hơn 116.000 thành viên hoạt động ở miền quê. Thủ lĩnh là Ngô Đình Nhu. Đối với phụ nữ thì có Phong trào Phụ nữ Liên đới cũng thành lập từ năm 1958 để vận động phái nữ. Thủ lĩnh là Trần Lệ Xuân. Tính đến năm 1955 thì Đảng Cần lao có 10.000 đảng viên. Bốn năm sau thì con số đảng viên tăng lên thành 1.500.000. 

Triệt hạ đối lập

Chính phủ còn có những biện pháp cản trở và cấm đoán hoạt động của các đảng phái đối lập. Bắt đầu từ Tháng Bảy năm 1956 Bí thư Đảng Xã hội bị bắt giam. Nguyễn Thành Danh (bí thư Việt Nam Phục quốc Hội) cùng Trung úy Nguyễn Văn Phước, Trần Văn Ân, Nguyễn Hữu Than cũng bị kết tội thông đồng với lực lượng chống chính phủ. Mật khu Đảng Đại ViệtViệt Nam Quốc dân Đảng từ Quảng Trị xuống Phú Yên đều bị giải tán và nhân sự bị bắt giữ. Xứ trưởng Trung Việt của Đảng Đại ViệtHà Thúc Ký bị giam. Một số như Nguyễn Tôn Hoàn phải lưu vong. 

Chính sách chống Cộng

Chính phủ cũng phát động chiến dịch Tố cộng và Diệt cộng từ mùa hè năm 1955. Thành phần Việt Minh không tập kết ra Bắc bị đưa ra trước công chúng và bắt tự kiểm điểm để khước từ chủ nghĩa Cộng sản. Chiếu theo Điều 7 của Hiến pháp 1956 thì "những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với nguyên tắc ghi trong Hiến pháp" nên chính phủ càng dựa vào đó bắt giam những người tình nghi là Việt Minh hoặc hợp tác với cộng sản. Đạo luật 10/59 ban hành Tháng Năm, 1959 tăng mức hình phạt cho những ai liên hệ đến chủ nghĩa Cộng sản và mở thêm một hệ thống Tòa án Quân sự Lưu động để xử bị cáo. Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 có 48,250 người bị bắt giam vì tội danh "cộng sản".

Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ngô Đình Diệm tuyên bố ngày 6 Tháng Bảy, 1955 trên đài phát thanh không chấp nhận Tổng Tuyển cử vì Quốc gia Việt Nam đã không ký vào Hiệp định Genève nên không bị ràng buộc bởi điều lệ trong Hiệp định. Dầu vậy ngày 20 Tháng Bảy, 1955 ông Phạm Văn Đồng gửi văn thư kêu gọi hiệp thương và phái Văn Tiến Dũng vào Sài Gòn để đàm phán. Phái đoàn tạm lưu tại Khách sạn Majestic nhưng bị Hội đồng Nhân dân Cách mạng tổ chức biểu tình chống đối phái đoàn dữ dội; khách sạn bị bao vây và phóng hỏa khiến Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (International Control Commission, ICC) phải can thiệp để phái đoàn bay về Bắc an toàn. Việc hiệp thương với miền Bắc từ đó chấm dứt.

Sau năm 1960 khi chiến cuộc bắt đầu giữa chính phủ và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam thì quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng thêm khó khăn. Đến năm 1962 thì Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến với hai phái đoàn Ấn Độ và Canada báo cáo rằng xung đột võ trang ở miền Nam do các lực lượng gửi vào từ Miền Bắc đã khiến tình hình khó vãn hồi hòa bình giữa hai phe. Họ kêu gọi cơ quan thẩm quyền quốc tế can thiệp. Riêng phái đoàn Ba Lan bỏ phiếu chống và báo cáo rằng phong trào chống chính phủ là ở miền Nam vì chính sách thanh trừng Cộng sản của Việt Nam Cộng hòa.

Cuộc bầu cử quốc hội năm 1963 chưa kịp ra mắt thì binh biến đảo chính xảy ra. 


TÌNH CẢM THẦY TRÒ 50 NĂM THẮM THIẾT


Đỗ Hoàng 

Không ngờ lớp học sinh cấp 3 huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình chúng tôi từ những năm 60 thế kỷ trước lại được gặp lại các thầy cũ của mình. Cả thầy và trò đều vui mừng cảm động một cách sâu sắc, không làm sao nói hết tình cảm của mình trong lúc gặp gỡ.

Hôm 15 tháng 11 năm 2011, lúc hơn 9 giờ, anh Phạm Xuân Thâu là học sinh lớp 10 (tương đương lớp 12 phổ thông trung học bây giờ) năm học 1963 -1964, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên Giáo, hiện là Phó Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Việt Nam điện cho tôi, nói trưa nay cùng tất cả học sinh cấp 3 Lệ Thuỷ, Quảng Bình thập kỷ 60 đến thăm thầy Nguyễn Vĩnh Xuyên và thầy Nguyễn Bảo Hoàn nhân ngày 20 – 11 và dự đám cưới con gái út của thầy Xuyên tại đường Tam Trinh, Yên Sở, Hà Nội.

Thầy Xuyên, thầy Hoàn ư? Hai thầy còn ở Hà Nội sao? Lớp học sinh cấp 3 Lệ Thuỷ thời ấy không quên các thầy và không thể quên thầy Xuyên và thầy Hoàn. Thầy Xuyên dạy địa lý, thầy Hoàn dạy sinh vật giỏi nổi tiếng cả tỉnh Quảng Bình.

Khoảng tháng 7, tháng 8 năm học 1964 tôi thi đỗ vào trường cấp 3 Lệ Thuỷ và được vào học đúng niên khoá 1964 - 1965. Trường cấp 3 Lệ Thuỷ thời đó có 6 lớp, hai lớp 10, hai lớp 9 và hai lớp 8. Cả huyện chỉ có một trường cấp 3 nên thi đỗ vào cấp 3 cũng rất đáng tự hào. Tôi nhớ hình như thi 600 thí sinh mà trường chỉ lấy có 80 người. Lớp 8B tôi là lớp em út nên phải học chiều, vì vậy tôi không biết được các lớp trên như anh Thâu, anh Lệ, anh Thắng, anh Vinh, anh Lính, anh Định...

Các anh ấy nhà gần trường, lại lớp trên nên biết các thầy nhiều hơn. Thầy Xuyên, thầy Hoàn vào dạy cấp 3 Lệ Thuỷ từ nhừng lớp đầu tiên, đến nay đã 50 năm rồi. Các thầy đều người Hà Nội và quanh Hà Nội nghe theo tiếng gọi của Đảng và nhiệm vụ được phân công hào hứng vào tuyến lửa dạy học.

Lớp tôi thầy Lê Công Mục dạy văn làm chủ nhiệm. Thầy Xuyên chỉ dạy địa lý. Nhưng môn dạy của thầy quá hấp dẫn nên thầy vừa bước vào lớp là chúng tôi vỗ tay rầm rộ. Những bài học địa lý khô khan như thế nhưng thầy giảng nó hay như một bài thơ. Thầy Xuyên thường dùng mũi tên để chỉ tốc độ phát triển kinh tề của một nước. Công nghiệp phát triển một mũi tên lên, công nghiệp rất phát triển là hai mũi tên lên và ngược lại nếu không phát triển thì mũi tên xuống. Thời ấy mà chúng tôi đã biết các nước Đức, Anh, Pháp, Ý, Mĩ... kinh tế đã rất phát triển. 50 năm rồi, dù không còn dính dáng gì về địa lý mà tôi vẫn nhớ tên thủ đô nhiều nước từ thời đó, thú vị nhất là trường hợp An Ba Ni.

Nó thế này, vì thích môn địa lý của thầy Xuyên nên tôi học môn này rất khá. Lúc nào kiểm tra cũng toàn điểm 5 (thang 5 điểm). Một lần kiểm tra 15 phút về địa lý, kinh tế nước An ba ni. Tôi làm cái gì cũng đúng hết, duy chỉ viết sai tên thủ đô là Ti - ra - na thành ra Ti - ra - ma. Tôi bị trừ mất một điểm, còn 4+. Tôi tiếc đến giờ và nhớ tên thủ đô An ba ni đến giờ!

Thầy Xuyên không chỉ giỏi địa lý mà thầy rất giỏi toán. Thầy bồi dưỡng toán lớp 10. Những bài vô địch toán thầy đầu giải được. Học sinh phục thầy lắm!

Thầy Hoàn dạy sinh vật lúc nào cũng có giáo cụ trực quan đầy đủ. Giọng Hà Nội của thầy như thôi miên học trò chúng tôi. Từ thời ấy chúng tôi đã thấy thầy luôn đọc sách nghiên cứu và thực hành. Thấy làm việc thức đến khuya ở nhà trọ. Thầy trồng bầu, bí, lai tạo giống mới. Quả bầu, quả bí rất to và nhiều đến mức đem phân phát bà con trong địa phương.

Sau măm 1967, thầy Hoàn đã được cử đi nghiên cứu sinh nước ngoài để làm luận án phó tiến sĩ. Thầy Xuyên còn ra Ngư Hoá với cấp 3 Lệ Thuỷ một năm nữa sau đó mới về Hà Nội dạy học. Từ đó đến nay tôi không hề gặp hai thầy và không biết hai thầy còn dạy học nữa không.

Sau một hồi quanh co tôi tìm ra được nhà số 6 ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tôi đến đây thì gặp anh Phạm Xuân Thâu, hai vợ chồng anh Định, anh Lệ, anh Đặng Quang Vinh, anh Đỗ Văn Đồng. Anh Lính một lúc sau mới đến, vì đường Tam Trinh có bên chỉ toàn số lẻ, có bên chỉ toàn số chẵn. Vì cùng khối, vì gần công việc nên tôi, anh Thâu, anh Vinh, anh Đồng thường xuyên gặp nhau, còn các anh khác tuy ở Hà Nội bốn năm, mươi năm nay như bây giờ mới gặp. Tuy vậy nghe nói học cấp 3 Lệ Thuỷ, Quảng Bình là thân nhau ngay. Người nào cũng đã ngoài 60 tuổi rồi.

Vào nhà thầy Xuyên, chúng tôi tặng hoa, tặng quà cho hai thầy nhân ngày 20 -11. Thầy trò bắt tay nhau thắm thiết. Ai cũng cảm động. 

Thầy Xuyên, thầy Hoàn vẫn còn giữ những nét xưa kia, mặc dầu đã ngoài thất tuần, tóc bạc, da mồi nhưng dáng dấp của hai thầy vẫn còn như trước. Tôi nhận ra hai thầy ngay. Thầy Hoàn hơi yếu nhưng thầy Xuyên thì giọng vẫn sang sảng. Bữa liên hoan thành buổi chuyện trò giữa thầy trò không dứt.

Chúng tôi hỏi: - Hai thầy đến dạy Lệ Thuỷ lúc đang trai ngoài tình cảm thầy trò, phụ huynh, bà con địa phương hai thầy còn tình cảm nào sâu đậm hơn nữa không?

Thầy Hoàn trả lời: - Tôi yêu mến tất cả các em học sinh trai cùng như học sinh gái với một tình yêu bao dung, cao thượng. Tôi thường có quan tâm thêm những em có hoàn cảnh khó khăn trong kinh tế và trong xã hội. Có em tôi bênh vực được, giải thích rõ cho địa phương để địa phương đừng vì lý lịch gia đình bố mẹ mà nặng nề với con em sau này, mà cho các em đi học kẻo uống phí tài năng cho đất nước. Tôi cũng lấy làm tiếc nhiều em học giỏi nhưng vì gia đình lý lịch có vấn đề mà không được học lên.
Anh Thâu cười nói: 
- Bọn em nghe đồn cô Tâm lớp 10 yêu thầy?
Lặng đi một lát, thầy Hoàn nói: 
- Công bằng mà nói thì sau khi đi khỏi Lệ Thuỷ tôi cũng để chút tơ vương thật. Tôi giữ tình ấy sau khi du học mấy năm ở nước ngoài về. Nhưng Tâm bảo phải đợi anh Liễu ở chiến trường ra đã mới quyết định.Tôi bảo, tôi không chia cắt tình cảm của ai cả, nếu thế thì tôi là người tự nguyện ra đi trước. Chuyện vậy các em ạ!
Còn thầy Xuyên thì cười ý nhị rồi nói: 
- Tôi vào Lệ Thuỷ tuyên bố là tôi có vợ rồi, tôi lấy một cô xã viên nông nghiệp. Nên tôi cũng như anh Hoàn là yêu thương tất cả học sinh với một tình yêu thánh thiện. Rồi thầy chỉ vào phu nhân của thầy: - Vợ tôi đó, xã viên hợp tác xã nông nghiệp Yên Sở, Thanh Trì (hồi đó Yên Sở đang thuộc huyện Thanh Trì) nhưng đến giờ vẫn rất xinh đẹp của độ tuổi cao niên.

Rồi thầy Xuyên kể tiếp: - Tôi tốt nghiệp đại học vì tính nói thẳng có vẻ như bất phục tùng mặc dầu bố tôi là tiểu đoàn phó Quân đội nhân dân Việt Nam thời chống Pháp nhưng trên vẫn bắt tôi lao động cải tạo hai năm ở đây. Hai năm làm tất cả mọi việc của nông phu. Tôi làm giỏi nên gặp vợ tôi.
Mọi người đều cười vui.
Tôi hỏi: 
- Thưa thầy, sau khi ở cấp 3 Lệ Thuỷ ra đi hai thầy đi đâu và làm những việc gì.
Thầy Xuyên trả lời trước:
- Tôi ra Ngư Hoá sơ tán cùng trường hai năm, sau đó năm 1970 về lại Lệ Thuỷ một năm nữa mới ra Hà Nội. Giải phóng miền Nam, vì ba tôi người trong đó nên tôi vào dạy Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nay là trường Đại học thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chỉ là giảng viên chính thôi nhưng được cái sinh viên rất thích những giờ giảng của tôi. Giờ tôi vẫn còn đứng lớp, giờ dạy vẫn nhiều như trước.

Thầy Hoàn kể: - Từ Lệ Thuỷ tôi được qua Đức làm nghiên cứu sinh, sau đó bảo vệ luận phó tiến sĩ. Về nước giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội một thời gian, lại đi làm tiếp tiến sĩ ở Đức. Bảo vệ thành công ở lại Đức giảng dạy một thời gian, về nước dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đi tiếp làm tiến sĩ khoa học, dạy ở Đức một thời gian, rồi về nước dạy học tiếp. Tổng cộng đi qua, đi về và công tác ở Đức độ 15 năm. Tôi coi đó là quê hương khoa học thứ hai của tôi! Giờ tôi về hưu được hai năm rồi.

Anh Đồng cho biết: - Được kết nạp Đảng tại trường cấp 3 Lệ Thuỷ năm lớp 10, du học Liên Xô, về công tác ở bộ Ngoại giao, du học tiếp bào vệ thành công phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và dạy học ở Học viện Ngoại giao. Giờ đã nghỉ hưu. Anh Lính, anh Lệ, vợ chồng anh Định, anh Vinh những năm giữa thập kĩ 60 đều du học nước ngoài. Về nước công tác ở các bộ, ngành hàm cấp Vụ trưởng , vụ phó họăc tương đương . Ai nấy đều đã nghỉ hưu.

Tôi cũng báo cáo cho hai thầy và các anh rõ:
- Học xong lớp 8 em nghỉ học một năm vì gia đình khó khăn. Năm 1966 học tiếp lớp 9, năm 1968 tốt nghiệp lớp 10. Về địa phương lao động một năm vì lý lịch gia đình có vấn đề. Lao động tốt năm sau, năm 1969 được đi học Cao đẳng Sư phạm Quảng bình, học khoa toán lý. Tốt nghiệp ra dạy cấp hai được một năm, năm 1971 nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975 chuyển ngành về làm báo chí. Năm 1985 ra Hà Nội học đại học Văn Hoá và ở lại thủ đô công tác luôn. Được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 Hiện là trưởng tiểu ban thơ tạp chí Nhà văn - Hội Nhà văn Việt Nam – Nhà thơ. Cấp 3 Lệ Thuỷ Quảng Bình thời đó có 5 Nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh, Trần Quang Đạo, Đỗ Hoàng.

Cả mấy thầy trò còn tâm tình nhiều chuyện nữa. Thầy Xuyên và Thầy Hoàn nói:
- Tôi và thầy Xuyên và nhiều thầy cô khác đã từng dạy ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình, chúng tôi rất tự hào về các em, học sinh Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Trong khói lửa chiến tranh như vậy mà các em vẫn học được và thành công. Đấy là phần thưởng cho chúng tôi trong suốt cuộc đời dạy học.

                                              Hà Nội ngày 16 – 11 – 2011


KHÓA ĐẦU TIÊN CỦA TRƯỜNG CẤP 3 LỆ THỦY - VÀI KỶ NIỆM SUỐT ĐỜI


Sắp đến ngày kỉ niệm 50 năm thành lập cấp III Lệ Thuỷ (1962 - 2012), xin giới thiệu bài viết của một cựu học sinh khoá 1. 

Mùa thu năm 1962, Trường Cấp 3 Lệ Thủy ra đời, chúng tôi may mắn là những học sinh đầu tiên của nhà trường.

Trước năm 1960 khoảng 50 năm, Trường Tiểu học Lệ Thủy thành lập ở Cổ Liễu. Sau đó, trong ác liệt của kháng chiến chống Pháp, từ vùng tự do Mĩ Đức ra đời trường Hoàng Hoa Thám, tiền thân Trường Cấp 2 Lệ Thủy. Đến mùa thu năm 1962 ấy, lịch sử giáo dục huyện nhà bước sang trang mới, có trường cấp 3, con em Lệ Thủy không phải đi học ở tỉnh khác, huyện khác nữa Từ đó trở đi, Trường Cấp 3 Lệ Thủy sẽ là nơi ươm mầm, là bệ phóng nhân tài cho huyện nhà.

Tôi may mắn đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn lớp 7 toàn tỉnh Quảng Bình năm học trước đó (1961-1962) nên là người duy nhất được lên thẳng, không phải dự kỳ thi tuyển vào Cấp 3 rất gian khổ. Kỳ thi năm ấy, toàn huyện có 86 học sinh đỗ vào khóa đầu Trường Cấp 3 Lệ Thủy. Rất tình cờ số học sinh trúng tuyển phân bố đều ở các xã. Đông nhất là những xã có truyền thống học hành như Phong- Lộc- Liên- Xuân- An- Sơn. Vì vậy, khi chia làm hai lớp, số học sinh hai bờ Kiến Giang tương đương nhau. Lớp 8A gồm hầu hết bên tả ngạn, lớp 8B của tôi bên hữu ngạn. Tất nhiên, các xã Tân - Dương - Hoa,…thì có điều chỉnh chút ít.

Trường nằm sát bờ Kiến Giang, gần cuối thôn Phan Xá, 50 năm nay vẫn dường như không xê dịch lắm, mỗi lần trở lại trường, chợt nhớ câu thơ của Trần Quang Đạo:

Ta như cánh diều
Hồn mãi buộc mái trường bên sông Kiến….

Lúc đầu, trường tiếp quản một cơ sở nào đó trong huyện, nên có sẵn một dãy nhà nền móng đá hộc khá cao, lợp ngói với 3 phòng học rộng. Năm đầu chỉ có hai lớp, nên một phòng dành cho Ban Giám hiệu. Sau đó ít lâu, trường làm thêm hai dãy nhà tranh hai bên, năm sau làm thêm dãy nhà tranh đằng sau vườn trường. Những dãy nhà tranh đó, cái thì để làm chỗ ăn ở cho các thầy, cái thì làm phòng học cho các em lớp sau, còn có cả lò rèn và xưởng mộc,…Mỗi lần ra chơi, tôi khoái cái bễ lò rèn phì phụt và sợ nhất mỗi lần mùa lũ lụt ngập trường xong, lại lổm nhổm gánh rơm rạ đến trường nhào bùn trát lại cả dãy phên đất cho phòng học!

Ấn tượng mạnh mẽ và khắc ghi dấu ấn suốt đời tôi là sáu thầy giáo năm đầu tiên, tất cả đều không phải là người Lệ Thủy. 

Thầy Hiệu trưởng Vũ Xuân Dương rất thông thái, đẹp trai, hào hoa, phong nhã, nên cả những lúc nghiêm khắc nhất, nghiêm túc nhất cũng không làm chúng tôi e sợ. Thầy là dân văn chương, nhưng làm Hiệu trưởng một trường huyện chỉ có 2 lớp nên phải dạy thêm môn Địa, dĩ nhiên là dạy kiểu ga-lăng, các địa danh dài dằng dặc được Thầy nói chệch bằng các từ nghịch ngợm (chẳng hạn núi Acôngcagoa Thầy đổi là Ai-cũng-có-gà) cho dễ nhớ, làm bọn tôi khoái lắm! 

Thầy Lê Công Mục dạy Văn, một mẫu mực của kết hợp sự toàn vẹn trong hệ thống kiến thức và sự phóng túng cho tư duy học trò: nhờ phương pháp tuyệt vời ấy mà hơn một nửa học sinh lớp tôi trở thành “nhà văn, nhà thơ” trên báo tường của lớp. Phương Hà (Trần Phước Thăng) dạo đó có mấy chục bài thơ rất được. Hoàng Mạnh Tường lúc lớp 9 đã viết báo trung ương, mỗi lần nhận nhuận bút từ Hà Nội gửi vào, đều đãi tôi tô “Phở Mụ Dạ” (mẹ Lâm Thị Mỹ Dạ bán phở bến xe huyện). Riêng tôi, sau này vào Khoa Toán Đại học Sư phạm rồi 26 năm làm lính chiến trong quân đội thế mà có lẽ nặng duyên nghiệp với Thầy Mục nên cuối cùng lại làm Tổng Biên tập một Tạp chí của Đảng. Làm nghề Tuyên huấn, nghĩa là kiếm cơm nuôi vợ con nhờ vào cái vốn văn chương Thầy dạy cho từ thời Cấp 3 Lệ Thủy! 

Thầy Nguyễn Công Tâm - công tử Thành Vinh điển trai lắm, mắt sáng môi hồng như thiếu nữ, đã truyền cho chúng tôi vẻ đẹp trọn vẹn của Toán học, không chỉ là ở cái cân đối, chính xác, bất ngờ, toàn mỹ của mỗi bài toán Thầy say sưa giải, mà còn ở sự trình bày. Mỗi bài giảng trên bảng của Thầy như một bức họa, chữ viết và hình vẽ tuyệt đẹp, riêng hình tròn Thầy chỉ luôn vẽ bằng tay mà tròn như quay com-pa! Cũng như Thầy Mục dạy Văn năm đầu phải kiêm thêm môn Sử, Thầy Tâm dĩ nhiên ngoài Toán phải dạy kiêm thêm môn Vật lý.

Thầy Nguyễn Tấn Ngữ dạy Trung văn, dân Hà Nội gốc, lại được đào tạo từ Đại học Bắc Kinh- Trung Quốc. Thật là một may mắn lớn cho học sinh Lệ Thủy khi học ngoại ngữ với ông Thầy “xịn” như vậy. Cách dạy của Thầy đem đến hiệu quả nhanh chóng và rất cơ bản, lâu dài với chúng tôi. Sự thật này nói ra bây giờ ít người tin, dân nhà quê bọn tôi học ngoại ngữ 2 tiết mỗi tuần thế mà đến giữa năm lớp 9, Thầy đã rèn học trò bằng cách bắt chúng tôi tự làm báo tiếng Trung Quốc! Báo ra hàng tuần, lấy tên “Hồng tinh Tuần báo” (Húng xing châu pao - Tuần báo Sao Đỏ), viết bằng phấn trên hai bảng đen to tướng kê liền nhau ở góc sân trường. Tôi được Thầy giao lập Ban Biên tập, ngoài tôi còn có Hoàng Mạnh Tường và Lê Thanh Đản văn hay và chữ tốt (Tường viết chữ chân, còn Đản viết chữ thảo).

Thầy Ngô Mạnh Quát, người cao lớn phương phi phong độ, chắc là “cán bộ to ở cấp nào đó” (bọn tôi kháo nhau thế) về trường dạy Chính trị. Mãi về sau mới biết bọn ranh quê chúng tôi đoán đúng phóc: Cụ là đảng viên duy nhất được giao về dạy dỗ chúng tôi. Phải nói thật là ngay từ đầu, Cụ đã gieo vào tâm hồn trong trắng chúng tôi một loạt khái niệm mơ hồ và dữ dội của triết học mácxít, khiến cho tôi đúng 20 năm sau, khi được Quân đội cử đi học lớp nghiên cứu sinh Triết học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nghe ông thầy nào ở Trường Đảng giảng bài cũng lại nhớ đến Thầy Quát. Tôi sợ nhất cái món “Sổ tu dưỡng hàng tuần” của Thầy Quát. Chẳng phải vì tôi hay nghịch ngợm, mà vì tôi thực sự rất lúng túng mỗi khi bị buộc phải chia con người mình ra hai phần ưu điểm và khuyết điểm.

Thầy Nguyễn Bảo Hoàn là giáo viên Chủ nhiệm lớp 8B chúng tôi. Thầy là người để lại tình cảm sâu đậm nhất trong tôi và rất nhiều anh chị em dăm bảy thế hệ học sinh đầu tiên của Trường Cấp 3 Lệ Thủy. Thầy quê ở đất quan họ Bắc Ninh, rất đẹp trai, hào hoa và dễ thương dễ mến (mấy chị lớp tôi và nghe nói nhiều em khóa sau nữa đều thầm yêu trộm nhớ Thầy!). Thầy dạy Sinh vật, nhưng phải kiêm thêm môn Hóa trong năm đầu. Kiến thức của Thầy rất rộng, các vấn đề được Thầy dẫn giải sắc sảo, dễ hiểu và gợi mở. Chẳng thế mà sau nhiều năm dạy ở Cấp 3 Lệ Thủy, ra tu nghiệp ở Đại học Sư phạm Hà Nội là Thầy được giữ lại luôn làm cán bộ giảng dạy. Rồi từ Đại học Sư phạm Hà Nội sang tu nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức, Thầy được mời ở lại dạy bên Đức cho đến tuổi hưu mới về nước. Thầy là mẫu mực cho tôi sau này noi theo phong cách gắn bó giữa học và hành, giữa trí nhớ và tư duy lôgic, giữa công việc và tình cảm! Thầy say sưa cùng chúng tôi làm thí nghiệm, say sưa cùng chúng tôi lao động. Những đêm trồng sắn tự túc trên Mĩ Đức, những ngày đào hào đắp lũy khi giặc Mỹ bắt đầu bắn phá thầy trò bên nhau. Thầy say sưa hát và dạy lớp chúng tôi nhiều bài hát. Đến giờ tôi vẫn còn thuộc cả lời tiếng Nga của bài “Tuổi trẻ sôi nổi”. Thầy dạy lúc chúng tôi chưa biết tiếng Nga mới tài chứ! Thầy rất thương học trò, nhà tôi nghèo, chỉ một mình mẹ tôi lao động, từ lớp 8 tôi đã phải nhận chân phụ chạy máy bơm nước buổi chiều cho Hợp tác xã để kiếm chút công điểm. Mẹ tôi phải lên tận trường xin và may sao, Thầy thương tình miễn cho tôi suất lao động các chiều thứ Năm ở trường.

Hai lớp đầu tiên, 8A và 8B của Trường Cấp 3 Lệ Thuỷ mới đáng nhớ đáng yêu làm sao! Mới đó mà đã 50 năm, trong số học sinh ít ỏi ấy đã có gần hai chục bạn qua đời, trong đó sớm nhất là 2 liệt sỹ Nguyễn Văn Ấm- 8A và Ngô Đức Lắc- 8B.

Học sinh khoá đầu tiên có một điểm khác hẳn với tất cả các khoá sau đó là sự không đều về tuổi tác. Vì học sinh khoá này học lớp 1 từ năm 1955, đó là năm học đầu tiên sau chiến tranh. Thời kháng chiến chống Pháp, Lệ Thuỷ quê mình bị giặc chiếm đóng một nửa phía biển, nửa còn lại bị đạn bom, càn quét liên miên nên trẻ con hầu hết thất học. Tôi ở vùng địch tạm chiếm, học tiểu học ở Thượng Phong, 7 tuổi mặc quần xẻ đũng thủng đít hát quốc ca nguỵ quyền “Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…”. Có hôm, đang gào quốc ca có thằng bạn đằng trước đau bụng ỉa đùn ra quần, thối hoăng. Vào học lớp 1 năm đó nhiều anh chị hơn tôi dăm bảy tuổi. Vì vậy, Khoá I có những anh chị sinh năm 1940,1941, bọn tôi nhóc con sinh năm 1947,1948.

Các anh lớp trưởng, bí thư Đoàn đều lớn tuổi, ăn mặc chững chạc, nói năng lúc nào cũng nghiêm trọng. Các chị em đều đoan trang, chỉnh chu chứ không tào lao bắng nhắng như phần đông bọn con trai chúng tôi. Bên lớp 8A có hai cán bộ là anh Đăng và anh Đờ: trong khi bọn tôi phấn đấu mãi mà suốt ba năm học cấp 3 không thể vào Đoàn, thì anh Đăng đã là Đảng viên lúc nào không biết! Bên 8B chúng tôi, hai thủ lĩnh trông hiền hơn là anh Rý và anh Khung. Gọi là Khung râu, vì trong lúc chúng tôi vẫn nhẵn nhụi trên dưới thì anh Khung đã sở hữu một bộ râu quai nón, dù anh thường xuyên cạo nhưng cái dấu vết nam nhi oai vệ vẫn hằn xanh hai bên má. 

Nhiều tấm gương vượt khó học tập làm chúng tôi rất cảm phục. Thiệp ngồi cạnh tôi nhà nghèo lắm, trong lớp nhiều anh chị có bút máy, tôi chỉ có bút chấm mực, nhưng Thiệp còn tệ hơn, phải vót que tre chấm mực thay bút. Hắn với tôi bàn nhau đập sứt đầu lọ mực rồi đặt vào hẻm tường, để vừa đỡ mất công mang theo, vừa không bị ăn cắp. Nhiều bạn ở xa trường 9, 10 km phải đi bộ vất vả. Đặng Quang Vinh cụt một chân, chống nạng 5km từ nhà đến trường, suốt 3 năm lội mưa gió, lụt bão, không bỏ học buổi nào. Sau này Vinh ra Hà Nội học liền mấy bằng Đại học, làm Trưởng Ban Biên tập Nhà Xuất bản Thanh Niên, vợ con, cháu ngoại, nhà cửa đề huề, là niềm tự hào của bạn bè cùng lớp. Nhiều bạn quá xa ở Sơn Thuỷ, Hoa Thuỷ, Hồng Thuỷ,…phải tìm chỗ trọ ở làng Phan Xá trong điều kiện gạo cơm, thức ăn thiếu thốn. Anh Thịnh ở Sơn Thuỷ, sau này tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp về quê rồi làm cán bộ lãnh đạo to, ấm no, oai vệ ở huyện, nhưng thời học sinh rất gian khổ. Có câu chuyện rằng, mỗi tuần Thịnh chỉ có đúng 3 lon gạo, một hôm vớ được một con chim ắc-là gãy chân ngoài ruộng, Thịnh phải chia gạo ra nấu cháo mà húp cầm hơi, mà học suốt tuần. Một con ắc-là, ba lon gạo cháo trở nên thành ngữ của khoá tôi, để nói cái cảnh học trò thuở ấy! 

Tôi chơi thân với các anh hơn tôi 6,7 tuổi trong lớp là anh Điền ở Thượng Phong, anh Đồng đen ở Xuân Hồi, anh San ở Cổ Liễu, thì nay các anh đều đã mất vì bạo bệnh! Dĩ nhiên, thân thiết nhất là đám bạn “nối khố” gần tuổi nhau, cùng làng, cùng lớp. Ngay từ lúc cùng ngồi ghế cấp 1 Phong Thuỷ, cấp 2 rồi cấp 3 Lệ Thuỷ, mỗi người một vẻ, nhưng dấu ấn bạn bè để lại không bao giờ tàn phai.

Nguyễn Tuệ học suốt 10 năm phổ thông với tôi, thông minh và cương trực, là người có học vị Tiến sỹ đầu tiên của Lệ Thuỷ trong thời hiện đại, bảo vệ tại Ba Lan rồi dạy Toán ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Angiêri, Pháp,….Chị Sáu và cô em họ Trang của tôi là những nữ sinh rất thông minh, nhiều lúc bí bài, lười học, tôi phải nhờ sự trợ giúp của hai vị này. Chị Sáu vì lý lịch gia đình mà không được đi học Đại học, nay chị và em đều đã ra người thiên cổ. Trong lớp tôi chơi thân với Hoàng Mạnh Tường vì hắn quý tôi, nhà hắn vào loại khá giả. Tường có ông chú là nhà thơ- nhạc sỹ Hoàng Đình Luyện, một nhân sỹ trí thức bị quy kết vào “nhóm Nhân văn – Giai phẩm chống Đảng”, nên từ ngoài Bắc buộc phải về quê sinh sống, đem theo một kho sách cả huyện Lệ Thuỷ nằm mơ cũng không thấy. Nhờ đấy mà hai thằng tôi cứ như hai chú chuột gặm dần kho sách ấy. Lớp có một vài bạn học sinh con cán bộ quê miền Nam, như Thăng, Khánh, Tùng, Diệu Thư,…được bạn bè, bà con rất thương mến. Diệu Thư, đúng như tên của nàng, là học sinh giỏi Văn nhất trường. Trần Phước Thăng có năng khiếu văn chương, lúc học Cấp 3 Lệ Thủy là cây Thơ chủ lực của Báo tường lớp tôi, có tuần đăng vài bài, bút danh là Phương Hà. Sau này thành nhà báo nổi tiếng của Báo Đại Đoàn Kết, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thăng và Hoàng Đại Cử đều là bạn tôi. Trong lúc Hoàng Mạnh Tường và tôi hơi tếu táo, thì Thăng và Cử thành một cặp khá nghiêm chỉnh, hơi hàn lâm và đạo mạo. Tôi và Tường làm vài bài thơ đăng trên báo tường của lớp trêu đùa mỉa mai cái vẻ đó của hai bạn, không ngờ lập tức bị Thăng- Cử phản công lại dữ dội, tất nhiên cũng bằng thơ! Thế là một cuộc đại chiến bằng văn thơ kéo dài gần 3 tháng trời trên báo tường của lớp, lôi kéo nhiều thành viên chia thành “hai phe”. Tôi làm 3 bài thơ kiểu Tú Xương, lấy nhan đề là “Ngẫu hứng” (1, 2, 3), nên vụ này về sau gọi là “Vụ Ngẫu hứng” với hồ sơ của Ban Giám hiệu gồm gần 50 bài văn thơ kiểu đó. Thầy Chủ nhiệm Nguyễn Bảo Hoàn và nhà trường không ngờ sự việc đi quá xa, quá đà gây xáo trộn trong lớp, nên ra tay dẹp loạn. Kết quả là tôi bị phê bình trước toàn trường. Còn Tường, cộng thêm tội viết bài chọc ngoáy đăng Báo Người Giáo viên nhân dân nên bị nặng hơn - cảnh cáo ghi học bạ. Vì cái tội này, nên khi sắp tốt nghiệp phổ thông, nghe tôi ghi nguyện vọng đại học vào Khoa Văn, ba tôi tức tốc từ Đồng Hới về, cùng với hai ông bạn là Thầy Phan Hiến ở Đại Phong và Thầy Nẫm ở Quy Hậu thuyết phục tôi chuyển sang Khoa Toán. Tôi nhớ Thầy Nẫm còn giải thích thế phong thủy, sông núi của huyện nhà, rồi hùng hồn kết luận: “Đất Lệ Thủy quê miềng, đứa mô theo nghiệp văn chương báo chí, trước sau rồi cũng nghịch cả! Mi mới thiếu niên mà đã ngẫu hứng, ngẫu hiếc, sau này còn loạn đến đâu! Thôi đừng văn chương, thơ phú chi nữa mà cực cả đời nghe con!”. Tôi đã nghe theo chỉ giáo của các bậc phụ huynh! Về sau, khi nghe tôi làm Trưởng Phòng Tuyên huấn Tổng cục Kỹ thuật của Quân đội, rồi chuyển sang Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương làm Vụ trưởng, Vụ phó chi chi đó, Ba tôi lo lắm, ông sợ cái nghiệp chướng năm nào lại quàng vào cổ tôi.

Nhưng tôi đâu ngờ kết thúc cuộc đời học sinh Cấp 3 Lệ Thủy năm ấy lại đắng cay với rất nhiều người! Không phải vì đây là năm học đầu tiên bị Mỹ giội bom, phải thi tốt nghiệp phổ thông dưới hầm hào mà vì đây là năm học đầu tiên học sinh không thi, chỉ cử tuyển vào Đại học. Ai lý lịch tốt nhất thì đi học nước ngoài, ai tốt vừa vừa thì học trong nước, cứ theo câu “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Sư Phạm bỏ qua, Nông Lâm gác xó,….” mà phân phối. Còn ai lý lịch có vấn đề, nhẹ thì ưu tiên cho đi Sư phạm cấp tốc 10+1, 10+2 (1,2 tháng), nặng thì ở nhà cải tạo lao động trên ruộng đồng. Cũng như nhiều làng quê khác của Lệ Thủy, làng Thượng Phong chúng tôi là một làng thuần nông văn hiến đạo đức, ông bà cha mẹ chúng tôi đều hiền lành tử tế. Chính quyền xã bấy giờ, với tinh thần cảnh giác cách mạng vẫn phát hiện ra được vô số gia đình có vấn đề khả nghi về lý lịch. Làng tôi năm ấy có 8 bạn học cùng lớp, trừ Võ Văn Thanh nhập ngũ năm lớp 10, còn lại đều “có vấn đề”. Tuệ cũng là phần tử chậm tiến, chưa phải Đoàn viên, gốc gác khá giả, may sao bố Tuệ là sỹ quan quân y, bác ruột là ông Duật đương chức Thường vụ Tỉnh ủy, nên hắn thoát hiểm, được vào Đại học trong nước. Chị Sáu “đứt” ngay từ đầu, vì là “con phần tử có nợ máu với cách mạng”. Điền, Thịnh, Nghênh, Đản và tôi bị loại khỏi danh sách vào Đại học vì cả 5 đứa đều thuộc diện “lý lịch có vấn đề”. Thực ra các cụ hai dòng nội ngoại nhà tôi đều có ăn lộc Triều Nguyễn nhưng đã mấy đời trước rồi, bây giờ chỉ còn sót lại cái gia phong, chứ trống trơn của cải. Ông cậu ruột của tôi làm ăn từ trước Cách mạng, năm 1945 ở Sài Gòn, nhưng đó là một vấn đề nghiêm trọng về lý lịch, vì “rất có thể Cậu mi đã theo địch” như lời giải thích suy luận hùng hồn của ông bác họ làm Trưởng Công an xã Phong Thủy.

Mùa hè năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi ngậm ngùi nhìn nhiều bạn lần lượt lên đường ra nước ngoài, ra Hà Nội học Đại học. Tôi trở lại với chiếc máy bơm nước quen thuộc của Hợp tác xã, trong tay bây giờ thay cây bút là một khẩu súng trường trực chiến mà dân quân xóm phát cho. Một năm trời âm thầm, bền bỉ sản xuất - chiến đấu, tôi được xã bầu cho cái danh hiệu “xã viên hai giỏi”. Có lẽ vì làm bạn với chiếc phà máy bơm BAMO, nên tôi không va chạm, không làm mất lòng ai. Tuy lý lịch phải mất 18 năm sau nữa mới được nâng hạng để kết nạp Đảng, nhưng chỉ 1 năm sau, tôi được xã chiếu cố nên được gọi vào Khoa Toán Đại học Sư phạm. 

Từ đó đến nay, bao nhiêu may rủi của cuộc chiến tranh, bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống đã in dấu đời tôi. Tôi thầm cám ơn số phận đã dành cho mình những năm tháng là học sinh khóa đầu tiên của Trường Cấp 3 Lệ Thủy, mái trường thân yêu, bệ phóng vững chắc của suốt cuộc đời!

                                                    PHẠM XUÂN THÂU

NGÔ ĐÌNH DIỆM - MỘT NGƯỜI LỆ THUỶ ĐI SAI ĐƯỜNG


Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình quan lại theo đạo Công giáoViệt Nam, tên thánh của ông là Jean Baptiste (Gioan Baotixita).

Mẹ của ông là Phạm Thị Thân, còn cha ông là Ngô Đình Khả, quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cụ Ngô Đình Khả từng làm Thượng thư triều đình Huế kiêm Phụ đạo Đại thần và cũng là cố vấn của vua Thành Thái, từng nổi tiếng ở kinh đô với câu “ Phế Vua không Khả, đào mả không Bài ” ( Bài là Thượng thư Bộ Công Nguyễn Hữu Bài ). Ngô Đình Diệm là người con thứ tư trong gia đình với một bà chị và hai người anh đầu là Ngô Đình KhôiNgô Đình Thục. Ngô Đình Khôi là cựu Tổng đốc Quảng Nam, chết sau Cách mạng tháng Tám 1945. Linh mục Ngô Đình Thục là người Việt Nam đầu tiên làm Tổng Giám mục Giáo phận Huế năm 1960; sau này lưu vong giữ chức Bộ trưởng trong Giáo triều Vaticăng, nhưng mấy lần phạm luật thánh bị Giáo hoàng rút phép thông công, cuối cùng chết ở Mỹ. Ngô Đình Diệm còn năm người em là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Thị Hiệp và Ngô Thị Giáo - mẹ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

Trong cuộc đời chính khách của mình, Ngô Đình Diệm là người không lập gia đình, không cưới vợ và sinh con. Từ lúc còn nhỏ, ông được Nguyễn Hữu Bài - quan phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ. Từ năm 15 tuổi, ông vào học trường dòng với dự định sau này làm tu sĩ, nhưng không chịu nổi kỷ luật khắt khe trong trường dòng, ông đã bỏ trường dòng ra xin học vào trường Pellerin Huế. Từ năm 1919 ông ra Hà Nội học trường Hậu bổ (trường Hành chính) và tốt nghiệp năm 1921.

Làm quan triều Nguyễn: năm 1921, nhận chức tri huyện Hương Trà, sau đó là Hương Thủy, Quảng Điền, Hải Lăng, thăng dần lên quản đạo Ninh Thuận, Tuần vũ tỉnh Bình Thuận. Năm 1933, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại, là vị thượng thư trẻ tuổi nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ. Vì không được Pháp chấp nhận một số đề nghị cải cách, ông từ chức ngày 12/07/1933. Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát và lính khố xanh bản xứ; từ 1941 đến 1945 lại liên lạc và muốn dựa vào Nhật.

Với lý lịch như vậy, sau Cách mạng tháng Tám, ông bị Việt Minh bắt ở Tuy Hoà - Phú Yên, bị đem ra Bắc và giam giữ tại tỉnh miền núi Tuyên Quang nhưng được trả tự do ngay vào năm 1946. Trong lúc toàn dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống Pháp, ông lại sai lầm khi muốn dựa vào Mỹ. Năm 1950, ông theo anh là giám mục Ngô Đình Thục đi Vatican, rồi sau đó sang Mỹ, phần lớn lưu trú tại các trường dòng, gặp Hồng y Spellman, người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của ông sau này. Nhờ sự giới thiệu của Spellman và một vài nhân vật cấp cao của CIA, Ngô Đình Diệm vào ở ẩn trong các chủng viện lớn như Maryknall, Lakewood rồi vào trường đại học Michigan tham gia một số khóa huấn luyện. Sau hiệp định Genève, ông được Bảo Đại (Quốc trưởng của chính quyền bù nhìn )bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày 16 tháng 6 năm 1954. Dựa vào Mỹ, ông tổ chức cuộc “ trưng cầu dân ý”, Bảo Đại bị phế truất. Ông được bầu làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà vào ngày 23 tháng 10 năm 1955. Sau khi lên làm Tổng thống, ông giữ mọi quyền cai quản đất nước với người em Ngô Đình Nhu làm cố vấn, dùng mọi biện pháp thiết lập một chế độ cực quyền gia đình trị, loại trừ mạnh mẽ sự đối lập chính trị ở miền Nam, kể cả đàn áp Phật giáo và triệt để chống cộng sản.

Cùng với việc chống Cộng sản không đạt được kết quả và không ổn định được xã hội, sự mâu thuẫn tôn giáo được xem là nguyên nhân dẫn tới việc mất uy tín trầm trọng của ông và chính quyền ông trước Hoa Kỳ. Sự kiện Phật Đản 1963 xảy ra là giọt nước tràn ly dẫn tới chính phủ Kennedy bỏ rơi Ngô Đình Diệm và khuyến khích đảo chính để lật đổ chế độ độc tài đã đưa miền Nam đến tình trạng hỗn loạn. Cuộc đảo chính diễn ra ngày 01 tháng 11 năm 1963, lực lượng đảo chính đã chiếm Dinh Tổng thống, ông và Ngô Đình Nhu trốn ra khỏi Dinh, lánh nạn tại nhà thờ Cha Tam, trên đường bị chở về Bộ Tổng tham mưu, ông và Ngô Đình Nhu bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính bắn chết (Có nhiều tài liệu cho rằng Đại úy Nguyễn Văn Nhung theo lệnh của Tướng Dương Văn Minh sát hại và đến nay nguyên nhân vụ ám sát này vẫn chưa rõ là do tư thù hay do lệnh của Hoa Kỳ). Hai ông được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau này nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi di dời về nghĩa trang Lái Thiêu (nghĩa trang nhân dân số 6B) ngày nay. Mộ hai ông được đề đích danh, nằm hai bên mộ thân mẫu, bà Phạm Thị Thân, ngoài ra, mộ ông Ngô Đình Cẩn cũng được dời về gần đó. 

Đánh giá nhân vật Ngô Đình Diệm

Cuộc đời chính trị sai lầm theo chân ngoại bang của Ngô Đình Diệm trong lịch sử bi tráng, hào hùng đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đã quá rõ ràng. Nhưng rất tiếc là một số người Việt Nam, một số người đồng hương, kể cả một số học giả có những ngộ nhận khi đánh giá ông. Có người đồng nhất tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước; thậm chí có người lập luận “Ông Diệm có cách yêu nước riêng của ông ấy!”. Lịch sử Việt Nam luôn chứng tỏ rằng, một người yêu nước phải là người biết dựa vào sức mạnh quần chúng nhân dân, biết đưa dân tộc đi theo trào lưu tiến bộ nhất của thế giới đương đại. Trong thế kỷ XX, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những người cộng sản Việt Nam chân chính là những con người như vậy.

Ngô Đình Diệm sai lầm khi ông hết dựa vào Pháp, rồi vào Nhật, vào Mĩ. Trong bài diễn văn đáp từ Tổng thống Mĩ Lyndon Johnson, Ngô Đình Diệm nói “ Biên giới của thế giới tự do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải”. Tướng Cao Văn Viên, một cộng sự thân tín của Ngô Đình Diệm, trong một cuộc phỏng vấn lúc cuối đời, đã nhận xét về Ngô Đình Diệm: " Ông Ngô Đình Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình “ thiên mạng” cứu nước. Tổng thống Diệm tự hào về gia tộc, tự đại về gia đình, thích độc thoại, không chấp nhận dễ dàng sự chỉ trích. Ông chủ trương “ tiết trực tâm hư” nhưng bị ảnh hưởng nặng của gia đình. Tổng thống Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc,...”

Có ý kiến cho rằng Ngô Đình Diệm đã bỏ lỡ cơ hội thống nhất đất nước khi từ chối hiệp thương, không tiến hành tổng tuyển cử và giết hại rất nhiều người thân cộng sản. Nhà nghiên cứu Mĩ Richard J. Barnet nhận xét: “ Điều quan tâm chính của chính quyền Diệm là sự an toàn của chính quyền họ. Chính quyền Diệm sợ rằng cuộc bầu cử dự định tổ chức vào tháng 7/ 1956 đưa đến sự thắng lợi của Hồ Chí Minh và chấm dứt quyền lực của những chính trị gia không Cộng sản” .

Một số người cho rằng Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc. Song nhà nghiên cứu Mĩ Dennis Bloodworth (1970) nhận xét rằng: "Cho tới năm 1963, mật vụ của Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những kẻ thù hầu như mọi người quốc gia Việt Nam có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước. Ông ta và gia đình mình đã đàn áp mọi đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực." 

                                                 PHẠM XUÂN THÂU