BỨC THƯ GỬI MUỘN

Ngọc Tuân

                                                                         Mùa hoa phượng
Kính gửi cô của em.

Khi đã trở thành thầy giáo em càng nhớ đến cô nhiều hơn. Bởi hôm nay, vây quanh em là lớp trẻ ngây thơ, hồn nhiên, bốc đồng, bồng bột, quỷ quái. Chúng làm em vui cũng nhiều mà buồn cũng lắm. Chúng làm em hân hoan vì thành công và cũng hoang mang lo lắng khi có đứa vấp ngã. Chúng làm em hưng phấn ngạc nhiên trước năng lực vượt trội so với em lúc bằng tuổi chúng và cũng làm em mất ngủ vì sự ngờ nghệch, ngu ngốc của chúng khi đối mặt với với cuộc sống đầy cám dỗ của thời hiện đại… Và mỗi lần sok vì chúng càng làm em nhớ đến cô.

Cô ơi, kĩ niệm tuổi học trò, kĩ niệm về thầy cô, bạn bè trong em, và chắc cả lớp lứa tuổi của em hầu như rất mờ nhạt, vì từ ngày cắp sách đến trường cũng là thời chiến tranh. Trên trời máy bay quần đảo, ngoài biển pháo hạm của địch bắn cầm canh theo tọa độ, pháo sáng biến đêm thành ngày. Ở nơi nào đó, trong đêm tối mà lỡ lóe lên ánh đèn là lập tức máy bay bâu đến. Ngủ hầm, đi học từ ba giờ sáng – giờ ít máy bay ném bom nhất – đứa thì vai khoác vòng lá ngụy trang, đứa thì vai quàng tấm vải màn nhuộm lá mướp ngọt xanh biếc. Tay thì xách cái đèn dầu hỏa có cái bóng đèn thủy tinh được sơn đen, chỉ chừa một lỗ tròn đủ rọi ánh sáng vào trang vở. Mỗi khi có tiếng máy bay là vội vàng che kín lại. Cái ngọn đèn ấy, để rọi vào sách vở thì ít nà để học trò nổ thóc nếp thì nhiều. Đi qua cánh đồng đang chín, đứa nào cũng ngắt vài bông. Đến lớp, khi đèn thắp lên là thò nhánh lúa vào ngọn lửa. Mỗi lần hạt thóc nổ, đèn tắt, lại phải châm lại. Bởi vậy mà kiến thức vào được đến đầu là một kỳ tích. Trong đêm tối, gương mặt thầy cô, bạn bè cũng chập chờn vậy thôi. Cô trò nhớn nhác lo tránh bom, tránh đạn, lo cái đói thâm niên. Nói là học nhưng tất tần tật chỉ chép chung vào một quyển vở, cuộn lại, nhét túi quần, lúc nào cũng nhàu nát.

Trong cái tối tăm ấy, nếu không có cô, chắc em cũng chỉ trưởng thành đến bậc lính chiến ngoài mặt trận mà thôi. Rồi cũng nằm lại đâu đó trong Trường Sơn bạt ngàn như bao đứa cùng trang lứa. Điều khác lạ là, ơn cô đến với em không phải từ sự cảm động, ngưỡng mộ như bao người khác, mà đến từ sự ác cảm. Điều này bây giờ em mới nói ra.

Cái năm giữa cấp hai ấy, cô bắt đầu về làm chủ nhiệm lớp em. Lúc đó, đang giữa thời chiến tranh ác liệt, khó khăn. Đang tuổi lớn chúng em cứ cao vồng lên trông thấy, nghịch ngợm, phá phách, liều mạng. Học hành thì đứa nào cũng sa sút. Đang từ một đứa giỏi toán từ cấp một, em tụt xuống loại kém vì bỏ học, vì không làm bài tập, vì đủ thứ. Lần đó, cô đến nhà để nói chuyện với bố mẹ em về chuyện học hành của em. Em vẫn nhớ như in cái đêm sáng trăng hôm đó, đang chơi đánh trận giả với lũ bạn, chợt thấy bóng cô đầu ngõ, linh cảm mách bảo chắc có chuyện không hay, em đã bí mật chạy theo sau cô. Khi thấy cô rẻ vào nhà, em đã vội chui qua bờ râm bụt, nấp sau nhà, ép tai vào vách liếp để nghe. Trong ánh đèn dầu lờ mờ, tiếng cô rất rành rẽ khi nói chuyện với bố mẹ.

-Tôi thông báo với anh chị, tình hình học tập của T rất bi đát, kiến thức lơ mơ, lười học thuộc lòng, môn toán là khá nhất thời cấp một, bây giờ chỉ đạt trung bình, nhiều lần bị điểm kém. Năm nay đã lớp 6, sang năm là kết thúc cấp hai, lên cấp ba, nếu cứ thế này thì... Sau đó là những gì cô nói em chỉ nghe ong ong trong đầu. Tự dưng em ghét cô.

Chắc cô thù mình rồi, vì sao nhỉ? Tại tôi bày trò nổ thóc, tại tôi hay bày trò thi nhổ nước bọt, thi xì mũi ai xa nhất... Cả lớp mình thằng nào chẳng thế, sao cô lại đi mách với bố mẹ em. Từ trước tới nay, bố mẹ em chỉ quen với lời khen vì có đứa con học giỏi. Nước này thì em bị ăn đòn là chắc. Lúc đó em đã nảy ra một diệu kế để tránh đòn. Nhà có căn hầm chữ “A” tránh bom, cùng là góc học tập của em. Ở đó có một cái túi bài kiểm tra trên lớp. Nhanh như chớp, em đã chui cửa sau vào hầm, đốt đèn lên, vớ lấy túi bài, xổ túi ra, nhặt hết những bài có điểm kém. Những bài điểm khá và trung bình được cho lại vào túi, lại còn cẩn thận xếp hai bài điểm khá hiếm hoi lên trên cùng. Xong xuôi, em lặng lẽ cầm số bài kém ra vườn, dí xuống góc ao, rồi chạy đi chơi tiếp.

Quả đúng như em dự đoán, sau khi cô về, bố đã đi tìm em. Mà cũng chẳng cần tìm vì em đã lởn vởn ở đầu ngõ. Bố bảo, T về nhà ngay bố hỏi chuyện. Em lon ton chạy về, giả vờ như không biết gì. Vừa vào đến nhà, bố đã rút cái roi mây giắt trên cánh cửa đánh roạt hỏi:

- Mi học hành ra răng mà cô chủ nhiệm đến kêu là dốt nát, hư hỏng.

Không biết cô có nói vậy không, nhưng khi bố em tóm tắt như vậy bỗng dưng em khóc. Mà khóc thật, không phải khóc vì sợ đòn mà khóc vì tức cô. Ngay lập tức em đã điêu toa như một kịch bản học thuộc:

- Cô thù con vì con đánh con cô chứ con đâu có dốt.
- Mi nói cấy chi, răng mi đánh con cô? Bố tôi quát.
- Vì nó xì mũi vào tóc con, gỡ mãi mới hết.

Câu này tự dưng nó bật ra, chắc vì hàng ngày em vẫn chơi trò xì nước mũi vào đầu nhau. Tụi bạn trong lớp luôn sợ em vì em lúc nào cũng thò lò mũi. Nghe câu nói ấy, tự dưng khuôn mặt đỏ bừng vì tức giận của bố em chùng xuống. Rất nhanh, em tấn tới:

- Bố mẹ không tin thì chờ con đi lấy túi bài kiểm tra cho xem.

Em chạy lại, chui tọt xuống hầm, cầm tập bài mỏng dính lên, đưa cho ông rồi dõng dạc:

- Đây, bố mẹ xem đi.

Mẹ từ nãy tới giờ chỉ ngồi, trân trân nhìn hai bố con, với tay cầm lấy túi bài đổ ra bàn. Trên cùng là 2 con 7 đỏ chói, sau đó toàn là 5, 6 cuối cùng là con 8 – của hiếm môn sinh vật chép được- Vậy là cây roi trên tay bố em dược hạ xuống. Mặc dù vậy ông vẫn vớt vát:

- Anh liệu cái thần hồn anh đấy, học hành mà lơ mơ là chết với tôi. Rồi ông bỏ đi.

Khác với bố, lúc nào cũng ồn ào, mẹ rất ít nói nhưng lại rất tinh tế. Mẹ kéo em lại gần, tay vơ đám bài kiểm tra cho vào túi. Cái túi mỏng dính, oặt oẹo trên tay, mẹ nói:

- Thôi con, chắc bố và cô hiểu lầm con thôi, Mẹ thấy thế này thì con đâu có kém. Mẹ biết con thông minh, con học được mà. Cuối năm, con mẹ sẽ là học sinh tiên tiến cho coi. Con hứa với mẹ nhé. Cô có để lại cho con tập tài liệu này, dặn mẹ đưa cho con và nói con cố mà đọc.

Em ngoan ngoãn, vâng ạ. Đâu biết mẹ nói mát mẻ vậy để khích lệ tôi thôi chứ mẹ biết tỏng.

Ngày hôm sau đến lớp, em đã không dám nhìn thẳng vào mắt cô. Tự dưng vậy thôi. May mà có bóng tối làm đồng minh, chắc cô không nhận ra. Nhưng mỗi lần bị cô gọi hỏi bài trên lớp là mỗi lần em giật thót. Mà hình như cô gọi em nhiều hơn thì phải. Cô ghét em. Mong sao cho nhanh hết tiết của cô. Ý nghĩ ấy cứ bám riết lấy trong đầu, làm em cứ nơm nớp lo sợ. Biết đâu câu chuyện giữa em với bố mẹ đã đến tai cô. Em cứ bị ám ảnh như vậy cho đến hết lớp 7.

Nói cho công bằng, sau đó em đã học khá lên. Trước là để đối phó với kiểu hỏi bài liên miên trên lớp của cô thay cho kiểm tra vở. Mà có gì trong vở đâu để kiểm tra. Sau là nhờ tập tài liệu “Tóm tắt toán học” mà cô đã cẩn thận chép tay để lại. Em đã nghiền nó đến thuộc lại cả những kiến thức của lớp dưới. Làm được bài tập, càng làm được càng thích được làm, được thể hiện với bạn bè mỗi khi được gọi lên bảng. Trong đó có một phần kiêu hãnh để cho cô biết, em không dốt.

Năm lớp 7 trôi qua lúc nào chẳng biết. Em được xếp loại học sinh tiên tiến, được lên cấp ba. Chiến tranh, trường cấp ba đi sơ tán tận Tuyên Hóa. Lại lao động dựng trường, làm hầm trú ẩn, đi gùi gạo muối xa hàng chục cây số. Lại đói, ghẻ lở, bệnh tật... Em đã quên cô lúc nào không biết.

Rồi những năm tháng cấp ba cũng qua đi, em được vào đại học. Nghỉ hè năm ấy, về thăm nhà. Hôm rảnh rỗi, ngồi mở lại gói đồ thời học trò, em bắt gặp lại tập tài liệu chép tay “Tóm tắt toán học”. Tự dưng lòng em chùng xuống, em đã ôm nó lên ngực, nước mắt trào ra, nhớ cô. Đến bấy giờ em mới đủ trí khôn để nhận ra rằng, tập tái liệu này đã cứu mình ra khỏi vũng lầy thời thơ ấu. Nó đã chắp cánh cho mình vượt lên. Hôm đó, em đã rất mong bố mẹ về để hỏi thăm về cô.

Chiều đó, trong bửa cơm chiều, mẹ nói rằng, cô chuyển lên dạy ở một trường vùng núi trong huyện. Hè năm con đang học lớp 8, chồng cô hi sinh ở chiến trường Quảng Trị. Sau lễ truy điệu ít lâu cô xin chuyển lên trên đó mặc dầu chính sách hậu phương cho cô quyền được chọn trường. Cô đi với đứa con trai duy nhất của mình, đi như trốn chạy kĩ niệm. Từ khi đó bố mẹ cũng không biết gì thêm về cô, chiến tranh mà.

Đêm đó, hầu như em không ngủ, gió nam thổi ào ạt trên mái nhà, trên cây lá. Phía Trường Sơn pháo sáng vẫn chập chờn. Bom vẫn nổ đâu đó phía đường 15. Sáng hôm sau, em xin mẹ mười lon gạo nếp, thứ hiếm hoi còn được trong nhà, mượn cái xe đạp của bố, đi tìm cô. Mẹ buộc gạo sau xe cho em cứ dặn đi dặn lại, cảnh giác máy bay nghe con, đi nhanh về. Em đạp xe lên phía Miền Tây, qua đò Thượng Phong, ven bờ Kiến Giang ngược lên thượng nguồn.

Hỏi mãi người ta mới chỉ cho em mái nhà tranh nhỏ mé đồi, gần trường cấp hai của xã. Em dắt xe theo lối mòn, leo lên dốc, qua một vạt sắn đến giữa sân. Căn nhà nhỏ một gian hai chái, bốn bề cũng được tráp bằng tranh. Nhà không có người, em cất tiếng gọi: Cô ơi. Có tiếng đáp từ sau vườn, ai đấy, chờ chút. Trên bàn thờ ở gian giữa khói hương nghi ngút, bất chợt mắt em dừng lại ở tấm ảnh bé xíu trong khung đen. Chân em như muốn khuỵu xuống, thằng An con cô. Như một dòng điện chạy qua cơ thể, em sởn da gà, mồ hôi rịn ra. Vừa lúc cô từ sau vườn bước vào. Nhìn thấy em, cô sững lại, nấc lên, T đấy à con, An đi rồi, bị trúng bom trên đường đi học. Em buông túi gạo, nhào đến, ôm lấy cô nước mắt tuôn trào. Trong tay em, cô như một tàu lá héo, khô kiệt nhựa sống. Em đã quỳ xuống, úp mặt vào lòng cô nức nở: 

- Cô ơi, con về đây, con có lỗi với cô.

Cô ơi, tha lỗi cho con nhé, đến bây giờ con vẫn giữ tập tài liệu chép tay của cô như một vật báu.


HÒ ĐƯA LINH TRONG HÒ KHOAN LỆ THỦY

Ngọc Tuân


Trong kho tàng phong phú của hò khoan Lệ Thủy có một lối hò rất đặc biệt, đó là hò đưa linh. Cho đến nay, lối hò này đã mai một và gần như thất truyền. Những nghệ nhân biết hò thể loại này chỉ còn vài người và đã ngoài tám mươi.

Hò khoan có mặt rất nhiều ở cá tỉnh miền trung. Riêng hò đưa linh hầu như chỉ có ở Bình Trị Thiên, mà cội nguồn xuất xứ có lẽ ở Lệ Thủy. Điều xét đoán này dựa trên mấy yếu tố. Một là, nó xuất hiện rất đậm đặc ở các xã ven sông Kiến Giang. Thứ hai, dựa vào tập quán lâu đời về tục an táng ở Lệ Thủy. Vùng chiêm trũng Lệ Thủy thường bị lũ lụt liên miên hàng năm, mỗi đợt kéo dài nhiều ngày. Bới vậy, cư dân ở đây thường đưa linh cữu người thân lên núi để an táng. Khi đi, người ta kết thuyền, đặt quan tài lên, chèo ngược dòng Kiến Giang. Chèo suốt đêm đến gần sáng, để kịp hạ huyệt khi mặt trời chưa ló rạng. Việc của cõi âm thì phải vào ban đêm nên tùy theo đoạn đường ngắn dài mà chọn giờ khởi sự. Suốt chặng đường dài đó chỉ có tiếng phèng la, trống điểm và tiếng hò khoan.

Hò đưa linh là lối hò phục vụ đám tang, nó diễn ra suốt thời gian tang gia từ khi người chết đã được khâm liệm, phát tang, cho đến khi chôn cất xong. Thông thường, hò đưa linh chỉ diễn ra trong những đám tang người già đã qua tuổi lão (xưa các cụ đến tuổi 50 là cáo lão). Hò khoan là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian để tạo niềm vui trong lao động. Nhưng hò đưa linh, một lối hò khoan lại được hò trong đám tang. Hò vừa để chia buồn nhưng hò cũng là để thưởng thức văn hóa. Người ta đến đó, ngoài việc chia buồn, còn để thưởng thức giọng hò hay, ngôn hay ý  đẹp. Bởi theo các cụ, người cao tuổi mất đi được coi như đã hưởng phúc trời, lộc đất nên không có gì phải đau buồn lắm. Xưa, còn có lễ mừng thọ, mừng thượng thọ, đại thọ. Vào ngày đó, con cháu còn làm lễ tế sống cho cha mẹ. Ở những nhà khá giã, người ta còn thuê thầy làm một bài văn ai, kể lại cuộc đời, công ơn của người đã mất đối với con cháu, làng xóm dưới dạng lục bát để hò. Ở một số vùng văn hóa khác, trong đám tang người ta cũng có hình thức “khóc mướn”. Người khóc mướn là một thành viên trong phường bát âm, khi nhận được thông tin về quan hệ thứ bậc của người nhờ khóc với người chết (chú, bác, cô, dì…) là người ta sẽ khóc một đoạn kể kể với linh hồn người chết thay cho người đến viếng. Người khóc có thể tự sáng tạo tức thì lời lẽ mà không bị ràng buộc bởi cấu tứ, giai điệu của âm nhạc. Hò đưa linh không cho phép như thế, nó phải nằm trong khuôn phép của làn điệu, của hình thức diễn xướng. Câu hò phải là lục bát, song thất lục bát hoặc biến thể của nó.

Hò đưa linh thường là do các nghệ nhân làm “hò cái”, đội “âm công” là “hò con”, đế xố, diễn xướng. Vai trò các nghệ nhân dân gian trong hò đưa linh là rất quan trọng. Bỡi, trong một không gian lễ nghi đượm chất buồn đau ấy thì người hò cái phải “thuộc bài”. Không thể lấy những bài hò có nội dung vui vẻ, lả lướt như khi hò giã gạo được. Không những thế, người hò cái còn phải biết lựa chọn các mái hò sao cho âm hưởng của nó phù hợp với khung cảnh. Người hò con là thành viên trong đội âm công, được tập hợp từ các con, cháu, người thân của tang gia. Ngoài chức năng xố con, họ còn nhiệm vụ diễn xướng chèo cạn lúc ở nhà, lúc chèo thuyền đưa linh trên sông, lúc nện đất lấp mồ. Mới thấy hò khoan ở Lệ Thủy phong phú đến thế nào. Máu hò khoan nhiều đến thế nào trong huyết quản của con dân Lệ Thủy.

Hò đưa linh được đưa vào trong “kịch bản” một đám hiếu với chức năng riêng của nó. Phường bát âm là để tấu nhạc cho cúng tế và xen giữa những lúc khách viếng. Hò đưa linh thì diễn lúc quãng nghỉ của lễ tế, lúc chèo thuyền, lúc chôn cất. Có nhiều chặng hò trong một cuộc hò đưa linh. Chặng đầu là từ sau khi phát tang cho đến trước lễ động quan. Chặng thứ hai là từ khi đưa linh cữu xuống thuyền, chèo đưa lên núi. Chặng thứ ba là khi đổ đất lấp quan tài, đắp mộ.

Diễn xướng trong hò đưa linh có lớp lang, trình tự kết cấu rất chặt chẻ. Khởi đầu là hò ai điếu sau khi làm thủ tục khâm liệm, phát tang. Thông thường, những lúc này không khí buồn đau, thương tiếc đang chế ngự tang gia nên chỉ có một hò cái và một hò con diễn xướng. Thậm chí, chỉ có hò cái đảm nhận luôn hai chức năng hò và xố. Nội dung những câu hò lúc này thường là kể lễ về nỗi buồn, nỗi đau và lòng tiếc thương của gia quyến. Làn điệu hò lúc này thường là mái nện. Giai điệu của mái nện đều đều, hòa quyện với tiếng sanh, tiếng mõ u tịch, rất phù hợp với không khí u buồn. Thông thường, linh cửu để trong nhà 3 ngày, 7 ngày (nay tập quán này không còn). Trong thời gian này, xen giữa những lúc lễ cúng và độc diễn hò mái nện của nghệ nhân, người ta diễn hò chèo cạn bằng mái ba. Hò chèo cạn là diễn xướng do hò cái và đội âm công thực hiện. Âm công thì đứng làm hai hàng, chân trước, chân sau, tay làm động tác chèo thuyền, khi hò, di chuyển đội hình theo những cách thức định trước.
Diễn xướng trong hò chặng hai là lúc chèo thuyền đưa linh cữu lên núi. Để chở quan tài, người ta kết hai chiếc thuyền lại với nhau, trên lát ván, kết mái, trang trí lá ngâu, lá dừa, đèn lồng. Thuyền kết được bố trí hai dãy chèo hai bên. Di quan vào ban đêm, hạ quan trước khi trời sáng, nhiều hôm trời tối như mực. Quãng đường thì xa, có nơi đến 15 - 20 km, phải chèo cả đêm. Những lúc đó diễn xướng hò khoan lại tiếp tục. Trong bối cảnh chèo thuyền, thông thường người ta hò mái ba. Hò mái ba chậm rãi , phù hợp với nhịp chèo thuyền. Kiểu xố của hò mái ba cách quãng đều đặn với câu xố “hò là hô là khoan” như cầm nhịp cho các tay chèo. Vậy nên, mặc dầu tối trời, các tay chèo vẫn thong thả đều nhịp với nhau, giúp con thuyền thẳng hướng.
Diễn xướng chặng ba của hò đưa linh là lúc bắt đầu lấp đất, nện chặt, đắp mồ. Lúc này đội âm công vừa đổ đất xuống huyệt cầm dùi như cái chày tay, di chuyển vòng quanh huyệt, vừa làm động tác nện đất. Tiếng chày rập ràng nện xuống theo nhịp điệu của hò khoan mái xắp, mái nện. Mái xắp, mái nện có tiết tấu nhanh đều. Với tiết tấu đó, nó chỉ cho phép người nện nâng dùi nện lên độ cao vừa phải, hạ xuống nhẹ nhàng, không làm kinh động đến quan, không làm đau lòng người thân. Hò cái lúc này chỉ đứng ngoài cầm chịch qua các câu hò.
Kết thúc việc chôn cất là lúc trời sáng, gia quyến dùng bữa sáng bằng đồ nguội đã qua cúng lễ, rồi chèo thuyền về.

Hò đưa linh là lối hò trong nghi lễ đám tang, vậy nên nội dung các câu hò thường đượm buồn. Khéo léo hơn là, trong mỗi chặng hò, các nghệ nhân có cách chọn lựa ngữ cảnh rất chu chỉnh. Trong những ngày linh cữu tại gia, bà con, xóm làng đến viếng, xen giữa những đoạn nhạc hiếu kéo bản lưu thủy hành vân là những đoạn hò kể lễ như:
“Cuộc hồng trần xoay vần quá ngắn,/ Kiếp phù sinh tụ tán mấy trăm hồi./ Người đời có biết chăng ôi,/ Thêm người tuy có, có rồi lại không”
“Khi nào ra trướng vào màn,/ Bây giờ nhà cửa, xóm làng cách xa./ Khi nào mẹ mẹ cha cha,/ Bây giờ bóng núi, khuất xa muôn trùng”
“Khi nào vợ vợ chồng chồng,/ Bây giờ trăng khuyết, còn mong chi tròn./ Khi nào cháu cháu con con,/ Bây giờ hai ngã, nước non cách vời.”
Ở những gia đình khá giả, gia chủ nhờ nghệ nhân soạn những bài văn ai thể lục bát, có nội dung nói về công sinh thành, cưu mang, dưỡng dục của người đã khuất để răn dạy con cháu. Đôi khi người ta lấy các tích chuyện trong những tác phẩm văn học, hoặc lấy những đoạn trong “văn tế thập loại chúng sinh”, trong “nhị thập tứ hiếu” để diễn xướng.
Khi chèo thuyền đưa linh lên núi, ngoài những câu hò có nội dung chia ly, đau buồn thường người ta hò những câu có nội dung ly biệt xóm làng, bản quán.
“Ra đi không hẹn lúc nào,/ Hồi hương cảnh cũ, nghẹn ngào đau thương”
“Ra đi bỏ cửa bỏ nhà,/ Luống rau hàng chuối ớt cà ai chăm./ Ra đi mấy tháng mấy năm,/ Sao đành đi mất, biệt tăm không về”
Khi nện đất lấp mồ, nội dung câu hò đã đến đoạn cách biệt âm dương, người đi kẻ ở. Người ta không ngớt lời thở than sao lại bỏ nơi êm ấm mà tìm về nơi hoang lạnh. Lời hò nặng chịch theo tiếng chày nện đất.
“Ba tấc đất ngàn năm ly biệt,/ Cám cảnh này thảm thiết đau thương./ Bỡi vì ai cách biệt âm dương,/ Để cho con xa mẹ, nhớ thương quá chừng.”
Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong hò đưa linh cũng rất khéo léo. Cái chết là sự mất mát. Vậy nên chúng ta bắt gặp trong các bài hò đưa linh rất nhiều những từ, ngữ nói về sự chia ly vô vọng, đau đớn, xót xa. Nó như là tiếng khóc than, nhưng là sự khóc than trong câu hò nên nó mang chất văn hơn. Ta bắt gặp ở đây rất nhiều những từ, cụm từ “khuất xa muôn trùng”, “nước non cách vời”, “buồn thiu”, “ưu phiền”, “lạnh lùng”, “cô đơn”, “ruột thắt héo hon”, “não nề tâm can”… Phần nhiều ngôn ngữ có tính hình tượng gợi khung cảnh buồn, dễ động đến long trắc ẩn của mọi người. Nhiều người đến dự đám không cầm được nước mắt khi nghe những câu hò héo hắt ruột gan như vậy.
Hò đưa linh là một lối hò rất độc đáo thể hiện tầm cao sinh hoạt văn hóa dân gian ở Lệ Thủy. Tính độc đáo ấy toát ra từ sự tinh tế trong vận dụng một loại hình sinh hoạt văn hóa có tính lễ hội vào trong đám tang. Không phải ở đâu và ai cũng làm được. Rất mong những cơ quan có trách nhiệm tìm cách bảo tồn lấy vốn quý này của quê hương.

NHỚ GIÓ LÀO

Ngọc Tuân


Chỉ có một thứ gió nóng thịnh hành vào mùa hè mà lúc người ta gọi là gió Mậu Dịch, lúc thì gọi là gió Phơn, nghe lạ hoắc. Xứ Lệ Thuỷ quê tôi cứ gọi là gió Lào, cho nó dễ hiểu. Mùa gió Lào bắt đầu từ tháng cuối tháng tư đến tháng chín. Đầu tiên là những giọt mưa lác đác mỗi buổi chiều. Cảm nhận như nó rơi từ rất cao, mưa chẳng bao giờ thành trộ, chỉ đủ để làm mặt đất bốc hơi nóng ngùn ngụt. Các cụ gọi đó là “mưa ngoi nam”. Sau vài ngày ấm ách kiểu đó là mùa gió lào.
Mùa gió lào không khí như nhẹ hơn, khí quyển trong hơn nên tầm nhìn xa hơn, đứng từ biển có thể nhìn thấy suốt dẫy Trường Sơn. Núi đồi nổi rõ phía chân trời, cảm nhận được những tầng lá xanh, những khe sâu xanh thẩm, những dẫy núi kế tiếp nhau nhạt dần trong màu xanh lam. Bầu trời cũng nhẹ hơn, cất bổng lên cao, lác đác vài sợi mây trắng. Cuối chân trời là sắc vàng gạch cua. Những ngày gió thổi mạnh, khoảng chiều tối mới thấy phía núi xa có chân mây. Chắc có mưa ở đâu đó tận bên kia dãy Trường Sơn.
Khoảng rằm tháng năm, gió lào bắt đầu thổi mạnh, từng đợt gió đuổi nhau không ngớt trên cánh đồng, trùm lên làng xóm, đập phần phật trên những tàu lá chuối, xô rạp những khóm tre, chạy ràn rạt trên mái nhà, giật tung các cánh cửa. Gió cứ mãi miết như thế suốt bốn, năm tháng trời. Gió nóng. Cái nóng của gió lào thật khó tả. Chẳng giống cái nóng của lửa, cũng chẳng giống cái nóng của ánh nắng mặt trời. Nóng khô. Nóng không phải để nung nhiệt lên mà như để vắt kiệt nước trong cơ thể. Nóng hong khô áo quần chỉ trong chốc lát, để lại những vệt muối trắng loang lỗ trên áo lão nông. Nóng chiếu, nóng phản gỗ, nóng nền nhà, sờ vào đâu cũng nóng, cũng như giòn ra. Đứng nóng, ngồi nóng, nằm nóng, bứt rứt không chịu được.
Chỉ sau một vài tuần gió lào, đồng điền bắt đầu khô, đất nứt chân chim, ao hồ co hẹp lại. Chuối rũ xuống nhiều lá hơn, cây nào cũng trút bớt lá để chống chọi sinh tồn, lớp lá khô trong vườn dày thêm. Nhiều năm, suốt hè không hề có giọt mưa, sông Kiến Giang khô kiệt, xe trâu, xe công nông xuống tận lòng sông chở cát. Sông chỉ còn lại vài quãng nước, sủi bong bóng. Có năm khô kiệt lâu, ở những đoạn lòng sông cũ bị bồi lấp, lớp bùn cũ co lại, đất hai bờ tụt xuống vài mét, nuốt chững cả căn nhà hai tầng.
Mãi sau này, khi lớn lên được đi học tôi mới vỡ ra gió lào là gió thổi theo mùa từ vịnh Ben Gan sang, khi đi qua lục địa Thái, Lào nó đã để lại một phần hơi nước. Đến dãy Trường Sơn, gió bị chặn lại, thổi lên cao, gặp lạnh, chút hơi nước cuối cùng làm mưa cho tây Trường Sơn. Chặng cuối của nó, chỉ còn lại gió khô, trườn xuống các sườn đồi sỏi đá Đông Trường Sơn đã được hun nóng dưới nắng hè để lấy thêm nhiệt rồi táp hơi lửa xuống làng xóm dưới đồng bằng trước khi chạy ra biển. Ở những quãng rừng ít, đồi sỏi nhiều, gió càng nóng. Ở những quãng dãy Trường Sơn tạo những nhánh song song chìa ra biển, ở đó gió càng mạnh. Gió Lào thổi từng đợt, thường thì vài ba ngày, có khi mươi ngày, dài nhất là hai mươi, hâm lăm ngày. Thường thì có hai khoảng lặng vào chiều tối và sáng sớm.
Nghiệt ngã là vậy nhưng cũng có những lúc nó xuống nước dịu dàng làm người ta nhớ. Ấy là từ nửa đêm về sáng, sau khi thổi nguội những hòn sỏi nóng của núi đồi, nó trở nên mát mẻ. Những lúc này, đặt cái chõng tre ngoài sân mà tận hưởng những đợt gió ào ạt, đánh một giấc ngủ dài thật sướng. Những ai chưa quen hoặc con trẻ còn non nớt thì phải đắp chăn. Cẩn thận thì nên có cái gì đó đắp ngang bụng kẻo tháo dạ.

HƯƠNG DẦU TRÀM

Ngọc Tuân


Suốt đời tôi chẳng bao giờ quên hương thơm nồng dịu của dầu tràm, thứ dầu được nấu từ cây tràm mọc tự nhiên trên những đồi trọc cằn cỗi ở Bình- Trị - Thiên. Ở Quảng Bình, cây tràm mọc nhiều ở rừng Lệ Thủy. Lá tràm được hái tươi, chưng cất lên để lấy tinh dầu làm thảo dược. Quý lắm.
Dầu tràm dùng để phòng cảm mạo, làm ấm người, khử độc, sát trùng, long đờm, cầm máu…Trong dầu tràm có từ 40 – 50% Eucalypton có tác dụng sát khuẩn rất cao. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy trong dầu tràm có hoạt chất a-terpineol có khả năng ức chế virus H5N1. Theo kinh nghiệm dân gian dầu tràm được dùng trong nhiều trường hợp. Trước hết nó có tác dụng thông mũi cho trẻ sơ sinh. Chỉ cần cho bé ngửi gián tiếp, như bôi vào cạnh vú mẹ để bé vừa bú vừa ngửi. Khi tắm cho bé, hòa nước ấm và nhỏ một vài giọt vào nước tắm phòng cảm và làm mát da chống rôm sảy (lưu ý rằng, dầu tràm không nóng). Người lớn dùng dầu tràm để chống cảm mạo bằng cách bôi vào thái dương, vào mũi. Khi bị cảm thì cho vài giọt vào nồi nước xông, có tác dụng thúc đẩy tiết mồ hôi, thông kinh mạch. Khi bị muỗi cắn, chấm một tí vào vết cắn. Khi bị đầy hơi, xoa một ít dầu tràm vào rốn… Ngoài những tác dụng đã nói, nếu bạn cho một ít dầu tràm vào bình xịt để xịt vào phòng ngủ thì khỏi mắc màn. Một ít xịt vào toilet để khử trùng và tạo mùi thơm. Các bạn sinh viên lười mắc màn nên áp dụng kinh nghiệm của tôi. Ngoài những giá trị nói trên, nó còn giúp nhận biết mùi đồng hương. Nói chung dầu tràm rất đắc dụng trong nhiều trường hợp. Mỗi nhà nên có một chai dầu tràm dùng dần.

Để có tinh dầu tràm, phải chưng cất rất công phu. Người ta bứt lá tràm tươi, cho vào nồi theo công thức 2/3 lá tràm, 1/3 nước, đậy kín rồi đun. Đun trong 5 tiếng liền. Dùng nõ thu tinh dầu như cách chưng cất rượu. Cứ 1,5 tạ lá tươi cho 1 lít dầu tràm. Cành , lá tràm sau khi nấu dầu, tải ra, phơi khô dùng làm củi đun. Lá tràm tươi vẫn đốt cháy được. Nhiều hôm trời mưa, củi ướt, thợ nấu dầu tràm dung lá tràm tươi để đốt lò.
Theo thời giá bây giờ, 1 lít dầu tràm từ 100 đến 150 ngàn đồng. So với dầu gió là đắt nên ít người mua. Thợ nấu dầu cho biết rằng, họ phải mua một gánh lá là 10 nghìn đồng. Nếu bán với giá đó là lỗ, còn tiền củi đun, tiền công thợ. Đành phải lấy công làm lãi, sang sớm xua hết lũ con, cháu lên đồi bứt lá, lượm củi đun. Ngày nay, dầu tràm ngày một ít đi do nhiều nguyên nhân. Trước hết là diện tích tràm tự nhiên bị mất dần do trồng rừng. Thứ nữa, dầu gió các loại, nồng nặc, rẻ tiền tràn ngập. Người nấu dấu tràm bỏ nghề, số ít còn lại có khi phải nấu cả dầu chổi mà không đủ sống.
Dầu tràm rất gần gũi với người Lệ Thủy. Mỗi lần về quê tôi không quên mua vài chai dầu tràm vừa dùng vừa làm quà cho bạn bè. Ở xa quê, dầu tràm là thứ quý giá lắm. Đôi khi uống rượu thuốc xong, thấy cái chai 100ml đẹp, bỏ đi thì tiếc. Vậy là nhặt lại khệ nện mang về quê biếu bà bán dầu tràm trong xóm. Giá như có một vùng quy hoạch để bảo tồn cây tràm, cây chổi rèng (hai thứ cây này thường sống xen với nhau, đều cho dầu) để giữ lấy một thứ dược liệu quý cuả quê hương.

LỊCH XUẤT HÀNH CỦA KHỔNG MINH


LỊCH XUẤT HÀNH CỦA KHỔNG MINH
(Tính theo âm lịch)
Tháng 1, 4, 7, 10:
Bảo thươngĐạo tặcThuần dương1.Ngày thuần dương: Cũng tốt, có nhiều thuận lợi, được nhiều người giúp đỡ. Cầu tài được như ý muốn. Tranh luận nhiều thắng lợi.
2. Ngày đạo tặc: Rất xấu, xuất hành bị hại, mất của.
3. Ngày bảo thương: Xuất hành thuận lợi, gặp người lớn vừa long, làm việc theo ý muốn, áo phẩm vinh quy.
4. Ngày đường phong:Rất tốt, xuất hành thuận lợi, cầu tài được như ý muốn, áo phẩm vinh quy.
5. Ngày kim thổ: Ra đi nhỡ tàu xe, cầu tài không được. Trên đường bị mất của, bất lợi.
6.Ngày kim đường: Xuất hành tốt, có quý nhân phù trợ. Tài lộc thông suốt, thưa kiện có lẻ phải.
654
121110
181716
242322
302928
Đường phongKim thổKim đường
123
789
131415
192021
252627

Tháng 2, 5, 8, 11
Thiên mônThiên đườngThiên tàiThiên tặc1.Thiên đạo: Xấu, cầu tài nên tránh, dù được cũng mất mát, tốn kém, thất lý mà thua.
2. Thiên môn: Tốt, mọi việc đều vừa ý, cầu được, ước thấy, mọi việc đều thong đạt.
3. Thiên đường: Tốt, có quý nhân phù trợ, buôn bán may mắn, mọi việc đều như ý.
4. Thiên tài: Tốt, cầu tài nhiều thắng lợi, được người giúp đỡ, mọi việc đều như ý.
5. Thiên tặc: Xấu, cầu tài không được, đi đường mất cắp, mọi việc đều xấu.
6. Thiên dương: Tốt, cầu tài được tài, hỏi vợ được vợ, mọi việc như ý.
7. Thiên hầu: Xấu, hay cãi cọ, tránh tai nạn chảy máu.
8. Thiên thương: Tốt, gặp cấp trên đại lợi, cầu tài thì được, mọi việc thuận lợi.
2345
10111213
18192021
26272829
Thiên đạoThiên thươngThiên hầuThiên dương
1876
9161514
17242322
25

30

Tháng 3, 6, 9, 12.
Bạch hổ đầuBạch hổ kiếpBạch hổ túcHuyền vũ1.Bạch hổ đầu: Tố, cầu tài đều được, mọi việc thong đạt.
2.Bạch hổ kiếp: Tốt, cầu tài được như ý
3. Bạch hổ túc: Xấu, cấm đi xa, việc gì cũng không thành.
4. Huyền vũ: Xấu, Gặp việc xấu, hay cãi cọ.
5. Chu tước: Xấu, hay mất của, kiện cáo đuối lý.
6. Thanh long đầu: Tốt, xuất hành nên từ sang sớm, cầu tài thắng lợi, mọi việc như ý.
7. Thanh long kiếp: Tốt, trăm sự như ý.
8. Thanh long túc: Xấu, hông nên đi xa, hông có tài lộc, kiện cáo đuối lý.
2345
10111213
18192021
26272829
Chu tướcThanh long túcThanh long kiếpThanh long đầu
1876
9161514
17242322
25

30

LỤC NHÂM TƯỚNG PHÁP
(Cánh tính giờ xuất hành của Lý Thuần Phong)

Cánh tính: (ngày âm + tháng âm + khắc giờ định đi) – 2 : 6 = kết quả (số dư), tra bảng sẽ có nội dung để cân nhắc.
Ví dụ: ngày 21 tháng 4 âm lịch, định đi lúc 7h15 (thuộc khắc 5), vận dụng công thức ta có: (21+ 4+ 5)- 2 = 28; lấy 28: 6 = 4 (tức dư 4). Tra vào bảng thì là giờ Xích khẩu, nên tránh.

Từ 11h đến 1h là khắc 1
Từ 1h   đến 3h là khắc 2
Từ 3h   đến 5h là khắc 3
Từ 5h   đến 7h là khắc 4
Từ 7h   đến 9h là khắc 5
Từ 9h   đến 11h là khắc 6

- Số dư 1 (giờ đại an)
Mọi việc đều tốt lành, cầu tài thì đi hướng Tây Nam. Nhà cửa yên lành, người đi bình yên.
- Số dư 2 (giờ tốc hỷ)
Vui sắp tới. Cầu tài đi hướng Nam. Đi việc gặp gỡ các quan nhiều may mắn. Chăn nuôi đều thuận lợi. Người đi có tin về.
- Số dư 3 (giờ lưu niên)
Nghiệp khó thành. Cầu tài mờ mịt. Kiện cáo nên hoãn lại, người đi chưa có tin về, hay mất mát, phòng ngừa cãi cọ, miệng tiếng. Công việc hơi chậm nhưng làm gì đều chắc chắn.
- Số dư 4 (giờ xích khẩu)
Hay cãi cọ, gây chuyện đói kém, phải đề phòng mà hoãn lại. Phòng ngừa người nguyền rủa. Tránh lây bệnh.
- Số dư 5 (giờ tiểu các)
Rất tốt lành, đi thường gặp may mắn, buôn bán có lời, phụ nữ có tin mừng, người đi xa sắp về nhà, mọi việc đều hòa hợp, có bệnh sẽ khỏi, người nhà đều mạnh khỏe.
- Số dư 0 (giờ tuyệt lộ)
Cầu tài không có lợi, hay bị trái ý, ra đi gặp nạn, việc quan phải đòn, gặp ma quỷ cúng lễ mới an.


ĐIỀU GÌ THU HÚT KHÁCH DU LỊCH VỀ LỆ THỦY

Ngọc Tuân

                                                                Suối khoáng Bang
Trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, Lệ Thuỷ không thể chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Đầu tư công nghiệp chăng? Cũng khó, do khí hậu khắc nghiệt, giao thông không thuận và yếu kém, nguồn nguyên liệu chẳng đáng kể. Thủ công mĩ nghệ thì không phải truyền thống, thế mạnh. Có chăng thì nay mai nên nghỉ đến trồng cói nước lợ, đan giỏ xuất khẩu (hàng sinh thái). Vậy lối ra chỉ còn trông chờ vào hai thứ chăn nuôi, nhất là nuôi thuỷ sản vùng nước lợ Hạc Hải khi mở lại đập Mĩ Trung và du lịch.
Làm du lịch là phải có những điều kiện để hút khách du lịch. Vậy, làm sao để thu hút được khách du lịch? Thử giải bài toán này xem.
Trước hết, cần có địa danh thăm quan.
Khách du lịch có nhu cầu thăm quan để biết cái mà họ chưa biết, chưa gặp. Cái đó càng hay, càng độc đáo càng tốt.
Ở Lệ Thuỷ có một số địa danh có thể tạo được một tour để khách có thể tiêu thụ hết một ngày thăm quan, hưởng thụ. Đó là nhà lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đền thờ, miếu thờ, mộ chí Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hữu Cảnh, Dương Văn An; Nhà thờ họ dòng họ Ngô của Ngô Đình Diệm; Chùa Hoằng Phúc. Sau thăm quan, khách lên suối Bang vãn cảnh, tắm nước nóng, ăn đặc sản rồi ra về.
Như vậy, các tour từ Đồng Hới lên, từ Đông Hà ra theo tuyến đường Hồ Chí Minh là có thể đi về trong một ngày. Hiện nay, khách du lịch, nghỉ mát về Quảng Bình, Quảng Trị chỉ tiêu thụ hết một ngày trong quỹ thờ gian thăm quan của mình. Về Quảng Bình thì đi động Phong Nha. Vào Quảng Trị thì đi nghĩa trang Trường Sơn. Chỉ hết một ngày, vậy thôi. Còn lại chẳng biết làm gì, tắm biển và ăn hải sản thì nhiều nơi có, không cần phải đường xa vạn dặm.
Trong ý tưởng này, tất cả đã có rồi. Chỉ còn mấy trở ngại. Chùa Hoằng Phúc chưa được trùng tu và nhà thờ họ Ngô chưa có. Chùa Hoằng Phúc thì có thể nhìn thấy khả năng tái thiết vì nó đã được công nhận di tích lịch sử. Nó có thể có nguồn vốn dồi dào từ giáo hội Phật giáo và các tín đồ. Cái khó là nhà thờ họ Ngô. Một số người băn khoăn vì nhân vật Ngô Đình Diệm là người đứng bên kia chiến tuyến với cách mạng. Liệu làm thế có cần và có tiện không? Tuy nhiên, đứng ở bình diện là một địa chỉ có liên quan đến một con người mà được nhiều người biết đến, nhất là người miền Nam và Việt kiều thì nhà thờ họ Ngô chỉ là để thoả mãn sự tò mò, để biết cái chưa biết. Nó khác với việc ta lập đền thờ Ngô Đình Diệm. Hơn thế nữa nó chỉ là một chứng tích thì không nên nhìn nó dưới nhãn quan giai cấp. Cũng giống như cố đô Huế của thời phong kiến vậy thôi. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, những người Mĩ bây giờ là bè bạn rồi. Mặt khác, có nó thì sẽ hút được khách du lịch. Vậy nên để cho dòng họ Ngô làm, chính quyền tạo điều kiện.
Thứ hai, ngoài các tour thường xuyên, có 2 dịp lễ hội ở Lệ Thuỷ rất có tiềm năng.
Đó là lễ hôi hò khoan và lễ hội đua bơi vào ngày 2/9. Lễ hội đua bơi thì đã rõ, sức thu hút rất lớn. Chỉ có điều làm sao cho khoa học hơn, văn hoá hơn. Khoa học là ở chỗ, ngoài việc tạo ra sự công bằng thông qua các quy định về tiêu chuẩn của thuyền, của trai bơi, của điểm xuất phát… còn phải khoa học cả cách tiêu thụ thời gian của khách. Cùng với trò đua bơi là các trò chơi dân gian khác. Bơi, đua chia làm 2 buổi để trưa đó còn giữ chân khách, thưởng thức đặc sản, hàn huyên.
Lễ hội hò khoan thì cần được khôi phục. Tôi có đọc trong quyển “Cẩm nang du lịch Việt Nam” có ghi hướng dẫn về điểm du lịch Quảng Bình là: “Lễ hội hò khoan vào ngày 29 tháng 2 âm lịch, địa điểm: Huyện Lệ Thuỷ”. Vấn đề là cần tổ chức lại sinh hoạt văn hoá này sao cho thành truyền thống. Sưu tầm lại lời cổ, dựng lại các cách diễn xướng, khuyến khích các nghệ nhân, thi đua giữa các làng, xã. Tại sao lại không có tiết học hò khoan trong chương trình của trường phổ thông ở Lệ Thuỷ? Sao không thể đưa hò khoan thành một tiêu chí trong xây dựng làng văn hoá?
Bạn cùng tôi thử nghỉ xem những điều trên có được không?

TIẾNG LÒNG CÒNG

Ngọc Tuân


Lòng còng, cái từ tượng thanh ấy đã gắn liền với tên làng Xuân Hồi ở Lệ Thủy. Chẳng biết tự bao giờ, ở quê tôi mỗi khi nhắc đến người Xuân Hồi là nói “dân lòng còng”, nghe ngồ ngộ, đôi khi cảm nhận như là sự miệt thị. Nhưng thực ra cái từ lòng còng đã trở thành biểu tượng độc đáo, rất đôn hậu cho một làng nhỏ, sống bằng nghề chài lưới, nép mình khiêm tốn bên bờ sông Kiến Giang. Cư dân Xuân Hồi lấy sông nước làm bạn. Hầu như nhà nào ở Xuân Hồi cũng có thuyền đánh cá. Thuyền đỗ san sát trong con hói nhỏ, thuyền neo ở bờ tre ven sông Kiến Giang. Những chiếc thuyền nhỏ được đóng bằng gỗ hai người vác được. Đánh cá là truyền thống truyền đời của cư dân Xuân Hồi. Từ người già đến con trẻ ai ai cũng giỏi nghề. Thả lưới, câu cặm, câu giăng, đặt chẹp, kéo vó… cái gì cũng biết. Đặc biệt là nghề thả lưới bén, đập lòng còng.
Lệ Thủy có mùa nước nổi, đó là vào tháng chín, tháng mười. Cuối tháng chín mưa bão dồn về miền trung. Đồng chiêm trũng Lệ Thủy ngập trắng băng trong lũ lụt. Ao đầm, đặc biệt là Đầm Sen ngập nước. Cá Đầm Sen tràn bờ, cá trong các vực Rào Con, Rào Nậy đi đẻ trứng. Cá nhiều vô kể, nhất là cá chép, cá diếc, cá rô. Chỉ hai tháng thôi, nước cạn, lũ cá cũng đã lớn. Ấy là mùa thả lưới bén, đập lòng còng của dân Xuân Hồi.
Xa quê đã lâu lắm rồi mà tôi không thể quên được âm thanh lòng còng. Lòng còng, lòng còng, lòng còng… tiếng gõ ran ran của hai cái dùi gỗ lên cây sào tre bắc ngang hai mạn thuyền chài cứ bám riết lấy tôi. Khi đang làm việc đôi khi bắt gặp âm thanh gì đó tương tự, khi đang nghỉ ngơi tâm hồn phiêu lãng về quê, khi trong giấc ngủ chập chờn mộng du về xứ sở chôn nhau cắt rốn. Nhiều đêm choàng tỉnh dậy, âm thanh lòng còng vẫn văng vẳng trong tiềm thức. Vậy là ngồi bó gối mường tượng ra cánh đồng ngập nước cuối mùa lũ. Gió đông bắc đầu mùa thổi từng cơn đuổi nhau chạy dài trên cánh đồng mênh mông. Chiếc thuyền ba lá nhỏ nhoi của vợ chồng ngư phủ làng Xuân Hồi lướt trong năn lác loi thoi. Người vợ ngồi ở đầu mũi thuyền, hai cái dùi gỗ trong tay gõ những âm thanh đều đều, gấp gáp lên cây sào tre. Người chồng đứng đằng lái, chân choãi trước sau, tay cầm cây sào đẩy mạnh. Con thuyền lao lên phía trước, sóng lăn tăn, lắp xắp dưới mũi thuyền. Thỉnh thoảng ông vung cây sào dập mạnh xuống nước “soạp, soạp”, khua một cái tung tóe. Ấy là những động tác xua đuổi làm cho cá hoảng loạn, chạy tứ tung , lao đầu vào tay lưới đã được vợ chồng ông thả trước đó. Hoàn thành một vòng khuấy động như vậy quanh tay lưới, ông khoan thai chống thuyền để người vợ nhấc lưới, thu cá. Những con cá tươi giãy giụa được gỡ ra, thả xuống lòng thuyền. Con thuyền lại được đẩy lên phía trước, lại thả lưới, đập lòng còng, quẫy nước… Chu trình ấy lặp lại, âm thanh ấy lặp lại suốt cả ngày. Một cái thuyền, hai ba cái thuyền, tiếng lòng còng vang dội trên mặt nước, loang loang lúc xa xôi, lúc gần gũi theo từng đợt gió thổi. Đồng ruộng thì mênh mông, con thuyền thì bé nhỏ, không vội vã, không trễ nải.
Thật kỳ diệu là vào những đêm trăng sáng, những ngư phủ tài ba của làng Xuân Hồi lắp thêm một tấm ván được sơn trắng dọc theo thân thuyền. Lại dọc ngang trên cánh đồng, lại vang lên âm thanh lòng còng rộn rã. Con thuyền cứ lướt đi, lũ cá chép, cá quả phóng lên khỏi mặt nước, vọt qua tấm ván màu trắng, vướng phải cái lưới bên kia mạn thuyền, rơi xuống lòng thuyền như một phép màu. Cái trò bắt cá kiểu này cho đến tận bây giờ tôi chưa được thấy ở đâu có. Hỏi chuyện các lão ngư làng Xuân Hồi mới biết tấm ván trắng đó gọi là cái "trễ". Đánh trễ dựa trên kinh nghiệm lấy ánh sáng trắng phản xạ dưới nước để đánh lừa lũ cá hay trỗ tài nhảy cao. Dưới ánh trăng, nước lấp loáng, những con thuyền trườn ngang dọc vẽ những vệt trắng trên cánh đồng nước nổi. Kết hợp với tiếng động gõ lòng còng, tiếng sào đập nước lũ cá giật mình cứ ngỡ chỗ trắng đó là vũng nước lớn nên tung mình vượt qua.
Chiều đến, những chiếc thuyền chài bé nhỏ của làng Xuân Hồi cập bến chợ Tréo, chợ Hôm. Khi chủ thuyền lật tấm sạp tre ở lòng thuyền lên, cá vẫn bơi tung tăng. Chép, Diếc, Rô, Mương, Lúi, Buôi mới lớn, béo nhẫy. Cá nhỏ, xương mềm kho với ớt xanh, nước dừa. Đun nhỏ lửa liu riu đến cạn nước. Cơm gạo mới tháng tám, gắp một con cá kho khô cong thơm thơm mùi ớt xanh, hạt tiêu mà ăn. Dẫu xa quê vài chục năm cũng không thể nào quên.
Hết mùa nước nổi, đồng điền khô cạn, dân Xuân Hồi di trú đi làm nghề khắp nơi. Người thì xuôi Hạc Hải buông câu, thả lưới. Kẻ thì xuôi thuyền thả câu vàn trên sông. Họ không dừng lại ở Lệ Thủy mà còn mang nghề đi xa ra ngoài huyện, ngoài tỉnh. Một chiếc thuyền con, trên có mái che gọi là "mui", nồi niêu, áo xống, chăn chiếu, cả nhà phiêu du. Đánh bắt đến đâu ghé chợ bán mua, đổi chác đến đó. Mùa nào củng có ngón nghề để sống. Tôi là con rể làng cá Cửa Hội, có lần, nghe dân Cửa Hội kháo nhau mua cá thuyền Quảng Bình giữa ngày biển động. Tò mò tìm đến hỏi chuyện, bất ngờ gặp dân gốc Xuân Hồi bán cá ở chợ Mai Trang, Cửa Hội (Nghệ An). Đồng hương ríu rít chuyện trò, mới hay người Xuân Hồi đi khắp nơi. Một lão ngư kể với tôi câu chuyện về quê hương làm tôi rưng rưng lệ. Ông nói rằng, ở phía nam cửa Sông Gianh có một làng tên là làng Thanh Hà (Thanh Trạch) do dân Xuân Hồi lập nên. Số là, xưa ở cửa lạch nam Sông Gianh thường có một nhóm thuyền chài của Người Xuân Hồi tụ tán, làm ăn. Không có đất, họ chỉ lấy thuyền làm nhà. Đến ngày giỗ chạp, cúng làng, không về được họ cụm nhau lại trên sông, kết thuyền, dựng đàn cúng tế. Cũng đủ bộ, chủ tế, văn sớ, đèn nến, lễ nhạc hai đêm một ngày liền. Nhà nhà còn góp lễ để cúng thành hoàng làng, cử người mang một ít về quê nộp cho làng cúng đình.
Rồi một năm, dân vạn chài Xuân Hồi ở cửa Gianh vớt được xác cá voi. Nhà vua biết vậy liền phong thần cho ngài là "Nam Hải Thượng Đẳng Thần" và cấp một phần đất "hoàng sa bạch thổ" ở làng Bồ Khê để xây đền thờ. Dân vạn chài Xuân Hồi cũng được cấp đất ở đấy để chăm lo hương khói cho thần. Ấp Thanh Hà, nay là làng Thanh Hà có từ đó. Có đất rồi, ấy vậy nhưng hàng năm dân làng vẫn tìm về Xuân Hồi mỗi dịp hội làng vào tháng ba âm lịch. Nhà nhà vẫn tìm về làng giỗ chạp cho tổ tiên. Mới biết tình quê, tình đồng tộc cứ vương vấn, đeo đẳng lấy tâm hồn người Xuân Hồi. Đồng vọng trong khói hương, trong tiếng chuông, tiếng cầu khấn của họ ở khắp mọi nơi. Ly hương bất ly tình.
Bên cái làng nhỏ bé ven sông ấy, tôi có một người của cái thời để nhớ. Và đêm đêm tiếng con tim vẫn đập như tiếng lòng còng ngày xưa.

HÒ BÀI CHÒI Ở LỆ THỦY

Ngọc Tuân


Bài chòi còn gọi là “bài tới”. Gọi là “Bài chòi” vì khi chơi người ta ngồi trên chòi cao, còn gọi là “tới” bởi vì, khi kết thúc ván người chơi hô “tới”, nôm na là vậy. Bài chòi không chỉ có ở Lệ Thủy mà nó có mặt ở cả Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên cách gọi tên, nội dung câu hò để chỉ tên quân bài ở mỗi vùng có khác nhau.

Hội bài chòi có những quy ước cụ thể cho người chơi. Về cách bài trí, trong sân chơi (thường là đình làng hoặc bãi đất trống) người ta dựng 10 cái chòi chia làm hai dãy đối diện nhau, mỗi bên 5 chòi. Chính giữa hai dãy chòi phía khán đài là một chòi cái cho người chủ trò. Các chòi được dựng bằng gỗ hoặc bằng tre, cao chừng mét rưỡi, có thang để người chơi lên xuống. Chòi được lợp bằng mái lá, hoặc cỏ gianh, có rèm che tứ bề, được trang trí cờ, hoa, câu đối sặc sỡ. Trước mỗi chòi có treo tên chòi theo quy ước thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kĩ, canh, tân, nhâm, quý). Sở dĩ người ta không chọn hàng chi để ghi tên chòi bởi chỉ có 10 chòi. Hơn nữa, đầu năm chơi xuân mà ngồi phải cái chòi không phải tuổi của mình (trong hang chi) thì cũng không hào hứng.

Cách chơi, trước tiên người chủ trò, sai người giúp việc là người chạy cờ chia 30 quân bài cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con (quân bài được dán vào một cái thẻ tre).

Sau đó người chủ trò xướng một câu hò vào cuộc rồi rút một quân bài của bộ thứ hai được đặt trong một cái ống tre cao quá đầu người trước chòi cái. Xem quân bài và hát lên bài hò có nội dung chỉ tên con bài. Nếu chòi nào có con bài đã được chia trùng tên với con bài của chủ trò thì gõ lên ba tiếng mõ.

Người chạy cờ sẽ sẽ mang đến cho chòi ấy một lá cờ xéo cầm tay. Chòi nào được 3 cờ xéo thì đánh một hồi mõ dài, rồi hô “tới”, vậy là xong một ván. Nhạc tấu lên, người ta hò chúc mừng. Người chạy cờ đội mâm, trên có phần thưởng đến dâng lên cho chòi được giải.

Một hội chơi có 8 ván. Ai tới một ván thì được đổi 3 cờ xéo lấy một cờ vuông. Nếu trúng ba cờ vuông liên tục thì được một phần thưởng đặc biệt. Lúc ấy người ta reo hò, đốt pháo, khua chiêng, gióng trống, nổi kèn in ỏi.

Bài chòi là một trò chơi mang tính văn hóa. Trước hết trò bài chòi vừa chơi vừa diễn, một lối diễn xướng mang tính quần chúng rất hay và thu hút. Nói là đánh bài, có thưởng nhưng lối đánh của bài chòi là lối diễn văn hóa. Mỗi quân bài có một tên gọi và ứng với nó là một câu hò. Khi xướng tên quân bài, người cầm cái hò lên những câu lục bát, hoặc song thất lục bát với giai điệu gần với hò khoan. Đôi khi người ta đến với trò chơi là để thi thố giọng hò, thưởng thức giọng hò của các “cao thủ” nghệ nhân, để đế xố, phụ họa cho xôm trò.

Chơi bài chòi là trò chơi có thưởng nhưng cách thưởng cũng rất văn hóa. Phần thưởng có thể là tiền, mà tiền ấy được những người chơi bỏ ra mua chòi thử vận may hoặc do những người cổ vũ thưởng vì hát hay… Ngoài tiền thưởng người ta còn thưởng câu đối, hoành phi hoặc chữ chúc phúc, lộc, thọ của các thầy đồ. Cái cách thưởng cũng rất đặc biệt. Tiền thì cho vào phong bao giấy hồng, cho lên một cái mâm đồng, đậy khăn điều, đội lên đầu. Ban nhạc chơi một khúc chúc mừng kèm theo một vài câu hát, lời hò chúc tụng vui vẻ. Đôi khi người thắng cuộc còn cao hứng đốt một bánh pháo ran ran.

Bài chòi thường diễn ra vào những dịp lễ hội hoặc tết âm lịch nên từ cái cách trang trí chòi cũng rất tươi vui, cờ hoa, lồng đèn, kết lá làm cữa, treo rèm vẽ tranh xuân hạ thu đông hoặc mô tả các điển tích. Có cả phường nhạc kèn trống, sáo nhị réo rắt. Do vào dịp lễ hội, du xuân nên nhiều khi cả nhà cùng mua một chòi ngồi chơi. Người lớn, trẻ con người cầm bài, người gõ mõ, đốt pháo, phất cờ rất nhộn nhịp. Nếu may mắn được nhiều ván thưởng cờ xéo, cờ vuông thì vô cùng hoan hỉ vì khởi đầu nhiều tài lộc.

Cách gọi tên quân bài cũng rất độc đáo, 30 quân bài có những tên gọi nôm na: Nhứt trò; Thái tử; Trạng hai; Trạng ba, Ông Âm; Con Xe; Con Gối; Bát bồng; Con Gà; Sáu dây; Tám dây; Sáu tiền; Tám tiền: Nhứt Nọc; Lá liễu; Bạch tuyết; Cửu sại; Con Đấu; Con quăng; Nhọn mõ; Lục chôm; Thẳng cẳng; Đỏ mỏ; Con giống; Con sưa; Con Dày; Con nghèo; Con Rún; Con voi; Ngủ trưa. Những ông ầm, con quăng, đỏ mỏ, con sưa, thẳng cẳng, con rún, ngủ trưa… vừa nôm na vừa địa phương mà đôi khi không phải là người Lệ Thủy thì không hiểu nổi. Ngay nội dung câu hò gọi tên quân bài cũng đậm đặc chất địa phương:

“Chớ thấy chanh chua mà chíp mẹng,
Chớ thấy vườn rộng mà lấn, mà xông.
Cam sành còn đợi quả bòng,
Cây khô lá héo bởi không ai màng.”
(con tam quăng)

Hay:

“Trên đầu bịt khăn trắng,
Răng mà vắng áo xổ trôn.
Đôi ta có hòng mong gá nghĩa, cũng sợ linh hồn vãng lai”
(con gióng)


Tuy chỉ là trò vui chơi nhưng xem ra nội dung các câu hò cũng chứa đựng nhiều nỗi niềm sâu xa khiến người ta không chỉ vui một cách hời hợt mà phải suy ngẫm, chiêm nghiệm nhiều triết lý cuộc sống:

“Thiếp thương chàng đừng cho ai biết,
Chàng thương thiếp chớ tỏ ai hay.
Thế gian nhiều kẻ lá lay,
Cực chàng chín rưỡi, khổ thiếp đây mười phần.”
(con nhọn mỏ)

Hay:

“Chồng chết gặp ba ngày tết,
Mượn cuốc mà chẳng ai cho.
Hai tay bốc cát xoa mồ,
Tình chàng nghĩa thiếp Hán – Hồ biệt ly.”
(con nhì nghèo)

“ Thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ,
Ta đây người quân tử không dành chỗ cho ai.
Ta vinh cành trúc, ta dựa cành mai,
Có ông tơ bà nguyệt xe ai nấy nhờ.”
(con tám dây)

Xem ra, bài chòi đã thành cái cớ để người ta trao duyên, gửi phận. Người ta than thân trách số. Người ta triết lý dạy đời rồi. Chơi đấy mà học đấy, trách gì chỉ có đi xem hội mà lớn bé thuộc nằm lòng nhiều câu hò đến vậy.

Rồi thì xen vào giữa các ván là các câu hò khoan do các nghệ nhân, các tay hò tung hứng, đối đáp, người xem thì xố, đế, trống điểm tán thưởng. Đôi khi hứng khởi người ta tung tiền ra thưởng. Hội bài chòi trở thành hội diễn, hội xố náo nhiệt.

Quả là một trò chơi có khích lệ và đầy tính nhân văn. Gần đây, trò chơi này đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Mong sao các nhà văn hóa, các nghệ nhân gắng giữ gìn, bảo tồn lấy nó.


NÁC LỤT VỀ

Ngọc Tuân


Buổi tối, chương trình thời sự đưa tin, bão vào miền trung, nước sông Kiến Giang đang lên mức báo động 3. Vậy là lụt rồi, nước đã tràn đường, chảy qua đồng, ngập trắng làng quê tôi. Ruột gan nóng lên, chộn rộn bỡi nhiều lẽ. Lo nước về sâu quá, dìm ngập những mái ngói nhỏ nhoi ven sông của những người nghèo. Lúa ướt, chó, lợn lõm bõm trong cái lạnh của nước bạc, gà, vịt đậu cành tre chông chênh mưa vùi, gió thổi. May mắn thì được đứng chung trên chiếc bối chuối dưới trời mưa. Trong nhà, nước đã trùm mái hiên, chỉ còn cái tra bé xíu cho cả gia đình ăn, ngủ, đái, ỉa. Muốn ra ngoài phải chui qua khu đị. Lũ trẻ thì vô tư, đôi khi chúng còn thích thú. Người lớn thì nét mặt đăm chiêu, lo lắng, chốc chốc lại nhìn mớn nước ở chỗ ướt cột nhà xem nó đang lên hay là rút, để mà lo liệu. Đầu làng, cuối xóm tiếng gọi nhau ý ới, người nọ nhờ người kia giúp sức việc gì đó. Lúc thì bắt hộ con lợn lên chỗ cao, lúc thì chở hộ mấy đứa trẻ sang sơ tán bên nhà hàng xóm. Vài nhà ở ven sông, nước chảy xiết, tường lở, nhà xiêu, coi chừng đổ sụp, gọi hàng xóm giúp đưa nốt ít quần áo, chăn màn, thóc gạo về sân nhà đội. Tiếng gọi nghẹn lại trong bất lực. Thủy, hỏa, đạo tặc, nước là số một, chẳng ai cản được. Phút chốc gia tài dành dụm chắt chiu của nghề nông khốn khó có thể tuột khỏi bàn tay chai sần, run rẩy. Mưa chảy ròng trên má, lăn theo giọt nước mắt trên khuôn mặt dăn deo đầm trong nước bạc. Nghĩ đến đó tôi rùng mình, sao quê mình khổ thế? Ngót 60 năm rồi từ ngày độc lập nhiều nhà vẫn không có tiền để vượt cái nền nhà lên cao tránh lụt!

“Nác lụt thì lút cả làng”. Vậy nhưng, bên cạnh cảnh khốn khó của người nghèo, nác lụt cũng để lại nhiều kĩ niệm cho hầu hết cư dân Lệ Thủy. Có lần, gặp anh bạn đồng hương trong buổi quyên góp ủng hộ quê hương đang chìm trong lũ lụt của cơ quan. Anh ghé tai tôi nói nhỏ “Nói cậu đừng giận, dân Lệ Thủy mà nghe lụt mừng bỏ mẹ”. Câu này mà nói to là quan điểm đấy, khéo mắc vào “cái mồm làm hại cái thân”. Nhưng nghĩ lại thấy hay hay. Ừ, lụt ở Lệ Thủy chỉ có hại khi lúa chưa kịp thu hoạch. Khi đó người Lệ Thủy như chuột nhúng nước, suốt ngày loi ngoi ngoài ruộng, mò từng nắm lúa. Nếu chậm, chỉ ba ngày thôi là lúa lên mộng, vớt lên thối ủng, cho chó chó còn chê. Công cày cấy coi như toi. Giáp hạt là đói. Còn nếu như mùa màng đã thu hoạch rồi thì… Lụt thật vui.

Cỡ chừng giữa tháng 9 đến hết tháng 10 là mùa lụt ở Lệ Thủy. Mưa hoàn lưu của các cơn bão trút nước xuống mái nhà Trường Sơn, nước cuồn cuộn chảy xuống. Chỉ hai ngày mưa thôi, các cánh đồng Lệ Thủy ngập trắng nước bạc. Có lụt về, đồng điền được phủ một lớp phù sa mướt mát dưới bàn chân. Vụ chiêm năm ấy luá sẽ tốt mà chẳng cần phân tao. Có lụt về, cá đầu nguồn trẩy hội về đồng sinh nở. Thức ăn có sẵn từ những hạt lúa còn sót lại, ngâm nước, bở bung. Chúng sẽ lớn nhanh như thổi, béo nhẫy. Cất rớ, thả lưới bén, đặt đó, đập lòng còng… kiểu gì cũng có cá ăn. Có lụt về, lũ chuột, sâu bọ, rắn rết bị đẩy trôi ra biển, mùa màng năm ấy đỡ lo diệt chuột. Vậy sao lại không vui.

Lụt chỉ để lại nỗi lo cho người lớn. Còn chúng tôi, lũ trẻ con mừng vui ra mặt. Mưa chỉ hai ngày thôi là ra sân ngóng trời. Nếu mây còn đen, gió đông vẫn thổi là vác dao ra vườn chặt chuối, vót cây tre, đóng bối, neo sẵn ở vườn. Đứa nào cũng “ra ngóng, vào trông”, lấy que làm cữ xem nước. Thỉnh thoảng lại chạy ra xem nó lên, hay xuống. Thường về đêm nước lên thật nhanh. Nước chưa vào nhà thì nằm trên giường nhưng chân lại thõng xuống đất. Sợ nước lên mà ngủ quên không biết. Nói là ngủ đấy, nhưng tai vẫn lắng nghe tiếng nước ì oạp ngoài thềm. Ngoài trổông, tiếng con sào của ai đó va lộc cộc vào mạn thuyền. Thỉnh thoảng có ánh đèn pin rọi tới, tiếng người bâng quơ “Bác ơi, nác vô nhà chưa?”. Ấy là người ta quan tâm đến nhau và sẵn sang giúp đỡ. Nửa đêm, nước tràn qua nền nhà. Lúc đầu là những đợt sóng rè rè đuổi nhau. Một lúc sau, nước đã lên mấp mé thành giường. Đã cảm nhận được cái lạnh dưới chiếu. Những lúc đó, tôi mong cho trời mau sáng.

Khi mới nhận ra màu sáng bạc của ngày mới, tôi đã tõm xuống nước. Lạnh. Cái lạnh của nước bạc thấm nhanh đến xương nhưng với tôi nó chẳng mùi mẽ gì. Mẹ tôi dậy từ lúc nào hay bà thức trắng đêm cũng chẳng biết. Mùi ngô rang thơm lừng đã vây bọc lấy cái mũi. Tôi hít hà, sán đến, cười nịnh rồi bốc vài nắm cho vào túi. Tay bốc ngô nhưng chân đã lội ra thềm, với cây sào, ra sân, trèo tót lên bối. Chẳng gì vui bằng rủ lũ bạn đi đoọc chuột, đi bắt chim trời ướt cánh trôi trên đồng. Từ mấy hôm trước, lũ chúng tôi đã hí hoáy làm đoọc. Lấy thanh sắt tròn cỡ cái đũa, đập bẹp đầu, cắt nhọn, làm ngạnh rồi buộc chặt vào cây hóp dài. Lũ chuột bị ngập nước trèo lên cây tránh lụt, thấy người là run cói rói mà bất lực. Cứ nhắm thẳng cái đọoc vô bụng hắn rồi đâm tới. Có con bí quá đành phi xuống nước. Đã có lũ chó hăng hái ngồi trên bối chờ sẵn. Chúng nhao xuống, bơi theo, ngoạp lấy rồi bơi về nộp cho chủ. Tối ấy thể nào cũng có bữa thịt chuột kho măng tre với ớt bột.

Chịu khó và gan góc một tí thì chống bối ra đồng ngoài, sau muà gặt, lũ chim trích, chim cuốc con chưa đủ cánh, không bay được bơi dập dềnh trên sóng. Đi bối thì chậm, không đuổi được, phải nhào xuống, bơi, lặn theo chúng. Lũ trẻ chúng tôi chia ra nhiều hướng vây, đuổi, ngụp lặn chẳng khác gì đám trích mẹ. Đến chiều, thường thường gió sẽ đổi chiều Đông – Tây. Sóng dồi từ phía Đồng Hới lên, những cái bối tự dưng như được đẩy lên, chẳng cần chống cũng về được đến nhà. Chim non ấy mà nướng lên, chấm muối chanh thì mê mẫn.

Đoọc chuột, bắt chim, những trò ấy chỉ là trẻ cấp một, cấp hai, lớn hơn một chút lên cấp ba là liều lĩnh hơn, tham gia những trò mạo hiểm hơn. Trò vớt rều. Nói là rều thì hình dung đó là củi cành, lau sậy khô trên rừng trôi về. Nào phải vậy, gỗ, cơ man nào là gỗ. Gỗ cây, gỗ súc người ta khai thác trên rừng chưa kịp kéo về theo dòng nước lũ trôi băng băng. Chính quyền cấm, ai vớt được là tịch thu. Nhưng không vớt thì nó cũng trôi ra biển. Vậy là chèo thuyền ra sông Kiến Giang đón đợi. Củi rều thì chuyện nhỏ nhưng gỗ lớn thì không đơn giản. Những cây gỗ lao băng băng theo dòng nước, nếu sơ sểnh để nó tông thẳng vào thuyền là coi như xong. Thằng chèo lái, thằng chèo mũi, phải khéo léo áp thuyền vào cạnh nó, trong tay cầm sẵn cái móc sắt to. Bập vào, mà chỉ được bập ở phần đuôi rồi để cho nó kéo thuyền đi. Lựa theo dòng chảy mà lái vào bờ, buộc chặt vào lái hoặc nhận chìm đò cho nó vào rồi tát nác đi, chèo về.

Đông vui nhất vẫn là trò cất rớ. Lụt đến là hầu như nhà nào cũng có rớ. Chỗ nước tràn đường là nơi xôm tụ nhất. Cá đi đẻ thường ngợp nước ở chỗ chảy xiết. Sau cái dòng xiết ấy mà có một khoảng nước quẫn là lắm cá chép. Chỗ cống từ đồng đổ ra sông thường nhiều cá rô thóc, cá lúi. Đám cất rớ ai cũng có cái chạc ba bằng tre cắm trước mặt để gác cái sào rớ và buộc cái roộng. Cất rớ mà được nước là say lắm, đứng cả ngày không biết mỏi.
Đêm nay trời lại mưa, muốn về quê lắm.

THƯỚC LỖ BAN


Trong nhiều loại thước “Địa lý” để sử dụng vào việc xây dựng và nhiều việc khác, có thước LỖ-BAN  và được mọi người yêu chuộng nhất, vì qua hàng ngàn năm sử dụng người ta thấy nó rất đúng với những gì trong thước đã nói. 
Vậy Lỗ Ban là ai:
Lỗ Ban, họ Công Thâu (Du) tên gọi là Ban, người nước Lỗ đời Xuân Thu (hiện thuộc tỉnh Sơn Đông). Vì ông là người nước Lỗ, cho nên mọi người đều gọi ông là Lỗ Ban. Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Hàng ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng đều tôn thờ ông như một vị tổ sư, ngày vía là 13 tháng 6 Âm lịch. 
Thước Lỗ Ban (52cm) và ý nghĩa của nó:
Chiều dài chính xác của thước Lỗ-Ban này là 520 mm.
Được chia ra làm 8 cung lớn : Theo thứ tự từ cung Quý nhân, Hiểm họa, Thiên tai, Thiên tài, Nhân lộc,Cô độc, Thiên tặc, Tể tướng. Mỗi cung lớn dài 65 mm.
Mỗi cung lớn lại được chia ra làm 5 cung nhỏ. Mỗi cung nhỏ dài 13 mm.
Ý nghĩa của các cung như sau:
1- Cung Quý nhân: Nhất tài mộc cuộc (tốt).
Cung QUÝ NHÂN còn có tên là Nhất tài mộc cuộc (thuộc mộc), gồm có năm cung nhỏ là:   Quyền lộc- Trung tín- Xác quan- Phát đạt- Thông minh.
Có nghĩa, đo được cung QUÝ NHÂN thì gia cảnh sẽ được khả quan, có người giúp đỡ, quyền thế, lộc thực tăng, làm ăn luôn phát đạt, người ăn ở bạn bè trung thành, con cái thông minh trên đường học vấn. Nhưng chớ quá tham lam, làm điều bất chính thì sẽ bị mất hết.
2- Cung Hiểm họa: Nhị bình thổ cuộc (xấu).
Cung HIỂM HỌA còn có tên Nhị bình thổ cuộc (thuộc thổ), gồm có năm cung nhỏ là:   Tán thành- Thời nhơn- Thất hiếu- Tai họa- Trường bịnh.
Có nghĩa, đo vào cung HIỂM HỌA thì gia cảnh sẽ bị tán tài lộc, trôi giạt tha phương mà sống vẫn thiếu hụt, con cháu dâm ô hư thân mất nết.
3-  Cung Thiên tai: Tam ly thổ cuộc (xấu).
Cung THIÊN TAI còn có tên là Tam ly thổ cuộc (thuộc thổ), gồm có năm cung nhỏ là: Hoàn tử- Quan tài- Thân bệnh- Thối tài- Cô quả.
Có nghĩa, đo vào cung THIÊN TAI thì gia cảnh coi chừng đau ốm nặng, chết chóc, mất của, cô độc, vợ chồng xung khắc, con cái gặp nạn.
4-     Cung Thiên tài: Tứ nghĩa thủy cuộc (tốt)
Cung THIÊN TÀI còn có tên Tứ nghĩa thủy cuộc (thuộc thủy), gồm có năm cung nhỏ là:   Thi thơ- Văn học- Thanh quý- Tác lộc- Thiên lộc.
Có nghĩa, đo được cung THIÊN TÀI thì gia cảnh rất tốt, chủ nhà luôn luôn may mắn về tước lộc, con cái được nhờ và hiếu thảo. Cuộc sống luôn luôn được ăn ngon mặc đẹp, tiền bạc vô đều.
5- Cung Nhân lộc: Ngũ quan kim cuộc (tốt).
Cung NHÂN LỘC còn có tên Ngũ quan kim cuộc (thuộc kim), gồm có năm cung nhỏ là:   Tử tôn- Phú quý- Tấn bửu- Thập thiện- Văn chương.
Có nghĩa, đo được cung NHÂN LỘC thì gia cảnh có nghề nghiệp luôn luôn phát triển tinh vi đắc lợi, con cái học giỏi, gia đạo phú quý, tuổi thọ.
6- Cung Cô độc: Lục cước hóa cuộc (xấu).
Cung CÔ ĐỘC còn có tên Lục cước hóa cuộc (thuộc hỏa), gồm có năm cung nhỏ là: Bạo nghịch- Vô vong- Ly tán- Tửu thực- Dâm dục.
Có nghĩa, đo vào cung CÔ ĐỘC thì gia cảnh bị hao người, hao của, biệt ly, con cái ngổ nghịch, trác táng, tửu sắc vô độ đến chết.
7-    Cung Thiên tặc: Thất tai hỏa cuộc (xấu).
Cung THIÊN TẶC còn có tên Thất tai hỏa cuộc (thuộc hỏa), gồm có năm cung nhỏ là:   Phòng bịnh- Chiêu ôn- Ôn tai- Ngục tù- Quan tài.
Có nghĩa đo vào cung THIÊN TẶC thì gia cảnh nên đề phòng bệnh đưa đến bất ngờ, tai bay họa gởi, ngục tù, chết chóc. Phải sửa cửa ngay.
8- Cung Tể tướng: Bác bời thổ cuộc (tốt).
Cung TỂ TƯỚNG còn có tên Bác bời thổ cuộc ( thuộc thổ), gồm có năm cung nhỏ là: Đại tài- Thi thơ- Hoạnh tài- Hiếu tử- Quý nhân.
Có nghĩa, đo được cung TỂ TƯỚNG thì gia cảnh được hanh thông đủ mọi mặt: con cái, tiền tài, công danh, sinh con quý tử, thông minh, hiếu thảo. Gia chủ luôn được may mắn bất ngờ.
Cung 1, 4, 5, 8 là cung Bụng (thuộc dương).
Cung 2, 3, 6, 7 là cung Nút (thuộc âm).
Những đồ dùng, vật dụng làm bằng gỗ từ lớn đến nhỏ nên lưu ý chọn cung tốt.
Ngày nay, vật liệu mới đã dần thay thế tre, gỗ. Song khi thiết kế cần lưu ý đến kích thước Lỗ Ban để tránh hiểm họa do sơ ý không đáng có.