TIẾNG CHIM CU GÁY

Ngọc Tuân


Đã có lần tôi viết trong bài “Ngũ quỷ” gửi cho mục “viết về Lệ Thủy thân yêu” về những kỉ niệm tuổi thơ. Trong đó, tôi có kể với các bạn câu chuyện về tài nghệ bẫy chim của thằng Diên. Khi tôi xa quê, thằng Diên có tặng tôi một con Cu Gáy. Ngày ở Đồng Hới, tôi nâng niu con Cu Gáy như nâng trứng. Tiếng gáy của nó như đóng đinh vào trí nhớ của tôi bức tranh quê với lũy tre, với nắng hè chói chang, hai đứa nằm dưới bóng râm mát, cành tre sum suê lá xanh la đà theo gió. Tre cọ mình vào nhau kẽo kẹt, kẽo kẹt. Gió từ đồng thổi vào thỉnh thoảng mang theo tiếng chim cu gáy quyện trong hương thơm lúa chín.

Trưa nay, giữa cái nắng đầu hè Hà Nội, bỗng nghe tiếng chim cu gáy gù lên đùng đục rồi nó bổ liên tục “cúc cu cu – cù”, choàng tỉnh giấc trưa, lãng du theo tiếng gáy của nó về tận tuổi thơ. Nhớ như in hôm đó giữa trưa hè, thằng Diên xách cái lồng chim mồi đến rủ tôi đi bẫy chim. Gọi là chim mồi vì đó là con chim nhử để bẩy con khác. Chim cu gáy thường sống thành đôi, một trống một mái rất chung thủy với nhau. Mặc dầu khi đi ăn chúng tụ thành đàn, nhưng từng đôi vẫn quấn quýt lấy nhau. Trong đàn thường có một con trống đẹp mã làm “đầu đàn”. Nó có hình dáng đẹp đẽ, bước đi oai vệ, tiếng hót rất hay. Khi lãnh thổ bị con chim lạ “xâm lăng”, cuộc chiến sẽ xảy ra. Ban đầu là cuộc “đấu khẩu” bằng những tiếng gù, miếng xòe, lượn vòng. Sau đó là trận thư hùng bằng chân, bằng cánh ác liệt. Lợi dụng đặc tính này, người ta nuôi gột một con chim mồi có tiếng hót rất gây sự. Chim mồi được đứng trong chiếc lồng có hai cánh lưới hai bên, dương lên như cánh chuồn chuồn. Lẫy của nó là một cành cây chìa ra cạnh chuồng, dưới cái lưới. Nếu con chim đầu đàn xông đến đánh đuổi kẻ thù, đậu xuống chiếc cành là lưới sập.

Hôm đó, tôi bỏ luôn bài tập, chuồn qua lối bờ cây chè tàu, theo thằng Diên sang đồng Bể. Ở đó, vụ hè, đồng bãi người ta gieo vừng, trồng lạc. Lũ chim cu gáy thường tụ về đào bới kiếm ăn. Chúng sà xuống từng đàn, đậu trên tán cây duối, trên cành tre. Khi đã no nê, bản đồng ca cúc cù cu rền vang. Thằng Diên dẫn tôi men theo bờ tre, chọn một bụi tre to, bóng mát để ngồi rồi nó đem chiếc lồng chim mồi treo lên vòm cây duối mà hắn gọi là nhánh thế. Hắn giải thích với tôi rằng nhánh thế được chọn phải là vừa tầm, không cao lắm, lại có chỗ để chim hoang giả có được chỗ đậu thoải mái mà gáy đấu với chim mồi. Khi đã say máu, nó sẽ lân la đến gần chim mồi, nhảy lên đậu vào chiếc cành lẫy. Vậy là xong. Có hôm, không dùng lồng bẫy thì dương lưới dưới đất, buộc chân con chim mồi vào một chiếc cọc dưới chiếc lưới. Chim mồi đi lui, đi tới gáy theo tín hiệu lệnh của chủ nhân để gây sự.

Xong việc, thằng Diên trở về cạnh tôi, hắn thong thả ngồi bệt xuống đám cỏ, mồm cắn một cọng tre hắn nói với tôi. Nằm xuống đi, cứ thong thả mà hóng mát, chờ khi bẫy sập thì đi thu lưới với tao. Dưới bóng mát của rặng tre chiều hè, gió từ đồng thổi vào mơn man, tôi với nó khoan khoái ngửa mặt lên trời, hai tay đan lại gối đầu, nhìn đám lá lay bay, lay bay đu mình theo gió. Ngoài kia, con chim mồi đã cất tiếng gù và gáy âm âm loang cả trưa hè: cúc cù cu – cu, cúc cù cu – cu. Thằng Diên say sưa thuyết giảng cho tôi về chim cu gáy. Nó lôi ra cả một kho kiến thức làm tôi mê tít. Nó nói: mày biết không, để chọn được một con cu gáy làm chim mồi là một kỳ công. Đầu tiên, phải đánh cho được con chim hoang giã đem về nuôi cho quen bóng người, không còn sợ sệt rồi huấn luyện cho nó gáy theo hiệu lệnh. Con chim mồi là phải gáy hay, gáy càng hay càng được việc khi đi bẫy chim hoang. Hình như lũ chim cũng ganh ghét nhau từ tiếng gáy. Một con chim có thứ hạng phải là con biết gáy đủ ba thứ tiếng: gáy gù, gáy gọi, gáy trận.

Gáy gù thường được trổ tài khi chim trống gù mái hoặc khi lâm trận đánh nhau. Thông thường, tiếng gù của chúng có âm “cù … grù”. Nhưng cũng có con ngắt thành hai nhịp trong cùng một hơi gù: “cù grù cù”. Gù kiểu ấy gọi là gù chồng đấu. Chim hay là chim có nước gù cao, kéo dài. Thông thường chim chỉ gù khoảng 8 tiếng liên tục. Chim hay có nước gù đến 12, 13 tiếng. Chim có nước gù 19, 20 tiếng là chim hiếm.

Gáy gọi thường được cất lên lúc sang sớm, trưa hoặc chiều. Tất cả chim cu trống, chim cu mái đều gáy giọng gáy bổ này. Cách bổ của chúng thường có bốn liều, bổ trơn (cúc cù cu), bổ một (cúc cù cu .. cù), bổ hai (cúc cù cu ..cu cu), bổ ba (cúc cù cu.. cu cu cu). Quý nhất là con gáy bổ ba. Các cụ ví là “kim bất hoán”, nghĩa là vàng không đổi được.

Gáy trận là tiếng gáy mà các nghệ nhân sành chơi chim dùng để đánh giá con chim hay, dở. Đặc biệt lối gáy trận thường chỉ có ở chim trống. Khi gáy trận, nó nằm xuống sàn lồng, đầu chúc hẳn xuống, hơi xòe cánh, máy nhẹ xuống sàn rồi cất tiếng: cúc cù cu, cúc cù cu liên tục, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Người ta gọi kiểu gáy này là “sà đầu, máy cánh”.

Muốn cảm nhận được một tiếng chim cu gáy cho chính xác là cả một nghệ thuật. Những ai thấu hiểu được điều này sẻ rất thú vị khi thưởng thức tiếng chim cu gáy. Âm thanh tiếng gáy được chia làm hai loại. Đó là âm “gáy thổ”, giọng trầm ấm. Và âm “gáy còi”, giọng thanh cao. Thường con chim gáy giọng thổ bao giờ cũng chậm rãi, còn gáy còi thì nhanh và có tiếng dật. Đôi khi, để kiếm được con chim mồi có giọng hay, người ta phải tuyển trong vài trăm con mới được một. Vì vậy, giá trị một con chim mồi hay có thể đến vài chỉ vàng. Theo kinh nghiệm, những con được bẫy từ tự nhiên, nuôi, gột chi ly thì tiếng gáy hay hơn những con được nuôi từ khi còn non.

Chọn con chim để nuôi cũng phải kỳ công. Hình thức phải đẹp, thân hình cân đối, dáng như cái bắp chuối, ức nở, chót đuôi thu thon lại. Lông sáng màu, ép sát vào mình. Mầu lông xám tối thì giọng không hay. Màu lông có sắc phớt hồng như có phấn thì mau gáy, giọng được. Màu lông xám tía thì nuôi lâu mới gáy, nhưng gáy rất hay, rất bền, chọn làm chim mồi rất tốt, biết nghe lời. Mắt bé, con ngươi đen láy. Chân cao màu đỏ son, nhưng phải khô, có nhiều vẩy mốc trắng. đặc biệt lông chân phải phủ qua đầu gối, lông cổ như chuỗi cườm đen, trắng quấn lấy nhau như chiếc rèm hạt. Đầu nhỏ, tròn, lông đầu màu xanh xám, vệt lông đen phải kéo dài qua khóe mắt. 

Đến đây, thằng Diên như bị thôi miên trong âm thanh của tiếng chim cu gáy. Nó lim dim mắt, nghểnh ngãng chẳng để ý gì đến xung quanh. Có lẽ nó còn quên luôn có tôi bên cạnh. Tôi cất tiếng, cốt để lôi nó ra khỏi cơn mộng du bằng một câu hỏi vu vơ, chợt đến.

- Quý rứa răng mi để nó sống trong cái chuồng sùm sụp bằng nửa quả bí vậy?

Thằng Diên bật dậy, nó cười độ lượng ra vẻ tôi chẳng hiểu gì sất: Nói mi biết, lồng chim cu chỉ cần đủ chỗ cho nó đứng, xoay xở. Nó đứng vậy, như con gà con ngủ trưa, hơi cúi đầu xuống, nó mới gáy. Không phải như các loài chim khác, lồng phải rộng, có chỗ bay nhảy.

Tôi à lên một tiếng như được mở cánh cửa trí tuệ để khích lệ thằng Diên. Cốt để nó tuôn ra những thứ bí quyết nhà nghề được truyền từ ông nội nó. Quả có hiệu nghiệm, nó cao giọng hỏi tôi:
-Mi có biết cho cu gáy ăn dư răng không?
Tôi lắc đầu, nó cao hứng đọc luôn hai câu:
Cu cu ăn đậu ăm mè,
Bồ câu ăn lúa, chích chèo ăn khoai.

Đậu, mè, thóc là thức ăn chính, khoái khẩu của cu gáy. Thỉnh thoảng nên thêm một ít hạt kê, hạt lạc và một ít hạt sỏi nhỏ như hạt thóc để giúp dạ giày chim tiêu hóa thức ăn. Có người chu đáo hơn còn cho chim bổ sung đất ruộng (không hiểu có thứ vi lượng gì đó) mà nó chén ngon lành. Khi chim đã gáy thuần thục thì cho ăn nhiều thóc. Thóc cho chim ăn nên mua từng cân, đem về cho vào bao tải, đạp cho hết râu nhọn. Khi chim thay lông, lấy thóc ngâm vào nước, vớt ra, dập một quả trứng gà, đánh lên, trộn với thóc rồi cho lên mâm nhôm đảo khô trên bếp nhỏ lửa.

Đang say sưa, bổng có tiếng đập cánh phành phạch loạn xạ, thằng Diên bật dậy như một mũi tên lao đến chỗ con chim mồi. Hắn reo lên sung sướng: Một cu đực rựa. Cu này mà gột được là hót hết ý đây. Tau mang về gột rồi cho mi nuôi.

Đúng lời hứa, ngày tôi xuôi đò dọc theo ba về Đồng Hới, thằng Diên xách cái lồng có con chim cu gáy đã gột ra đến tận bến đò Chợ Hôm tặng tôi. Tôi ôm nó vào lòng thầm cám ơn những thằng bạn thân của tuổi thơ.

PHÁC THẢO DIỆN MẠO HÒ KHOAN LỆ THUỶ (P1)


Đặng Ngọc Tuân

Từ trước đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu về dân ca miền Trung, dân ca Bình Trị Thiên. Qua đó mà nghiên cứu, giới thiệu về hò, một loại thể dân ca rất đặc sắc và phổ biến ở miền Trung. Những công trình quy mô có thể kể đến “Dân ca Bình Trị Thiên” do Trần Việt Ngữ, Thành Duy sưu tầm, biên soạn, được Nhà xuất bản văn học ấn hành năm 1967. “Hò khoan Lệ Thủy” (tập 1,2) do Trung tâm văn hóa thông tin Lệ Thủy sưu tầm, Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình ấn hành vào năm 1997 và 2001. Rải rác trong một số sách nghiên cứu, sưu tầm của một số tác giả như Nguyễn Tú với “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình”, Lê Văn Khuyên với “Lệ Thủy quê hương tôi”… cũng có giới thiệu về hò khoan. Có thể nói rằng đó là những vốn quý rất phong phú cho những ai muốn tìm hiểu về hò khoan. Tuy nhiên, ở những công trình nói trên cũng còn một số hạn chế. Do đối tượng nghiên cứu là dân ca nói chung (bao gồm cả hò, hát ru, ca huế và đồng dao), phạm vi nghiên cứu bao trùm cả ba tỉnh Bình – Trị - Thiên, nên “Dân ca Bình Trị Thiên” chưa đi sâu về hò khoan Lệ Thủy. Còn hai tập “Hò khoan Lệ Thủy” có sự phong phú về nội dung sưu tầm nhưng các câu hò sưu tầm được còn có nhiều sai sót về lời, sắp xếp nội dung chưa khoa học, chưa giới thiệu được diện mạo của hò khoan để bạn đọc xa gần hiểu về cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của hò khoan Lệ Thủy. Ở một số tác giả khác thì còn rất sơ lược.

Chúng ta đều biết, qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt di cư đi mở đất khắp nơi đã mang theo văn hoá quê mình. Đến nơi mới, hội nhập với văn hóa bản địa, nó được sáng tạo thêm, khác đi một ít, để tạo ra cái mới. Vì vậy, điệu hò như những cánh cò của đồng quê vươn đi khắp nơi. Đâu đâu cũng có hò, bởi nó là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống, lao động của nhân dân. Chẳng hạn, chỉ riêng hò sông nước thôi đã có hò Sông Mã ở Thanh Hóa, hò khoan ở Quảng Bình, mái nhì ở Huế, hò đò ở Quảng Ngãi, Phú Yên, hò Tháp Mười… 

Hò là một loại hình văn hóa dân gian. Mà đã dân gian thì không gian tồn tại của nó rất rộng. Rất khó để trả lời đất tổ của hò là ở đâu? Cũng như ít ai có thể rạch ròi được Chèo, Quan họ, Xoan, ghẹo, Ví, Dặm, Lý… có từ bao giờ và ở đâu là đất tổ của nó. Nhiều lắm thì chỉ nói đến tính phổ biến ở nơi nào đó. Ngay cả cái tên gọi của nó cũng rất khó giải nghĩa. Vì sao gọi là Chèo, là Quan họ, là hát Dặm, là Hò khoan… Chỉ có thể nói rằng tên gọi của nó được dân gian mặc định thế. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cố giải thích rằng nó là từ nói trại đi của từ gì đó ở địa phương, từ cổ. Nhưng cũng chỉ là phỏng đoán vậy thôi, không khẳng định được. Nếu cứ đi theo cách duy danh, định nghĩa như vậy với văn hóa dân gian thì e không thể đến hồi kết. Vậy nên, chúng ta cứ tạm chấp nhận Hò Khoan là một danh từ riêng chỉ một thể loại hò của Miền Trung mà phổ biến là ở Lệ Thủy.

Tuy vậy, qua khảo sát, nghiên cứu người ta vẫn có thể khoanh vùng được những loại hình nghệ thuật dân gian nổi lên ở từng nơi. Trong đó có thể nói hò khoan xuất hiện rất đậm đặc, phổ biến ở Lệ Thủy. Hay nói cách khác, Lệ Thủy là cái nôi của hò khoan. Tương tự như Nghệ Tĩnh là cái nôi của hát ví, dặm. Huế là cái nôi của các điệu lý. Quảng Trị là cái nôi của trống quân. Quảng Nam là cái nôi của bài chòi.

Để chỉ ra sự khác nhau, hay tính khu biệt của hò thì cách chủ yếu là nghiên cứu khía cạnh âm nhạc của nó. Mà đã nói đến âm nhạc là nói đến thang âm, giai điệu, quy tắc diễn xướng... Những cái đó được hình thành, quy định chủ yếu bởi môi trường sinh hoạt, lao động của người bản xứ. Nói vậy bởi, khi sưu tầm lời ca ta có thể bắt gặp một lời ca mà có ở khắp ba miền, thậm chí có ở khắp trong các loại hình dân ca. Nhưng lời ca đó được cấu trúc thành những bài hò theo những thang âm, giai điệu khác nhau tạo thành điệu hò cho từng vùng.

Vì vậy, tôi cũng không mong rằng có thể định nghĩa được hò khoan Lệ Thủy là thế nào, nội dung của nó ra sao, mà chỉ đưa ra một số khái niệm có tính hệ thống về một số khía cạnh nghiên cứu sau đây, với mục đích mô tả một cách cụ thể hơn về hò khoan Lệ Thủy, góp phần bảo tồn giá trị quý báu văn hóa của một vùng quê.

1. MẤY NÉT VỀ LỆ THỦY, MÔI TRƯỜNG HÌNH THÀNH HÒ KHOAN.

Lệ Thủy, dải đất hẹp nhất của đoạn thắt Quảng Bình kéo dài chỉ có 40 km, từ phía bắc tiếp giáp với các xã của huyện Quảng Ninh đến các xã phía nam tiếp giáp với huyện Bến Hải, Quảng Trị. Trên đoạn ngắn khiêm tốn đó, Lệ Thủy có thế đất chia làm ba vùng rõ rệt, vùng núi ở phía Tây, giáp giới với Lào. Vùng biển ở phía Đông với dãy đồi cát trắng vượt cao lên, ngăn cách biển với đồng bằng. Vùng đồng trũng ở giữa, mênh mông, chằng chịt sông ngòi, đầm phá. Một vùng đất màu mỡ hiếm có ở miền Trung “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Dải đất đó có lịch sử hình thành, phát triển vô cùng khắc nghiệt. Đất và người ở đây đã được hun đúc trong đấu tranh sinh tồn với chiến tranh, bão lụt, gió lào bỏng cháy suốt mấy nghìn năm chưa bao giờ yên. Sân khấu cuộc đời đó đã tạo nên hơi thở của dân ca man mác buồn đau. 

Văn học dân gian nói chung, ca dao dân ca nói riêng có xuất xứ từ trong cuộc sống của con người. Giai thoại dân gian, ca dao hò vè đã xuất hiện từ khi chưa có chữ viết. Nó được sáng tác, trau chuốt, làm phong phú thêm thông qua truyền khẩu. Vì vậy, nó mang dấu ấn vùng miền rõ rệt. Nết ăn, nếp ở, khẩu khí, tính cách, sở trường, sở đoản ra sao đều để lại dấu ấn trong văn học dân gian. Hò khoan Lệ Thủy cũng vậy, nó mang dấu ấn văn hóa lịch sử của vùng đất này. Để hiểu rõ hò khoan thì cần hiểu rõ lịch sử văn hoá vùng đất đã sản sinh ra nó. Có thể khái quát ở mấy điểm về môi trường tự nhiên, xã hội của hò khoan Lệ Thủy như sau:

- Lệ Thủy là vùng đất có lịch sử gắn liền với lịch sử phát triển của đất Văn Lang, Âu Lạc. Từ trước công nguyên, đất này thuộc Nam Việt trong hệ thống Bách Việt phía Nam sông Dương Tử. Từ năm 206 trước công nguyên thuộc quận Nhật Nam. Năm 137 sau công nguyên, một thủ lĩnh người Chăm là Khu Liên đã nổi dậy, chiếm cứ từ phái nam Hoành Sơn lập quốc Chiêm Thành. Lệ Thủy là một châu thuộc đất Chiêm Thành, khi đó còn gọi là châu Địa Lý. Trải các đời từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến Ngô Quyền, Đinh, Lê, Lý của Vạn Xuân, Đại Việt, Lệ Thủy vẫn là đất phên dậu của Chiêm Thành. Tiếng nói, chữ viết mang dấu ấn của văn hóa Mã Lai, Ấn Độ trải gần một nghìn năm. Mãi đến năm 1069 Lý Thái Tổ mới chinh phạt Chiêm Thành, lấy ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh sáp nhập vào Đại Việt. Từ đó Lệ Thủy mới về đất Việt. Trãi mấy trăm năm từ khởi thủy là Điạ Lý rồi Nha nghi, Tri Kiến, Khương Lộc, Lệ Thủy. Khi thì Phủ, rồi Châu, Quận, Dinh, Trại, Huyện một bộ phận hành chính của đất Lâm Bình rồi Tân Bình, Tiên Bình, Quảng Bình, chia đi nhập lại nhưng không gian địa lý vẫn kéo từ phía bắc giáp với sông Nhật Lệ chạy dài 40 cây số đến dãy núi Ba Núc, Ba Kiềng như một hoành sơn nhỏ phía Nam, kéo từ Trường Sơn ra Bàu Sen, truông Nhà Hồ.

Văn hóa vùng đất này là sự pha trộn của hai dòng văn hóa Chăm – Việt. Của cộng đồng dân di cư từ đàng ngoài, mà chủ yếu là từ Châu Hoan (Nghệ An), Châu Ái (Thanh Hóa) vào khai khẩn đất đai, định cư, phát triển với cư dân bản địa (Chăm Pa). Ở đây có cả thành quách của Chăm Pa với các làng nghề Đại Việt. Là vùng giao thoa ảnh hưởng của văn hóa, tín ngưỡng Ấn Độ từ phiá Nam lên và Văn hóa, tín ngưỡng Nam Việt, Trung Hoa từ phía Bắc xuống. Ngôn ngữ, tiếng nói gần với vùng Hoan, Ái pha trộn với từ địa phương có gốc gác từ tiếng Chăm.

- Lệ Thủy là đất phên dậu, biên trấn của cả Đại Việt và Chiêm Thành. Trong lịch sử hình thành ngót nghìn năm, ở đất này đã có đến 500 năm chiến tranh. Mở đầu là chiến tranh giữa Đại Việt với Chiêm Thành, mất đi giành lại ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh trong suốt 320 năm (từ 1069 – 1389). 7 cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài 45 năm (1627 – 1672). Chiến tranh chống Pháp ngót 100 năm (1847 – 1954). Chiến tranh chống Mĩ 18 năm. Lúc nào nơi đây cũng ở mũi tên, đầu đạn. Hết bắt phu, bắt lính lại tan cửa nát nhà vì bom đạn. Đình chùa, miếu mạo sụp đổ, cái ăn chẳng còn, nói gì đến của để dành mà vui chơi, ca hát. Trai tráng hết lớp này, lớp khác ra trận, đi thì nhiều, về thì ít. Học hành của con trẻ cũng phải xuống hầm sâu.

Chính trong đạn lửa ấy đã hun đúc nên khí phách người Lệ Thủy trung dũng, quật cường. Ở thời nào trong lịch sử chiến tranh của dân tộc củng có những người con bất khuất của Lệ Thủy. Lèn Áng từ cổ chí kim được chọn làm căn cứ kháng chiến. Bến sông Dinh Trạm là nơi neo đậu của chiến thuyền ngày ngày tập trận tiếng trống, tiếng tù và hãy còn vang. Dinh Mười nơi đồn trú thủy bộ mặt sau của lũy Thầy, ngựa xe, thuyền bè, cờ xí rợp trời Hạc Hải. Xuân Bồ còn đó khắc ghi căm thù giặc Pháp tàn sát dân lành cùng trận đánh lừng danh của quân và dân Lệ Thủy. Chiến tranh chống Mĩ cả nước biết đến một Lệ Thủy với phong trào “Hai giỏi” (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi), “tiếng hát át tiếng bom”. Những cô gái Ngư Thủy gan góc đối mặt với tàu chiến Mĩ. Thác Cốc, Dốc Khỉ, Vít Thù Lù…bom dạn hủy diệt của B52 không làm chùn bước gái trai Lệ Thủy quyết tử cho tổ quốc. Đã có thời gian, dân Lệ Thủy phải bầm ruột, tím gan gởi con trẻ ra tận Thanh Hóa, Thái Bình để bảo toàn nòi giống. Người ở lại rảnh tay đánh giặc giữ đất quê hương. 

Trong những biến cố nói trên, người dân Lệ Thủy phải chịu bao cay cực. Chiến tranh là chết chóc, tan cửa, nát nhà, chia ly. Thiên tai là mất mùa, trắng tay, đói kém. Đồng sâu, nước cả, hạn hán, lũ lụt, lao động nhọc nhằn. Vậy nhưng vẫn phải sống, vẫn phải tròn bổn phận. Những tâm tư đó đã được gửi gắm vào trong dân ca mà than thở, mà san sẻ. Đó chính là cội nguồn cảm hứng của hò khoan Lệ Thủy.

- Lệ Thủy, eo đất hẹp mà có cả ba vùng biển, đồng bằng, núi non biên giới. Đất đai trù phú nhưng khí hậu khắc nghiệt như thử thách lòng người. Nếu tính theo đường chim bay thì từ bờ biển đến biên giới Việt – Lào chỉ có 40 cây số. Song, trên dải đất hẹp ấy lại có cấu hình địa chất, thủy văn hết sức đặc biệt. Đối diện với biển khơi là những cồn cát trắng. Cát cao thành đồi hàng chục mét, chạy dài suốt bờ biển, thành lũy Trường sa. Cát bay, cát chạy lấp ruộng, lấp vườn nhưng trong nó trào dâng mạch nước ngầm vô tận, ngọt lịm, trong vắt. Nước ngầm tạo nên cả Bàu Sen rộng hàng chục héc ta ngay cạnh biển mặn mòi. 

Ít ai ngờ rằng ở quãng hẹp ấy, lại có một đồng bằng phì nhiêu ngút tầm mắt, thẳng cánh cò bay, hàng triệu năm nay được bồi đắp bằng phù sa được chở về từ Trường Sơn bằng 9 ngọn nguồn của sông Kiến Giang (rào Nậy, rào Con, rào Sen, rào Mĩ Sơn, hói Xuân Lai, hói Thạch Bàn, hói Kỳ Cùng, hói Cừa, hói Phú Thọ). Trước khi đổ ra biển khơi, Kiến Giang còn cố nán lại, xoãi ra thành biển cạn Hạc Hải rộng hàng chục ngàn héc ta, dung dưỡng biết bao sản vật vùng nước lợ, góp phần nuôi sống dân Lệ Thủy. 

Người Lệ Thủy trong lịch sử ít khi đi bộ, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền. Đi làm ruộng - thuyền, lên rừng lấy gỗ - thuyền, đi chợ - thuyền, đi buôn chuyến - thuyền, đò dọc đưa người ta về tận Đồng Hới. Đến lúc chết đưa linh cũng bằng thuyền nốt. Sông nước chằng chịt, mênh mông vạn khoảnh. Cứ ra khỏi nhà là gặp sông, quanh làng là sông. Năm nào cũng vậy, cứ sau tiểu mãn là mưa lớn dội xuống Trường Sơn, tràn về dâng nước mênh mông. Đến cái nhà cũng phải có kiểu kiến trúc để thích ứng với lũ. Phải có cái “tra” để thóc, làm sàn ngủ khi nước lên. Vách nhà trát bằng rơm với đất để lụt dâng đến đâu thì rơi đến đó. Nhà giàu thì dựng ván đố để khi lụt thì tháo đi, đỡ cản sóng. Nước rút đi thì nhào đất lại, trát lên, dựng ván lại làm vách. Hình ảnh con thuyền gắn liền với con người. Khi chèo thuyền người ta hò cho khuây khỏa. 

Đất đai trù phú thật như câu ca “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Song để có hạt thóc cho con người thì cũng lắm gian nan, bởi ở vùng đất này khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè bỏng rát gió lào, ngùn ngụt, hầm hập hơi nóng. Gió nóng thổi như bão suốt mấy tháng trời đến sông hồ khô cạn. Mùa thu bão vùi dập, mưa trút xuống dâng lụt mênh mông. Lúa mùa đang chín mà không kịp gặt. Lại phải ngâm mình trong nước vớt từng chẹn lúa đã lên mầm, bát cơm hôi nồng như vôi bột. Đông đến thì rả rích mưa dầm. Mưa từ sáng đến chiều, từ chiều qua sáng. Mưa lùa hơi lạnh thấm nặng quần áo, lạnh buốt ruột gan.

Trên cao là dãy Trường Sơn thâm u với những địa danh Bang, Rợn, Vít Thù Lù, Lèn Bạc, An Mã, Đâu Mâu. Mỗi địa danh ấy đều gắn với những truyền thuyết, giai thoại về địa linh, nhân kiệt, neo đậu lại trong trí tưởng tượng của con người mà ví von. Neo lại trong lời ru của bà, của mẹ.

Vậy đấy, nhưng con người nơi đây luôn vươn tới, vượt lên số phận. Phải tìm cách động viên nhau ngay cả khi lao động cực nhọc. Hò khoan giúp họ khuây khỏa, hò khoan giúp họ vui mà yêu đời. Hò khoan trở thành nếp sống văn hóa không thể thiếu. Chẳng ở đâu như Lệ Thủy, vui mà hò hát đã đành, đằng này cái thú được hò hát len vào cả khi buồn, khi lao động mệt nhọc. Điều đó giúp hò khoan sống mãi, một ngày một phong phú thêm.

- Lệ Thủy địa linh nhân kiệt. Kể ra thì đất và người từ thuở khai thiết đến nay mới có ngót nghìn năm (kể từ thời nhà Lý thu về Đại Việt). Chiến tranh, thiên tai vùi dập cũng không khuất phục được ý chí con người nơi đây. Trong gian khó ấy đã sinh ra nhiều nhà nho học uyên thâm, những quan lại thanh liêm dấn thân vì nghĩa, những vĩ nhân kinh bang tế thế.

Có lẽ đất này hội tụ nhiều linh khí “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”. Mỗi ngã ba sông cũng tạo thế đất “Mũi viết”. Đi đâu, ở đâu thì người Lệ Thủy vẫn lấy câu đó, hình tượng đó mà tự hào về đất học. Bút nghiên là sự trọng, có học thì mới thoát khỏi đói nghèo. Vậy nên người Lệ Thủy thành đạt nhiều lắm. Danh nhân Lệ Thủy có đủ cả văn, võ. Ai trong họ cũng có cái chí bất khuất, nặng nỗi ưu tư vì dân vì nước. Từ những sĩ phu như Hoàng Hối Khanh, Phạm Đại Kháng, Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Khắc Triển…tiến sĩ nho học và rất nhiều phó bảng, cử nhân khác. Chỉ riêng thời nhà Nguyễn đã có đến 9 vị làm đến Thượng thư nổi tiếng thanh liêm. Đấng nam nhi là vậy, còn có cả Liệt nữ Hoàng Thị Tám là tướng tài trong phong trào cần vương của cụ Phan Đình Phùng. Và đặc biệt có hai nhân vật ở hai đầu chiến tuyến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Còn nhiều và nhiều nữa những người học rộng tài cao nức tiếng một huyện, một tỉnh, một nước, vượt ra cả ngoài biên giới. Nhiều người trong số họ, với cái khí khái của nhà nho, gặp khi nhiễu nhương không ra làm quan mà chỉ ở nhà mở lớp dạy chữ, truyền bá đạo lý thánh hiền. Những con người này đã có công lớn trong sáng tạo, truyền bá, bảo tồn di sản dân gian ở chốn thôn quê. Giả như ông Học Chè Lê Văn Khoan ở Lộc An, cụ Châu Đình Khóa ở Sơn Thủy đã sáng tác, lưu giữ rất nhiều hò vè.

- Lệ Thủy tích chứa trong mình một kho tàng văn học dân gian khá phong phú. Đã bao đời nay, cái kho tàng vô giá ấy là nguồn nuôi dưỡng tinh thần, có tác dụng khơi nguồn bồi đắp những tâm hồn văn học tài năng của quê hương. Không ở đâu trên đất Quảng Bình mà nhiều nhà thơ như Lệ Thủy. Cái máu thơ trong họ chắc có mạch nguồn từ máu dân ca của cha ông.

Trên đất này có đủ các loại hình văn học dân gian. Song nổi trội vẫn là hò khoan. Hò khoan có mặt ở mọi ngõ ngách của cuộc sống từ việc lớn đến việc nhỏ. Đám cưới hò khoan đã đành, đám ma cũng hò khoan, hò để xua đi nỗi buồn, hò để nói với linh hồn người chết rằng, người sống biết ơn họ, đau đớn vì cái chết của họ. Chèo thuyền trên sông hò khoan chưa đã còn bày ra chèo cạn. Giã gạo hò khoan, hết gạo còn nghĩ ra chuyện đổ trấu vào giã. Cày bừa, cấy lúa , đạp nước trên đồng - hò khoan, kéo gỗ trên rừng - hò khoan, nện đất, giã vôi - hò khoan, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền - hò khoan… Tất tần tật cái gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được. Chẳng cần đàn sáo nhị hồ rinh rang làm gì, chỉ cần một cái trống hoặc cái sanh, mà không trống sanh thì vỗ tay bắt nhịp, vậy là hò khoan được rồi. Vậy nên mới dám nói hò khoan là đặc trưng của Lệ Thủy.

Đành rằng, không thể biệt lập địa danh cho văn học dân gian. Bởi văn học dân gian có sự giao thoa rất rộng do quá trình di dân. Cư dân nơi này đến nơi kia lập nghiệp thì mang theo văn hóa vùng quê mình. Đến nơi mới, hòa nhập với văn hóa bản địa nó có sáng tạo thêm cho khác đi một ít do nhiều lý do. Nhưng, có thể làm rõ được sự nổi trội của mỗi thể loại ở từng vùng khác nhau. Nói đến Kinh Bắc là nghĩ đến quan họ. Nói đến Phú Thọ là nói hát xoan. Nói đến Hà Nam là nghĩ đến chèo. Nhắc đến Nghệ Tĩnh là nhớ ví, dặm. Nhắc đến Huế là liên tưởng đến các điệu lý, Quảng Nam là bài chòi… Còn ở Lệ Thủy, Quảng Bình là hò khoan. Hò khoan đã có ngày hội truyền thống của mình. Đó là ngày 29 tháng 2 âm lịch. Cái này, ngoài quan họ ra, chắc nhiều thể loại khác chưa có.

Tóm lại, chỉ một đoạn ngắn trong chiều dài của đất nước, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh liên miên. Nhưng nhờ những con người lam lũ mà lại hiếu học, yêu đời, Lệ Thủy đã có cho riêng mình một di sản hò khoan vô cùng quý giá. Với người Lệ Thủy, dẫu có đi đâu, ở đâu, hai tiếng hò khoan vẫn vọng lên trong tâm hồn họ, lan truyền sang mọi người những cảm nhận về quê hương, về khát vọng sống tự do, về những buổi lao động nhọc nhằn của người nông dân lam lũ, một nắng hai sương. Dẫu trong khó khăn, cùng cực vẫn thuần hậu, mặn mà tình người. Vẫn ngân nga trong lòng những ao ước hạnh phúc rất khiêm tốn “râu tôm nấu với ruột bầu” để chồng chan, vợ húp.

PHÁC THẢO DIỆN MẠO HÒ KHOAN LỆ THUỶ (P2)


2. HÒ KHOAN LỆ THỦY, MỘT LOẠI THỂ DÂN CA ĐẶC SẮC.

Trên mảnh đất này, trong gian khó của cuộc sống đã hình thành những hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, đặc sắc. Một phong cách riêng của đất miền Bình – Trị - Thiên. Khác với những nơi khác, dân ca là thú tiêu khiển, thậm chí chỉ phục vụ cho một giai tầng cao của xã hội ở chốn cung đình, ở cửa nhà quan. Vậy nên, mới có cách diễn xướng chỉ của một nhóm nghệ nhân với không gian biểu diễn có quy ước. Còn ở Lệ Thủy, hò khoan là của mọi người lao động, gắn liền với lao động, ai cũng có thể tham gia, càng đông càng rạo rực. 

Từng làn điệu, từng câu ca lung linh như ngọc, mềm mại như dãi lụa đào, duyên dáng như bông hoa e ấp trước gió, chuyên chở ở trong đó biết bao tâm tư, nếp nghỉ, đạo lý, nhân duyên. Chúng nằm trong từng câu của thể lục bát, song thất lục bát ý nhị, mượt mà, ai cũng có thể nhớ, có thể cảm. Nó quyện trong khói lam chiều của mái tranh quê, cây da, bến nước, trăng thanh, gió mát êm đềm của mỗi thôn cùng, xóm nhỏ.

Từ bao đời nay, hầu hết những câu hò đã được nâng niu giữ gìn sau lũy tre xanh, trau chuốt thêm, sáng tạo thêm. Làm cho nó ngày càng lung linh, ngày càng phong phú. Cứ đọc, cứ nghe về nó ta cảm nhận được tâm hồn, tư tưởng, khát vọng của cha ông và cũng là khát vọng của chính mình.

Đã từ lâu, chúng ta đã nghe nhiều, đọc nhiều về ca dao dân ca Việt Nam. Biết nhiều về dân ca Bình Trị Thiên da diết, mượt mà, nồng nàn tình yêu. Song chúng ta chưa biết nhiều về hò khoan Lệ Thủy. Cũng đã có một số chuyên khảo về dân ca miền Trung, một số sưu tầm, nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy. Song vẫn chỉ dừng lại ở sưu tầm các bài hò là chính, chưa nói hết được đặc trưng phong phú về nội dung, làn điệu, diễn xướng, lớp lối của hò khoan. Vì vậy, để thấy được hết cái hay, cái đẹp của hò khoan thì cũng nên làm rõ về nó.

2.1 Mô tả về hò khoan Lệ Thủy.

Hò khoan là một trong những bộ phận cấu thành của dân ca miền Trung nói chung và dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Do đặc điểm truyền khẩu và tính tương đồng về văn hóa, chúng ta có thể bắt gặp hò khoan ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Định… song nó cũng đã có những biến tấu nhất định về giai điệu hoặc cách diễn xướng. Ngay cả trong phạm vi của tình Quảng Bình, hò khoan vẫn là đặc trưng của Lệ Thủy, vùng chiêm trũng, sông nước. Ở Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên, Minh hầu như không có hò khoan.

Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, xuất hiện trong quá trình lao động sản xuất. Vì vậy, hò khoan là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tập thể rất cao. Thường thì một, hoặc một vài người lĩnh xướng còn đám đông đế, xố, phụ họa theo những cách thức riêng của từng làn điệu. Thông thường người đế, xố, phụ họa là đám đông có mặt, bao gồm già trẻ, gái trai hoặc những người cùng lao động, sản xuất, không có giới hạn số lượng, nên hiệu ứng đám đông hưng phấn rất mạnh.

2.1.1 Quy ước tổ chức 

Trong hò khoan, người ta quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng”, còn hò con là người “xố”. Mỗi câu hò thường thì chỉ có một người lĩnh xướng, còn người xố thì có thể một hoặc tất cả đám đông có mặt, người ta gọi là “hội xố”. Điều này rất thú vị vì tính quần chúng của nó và nó thu hút đám đông rất mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng rất rộn ràng.

Trong tổ chức hò khoan có hai hình thức sinh hoạt tự phát và tự giác. Hình thức tự phát thường diễn ra trong quá trình lao động. Bên này, bên kia có thể cách nhau một con sông, một quãng đồng, một thửa ruộng. Bên này hò thì bên kia xố và ngược lại. Tuy nói là tự phát, có nghĩa là không có sự chuẩn bị trước nhưng hể cứ xướng lên là người khác có thể vào cuộc được ngay. Vì rằng những làn điệu hò và cung cách xố đã định hình trong tiềm thức của người dân Lệ Thủy. Thậm chí, tùy khung cảnh và quy mô giao tiếp người ta có thể lựa chọn làn điệu cho phù hợp. Nếu bạn hò chỉ một hoặc vài người thì người ta thường dùng mái ruổi, mái ba, mái nện… Còn nếu bạn hò đông như là cả phường cấy, phường gặt thì người ta dùng mái xắp, mái chè. Cuộc hò có khi chỉ kéo dài trong vài chục câu hò cho vui vẻ. Bên này hò cái thì bên kia hò con, không có tính ganh đua.

Hình thức tự giác là các cuộc hò có địa điểm tổ chức cụ thể. Có khi đó là sân kho chứa lúa, sân đình, tụ điểm sinh hoạt của làng. Hò tự giác thường gắn liền với giã gạo. Trong cuộc hò tự giác thì có quy ước trình tự cuộc hò, có lớp lang hẳn hoi. Đi từ hò mời, hò chào, hò gần, hò giữa, hò xa cách, từ tạ. Những cuộc hò như vậy thường được tổ chức nhân dịp hội mùa, hội làng, hội đua thuyền cầu mưa hay những đêm trăng sáng, các bạn hò có nhu cầu giao lưu. Thường thì các cuộc hò tự giác có tính ganh đua quyết liệt. Bên nam thách đố bên nữ, làng này thách đố làng kia. Cuộc hò nhiều khi nóng lên do “cay cú”. Nhiều cuộc người hò có sự chuẩn bị chu đáo, không khí thi đua, ăn thua rõ rệt. Những lúc này cuộc hò trở thành điểm hẹn để trai gái giao duyên. Người già thì hưởng cái thú vui tao nhã, bác học của lời hò, kĩ thuật luyến láy, nhả âm. Các nghệ nhân thì tha hồ mà trổ tài, khoe giọng. Nhiều cuộc hò say mê, thâu đêm không dứt.

2.1.2 Diễn xướng trong hò khoan

Như đã nói, có đến hơn 20 hình thức lao động, sinh hoạt có diễn xướng hò khoan. Vậy diễn xướng là gì? Diễn xướng là tổng thể các phương thức nghệ thuật, cùng thể hiện đồng nhất giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mĩ. Diễn xướng khác với biểu diễn, trình diễn và nó chỉ có trong sinh hoạt dân gian phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống. Diễn xướng liên kết, gắn bó mọi người có mặt. Biểu diễn thì có người diễn, người xem, người xem không tham gia vào biểu diễn. Còn diễn xướng thì cả người diễn và người xem tham gia cùng diễn với nhau. 

Khi nghiên cứu về dân ca thì thấy rằng, các hình thức dân ca khác của các vùng miền đều có môi trường sinh hoạt mang tính cung đình, có sân khấu biểu diễn, trình diễn. Từ Chèo, Quan họ, Ví, Dặm, Xoan, Xẩm, Lý, Tuồng… ngoài bộ phận diễn xướng mang tính quần chúng đều có bộ phận biểu diễn mang tính sân khấu, cung đình. Riêng hò khoan chỉ gắn với môi trường lao động, môi trường sinh hoạt quần chúng nên nó chỉ có diễn xướng. Cả trong những trường hợp người ta tưởng như đó là biểu diễn như các cuộc hội thi hò khoan. Tuy có sân khấu, có tổ chức hẳn hoi nhưng diễn viên với quần chúng vẫn hòa nhập với nhau làm một trong vai trò của hò cái và hò con. Trong lịch sử thì cũng đã có một số nghệ nhân ở Huế tổ chức sân khấu hò khoan nhưng không tồn tại lâu. Do đặc điểm này nên hò khoan hình thành những “sân khấu” đặc biệt. Đó là những hình thức diễn xướng hò khoan. Có thể kể ra đây những hình thức diễn xướng của hò khoan để minh chứng. Theo kết quả khảo sát, có gần 20 hình thức lao động khác nhau có diễn xướng hò khoan: chèo thuyền, giã vôi, nện đất, cất nhà, giã gạo, cấy lúa, gặt lúa, cày ruộng, đám cưới, đám ma, đánh cá, kéo gỗ, đẩy thuyền, đi ở, thợ nề, thợ mộc… Trong thời kháng chiến còn có hò địch vận. Tùy theo nhịp độ, phương thức lao động mà chọn làn điệu cho phù hợp. Cũng có thể trong một hình thức lao động đó có đến vài ba, hoặc cả năm làn điệu được diễn xướng. Người ta chuyển từ mái ruổi sang mái xấp, mái ba, mái nện… rất uyển chuyển. Chẳng hạn, khi giã gạo chày đôi, tiết tấu chậm thì người ta dùng mái nện, nhưng khi chày tư thì tiết tấu nhanh gấp đôi người ta dùng mái xắp. Trong hò đưa linh, khi linh cữu còn để trong nhà người ta dùng mái ruổi kể lể buồn đau. Khi đưa xuống thuyền chèo đưa lên núi người ta dùng mái nện. Lúc đặt quan tài xuống huyệt, lấp đất người ta dùng mái nện, mái xắp, mái chè. Sự kết hợp nhuần nhuyễn đến mức không chỉ có bạn hò mà con trâu kéo gỗ cũng biết lắng tai nghe đến đoạn dứt câu hò là nó giật mạnh, kéo gỗ đi băng băng.

Trong hò khoan, không có phân biệt diễn viên với khán giả. Chỉ có hò cái và hò con. Cái hò thì con xố. Và vai diễn này cũng không cố định. Lúc này họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai hò con “tất cả đều là nghệ sỹ”. Cái cách diễn xướng này làm cho ai cúng sảng khoái.

Cách tổ chức và hình thức diễn xướng chủ yếu của hò khoan là hát đối đáp hai bên. Ít nhất cũng phải có hai người hát. Một bên hò, một bên xố. Ở những môi trường hò có tổ chức theo cuộc hát thì hò phải theo đúng từng “chặng” từ chào mời, vào cuộc giữa cho đến giã từ… Trong khi hò, tính ngẫu hứng sáng tạo là rất cao nên cách diễn xướng cũng thường rất sáng tạo. 

2.1.3 Các làn điệu (mái hò)

Hò Khoan Lệ Thủy có 5 làn điệu cơ bản, (có tài liệu nói 6 làn điệu, 9 làn điệu) nhiều người gọi là “mái”. Mái là cách gọi nôm na, mang tính dân gian, còn ở khía cạnh nghiên cứu thì gọi là làn điệu. Mỗi làn điệu (mái) có cấu thức âm nhạc riêng, đó là: mái xắp, mái nện, mái chè, mái ruổi, mái ba. Một số nhà nghiên cứu cho thêm mái nhì vào nữa thành 6 mái. Nhưng có lẽ mái nhì là hò Huế, nó rất phổ biến ở Huế. Và thường được diễn xướng khi chèo thuyền trên sông, không có lớp xố của bạn hò (hò khoan Lệ Thủy dứt khoát là phải có lớp xố). Có người cho thêm hò nậu xăm, hò khơi của đánh cá vùng biển, hò lĩa trâu trong lúc kéo gỗ trên rừng để tính thành 9 mái. Ở đây chắc có sự nhầm lẫn giữa làn điệu với môi trường diễn xướng. Kéo gỗ, đánh cá là hình thức lao động có diễn xướng hò khoan. Trong khi đánh cá người ta có thể hò mái ruổi, mái ba… 

Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau. Những tiết tấu và những quy ước diễn xướng đó có căn nguyên từ trong nhịp điệu, tiết tấu của lao động. Lúc dồn dập, khi khoan thai, lúc nhẹ nhàng, khi nặng nhọc. Nhiều khi những tiết tấu đó nhằm để tập trung động lực của đám đông mà ở mỗi người đơn lẻ không thể làm được, như khi đẩy thuyền qua chỗ cạn, khi chống chèo ghe lớn qua chỗ nước xiết, gió ngược, khi cất nhà.

Mái ruổi, (còn gọi là mái rải, mái dài) thuộc nhóm những mái hò sông nước chậm rãi, khoan thai. Cấu trúc của nó phân thành ba câu, cứ sau một câu là có một vế xố. Nó rất gần với hò mái nhì ở Huế. Người ta thưởng thức mái ruổi ở chất nghệ thuật của giọng hò, giai điệu trầm bổng và ý tứ sâu xa của lời hò. Mái ruổi không cần phải đi theo lớp lang như chào, mời, hò gần, giã từ… mà đi vào hò gần luôn. Lời hò không bị khuôn phép trong phạm vi của lục bát hoặc song thất lục bát mà có thể dài ngắn tùy ý, vô chừng. Quy ước về cách đế, xố của hò con cũng có khác với các làn điệu khác. Đoạn lời xố của mái ruổi chỉ có ba từ “ơi dô hò”. Nó như lớp sóng tiếp theo để đẩy cho lời hò của hò cái lên cao hơn, vang vọng thêm ra. Cảm nhận của người nghe rất mênh mông.
Cái hò: Chờ cho trọn nghĩa, ơ hơ hờ, nghĩa ơ hơ tình
Con xố: Ơi dô hò
Cái hò: Thiếp nguyện cùng chàng sông sâu đò nặng.
Chàng nguyện cùng thiếp biển vắng chùa linh.
Chứ thiếp đây cũng có nơi cung phụng ghé mình.
Lòng vẫn ôm duyên mà đợi, hô hơ hờ, cho trọn nghĩa tình.
Con xố: Ơi dô hò
Cái hò: Ơ mà nghĩa tình ngày xưa.
Con xố: Ơi dô hò.

Câu hò đầu của hò cái thường là song thất lục bát, hoặc song thất lục bát biến thể (do có những từ láy, từ đệm). Đôi khi chuyện hò kể lễ nên câu hò dài thêm. Câu hò thứ hai là vế thứ hai của câu tám sau cùng để cho hò con xố, sau đó là bắt vào câu mới.

Mái ba, cũng là một làn điệu gắn với sông nước, là mái hò tiêu biểu về tính linh hoạt trong ứng tác. Cách bố cục, phân câu, ngắt nhịp rõ ràng. Hò mái ba chủ yếu là thể lục bát hoặc biến thể của lục bát. Câu hò đầu là hai vế của hai câu năm, hai câu sáu hoặc hai câu bảy. Hai câu hò sau là hai vế của câu tám. Hò mái ba thường dùng khi thuyền nặng, đi qua những quãng sông chảy xiết, ngược nước, ở nơi đầm phá gió to. Lúc này, ngoài chèo ra còn phải có chân sào mạnh tay chống đẩy, nên tiết tấu loại hò này nhanh khỏe hơn, quãng ngân hơi ngắn hơn. Lời hò, tình ý cũng thắm thiết song rõ ràng hơn. Đế xố của hò con cũng gọn gàng dứt khoát hơn. Mặt khác, mái ba cũng thường được vận dụng trong hò đối đáp, giao duyên trong những gặp gỡ đông người, nên có những giai điệu gần với hò mái xắp, vui tươi, rộn ràng. Cách đế xố của hò con lặp đi lặp lại trong vế “hò là hô là khoan”. Nó như là chỉ để cầm chịch, giữ nhịp cho hành động lao động của đám đông. Ít có giá trị về âm nhạc.
Cái hò: Hô khoan, dù ai xuyên tạc lá lay, ta vẫn chung thủy, ơi hò
Con xố: Hò là hô là khoan
Cái hò: Chung ơ thủy, ơi hò, 
Con xố: Hò là hô là khoan.
Cái hò: chớ đổi thay mà tội trời, ơi hò
Con xố: Hò là hô là khoan.

Đặc trưng của bài hò mái ba là thường chỉ có ba câu và không lệ thuộc vào niêm luật của lời thơ. Vì vậy hò cái rộng đường hơn, dễ phá cách hơn trong ứng tác. Để giữ nhịp cho hò con xố, hò cái thường dùng cụm từ đệm “ơi hò” ở cuối mỗi câu hò.

Mái xắp, là làn điệu hay dùng trong khi giã gạo. Vì vậy, ngoài tên gọi của nó nhiều người vẫn quen gọi là hò giã gạo. Thực ra hò mái xắp không chỉ diễn xướng trong môi trường giã gạo. Mà nó có thể có cả lúc cấy lúa, nện đất, đưa linh, nhất là trong các buổi gặp mặt đông người. Hò mái xắp có quy ước khá chặt chẽ. Kết cấu của một bài hò mái xắp có bốn vế theo thể song thất, lục bát. Câu hò đầu của mái xắp là hai vế song thất. Kế đó là một vế xố dài “hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan”. Tiếp đó là hai câu hò với hai vế xố ngắn “ơi là hố”. Câu hò cho vế xố ngắn thứ nhất được ngắt ở vế đầu của câu tám. Câu hò sau cùng là vế thứ hai của câu tám. Đôi khi để luyến láy phô diễn giọng hò người ta lặp lại vế đầu của câu tám. Xố dài như là sự hưởng ứng, khích lệ hò cái. Xố ngắn ngắn như là một nhịp đệm để hò cái phô diễn tài năng ứng tác, thúc đẩy sự sáng tạo. Nhịp điệu vui tươi của mái xắp rất phù hợp với bối cảnh giao duyên nên thường được tổ chức thành các cuộc hò tập thể. Một cuộc hò thường có lớp lang hẳn hoi, đi từ hò mời đến hò gần, hò giữa rồi hò xa cách, từ tạ. Cái đoạn sinh động nhất là hò giữa, ở đó bạn hò thi thố tài năng qua các lối hò đố, đâm bắt, xấc leo, hò ghễnh…tha hồ mà ứng tác. Quy ước về hò cái và hò con ở loại này cũng khá chặt chẽ. Tiết tấu nhanh, khỏe, vui tươi, rộn ràng.
Cái hò mở: Hôi khoan, xin mời các bạn xố con.
Con xố: Ơi là hố
Cái hò: Thiếp chờ chàng tấm phên hư nuộc lạt đứt,
Chàng chờ thiếp khi đắng nước, nghẹn cơm.
Con xố: Hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan
Cái hò: Ba trăng ơi là mấy mươi hôm
Mai nam vắng trước,
Con xố: Ơi là hố
Cái hò: Mai nam vắng trước chứ chiều nồm quạnh sau.
Con xố: Ơi là hố 

Mái chè, được cấu trúc một đoạn ba câu với ba vế xố. Thường là thể thơ lục bát, trong đó câu tám được bẻ làm đôi cho hai vế xố. Cách hò mái chè đơn giản và ít khi phải thêm từ đệm lót. Tiết tấu của mái chè hơi nhanh, đều đặn. Thường thì mái chè được sử dụng khi làm những công việc nhẹ nhàng, không gian lao động nhỏ hẹp. Người ta chỉ lên bổng, xuống trầm theo một tiết tấu đều, nhẹ nhàng, hơi lưu luyến như lời chia tay, giã từ. Người hò có thể vừa làm việc vừa hò mà không ảnh hưởng gì đến công việc. Vì vậy, hò mái chè thường được diễn xướng khi đạp xe nước, đập đất trồng hoa màu trên đồng, nện nền nhà, nện sân. Tính cân đối khi hò và xố của hò cái và hò con làm cho người ta cảm thấy có đi có lại, giao duyên với nhau mà quên cả mệt nhọc. Cách xố của hò con là sự lặp lại của hai cụm từ “là hô là khoan” và “là bơ hò khoan”. Trong đó vế xố “là bơ hò khoan” ở giữa.
Cái hò: Mình về ta cũng theo về.
Con xố: Là hô là khoan
Cái hò: Sum vầy phu phụ,
Con xố: Là bơ hò khoan
Cái hò: Giàu nghèo ta có nhau.
Con xố: là hô là khoan

Thông thường trong một cuộc hò, để kết thúc, chia tay người ta thường dùng mái chè. Cái giai điệu có phần thỏa mãn, có phần luyến tiếc như buông một dấu chấm hết, hẹn gặp lại.

Mái nện, thường được hò khi chèo thuyền, khi cày ruộng hổi, khi đưa linh. Bởi vậy giai điệu hò chậm rãi, thong thả. Khác vơi mái chè, đều đều, cân đối, qua lại, mái nện có sự biến tấu trong diễn xướng. Lời hò thể song thất lục bát, chia làm hai câu không đều với hai lần xố. Câu một lời hò dài, lối diễn xướng như nói, như kể lể với vế xố dài “I bơ hò khoan”. Câu hai ngân lên như hát, lời ngắn với lời xố đơn “hố” nên gây được hiệu quả biến đổi thú vị, không nhàm chán như mái chè. Vào đầu mái nện bao giờ cũng có câu hò mở có tính tự tình. Câu hò cái và lời xố của hò con cũng rất dứt khoát, mạnh mẽ, có tính đồng tình để mọi người đòng lòng, hiệp sức cho công việc.
Cái hò: Là hỡi chàng ơi
Thiếp chờ chàng ba năm ni chặn.
Bữa thì nguyệt lặn, bữa sao mờ.
Bây chừ mới hiểu rỏ tri cơ
Chứ chàng yêu thương ơi mà có chốn, ơi hò
Con xố: I bơ hò khoan
Cái hò: Có chốn thiếp lại chờ, ơ hò
Thiếp lại chờ cho uổng công, ơi hò
Con xố: Hố

Rõ ràng, cách ngắt câu của hò cái cho bạn xố chỉ diễn ra ở câu tám sau cùng. Cách thức thêm vào những từ đệm, từ láy, nhấn nhá ở đây chủ yếu là để phô chất giọng, tạo hiệu ứng âm thanh. Vì vậy, mái nện luôn được thể hiện trong những câu hò tình tứ, thiết tha.

Tóm lại, hò khoan Lệ Thủy có năm làn điệu (mái) cơ bản như đã nói. Còn những mái hò được nhắc đến trong một số tài liệu như “nậu xăm”, “hò khơi”, “hò lĩa trâu” cấu thức âm nhạc, đế xố của nó chưa rõ ràng nên chúng ta cần nghiên cứu thêm.

PHÁC THẢO DIỆN MẠO HÒ KHOAN LỆ THUỶ (P3)


2.1.4 Lối hò trong hò khoan

Trong quá trình phát triển, từ những làn điệu cơ bản đã nói, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra các “lối hò”. Lối hò, nói cách đơn giản đó là kiểu hò theo những lề lối ước định sẵn. Như cách nói của người Lệ Thủy “hò khoan có lối, hát bội có trò”. Kiểu giao duyên, kiểu nhân nghĩa, kiểu điển tích, kiểu ghểnh ghẹo… Trong mỗi kiểu hò có thể có nhiều làn điệu. Có những lối hò,có lẽ do tính đặc thù của nó mà dân gian gọi tên gắn với hình thức diễn xướng. Như hò giã gạo, hò đưa linh, hò nện đất, cất nhà, hò lĩa trâu, hò khơi... Các lối hò như những khuôn mẫu định sẵn để người ta thi thố tài năng. Hò khoan lúc này nó không còn chỉ dành cho lúc lao động nữa, mà nó đã trở thành những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau những ngày lao động mệt nhọc, khi đồng áng rỗi vụ, nông nhàn. Sẵn có câu hò khoan, các bạn hò, trai thanh, nữ tú tụ họp với nhau nơi đình làng, dưới gốc đa để hò đố, hò ghểnh, xấc leo, đấu trí, giao duyên, trao đi, đổi lại. Người ta nhận ra nhau, người ta cảm nhau vì câu hò thông minh, vì giọng hò trong trẻo, vì cách đối đáp lưu loát, vì lời nhắn gửi ý nhị. Lúc này, hò khoan đã trở thành một thứ nghệ thuật trình diễn rồi, có tính ganh đua, ăn thua rồi. Có thể kể ra đây nhiều lối hò quy ước sưu tầm được trong dân gian: hò nhân nghĩa, hò nhân nghĩa xa cách, nhân nghĩa kết vấn, hò giao duyên, hò xa cách, hò xa cách kết vấn, hò đền ơn, hò đâm bắt, hò bồn ba, hò đố, hò xấc leo, hò đấu trí hò ghểnh, hò thợ mộc, hò lĩa trâu, hò Kiều, hò Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, Thoại Khanh – Châu Tuấn,hò giã gạo, hò đưa linh, hò lính mộ, hò bài chòi… Nội dung cuộc hò xoay quanh những chủ đề đó, lối đó mà ra đề, mà đối đáp, so tài thấp cao. Người ta nhận biết lối hò qua nội dung câu hò. Đủ thấy hò khoan không đơn giản chỉ là chuyện ứng khẩu với nhau theo thể thơ lục bát, song thất lục bát anh em, chàng nàng nữa mà hiểu biết về những tác phẩm văn học lớn, những điển tích đông tây. Lấy đó mà vận vào tình huống mà ứng đối, quả là uyên thâm, tài tình.

Tuy nhiên, qua khảo cứu thì thấy rằng cách phân chia lối hò như cách gọi tên nói trên là chưa đúng, chưa rạch ròi. Hay nói cách khác, chưa có tiêu chí cụ thể cho việc xác định lối hò. Vậy đâu là tiêu chí để xác định lối hò. Theo tôi, nên dựa vào nội dung tư tưởng của câu hò mà xác định. Chẳng hạn, lối hò nhân nghĩa là những câu hò có nội dung nói về đạo đức, lối sống, đối nhân xử thế. Hò giao duyên là những câu hò có nội dung thổ lộ, bày tỏ tình cảm của đôi lứa yêu nhau. Còn hò Kiều, Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình – Dương Lễ… là việc mượn nội dung của các tích chuyện đó mà nói ý. Nó có thể vận dụng trong hò nhân nghĩa hoặc hò giao duyên. Hò lính mộ có nội dung tố cáo xã hội bắt phu, bắt lính. Hò đưa linh, có nội dung phục vụ cho đưa tang. Hò bài chòi là hò trong trò chơi bài tới giải trí. Sau này, trong quá trình phát triển ở Lệ thủy còn có lối hò địch vận, hò chống Mĩ. Thậm chí cụ thể hơn có hò tuyên truyền chống gián điệp.

Vì vậy, để rạch ròi hơn trong phân biệt lối hò chúng ta dựa trên tiêu chí cơ bản là chủ đề nội dung “cái tôi trữ tình” trong câu hò. Nói cách khác, câu hò ấy ý nói về cái gì? Từ đó có thể nhận diện các lối hò trong hò khoan có: Hò nhân nghĩa, hò giao duyên, hò đưa linh, hò bài chòi… Trong mỗi lối hò người ta có thể sử dụng nhiều làn điệu khác nhau. Xin dẫn ra đây một số lối hò tiêu biểu, có tính đại diện cho các lối hò chức năng lao động, hò tín ngưỡng và hò sinh hoạt.

a, Hò nhân nghĩa, giao duyên (còn gọi là hò giã gạo)

Đi theo cách phân loại lối hò như đã nói ở trên thì cách gọi “hò nhân nghĩa, giao duyên” là chính xác. Gọi là “hò giã gạo” vì nó đã được mặc định trong cách hiểu dân gian mà thôi. Thực ra giã gạo là một hình thức diễn xướng của hò khoan, diễn ra rất phổ biến ở Lệ Thuỷ. Lệ Thuỷ là vựa lúa cung cấp gạo cho trong tỉnh và vào tận kinh đô Huế. Ở Lệ Thuỷ có những địa chủ chuyên thu mua thóc, chứa vào kho rồi thuê người xay, giã, dùng ghe chở vào Huế bán. Một trong những địa chủ có tiêng đó là Bát Viếng ở Chợ Đợi, Đại Phong. Nhà Bát Viếng có hàng chục cối giã gạo hoạt động suốt ngày đêm. Dân nghèo đến xay giã thuê, lấy công bằng tấm cám. “Đùng đình xay lúa đồng nai/ Cơm gạo về ngài, tấm cám về tôi”. Khi lao động tập thể, người ta dùng hò khoan để giải khuây, làm quên đi sự mệt nhọc. Sau này, hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí. Nhất là những lúc nông nhàn, nhu cầu giao tiếp mở rộng.

Sở dĩ, tôi gộp chung hai lối hò này với nhau, bởi vì, trong thực tế các cuộc hò đó thường có chung một hình thức diễn xướng mang đậm tính chất sinh hoạt cộng đồng, đó là “giã gạo”. Trong các cuộc hò giã gạo, chủ đề nội dung về tình yêu đôi lứa, về đạo đức lối sống thường đan xen, chuyển hoá liên tục. Ngay trong quy ước các chặng hò của hò giã gạo, ở chặng hò giữa, lối ân tình và lối đâm bắt châm chọc, giễu cợt thường đan xen với nhau.

Hò giã gạo có mặt ở nhiều nơi, từ vùng người Thái Sơn La đến người Mường Thanh Hoá, đến người kinh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vào tận Khánh Hoà. Sở dĩ hò giã gạo hiện diện trên phạm vi rộng như vậy bởi vì, hò giã gạo, có bộ phận đã thoát ra khởi hò lao động, trở thành một lối hò sinh hoạt, hò nghệ thuật rồi. 

Người Lệ Thủy xưa giã gạo bằng chày tay, cối gỗ, loại cối lớn có thể chứa cả thúng gạo. Mỗi cối thường có 2 hoặc 4 tay chày. Khi giã gạo hò khoan, người ta sắp xếp một nửa tay chày là nam, một nửa là nữ. Cuộc hò bắt đầu từ khi cho gạo vào cối, cầm chày và kết thúc khi gạo đã trắng. Và đó là một “cối hò”, kết thúc một cối hò thì thay hò cái. Vào những thời gian rỗi vụ, nhất là những đêm trăng sáng, khắp nơi trong các làng xóm hội giã gạo rộn ràng. Nghe tiếng chày gõ vào tang cối tong tong là không cầm lòng được, trai thanh gái lịch, bạn hò vắt áo lên vai tìm đến. Nhiều khi đi bộ đến chục cây số, bơi qua sông nhưng được gặp bạn hò tri kĩ thì chẳng có gì ngăn cản được họ. Thực ra, giã gạo chỉ là cái cớ, còn mục đích là để người ta giao duyên, thi thố tài cao thấp trong đối đáp, ứng biến.

Hò giã gạo là lối hò dài hơi nhất trong hò khoan và có kết cấu, lớp lang khá chặt chẻ. Nói là dài hơi vì nhiều khi cuộc hò diễn ra thâu đêm. Đôi khi chưa mãn nguyện, hết gạo, bạn hò còn đổ trấu vào giã. Một cuộc hò giã gạo thường diễn ra theo trình tự từ hò mời đến hò gần, hò giữa rồi đến hò xa cách , tạ từ. Hò mời là chặng đầu mà các hò cái làm quen với nhau qua những câu mời chào lịch lãm:

“Bước tới nơi đây xin chào chung chào chạ, 
Có người khách lạ nên phải chào riêng”

Hay:

“Em không chào thì ra câu khinh lệ,
Em mở lời chào thì tục lệ phân minh.
Anh ở xa chưa rõ sự tình, 
Anh có đôi rồi chẳng biết, em một mình nỏ hay”

Dẫu cho các tay hò đã quá quen nhau, đôi khi đã là một đôi “quen hơi, bén tiếng” với nhau rồi nhưng lề lối hò khoan vẫn phải có màn chào hỏi. Có khi chỉ dăm ba câu lấy lệ, nhưng cũng có khi đưa đẩy đến cả chục câu. Có khi câu chào suồng sả: “Ngọn đèn lu lít (lờ mờ) bất nhơn (nhân),/ Anh không khêu cho tỏ, để em thấy nghĩa nhơn mà chào” nhưng khi đã cảm nhau rồi thì cũng lựa chọn bóng bẩy lắm.

Qua chặng hò mời là “hò gần”. Hò gần là chặng hò mà bạn hò xích lại gần hơn, lân la hỏi thăm quê quán, các bậc sinh thành có mạnh khỏe hay không, tình duyên đã có nơi, có chốn nào chưa? “Em có chồng chưa thì cho anh biết, / Anh có vợ rồi cũng nói thiệt cho em hay. /Để mai đây lỡ có cầm tay, / Người thương em đứng đó buông rày khó buông”. Hò gần đôi khi bị xen lẫn vào với hò mời bởi, về nội dung, nó cũng mới dừng lại ở thể thức làm quen ban đầu. Ngay trong chào có cả thăm hỏi và ngược lại. Bởi vậy, ở trong dân gian có một số ý kiến cho rằng, hò mời với hò gần là một.

Hò giữa là chặng chính của hò giã gạo. Đây là thời điểm tung hứng, phô diễn tài nghệ của các tay hò. Tùy theo người đề xướng, chặng hò này thường có hai kịch bản. Một là, cuộc hò sẽ đi theo hướng hò ân tình, đưa đẩy những câu hò có nội dung nói về tình yêu đôi lứa, nhân tình thế thái, đạo nghĩa tào khang. Hai là, cuộc hò sẽ đi theo hướng khoe tài ứng biến, so đọ thấp cao qua những câu “hò đâm bắt”. Trong chặng này, nội dung những câu hò đối đáp sẽ đi theo một chủ đề ước lệ sẵn. Nếu theo chủ đề “ân tình” thì có hò nhân nghĩa, hò giao duyên, nhân nghĩa kết vấn, xa cách kết vấn... Nếu theo chủ đề “đâm bắt” thì có hò đố, hò xấc leo, hò ghểnh, hò bồn ba... Nếu theo chủ đề “điễn tích” thì có hò Kiều, hò Lục Vân Tiên, hò Tam Quốc, hò Lưu Bình – Dương Lễ, Thoại Khanh – Châu Tuấn... Từ những cuộc hò ấy mà nên duyên nhiều đôi vợ chồng và con đường hạnh phúc còn lại của họ cứ sống mãi trong âm hưởng của hò khoan cho đến cuối đời. Người đã có nơi, có chốn rồi thì trở thành “bạn hò”, cặp hò gắn kết keo sơn như bạn Quan họ vậy. Người thì được dân chúng phong cho cái danh hiệu “thợ hò”.

Hò xa cách, tạ từ là chặng cuối cuả hò giã gạo. Khi đã thỏa mãn với cuộc vui, đã cạn vốn liếng ý tứ, hoặc đã hết đêm, trời sáng người ta mới đành cất câu tạ từ: “Ra đi một bước đau lòng một bước/ Ra đi hai bước đành nghỉ trước suy sau/ Mấy lâu ni ý hợp tâm đầu/ Răng chừ én nam nhạn bắc để rầu cho ai!”. Chia tay trong hò khoan chỉ là tạm biệt, đâu phải là từ biệt không hẹn ngày gặp lại. Ấy vậy mà câu hò cũng lưu luyến, dùng dằng lắm. Nhiều nghệ nhân hò khoan nay đã sức tàn, lực kiệt nhưng mỗi khi có dịp nhắc lại vẫn hào hứng như âm thanh mời gọi của hò giã gạo còn lưu luyến đâu đó.

Ở Lệ Thủy bây giờ, hò giã gạo được xếp vào loại hò nghệ thuật. Bởi nó đã dần thoát khỏi thể loại hò lao động để đi vào trình diễn trong môi trường nghệ thuật, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng. Xa xưa, hò giã gạo đã trở thành điểm hẹn ở các sân đình, ở những tụ điểm của làng. Và thường được tổ chức vào ban đêm, dưới ánh trăng, ánh đuốc. Sau này nó được sân khấu hóa, trình diễn, thi thố với trang phục, âm nhạc, ánh sáng phụ họa hiện đại.

PHÁC THẢO DIỆN MẠO HÒ KHOAN LỆ THUỶ (P4)

                                                    Những nghệ nhân thế hệ thứ ba
b, Hò đưa linh

Hò đưa linh là lối hò phục vụ cho đám tang, nó diễn ra suốt thời gian tang gia từ khi người chết đã được khâm liệm, phát tang, cho đến khi chôn cất xong. Thông thường, hò đưa linh chỉ diễn ra trong những đám tang người già đã qua tuổi lão (xưa các cụ đến tuổi 50 là cáo lão). Hò khoan là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian để tạo niềm vui trong lao động. Nhưng hò đưa linh, một lối hò khoan lại được hò trong đám tang. Hò vừa để chia buồn nhưng hò cũng là để thưởng thức văn hóa. Người ta đến đó, ngoài việc chia buồn, còn để thưởng thức giọng hò hay, ngôn hay ý đẹp. Bởi theo các cụ, người cao tuổi mất đi được coi như đã hưởng phúc trời, lộc đất nên không có gì phải đau buồn lắm. Xưa, còn có lễ mừng thọ, mừng thượng thọ, đại thọ. Vào ngày đó, con cháu còn làm lễ tế sống cho cha mẹ. Ở những nhà khá giã, người ta còn thuê thầy làm một bài văn ai, kể lại cuộc đời, công ơn của người đã mất đối với con cháu, làng xóm dưới dạng lục bát để hò. Ở một số vùng văn hóa khác, trong đám tang người ta cũng có hình thức “khóc mướn”. Người khóc mướn là một thành viên trong phường bát âm, khi nhận được thông tin về quan hệ thứ bậc của người nhờ khóc với người chết (chú, bác, cô, dì…) là người ta sẽ khóc một đoạn kể kể với linh hồn người chết thay cho người đến viếng. Người khóc có thể tự sáng tạo tức thì lời lẽ mà không bị ràng buộc bởi cấu tứ, giai điệu của âm nhạc. Hò đưa linh không cho phép như thế, nó phải nằm trong khuôn phép của làn điệu, của hình thức diễn xướng. Câu hò phải là lục bát, song thất lục bát hoặc biến thể của nó.

Hò đưa linh thường là do các nghệ nhân làm “hò cái”, đội “âm công” là “hò con”, đế xố, diễn xướng. Vai trò các nghệ nhân dân gian trong hò đưa linh là rất quan trọng. Bởi, trong một không gian lễ nghi đượm chất buồn đau ấy thì người hò cái phải “thuộc bài”. Không thể lấy những bài hò có nội dung vui vẻ, lả lướt như khi hò giã gạo được. Không những thế, người hò cái còn phải biết lựa chọn các mái hò sao cho âm hưởng của nó phù hợp với khung cảnh. Người hò con là thành viên trong đội âm công, được tập hợp từ các con, cháu, người thân của tang gia. Ngoài chức năng xố con, họ còn nhiệm vụ diễn xướng chèo cạn lúc ở nhà, lúc chèo thuyền đưa linh trên sông, lúc nện đất lấp mồ. Mới thấy hò khoan ở Lệ Thủy phong phú đến thế nào. Máu hò khoan nhiều đến thế nào trong huyết quản của con dân Lệ Thủy.

Hò đưa linh được đưa vào trong “kịch bản” một đám hiếu với chức năng riêng của nó. Phường bát âm là để tấu nhạc cho cúng tế và xen giữa những lúc khách viếng. Hò đưa linh thì diễn lúc quãng nghỉ của lễ tế, lúc chèo thuyền, lúc chôn cất. Có nhiều chặng hò trong một cuộc hò đưa linh. Chặng đầu là từ sau khi phát tang cho đến trước lễ động quan. Chặng thứ hai là từ khi đưa linh cữu xuống thuyền, chèo đưa lên núi. Chặng thứ ba là khi đổ đất lấp quan tài, đắp mộ. 

Diễn xướng trong hò đưa linh có lớp lang, trình tự kết cấu chặt chẻ. Khởi đầu là hò ai điếu sau khi làm thủ tục khâm liệm, phát tang. Thông thường, những lúc này không khí buồn đau, thương tiếc đang chế ngự tang gia nên chỉ có một hò cái và một hò con diễn xướng. Thậm chí, chỉ có hò cái đảm nhận luôn hai chức năng hò và xố. Nội dung những câu hò lúc này thường là kể lễ về nỗi buồn, nỗi đau và lòng tiếc thương của gia quyến. Làn điệu hò lúc này thường là mái nện. Giai điệu của mái nện đều đều, hòa quyện với tiếng sanh, tiếng mõ u tịch, rất phù hợp với không khí u buồn. Thông thường, linh cửu để trong nhà 3 ngày, 7 ngày (nay tập quán này không còn). Trong thời gian này, xen giữa những lúc lễ cúng và độc diễn hò mái nện của nghệ nhân, người ta diễn hò chèo cạn bằng mái ba. Hò chèo cạn là diễn xướng do hò cái và đội âm công thực hiện. Âm công thì đứng làm hai hàng, chân trước, chân sau, tay làm động tác chèo thuyền, khi hò, di chuyển đội hình theo những cách thức định trước. 

Diễn xướng trong hò chặng hai là lúc chèo thuyền đưa linh cữu lên núi. Để chở quan tài, người ta kết hai chiếc thuyền lại với nhau, trên lát ván, kết mái, trang trí lá ngâu, lá dừa, đèn lồng. Thuyền kết được bố trí hai dãy chèo hai bên. Di quan vào ban đêm, hạ quan trước khi trời sáng, nhiều hôm trời tối như mực. Quãng đường thì xa, có nơi đến 15 - 20 km, phải chèo cả đêm. Những lúc đó diễn xướng hò khoan lại tiếp tục. Trong bối cảnh chèo thuyền, thông thường người ta hò mái ba. Hò mái ba chậm rãi , phù hợp với nhịp chèo thuyền. Kiểu xố của hò mái ba cách quãng đều đặn với câu xố “hò là hô là khoan” như cầm nhịp cho các tay chèo. Vậy nên, mặc dầu tối trời, các tay chèo vẫn thong thả đều nhịp với nhau, giúp con thuyền thẳng hướng.

Diễn xướng chặng ba của hò đưa linh là lúc bắt đầu lấp đất, nện chặt, đắp mồ. Lúc này đội âm công vừa đổ đất xuống huyệt cầm dùi như cái chày tay, di chuyển vòng quanh huyệt, vừa làm động tác nện đất. Tiếng chày rập ràng nện xuống theo nhịp điệu của hò khoan mái xắp, mái nện. Mái xắp, mái nện có tiết tấu nhanh đều. Với tiết tấu đó, nó chỉ cho phép người nện nâng dùi nện lên độ cao vừa phải, hạ xuống nhẹ nhàng, không làm kinh động đến quan, không làm đau lòng người thân. Hò cái lúc này chỉ đứng ngoài cầm chịch qua các câu hò.

Hò đưa linh là lối hò trong nghi lễ đám tang, vậy nên nội dung các câu hò thường đượm buồn. Khéo léo hơn là, trong mỗi chặng hò, các nghệ nhân có cách chọn lựa ngữ cảnh rất chu chỉnh. Trong những ngày linh cữu tại gia, bà con, xóm làng đến viếng, xen giữa những đoạn nhạc hiếu kéo bản lưu thủy hành vân là những đọan hò kể lễ về người chết. Ở những gia đình khá giả, gia chủ nhờ nghệ nhân soạn những bài văn ai thể lục bát, có nội dung nói về công sinh thành, cưu mang, dưỡng dục của người đã khuất để răn dạy con cháu. Đôi khi người ta lấy các tích chuyện trong những tác phẩm văn học, hoặc lấy những đoạn trong “văn tế thập loại chúng sinh”, trong “nhị thập tứ hiếu” để diễn xướng. Khi chèo thuyền đưa linh lên núi, ngoài những câu hò có nội dung chia ly, đau buồn thường người ta hò những câu có nội dung ly biệt xóm làng, bản quán. Khi nện đất lấp mồ, nội dung câu hò đã đến đoạn cách biệt âm dương, người đi kẻ ở. Người ta không ngớt lời thở than sao lại bỏ nơi êm ấm mà tìm về nơi hoang lạnh. Lời hò nặng chịch theo tiếng chày nện đất.

Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong hò đưa linh cũng rất khéo léo. Cái chết là sự mất mát. Vậy nên chúng ta bắt gặp trong các bài hò đưa linh rất nhiều những từ, ngữ nói về sự chia ly vô vọng, đau đớn, xót xa. Nó như là tiếng khóc than, nhưng là sự khóc than trong câu hò nên nó mang chất văn hơn. Ta bắt gặp ở đây rất nhiều những từ, cụm từ “khuất xa muôn trùng”, “nước non cách vời”, “buồn thiu”, “ưu phiền”, “lạnh lùng”, “cô đơn”, “ruột thắt héo hon”, “não nề tâm can”… Phần nhiều ngôn ngữ có tính hình tượng gợi khung cảnh buồn, dễ động đến long trắc ẩn của mọi người. Nhiều người đến dự đám không cầm được nước mắt khi nghe những câu hò héo hắt ruột gan như vậy.

Hò đưa linh là một lối hò rất độc đáo thể hiện tầm cao sinh hoạt văn hóa dân gian ở Lệ Thủy. Tính độc đáo ấy toát ra từ sự tinh tế trong vận dụng một loại hình sinh hoạt văn hóa có tính lễ hội vào trong đám tang. Không phải ở đâu và ai cũng làm được. 

c, Hò bài chòi

Bài chòi còn gọi là “bài tới”. Gọi là “Bài chòi” vì khi chơi người ta ngồi trên chòi cao, còn gọi là “tới” bởi vì, khi kết thúc ván người chơi hô “tới, tới”, nôm na là vậy. Bài chòi không chỉ có ở Lệ Thủy mà nó có mặt ở cả Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên cách gọi tên, nội dung câu hò để chỉ tên quân bài, cách diễn trò ở mỗi vùng có khác nhau, gắn với đặc điểm sinh hoạt, phong tục từng nơi. Chẳng hạn, bài chòi ở Quảng Nam chỉ dùng 9 chòi và có 2 cách chơi. Một cách là “hô bài chòi” với việc xướng tên các quân bài, và một cách là hát bài chòi, hát bội mang tính sân khấu được phát triển từ các “chiếu chòi”. Bài chòi ở Huế gần với cách chơi ở Lệ Thủy nhưng nó mang tính cung đình hơn. Ngay trong cách gọi tên quân bài cũng có những khác biệt. Bộ bài của bài chòi Quảng Nam có con “Cột nọc, Cửu chùa, con Mắt, con Thất”, nhưng trong bộ bài của Lệ Thủy không có. Tuy cùng được lấy ra từ bộ bài Tam cúc 30 quân và chia làm 3 pho: Văn, Vạn, Sách nhưng cách gọi của bài chòi Huế thường ghép nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục... với tên pho con bài. Còn cách gọi con bài ở Lệ Thủy mang tính dân giã, chủ yếu là gọi thẳng tên con bài ra như: con xe, con gối, con gà, con gióng, nọc đượn...

Bài chòi thường diễn ra vào những dịp lễ hội hoặc tết âm lịch nên từ cái cách trang trí chòi cũng rất tươi vui, cờ hoa, lồng đèn, kết lá làm cửa, treo rèm vẽ tranh xuân hạ thu đông hoặc mô tả các điển tích. Có cả phường nhạc kèn, trống, sáo, nhị réo rắt. Do vào dịp lễ hội, du xuân nên nhiều khi cả nhà cùng mua một chòi ngồi chơi. Người lớn, trẻ con người cầm bài, người gõ mõ, đốt pháo, phất cờ rất nhộn nhịp. Nếu may mắn được nhiều ván thưởng cờ xéo, cờ vuông thì vô cùng hoan hỉ vì khởi đầu nhiều tài lộc.

Hội bài chòi có sân chơi với những quy ước cụ thể. Về cách bài trí, trong sân chơi (thường là đình làng hoặc bãi đất trống) người ta dựng 11 cái chòi chia làm hai dãy đối diện nhau, mỗi bên 5 chòi, chính giữa hai dãy chòi phía khán đài là một chòi cái cho người chủ trò. Các chòi được dựng bằng gỗ hoặc bằng tre, cao chừng mét rưỡi, có thang để người chơi lên xuống. Chòi được lợp bằng mái lá, hoặc cỏ gianh, có rèm che tứ bề, được trang trí cờ, hoa, câu đối sặc sỡ. Trước mỗi chòi có treo tên chòi theo quy ước thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kĩ, canh, tân, nhâm, quý). Sở dĩ người ta không chọn hàng chi để ghi tên chòi bởi chỉ có 10 chòi. Hơn nữa, đầu năm chơi xuân mà ngồi phải cái chòi không phải tuổi của mình (trong hàng chi) thì cũng không hào hứng.

Về cách chơi, trước tiên người chủ trò sai người giúp việc (còn gọi là người chạy cờ, có nơi không có người chủ trò mà chỉ có “anh hiệu”) chia 30 quân bài cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con (quân bài được dán vào một cái thẻ tre). Sau đó, người chủ trò xướng một câu hò vào cuộc rồi rút một quân bài của bộ thứ hai được đặt trong một cái ống tre cao quá đầu người trước chòi cái. Xem quân bài và hò lên bài hò có nội dung mô tả tên con bài. Nếu chòi nào có con bài đã được chia trùng tên với con bài của chủ trò thì gõ lên ba tiếng mõ. Người chạy cờ sẽ mang đến cho chòi ấy một lá cờ xéo cầm tay. Chòi nào được 3 cờ xéo thì đánh một hồi mõ dài, rồi hô “tới”, vậy là xong một ván. Nhạc tấu lên, người ta hò chúc mừng. Người chạy cờ đội mâm, trên có phần thưởng, đến dâng lên cho chòi được giải. Một hội chơi có 8 ván. Ai tới một ván thì được đổi 3 cờ xéo lấy một cờ vuông. Nếu trúng ba cờ vuông liên tục thì được một phần thưởng đặc biệt. Lúc ấy người ta reo hò, đốt pháo, khua chiêng, gióng trống, nổi kèn in ỏi.

Bài chòi ở Lệ Thủy là một trò chơi mang tính văn hóa sâu sắc. Bởi khác với bài chòi ở các vùng khác “anh hiệu” hô tên quân bài bằng một câu văn vần, hoặc hát lên một trong bốn làn điệu: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hồ quảng, thì ở Lệ Thủy người ta dùng năm mái hò khoan. Chính yếu tố này đã biến bài chòi thành trò vừa chơi vừa diễn, một lối diễn xướng mang tính quần chúng rất hay và thu hút. Khi xướng tên quân bài, người cầm cái hò lên những câu lục bát, hoặc song thất lục bát với giai điệu của một mái hò khoan. Người chơi ở các chòi xố theo, cả đám đông xem trò cũng xố rất rộn ràng. Có nơi tổ chức hẳn một dàn nhạc với trống, phách, nhị, sáo phụ họa cho các nghệ nhân hò khoan. Người ta đến với trò chơi là để thi thố giọng hò, thưởng thức giọng hò của các “cao thủ” nghệ nhân, để đế xố, phụ họa cho xôm trò. Rồi thì xen vào giữa các ván là các câu hò khoan do các nghệ nhân, các tay hò tung hứng, đối đáp, người xem thì xố, đế, trống điểm tán thưởng. Đôi khi hứng khởi người ta tung tiền ra thưởng. Hội bài chòi trở thành hội diễn, hội xố náo nhiệt.

Chơi bài chòi là trò chơi có thưởng, nhưng cách thưởng cũng rất văn hóa. Phần thưởng có thể là tiền, mà tiền ấy được những người chơi bỏ ra mua chòi thử vận may hoặc do những người cổ vũ thưởng vì hò hay… Ngoài tiền thưởng người ta còn thưởng câu đối, hoành phi hoặc chữ chúc phúc, lộc, thọ của các thầy đồ. Cái cách thưởng cũng rất đặc biệt. Tiền thì cho vào phong bao giấy hồng, cho lên một cái mâm đồng, đậy khăn điều, đội lên đầu. Ban nhạc chơi một khúc chúc mừng kèm theo một vài câu hát, lời hò chúc tụng vui vẻ. Đôi khi người thắng cuộc còn cao hứng đốt một bánh pháo ran ran.

Bài chòi rất thu hút dân quê. Chẳng cần chữ nghĩa, dân quê có nhiều cách để truyền cảm hứng cho người chơi, tìm cách duy trì nó qua truyền khẩu. Vậy nên, cách gọi tên quân bài cũng rất độc đáo, chân quê. 30 quân bài có những tên gọi nôm na: Nhứt trò; Thái tử; Trạng hai; Trạng ba, Ông Âm; Con Xe; Con Gối; Bát bồng; Con Gà; Sáu dây; Tám dây; Sáu tiền; Tám tiền: Nhứt Nọc; Lá liễu; Bạch tuyết; Cửu sại; Con Đấu; Con quăng; Nhọn mõ; Lục chuôm; Thẳng cẳng; Đỏ mỏ; Con giống; Con sưa; Con Dày; Con nghèo; Con Rún; Con voi; Ngủ trưa. Những ông ầm, con quăng, đỏ mỏ, con sưa, thẳng cẳng, con rún, ngủ trưa… vừa nôm na vừa địa phương mà đôi khi không phải là người Lệ Thủy thì không hiểu nổi. 

Ở Lệ Thủy có một số tụ điểm hò bài chòi đã trở thành địa danh như Lộc An, Cổ Liễu, Đại Phong, Quảng Cư...Mỗi tụ điểm ấy xuất hiện một số nghệ nhân nức tiếng hò hay, đối đáp giỏi. Ngày xuân, lễ hội có thêm một sân chơi bài chòi thì đời sống văn hóa nông thôn càng thêm tươi vui. 

2.2 Nhạc cụ cho hò khoan 

Chỉ có trong các buổi diễn, thi thì mới dùng đến Nhị, Hồ, Sáo, Trống, Sanh… (bộ dây và bộ gõ của dân ca) còn thông thường, nhạc cụ cho hò khoan chỉ là những thứ đơn giản, gắn với công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, không có gì cả thì vỗ tay bắt nhịp… những thứ gì có thể tạo ra âm thanh cho “rập ràng” là được. Có một số thứ “nhạc cụ” rất độc đáo thường được người hò dùng đến một cách ngẫu hứng. Ví như, cặp chén uống trà, thứ vật dụng có sẵn trong các buổi giao lưu. Âm thanh lanh canh, lách cách của nó thật riêng biệt. Khi rung lên nó vang vang xao động khán trường, kích thích sự hứng khởi. Ví như, cái chày giã gạo, bạn hò dùng nó khắc nhịp, mỗi khi nhấc chày lên là gõ nhẹ xuống tang cối. Giã chày đôi thì nhịp gõ khoan thai người hò dùng làn điệu mái ruổi, mái ba. Khi chày tư, nhịp chày dồn dập, tiết tấu nhanh, người ta dùng mái xấp, mái chè. Những đêm trăng sáng mở hội hò khoan, đứng bên này sông Kiến Giang vần nghe tiếng chày rập ràng vọng lại từ bên kia sông. Nó cuốn hút đến nỗi, không có đò ngang thì cởi áo bơi qua sông để dự cuộc hò. Người Lệ Thủy trước đây mỗi khi làm nền nhà, làm sân phơi bằng đất thường trộn thứ đất dẻo rải lên rồi dùng một đoạn gỗ được đẽo thành hình như con vịt, gọi là cái “bê” để vỗ mặt đất cho chặt, cho phẳng. Mỗi lần như vậy họ cũng lấy nhịp “bê” đất rập ràng cầm nhịp cho hò khoan. Có ai ngờ rằng khi chèo thuyền mà gặp cuộc hò khoan, người chèo thuyền lấy bàn chân dẫm mạnh xuống thuyền tạo thứ âm thanh như tiếng trống đùng đục, dùng mái chèo vỗ xuống nước mỗi khi bập chèo xuống bùm, bùm để làm nhịp đệm. Đến cả khi chôn cất người chết, đám âm công trong bộ đồng phục xanh, tay cầm dùi đầm đất, cất bước đi vòng quanh mộ, nhấc lên, nện xuống nhịp chày rập ràng tạo nhịp cho hò khoan. Tất cả, tất cả những gì là công cụ lao động đều trở thành “nhạc cụ” cho hò khoan. Cái độc đáo của hò khoan là chỗ đó. Nó là thứ sinh hoạt văn hóa của người lao động, gắn với lao động.

PHÁC THẢO DIỆN MẠO HÒ KHOAN LỆ THUỶ (P5)

                                                       Thế hệ nghệ nhân lớn tuổi
3. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA HÒ KHOAN LỆ THỦY.

Nghiên cứu giá trị dân ca cần xem xét trên nhiều bình diện, song có ba vấn đề không thể thiếu đó là: Giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật và giá trị âm nhạc của nó. Trong hò khoan Lệ Thủy những vấn đề đó thể hiện như sau:

3.1. Chủ đề nội dung - cái tôi trữ tình trong hò khoan.

Trong số gần 2000 câu hò sưu tầm được thấy rằng, nội dung mà hò khoan đề cập là rất phong phú. Có những cái to tát như nhân tình, thế thái, sự đời, chuyện quan trường, quốc sự. Cho đến tình cảm, trao duyên, thậm chí chỉ là một chút trách cứ, than phiền. Thống kê cho hết thì e không thể, nhưng đại lược thì có thể thấy cái tôi trữ tình mà hò khoan đề cập thể hiện qua những nội dung chính như sau:

- Tình yêu đất nước, quê hương sâu nặng bắt nguồn từ núi non, sông biển, cây đa, bến nước của nơi chôn nhau, cắt rốn. Mảnh đất Lệ Thủy nhỏ hẹp nhưng may mắn có cả ba vùng biển, núi, đồng bằng. Chẳng ở nơi đâu địa lý tự nhiên lại đẹp như Lệ Thủy. Chắn gió biển khơi là một dãy đồi cát trắng, có ngọn cao cả trăm mét. Chang chang cồn cát, trắng lóa vào ngày hè nhưng trong cát bỏng đó vẫn mát rượi dòng nước ngầm ngọt lịm. Nước không chỉ chảy thành dòng suối nhỏ mà còn tạo thành hồ, đầm mênh mông vạn khoảnh ngay cạnh biển khơi như Bàu Sen, được ví như Nhị Hồ ở Trung Quốc. Đồng bằng Lệ Thủy nổi tiêng là phì nhiêu. Đã có câu ca “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Ít tai ngờ rằng giữa cái đoạn thắt ấy lại có một vùng ruộng mênh mông, chằng chịt sông ngòi, phù sa lớp lớp. Thứ phù sa được chở từ dãy Trường Sơn qua mỗi mùa mưa bão, lũ lụt. Ruộng hổi ở Lệ Thủy phải cày bằng hai trâu mới đi nổi. Có vùng người cũng không đứng xuống ruộng được vì bùn lầy sâu vài mét. Người đi cấy lúa su phải dùng hai cây tre đặt nằm xuống mặt ruộng mà đứng chân. Cấy giật lùi đến đâu thì nhấc một chân lên, kéo cây tre lùi xuống. Núi rừng Lệ Thủy kéo mãi đến biên giới Việt – Lào, tài nguyên vô tận. Gỗ quý, song mây, trầm kỳ… thứ gì cũng có. Một thời hợp tác xã nào cũng có một đội “Sơn tràng” ở miết trên rừng khai thác gỗ.

Thiên nhiên là vậy, song lao động thật quả nhọc nhằn bởi quanh năm hết gió lào bỏng cháy, lại bão tố lũ lụt ngập tràn. Nhiều khi lúa chín, miếng ăn trông thấy rồi mà chỉ một đêm mưa là lũ ngập trắng đồng. Vậy nên, trong câu hò xứ Lệ thấm đẫm chuyện buồn.

“Thân em khó nhọc trăm bề,
Sớm lên đồng cạn, chiều về đồng sâu.
Có gương không kịp rẹ đầu,
Có cau không kịp têm trầu mà ăn.

Ấy vậy nhưng lúc nào người Lệ Thủy cũng lấy ngọn núi cao Đâu Mâu, phá Hạc Hải, sông Kiến Giang để mà nhớ, để mà ví von, mượn nó mà nói nỗi lòng thương nhớ, tình chung thủy. Hình tượng “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên” trở đi trở lại trong hò khoan lệ thủy nhiều lần.

“Núi Đâu Mâu cao bao nhiêu trượng
Sông Lệ Thủy sâu bấy nhiêu tầm; 
Dừng chèo đợi bạn tri âm;
Non mòn, biển can, vẫn nhất tâm đợi chờ”

Đôi khi cái sự tan, hợp của tình duyên người ta cũng liên tưởng đến sông nước đất quê. Dẫu có ngọn nguồn ở tận đâu, dẫu có thác ghềnh cách trở nhưng cũng không ngăn cản được Kiến Giang tìm về nơi Hạc Hải, hội nhập làm một cho trọn nghĩa vẹn tình. Sông có nghĩa tình như người vậy, tất không thể chia xa.

“Cầu Tràng Kênh dầu có phân đôi ngả
Sông Lệ Thủy dầu có cách phá trở ghềnh
Vì em có nghĩa có nhơn nên gương vỡ lại lành
Đôi lứa ta kết trọn để cho mình nên duyên”

Cũng có khi vươn vai đứng đón gió hương đồng sớm mai mà cảm cái nỗi nhớ về người yêu thương. Nghe đâu đó trong gió nồm nam hương lúa, hương tóc, hương tình mà ví von. Mà cách ví von cũng thật chân quê, mộc mạc nhưng rất sâu đậm nghĩa tình.

“ Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng bát ngát mênh mông
Thân em như chẹn lúa đòng
Phất phơ trước ngọn gió nồng ban mai.”

Quần quật đầu tắt mặt tối, lam lũ chốn mom sông hay đầu ngọn suối mò cua, bắt ốc. Đói cơm rách áo nhưng lòng dạ chỉ nghỉ về nhau. Quyết một lòng vì nhau, có nhau, không bao giờ đổi thay.

“Nước ròng em xuống sông mò cua bắt cá,
Nước nậy em lên rừng hái rau má, rau mưng.
Đắng cay mặn ngọt đã từng,
Dẫu chàng ăn thiếp nhịn, xin đừng quên nhau.”

Nói tóm lại, những núi cao, sông rộng, mênh mông cánh đồng, cây cầu, bến nước của miền quê ấy luôn làm cho con người Lệ Thủy nặng lòng trắc ẩn với quê hương. Tình yêu quê hương là một thuộc tính cha truyền con nối của người Lệ Thủy. Đi đâu, ở đâu thì câu hát đồng giao, câu hát ru, câu hò cũng vẫn níu kéo họ về quê.

- Hò khoan Lệ thủy luôn nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, chữ trung, nghĩa nhân, chung thủy. Thấm nhuần giáo hóa của đạo Nho, đạo Khổng trong cái mối lương duyên phụ tử, phu phụ, đệ tử. Một lòng thờ mẹ kính cha, chung thủy vợ chồng, trọn nghĩa bè bạn, đùm bọc xóm giềng. Đây là một trong những nội dung nổi trội của hò khoan. Bởi như đã nói, mảnh đất Lệ thủy đầu sóng, ngọn gió, ngút lửa chiến tranh. Trong cảnh loạn ly đó mà không nghĩa tình, chung thủy, không cố kết, đùm bọc thì chẳng ai còn.

Trước hết đó là chữ “hiếu”, chữ hiếu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lời của hò khoan. Những lời ca tụng công cha, nghĩa mẹ sinh thành, nuôi dưỡng. Khi thì “đắng nước, nghẹn cơm”, khi thì “thân cò lặn lội” quãng vắng chiều đông, lặn ngụp trên đồng vớt lúa ngập lụt, ngửa mặt than trời “Trách ông trời ăn ở không cân; Kẻ ăn không hết người lần không ra”. Khi đêm đông gió buốt chỗ ướt mẹ nằm. Khi thì cha còn mịt mù đi phu, đi lính “tấm phên hư, nuộc lạt đứt” mà chẳng biết cậy nhờ ai. Vậy nên khi giao duyên người ta luôn nhắc nhau.

“Công sinh thành cù lao dưỡng dục
Trong dạ anh chính khúc vò tơ
Công ơn thầy mẹ biết tính răng chừ
Thiếp theo chàng cho được, chớ nghi ngờ chuyện chi”

Hoặc:
“Ơn song thân cù lao dưỡng dục
Nghĩa cưu mang chính tháng còn dư
Lấy chi đền nghĩa mẹ chừ
Vì gia bần, trí đoãn, sau phụ mẫu “động cư” có chàng”

Bởi vậy nên, trai gái từ lúc tìm hiểu nhau, đến lúc thành thất thành gia không bao giờ phai nhạt tình phụ mẫu. Hò khoan đã cho họ những bài học thuộc lòng về chữ hiếu.

Sâu nặng, mặn nồng là chữ “tình” của nghĩa vợ chồng, lúc nào người ta cũng ví nó như cao như núi, sâu như sông, như biển. Là nghĩa tào khang, mà vàng son cũng không đổi được. Vậy nên lúc nào họ cũng dặn dò nhau:

“Lòng lại dặn lòng non mòn bể cạn
Dạ lại dặn dạ đá nát vàng phai
Dặn rằng bạn chớ nghe ai
Đã nghe ai thì xin chớ, vãng lai chốn này”

Hể mà xa nhau là ví như chim xa rừng, cá xa nước, cầu cất, đò neo.Là mong nhớ, trông ngóng “Như giang trông lửa; như đại hạn chờ mưa”. Ra ngóng vào trông.

“Thiếp xa chàng ra đàng ngó vội
Thấy được mặt rồi dạ đói cũng no
Không tin cứ để đó anh dò
Ai bắc cầu cho biết, ai chèo đò cho hay”

Nghĩa tình phu phụ keo sơn, chia bùi sẻ ngọt, lên non, xuống biển, no đói có nhau. Nên chỉ xa nhau thôi đã thấy trống trãi, rã rời, cơm không muốn ăn, nước không muốn uống. Nghe con hạc kêu, vượn hú nhớ chồng chan chứa lệ rơi

“Con nhạn lạc bầy nó kêu oái oái
Con vượn lìa cành cắn trái khóc than
Vắng người thương châu lệ nhỏ tràn
Thôi cam đành chịu vậy, nỏ thở than chi chừ”

Đến như chàng xa nhà chỉ có ba tháng (ba trăng) mà đã sầu tương tư:

“Thiếp xa chàng tấm phên hư, nuộc lạt đứt
Chàng xa thiếp khi đói nước nghẹn cơm
Ba trăng là mấy mươi hôm
Mai nam vắng trước chiều nồm quạnh sau”

Trong thời loạn ly, mà Quảng Bình, Lệ Thủy thì đã có bao giờ yên, cái cảnh chinh phụ của nhiều thế hệ cứ nối dài ám ảnh những người phụ nữ đất này lúc nào cũng nơm nớp phải chia xa, lúc nào cũng hoang mang cảnh mất chồng. Người chinh phụ còn có cái mà mong chờ như “ngọn đèn leo lét” nhưng người đàn bà mất chồng thì phải sống kiếp trầm luân. Vậy nên, nội dung nỗi niềm chinh phụ được nói đến rất nhiều trong hò khoan Lệ Thủy.

“Anh ra đi đầu đơn lính mộ
Hai chữ tang bồng ở chỗ người ta
Sao không thương con thơ ấu với mẹ cha già
Khi mưa khi nắng thiếp phận đàn bà khó khăn”

“Vắng bạn ta ngày tha đêm thiết
Duyên số tự trời ly biệt bấy lâu
Hiềm vì sông sâu chưa bắc được cầu
Nên đò ngang lỡ chuyến dạ sầu lắm thay”

Khi mất mát họ than thở:

“Duyên đã may cớ sao lại rủi
Nghĩ nguồn cơn thêm tủi dạ chàng
Liễu hờn tủi phận hồng nhan
Ai xui mà lại dỡ dang thế này”

Tình chồng nghĩa vợ sâu nặng đến vậy nên khi duyên phận trắc trở, chia lìa thì thật đau đớn. Nhiều câu hò trách duyên phận nghe như xé lòng, đứt đoạn ruột gan.

“Trúc xa mai vì ai rứa hử
Thiếp xa chàng tâm sự chơi vơi
Thương thân đây với hởi trời
Kẻo chưa bao lăm ngày tháng, sao đã đổi dời nợ duyên.”

- Tha thiết, mặn nồng đó là mảng hò khoan nói về tình yêu trai gái. Bất chấp tất cả, mặc kệ nắng mưa, bão tố, mặc kệ bom đạn, binh đao, mặc kệ mẹ cha gã bán, mặc kệ trái ngang, tình yêu vẫn đơm hoa, kết trái. Cái cách trai gái đến với nhau qua hò khoan thật là độc đáo. Nhiều khi chỉ là bắt lời đối đáp lúc chèo thuyền trên sông, nhắn nhủ xa gần bên cối gạo, gửi gắm từ bờ bên ni qua bên nớ là tình yêu đã được khơi nguồn.

“Gió mát trăng thanh bạn lành chưa thấy mặt
Thoảng nghe tiếng hò lúc nhặt, lúc khoan
Đêm nằm mà dạ không an
Nghe lời bạn thốt, băng ngàn ra đi”

Hay: 

“Anh đứng xa cách ba trộ sáo
Nghe tiếng em hò cuốn áo ra đi
Mấy đời, mấy thuở, mấy khi
Trai thanh gặp lại nữ nhi chốn này”

Trong hò khoan, những câu chuyện yêu đương người ta gọi là hò “kết vấn”. Mà đã hò kết vấn là nó có lớp lang hẳn hoi, đi từ chào hỏi, thăm dò đến trao duyên, gửi ý. Khi đã mãn cuộc chơi thì tam biệt, chia xa, hẹn hò gặp lại. Chúng ta bắt gặp ở đây những câu ướm hỏi tế nhị, những câu trao duyên tình tứ cứ như sợ phải nói ra. Những lời xe duyên, kết phận thiết tha, thề nguyền gắn bó đến đầu bạc răng long. Những lời than thở nhớ nhung khi cách mặt, cách sông trở hói, cha mẹ cản ngăn, người đời lá lay chia rẻ. Những nỗi ai oán trách duyên, hờn phận khi lỡ làng.
Khi mới gặp nhau người ta hò thế này:

“Em có chồng chưa nói cho anh biết
Anh có vợ rồi cũng nói thiệt cho em hay
Để khi ra đường lỡ có cầm tay
Sợ người thương em đứng, đó buông rày khó buông”

Sau cái màn chào hỏi là buông lời ong bướm, tán tụng nào là “mắt phượng, mày tầm”, “môi đỏ tợ son”, nào là khuôn trăng đêm thu khiến anh “càng ngó càng đẹp, càng nhìn càng ưa”… Đôi khi còn ướm thử hay là em chỉ chuộng “nơi mâm thau bịt bạc, nơi chén kiểu bịt vàng”. Dẫu có đã xiêu lòng rồi đấy nhưng là thân gái liễu yếu đào tơ thì vân phải tình trong như đã, mặt ngoài vẫn e.

“Thương anh không dám thương nhiều
E mai có kẻ mĩ miều hơn em”

Được lời như cỡi tấm lòng, đây là cơ hội để người ta giã bày, trần tình thề thốt dẫu nay mai có “Chộ non cao không sấp mặt; Chộ sông dài không xây lưng”. Dẫu gặp “Phá Tam Giang anh cũng lội, núi Mâu Son anh cũng trèo”. Đến thế thì gì mà chẳng xiêu lòng, rồi cảm, rồi yêu. Mà đã yêu thì:

“Dẫu rằng thầy mẹ có đan rọ thả trôi
Thả trôi thì thả thiếp không thôi nghĩa chàng”

Vậy là đã hẹn ước, thề nguyền trao thân, gửi phận. Nhiều khi cuộc vui thâu đêm, suốt sáng, giã hết gạo họ đổ cả trấu vào giã. Thế rồi cuộc giao duyên cũng đến hồi từ tạ. Tiếp đó là chuỗi ngày trong ngóng khôn nguôi, nhớ mong gia diết “cơm ăn không đặng, nước uống nõ vô”, chỉ mong thấy mặt nhau là được

“Thiếp xa chàng ra đàng ngó vội
Thấy đặng mặt rồi dạ đói cũng no
Không tin để dạ mà dò
Ai bắc cầu cho biết, ai chèo đò cho hay”

Trong yêu đương, thời gian và không gian thật không bình thường. Người ta dành cho nhau cả đêm dài để tình tự nhưng khi chia xa, dứt áo ra về thì thấy như “vừa bén tiếng, quen hơi”. Xa nhau mới có một ngày mà tưởng như “đằng đẵng ba thu”. Trong thời gian chia xa ấy họ như mộng du, nửa mê, nửa tỉnh.

“Sầu tương tư nên hư nhan sắc
Ốm đau gì mà thuốc bắc thuốc nam
Ước chi thiếp được gặp chàng
Hoa tê dầu héo cũng rỡ ràng lại tươi”

Thường thì người ta khóc khi gặp điều mất mát, cùng cực, uất ức, đau khổ. Nhưng với những kể yêu nhau, nước mắt rơi vì mong nhớ, đợi chờ. Với họ, nước mắt làm vơi bớt nỗi buồn chia xa nặng trĩu trong lòng.

“Vắng mặt em một ngày lòng anh dao cắt
Vắng mặt em hai ngày nước mắt lâm li
Mấy lời chàng dặn thiếp hãy nhớ ghi
Chớ thay lòng đổi dạ, chớ phân ly tội trời”

Ấy là chưa kể khi gặp phải trái ngang, cách trở, không đến được với nhau. Mà dưới thời phong kiến xưa thì chuyện đó không phải hiếm. Những rang buộc của “môn đăng, hộ đối”, của đạo làm con phải nghe lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Duyên phận lỡ làng, thì câu hò thật là ai oán.

“Xưa kia tưởng kết đôi phường hội
Thiếp đã đưa tay ra thay gối chàng kê
Nay vì ai mà không trọn đạo phu thê
Liếc mắt nhìn người thương buổi trước, châu lệ cứ dầm dề chẳng khô”

Trong hò khoan, có rất nhiều câu hò than thân trách phận nhưng thực ra là mượn lời để tố cáo những rang buộc vô lý làm chia cắt tình yêu. Phần lớn những câu trách cứ đó dành cho thầy, mẹ. Vì thầy mẹ “ngăn duyên rẽ thúy”, “chỉ vì thầy ngăn, mẹ đón, cho phiền dạ em”. Rồi “dạ em thương thầy mẹ khiến đừng”, “con thương thầy mẹ đón ngăn” rồi thì”tại thầy mẹ dứt đường tơ duyên”. Có lẽ họ không thấy được căn nguyên sâu xa của lễ giáo phong kiến nên chỉ hờn thầy, dỗi mẹ.

“Thầy mẹ ở nhà không bao dung lượng cả
Nên hai đứa mình đôi ngã bắc nam
Đêm năm canh trong dạ bàng hoàng
Hẹn cùng chàng chung thủy, nhưng chớ vội vàng tóc tơ”

Nói là vậy, nhưng đôi khi họ cũng quyết nổi loạn, dẫu biết “công sinh thành, ơn dưỡng dục” nhưng một hai cũng quyết vì tình, dẫu có đau đớn vì đòn roi,

“Ví dầu thầy mẹ có đánh chính chục, một trăm
Đánh rồi em lại dậy, em vẫn nhất tâm theo chàng”

Thậm chí quyết liệt hơn, dẫu có chết

“Thiếp từ thân thiếp cho trọn với chàng một đôi”

Có lẽ không thể nói hết được câu chuyện tình yêu đôi lứa trong hò khoan. Càng đọc, càng nghe, càng đắm say với những ca từ đằm thắm, dịu dàng, thiết tha nồng hậu, đôi khi ai oán của những người dân quê mộc mạc sau lũy tre làng.